Tiểu thuyết Xách ba lô lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà - Huyền Phi (Phần 2)

pdf 116 trang Đức Chiến 03/01/2024 2140
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tiểu thuyết Xách ba lô lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà - Huyền Phi (Phần 2)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftieu_thuyet_xach_ba_lo_len_va_di_tap_1_chau_a_la_nha_huyen_p.pdf

Nội dung text: Tiểu thuyết Xách ba lô lên và đi - Tập 1: Châu Á là nhà - Huyền Phi (Phần 2)

  1. 46. Lễ hội Chim Mỏ Sừng Tàu đến Dimapur đi qua những cánh đồng lúa chín vàng óng ả, lấm tấm đầm hoa sen. Ven cánh đồng, những ngôi nhà nhỏ xinh xắn có vườn, có ao không khác gì phong cảnh làng quê Việt Nam yên bình. Nhà Asenla và Temsu là một căn biệt thự xinh xắn nằm trong một khu cũng toàn biệt thự. Hai người thừa hưởng căn biệt thự này từ bố của Temsu vốn là một Đức Cha đạo Tin lành. “Nhà cô đẹp quá”. “Hi hi, đẹp không? Đợi tối đèn lên còn đẹp nữa. Nhà cô cả tuần vừa rồi trang trí mừng Giáng sinh đấy. Deo vừa về nước cũng phải bắc thang lên treo đèn dây”. Deo là con trai cả cô đang du học ở Singapore, tranh thủ kỳ nghỉ về thăm gia đình. Ngoài Deo ra, cô còn có con gái Leia mới mười lăm tuổi và con trai Arenlong thua tôi hai tuổi. “Ở Việt Nam mọi người có đón Giáng sinh không?”. “Ít lắm. Ở thành phố lớn thì các trung tâm mua sắm có trang trí cây Noel. Ở quê con trang trí cũng đẹp vì quê con là quê đạo. Nhưng ở các tỉnh thành khác thì không. Giáng sinh không phải là dịp nghỉ lễ”. “Con theo đ “Cơ đốc giáo ạ”. Tôi trả lời mà thầm nghĩ không biết mọi người ở quê tôi mà biết tôi đang đón Giáng sinh với người theo đạo Tin lành thì sẽ nghĩ sao. Ở quê tôi, mọi người còn khá cứng nhắc trong việc nhìn nhận các tôn giáo khác, hay thậm chí là các chi nhánh khác của cùng một tôn giáo. Tôi nhớ có một người họ hàng của tôi đi Mỹ về, cải sang đạo Tin lành đã bị gia đình phản đối kịch liệt. “Cơ đốc giáo hay Tin lành cũng thế cả. Thiên Chúa chỉ có một mà thôi”. Người Đông Bắc không chỉ nhìn giống người Đông Nam Á, mà cách họ ăn uống cũng rất giống người Đông Nam Á. Trong khi khắp Ấn Độ người ta kiêng ăn thịt lợn, thịt bò thì ở đây mọi người ăn tất. Họ cũng ăn lòng lợn, ăn măng, ăn đủ các loại lá kỳ quặc. Khi tôi còn ở đấy, Temsu còn mua ong về chiêu đãi tôi. Ong là đặc sản của khu vực này, ngon và cực kỳ đắt. Cách nấu nướng cũng khá gần cách nấu nướng ở Việt Nam mình. Tôi ở Ấn Độ và Nepal sụt cân trầm trọng thì khi đến đây lại tăng cân nhanh chóng. Lễ hội Chim Mỏ Sừng được tổ chức tại Kohima, thủ phủ bang Nagaland. Kohima nằm tít trên đồi, cách Dimapur gần hai tiếng lái xe. Tôi lên Kohima lần đần tiên là đêm khai mạc lễ hội. Bé Leia, từng được giải nhì Tiếng hát triển vọng bang Nagaland, được mời hát trong đêm đấy. Lần thứ hai lên lễ hội Chim Mỏ Sừng, chúng tôi lên từ sáng sớm để không bỏ lỡ các màn trình diễn. Tôi hơi ngạc nhiên vì cứ nghĩ rằng lễ hội lớn nhất trong năm của khu vực được coi là mảnh đất của những lễ hội này phải đông hơn nữa. Khách du lịch rất rất hiếm. Tôi có lên một số diễn đàn du lịch tìm hiểu trước về lễ hội này thì nhận ra rằng rất nhiều khách du
  2. lịch không biết cách đến Nagaland thế nào, hay làm sao để xin được giấy phép. Nói như thế không có nghĩa là tôi thất vọng. Ngược lại, tôi thấy hơi hơi vui vui vì có thể tha hồ lượn lờ mà không phải chen chúc. Mỗi bộ tộc có một khu nhà riêng với kiến trúc đặc trưng, trang trí những hoa văn riêng, phục vụ đồ ăn riêng của khu vực đấy. Ngay trung tâm khu vực lễ hội là nơi biểu diễn các điệu múa, trình diễn ca nhạc đặc trưng của những người con Nagaland. Thực ra với bản thân tôi, được tận mắt nhìn thấy những nét văn hóa khác biệt như thế là một trải nghiệm hết sức thú vị, nhưng nó không phải là những thứ sẽ làm thay đổi suy nghĩ hay tính cách con người tôi. Tôi ấn tượng hơn với những người mà tôi gặp. Một người trong số đó là người cậu của Asenla. Ông có một ngôi nhà hết sức đặc biệt. Ngôi nhà không phải là ngôi nhà rộng nhất, nhưng là ngôi nhà có thiết kế quái nhất mà tôi từng vào. Nằm trên đồi, phía trước hướng ra mặt đường nhưng mặt phía sau lại chênh vênh hẻm đá nhìn thằng xuống thung lũng. Tường lẫn vào vách núi, phòng khuất trong bóng đá, tầng này so le với tầng kia, hai ba cầu thang lắt léo vào nhau khiến cho người lạ vào đây có cảm giác cứ như bước vào ma trận. Leia bảo hồi nhỏ đến đây cô bé đã từng khóc mấy lần vì bị lạc. Tôi được dẫn đi tham quan mà cũng chóng hết cảm mặt. Nhà có bống phòng khách, hai nhà bếp: một nhà bếp nếu đồ ăn Tây và một nhà bếp nấu đồ ăn truyền thống của người Ấn Độ, hai phòng làm việc, một phòng gym, vô số hành lang, phòng ngủ. Hỏi ra tôi mới biết cậu của Asenla làm cho chính quyền bang. Ông là một trong những người có công lớn trong việc đưa Nagaland ra khỏi cuộc xung đột các bộ tộc. “Tại sao Nagaland lại là khu vực giới hạn hả ông?”. Tôi đã thắc mắc rất nhiều nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời thỏa đáng. Một số người thì nói rằng bởi vì Nagaland là một khu vực có nhiều xung đột nên nguy hiểm với du khách. Nhưng tôi thấy không đúng, vì những khu như Mumbai, New Delhi thỉnh thoảng bị đánh bom mà có bị giới hạn đâu. Hơn nữa, bản thân tôi cảm nhận thì Nagaland là một khu vực vô cùng an toàn, người dân cực kỳ văn minh và thân thiện. Một số người khác thì nói rằng là vì Nagaland cũng như các tỉnh phía Đông Bắc chưa phát triển nên sẽ không tiện cho khách du lịch. Du lịch cũng có nhiều kiểu du lịch, tiện hay không tiện là do khách người ta chọn chứ chính quyền sao phải chọn cho người ta? Hơn nữa, phải có khách du lịch đến mới có tiền mà đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chứ. “Dùng từ giới hạn thì không đúng, mà cháu có thể nói khu vực này là khu vực được bảo vệ”. “Bảo vệ cái gì khỏi cái gì ạ?”. “Bảo vệ văn hóa địa phương khỏi văn hóa ngoại lai”. “Ủa, thế văn hóa các vùng khác không cần hay không đáng bảo vệ h “Có thể họ coi cái lợi thu về từ du lịch quan trọng hơn”. “Nagaland có phải là một khu vực tự trị không hả ông?”.
  3. “Nagaland có quyền tự trị cao hơn các bang khác, nhưng nó vẫn là một bang của Ấn Độ. Bộ tộc Naga được trao quyền đặc biệt để giải quyết những vẫn đề nội bộ của họ”. “Có phải nhiều người ở đây muốn nó thành khu vực tự trị hoàn toàn không ạ?”. “Ha ha ha, chính trị Nagaland rất phức tạp, chắc chắn sẽ có người muốn thế này và sẽ có người muốn thế kia. Chính vì vậy mới có xung đột”. Thỉnh thoảng ở Nagaland vẫn có lệnh giới nghiêm do xung đột giữa các bộ tộc với nhau, hay xung đột giữa các tổ chức với chính quyền Nhà nước. “Ông ủng hộ chính sách nào ạ?”. “Ha ha ha, ông là người làm Nhà nước, làm sao ông trả lời được câu này”. Một gia đình khác để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc cho tôi là gia đình Akum Amri. Biết tôi quý trẻ em, Asenla nhờ một người bạn của cô là Robert dẫn tôi đến thăm trại trẻ mồ côi Enbenzer Orphanage Home. Akum là một anh chàng giản dị với nụ cười hiền hậu. Trại trẻ mồ côi là một ngôi nhà hai tầng hết sức đơn sơ. Một phòng cho bố mẹ anh, một phòng cho anh, một phòng cho các bé trai, một phòng cho các bé gái. Phòng khách chỉ có một bộ bàn ghế bọc nhung đã bạc màu, rách lỗ chỗ. Ly trà vợ chồng anh mời chúng tôi đều đã sứt mẻ, nhưng tôi biết đây là những ly đẹp nhất mà anh có, bởi bản thân anh và bố mẹ chỉ uống ly nhựa đã đen sì như thể đã dùng được mấy chục năm rồi. Cả gia đình anh sinh hoạt luôn ở đây cùng với các bé: Các bé ăn gì, gia đình ăn nấy như một đại gia đình thật sự. Các bé được đến trường. Ngoài giờ học, các bé được dạy giúp đỡà như trồng rau, nấu ăn. Tất cả chi phí đều là do gia đình anh và một số người hảo tâm giúp đỡ. Tôi đã đến thăm nhiều trại trẻ mồ côi, nhưng hầu hết ban quản trị ở đó đều là những người làm việc đó như một việc làm công ăn lương. Tự san sẻ những gì mình có trong khi bản thân cũng chưa có gì nhiều như gia đình nhà này thì thực sự bây giờ tôi mới gặp. Một lần khác, Robert dẫn tôi đến lớp học sáng chủ nhật của trẻ em xóm núi ở nhà mẹ anh. Những bé này không phải là mồ côi mà là trẻ em nghèo. Đói ăn vụng, túng làm liều, nhiều trẻ em nghèo không có điều kiện đi học dễ bị lôi kéo dụ dỗ làm điều xấu. Hàng tuần, Robert cùng một người bạn nữa của anh tổ chức lớp học sáng chủ nhật nhằm giúp các bé định hướng tốt hơn cho tương lai của mình, dạy các bé điều hay lẽ phải. Người bạn của anh sẽ dạy các bé hát, kể chuyện ngụ ngôn cho các bé, tóm tắt qua tin tức mà các bé nên biết. Đấy là những gì tôi đoán chứ thực ra tôi chẳng hiểu tiếng mọi người dùng ở đấy là tiếng gì. Để động viên các bé đến lớp, Robert và bạn bè thỉng thoảng quyên góp quần áo cũ, bánh kẹo, sách vở tặng cho các bé. Tặng quà xong, Robert kêu tôi kể chuyện gì đó cho các bé nghe, anh đứng phiên dịch. Lúng túng, tôi quyết định nói về đề tài mà tôi thích nói về nhất: ước mơ. “Chị là Chip, đến từ Việt Nam. Các em biết Việt Nam ở đâu không?” Một bé rụt rè:
  4. “Trung Quốc ạ?” “Ha ha không. Việt Nam là nước giáp Trung Quốc, nhưng không thuộc Trung Quốc. Việt Nam không giàu. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tương đương Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng như Ấn Độ, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển với rất nhiều cơ hội mới cho những người dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ. Chị có một ước mơ điên rồ là đi vòng quanh thế giới. Điều này sẽ dễ thực hiện hơn nếu mình có rất rất nhiều tiền. Chị là một đứa rất rất nghèo, nhưng chị vẫn đang từng bước thực hiện ước mơ của mình. Chị đã đi qua Đông Nam Á và giờ chị đã đi được kha khá của Ấn Độ. Để theo đuổi ước mơ, tiền không phải là tất cả, ý chí nghị lực đôi khi có thể mang lại những điều mà tiền không thể mua được”. Tôi kể cho các bé chuyện tôi muốn đi học Aptech nhưng lại không có tiền đi học. Tôi đã viết email đến tất cả các công ty tôi quen nói với họ tại sao tôi lại mong muốn học Aptech như thế và xin họ tài trợ. Chỉ có một công ty duy nhất trả lời, đó là FPT, và tôi đã được tài trợ để đi học thế nào. Tôi kể cho các bé chuyện tôi leo núi ở Katra, khi tôi không có tiền nên tôi đã đi bộ, và nhờ thế mà tôi được có được những trải nghiệm thú vị mà nếu tôi đi như người có tiền, tôi đã không có được. “Đừng nhìn việc không có tiền là một cản trở, mà nhìn nó như một thử thách để phát huy sự sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề của mình”. Lúc đấy tôi cũng không chắc về những gì mình nói đâu, cũng chẳng biết bản thân mình còn đi được bao lâu nữa, nhưng tôi vẫn giả bộ tự tin hết mức với hy vọng phần nào truyện được động lực cho các bé. Tôi cũng chẳng rõ mình nói thế có xi nhê gì không, nhưng Robert khi ra về có vẻ rất xúc động. Anh bảo, khi Asenla giới thiệu về tôi, anh cũng chưa rõ điều gì ở tôi khiến Asenla quý như vậy. Nhưng đến giờ thì anh đã hiểu: Ở tôi có một nghị lực và một cách nhìn nhận cuộc sống vô cùng khác lạ.
  5. 47. Ngủ lang ở Guwahati Trên đường về lại Nepal, tôi quyết định dừng chân ở Guwahati. Tàu đến Guwahati lúc nửa đêm, thấy bên ngoài không có vẻ gì là an toàn cả, tôi ngồi trong ga ngủ. Sớm quá không muốn đánh thức ai, tôi tính đi dạo vòng vòng quanh thành phố đợi trời sáng hẳn sẽ ra điện thoại công cộng gọi cho Devraj, một CouchSurfer mà tôi đã liên hệ từ trước. Cũng giống như ăn cá phải ăn lúc còn tươi, muốn tìm hiểu một thành phố thì phải chọn lúc sáng sớm, khi mà thành phố đang bắt đầu lấy lại nhịp sống sôi động hàng ngày nhưng chưa đủ tỉnh táo để che đậy những bí mật riêng tư nhất của mình. Một người phụ nữ trải báo nằm ngủ ngay dưới chân tượng nữ thần Durga. Một dãy đàn ông ngồi xổm bên đường hồn nhiên làm vệ sinh buổi sáng. Một em bé ngồi chống cẳm bên thùng bánh, ngáp không buồn che miệng. Một cụ già vừa quét vỉa hè, vừa nhóp nhép nhai trầu. Một anh thợ cắt tóc hí hoáy cạo râu cho một người đàn ông trung niên trên vỉa hè, những vị khách còn lại kiên nhẫn đọc báo đứng chờ. Một cô gái một tay cầm tràng hoa cúc, một tay khẽ nhấc chân bộ sari rực rỡ bước từng bậc lên chùa. Chợ trung tâm đã bắt đầu lấy lại sự nhộn nhịp. Chợ ở Guwahati rất lớn, tràn ngập hoa quả, gia vị, xoong nồi, củi đun, trầm thơm, hoa cúng, lá dừa khô để lợp nhà, cỏ lau khô để làm chổi. Khác với chợ Việt Nam, đồ ăn Ấn Độ không nhiều thịt cá, rất nhiều rau củ quả, nhiều nhất là ớt. Người Guwahati cũng ăn trầu cau như mình. Cau vàng óng ả chất thành từng bao đầy oạp, lá trầu không xanh ngắt xếp tròn thành từng vòng. Đất đai Guwahati màu mỡ, quả nào cũng căng tròn, béo ngậy, màu sắc tươi giòn. Tôi mua cho mình một nải chuối đi ra bờ sông ngồi ăn. Sông Guwahati có bãi cát trắng muốt, tỏa ra một vầng sáng mờ ảo trong ánh nắng ban mai. Bãi cát này rộng phải đến năm mươi mét, là nơi diễn ra mọi sinh hoạt của ngư dân nơi đây. Lần đầu tiên ở Ấn Độ tôi thấy đàn ôn giặt quần áo. Những người đàn ông ngâm nửa người dưới nước, hì hụi vo vo, đập đập. Hàng chục dây căng dài kín đặc quần áo: hàng trăm chiếc quần phăng xanh, hàng trăm chiếc khăn trắng – loại được dùng để làm quấn quanh hông dạng như khố. Tôi đoán là họ nhận giặt quần áo thuê, chứ làm gì có ai nhiều quần áo thế. Khắp bờ sông rải rác những hình nộm làm từ rơm. Trong dịp lễ hội, chúng được khoác quần áo, được thờ cúng như những vị thần. Giờ đây hết thời, chúng bị lột trần truồng vứt văng vứt vãi mé nước, sứt đầu, sứt tay, sứt chân. Những xác thuyền sắt được tận dụng làm hotel giờ mới bắt đầu mở cửa. Hotel ở Ấn Độ có rất nhiều nghĩa và trong văn cảnh này nó có nghĩa là quán ăn nhỏ. Devraj đến đón tôi về nhà anh. Tóc anh dài, râu anh rậm rạp, tương phản với khuôn mặt non choẹt. Anh sống với bố mẹ trong một ngôi nhà xây kiểu thực dân cũ hết sức ngăn nắp và sạch sẽ, có phòng riêng cho khách. Đám bạn của anh lúc đó đã
  6. ở đó cả, đang ngồi xem video chuyến đua xe ô tô độ mà anh vừa thực hiện với một nhóm nhiếp ảnh gia khác trên đường đến xem lễ hội Chim Mỏ Sừng. Anh cẩn thận đóng cửa, rồi quay sang nói với đám bạn: “Được rồi đấy. Cuốn đi”. “Cuối tuần nào mọi người cũng gặp nhau thế này à?”. Tôi hỏi “À, Devraj với anh ngày nào chẳng gặp”. Raju, anh chàng to cao, râu quai nón đặc trưng của người khu vực miền Bắc Ấn Độ, nhưng cười thì duyên đến đau tim vừa cuốn thuốc vừa bảo: “Tuần này có hai người từ Delhi đến nên tất cả mọi người tụ tập”. “Mọi người có tính đi đâu cuối tuần này không? Đi Bhutan đi”. Devraj phá lên cười. “Chip muốn đi Bhutan mà không có tiền mua visa, nên đang tìm ai lái xe qua biên giới cho nó chui xuống ghế xe lẻn vào”. Người Ấn Độ không cần visa để vào Bhutan, nhưng người từ các quốc giá khác muốn vào Bhutan phải trả tiền visa khoảng $200/ngày. “Ha ha, dám liều không? Để anh hỏi thử bạn bè xem có ai đi không. Ngày mai bọn anh tính ra đi ra đảo”. “Ủa, ở Guwahati có biển đâu mà có đảo?”. “Thế mới đặc biệt. Đảo đẹp nhất trần gian, không một bóng người, hoang sơ đến từng centimet”. “Nhìn này”. Devraj cười bí hiểm lôi ra một cái loa đĩa USB chạy bằng pin. “Mua dành riêng cho dịp này đấy. Nghe thử đi, âm thanh ngon chết luôn. Đi chơi đảo mà có nhạc nữa thì còn gì bằng”. Không ai chịu giải thích thêm cho tôi đây là đảo gì. Mãi đến buổi tối khi cả hội đi nghe nhạc, tôi mới moi được thông tin từ Devraj. Hòn đảo đấy là hòn đảo riêng của Raju. “Cái gì? Raju có một hòn đảo?”. “Ừ, thừa kế từ gia đình. Đảo trên sông thôi mà”. “Vẫn sướng. Làm sao để có một hoàn đảo bây giờ nhỉ?”. “Ha ha ha, hoặc là em có rất nhiều tiền, hoặc là gia đình em có đất đai để lại, hoặc là em cưới Raju”. Sông Brahamaputra bắt nguồn từ Tây Tạng, sang đến Assam đột ngột mở rộng, có những chỗ rộng đến mười kilomet. Hòn đảo của Raju nằm cách bờ sông khoảng nửa tiếng đi tàu. Tàu là của chú Raju luôn. Chú Raju sống ngay trên bờ trong một trang trại cũng vô cùng đáng thèm muốn. Nhà ở ngay sát bìa rừng, có vườn đầy cây trái, ao sâu thả cá, có cả túp lều thơ mộng bên ao để câu cá. Sống ở làng quê, đất đai rộng rãi thật là thích. Nếu tự nhiên cho tôi đáp máy bay lên đảo mà không thông báo gì trước, có lẽ chẳng bao giờ tôi nghĩ nó là đảo trên sông đâu. Đảo cũng có bãi cát trắng miên
  7. man, cũng có những cụm hoa muống biển tim tím, cũng có những tảng đá nước ăn mòn nhẵn bóng. Nước tuy không xanh như nước biển nhưng khá là trong. Hơn đảo ngoài biển, đảo trên sông không sợ thiếu nước ngọt. Trên đảo ngoài một khu để cắm trại và những cái ô rực rỡ sắc màu cho gia đình Raju thỉnh thoảng ra nghỉ thì khắp đảo không có dấu hiệu gì của thế giới văn minh. “Có hòn đảo đẹp thế này để không phí quá. Sao Raju không mở nó thành khu nghỉ mát hay gì đó nhỉ?”. “Nó cũng đang tính đấy. Nhưng có vẻ nó cũng không cần nhiều tiền nên cũng chưa hào hứng cho lắm”. “Raju làm việc gì hả anh?”. “Ha ha ha, Raju ơi, Chip đang hỏi mày làm gì”. Anh gào to. “Nó chẳng làm gì cả, suốt ngày đi câu cá thôi”. Nhóm bạn Devraj có vẻ lãng tử, thích đàn ca, nhảy múa, thích du lịch, thích nhiếp ảnh, thích ăn uống. Có lẽ vì thế mà tôi kết thân với nhóm này rất nhanh, vừa gặp nhau đã như quen biết từ kiếp trước vậy. Có nhóm này ở đấy là tôi cứ bị cuốn đi. Mọi người dẫn tôi đi thăm đủ các danh lam thắng cảnh, cho tôi ăn đủ món ăn quái dị của nơi này. Sau khi bàn bạc, cả hội quyết định rằng lẻn vào Bhutan là không hợp lý, bởi tôi sẽ phải trốn qua bốn trạm kiểm soát Hải quan. Hồi ấy tôi cũng ngây thơ nên nghe mọi người khuyên thế, tôi cũng dễ dàng bỏ cuộc. Không sang được Bhutan, tôi còn hơn một tuần trong visa Ấn Độ. Mọi người dụ tôi ở lại Guwahati chơi, nhưng vì cuồng chân, tôi muốn đến một nơi nào đó khác. Sau khi đọc qua thông tin trên mạng, tôi quyết định chọn Sikkim. Bí quyết đặt vé tàu ở Ấn Độ Tàu là phương tiện đi lại hết sức tiện lợi và phổ biến ở Ấn Độ. Tuy nhiên, do cầu lớn hơn cung, vé tàu bán hết rất nhanh. An toàn nhất là bạn nên đặt vé tàu từ trước. Bạn có thể vào trang: để kiểm tra chuyến tàu, giá vé, quota. Tìm được vé ứng ý thì qua irctc.co.in để mua. Kiểm tra ở Irctc cũng được nhưng erail đầy đủ hơn, tiện tra cứu hơn. Trong trường hợp bất khả kháng không kịp đặt vé trước, bạn cũng có thể mua vé phút chót bằng những cách sau. 1. Sử dụng foreign quota Hầu hết các chuyến tàu của Ấn Độ đều có quota dành cho khách nước ngoài và thường hết vé chậm hơn. Vé này không mua được online mà bạn đến tận bến tàu, hỏi Tourist Information hay Tourist Bureau để mua vé. 2. Tatkal quota Nôm na là vé ngày chót. Mỗi chuyến tàu đều có một số ghế nhất định dành cho người cần mua vé gấp. Vé tatkal được bán hai ngày trước ngày đi, bắt đầu từ tám giờ sáng. Ví dụ nếu bạn muốn đi ngày 24 thì 9h sáng 22 phải ngồi rì mua luôn. Vé này bán rất nhanh, có khi mười phút đã hết rồi. Bạn có thể tham khảo thêm ở đây:
  8. –railways/tatkal–cheme.html 3. Platform Ticket Vé này là vé đi từ bến tàu này đến bến tàu khác, nhưng không có số ghế. Bạn sẽ phải lên khoang dành riêng cho hạng vé này, chen lấn có chỗ ngồi là may. Nhưng vé này lúc nào cũng có và giá rất rẻ.
  9. 48. Cuộc gặp gỡ tình cờ ở Sikkim Sau khi dành một ngày lang thang ở Darjeeling – quê hương của cô bạn Anu dễ thương, tôi bắt taxi lúc bảy giờ tôi lên Sikkim. Taxi thực ra là xe Jeep, bảy chỗ ngồi nhưng được cải tiến thành mười bốn chỗ. Tôi bị nhét vào ngồi phía sau khu vực mà đáng lẽ là để hành lý. Chật, mông tôi ngồi phía sau những mặt phải đu ra phía trước. Anh chàng ngồi phía trước tôi tranh thủ bắt chuyện. Trời tối, anh bịt mặt kín mít như ninja, tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là làn da săn vì lạnh, đôi mắt sắc một mí của người Tây Tạng. Kalden, tên anh, cùng nhóm bạn đi tình nguyện ở Dharamsala, đang trên đường về lại Sikkim. “Em từ đâu đến?”. “Việt Nam anh ạ”. “May quá, không phải người Trung Quốc”. “Ha ha, em cũng thấy may”. Chúng tôi nói chuyện khá hợp. Nói chung, đi nhiều gặp nhiều người tôi nhận ra rằng ngoại trừ một số người cực kỳ lạnh lùng hay tẻ nhạt ra, tôi nói chuyện với ai cũng hợp. Bí quyết chính để nói chuyện là tìm ra những mối quan tâm chung. Mà cái gì tôi cũng quan tâm một tí nên gió chiều nào cũng xoay theo “Em thích đọc sách gì?”. “Đủ loại sách anh ạ. Anh thích đọc sách gì?”. Anh kể ra Harry Potter, Chúa tể của những chiếc nhẫn, mấy cuốn của Dan Brown, mấy cuốn sách phát triển bản thân mà tôi không thích lắm, mấy cuốn sách nổi tiếng của Ấn Độ như White Tiger, Shantaram, The God of Small Things. Anh hết sức ngạc nhiên khi tôi nói tôi cũng đọc hết mấy cuốn đấy, bởi trong đám bạn anh chỉ có mỗi anh thích đọc sách. Còn tôi cũng rất ngạc nhiên khi biết là anh ngạc nhiên. Có lẽ anh ở trên núi lâu quá, chứ những cuốn anh đọc đều thuộc dòng văn học phổ thông. “Em có giấy phép vào Sikkim chưa?”. “Em chưa. Em đọc trên mạng thấy bảo là đến nơi xin cũng được”. “Ừ. Để lát đến Sikkim anh xin cho. Anh là hướng dẫn viên du lịch mà”. “Ủa, em tưởng anh bảo là anh là giáo viên?”. “Thỉnh thoảng cũng phải làm hướng dẫn viên du lịch mới đủ sống chứ. Nhưng yên tâm, anh không tính tiền em đâu”. Xe càng lên cao càng lạnh, trời càng về khuya càng buốt. Bên ngoài tối đen như mực, lốm đốm những mảng đèn sáng le lói của làng mạc lưng chừng đèo. Xe đến biên giới Sikkim lúc đã hơn mười giờ. Trạm làm giấy phép đã đóng cửa ngủ im ắng. Kalden và bác lái xe phải đập cửa gọi gần mười lăm phút mới có người lò dò ra. Bác trực ở đây tuy ngái ngủ nhưng không có vẻ gì cáu bẳn. Bác còn cười sảng khoái khi nghe tôi bập bẹ máy từ tiếng Sikkim mà Kalden dạy tôi trên xe. Lấy
  10. được con dấu, tôi mừng rơn, đút tay vào túi quần lấy máy ảnh ra chụp lại con dấu làm kỷ niệm mới phát hiện nó không còn ở đấy nữa. Tôi nhớ như in lúc lên xe tôi vẫn còn máy, bởi lúc đấy tôi còn dùng nó chụp cảnh xe đông đến mức nào. Nhưng bây giờ tìm đâu cũng không thấy. Lúc người trên xe cũng đã tốt bụng chờ cho tôi xin dấu cả nửa tiếng đồng hồ nên tôi cũng không dám nghi ngờ đòi kiểm tra ai cả. Của mất thì đã mất rồi, tôi chỉ thở dài không biết bao giờ mình mới có tiền mua được máy ảnh mới. Xe dừng lại ở Gangtok, thủ phủ của Sikkim lúc đấy đã gần mười một giờ. Khác xa với tưởng tượng của tôi, thủ phủ gì mà về đêm cũng tối đen như mực không khác gì xóm núi. “Giờ em đi về đâu?”. Kalden hỏi. “Trung tâm thành phố ở đâu hả anh? Em đi vòng vòng tìm xem có nhà nghỉ nào rẻ không”. “Em bị khùng à? Gangtok chứ có phải là Mumbai đâu mà đêm hôm thế này còn có chỗ mở cửa cho em vào. Đi một mình giờ này nguy hiểm lắm. Nhà anh ở làng Rumtek, cách đây mười bốn cây. Nếu em không ngại, em có thể đến ở tạm nhà anh”. Mấy bạn nữ đi cùng anh cũng gật đầu hưởng ứng. “Em về nhà Kalden nghỉ tạm đi. Em yên tâm, Kalden tốt lắm, không sợ bị bắt cóc hay gì đâu”. Nhìn xung quanh, tôi tính rủi ro ở ngoài đường sẽ cao hơn nhiều so với rủi ro khi về nhà Kalden, nên tôi theo đám bạn anh lên một xe bus khác về làng Rumtek. Cả nhà anh lúc đó vẫn còn thức. Không biết anh có kịp báo cho bố mẹ anh là chúng tôi đến không mà mẹ anh đã chuẩn bị sẵn trà nóng với cơm thịt cho chúng tôi. Trời lạnh, hai tay tôi cầm chặt cốc trà, hơ hơ lên mặt đón hơi ấm. Lúc rửa chân tay đi ngủ, mặc dù đã được Kalden cảnh báo, tôi vẫn tái mặt vì nước lạnh. Nước lấy thẳng từ suối nguồn trên núi, vốn được hình thành nhờ băng tan. Đánh răng mà tôi cảm tưởng răng mình đang rơi ra từng chiếc. Kalden nhường cho tôi phòng của anh vì nó đẹp và ấm hơn, còn anh nằm bên phòng dành cho khách. Rumtek đẹp cứ như trong mơ. Nhà Kalden lại chìm vào trong núi, chiếm ngự một ví trí chiến lược khiến cho tôi có cảm giác như tất cả núi đồi đều thuộc về mình và tất cả bản thân mình đều thuộc về núi đồi vậy. Hàng xóm gần nhà anh nhất cũng phải cách mấy chục mét. Bên cạnh nhà anh là vườn rau cải đắng mà tôi nghiện. Bên kia vừa rau cải là thung lũng. Bên kia thung lũng là Tây Tạng. ng tôi thích dậy sớm, co ro ngồi ngoài hiên, trùm chăn từ đầu tới chân, tay mân mê cốc trà thơm phức, ngắm mặt trời lên từ phía bên kia sườn núi. Bắt đầu là những tia nắng le lói, rồi nắng thành dải lụa, rồi bất chợt không gian sáng rực lên như ai đó vô tình làm đổ tràn một bình đầy nắng. Thỉnh thoảng bố Kalden cũng ngồi uống trà cùng tôi. Quay mặt về phía Tây Tạng, bác bảo kể từ khi Tây Tạng bị Trung Quốc xâm chiếm, rất nhiều người Tây Tạng đã bỏ trốn sang đây. Bác cũng là người Tây Tạng.
  11. Bác theo gia đình sang đây từ khi mới một tuổi. Từ đó đến nay, bác chưa bao giờ về lại Tây Tạng, phần vì không được Trung Quốc cấp visa, phần vì phản đối sự chiếm đóng của Trung Quốc không muốn về. “Tên bác là Gyatso, như tên của Đạt Lai Lạt Ma ấy”. Bác Gyatso là hiệu trưởng trường làng Rumtek Monastery, Kalden là một giáo viên ở đấy. Rất tiếc bây giờ là nghỉ lễ, chứ không mọi người rất muốn tôi tham gia trợ giảng. “Em nghe nói đến Rumtek Monastery bao giờ chưa? Nổi tiếng lắm đấy”. “Nổi tiếng về cái gì cơ?”. “Đây là kinh đô khi tha hương (capital in exile) của Karmapa. Bình thường, nếu như Karmapa không ở Tây Tạng thì ngài sẽ ở đây”. “Karmapa là ai ạ?”. “Em biết Đạt Lai Lạt ma mà không biết Karmapa thật hả?”. “Đạt Lai Lạt Ma là thủ lĩnh tinh thần của Tây Tạng mà”. “Karmapa còn cao hơn cả Đạt Lai Lạt Ma cơ. Cả hai vị đều là các vị sư đầu thai, mỗi vị đứng đầu một nhánh đạo Phật ở Tây Tạng. Nhưng Đạt Lai Lạt Ma mới được đầu thai lần thứ mười bốn, vị Karmapa này đã được đầu thai đến lần thứ mười bảy”. “Giờ em mới biết đấy. Nghe hay nhỉ. Em cũng muốn gặp ngại. Rumtek Monastery có ở gần đây không ạ?”. “Gần, mai mình đi. Nhưng Ngài cũng bị chính phủ Ấn Độ cấm về đây luôn rồi nên Ngài đang ở Dharamsala. Anh vừa được gặp Ngài ở Dharamsala. Ngài rất trẻ và đẹp trai nữa”. “Đẹp trai á? Đâu, cho em xem ảnh”. Cũng như những người Tây Tạng khác, nhà Kalden có rất nhiều ảnh của các vị lạt ma (vị sư đầu thai) của Tây Tạng, đủ để thấy tôn giáo có vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống của người Tây Tạng. Anh còn một series ảnh chụp đứng nói chuyện với Karmapa ở Dharamsala. Tôi nghĩ mọi người vì sùng bái vị Karmapa này quá nên thấy ông đẹp trai, chứ tôi thấy cũng bình thường. “Anh nói chuyện với ngài được lâu không?”. “Được gần năm phút đấy”. “Nói những chuyện gì ạ?”. “Anh kể cho ngài nghe việc dạy và học ở Rumtek Monastery và rằng người dân Rumtek luôn mong ngài sớm trở về. Ngài có vẻ vui lắm, cười suốt”. Nhận thấy tôi là một đứa không biết gì về Tây Tạng, Kalden tự nhận việc khai sáng cho tôi là trách nhiệm của anh. Nhà có bao nhiều phim ảnh tài liệu về Tây Tạng, anh bắt tôi xem qua hết. Nhờ vậy mà khá nhiều thắc mắc của tôi được giải đáp, ví dụ sao người ta biết chắc được người này là vị lạt ma trước đầu thai, hay nếu như không tìm được người đầu thai đó thì sao, hay tại sao người Tây Tạng lại
  12. sùng đạo đến như vậy. Sáng hôm sau chúng tôi lên đường đi Rumtek Monastery. Từ nhà Kalden lên Monastery không có xe bus, Kalden cũng không có ô tô hay xe máy nên chúng tôi phải cuốc bộ. Tu viện nằm tít trên đỉnh ngọn đồi, đi qua vườn ngô, rừng cải, ruộng bậc thang, thanh bình và xinh đẹp không khác gì Tây Bắc Việt Nam. Những ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn, vuông vắn, tường thấp, mái rộng kiểu Tây tạng rải rác sau rặng cây bên đồi. Những sợi dây chăng kín những mảnh vải tam giác đủ năm màu sặc sỡ: trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, xanh da trời. Tượng trưng cho năm thành phần: đất, lửa, khí và không gian trong tín ngưỡng của người Tây Tạng. Những cây nêu thân tre, cờ trắng hình chữ nhật xếp thành một hàng dài bên đường. Kalden bảo trong văn hoá Tây Tạng, khi ai đó chết đi, gia đình sẽ dựng một trăm linh tám cột cờ như thế để linh hồn họ được siêu thoát. Đi được khoảng hai tiếng thì có xe ô tô nào đó đi qua. Cao hứng, tôi giơ ngón tay cái ra xin đường. Xe dừng lại cho chúng tôi đi nhờ. Lúc đi xuống, tình cờ thế nào chúng tôi cũng lại gặp đúng xe đấy. Lần này chẳng cần xin đường xe vẫn dừng lại, đưa chúng tôi về đến tận nhà. Một vài lần, cùng với đám bạn của Kalden, chúng tôi lên Gangtok chơi. Phố núi nhưng có vẻ văn minh hơn nhiều thành phố khác của Ấn Độ. Gangtok sạch và đẹp. Nhà nước cấm dùng túi nilon và người dân khá có ý thức bỏ rác vào thùng. Trung tâm thành phố M.G.Marg (Mahatam Gandhi Marg) nhìn giống như một phố ở Châu Âu dành riêng cho người đi bộ. Lúc đi qua sân vận động, tôi phát hiện người ta đang giăng cờ quạt chuẩn bị cho một sự kiện lớn gì đó, tôi tò mò vào hỏi thì được biết Đạt Lai Lạt Ma sắp sang đây. “Cháu có thể mua vé để vào nghe Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện, nhưng sẽ đông lắm đấy”. “Cháu là nhà báo thì có thể vào gặp riêng Ngài được không ạ?”. “Cháu có thẻ nhà báo không? Nếu có thẻ thì lên Trung tâm Truyền thông để làm media pass (vé dành cho giới truyền thông) để vào”. Mặc dù không có thẻ nhà báo, tôi vẫn vào Trung tâm Truyền thông xem có chém gió cho họ tin mình là nhà báo được không. Đến nơi mới biết là media pass đã làm hết từ trước đó cả tuần rồi. Hỏi chuyện một hồi, tôi được biết Đạt Lai Lạt Ma có một hội thảo về khoa học, tâm linh và giáo dục vào ngày 20 tháng 12. Một nhà báo đến lấy media pass, tôi nhìn thoáng qua và nhanh chóng ghi nhớ thiết kế của cái thẻ nà Về đến nhà, tôi với Kalden tự mình in ra một cái tương tự, dán ảnh mình lên, rồi mượn con dấu của người quen của bố Kalden đóng dấu vào như thật. Hôm diễn ra hội thảo, Kalden với tôi cố tình đi trễ nửa tiếng, tôi cầm máy ảnh (đi mượn), Kalden cầm túi đựng tripod nhìn rất hoành tráng chạy đến trung tâm diễn ra hội nghị. Hàng ngàn người đứng chật kín hai bên đường mong được nhìn thấy Đạt Lai Lạt Ma. Các chú cảnh sát phải vất vả lắm mới giữ được trật tự. Đi qua chỗ bảo vệ,
  13. chúng tôi giơ cái thẻ giả của mình ra rất nhanh, hớt hải ra bộ mình đang vội lắm. Tôi xổ ra một tràng tiếng Anh đại loại là mình bị trễ rồi. Mấy chú bảo vệ nhìn chúng tôi đầy vẻ ái ngại, chắc thương hại chúng tôi đi tác nghiệp mà bị trễ nên cũng nhanh chóng mở cổng cho chúng tôi mà không kiểm tra kỹ càng gì. Nhờ tài len lỏi, chúng tôi vào được tận bên trong, kiếm cớ chụp ảnh mà lên ngay cạnh sân khấu, cách Đạt Lai Lạt Ma chỉ khoảng vài chục phân. Ngài nhìn tuy có vẻ già và yếu hơn những ảnh tôi đã nhìn, nhưng da dẻ vẫn hồng hào. Kalden thì thào vào tai tôi: “Em nhìn thấy không, từ Ngài có ánh sáng toả ra kìa”. Tôi căng mắt ra nhìn mà chẳng thấy đâu. Ban đầu Ngài nói tiếng Tây Tạng, có người phiên dịch cho Ngài, nhưng một lúc Ngài chuyển sang nói tiếng Anh luôn cho nhanh. Ngài đã được coi là bậc chân nhân, còn tôi chỉ là một con bé ranh con mới học xong cấp ba, nên tôi tạm thời không dám bình luận bài diễn văn của Ngài. Sau buổi lễ, chúng tôi chen lên được gần Đạt Lai Lạt Ma xin ban phép lành. Sau này, mọi người hỏi Kalden gặp Đạt Lai Lạt Ma thì như thế nào, anh trả lời rằng lúc Đạt Lai Lạt Ma chạm tay lên trán, anh cảm giác như là từ Ngài toả ra một sức mạnh gì đó không có ở phàm trần này. Anh sung sướng đến mức gần như là ngất đi. Còn khi mọi người hỏi tôi gặp Đạt Lai Lạt Ma thì thấy thế nào, tôi chỉ trả lời là rất thú vị. Có lẽ là do tôi không phải là người Tây Tạng chăng? Hoặc là do tôi sống lý trí quá?
  14. 49. Cho một cậu bé chưa bao giờ có cơ hội du lịch Tôi viết phần này dành riêng cho Yarfel, em trai của Kalden. Nói là viết cho em cũng không đúng, bởi em đã không còn ở trên thế giới này để đọc được những dòng tâm sự của tôi nữa. Tôi viết có lẽ dành cho tôi nhiều hơn, cho những niềm thương, niềm nhớ, niềm xót, niềm đau dành cho em ở trong tô Em đã là một cậu bé rất ngoan. Em hiền lành, ít nói, so với anh trai thì em có vẻ bẽn lẽn. Những lúc tôi nói chuyện với bố em, em chỉ im lặng đứng cạnh mà không bao giờ lên tiếng. Những lúc tôi đi với nhóm bạn của anh em, em cũng không bao giờ dám xin đi cùng. Chỉ có buổi sáng sớm, tôi ra hiên uống trà, em mới rụt rè ra ngồi cạnh. Em bảo tôi kể cho em về nơi mà tôi sinh ra, về những nơi mà tôi đã đi qua và về những nơi mà tôi sắp đến. Tôi kể hết chuyện này đến chuyện kia. Mắt em sáng rực lên. Em bảo, sau này em cũng muốn đi như tôi. Cuối năm nay thi tốt nghiệp cấp ba xong, em sẽ bắt đầu cuộc hành trình đầu tiên của đời mình. Em sẽ đi ở Ấn Độ trước, sau đó sẽ đến Kim Tự Tháp, rồi Châu Âu và một ngày nào đó, em sẽ đến thăm quê hương tôi. Tôi hỏi em về ngôi trường em học, về những người bạn em quen, về những nơi em thường đến. Em khoe em học rất giỏi. Em bảo, có một địa điểm bí mật em hay đến mỗi lần em cần suy nghĩ gì đó, em muốn cho tôi xem. Đó là một cây cầu treo bằng gỗ vắt ngang con suối ở tít trong rừng. Cây cầu nâu nhuốm màu thời gian, mỗi lần đi qua nó kêu cót két, đi nhanh một tí là nó chòng chành. Bên dưới dòng nước chảy cuồn cuộn, va vào những tảng đá ngay giữa lòng suối tạo thành những con xoáy nối tiếp nhau. Em hỏi tôi: “Đẹp không chị?”. Tôi gật đầu: “Đẹp. Bí ẩn. Hoang sơ. Đáng sợ.” Ngày tôi rời khỏi Sikkim, khi tìm mãi không thấy đôi giày của mình đâu, em mới rụt rè xách đôi giày đã được em cọ rửa sạch bóng đặt dưới đôi chân tôi rồi chạy mất không kịp để tôi nói cảm ơn. Tôi đi giày vào chân mà nước mắt lã chã. Hơn nửa năm lang bạt, tôi chỉ có đôi giày với cái ba lô làm bạn. Bao nhiêu khói bụi đường trường đôi giày chịu hết, dơ dáy tơi tả đến mấy tôi cũng chẳng muốn động vào. Thế mà em lại sẵn lòng làm điều đó cho tôi. Tôi nay đây mai đó, em không lên mạng nên tôi cũng chẳng có cách gì liên hệ với em được. Bỗng một ngày cuối tháng năm, khi tôi lên Facebook của anh trai em mới đọc được tin sét đánh: Em không còn trên đời này nữa. Tôi không hiểu chuyện gì đang diễn ra, cuống cuồng gọi điện cho anh trai em để hỏi xem thực hư thế nào mới biết rằng em mất đúng ngày em thi tốt nghiệp xong. Em ra địa điểm bí mật của mình và cây cầu gãy. Tôi bật khóc. “Chẳng phải bây giờ là lúc em muốn thực hiện chuyến đi đầu tiên của cuộc đời mình sao? Tại sao em lại ra đi khi chưa đến thăm quê hương chị? Tôi lại tìm lại trong máy tính của mình tất cả những tấm ảnh tôi chụp em ở cây
  15. cầu đó. Một ảnh em đứng ở đầu bên kia cầu, mặt hơi cúi xuống, cười bẽn lẽn. Một ảnh em ngồi bên suối, miệng cười tươi rói khoe mấy cái răng khểnh, mắt tít lại. Tôi không tin được rằng cũng tại địa điểm đó, giây phút n ày em còn chìm đắm vào dòng suy nghĩ của riêng mình, giây phút tiếp theo em đã cận kề cái chết. Em nghĩ gì trong thời điểm đó? Em có bị đau không? Em đã rất muốn đi, liệu lúc đó ước mơ còn có ý nghĩa gì với em không? Tôi lại bật khóc. Tôi không phải là người theo tôn giáo của em, để có thể cầu nguyện cho em được đầu thai hóa kiếp. Tôi cũng không biết em có tin vào thiên đàng hay không, để cầu mong cho em được yên nghỉ trên đó. Tôi cũng không biết linh hồn có tồn tại hay không, để mong em đọc được những dòng này của tôi. Tôi chỉ có thể nói với những người đang sống ngày hôm nay rằng: Em đã sống rất tốt. Và tôi rất thương em.
  16. 50. Vỡ mộng với trại trẻ mồ côi “Trời ơi, mình làm cái quái gì ở Nepal thế này?”. Đó là câu đầu tiên tôi thốt ra khi xuống xe ở Kathmandu lúc năm giờ sáng. Tự nhiên tôi thấy mình ngu ghê gớm. Đùng đùng giữa trời đông lạnh chọn đi đâu không chọn lại chọn lên Himalaya. Lạnh, lạnh, lạnh, lạnh, lạnh. Chưa bao giờ tôi thấy lạnh đến như thế. Không khí lạnh đến mức hít thở thôi cũng đã là một cực hình. Tôi mặc bộ quần áo nỉ Asenla may cho rồi mặc áo len mà Asenla tặng làm quà Giáng sinh vào bên trong, mặc thêm áo khoác bên ngoài mà vẫn lạnh. Da tôi cứng lại, tay chân không cử động được. Đầu óc tôi cũng đông đặc lại, chẳng nghĩ được gì. Không xe bus xe biếc gì hết, tôi phóng tay bắt taxi về trại trẻ mồ côi. Các bé mở cửa ra chạy ùa đến ôm lấy tôi. Tôi được bố trí một căn phòng riêng. Phòng đối diện là hai tình nguyện viên khác đến từ Châu Âu, tôi không nhớ chính xác là nước nào. Vào nhà rồi vẫn lạnh. Sau hai ngày hai đêm vật vã từđây, tôi chỉ muốn tắm gội cho sạch hết bụi bẩn trên đường đi, nhưng trời lạnh đến mức động vào nước còn sợ nói gì đến tắm. Ở đây không có nước nóng mà phải kéo nước từ giếng đào sâu dưới đất. Các bé một tuần chỉ tắm gội một lần vào trưa chủ nhật khi mặt trời lên cao. Buổi chiều, Maya phóng ô tô đến thăm. Việc đầu tiên chị làm là đưa cho tôi danh sách dài dằng dặc những thứ cần mua cho trại trẻ mồ côi. Tôi xem qua phát hiện ra trong danh sách đó có việc mua mười thùng đựng rác cho trại trẻ. Tôi hỏi những thùng rác mà mẹ con bác người Hà Lan mua cho đâu, Maya nói là không biết. Tôi hỏi hai bạn tình nguyện thì các bạn bảo mấy buổi đầu tiên các bạn ấy đến thì có thấy, nhưng rồi tự nhiên chúng biến mất. Nói chuyện với các bạn một hồi tôi còn tìm hiểu thêm được nhiều thông tin cực sốc. Trong số năm mươi trẻ em mồ côi ở đây, khá nhiều trong số đó không phải là trẻ mồ cô thật mà là con cháu họ hàng của Maya. Bác người Hà Lan mua cho trẻ ở đây rất nhiều đồ chơi, nhưng bác vừa đi một cái là phần lớn đồ chơi bị Maya tịch thu chỉ cho con cháu của mình chơi. Và rồi là Maya suốt ngày hỏi đến tiền. Cái này thì tôi cũng cảm nhận rất rõ. Vừa lĩnh lương, tôi đã đóng góp tiền mua thịt hàng tuần cho các bé, nhưng Maya bắt đầu hỏi đến đủ các loại tiền khác. Thứ nhất, tôi cũng chẳng có nhiều tiền đến vậy. Thứ hai, tôi nhận ra rằng ban quản lý trung tâm này cũng tham nhũng như rất nhiều những trại trẻ mồ côi khác. Hai bạn tình nguyện viên kia đã cất công sang tận Nepal làm tình nguyện rồi mà tự nhiên bỏ đi cũng không biết đi đâu. Mặc dù rất quý các bé ở đây, tôi không muốn ở lại làm việc cho bộ máy tham nhũng này nên lấy lý do này kia về lại thành phố, tìm cách thiết thực hơn để giúp đỡ các bé. Không có chỗ ở, tôi phải ở tạm khách sạn. Đi cả ngày trời hỏi han tất cả các nhà nghỉ ở Thamel, tôi tìm được phòng ở Nepal Guest House, một nhà nghỉ ngay cạnh Irish Pub, với giá chỉ 300Rs ($1 lúc bấy giờ tương đương 70 Nepali
  17. Rupees). Tôi đã nghĩ khách sạn ở Myanmar là rẻ, khách sạn ở Nepal còn rẻ hơn nữa. Chỉ với $4, tôi có thể thuê được phòng đẹp nhất của khách sạn với tường và nền lát gỗ, giường đôi to vật vã, bàn làm việc, cửa sổ to thoáng, nhà tắm riêng với nước nóng, lại bao gồm cả wifi. HR, bác chủ khách sạn, bảo rằng bây giờ đang là mùa vắng khách nên mới cho tôi thuê với giá đó. Lúc ra ngoài ăn tối, thấy biển quảng cáo tiệc Giáng sinh, tôi mới chợt nhớ ra là Giáng sinh sắp đến rồi. Tự nhiên, tôi thấy thương mình ghê gớm. Một thân một mình ở đây, không quen biết ai thì đón Giáng sinh thế nào? Tôi nhớ đến các bé ở trại trẻ mồ côi. Không biết các bé ấy đã đón Giáng sinh chưa? Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu tôi. Tôi lên nhóm Nepal trên CouchSurfing post một tin nói rằng tôi muốn tổ chức một bữa tiệc Giáng sinh nho nhỏ cho năm mươi bé ở trại trẻ mồ côi, ai chưa có kế hoạch gì cho Giáng sinh đều được chào đón. Mọi người có thể đóng góp một khoản tiền tùy tâm để mua quà cho các bé. Sau đó khi các bé đi ngủ, cả nhóm có thể về lại Thamel nhậu nhẹt để ăn mừng Giáng sinh kiểu người lớn. Kathmandu có lẽ có nhiều trái tim bơ vơ. Trong một ngày tôi đã nhận được sáu trả lời, quyên góp được gần $100. Ở Nepal, đây là một khoản tiền khá lớn. Chúng tôi mua bánh kẹo, sô–cô–la, hoa quả, bóng bay, rồi bắt xe bus đến đấy. Vắng khách hay sao đó (vắng theo tiêu chuẩn của Nepal thôi chứ vẫn có khách phải đứng), xe lượn lờ từ đầu này đến đầu kia thành phố, gần hai tiếng mới đến trại trẻ mồ côi. Đến nơi thì chúng tôi hay hung tin là các bé vừa bị bắt đi ngủ. Tôi biết giờ này các bé chưa ngủ đâu. Không có Maya ở đấy, tôi đành phải tự quyết định. “Đánh thức các bé dậy”, tôi bảo mấy tình nguyện viên ở đấy. Thế là chúng tôi vào gõ cửa từng phòng. Các bé mặt ngơ ngác không biết chuyện gì đang diễn ra, nhưng vốn nghe lời, các bé ngoan ngoãn ngồi thành hàng trong căn phòng mọi khi được dùng là phòng ăn kiêm phòng học. Không khí ban đầu có vẻ kì cục vì chẳng ai biết mình đang làm gì. “Các bé biết đêm nay là đêm Giáng sinh không?” Một vài bé gật. “Đã ai từng đón Giáng sinh chưa?”. Tất cả đều lắc. Chúng tôi vừa hỏi vừa trả lời về Giáng sinh. Mấy bạn đi cùng tôi cũng được cái vui tính, bắt đầu làm trò: hát hò nhảy múa. Các bé cười nghiêng ngả. Rồi chúng tôi phát quà. Còn thừa quà, chúng tôi nảy ra ý định cho các bé thi văn nghệ. Các bé nhiệt tình hưởng ứng. Tất cả hát hò, nhảy múa như phát cuồng. Lúc chúng tôi ra về, các bé tranh nhau ôm tôi. Một số bé thổn thức khóc bởi chưa bao giờ được tham gia một bữa tiệc như thế. Bé này ôm xong lại đứng vào hàng ôm tiếp. Riêng cái màn ôm này đã mất hơn nửa tiếng. Quả thực, đấy là Giáng sinh vui nhất từ trước đến giờ của tôi.
  18. 51. Chiến lược “Kebano” Trong số những người trả lời tôi vụ Giáng sinh hôm đó, có một anh chàng mà tôi chỉ nhận được tin nhắn khi mà tôi đang trên xe bus đến trại trẻ mồ côi rồi. Người đó là Asher. Anh chàng gửi tôi một tin nhắn cũng thảm thiết không kém: “Tao đang héo hon vì buồn chán ở Kathmandu đây, mày có trò gì vui đến giải cứu cho tao”. Tư tưởng lớn gặp nhau, chúng tôi nhanh chóng kết thân. Sau hơn một tuần ở Kathmandu, tôi vẫn chưa biết mình đang làm cái quái gì ở đây. Kế hoạch ban đầu của tôi là ở tạm đây một thời gian tập trung viết cho Walyou, nhưng kế hoạch cứ ngày một ảm đạm vì lạnh đến mức tôi thậm chí còn chẳng bỏ tay ra khỏi chăn mà viết được. Cho đến một ngày, tinh thần của tôi xuống thấp đến mức tôi quyết định gọi cho Asher hy vọng rằng trí tuệ Do Thái của anh có thể cho tôi thêm một ít động lực. “Tao đi chết đây. Bao nhiêu deadline mà tao chẳng tập trung được vào cái gì”. “Hừm, trong trường hợp này thì cách tốt nhất là sử dụng chiến lược Kebano”. “Là sao?” “Là mày nói Kệ bà nó, tắt máy tính, rồi ra ngoài đi chơi”. Và đấy chính xác là những gì tôi làm sau đó. Asher gọi bạn của anh và bốn đứa chúng tôi leo lên hai con xe máy già nua, long sòng sọc luồn lách qua làn xe cộ nổi tiếng điên khùng của Kathmandu. Sau gần một tiếng, cuối cùng chúng tôi cũng đến được miền đất hứa: Một quán ăn giữa chốn đồng không mông quạnh. “Ở đây có chhaang rất ngon”, Binod hồ hởi giới thiệu. Căn nhà nhỏ dựng lên ngay giữa cánh đồng lúa với một kiến trúc khá kỳ cho phép khách hàng có thể ngồi bất cứ đâu: trong phòng, trên cầu thang, trên gác xép. Từ mái nhà nơi chúng tôi ngồi, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa tít tận chân trời. Bò thong thả đi dạo trong sân. Gà thong dong cục tác trên mái. Một cảm giác thanh bình đến lạ. Mọi thứ đang diễn ra suôn sẻ thì tự nhiên, người bạn bác sĩ của chúng tôi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ bệnh viện. Anh nhìn có vẻ hết sức bối rối, nhưng rồi quyết định tắt máy và nói: “Kệ bà nó”. Ha, chiến lược Kebano là nhất. Giá như anh chàng này mà nghĩ sâu xa rồi bất chợt bỏ về thì chúng tôi lại phải kẹp ba mà về. Chúng tôi gọi chhaang và rosy (vodka của Nepal) với đủ loại đồ ăn vặt Nepal: đậu phộng muối, thịt trâu khô, khoai tây xay nhuyễn nấu masala, trứng rán đậu lăng, cá mặn, măng. Cảnh, gió, rượu khiến tôi cảm giác hơi ảo. Tôi phát hiện ra một cái lồng với những dải dây dài treo bên trong. “Ớt à?”. “Không, thịt khô đấy”. “Mình lấy được không?”.
  19. “Mình có thể đặt người ta nướng ngay cho bây giờ”. “Không, nó muốn ăn trộm cơ”. Ha, chỉ có Asher là hiểu tôi. Mua thì còn gì thú vị. “Lồng bị khóa mà”. “Để em thử. Canh chừng cho em nhé”. Tôi chạy đến, khéo léo mở khóa rồi luồn ngón tay của mình vào trong, lôi ra mấy mẩu thịt nhỏ. Cả nhóm còn chuẩn bị báo Kantipur. Chúng tôi tự nhiên cười lăn lộn khi thấy Asher cẩn thận gói thịt vào trong giấy báo, nhét vào trong túi. Trời ạ, chúng tôi cứ như là kẻ trộm chuyên nghiệp vậy. “Chỗ này khoảng bao nhiêu tiền?”. Tôi hỏi. “Khoảng 100Rs. Có thể hơn”. “Mình nên để lại 100Rs tiền tip”. “Khoooooong”. Binod nhiệt tình phản đối. “Không ai để tiền tip ở Nepal cả. Kỳ cục lắm”. Tôi phải giải thích thêm rằng tip không phải là chuyện phổ biến ở Nepal. Nhà hàng thường tính 10% hay 15% phí dịch vụ. Tôi đã có một lần vô cùng xấu hổ vì cả gan dám tip. Tôi đưa cho cậu bé làm việc ở khách sạn 100Rs vì xách ba lô lên phòng cho tôi, cậu nhìn tôi như thể bị xỉ nhục. “Tiền này để làm gì?”. “Không có gì”. Tôi chạy vào phòng, đóng sầm cửa lại để giấu khuôn mặt đỏ bừng bừng. Từ đó về sau, tôi không bao giờ tip ai ở đây nữa. Chúng tôi rời nhà hàng với chiến lợi phẩm, cảm giác như một băng đảng tội phạm. Thỉnh thoảng cũng phải phạm một tội gì đó vô hại để thấy rằng mình vẫn là con người. Chúng tôi về lại thành phố và tụ tập ở Sam’s bar. Tôi rất thích bar này vì nó có đống lửa rất ấm cúng. Tất cả mọi người có thể ngồi quây quần quanh đó. Asher bẻ một que tre từ ban công, xiên thịt vào đó rồi nướng. Khách Sam’s bar hôm đấy được một phen cười bể bụng vì hai đứa dở người dí sát mặt vào đống lửa, vừa ăn xiên thịt nướng cháy đen vừa tấm tắc khen như thể nó ngon lắm. Tôi trở về khách sạn, tràn đầy sinh khí và động lực. Ít nhất tôi cũng đã có thể bỏ tay ra khỏi chăn để viết bài này. Chiến lược Kebano thật là quả. Trí tuệ Do Thái cấm có sai.
  20. 52. Tìm gặp Kumari của Nepal Một lần ngồi chúng tôi đang đang ngồi tán dóc, Binod khoe màn hình điện thoại của anh. Đó là hình một cô bé khoảng sáu, bảy tuổi, đánh môi đỏ chót, đuôi mắt đen dài, mắt phượng to tròn ở trán, đội mũ đỏ, áo đỏ. “Cháu gái anh. Kumari đấy”. “Kumari là cái gì?” “Con bé này ở Nepal mà chẳng biết gì về Nepal thế. Kumari là nữ thần sống đấy”. “Hả? Cháu gái anh sạo lại là nữ thần?”. “Kumari. Sinh ra là cháu anh nhưng thực ra là nữ thần đầu thai vào đó”. “Thật á? Người ta thờ lạy bé này luôn á?”. “Thật. Người thờ lạy quá nhiều luôn”. “Ghê nhỉ. Thế anh là cậu của nữ thần có được tính là nam thần không?”. “Nói năng linh tinh. Lên mạng tìm hiểu đi.” Tôi lên mạng tìm hiểu và đã bị sốc. Tôi cứ nghĩ mình là đứa rảnh đường rảnh đất, vậy mà một nét văn hóa hay như thế này lại không hề biết tới. Kumari, nghĩa là thần trinh tiết, là hiện thân của nữ thần tối cao Durga của đạo Hindu. Khắp Vương quốc Nepal có năm hay ba Kumari. Mỗi Kumari trị vì một khu vực để ban phước lành cho người dân ở đó. Việc lựa chọn Kumari trải qua những quy trình, quy định rất khắt khe. Kumari được lựa chọn từ những bé gái khoảng ba đến năm tuổi thuộc dòng tộc Shakya, cùng dòng tộc vớiĐức Phật Thích Ca Mẫu Ni. Những bé gái có cơ thể hoàn mỹ, không chút khuyết điểm, chưa từng bị thương chảy máu, chưa từng bị mụn nhọn trên người mới đủ điều kiện làm ứng cử viên. Những bé gái hội đủ ba mươi hai điểm cát tường (cổ trắng ngần, thân như cây bồ đề, chân như đùi hươu, lông mi dài và cứng, mắt và tóc đen nhánh, ngực như sư tử, răng đều tăm tắp ) sẽ phải trải qua những bài kiểm tra nghiêm khắc hơn nữa để đảm bảo rằng bé gái đó sở hữu những đức tính của thần Durga, bao gồm sự thanh thản và dũng cảm. Một trong những bài kiểm tra đó là bé gái phải ngủ một mình trong phòng tối với đầu súc vật xếp quanh mà không thể hiện sự sợ hãi. Bài kiểm tra cuối cùng cũng không khác gì với bài kiểm tra tìm Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Ứng cử viên phải lựa chọn chính xác vật dụng của Kumari tiền nhiệm trong một loạt những vật dụng được đưa ra. Bé gái được chọn sau đó sẽ được làm lễ chuẩn bị cho nữ thần nhập vào. Kể từ đó, toàn bộ cơ thể của Kumari được coi là linh thiêng, không được phép chạm đất trừ khi nền được trải thảm đỏ. Kumari không được sống chung với gia đình. Những bé gái này sẽ phải từ biệt cuộc sống trần tục để vào sống trong ngôi đền dành riêng cho mình. Kumari không đến trường mà giáo viên phải đến ngôi đền để giảng dạy. Mỗi năm, Kumari chỉ
  21. được ra ngoài để ban phước lành trong các dịp lễ quan trọng như lệ hội truyền thống Indra Jatra của người Hindu tại thủ đô Kathmandu. Quan trọng nhất và được tôn thờ nhất là Kumari Hoàng gia sống trong ngôi đền ở trung tâm thủ đô Kathmandu, cách Thamel chỉ khoảng ba mươi phút đi bộ. Tôi quyết định rằng mình phải tìm gặp Kumari này cho bằng được. Nhưng chỉ có người Nepal và Ấn Độ mới được cho phép gặp nữ thần. Cách duy nhất để người nước ngoài như tôi có thể diện kiến Kumari là chờ nữ thần xuất hiện ở cửa sổ ngôi đền hai lần mỗi ngày vào chính giờ sáng và bốn giờ chiều. Thế là sáng hôm ấy, tôi cẩn thận diện lên mình bộ quần áo truyền thống của con gái Ấn Độ với hy vọng có thể đánh lừa được bác bảo vệ như lần ở Taj Mahal. Ngôi đền nằm trong Quảng trường Durba Kathmandu. Bình th người nước ngoài phải mua vé $3 vào trong, nhưng mà bảo vệ ở đây khá lỏng lẻo nên trừ khi bạn đâm đầu thẳng vào chỗ soát vé, bạn đi từ bất kỳ hướng còn lại đều không phải mua vé. Bên ngoài ngôi đền có khoảng bốn, năm người dân chào mời bán hình của Kumari. Một bà cụ da đồi mồi, mắt nhăn nheo, tay lật lật xấp ảnh, miệng phì phèo điếu thuốc. Thấy là lạ, tôi mua cho cụ một tấm. Ngôi đền ba tầng thực ra là một ngôi nhà gạch chỉ được ốp gỗ dành riêng cho Kumari. Trong đền chỉ có một người làm bảo vệ luôn mặc đồ thường dân, thầy tu phụ trách đền và những người phục vụ. Tuy nhiên, sau khi năn nỉ mọi cách, rồi cả trèo tường mà vẫn thất bại, tôi đành ngậm ngùi tham gia nhóm khách du lịch đang chen nhau đứng dưới sân chờ đợi sự xuất hiện của Kumari. Mọi người được nhắc cất máy ảnh vì nếu thấy máy ảnh, Kumari sẽ không ra mặt. Kumari đương nhiệm có tên là Matina Shakya, sáu tuổi, xuất hiện ở khung cửa sổ với vẻ mặt hơi buồn. Kumari Matina Shakya xuất hiện trong bộ trang phục màu đỏ với tóc vấn cao cùng với nhiều trang sức và con mắt thứ ba được vẽ trên trán tượng trưng cho sức mạnh nhìn xuyên thấu. Khách du lịch nước ngoài hoan hỉ vỗ tay, người dân Nepal thành kính cúi lạy. Kumari Shakya thờ ơ nhìn khắp lượt đám đông. Kumari không cười, không vẫy tay chào, không nói một lời nào nhanh chóng đi vào trong, nhanh tới mức một số người vẫn còn ngơ ngác. Người dân Nepal ở trong đền giải thích cho tôi biết mỗi biểu hiện trên nét mặt hoặc cử chỉ của Kumari đều được coi là điềm báo. Họ cũng nói rằng tôi là người may mắn khi gặp được Kumari với khuôn mặt lạnh như băng vì như thế có nghĩa là mọi ước nguyện của tôi đã được chấp nhận. Nếu Kumari khóc hoặc cười to thì đó là điềm báo của bệnh tật hoặc cái chết. Người dân Nepal cũng tin rằng khi Kumari ứa nước mắt là điềm báo có ai đó sắp chết hoặc than phiền về thức ăn nghĩa là có người sắp mất mát về tài chính. Không trực tiếp gặp được Kumari Shakya, tôi tìm cách gặp nữ sống thần khác.
  22. Gặ Kumari đang trong thời gian cai trị là không tưởng, tôi nhờ Binod sắp xếp cho tôi gặp cô cháu gái của mình. Đó là Chanira Bajracharya, vừa bước sang tuổi mười sáu, người từng làm Kumari tại thành phố cổ Patan, nằm cách thủ đô Kathmandu khoảng ba kilomet về phía Đông Nam. Chanira đã từng được xem là Kumari quan trọng thứ hai của Nepal, chỉ sau Kumari Hoàng gia. Chanira mất ngôi vị Kumari cách đây hai tháng khi cô bắt đầu có kinh. Người dân Nepal tin rằng một khi Kumari chảy máu, dù là do kinh nguyệt hay bị thương, Nữ thần tối cao Durga của đạo Hindu sẽ rời bỏ cô. Tôi gặp Chanira tại căn phòng trong ngồi đền thiêng, nơi Chanira từng gặp gỡ thần dân đến xin ban phước lành. Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều cô gái trẻ Nepal, nhưng trong những phút đầu gặp Chanira vẫn rất khó trò chuyện. Sau khi chào cô bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Nepal mà không được đáp trả, tôi mới được cha cô giải thích rằng cô vẫn chưa học được cách giao tiếp với người lạ và vẫn quen với quy định không được phép trò chuyện. Tôi không biết nên bắt đầu bằng chủ đề gì. Chanira không chơi thể thao, không nghe nhạc, mặc dù cô được coi là một trong những Kumari cấp tiến và hiện đại nhất. Cha cô còn cho biết trước đây không người ngoài nào được phép nói chuyện với Chanira vì bị cho là làm ô uế sự thanh khiết của Kumari. Sau một lúc độc thoại, cuối cùng tôi cũng khiến Chanira mỉm cười và bắt đầu nói chuyện. Với mọi người dân Nepal giờ đây Chanira cười hay khóc dường như không còn là điềm báo nữa. Tóc búi gọn sau gáy, mặc áo len và quần bò trong tiết trời se lạnh, Chanira trông khác hẳn với những bức ảnh trang nghiêm trong bộ đồ lễ vẫn còn treo trong phòng. Nếu không được báo trước, chắc tôi và ngay cả những người dân Nepal khó có thể nhận ra cô từng là Kumari. Không được trang điểm như khi còn là Kumari, nhưng khuôn mặt bầu bĩnh của Chanira vẫn toát lên nét đẹp và sự quyến rũ lạ lùng. Cách nói chuyện của Chanira cũng toát lên thần khí và đặc biệt là sự thông minh như người dân Nepal vẫn lưu truyền. Dường như Chanira vẫn chưa quen với cuộc sống của người phàm trần và việc cô trở lại ngôi đền như để vơi đi sự tiếc nuối và nỗi nhớ về nơi đã gắn bó suốt thời niên thiếu, từ l mới năm tuổi. Chanira cho biết trong một thập kỉ làm Kumari, cô không có bất kỳ người bạn nào, nhưng có thể trò chuyện và chơi với hai người anh em trai của mình. “Thế có buồn không?”. “Không, cũng chẳng buồn”. Trong suốt gần mười năm làm Kumari, Chanira hầu như chỉ gặp dân chúng đến làm lễ, nhất cử nhất động đều được quan sát và xem như là điềm báo. Chanira thậm chí phải kiềm chế để không cười to thành tiếng vì đó được xem là điềm báo
  23. về bệnh tật nặng hoặc cái chết. Chanira cho biết mỗi năm khi còn ở ngôi vị Kumari, cô chỉ rời khỏi ngôi đền gần hai mươi lần để tham dự các buổi lễ quan trọng. Chanira nói tiếng Anh khá dở do không được thực hành nên tôi phải nhờ Binod phiên dịch. Chanira vào học đại học ngành tài chính đã được một tháng sau khi tốt nghiệp phổ thông đúng như ước nguyện khi còn ở trong đền thiêng. Ít tháng trước, Chanira khiến dư luận quốc tế xôn xao khi là Kumari đương nhiệm đầu tiên của Nepal vượt qua kì thi trung học phổ thông được tổ chức ngay trong ngôi đền. Một điều khá dễ hiểu khi Chanira nói thực sự cô có cảm giác hụt hẫng khi không còn là Kumari nữa. Trước đây, cô không được phép ra ngoài, nhưng cảm thấy vui mỗi lần làm lễ với dân chúng và đặc biệt là gặp gỡ các bạn học sinh. Bây giờ, cô không biết sử dụng thời gian rảnh rỗi của mình thế nào. Cô đang dần làm quen với bạn cùng lớp đại học, nhưng việc kết bạn không dễ. Cô cũng không quen đường sá trong thành phố do ở trong ngôi đền quá lâu. Giờ đây mỗi lần ra ngoài, Chanira đều phải nhờ người thân đi kèm. Trước đây bố mẹ không được phép quát mắng, chỉ dạy Chanira, nhưng từ nay mọi việc sẽ khác. Sau khi đã quen nhau, tôi đề nghị dẫn Chanira đi chơi, thăm thú thành phố đề làm quen với cuộc sống đời thường, cô vui vẻ gật đầu và hẹn tôi đến nhà đón. Tôi hào hứng kể và muốn dẫn Chanira đến thưởng thức món Pizza cực ngon và cả những món ăn thời thượng khác mà giới trẻ Nepal yêu thích. Tuy nhiên, Chanira bẽn lẽn nói rằng cô không được phép ăn uống ngoài phố. Dường như Chanira quên rằng mình đã không còn là Kumari nên hoàn toàn có thể ăn ở nhà hàng, đi học, làm việc, yêu và kết hôn như những cô gái trẻ khác ở Nepal. Từ một cô bé bình thường trở thành Kumari đã khó, nhưng từ thánh nữ trở lại làm người thường, hòa nhập với thế tục còn khó hơn. Khi còn là nữ thần, Chanira và cả gia đình cô được tôn thờ, chiều chuộng, nhiều mong muốn của họ đều được Nhà nước đáp ứng. Khi ngôi vị thiêng liêng đó không còn nữa, Chanira lo lắng mình và gia đình cũng sẽ bị lãng quên dần đi như những Kumari khác. Hiện cựu Kumari Chanira sống nhờ vào gia đình cùng khoản trợ cấp mang tính tượng trưng (khoảng 800.000 VND/tháng) dù Tòa án Tối cao Nepal đã lệnh cho Chính phủ nước này phải đảm bảo đời sống và giáo dục cơ bản cho các cựu Kumari.
  24. 53. Vipassana Nepal là một đất nước kỳ lạ về mặt tôn giáo, nơi mà ranh giới giữa Phật giáo và đạo Hindu gần như không tồn tại. Khi tôi hỏi Chanira cô là theo đạo gì, cô ngơ ngác hỏi bố nhưng bác cũng không biết trả lời thế nào. Kumari được tôn thờ bởi cả những người theo Phật giáo và đạo Hindu. Chính vì vậy, rất nhiều người đến Nepal là người sống tâm linh. Giao du với dân ba lô ở đây nhiều, tôi nghe được nhiều thông tin hết sức hay ho. Tôi phát hiện ra rất nhiều người trong số đó đến đây để học thiền Vipassana. Khóa học này kéo dài mười ngày. Suốt quá trình đó, người học sẽ được đưa đến một khu vực tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Họ sẽ không được phép nói chuyện với bất cứ ai, không được phép nhắn tin, gọi điện thoại hay lên mạng. Phương pháp học nghe mọi người kể thì cũng khá ảo. Người học thiền sẽ được dạy cách thở, cách hướng suy nghĩ của mình để tìm về cội nguồn của mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí. Khóa học này có khá nhiều nước trên thế giới, nhưng phổ biến nhất là ở Nepal và Ấn Độ. Tuy không phải là đứa sống tâm linh, nhưng tôi lại là đứa cực kỳ tò mò, cái gì cũng muốn thử. Tôi đăng ký một khóa học ở trung tâm Vipassana Kathmandu, bởi theo mọi người đồn đạiđây là trung tâm Vipassana đẹp nhất ở Nepal. Trung tâm này nằm trong một khu vườn quốc gia cách thành phố gần một tiếng lái xe. Tôi rủ mấy đứa bạn đi cùng mà không đứa nào chịu đi. “Mày với tao cá xem thứ mấy nó nghỉ?”. Asher bảo với Shushil, một anh bạn người Nepal của chúng tôi. “Họ không cho nghỉ giữa chừng đâu đấy”. Shushil cảnh báo “Bạn anh học được nửa khóa thì trèo tường bỏ chạy”. Tôi đã đọc qua nhật ký một số người tham gia khóa học và phần nào hiểu được việc nhịn nói mười ngày liền kinh khủng đến mức nào. Không chỉ không được nói, bạn còn không được phép làm bất cứ việc gì có thể khiến đầu óc bạn bận rộn. Đọc sách, nghe nhạc cũng bị cấm. “Con bé này đốt nhà nó còn đốt được nữa là trèo tường. À Chip, tao có ý tưởng cho mày. Khóa học của mày diễn ra đúng dịp giao thừa tết cổ truyền của tụi Trung Quốc bọn mày, đêm hôm đó mày đốt pháo hoa đi. Vừa ăn mừng vừa giải thoát các bạn đang chịu cảnh tù tội ở đấy”. (Asher rất hay trêu tôi bằng cách gọi tôi là người Trung Quốc). Hôm trước khi buổi học bắt đầu, học viên tập trung ở điểm đăng ký Vipassana nằm trong thành phố, rồi xe của trung tâm đưa đến tận nơi. Lại một lần nữa, xe bảy chỗ được cải tiến thành xe cho gần hai mươi người. Vốn không giỏi bon chen, tôi yên vị ở trong cốp. Mỗi lần ổ gà là đầu tôi đập vào trần xe kêu lốp bốp. Ngồi xung quanh tôi là mấy bạn gái da trắng, quần túm aladin, áo ba lỗ, cổ hoặc đầu quấn khăn, trang phục đặc trưng của dân đi bụi. Tôi bắt chuyện nhưng các bạn ấy cứ có
  25. cái vẻ của dân sống tâm linh không quan tâm gì đến thế giới thực nên nói chuyện một hồi là tôi chán. Đúng như những gì tôi được nghe nói, trung tâm này nằm tít trên đồi, trong vườn quốc gia, tách biệt khỏi thế giới trần tục. Khuôn viên trung tâm toàn cây và hoa. Những ngôi nhà nhỏ xinh nằm xen lẫn với những bãi cỏ xanh rì. Chúng tôi được yêu cầu bỏ lại máy ảnh, điện thoại, tiền bạc và tất cả những gì quý giá ở ngoài lễ tân. Tôi được xếp ở một căn phòng với khoảng chục bạn nữ khác. Nam ở một khu, nữ ở một khu. Ngày đầu tiên còn chưa bị cấm nói chuyện. Tôi đi vòng vòng gặp một anh chàng xoăn đỏ, râu ria xồm xoàm, mặt nhìn tưng tửng. Anh nhìn tôi cười nhăn nhở. Tôi cũng nhe răng ra cười. “Em là người duy nhất ở đây nhìncó vẻ có sức sống một tí”. “Anh là người thứ hai. Mọi người ở đây cứ có vẻ mơ màng ảo ảo thế nào ấy nhỉ”. “Ừ. Em đến đây lần đầu tiên à?”. “Vâng. Anh có tin vào thiền không?”. “Thiền vài phút để tâm hồn tĩnh lặng lại thì anh tin. Nhưng còn thiền hàng ngày trời để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống hay được giải thoát này nọ thì không. Sống bản thân nó đã là một ý nghĩa rồi, sao phải tìm”. Anh chàng này nói cứ như đọc được suy nghĩ của tôi vậy. Chúng tôi đang nói chuyện hợp thì một người quản lý (cũng là học viên đã theo khóa học, giờ quay lại tình nguyện giúp quản lý học viên mới) đến nhắc nhở chúng tôi rằng nam nữ không được tiếp xúc trong khuôn viên trung tâm. Tôi tiếp tục đi vòng vòng khám phá trung tâm. Tôi đến tận rìa khuôn viên, phát hiện ra một lối mòn nhỏ xíu dẫn lên đỉnh đồi. Lên cao, lối mòn đó lại dẫn vào khuôn viên trung tâm, gần như cắt vào mái của ngôi chùa. Tôi trèo lên, và lập tức chết lặng trước vẻ đẹp thiên nhiên đang bày ra trước mặt. Thung lũng trải dài từ chỗ tôi ngồi xuống đến dòng sông. Bên kia thung lũng, vách núi vươn thẳng lên đâm vào hòn lửa đỏ rực, khiến muôn ngàn tia sáng đổ ra dát vàng cả không gian, đọng lại trên những hàng cây lấp lánh. Mây theo sườn núi sà xuống sát ven sông, tan vào trong nắng, mờ mờ ảo ảo như khói lam chiều. Tôi nghĩ, nếu chiều nào tôi cũng được ra đây ngắm cảnh thế này thì mười ngày chứ một trăm ngày tôi cũng ở được. Tôi đang thả hồn vào mây núi sông nước thì bất chợt một bác xuất hiện. “Cháu ơi, đây là khu vực dành riêng cho nam giới, cháu không được lên đây”. “Ủa, nhưng có bạn nam nào ở đây đâu bác? “Nhưng đây vẫn là khu vực dành cho nam giới”. Tôi ấm ức đi về phòng. Tự dưng tôi thấy ghét mấy cái luật lệ ở đây thế. Chiều tối, sau khi được ăn một bữa cơm đạm bạc, chúng tôi tham gia buổi hướng dẫn thiền. Lúc đấy tôi bắt đầu bị ốm. Mọi người đang ngồi chăm chú lắng nghe thầy giảng thì cứ năm phút tôi lại hắt hơi một lần, mũi sụt sịt cứ phải liên tục
  26. lấy giấy lau. Thầy bảo, khóa học sẽ tập trung vào việc học hít thở, tức là mình sẽ phải theo dõi việc hít vào thở ra của mình cả ngày, học được cách hít vào từ một lỗ mũi, thở ra từ lỗ mũi kia. “Các con đừng nghĩ đến bất kỳ việc gì ngoài việc hít và thở. Hãy để đầu óc mình được giải phóng khỏi những lo toan bụi trần”. Tự nhiên tôi thấy mình dại dột. Mũi tôi bị nghẹt cứng đặc, thở còn không thở được nói gì đến chuyện theo dõi. Lúc đấy tôi đã nghĩ đến chuyện xin về, nhưng khóa học chưa bắt đầu mà đã về thì hơi vô duyên. Để học thử một buổi xem sao. Mùa đông Nepal nhiệt độ có khi xuống đến độ âm. Trời lạnh tê tái. Không có nước nóng nên tôi đành tắm nước lạnh. Bình thường tôi cứ tắm nước lạnh xong sẽ thấy mình tỉnh táo, nhưng lần này tắm xong tôi càng thấy mệt. Tôi bắt đầu ho. Sáng hôm sau bốn giờ kẻng rung đánh thức chúng tôi dậy mà đầu tôi cứ nặng trình trịch. Tiếng kinh đều đều trên giảng đường vào tai tôi kêu cứ o o o o. Tiếng đọc chầm chậm phát ra từ mày ghi âm: “Hít vào, thở ra” với tôi cứ nghe là lời ru ngủ. Mấy lần có người phải đến lắc vào vai tôi đánh thức dậy. Từ khoảng tám giờ sáng thì tôi không tài nào tập trung được nữa. Trung tâm đang trong thời kỳ tu sửa, tiếng đập bình bịch trên mái nhà vào tai tôi nghe như tiếng búa đập vào đầu. Tôi mở mắt ra nhìn xung quanh thấy ai cũng ngồi im, lưng thẳng, chân khoanh tròn, hai tay đặt trên gối, hít vào thở ra đều đặn. Tôi biết có mấy bạn ở đây tham gia không phải lần đầu, mà đã là lần thứ ba, thứ tư. Học nhiều vậy có phải vì các bạn thực sự thấy sáng tỏ ra được điều gì, hay các bạn chỉ muốn tìm một chỗ để chạy trốn khỏi những lo toan thường ngày? Cô giáo mở mắt ra nhìn thấy tôi mắt thao láo, liền ra dấu cho tôi nhắm mắt lại. Sau mỗi buổi học, học viên được phép nói chuyện với cô nếu có thắc mắc. Tôi đứng đợi đến lượt mình để được tư vấn. “Thưa cô, có cách học thở nào khác không ạ? Mũi em bị nghẹt”. “Nghẹt mũi này thì thở bằng mũi kia đi”. “Cả hai mũi đều bị nghẹt, em chỉ thở bằng miệng được thôi ạ”. “Không ai nghẹt mũi mãi đâu em ạ. Em chịu khó thở một lúc mũi sẽ thông thôi”. Nhưng đến chiều mà mũi tôi vẫn không khá khẩm gì hơn. Mà ngay cả có khá hơn, tôi cũng không chắc mình có muốn phí thời gian của mình vào việc học thở hay không. Hết buổi học tôi lại lên gặp cô. “Thưa cô, mục đích của khóa học này là gì ạ?”. “Khóa học này nhằm thanh tẩy tâm hồn con và giúp con kiểm soát suy nghĩ của mình”. “Tâm con đã sáng, con không có ý định hại ai bao giờ. Con cũng không muốn kiểm soát suy nghĩ của mình. Con muốn suy nghĩ của mình phát triển một cách tự nhiên, để có thể cảm nhận cuộc sống như những gì nó vốn có”.
  27. “Đến một lúc nào đó, con sẽ nhận ra rằng mình cần kiểm soát suy nghĩ của mình. Không ai có thể sống một cách hoang dã được”. “Thưa cô, con xin phép về”. “Không được. Quy định ở đây không cho phép học viên được nghỉ giữa chừng”. “Tại sao ạ?”. “Vì nếu học chưa xong, con có thể bị tẩu hỏa nhập ma”. (Cô dùng từ khác cơ, đại loại là những gì mình học dang dở có thể ảnh hưởng đến thần kinh của mình gì gì đó.) “Nếu học viên bị ốm nặng cần phải đưa vào bệnh viện gấp thì sao ạ?”. “Đây là một trường hợp ngoại lệ”. “Thưa cô, con bị ốm”. Lúc tôi ra lấy đồ, bác bảo vệ cứ nhìn tôi trân trân. Chưa bao giờ có học viên nào ra từ ngày đầu tiên như tôi. “Bây giờ cháu định về bằng cách nào?”. “Cháu cũng không biết. Có xe bus hay gì đó về thành phố không bác?”. “Không có cháu ạ. Hay cháu đợi đến sáng mai rồi về”. Tôi nhìn ra ngoài. Trời đã bắt đầu xâm xẩm tối. Xung quanh chỉ là đồi với núi, không có vẻ gì là có người qua lại. “Để cháu đi bộ ra đường xem có ai cho cháu đi nhờ về thành phố không”. Tôi thực sự không muốn ở lại đây thêm một đêm nữa. Không phải là tôi ngại khổ, tôi chỉ không thích ở xung quanh những người mà mặt lúc nào cũng ảm đạm như đưa đám thế này. “Để bác hỏi xem nhân viên trung tâm có ai Số tôi cũng rất may. Đúng lúc đấy lại có một anh chàng chuẩn bị vào thành phố để mua mấy đồ lặt vặt nên anh cho tôi đi nhờ luôn. Đám bạn tôi cười nhăn nhở khi thấy tôi về. “Tao tưởng khóa học mười ngày cơ mà Chíp”. Asher trêu tôi. “Tao học nhanh nên cô cho tốt nghiệp sớm”. “Em thật kém cỏi. Anh học hai khóa rồi, chuẩn bị đi học khóa thứ ba”. Anders, một anh chàng người Hà Lan đang sống và làm việc ở Nepal, bảo tôi. Anh chàng này đúng là học nhiều quá nên đầu óc có vấn đề. Vấn đề thế nào thì từ từ rồi mọi người sẽ biết. “Trời, học thế mà anh vẫn chưa thông à?”. “Sao họ cho phép em về sớm thế?”. Sushil hỏi. Tôi kể lại cuộc hội thoại với cô giáo. “Tâm mày mà sáng”. Tất cả đồng thanh. “Có mà sáng như mực. Họ cũng khôn khi cho mày về sớm. Để mày ở lại mấy hôm có mày làm loạn chỗ đấy lên”.
  28. 54. Maha Shivaratri Tiểu lục địa có những ngày lễ quái đản. Một trong số đó là ngày lễ khi mà người ta được phép ăn chơi nhảy múa cả đêm và chính phủ thậm chí còn phát cần sa cho người dân hút. Cũng giống tất cả những ai lần đầu tiên nghe về ngày lễ này, tôi ngay lập tức kêu lên: “Cho mình tham gia Ngày lễ tôi đang nói đến là Maha Shivaratri, dịch ra tiếng Việt nghĩa là “Đêm của Thần Shiva”. Thần Shiva là một vị thần vô cùng thú vị, có lẽ là vị thần mà tôi thấy thú vị nhất trong số hàng triệu vị thần của đạo Hindu. Shiva có nghĩa là sức mạnh, thần Shiva là vị thần có sức mạnh to lớn nhất trong đạo Hindu, là một trong ba vị thần được tôn thờ nhiều nhất. Tôi nhớ có lần đi cùng mấy người bạn Ấn Độ gặp ở Varanasi, mấy bạn cứ chỉ vào cái cột tròn to và dài bằng khoảng bắp chân được dựng lên ở miếu gốc cây mà tủm tỉm cười: “Chip biết cái này là gì không? Của quý của thần Shiva đấy”. Nghe có vẻ báng bổ nên ban đầu tôi cứ tưởng các bạn ấy đùa. Lúc lên mạng tìm hiểu thêm thì tôi giật mình khi biết nó là thật. Tên gọi của cái cột đấy là Linga, nghĩa là “giới tính” hay “dương vật”, là biểu tượng của vị thần Shiva và cũng là biểu tượng của sức mạnh sinh sản. Linga hay được dựng ở giữa Yoni, một hình vuông vốn là biểu tượng của nữ thần Shakti. Thần Shiva còn được biết đến như vị thần lúc nào cũng say thuốc. Sức mạnh của thần Shiva là sức mạnh hủy diệt, nên để giảm bớt mặt tiêu cực của sức mạnh này, thần Shiva được cho ăn thuốc phiện. Chính vì vậy, trong đêm của thần Shiva, người theo đạo Hindu sử dụng cần sa để tỏ lòng sùng kính với vị thần của mình. Điểm đông vui nhất để xem Maha Shivaratri là đền Pashupatinath ở Kathmandu với số người tham gia hàng năm lên đến cả trăm người. Sushil làm tình nguyện viên dẫn chúng tôi đi. Ôi chao, đền đông ơi là đông. Tôi đã từng đi một lễ hội khác của đạo Hindu là Thaipusam ở Malaysia với cả triệu người tham gia nhưng có lẽ ở đấy địa điểm rộng nên cũng không thấy đông đến thế. Ngay từ bên ngoài cổng, chúng tôi đã thấy hàng dài cả ngàn người xếp hàng chờ để vào. Sushil dẫn chúng tôi vòng bờ sông đi đường tắt vào chứ chờ thì không biết đến bao giờ. Đền Pushupatinath là đền của vị thần bảo vệ quốc gia Nepal – thần của các loại động vật. Đây là đền Shiva linh thiêng nhất trên thế giới. Bình thường những người không theo đạo Hindu chỉ được đứng bên kia bờ sông nhìn sang thôi, nhưng hôm nay là lễ hội nên chẳng ai quan tâm. Đền mang kiến trúc đậm chất Nepal với những ngôi đền nhỏ hình lập phương, vuông đều bốn cạnh, lợp hai lớp mái ngói. Kiến trúc sư xây dựng ngôi đền khéo léo kết hợp công trình của mình với những đường uốn khúc của dòng sông Bagmati, dựng lên những cây cầu trữ tình vắt qua sông. Bên bờ sông lãng mạn đó là một khu vực đốt xác chết. Nhìn những xác chết được xếp trên đống củi chờ được thiêu, tôi rùng mình nhớ đến Burning Ghat ở Varanasi. Ngay cạnh đấy có một cụ già chỉ mặc áo mà không hề nửa dưới của
  29. mình, nằm dạng tè he ra đất ngủ ngon lành. Dưới sông, hàng chục người đang tắm rửa. Đi qua cầu, chúng tôi phát hiện ra một đám đông ở trong đám đông: Tức là giữa cảnh hỗn loạn này lại có khoảng vài trăm người vây kín một cái gì đó. Chúng tôi cũng chen vào xem nhưng không tài nào chen được, cũng không tài nào nhìn qua hàng trăm cái đầu xem giữa cái vòng tròn này là cái gì. Bất chợt, Sushil cầm tay tôi kéo đi rồi hét: “Chạy”. Tôi quay lại nhìn thì thấy ở giữa vòng tròn đầy một sadhu mặt mũi hết sức tức giận đang nhảy lên làm gì đó. Bị bất ngờ, đám đông cũng bắt đầu chạy, chạy từ trong chạy ra, xô đẩy, giẫm đạp lên nhau, không khác gì vỡ đám. Tôi chạy đến nơi an toàn rồi mà vẫn còn run. Chỉ cần chạy chậm một tí nữa thì có khi tôi đã bị đám đông đẩy xô ngã, giẫm lên mà chết rồi. Mục tiêu chính của tôi ở đây là tìm hiểu xem mọi người buôn bán cần sa như thế nào. Tôi hỏi Sushil: “Cần sa ở đâu anh?”. “Ở đây này”. Anh chỉ sang hai bên đường, nơi mà la liệt cả sadhu, cả người thường ngồi với vài điếu thuốc lá đặt trước mặt. “Không có em cứ gặp sadhu nào mắt đỏ au mà hỏi. Nếu họ không bán cần sa thì thế nào cũng chỉ được chỗ cho em mua”. Trời ạ, nhiều đến mức tôi cứ nghĩ họ bán thuốc lá thường. Cần sa ở đây rẻ bèo, chỉ khoảng 20Rs (khoảng 4000 VND) một điếu. Người bán ở đây rất nhiệt tình, họ sẵn sàng để bạn hút thử trước khi mua. “Em uống thandai chưa?”. “Thandai là gì ạ?”. “Là một loại đồ uống làm từ sữa, hạt hạnh nhân, cần sa với đủ loại gia vị khác. Thandai không thể thiếu trong ngày lễ Maha Shivaratri”. Chúng tôi tìm mua được thandai từ một sadhu đang ngồi xổm bên bờ sông. Ông không mặc gì ngoài một tấm vải cuốn quanh hông. Khắp người bôi kín tro màu nâu trắng, trán và bụng sơn vàng, tóc dài cuốn thành búi trên đầu kiểu tóhần Shiva. Đồ uống có vị rất kỳ cục, vừa có sữa, lại vừa cay cay như thể người ta cho hạt tiêu vào. Tôi uống không nổi. “Nhà nước phân phát cần sa thật hả anh?”. “Thật. Họ phát để cúng thôi, vì cần sa là món yêu thích nhất của thần Shiva mà. Còn việc buôn bán thì anh không rõ, hình như bị cấm đó”. Khi về đến nhà, tôi có lên mạng tìm hiểu thì thấy đúng là có tin chính quyền Nepal cử cảnh sát đi dẹp người buôn bán cần sa, nhưng từ những gì tôi thấy ở đền Pashupatinath thì không biết là cảnh sát không muốn hay không thể dẹp được. Việc Ấn Độ và Nepal được coi là thiên đường cần sa với dân du hành xuyên lục địa là một điều hiển nhiên như thể Italy là thiên đường pizza vậy. Cần sa ở đây rẻ, nhiều, dễ tìm, tuy nhiên chất lượng thì tùy chỗ. Bất cứ người lái xe richshaw hay bán hàng rong nào cũng có thể là cò mồi dẫn bạn đến chỗ người bán. Cảnh sát ở đây lại rất
  30. dễ “mua”, chẳng may có bị phát hiện thì chỉ cần đút lót cho họ ít tiền là được. Lúc chen lấn trong đám đông để đi lên đồi xem nghi lễ dưới dòng sông, bỗng nhiên tôi thấy bàn tay nào đó sờ soạng vào mông mình. Tôi túm lấy bàn tay, rồi quay lại tát thẳng vào mặt chủ nhân của bàn tay đó, hét toáng lên: “Đồ đểu cáng”. Lúc đấy tôi chỉ muốn hét lên thật to để hắn thấy xấu hổ, lần sau hết dám sàm sỡ đàn bà con gái. Lúc đã nguôi giận rồi, tôi mới chợt nhận ra mình đã thay đổi thế nào. Mới cách đây vài năm thôi, tôi còn hiền như cục đất. Nếu như tôi có bị người ta sàm sỡ thì cũng chỉ dám nhìn người ta căm giận thôi chứ không dám làm gì vì xấu hổ. Bây giờ thì hoàn toàn ngược lại. Hễ ai làm gì tôi là tôi làm cho tung tóe lên ngay. Ở Ấn Độ và Nepal thì đàn bà con gái lại hay bị sàm sỡ. Có lẽ đây cũng là một lý do mà ra đường ít thấy phụ nữ. Ở đây được đến tối, khi tiệc tùng ăn chơi nhảy múa mới bắt đầu, thì chúng tôi quyết định ra về vì mệt quá không chen nổi nữa. Khi ra về qua linga trước đền của thần Shiva, chúng tôi thấy người dân đang vây kín cầu nguyện. Cứ ba tiếng một lần, linga này lại được tắm với năm vật hiến tế linh thiêng tù con bò: sữa, bơ lọc, sữa chua, nước tiểu và phân bò. Nước tiểu và phân bò được coi là vật linh thiêng, thảo nào Nepal bẩn vậy. Sau đó, năm loại đồ ăn bất tử sẽ được cúng phía trước bao gồm: sữa, bơ lọc, sữa chua, mật ong và đường. Cần sa cũng được mang ra cúng. Sushil tranh thủ mua thêm mấy điếu về cho bố mẹ ở nhà. Đạo Hindu quả thực là một tôn giáo vô cùng thú vị.
  31. 55. Cậu bé phật của Nepal Asher là một người không bình thường, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nói thế để cho mọi người thấy Asher không bình thường thế nào, chứ tôi cũng chẳng biết nghĩa bóng của “không bình thường” là gì. Anh là người Mỹ gốc Do Thái. Đang học dở đại học, bỏ sang Nepal vừa học tính chuyện làm kinh doanh. Nhưng sau sáu tháng ở đây, anh đã bỏ học. Không được ở trong ký túc xá nữa, anh ở một khách sạn gần đấy. Sau một thời gian tìm kiếm, anh được người quen giới thiệu cho một ngôi nhà ở gần Monkey Temple (đây là tên nhiều người gọi Swayambhunath vì ở đây có rất nhiều khỉ. Nhưng tôi được biết người địa phương, nhất là những người sùng đạo, rất ghét tên gọi này). Hôm tôi đi cùng Asher đến thăm nhà, tôi thích mê luôn. Thế là tôi quyết định chuyển đến ở ngôi nhà này. Quả thực, gọi là ngôi nhà có lẽ khiêm tốn quá, mà phải gọi là biệt thự thì đúng hơn. Nhà gồm ba tầng. Tầng trệt là phòng khách rộng mênh mông với hai bộ salon: bộ to đặt giữa làm phòng khách chính mà chúng tôi ít ngồi vì rộng quá, bộ nhỏ đặt ở phía hơi nhô lên của căn phòng. Khu nấu ăn cũng rộng rãi không kém với bàn nấu ăn kéo dài suốt ba mặt tường, trang bị đầy đủ bếp ga, lò nướng, lò vi sóng cho Asher tha hồ trổ tài nấu ăn. Tầng trệt có một căn phòng được chúng tôi bố trí thành phòng chiếu phim với máy chiếu chiếu thẳng lên tường, bộ loa năm chiếc và một bộ ghế salon cực kỳ êm ái. Tầng trên là hai phòng ngủ cho tôi và Asher. Cạnh đó là phòng chơi poker. Tầng trên cùng chúng tôi dọn dẹp hết đồ đạc ra ngoài, bạn bè quyên góp một bộ loa xịn và lắp đèn xoay vào làm thành sàn nhảy. Bên ngoài là ban công rộng phải đến năm mươi mét vuông, chúng tôi kê bàn ghế làm chỗ uống cà phê và thỉnh thoảng đốt lửa trại. Có cầu thang cuốn đi lên mái nhà, nhưng chúng tôi chẳng bao giờ sử dụng đến vì ban công đã quá rộng rồi. Nhà rộng rãi nên chúng tôi hay host CouchSurfer. Một người trong số đó là Frank. Frank là người Mỹ gốc Đài Loan. Cậu bằng tuổi tôi, đang học đại học Yale, khoa tâm lý học. Cậu là bậc thầy của việc áp dụng những gì mình học vào điều khiển tâm lý người khác. Một lần, cậu về nhà với một đôi giày mới cóng và khoe rằng mua được với giá rẻ bất ngờ. Tôi không nhớ chính xác là bao nhiêu, chỉ nhớ là rẻ chỉ bằng một nửa giá chúng tôi biế “Bí quyết để mua đồ giá rẻ là để người bán hàng đầu tư về mặt thời gian và tình cảm vào mình. Mình càng thử đồ lâu, càng hỏi người bán hàng nhiều về sản phẩm thì càng khiến cho họ muốn bán cho mình vì họ đã đầu tư quá nhiều công sức vào mình rồi. Đến một mức nào đó, họ sắn sàng bán cho mình giá cực kỳ rẻ. Ví dụ đôi này, họ bán cho tớ giá chỉ bằng 1/3 giá họ nói ban đầu và tớ chắc chắn rằng họ chịu lỗ để bán”. “Ấy nói thế nào chứ lỗ thì sao họ bán?”. “Sao không bán? Nếu họ giữ đôi giày đó lại thì biết bao giờ mới có khách
  32. thích nó? Nếu họ bán ngay, chịu lỗ một tí nhưng vẫn là có tiền. Họ có thể ngay lập tức về nhà mua thịt cho vợ, mua kẹo cho con. Mình phải biết họ muốn gì để đánh vào đó”. Tôi và Asher không thích kiểu cò kè mặc cả như vậy lắm. Với mình, vài đô có lẽ chẳng đáng là bao, nhưng với những người bán hàng ở đây, đó có thể là tiền ăn mấy ngày của cả gia đình họ. tuy vậy, chúng tôi cũng không nói gì. Cách sống của người ta thế nào thì mặc kệ người ta thôi. Lúc bấy giờ, qua một người bạn tên là Max, tôi được biết anh chuẩn bị theo thầy của mình đi gặp cậu bé Phật của Nepal. Bàng tuổi tôi, cậu bé này từng nổi tiếng đình đám trước giới truyền thông quốc tế khi cậu có thể ngồi thiền hàng tháng trời trong rừng mà không cần ăn uống gì. Cậu bắt đầu ngồi thiền từ tháng 5 năm 2005. Cậu nói rằng cứ đà này khoảng chục năm nữa cậu sẽ đắc đạo. Vì con đường cậu chọn rất giống Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngày xưa nên mọi người bắt đầu gọi cậu là cậu bé Phật. Tìm gặp cậu bé Phật rất khó, bởi cậu toàn ngồi thiền sâu trong rừng. Cứ mỗi khi bị người khác phát hiện ra chỗ cậu thiền, cậu lại tìm chỗ khác, bởi có quá nhiều người muốn đến gặp cậu để xin ban phép lành nên cậu không yên tĩnh để thiền được. Chỉ có lần này cậu mới ra mặt để tổ chức buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Những người có tâm từ khắp nơi trên thế giới đều được mời đến tham gia. Tò mò, tôi cũng xin đi theo. Frank cũng không bỏ lỡ cơ hội, lùi ngày chuyến bay của mình để được tận mắt nhìn thấy cậu bé Phật. Max đi cùng các thầy tu người Nhật nên tôi và Frank phải tự bắt xe đi. Anh cho tôi tên một cái làng ở đâu đó phía nam Nepal. Tôi bị mất cuốn sổ tay ghi chép lại mọi chuyện trên đường nên tôi chẳng nhớ chính xác địa điểm đấy là gì hay ở đâu. Tôi chỉ nhớ rằng khi đấy tôi và Frank cảm thấy nó gần như là phép màu khi chúng tôi tìm được đúng đến cái làng đấy. Chúng tôi phải hỏi không biết bao nhiêu là người, bắt ba cái xe khách, đi hai ngày mới tới nơi. Đến làng rồi mà chúng tôi vẫn không biết đây có phải đúng địa điểm hay không. Làng nhỏ xíu, trơ trọi chỉ vài túp lều tranh ở mặt đường với mấy cửa hàng bán lơ thơ ít bánh quy, ít rau, ít dal bhat. Dal bhat là đồ ăn truyền thống của người Nepal, truyền thống đến mức ngày nào họ cũng ăn ba bữa món này không biết chán. Nó gồm dal: súp đỗ và bhat: cơm, đi kèm một ít rau hay một ít thịt. Trông không khí trong làng chẳng có vẻ gì là sắp có buổi gặp mặt cầu nguyện cho hàng ngàn người cả. Người dân nơi đây không nói ai được tiếng Anh. Chúng tôi nói “Buddha boy” cũng không ai biết. Cũng may, tôi nhớ là khi trên xe bus nói chuyện với mấy người địa phương, tôi biết được ở đây họ gọi cậu bé Phật là “Ram Bomjon”. Nghe đến cụm từ này, người dân làng mắt sáng lên, gật gù: “Yes, yes” (Yes có lẽ là từ tiếng Anh duy nhất mà họ biết). Họ chỉ cho cúng tôi đi lên một xe bus. Xe thả chúng tôi đến một con sông đã khô chỉ còn trơ cát với đá cuội. Bạn phụ xe chỉ đường cho chúng tôi đi xuống lòng sông, rồi quay đầu xe trở lại.
  33. Thời tiết miền Nam khác hẳn thời tiết ở Kathmandu. Trời nắng và nóng. Chúng tôi cởi áo khoác ra vắt lên vai, vừa đi vừa lau mồ hôi, mắt nheo lại vì nắng. Chúng tôi nhận ra rằng càng đi, chúng càng tiến sâu vào trong rừng. Hai bên bờ sông cây cao, cây thấp, cây thân mềm đan kín đặc vào nhau. Ở dưới lòng sông cỏ mỗi lúc một dầy, cứ vài mét lại có một bụi cây rậm rạp. Tôi nhặt cho mình một cái que dài để chẳng may có gặp rắn. Đi khoảng mười lăm phút mà vẫn chưa gặp ai, Frank và tôi đang bắt đầu thắc mắc không biết có bị bạn phụ xe chỉ đường nhầm không thì bất chợt một chiếc xe Jeep từ đâu tiến tới. Chúng tôi đưa tay ra vẫy rối rít. Mừng nhất là bạn lái xe nói tiếng Anh trơn tru. Bạn bảo là chỗ cầu nguyện ở trong rừng, cách đấy khoảng ba cây. Bạn cho chúng tôi đi nhờ đến tận cái cổng chăng đầy vải màu sắc rực rỡ, trang trí họa tiết Phật giáo phương Đông, chi chít chữ Nepal. Đi qua cổng, chúng tôi đã thấy người người cắm trại la liệt. Có người chẳng cần chăn chiếu gì ngủ ngay dưới đất. Họ chắc là đã đến đây từ mấy hôm trước mong được diện kiến cậu bé Phật. Những bảng hiệu với khuôn mặt cậu bé Phật cắm hai bên đường chỉ lối đi vào khu bên trong. Một ảnh cậu đang đốt nến với dòng chữ: “Nếu cả thế giới chấp nhận sự thật, ta có thể thắp cây nến hòa bình”. Một ảnh cậu ngồi thiền lại có dòng chữ: “Vì không từ bỏ ham muốn, con người chị khổ suốt đời”. Những câu đại loại như thế bạn có thể bắt gặp trong giáo lý của hầu hết các tôn giáo. Khu bên trong bao gồm mấy ngôi nhà tranh, rõ ràng mới được dựng để phục vụ riêng cho dịp này. Trong này đông nghịt người: các sư thầy, ni cô đến từ đủ các nước, người hành hương Ấn Độ, Nepal; đoàn phóng viên quốc tế; quân đội đến để đảm bảo an ninh trật tự. Một bức ảnh cậu bé Phật ngồi thiền cao phải đến hai mét dựng trước hiên, phía trước đấy là một anh chàng da trắng tóc vàng đang cúi đầu chuẩn bị được xuống tóc. Tôi gặp lại Max thì phát hiện ra khuôn mặt anh đã bắt đầu có vẻ mơ màng của những người thiền nhiều quá. Gặp tôi anh cũng chẳng cười nói như mọi khi mà chỉ gật đầu chào, trả lời xã giao vài câu rồi quay trở lại với những thầy tu Nhật Bản của mình. Tôi gặp một cô người Mỹ gốc Á. Cô bảo đi cùng cô lần này cũng có khá nhiều tín đồ của cậu bé Phật từ Mỹ sang. Nói chuyện một hồi, tôi phát hiện ra cô là người gốc Việt. Số chúng tôi quả thực rất rất may. Đến muộn một tiếng nữa là có khi chúng tôi không được gặp cậu bé Phật rồi. Vừa đến nơi được một lúc, chúng tôi thấy mọi người rục rịch xếp hàng vào rừng. Chúng tôi được nhắc nhở phải đi vào hàng lối cẩn thận, bởi cách đây không lâu người ta phát hiện ra dấu chân hổ ở gần nơi cậu bé Phật ngồi thiền. Từ cách chỗ cậu ngồi thiền cả cây số, chúng tôi đã phải bỏ dép ra đi chân đất để giữ “cho chỗ ngài thiền trong sạch”. Đường đi không biết đã được ai dọn thành một con đường mòn nho nhỏ khoảng vài chục phân. Cách một đoạn lại có một sư thầy cầm trầm hương khói nghi
  34. ngút không ai được phép nói chuyện, không ai được phép chỉ trỏ. Không gian im lặng như tờ, chỉ có tiếng là kêu sột soạt, tiếng đọc kinh lầm rầm. Thấy mọi người nghiêm trang quá, tự nhiên tôi cũng thấy hồi hộp. Tôi nhớ như in mình cũng nín thở khi lần đầu tiên nhìn thấy tán cây bồ đề, khi ai đó phía trước tôi run run thì thầm: “Tán cây Ngài ngồi đấy”. Cây to, cao phải ba, bốn chục mét, rộng cũng phải chục mét, hàng trăm rễ cây to như bắp chân đánh đu từ tua tủa các nhánh cây xuống cắm sâu vào trong đất. Cậu bé Phật ngồi khoanh chân trên một bệ hoa sen xây bằng bê tông. Nhìn cậu giống hệt như những bức ảnh tôi tìm thấy trên mạng: cậu mặc áo chùng nâu, vắt chéo hở một vai như thầy tu, tóc dài hơi xoăn che khuất một nửa khuôn mặt, mắt đen láy, sáng rực, râu lấm tấm ở cằm. Hai mươi tuổi bẻ gẫy sừng châu, cậu nhìn có vẻ khá cơ bắp cho một người ch thiền mấy năm liền không làm gì. Xung quanh cậu đứng một vài thầy tu áo choàng nâu đỏ, một vài người đàn ông mặc áo vest trịnh trọng. Những người hành hương ngồi thành từng hàng phía trước. Mọi người được ra lệnh vái cậu bé ba vái. Cả buổi chỉ có một thầy tu tuổi đã trung niên đứng lên cầm mic nói; còn cậu bé Phật chỉ ngồi yên đưa ánh mắt lơ đãng ra nhìn khắp lượt. Anh chàng vừa nãy xuống tóc bây giờ lên để cậu bé Phật ban phước lành. Mọi người cũng nối đuôi nhau mang vật phẩm lên để cúng tặng. Cuối buổi, mọi người được xếp hàng lên để cậu bé Phật ban phước lành. Bình thường, mọi người sẽ cúi đầu để cậu chạm tay lên. Đến lượt tôi, vì tò mò muốn nhìn rõ khuôn mặt cậu mà tôi quên không cúi. Chỉ đến lúc nhìn khuôn mặt lúng túng không biết làm thế nào của cậu tôi mới chợt nhận ra cúi đầu xuống. Có một số người nói cậu bé Phật thực ra chỉ là chiêu bài PR để lừa gạt những người cả tin, có một người thì nói cậu bé Phật là Phật sống thật. Tôi là dân ngoại đạo không dám bình phẩm gì nhiều, chỉ hơi thất vọng là không được nghe cậu bé Phật nói một câu để xem cậu ăn nói như thế nào. Tất cả ý nghĩ của cậu đều được truyền đến đám đông thông qua vị thầy tuổi trung niên kia, nên những kẻ đa nghi cũng có thể dựa vào đó mà đưa ra nhiều suy đoán. Khi tôi đi về, mọi người hỏi tôi cậu bé Phật thế nào, tôi chỉ biết trả lời rằng: “Cũng dễ thương lắm”. Có lẽ cũng vì báng bổ mà tôi bị trời phạt. Vừa về đến Kathmandu, sang đường cái là tôi bị một cái xe máy đi với tốc độ gần 100km/h đâm thẳng vào chân, gãy luôn cả ống đồng.
  35. 56. Burning Snails Chuyển đến nhà mới được khoảng một tuần thì chúng tôi có người đến ở cùng, đó là Jehad, bạn học cùng trường của Asher. Tôi chẳng biết tình hình chiến sự ở Trung Đông thế nào chứ ở đây, Asher người Do Thái và Jehad người Palestine vẫn thân thiết với nhau lắm. Jehad thi không qua nên bị đuổi học nghỉ học trước khi bị đuổi. Lý do thì cũng như nhau. “Trường quảng cáo rất hoành tráng trên mạng nhưng mà hoạt động cứ như băng đảng mafia. Quảng cáo thì giáo trình tiếng Anh nhưng dạy thì toàn bằng tiếng Nepal, nghe còn chả hiểu thì thi thế quái nào được. Kêu lên trường thì bị dọa đuổi học. Muốn nghỉ học thì họ không chịu trả lệ phí. Tao phải dọa là đưa lên báo thì mới lấy lại được tiền”. Asher kể về trường. Không quen biết ai, Jehad sang ở cùng chúng tôi. Jehad da hơi nâu, tóc đen hơi xoăn, mắt đen lông mày rậm. Râu cậu để dài chắc cũng rậm nhưng cậu rất hay cạo, chỉ để lại vệt đen lấm tấm quanh mặt và dưới cằm. Cậu cao hơn một mét tám và rất hay nổi quạu khi tôi gọi cậu là bé, bởi cậu thua tôi một tuổi. Nói chung nhìn kỹ cậu cũng đẹp trai, phải tội rất sợ con gái. Có một chuyện mà đến giờ chúng tôi vẫn còn trêu cậu. Asher là đứa thích tic tùng, nên cuối tuần nào cũng tổ chức tiệc rồi đưa thông tin lên CouchSurfing, mở cho tất cả mọi người tham gia. Nói chung chỉ cần bật nhạc lên, rồi ai đến thì tự mang đồ uống cho mình đến. Ngoài một số bạn bè của chúng tôi ở đây ra thì người đến đa số là người nước ngoài sinh sống và làm việc ở đây, hoặc là khách du lịch ghé qua. Nhà chúng tôi rộng nên nhảy nhót hát hò thoải mái, nhiều khi mọi người tiệc tùng qua đêm. Thỉnh thoảng tôi ngủ dậy xuống nhà thấy người lạ nằm la liệt. Một lần, chúng tôi đang nói chuyện vui vẻ thì cậu đến, mặt hầm hầm hầm hầm. “Bọn con gái ở đây hư hỏng quá”. “Hả? Bé nói vậy là sao?”. Tôi giật mình hỏi. “Bọn con gái phương Tây thật là hư hỏng. Cái chị kia kìa,” Jehad chỉ tay vào một bạn tóc vàng, chân dài, rất xinh “đang nói chuyện tự nhiên cầm tay em”. Ôi trời ạ, đúng là con trai Hồi giáo không quen bị con gái tấn công. Mới có vậy thôi mà cậu đã đùng đùng bỏ đi như phải bỏng. Trong số đám bạn chúng tôi ở đây còn có Anders, mà cả tôi và Asher đều công nhận là anh cũng không bình thường. Anh xuất khẩu phần mềm, khách hàng của anh chủ yếu là ở Đan. Thu nhập Châu Âu mà tiêu tiền Nepal nên cuộc sống của anh đáng lẽ cũng thoải mái. Nói “đáng lẽ” vì từng học lập trình nên tôi biết viết code căng thẳng như thế nào. Lúc bình thường còn đỡ, nhưng code thì kiểu gì cũng có lỗi. Lúc nào phải đọc lại cả ngàn dòng code dòng nào cũng giống dòng nào chỉ để tìm ra một dấu chấm, dấu phẩy sai thì dễ phát điên lắm. Kathmandu lại chẳng phải thành phố sôi động gì cho cam. Ngoài ra Thamel uống bia ở mấy quán quen ra
  36. thì ở đây chẳng còn việc gì làm. Anh ngày ngày chỉ biết ngồi cắm đầu vào máy tính, có ngày làm việc đến mười sáu tiếng. Đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn, tóc tai bù xù, người ngợm yếu xìu. Nghe chúng tôi khuyên, anh sáng sáng dậy sớm để chạy. Nhưng anh không chạy như người ta. Sợ bị tai nạn, anh phải mua cái áo vàng chóe mà cảnh sát giao thông hay mặc khi làm việc ngoài đường để chắc ăn rằng xe cộ nào cũng nhìn thấy anh mà tránh ra. Tuy có vẻ hơi cực đoan, anh lại là người cực kỳ tốt bụng. Bằng chứng là anh cho Karlis ở nhờ nhà anh hàng tháng trời. Karlis cũng là một anh chàng quái (thật ra nhìn đi nhìn lại, tôi chẳng thấy bạn bè nào của tôi là bình thường cả). Anh là người Latvia, một quốc gia nhỏ xíu với chỉ hai triệu dân ở Bắc u. Học múa từ nhỏ, anh từng là một vũ công khá có tiếng ở Latvia cho đến khi anh quyết định từ bỏ tất cả để chọn cuộc sống nay đây mai đó. Anh lăn lộn qua mấy nước Châu Âu, qua Ấn Độ và giờ ở Nepal, chơi poker để kiếm sống. Tôi đã nghĩ là mình hoang dã, nhưng anh mới thực sự hoang dại. Anh sẵn lòng hất tung mọi thứ nhảy lên bàn nhảy tưng tưng, hay cởi trần mặc quần đùi phóng xe máy tốc độ tối đa ngoài đường. Anh lại cực kỳ mê gái. Kiểu lăng nhăng của anh lại không có chọn lọc. Vốn là vũ công, anh bị ám ảnh rằng con gái phải có bụng phẳng và cứ bạn gái nào có bụng phẳng là anh mê. Anh khá đẹp trai, tóc vàng, mắt xanh, người cũng rất đẹp nên cũng nhiều cô chết. Mặc dù khá là dễ thương, anh là đứa hay bị chửi nhất trong nhóm. Vì hoang dại, anh hay có hành động nông nổi mà không để ý đến người xung quanh. Ví dụ, có lần sang nhà chúng tôi chơi, sáu giờ sáng anh còn bật loa to hết cỡ hát karaoke khiến cho hàng xóm mắng cho chúng tôi một trận. Rồi gặp bạn gái nào bụng phẳng là anh cũng cưa cẩm, không thèm để ý người ta có bạn trai hay có chồng chưa, nên mấy lần tôi điên tiết quạu cho một trận. Nhưng ngoài những lúc như thế ra, tôi vẫn rất quý Karlis. Lúc bấy giờ, chân cẳng của tôi đã đỡ rồi. Trời đã ấm lên nên tôi cũng không còn ho ra máu. Người khỏe lên một tí là tôi bắt đầu thấy cuồng chân. “Lúc tao mới gặp mày, sáng sáng mày còn dậy lúc năm giờ đi tập kickboxing. Giờ thì ngày nào mày cũng ngồi ở nhà dùng máy tính bảo sy không chán”. Asher mắng tôi. “Tao muốn đi xe máy vòng quanh Nepal mày ạ”. “Chân cẳng thế kia thì đi thế nào?”. Tôi chợt nhớ đến Karlis, liền rủ Karlis đi cùng làm xe ôm cho tôi. Trong đám bạn của tôi ở đây, có mỗi Karlis là biết đi xe máy. Và cũng chỉ anh mới điên rồ đến mức lái xe vòng quanh một đất nước mà tỷ lệ tử vong trên đường cao nhất nhì thế giới này (chỉ cạnh tranh với Việt Nam mình). Asher cũng muốn đi lắm, nhưng lại có hẹn đi chơi đâu đó với bạn gái. Khi chúng tôi đang bàn chuyện thì mấy bạn CouchSurfer đang ở nhờ nhà chúng tôi cũng nhao nhao lên: “Cho bọn tớ đi với”.
  37. Lúc bấy giờ, tôi và Asher đang host ba người: một cặp người Pháp và một anh chàng người Úc. Paxton là người Úc nhưng bố mẹ gốc Singapore nên anh nhìn giống người châu Á. Anh hạ cánh xuống Kathmandu lúc hai giờ sáng, tự mày mò đi taxi đến nhà chúng tôi (không phải dễ tìm gì cho cam bởi ở Nepal toàn nhà không số, phố không tên), rồi gọi điện cho Asher đưa lên nhà mà không báo cho tôi biết. Sáng tôi dậy, mắt nhắm mắt mở xuống nhà thấy một anh chàng tóc đen nằm với một tư thế vô cùng quái đản trên sàn, tôi hết hồn cứ tưởng anh chàng Nepal nào nửa đêm mò vào nhà tôi ăn trộm rồi ngủ quên mất. Anh đang trong tour đi vòng quanh thế giới với round the world ticket. Round the world ticket là một dạng vé máy bay cho phép bạn đi vòng quanh thế giới trong khoảng thời gian giới hạn từ mấy tháng đến tối đa là mười tám tháng, tùy hãng máy bay. Các chặng dừng là cố định, nhưng ngày cụ thể đến và đi ở từng chặng là có thể thay đổi được. Round the world ticket thường rẻ hơn rất nhiều so với mua từng vé nhỏ lẻ. Tuy nhiên, mua vé này cũng tùy bạn mua ở đâu. Trước tôi có xem thử thì mua vé từ Hàn Quốc sẽ rẻ hơn hẳn mua từ Việt Nam. Vé Paxton mua nếu tôi nhớ không nhầm chỉ là 4000 USD và cho phép anh đi được 17 nước. Anh đến Nepal, máu me đi xe máy quá, anh đổi lại ngày rời Nepal để đi cùng chúng tôi. Cuộc đầu tiên của chúng tôi với anh chàng người Pháp diễn ra như sau. “Anh tên là gì “Ê–Ti–En”. “Hả, ATN á?”. Thế là từ đó chúng tôi gọi Etienna là ATN. Mối quan hệ giữa ATN và Emilie khá phức tạp. ATN cũng đang đi một chuyến đi dài ngày, vòng quanh thế giới hay không thì cũng không rõ. Anh đi qua Thổ Nhĩ Kỳ và gặp Emilie ở đó. Vì rất quý ATN, Emilie sang Nepal để du lịch cùng anh. Nhưng hai người không phải là bạn trai bạn gái, vì ATN đã có bạn gái đang chờ mình ở Ý. Nói chung, ngoại trừ thỉnh thoảng hai người có căng thẳng ra, phần lớn thời gian chúng tôi chơi với hai người khá là thoải mái. “Bọn mày có ai lái xe được không?”. Karlis hỏi. “Không. Nhưng học được không?”. “Được. Trước tao dạy cho mấy đúa ở Latvia cũng chỉ một ngày là bọn nó phóng xe vù vù ngoài đường”. Thế là mọi người hẹn ngày mai thuê xe rồi tập luôn. Emilie kêu ATN chở nhưng anh không chắc chắn về tay lái của mình vì chưa đi bao giờ nên chị cũng thuê xe tự đi. Emilie khỏe như con trai vậy, lại có một phong cách mạnh mẽ đến mức nhiều khi con trai cũng phải ngả mũ bái phục. Xe máy ở Nepal to, cao và rất nặng. Tôi nghĩ nếu chân tôi có khỏe hẳn rồi thì tôi cũng không đi được. Thứ nhất, tôi quá lùn không chống được chân. Thứ hai, xe có đổ thì tôi sẽ bị đè ngay lập tức chứ không đủ khỏe để đỡ nó lên. Nhưng Emilie thì chẳng ngại gì. Tôi phục chị lắm.
  38. 57. Tai nạn đầu tiên Lần đầu tiên ngồi sau tay lái của Kralis, tôi đã nghĩ rằng đây là sai lầm lớn nhất của đời mình. Anh phóng xe nhanh hơn bất cứ xe nào gặ trên đường. Hai xe tải đang đi sát cạnh nhau anh cũng sẵn sàng lạng lách phóng vượt lên trên. Dừng xe anh không chịu dừng xe như người ta, mà mỗi khi chuẩn bị dừng, anh quay đầu xe, bóp phanh trước để bánh sau sượt một đường dài như mình hay xem trong phim hành động. Xuống xe, anh bảo tôi: “Chip à, em có thể không lái xe giỏi, nhưng em là một hành khách giỏi đấy. Anh rất ghét bọn ngồi sau mà cứ luôn miệng bảo mình phải đi xe thế này thế kia như thể mình là người cầm lái vậy”. “Trời, em sợ quá cứng lưỡi lại không nói được đấy”. Emilies, ATN và Paxton mặt trắng bệch sau buổi tập đầu tiên. Paxton uống nước mà tay run run. Emilies thì đi khập khiễng vì bị xe đổ vào chân. ATN vừa vo thuốc vừa bình luận đâu đâu: “Đường sá ở Nepal thật là dã man. Mọi khi đi bộ đã thấy ghê, giờ cầm lái còn thấy ghê hơn nữa”. Tôi nhìn Karlis lo lắng: “Nhìn mọi người thảm hại thế này liệu có đi được không hả Kralis?”. “Tụi này đi trong sân thì tốt rồi, chỉ có ra đường thấy xe nhiều nên mọi người hơi choáng thôi”. “Đi trong sân cũng đã ngã rồi”. “Buổi đầu tiên ai mà chẳng thế”. Tôi biết Kralis chỉ làm ra vẻ cứng rắn thế thôi chứ thực ra trong lòng anh cũng như lửa đốt. Mọi người cũng xin một đêm để suy nghĩ xem có dám liều mình đi chuyến này hay không. Tôi cũng phải xem lại xem mình có thể tin tưởng giao mạng sống mình vào tay tái lụa Kralis hay không. “Anh có tin vào tay lái của mình không?”. Tôi hỏi. “Có”. “Vậy thì em cũng tin vào tay lái của anh. Em sẽ không bắt anh chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra, nhưng nếu hứng lên làm chuyện gì dại dột, em mong anh sẽ nghĩ đến chuyện còn một người khác ngồi sau xe anh. Một cô bé cực kỳ dễ thương mà lại chưa chồng. Em không muốn chết khi chưa lấy chồng đâu”. Sáng hôm sau chúng tôi gặp nhau, tinh thần mọi người đã phấn chấn hơn hẳn. “Đi chứ. Chẳng mấy khi có cơ hội đi như thế này”. Tất cả cười toe toét. “Tụi này quyết định sẽ kiếm mũ bảo hiểm thật xịn, bảo vệ từ răng đến tóc”. Chúng tôi thuê bốn con xe Engine, ba cái lều, năm mũ bảo hiểm xịn, năm túi ngủ, năm kính râm chắn bụi, năm khăn quàng quanh miệng che bụi. Kralis tự bầu mình là trưởng nhóm, nên từ đó về sau anh được biết đến như là Dictator. Paxton
  39. vì rất ghét bị gọi là người Trung Quốc nên chúng tôi gọi anh là Chinaman. Emilies vì một lý do nhạy cảm bị gọi là Smallboob. ATN vì chất giọng đặc Pháp của mình nên bị gọi là Frenchie. Còn tôi vì khuôn mặt trẻ con và mỗi khi trúng tủ thì nói rất nhanh không ai hiểu được nên bị gọi là Lingling. Giống như tất cả mọi người trong nhóm, tôi cực kỳ ghét cái tên của mình. Đêm trước khi đi, chúng tôi đốt lửa trại trên mái nhà cho nó không khí. Kralis cao hứng lên liền lấy đà nhảy qua ngọn lửa cao gần mét rưỡi. Asher thấy bọn tôi rục rịch chuẩn bị thì thèm lắm, nhưng bạn gái nhất định không cho đi. Có bạn gái nó khổ thế đấy. Ngày đầu tiên. Roẹt Rầmmmm Paxton vừa ra khỏi ngõ đã đâm thẳng vào cột điện. Một nửa lòng bàn tay anh da trầy trụa, máu nhỏ từ ngón giữa tong tong. Anh lồm cồm bò dậy, mặt nhăn nhó, tay phủi bụi ởquay vào bảo lũ chúng tôi đang dừng xe xung quanh. “Không sao. Cho anh năm phút anh lấy lại tinh thần rồi đi tiếp”. Asher chạy từ trong nhà mang theo một hộp gì đó. Đồ đạc của chúng tôi có bổ sung mới: bông băng và thuốc sát trùng. “Em có linh cảm chẳng lành”. Tôi bảo Kralis. “Nói linh tinh. Em bám chắc vào không bay đi bây giờ”. Kralis rú ga phóng đi. Càng ra khỏi Kathmandu đường càng xấu, càng tắc. Khói bụi mù mịt. Kralis hét lên: “Lên đi. Trái, phải vượt hết. Phải máu lên. Đi chậm thì không biết bao giờ mới ra được khỏi đoạn này”. Emilies tìm được một chỗ trống ở mép đường. Đá dăm trơn, đường dốc nên chân chị không chống được. “Xoẹt”, chị ngã sõng xoài, chị vẫn không chùn bước. ATN lúc lách giữa hai xe tải bị trượt bánh. Tôi với Kralis đi phía sau nhìn cảnh đấy mà hết hồn, nhưng may anh đứng dậy kịp trước khi bị xe tải phía sau cán qua. Ra khỏi cái đoạn nguy hiểm rồi, Kralis ra hiệu cho mọi người dừng lại bên đường để nghỉ. “Mọi người thấy sao?”. “Đường xá thật là kinh khủng”. ATN bảo. “Nếu không bị ngã thì mình đã là đứa chạy nhanh nhất”. Emilie rất máu. “Thấy mình cũng tài năng phết”. Paxton hỉ hả. Người ta nói Kathmandu thật sự bắt đầu khi ra khỏi Thamel và Nepal. Bắt đầu từ đây, đường xá vắng hơn hẳn. Không khí trong lành. Đồi núi hai bên cũng trùng điệp nên thơ đến lạ. Đường èo ngoắt ngoéo không làm run tay Kralis. Anh rồ ga, phóng hết tốc độ vượt qua tất cả những xe tải, ô tô, xe máy gặp trên đường đi. Gió quất vào mặt rát cháy. Bụi bay vào mắt đỏ nhừ. Thật lạ, đứng một chỗ thì lạnh, nhưng càng phóng nhanh da tôi càng trơ với cái lạnh. Paxton và Emilies thay phiên nhau theo sát phía sau. ATN đi cuối cùng nhưng cũng không thua kém về độ vượt
  40. rào. “112”. Kralis hỉ hả khoe. Ý anh là tốc độ tối đa anh đạt được trên quãng đường vừa rồi. “108”. Emilies báo cáo. “109”. Paxton. “105”. ATN. Tôi nghe mọi người đọc số mà ghen tị. Tôi thèm được lái xe quá. Thèm được tự mình rồ ga,thèm được tự mình bắt lái, thèm được tự mình điều khiển chiếc xe của chính mình. Tôi ghét cái chân của mình quá. Chiều tối, chúng tôi dừng chân ở một thị trấn mua gần chục lít nước, mấy gói mỳ tôm, mấy cái bánh mì, một hộp mứt quả để ăn tối và ăn sáng hôm sau. Khi hỏi mấy người ở đây về chỗ cắm trại, chúng tôi được chi lên một ngọn đồi cách đây hai chục cây số. Trời mỗi lúc một tối. Đường đèo khúc khuỷu quanh co. Trăng ban đầu lấp ló sau hàng cây, trăng lên cao bằng đỉnh núi, rồi trăng lại bị khuất vào trong đám mây. Chúng tôi leo mãi, leo mãi, cho đến khi Kralis phát hiện ra bãi cỏ phía sau một ngôi nhà năm gian. Cửa nhà đóng im thin thít, chúng tôi gọi mãi không thấy ai trả lời, nhìn xung quanh thấy không có vẻ như có hàng xóm quanh đây, chúng tôi yên trí chọn đây là nơi tá túc qua đêm. Chỗ này có bãi cỏ, có vòi nước ở ngoài, lại có đường đi vào bụi cây trong rừng để giải quyết nỗi buồn, thật là địa điểm cắm trại lý tưởng. Chúng tôi dựng một chiếc xe ở ngoài, bật đèn lên để chờ Paxton đến rồi vào trong dọn chỗ cắm trại. Nhưng chúng tôi chờ năm phút, mười phút, rồi hai mươi phút vẫn không thấy Paxton đâu. Gọi điện cũng không thấy bắt máy. “Hình như đèn của Paxton bị hỏngATN cố gắng nhớ lại. “Lúc mình đi qua thấy anh chàng đứng lại sửa đèn nhưng rồi bảo mình cứ đi trước đi”. “Bỏ mẹ”. Kralis la lên rồi nhảy lên xe. “Để anh quay lại xem sao”. Chúng tôi ở lại chờ mà đứng ngồi không yên. Trong đầu ai cũng nghĩ đến đủ các trường hợp xấu nhưng không ai dám nói ra. ATN lại lẳng lặng lấy thuốc ra vo, rồi buông một câu lãng xẹt. “Lạnh nhỉ”. Chờ khoảng nửa tiếng, chúng tôi mừng húm khi thấy Kralis và Paxton quay lại. “Đèn hỏng, phanh hỏng, phải mò mãi mới lên được đến đây.” “Xe thuê nó khổ thế đấy. Nghỉ ở đây đêmnày đã, mai tìm chỗ sửa”. “Ở đây có rắn không nhỉ?”. “Không”. “Sao biết”. “Đoán vậy”. ATN là dân đi bụi chuyên nghiệp. Anh có loại bếp ga nhỏ xíu với bình ga chỉ to bằng quả dừa. Chúng tôi cũng mang theo một cái xong, đổ vào ít nước lọc vừa
  41. mua để nấu mỳ. Phải tội năm người mà chỉ có một cái thìa và một cái dĩa, chúng tôi phải chuyề n tay nhau ăn. Cứ mỗi lần thấy tiếng xe đi qua là chúng tôi tắt vội đèn pin, sợ bị người ta tưởng nhầm là ăn trộm. Ăn xong không có việc gì làm, chúng tôi ngồi nói chuyện nhảm nhí. Paxton kể cho chúng tôi chuyện anh ở Trung Quốc. “Ở , nếu mình nhìn giống người Trung Quốc mà không nói tiếng Trung, người ta không bảo giờ nghĩ mình là người nước ngoài, mà họ chỉ cho rằng mình bị thiểu năng. Khi họ nói với mình mà mình không hiểu, họ không chuyển sang tiếng Anh đâu nhưng sẽ lặp lại y hệt nhưng thật chậm. Nếu như mình vẫn không hiểu nữa thì họ không cần mình hiểu luôn. Họ sẽ mặc định ngay rằng mình chỉ cần một trong hai thứ: ăn hoặc đi vệ sinh. Một lần anh đang vội ra sân bay, anh hỏi người ta sân bay ở đâu thì họ lại dẫn anh vào nhà vệ sinh. Anh cáu lên: “Tôi không cần nhà vệ sinh, tôi cần ra sân bay cơ”. Họ gật đầu ra vẻ hiểu, rồi lại dẫn anh vào nhà hàng”. Trời mỗi lúc một lạnh. Gió mỗi lúc một to. Lều của ATN vừa dựng lên đã bị gió quật cho lật ngửa, gẫy luôn cả thanh chống. Không ai chịu ngủ cùng Kralis nên bốn chúng tôi phải ngủ chung một lều. “Ai muốn vào đây ngủ phải đi rửa chân đấy nhé”. Paxton nhăn mũi khi ngửi mùi giày của chính mình. “Giày muốn bỏ vào trong lều thì phải được bọc túi nilon”. Chúng tôi mỗi đứa chui vào một túi ngủ. Đất cứng, lều chật nhưng vì mệt nên tôi ngủ như chết. Sáng dậy tôi không thấy Paxton đâu. Ra ngoài tìm thì thấy anh đang gấp túi ngủ của mình ở ngoài hiên trường học. “Đứa nào đêm ngủ xì hơi hôi quá”. Anh càu nhàu. Chúng tôi ôm bụng cười tưởng chết. Mặt trời lên chúng tôi mới nhận ra mình chọn vị trí cắm trại đẹp đến mức nào. Phía trước là bãi cỏ nằm chênh vênh ngay lưng chừng đồi, bên tay phải là những ruộng bậc thang trải dài như sóng vỗ, bên tay trái là cánh rừng với những hàng bạch dương rì rào trong gió. “Thật không thể tin được có người lại đánh đổi cái này để lấy cuộc sống tù túng bụi bặm ở Kathmandu”. Kralis bảo.
  42. 58. Tai nạn thực sự Chúng tôi nhìn thấy bản đồ mày mò đường đến Bandipur, thành phố cổ nổi tiếng ở miền Trung nước này. Đường phố lát gạch rộng thênh thang chỉ dành cho người đi bộ. Hai bên đường là những ngôi nhà hai tầng xinh xinh tường lát gạch, mái lợp gỗ, cửa sổ cong cong, ban công đầy hoa. Thành phố du lịch nên đầy những khách sạn lịch lãm. Chúng tôi chọn cho mình một quán café hết sức dễ thương ở phía sau một khách sạn cũng hết sức dễ thương. Quán mở ra một ngôi vườn, mở xuống ruộng bậc thang, mở ra cảnh đồi núi trùng điệp. Sau mấy ngày lăn lộn trên đường, người đứa nào cũng phủ mấy centimet bụi. Chúng tôi tranh thủ vào nhà vệ sinh của khách sạn tắm cho sạch sẽ. Ngồi cao hứng, chúng tôi đặt tên cho nhóm là Burning Snails. Sên chạy nhanh đến mức tóe lửa. Rồi chúng tôi lại lái xe đi. Đường cứ mở dần ra như thế một cuộn tranh phong cảnh đang lăn tròn trước mặt. Những gì mình biết lùi dần về sau còn những gì mình chưa biết mở dần ra trước mặt. Chúng tôi cứ lái xe mải miết không biết chán. Càng đi, càng nghiện. Chúng tôi đến Pokhara khi trời tối. Pokhara là một trong những thành phố tôi rất rất muốn đến, bởi đây là thành phố tôi đọc trên mạng “được nhiều người đánh giá là nơi đẹp nhất trên thế giới” và được nhiều bạn bè tôi nhiệt tình giới thiệu. Pokhara có hồ rộng, cónúi cao, có thác nước hùng vĩ, có rừng xanh miên man. Những ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa trên nền trời xanhngắt, hay lẫn trong những đám mây đỏ ửng của hoàng hôn. Được bao phủ bởi nhiều đỉnh núi cao của dãy Himalaya, thành phố này trở thành cửa ngõ để leo Annapura. Bạn có thể leo từ một tuần cho đến cả tháng tùy bạn lựa chọn. Đã từng đến đây, Kralis biết rõ nơi này như lòng bàn tay. Chúng tôi tìm đường lên đỉnh Sarangkot cắm trại trên đấy. Đường đất đỏ dốc, trơn, gập ghềnh. Tay lái lụa như Kralis mà cũng bị trượt bánh mấy lần. Emilie cứ đi một đoạn lại ngã, ai đó lại phải chạy đến đỡ xe chị lên rồi đi tiếp. Paxton và ATN cũng không khá khẩm gì hơn. Tôi nhảy xuống đi bộ cho lành. Trên đường đi, tôi gặp một bà cụ già ơi là già, già đến mức tôi không đoán được tuổi. Do vất vả, người dân Nepal già rất m nên cực kỳ khó đoán tuổi. Có những người nhìn như tá mươi ở mình nhưng thực ra mới chỉ khoảng năm mươi. Da cụ đã nhăn nheo hết cả, lưng còng của cụ càng còng hơn khi cụ phải cúi rạp mình xuống để gánh củi. Thương cụ, tôi đề nghị giúp cụ, nhưng vừa nhấc bó củi lên tôi đã suýt vẹo xương sống. Trời ạ, hai mươi tuổi bẻ gãy sừng trâu như tôi còn thấy nặng vậy mà cụ già thế này rồi vẫn phải ngày ngày vác củi từ dưới núi vác lên. Tôi thương cụ vô cùng. Chỗ cắm trại của chúng tôi là một mảnh đất bằng phẳng ngay trên đỉnh đồi. Muốn lên đây, chúng tôi phải đi qua nhà một người quen của Kralis. Tôi nghĩ nếu