Tiểu thuyết Chó hoang Đin-gô hay câu chuyện mối tình đầu - Phần 2 - R.Phra-er-man

pdf 45 trang Đức Chiến 03/01/2024 590
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tiểu thuyết Chó hoang Đin-gô hay câu chuyện mối tình đầu - Phần 2 - R.Phra-er-man", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftieu_thuyet_cho_hoang_din_go_hay_cau_chuyen_moi_tinh_dau_pha.pdf

Nội dung text: Tiểu thuyết Chó hoang Đin-gô hay câu chuyện mối tình đầu - Phần 2 - R.Phra-er-man

  1. XIII Thực ra đó là một nhà văn mà tênuổi đã nhiều người biết đến. Có trời mới biết được ông đến thành phố này vào mùa đông làm gì, không ủng dạ, chỉ đi bốt. Ngay cả bốt của ông cũng không phải làm bằng da bò, khâu đường gân như bốt của công nhân khai thác vàng, mà làm bằng thứ vải bạt màu xám bình thường, không thể nào sưởi ấm đôi chân được. Đúng ra ông cũng có mặc một chiếc áo măng tô dài và ấm, đội một chiếc mũ lông cáo hung hung. Người ta đã gặp ông mặc chiếc áo và đội chiếc mũ này ở câu lạc bộ bộ đội biên phòng. Người ta nói, hình như ông sinh ra ở thành phố này và thậm chí còn học ở chính trường này nữa. Có lẽ ông muốn nhớ lại thời thơ ấu của mình, khi ở đây ông hãy còn là một cậu bé con, và muốn để cho ngọn gió lạnh buốt nhưng vô cùng thân thuộc thổi vào gương mặt ông, để cho bông tuyết thân quen vương trên mí mắt ông. Hay có lẽ ông muốn nhìn rặng cây con mới mọc lào xào trên bờ sông quê ông. Cũng có thể ông đã chán với vinh quang của mình ở Matxcơva và quyết định nghỉ ngơi, giống như những con chim to lớn và tinh khôn suốt cả ngày bay liệng rất cao trên vũng cửa sông rồi sau đó, dường như đã mệt lử vì độ bay quá cao của mình, bèn đậu xuống những cây thông thấp lè tè ven bờ và nghỉ ngơi ở đó trong yên tĩnh. Nhưng Tanhia không nghĩ như vậy. Mặc dù đó không phải là Gorki, em nghĩ, mặc dù đó là một nhà văn khác, nhưng dù sao ông cũng đã đến đây, đến nhà em, đến vùng quê xa xôi của em, để em có thể tận mắt nhìn thấy ông, và có lẽ thậm chí còn chạm tay vào áo ông nữa. Ông có những sợi tóc bạc ở thái dương tuy ông chưa già và có giọng nói thanh thanh làm em sửng sốt. Em chỉ sợ nhỡ đột nhiên ông hỏi em có thích Puskin không và có thích những quyển sách của ông không. Nhưng nhà văn không hỏi gì cả. Ông chỉ nói: - Cám ơn cô bé. Cháu sẽ làm gì với chú chuột con bây giờ? Và như người ta vẫn đồn đại, cứ mười ngày một lần vào buổi chiều sau giờ học, cô Alêchxanđra Ivanốpna lại đến sinh hoạt với nhóm văn học. Tất cả học sinh ngồi vào một chiếc bàn dài trong phòng thiếu niên, còn cô Alêchxanđra Ivanốpna ngồi xuống chiếc ghế bành. Cô trở nên hơi khác so với lúc ở trong lớp, dường như cô vừa từ một chuyến du lịch xa xôi, đáp một con tàu vô hình đến với các em. Cô tì cằm lên những ngón tay đan chéo vào nhau rồi đột nhiên đọc: Khi cánh đồng rực vàng gợn sóng Và gió thoảng qua xào xạc rừng xanh Sau đó cô nghĩ ngợi một chút rồi nói: - Không, đó không phải là điều mà cô muốn đọc cho các em hôm nay. Tốt hơn là chúng ta hãy nghe những câu này: Và anh ta ghé sát miệng tôi Rồi kéo ra chiếc lưỡi đốn đời Vừa bẻm mép vừa ranh ma, quỷ quái Và
  2. - Ồ, các em ạ, cô muốn các em hiểu là nhà thơ có những lời thơ kỳ lạ đến thế, biết bao ý tưởng lạ lùng chứa đầy trong đó>Phinca chẳng hiểu gì hết. Cậu sẵn sàng kéo ra một cách không thương tiếc cái lưỡi của mình, cái lưỡi chỉ biết làm mỗi một việc là đập vụng về vào hàm răng, giúp răng nhai tất tật những gì rơi vào trong miệng, mà chẳng sáng tác được câu thơ nào hết. Nhưng tuy thế, nó lại nhại rất khéo cách nói của ông Trung Quốc đứng bán liputtrơca ở góc phố: “Ít thôi, ít thôi, - ông ta thường nói – nhưng mà ghê lắm, tốt lắm!” Và sau đó tất cả cười phá lên Sau đó Giênhia đọc những vần thơ của mình về các chiến sỹ biên phòng, còn Tanhia thì đọc những truyện ngắn. Côlia bao giờ cũng phê bình một cách lãnh đạm và tàn nhẫn, còn tự mình thì không viết gì cả - cậu ta sợ viết tồi. Nhưng vừa mới đây, vài ngày trước đây, Tanhia đọc một truyện ngắn của mình về một chú chuột nhắt tý xíu sống trong ống tay một chiếc măng tô bằng lông cũ kỹ. Chú ta đang sống ở đấy đã lâu. Nhưng một lần, người ta mang chiếc măng tô từ trong kho ra ngoài trời lạnh, và lần đầu chú chuột trông thấy tuyết. “Chà, làm sao mà những con người kia lại không xấu hổ vì xéo lên đó nhỉ, đó là đường cơ mà!”- chú chuột nghĩ và nhảy ra khỏi ống tay áo. Chú chuột con tội nghiệp! Giờ thì chú sẽ sống ra sao? Lần đó, Côlia không nói điều gì xấu cả. Tanhia coi sự im lặng của cậu ta như là một lời khen, và suốt cả ngày, cả đêm, thậm chí trong mơ nữa, em cảm thấy rất hạnh phúc. Nhưng sáng hôm sau, em xé tan truyện ngắn đó và vứt đi. “Chẳng lẽ, - em nghĩ - thậm chí không phải là lời khen mà chỉ là một sự im lặng của thằng bé xấc xược đó cũng có thể làm cho mình hạnh phúc hay sao?” Nhưng buổi sinh hoạt hôm nay thì hoàn toàn khác hẳn. Những nỗi lo lắng khác lạ xâm nhập vào các em. Biết kiếm hoa ở đâu để chiều nay đem tặng nhà văn đây? Tìm chúng ở đâu vào mùa đông, dưới lớp tuyết, khi ngay cả những cây mộc tặc bình thường trong đầm lầy, cả ngọn cỏ cuối cùng trong rừng cũng không sao sống nổi? Tất cả đều nghĩ đến việc đó. Cả Tanhia cũng nghĩ, nhưng không nghĩ ra được gì – bây giờ em không còn hoa nữa. Lúc đó Giênhia béo bèn nói (cô ta bao giờ cũng nói những điều bổ ích): - Trong các chậu hoa nhà em, những bông cuđri lộng lẫy đã nở. - Ở nhà em, - bọn trẻ đồng thanh nói – hoa hồng Trung Quốc và hoa phúc-xi-a đã bắt đầu nở trên cửa sổ. - Ở nhà em - Phinca nói và ngay lập tức im bặt, bởi vì bà chủ nhà cậu ở không trồng hoa trong nhà. Bà ta nuôi một con lợn mà lũ chó của Phinca cứ muốn xé tan nó ra từng mảnh. Bằng cách đó, mọi người đã thu thập được nhiều hoa. Nhưng ai sẽ tặng hoa cho nhà văn bây giờ? Trước mặt mọi người, trong hội trường, nơi bốn chục ngọn đèn sẽ chiếu sáng rực rỡ, ai sẽ bước lên bục, bắt tay nhà văn và nói: “Thay mặt tất cả các đội viên thiếu niên tiền phong ” - Để Tanhia làm việc ấy! – Phinca hét to hơn tất cả. - Để Giênhia làm việc ấy! – bọn con gái nói. – Chính bạn ấy đã nghĩ ra cách thu thập hoa cơ mà. Nhưng mặc dù các cô bé đúng, các cậu bé vẫn cứ cãi lại họ. Chỉ có Côlia là im lặng. Và khi mọi nười vẫn chọn Tanhia chứ không phải là Giênhia, cậu ta lấy tay che mắt. Không ai biết là cậu muốn gì cả. - Như vậy, cô Alêchxanđra Ivanốpna nói – Tanhia, em sẽ đi lên bục hội trường, đến bên vị khách bắt tay ông rồi tặng hoa. Em sẽ nói với ông những gì chúng ta đã quyết định ở đây. Trí
  3. nhớ của em tốt, cô sẽ không dặn gì em nữa. Từ giờ đến lúc bắt đầu, không còn nhiều thời gian. Em hãy cầm lấy hoa. Tanhia bước ra, tay cầm hoa. “Cô giáo thật công bằng! Đây là phần thưởng thật sự cho tất cả những hờn giận của mình! – Tanhia nghĩ, áp chặt bó hoa vào người. – Không ai khác ngoài mình sẽ bắt tay nhà văn nổi tiếng, sẽ tặng hoa và sẽ nhìn ông ấy bao nhiêu cũng được! Và lúc nào đó sau này, rất nhiều năm sau - khoảng năm năm chẳng hạn – mình sẽ có thể nói với mọi người là mình cũng đã thấy một đôi điều trên thế giới”. Cô bé mỉm cười với tất cả những ai đi gần em. Em mỉm cười với cả Giênhia mà không ai nhận thấy cái nhìn độc ác của cô bạn. - Thật kỳ quặc, tại sao mọi người lại chọn Tanhia Xaba-nhê-êva nhỉ? – Giênhia nói với các bạn. – Mình không nói về mình đâu, mình không phải là một đứa hiếu danh, và mình chẳng cần gì cái đó. Nhưng tốt nhất là chọn Côlia. Cậu ấy thông minh hơn cô ta. Tuy vậy, hiểu cái lũ con trai này cũng dễ thôi. Chúng chọn cô ta vì cô ta có đôi mắt đẹp. Ngay cả nhà văn cũng nói gì về đôi mắt ấy cơ mà. - Ông ấy chỉ gọi là đôi mắt xám thôi – Côlia vừa cười vừa nói. – Nhưng Giênhia ạ, cậu bao giờ cũng đúng. Đôi mắt ấy đẹp thật. Và có lẽ cậu cũng muốn có đôi mắt đẹp như thế chứ? - Quả thật mình lại chẳng muốn cái đó. Giênhia nói. Tanhia không nghe nữa. Những bông hoa trong tay em bỗng trở nên nặng trịch như bằng đá. Em chạy vụt qua những dãy phòng học, qua hội trường, ở đó các bạn em đang ngồi vào ghế rầm rầm. Cô bé chạy xuống cầu thang và dừng lại thở hổn hển ở phòng treo áo vắng tanh, lờ mờ tối. Em chưa hiểu hết những lời hùng biện của lòng đố kỵ, em thấy mình thật yếu ớt. “Lẽ nào bạn ấy nói về mình sao? Điều đó thật không hay cho mình, một đội viên thiếu niên. Thôi thì mặc cho hạnh phúc hờ hững với mình. Liệu có nên từ chối hơn là nghe những lời tương tự như thế không?” Đôi chân không giữ em lại. - Không, điều đó không đúng! – em tự nhủ. – Đó chỉ là chuyện nhảm nhí! Nhưng cô bé vẫn muốn nhìn thấy đôi mắt mình. Phòng treo áo, giống như một khoảng trống trong rừng, thường có một ánh sáng mờ mờ ngự trị, vào giờ này rất yên tĩnh. Một chiếc gương to đặt hơi nghiêng về phía trước, cạnh bức tường trắng. Chiếc giá đen đánh vécni của nó luôn luôn rùng mình vì những bước chân học sinh chạy qua. Lúc đó, chiếc gương cũng chuyển động. Giống như một đám mây màu sáng, nó hơi nhích lên phía trước, phản chiếu rất nhiều gương mặt trẻ con. Nhưng bây giờ nó đứng bất động. Khắp chiếc giá xếp đầy những lọ mực vừa mới được bác gác trường rửa sạch. Mực cũng để trên giá ấy, trong một cái chai bình thường, một cái lọ có dán nhãn và một bình thuỷ tinh to. Nhiều mực quá! Chả lẽ Tanhia cều mực đến thế để hút vào đầu ngòi bút của mình sao? Thận trọng đi vòng qua chai mực đặt trên sàn, Tanhia tiến đến trước gương. Cô bé quay lại nhìn – không thấy bác gác trường đâu. Tì khuỷu tay lên giá gương, em ghé sát mặt vào gương. Từ trong chiếc gương sáng hơn cái ảnh mờ mờ xung quanh, một cặp mắt xám giống mắt mẹ nhìn Tanhia. Đôi mắt mở to, một ánh lấp lánh thường xuyên bao phủ trên đôi mắt ấy, và trong đáy sâu thẳm của mắt có những bóng râm nhẹ nhàng lướt qua, dường như đôi mắt ấy không có đáy.
  4. Tanhia sửng sốt đứng mấy giây như vậy, giống như một con thú rừng nhỏ lần đầu tiên nhìn thấy hình ảnh của mình. Rồi em thở dài nặng nề: - Không, đây là mắt ai ấy! Và Tanhia luyến tiếc lùi lại, đứng thẳng người lên. Ngay lập tức, như nhại lại cử động của em, chiếc gương tròng trành trên giá, trả lại cho Tanhia đôi mắt. Chai mực bỗng nghiêng về phía trước rồi lăn đi, đập vào những lọ mực rỗng kêu lách cách. Tanhia vội chìa tay ra. Nhưng, như một sinh vật sống, chai mực né đi và tiếp tục con đường của mình. Tanhia muốn tóm lấy nó lúc đang lăn, em đã chạm được ngón tay vào nó. Nhưng chai mực tuột ra, cưỡng lại, hệt con mực phun ra những giọt nước đen đen. Nó rơi xuống sàn không kêu to lắm, giống tiếng đất sét rơi từ bờ xuống nước. Điều xảy ra với Tanhia là điều ít nhất cũng xảy ra một lần trong đời một cô bé nào đó: em đã đánh đổ mực. - Ôi, thật là không may! – Tanhia kêu lên. Em nhảy sang một bên, giơ tay trái cầm hoa lên. Vậy mà vài giực sẫm vẫn cứ ánh lên trên những cánh hồng Trung Quốc dịu dàng. Tuy vậy, chuyện đó cũng chưa sao cả, vẫn có thể bứt những cánh hoa đó đi. Nhưng còn tay kia! Tanhia tuyệt vọng xoay đi xoay lại bàn tay trước mắt, lật lên, úp xuống. Cả bàn tay em lem luốc mực. - Hay thật đấy! Một tiếng kêu vang lên gần đến nỗi Tanhia cảm thấy hình như chính em tự nói câu này. Em vội ngẩng đầu lên. Trước mặt em là Côlia, cậu ta cũng đang nhìn vào tay em. - Hay thật đấy, - cậu ta nhắc lại – bây giờ bạn sẽ bắt tay nhà văn thế nào? Ông ấy đã đến rồi và đang ngồi trong phòng giáo viên đấy. Tất cả đã tập hợp đông đủ. Cô Alêchxanđra Ivanốpna cử tôi đi tìm bạn. Tanhia đứng lặng một giây. Đôi mắt em, đôi mắt vừa mới nhìn gương một cách thích thú như vậy giờ đây lộ vẻ đau khổ. Thật lạ lùng, sao em lại không may mắn đến thế! Em chìa bó hoa cho Côlia. Em muốn nói: “Hãy cầm lấy hoa đi. Để Giênhia tặng hoa. Bởi vì bạn ấy cũng có trí nhớ rất tốt”. Và chắc chắn cậu ta sẽ cầm lấy hoa, rồi có lẽ sẽ cùng với Giênhia cười nhạo em. Tanhia quay ngoắt người, chạy vút đi giữa những hàng áo khoác trẻ em kèm bên em như một hàng người làm chứng bất động. Cô bé tìm thấy nước trong phòng rửa mặt. Em lấy ra hết nhẵn. Em lấy cát cọ tay cả bàn tay vẫn lem luốc. “Thế nào cậu ta cũng sẽ nói! Cậu ta sẽ nói với cô Alêchxanđra Ivanốpna. Cậu ta sẽ nói với Giênhia và tất cả mọi người.” Thế là hôm nay em sẽ không đi lên bục hội trường, không tặng hoa và cũng không bắt tay nhà văn nữa. Thật kỳ lạ, hoa đối với em vô cùng thân thiết, vậy mà sao hoa lại làm em không may mắn đến thế. Khi thì em tặng hoa cho một cậu bị ốm, hoá ra cậu bé này lại là Côlia, mà lẽ ra hoàn toàn không nên tặng cho cậu ta, dù đó chỉ là những bông xaranca giản dị. Bây giờ đến lượt những đoá hoa dịu dàng chỉ mọc trong nhà! Chúng sẽ rơi vào tay một đứa con gái khác - biết bao nhiêu chuyện thú vị và kỳ lạ có thể xảy ra với chúng. Còn Tanhia thì phải từ bỏ chúng. Tanhia vẩy nước ở tay rồi chẳng buồn chùi tay, em lê bước ra khỉ phòng treo áo, không vội đi đâu nữa. Bây giờ thì đằng nào cũng thế thôi!
  5. Tanhia bước lên những bậc thang mép viền đồng và vừa đi qua hành lang vừa nhìn qua cửa sổ xem có thấy cái cây của mình ngoài sân không, cái cây thỉnh thoảng vẫn thường an ủi em. Nhưng cái cây cũng không thấy. Nó không vươn lên ở đây mà vươn lên dưới những cửa sổ khác, ở phía khác. Và theo một hướng khác cắt ngang qua con đường của cô bé, nhà văn đang đi dọc hành lang tới. Cô nhận ra ông khi rời mắt một giây khỏi cửa sổ. Ông đi, đôi chân đi giày vải bước vội vã, ông không mặc áo khoác lông mà mặc một chiếc sơmi dài vùng Capcadơ cổ cao, đai lưng hẹp. Mái tóc bạch kim của ông ánh lên trên gáy, chiếc đai mạ bạc cũng ánh lên, và Tanhia không thể đếm được số cúc trên áo ông. Bây giờ ông sẽ rẽ ngoặt ở góc hành lang để đến phòng giáo viên và sẽ biến mất mãi mãi với - Đồng chí nhà văn! – cô bé tuyệt vọng kêu lên. Nhà văn đứng lại. Ông quay nhanh một vòng như bật lò xo, rồi đi ngược về phía cô bé, tay vung vẩy, trán nhăn lại, dường như cố hiểu rõ hơn cái cô bé ngăn ông lại trên đường này cần gì. Có phải cô bé mang hoa tặng ông không? Người ta thường mang tặng ông rất nhiều hoa! - Đồng chí nhà văn, bác có phải là người tốt bụng không ạ? Ông ghé mặt xuống gần cô bé. - Không, bác nói đi, bác có phải là người tốt bụng không ạ? – Tanhia khẩn khoản nhắc lại và kéo ông theo mình vào cuối hành lang trống trải. - Đồng chí nhà văn, bác nói đi, bác có phải là người tốt bụng không? – cô bé nhắc lại lần thứ ba. Ông biết trả lời cô bé thế nào đây? - Nhưng cháu cần gì, cô bạn? - Nếu bác là người tốt thì cháu đề nghị bác đừng chìa tay cho cháu. - Cháu đã làm một việc gì xấu hay sao? - Không, không phải thế! Cháu muốn nói việc khác cơ. Cháu phải tặng hoa cho bác khi bác đã đọc xong, và thay mặt tất cả các đội viên thiếu niên cảm ơn bác. Bác sẽ bắt tay cháu. Nhưng cháu chìa tay cho bác thế nào đây? Có một chuỵên không may đã xảy ra với cháu. Bác nhìn đây này! Em đưa cho ông xem bàn tay mình – bàn tay gầy gò với những ngón tay dài, tất cả đều vấy mực Nhà văn ngồi xuống bệ cửa và cười phá lên, kéo Tanhia lại gần mình. Tiếng cười của ông còn làm cho cô bé ngạc nhiên hơn cả giọng nói của ông – nó thanh và vang hơn. Tanhia nghĩ: “Có lẽ bác ấy hát hay lắm. Nhưng bác ấy có làm theo lời mình đề nghị không nhỉ?” - Bác sẽ làm như cháu yêu cầu – ông nói với cô bé. Và ông bước đi, thỉnh thoảng vẫn còn cười, tay vung vẩy theo cái kiểu đặc biệt của mình. Đó là một phút vui vẻ trong cuộc hành trình dài của ông. Cô bé đã làm cho ông thú vị, và khi đứng trên bục hội trường ông vẫn còn vui. Ông ngồi xuống gần bọn trẻ hơn, bắt đầu đọc cho các em nghe, không đợi đến lúc các em ngừng hoan hô. Bọn trẻ ngừng lại. Tanhia ngồi gần đấy luôn luôn nghe ông nói với một vẻ biết ơn. Ông đọc về cuộc chia tay của đứa con trai với cha mình - một cuộc chia tay rất cay đắng nhưng ở đó mỗi người đều đi thực hiện nhiệm vụ của mình. Và thật lạ, giọng nói thanh thanh của ông đã từng làm Tanhia sửng sốt đến thế, giờ đây vang lên khác hẳn trong cuốn sách của ông. Trong đó vang lên tiếng kèn đồng, tiếng những tảng đá trả lời vọng lại - tất cả những âm thanh đó làm Tanhia yêu thích hơn tiếng dây đàn ngân lên dưới những ngón tay.
  6. Nhà văn đã đọc xong. Xung quanh Tanhia, mọi người reo hò ầm ĩ, còn em thì không đủ can đảm rút tay ra khỏi túi chiếc áo khoác đan bằng len thô của mình. Những bông hoa nằm trên đầu gối em. Cô bé nhìn cô Alêchxanđra Ivanốpna, đợi cô ra hiệu. Tất cả đã im lặng, nhà văn rời khỏi bàn, gập cuốn sách lại, và cô Alêchxanđra khẽ gật đầu với Tanhia. Em chạy trên những bậc thang kêu ầm ầm, không rút tay khỏi túi. Em tiến về phía nhà văn, đôi chân lướt nhanh trên những tấm ván, rồi đi chậm hơn và dừng lại. Nhà văn nhìn vào đôi mắt lấp lánh của cô bé và không nhúc nhích. “Bác ấy quên rồi – Tanhia nghĩ. – Bây giờ thì sẽ ra sao nhỉ?” Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc trên da em. - Thay mặt tất cả các đội viên thiếu niên tiền phong và học sinh - em nói bằng một giọng yếu ớt. Không, ông không quên. Không để cho em kết thúc, ông dang rộng tay tiến lên phía em, che khuất em trước mặt mọi người và rút những bông hoa từ bàn tay nắm chặt của em ra rồi đặt lên bàn. Sau đó ông ôm lấy cô bé và cùng em rời bục hội trường đi xuống. Ông không cho ai chạm vào cô bé cho đến khi bọn trẻ từ tứ phía vây quanh họ. Một cô bé đi trước họ kêu to lên: - Bác ơi, bác là nhà văn thật hả bác? - Thật, thật đấy – nhà văn nói. - Cháu chưa bao giờ nhìn thấy một nhà văn thật cả. Cháu nghĩ ông ấy phải khác cơ. - Khác thế nào? - Cháu nghĩ là phải béo. Nhà văn ngồi xổm xuống trước mặt cô bé và bị lẫn vào đám trẻ như trong đám cỏ. Lũ trẻ chạm tay vào tay ông, ồn ào xung quanh ông, và chưa từng có mọt vinh quang lừng lẫy nhất nào lại hát vào tai ông ngào như cái âm thanh ghê gớm đang làm ông choáng váng này. Ông lấy tay che mắt trong chốc lát. Tanhia đứng bên cạnh, gần như chạm vào vai ông. Bỗng nhiên em cảm thấy có một người nào đó cố gắng kéo bàn tay đang đút sâu trong túi ra. Em kêu lên và né người tránh. Côlia nắm tay em là lấy hết sức kéo về phía mình. Cô bé giằng ra, gập khuỷu tay lại cho đến khi tay em yếu đi. Côlia kéo tay em ra khỏi túi, nhưng không giơ lên cao như Tanhia chờ đợi mà chỉ siết chặt trong bàn tay mình. - Tanhia, - cậu nói khẽ - mình sợ cho cậu quá! Mình nghĩ là mọi người sẽ cười cậu mất. Nhưng cậu cừ thật! Đừng giận mình, đừng giận nhé, mình xin đấy! Mình rất muốn nhảy với cậu trong dạ hội năm mới ở trường. Tanhia không thấy có một nụ cười mỉa mai nào, một chút bướng bỉnh nào trong những lời nói của cậu ta. Cậu ta đặt tay lên vai em, dường như điệu nhảy vui đã bắt đầu và cả hai đã quay tròn. Tanhia đỏ mặt lên, bối rối nhìn cậu bạn. Một nụ cười dịu dàng làm sáng gương mặt cô bé, chan chứa trên cái nhìn, cặp mắt, đôi môi. Rồi không sợ gì cả, em cũng giơ tay lên. Em đã quên bẵng đi nỗi hờn giận của mình, và cánh tay con gái gầy gò lem luốc mực của em đặt lên vai cậu bạn trong giây lát. Đột nhiên, Phinca ôm chầm lấy cả hai đứa. Cậu ta tò mò hết nhìn Tanhia lại nhìn Côlia, nhưng lần này gương mặt vô tư của cậu không có vẻ vui mừng. - Có nghĩa là các cậu đã dàn hoà - cậu ta nói to.
  7. Tanhia rụt tay khỏi vai Côlia rồi buông thõng tay x - Cậu nói gì vớ vẩn thế, Phinca - em nói, mặt càng đỏ hơn. - Cậu ấy chỉ yêu cầu mình ngày mai mời cậu ấy đến dự lễ ở nhà thôi. Nhưng mình không mời. Tuy vậy, cậu ấy đến cũng được, nếu cậu ấy muốn thế. - À, à, - Phinca thở dài nhẹ nhõm – ngày mai là ngày Tết, mình nhớ rồi, đó là ngày lễ của cậu. Mình sẽ đi với bố đến nhà cậu, bố mình đã yêu cầu như thế. Được không? - Cậu đến đi – Tanhia vội vã nói. – Có lẽ ở nhà mình chẳng buồn đâu. Đến nhé – em nói với cả Côlia và chạm nhẹ vào áo cậu ta. Phinca cố chen vào giữa hai bạn, và ở đằng sau cậu, một đám trẻ con lao lên phía trước, làm thành một dòng sông rộng tách đôi bạn ra.
  8. XIV Đêm giao thừa thường đến thành phố một cách êm ả, không có bão tuyết, khi thì với một bầu trời quang đãng, khi thì với một màn sương nhè nhẹ thường sáng rực lên dưới ánh sao nhấp nháy. Ở cao hơn, phía trên màn sương này, trong khoảng không mênh mông, mặt trăng đang đi trên con đường của mình. Tanhia thích đêm ấy hơn cả đêm ấm áp nhất của mùa hè. Đêm ấy em được phép không ngủ. Đó là ngày lễ của em. Thực ra em sinh ra không phải vào đúng đêm giao thừa mà là trước đó, nhưng điều đó thì có ý nghĩa gì! Ngày lễ chỉ là ngày lễ khi nó là của bạn và xung quanh bạn mọi người đều vui mừng. Mà trong đêm ấy ở thành phố không ai ngủ cả. Người ta xúc tuyết trên vỉa hè xuống đường, đi đến nhà nhau chơi, và giữa đêm khuya, những bài hát vang lên, những bước chân kêu lép trên tuyết. Vào ngày hôm ấy, mẹ không bao giờ làm việc cả, còn Tanhia ở trường về thường kêu toáng lên từ ngưỡng cửa: - Ngừng lại đã nào, mẹ đừng làm bánh rán vắng con! Mẹ đứng giữa phòng, tay đầy bột. Đôi bàn tay bà đưa về phía sau giống như đôi cánh sắp nâng bà bay vào không trung. Nhưng mẹ vẫn ở lại mặt đất. Bà cúi xuống Tanhia, hôn trán em và nói với em: - Tanhia, chúc mừng con nhân ngày lễ, nhân kỳ nghỉ đông. Mẹ đã làm gì đâu, mẹ vẫn đợi con đấy chứ. Tanhia quẳng cặp sách lên giá rồi vội vàng mặc chiếc áo chấm đen đã cũ vào người. Em chui vào áo một cách vất vả. Sau một năm, người em lớn hẳn lên, làm chiếc áo căng ra như cánh buồm được ngọn gió thuận chiều thổi căng. Mẹ vừa nhìn vào vai Tanhia vừa lắc đầu: - Lớn quá, lớn quá! Không sợ bị dính bẩn bột, Tanhia chộp lấy bàn tay mẹ và nâng bổng mẹ lên, mang đi khắp phòng. - Khéo con gãy xương sống mất! - mẹ sợ hãi kêu lên. Nhưng mẹ rất nhẹ. Đối với Tanhia, mẹ còn nhẹ hơn cả bó cỏ khô. Em thận trọng đặt mẹ xuống sàn, và hai mẹ con bối rối nhìn bà vú già đứng bên cánh cửa. - Hai mẹ con điên thật, - vú già nói – hay là đã quên mất bột bánh rồi Và khi ấy những giờ phút dễ chịu nhất đã đến. Tất cả những thức mà buổi tối Tanhia ăn uống và đem thết bạn đều do em tự tay làm. Em nén những hạt anh túc đen, ép ra một thứ nước trắng giống như sữa cây bồ công anh. Chốc chốc em lại chạy vào kho. Mà trong kho thì lạnh khủng khiếp! Tất cả đều đông cứng lại. Mọi vật đều thay đổi hình dạng và trạng thái mà thiên nhiên đã định cho nó. Thịt lạo xạo như đá, Tanhia xẻ thịt bằng một chiếc cưa nhỏ. Trong ngăn tủ, sữa đông lại thành từng miếng. Tanhia lấy dao băm vụn ra, từ dưới dao, những sợi sữa và bụi sữa giống bụi nhựa thông rơi đầy tay em. Sau đó, em mang bánh mì ra. Bánh mì trắng bạc đi trong kho như một ông già. Từ một lỗ nhỏ của nó đều phảng phất cái chết. Nhưng Tanhia biết là nó sống, tất cả mọi thứ đều sống trong kho của em. Cô bé đặt bánh mì và thịt lên bếp lửa, đem lại cho chúng sự sống. Thịt mềm đi và tiết ra một thứ nước đặc sệt, sữa sủi bọt, còn bánh mì bắt đầu bốc hơi.
  9. Sau đó Tanhia đi đôi bàn trượt tuyết ra cánh rừng nhỏ. Em chạy xuống dưới một bờ dốc thoai thoải, ở đó có cả những ngọn linh sam non ló ra dưới tuyết. Em chọn lấy một cây non nhất, có lá xanh hơn các cây khác. Em chặt cây bằng dao sắc rồi đặt lên vai mang về nhà. Đó là cái cây non mà Tanhia đem đặt lên ghế đẩu. Cả ở cây linh sam nhỏ này, em cũng tìm được mấy giọt nhựa mà em vẫn thích nhai. Và hương nhựa vương vấn mãi khắp căn nhà. Việc trang trí cây linh sam không mất công nhiều: trên tán lá xanh của nó, kim tuyến lấp lánh dưới ánh nến; những chiếc xe tăng màu bạc bò trên những cành cây; những ngôi sao vàng nhảy dù xuống phía dưới. Chỉ có vậy thôi. Nhưng trong cái ngày hạnh phúc ấy, mọi thứ mới tuyệt làm sao! Khách khứa đến, và Tanhia rất vui sướng có bạn bè. Mẹ mc máy hát mang từ bệnh viện về cho các em nghe. Và hôm nay chắc cũng sẽ chẳng tồi hơn chút nào. Bố sẽ đến, Côlia sẽ đến Cậu ấy có đến không nhỉ? “Hình như mình lại làm cho cậu ấy giận rồi – Tanhia nghĩ - Để làm gì cơ chứ? Người đâu mà lạ thế, chỉ vì vài câu nói của cái cậu Phinca ngốc nghếch ấy mà cũng có thể làm cho cậu ta mất vui, giết chết những lời nói tốt lành sắp thốt lên từ đáy lòng, ngăn lại bàn tay đang chìa ra cho tình bạn!” Và Tanhia cảm thấy muốn nhìn lên vai mình, nơi cánh tay Côlia ngày hôm nay đã đặt lên chốc lát. Không có một dấu vết nào trên vai Tanhia. Tuy nhiên, khi quay đầu lại, Tanhia nhận thấy mẹ đang chăm chú nhìn em. Mẹ cầm cuốn sổ liên lạc của Tanhia. Trong quyển sổ ấy, không phải tất cả các điểm đều xuất sắc như trước kia, nhưng lần này mẹ im lặng. Cái nhìn của bà hướng về con gái đượm vẻ trầm ngâm và xót thương. Dường như không phải bà đang chăm chú nhìn Tanhia mà nhìn một sinh vật tí hon đã từng có lúc ngọ nguậy trên lòng bàn tay bà. Mẹ mặc chiếc áo ngày lễ may bằng lụa đen. Hôm nay mẹ chải đầu thật đẹp, những món tóc nặng và lấp lánh nằm trên gáy. Chẳng lẽ trên trái đất này lại có người đẹp và dễ thương hơn mẹ sao? “Sao bố lại không thể hiểu nổi điều này nhỉ? – Tanhia nghĩ.’’ Có mấy sợi bông bám vào áo mẹ. Tanhia thở mạnh để thổi chúng đi. - Bố sắ đến – em nói. - Ừ, mẹ đang đợi - mẹ bảo. Cả cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna cũng sẽ đến. Mẹ đã mời cô ấy. - Ồ, tốt hơn hết là cô ấy đừng đến! – Tanhia bất giác thốt lên - Sao lại thế, Tanhia? - mẹ hỏi. - Không cần. - Nhưng tại sao lại thế hở con bé ngốc nghếch của mẹ? Thay vào câu trả lời, Tanhia quay tròn mẹ quanh cây thông nhỏ. Em nghĩ, có lẽ cả người lớn cũng hay vờ vịt như trẻ con. Em quay tròn mẹ hồi lâu. Tiếng bước chân, tiếng giày nện vang trên bậc thềm làm hai mẹ con ngừng nhảy. - Bố đến đấy, - mẹ vừa cười vừa bảo – thôi không nhảy nữa. Tanhia nhảy lùi vào một góc nhà. - Côlia đến – em nói, mặt tái nhợt. Nhưng không, đấy là những người khác – ba cô bạn cùng chi đội với Tanhia. Tanhia từ góc nhà ra đón bạn. - Ở nhà cậu có được nhảy không? – các cô bé hỏi, mặc dù vừa mới ở bên ngoài lạnh vào, mắt còn chưa nhìn rõ và mặt thì đỏ ửng.
  10. - Được chứ. Hôm nay tất cả đều được! – Tanhia nói. – Mình mở đĩaay bây giờ đây. Tiếng nhạc vang to tràn ngập khắp nhà, những âm thanh như ánh mặt trời đầy ắp lên mái. Sau đó bố đến cùng cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna. Ông ôm lấy Tanhia mấy lần và chúc mừng em nhân ngày lễ, còn cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna thì tặng em đôi giày da hươu và một cái áo lông có thêu hạt cườm. Nhưng không thấy Côlia. Mẹ hỏi: “Thế Côlia đâu?” - Thật là một thằng bé bướng bỉnh, - bố nói – nó nhất quyết không muốn đi cùng chúng tôi. Nó bảo: Con có quà riêng của con dành cho Tanhia, con sẽ tự mang đến. Sau đó là Phinca cùng bố mẹ và ba em trai, họ đã đến thành phố với Phinca bằng xe chó kéo. Tất cả đều ngăm ngăm đen, họ đứng thành hàng trước mặt Tanhia và cúi thấp người chào em như chào bà chủ nhà. Sau đó tất cả đều rút trừ trong túi ra một chiếc khăn mùi soa gập bốn và lau mũi. Bác thợ săn rất tự hào về cách xử sự của họ, còn bà mẹ thì bình thản hút một chiếc tẩu viền đinh đồng. Dưới ánh nến, những chiếc đinh ấy ngời lên lấp lánh. Lũ trẻ được bế bổng lên, Tanhia hôn tất cả không trừ em nào, thỉnh thoảng lại quay lại nhìn mẹ. Suốt buổi tối, mẹ đứng cạnh cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna và nắm tay cô, mặc dù mấy lần Tanhia đã cố thử tách họ ra: khi thì em nhờ mẹ cầm hộ áo lông, khi thì nhờ mẹ giúp em đi giày. Nhưng lần nào cũng vậy, mẹ mỉm cười vỗ vai Tanhia rồi lại trở về cạnh cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna và thân mật nói chuyện với cô. Bọn trẻ lại yêu cầu nhảy Tanhia đi ra máy quay đĩa, sung sướng vì có thể quay lưng về phía mọi người trong chốc lát. Em hăng hái quay tay cầm, chiếc đĩa hát màu đen lấp loáng quay tròn trước mắt em, và chiếc kim lao cần mẫn như con ngựa trên đường rãnh. Ba giọng hát nổi lên rồi chỉ như một giọng, tiếng nhạc vang vang như một dàn hợp xướng của những cây sáo và những chiếc kèn đồng, như các vị thần vui tươi ngự trị trên mũi kim. Nhưng không có Côlia. “Cậu ấy ở đâu vậy nhỉ?” – Tanhia buồn bã nghĩ. Sau lưng em, lũ trẻ vẫn đang nhảy, cây linh sam nhỏ lắc lư và chiếc chụp đèn to bằng giấy chao đi chao lại dưới trần nhà. Bố cũng nhảy với mọi người. Hôm nay ông rất vui và nhảy tuyệt đẹp, làm cho bọn trẻ rất phấn khởi. - Xem kìa, Tanhia, bố con đang nhảy đấy! - chốc chốc mẹ lại nói. - Vâng, - Tanhia trả lời, - con thấy rồi mẹ ạ, bố nhảy đẹp lắm. Cô bé nhìn bố. Nhưng ý nghĩ và cái nhìn của em như để tận đâu đâu. Và rồi em nhận thấy rằng cả bố, cả điệu nhảy của ông, cả không khí vui vẻ lúc này rất ít làm em chú ý. Vậy mà mới đây thôi, bao nhiêu tình cảm vừa cay đắng vừa dịu ngọt ứ đầy trong trái tim em chỉ xoay quanh một ý nghĩ về cha. Có chuyện gì đã xảy ra với em vậy nhỉ? Em luôn luôn nghĩ về Côlia. “Lúc này cậu ấy ở đâu? Nhà Giênhia hôm nay cũng có dạ hội cây thông”. Phinca và lũ em đã bắt đầu nhẹ nhàng xo tròn, vòng tròn mỗi lúc một mở rộng. Bốn anh em đập chân khe khẽ trên sàn nhà, và hết người này đến người khác lần lượt mời Tanhia cùng nhảy. Họ nhảy điệu vũ mà những người dân Êvencơ vui tính trên bờ sông Tu-gur thường nhảy vào lúc trăng lên trên những cánh rừng. Tanhia nhập vào vòng tròn của anh em Phinca. Em nhảy nhưng chốc chốc lại nhìn ra cửa. - Cừ đấy! - bố phấn khởi reo lên. - Quỷ thật, chúng ta sẽ vui vẻ cả ngày hôm nay! Tanhia, con xin mẹ rượu đi. Bố hãy còn một món quà cho các con đấy. Mẹ liền nói:
  11. - Đừng gàn dở như thế, bố. Trẻ con không được uống rượu đâu. - Tôi chỉ biết chắc chắn có một điều là trẻ con không được ăn quả sao hoa - bố nói. – Nhưng rượu thì có thể uống một chút chứ. - Có thể uống một chút chứ - lũ trẻ đồng thanh lặp lại theo ông. Bà vú nuôi bèn mang ra một cái khay lớn trên có đặt chai rượu ngọt. Bước theo sau bà là anh chiến sỹ hồng quân trẻ măng Phrô-lốp. Anh mặc chiếc áo lông của lái xe, mỉm cười với mọi người một cách ranh mãnh, trong tay có một cái xô. - Phrôlốp này anh hãy cho lũ trẻ xem món quà của chúng mình đi. Bọn trẻ liếc nhìn vào xô nhưng chỉ thấy tuyết trong đó. - Gì thế này? – các em hỏi. - Ở đó chỉ có tuyết thôi, ngoài ra không còn gì nữa. - Các em sẽ thấy ngay bây giờ đây - Phrôlốp trả lời. Rồi anh thò tay vào trong xô, rút từ dưới tuyết ra một quả cam to, rồi hai quả và còn nữa. Lũ trẻ hò reo đón những trái cam. Chúng cầm cam trong tay và ngay lập tức lại bỏ ra vì cam cứng và lạnh. Cầm những quả cam này cũng khó như cầm miếng sắt để lâu trong băng giá vậy. - Các cháu hãy đợi đã - bố vừa nói vừa cười. - Trước hết cần phải làm tan băng đi. Đến lúc đó các cháu sẽ thích cam cho mà xem. Ông bỏ một quả cam vào nước lạnh, trong chốc lát trên vỏ cam xuất hiện một lớp băng. Băng bao phủ quả cam bằng một cái màng mỏng, quả cam lấp lánh như quả cầu treo trên cây linh sam nhỏ. Bố dùng dao dập màng băng tan ra từng mảnh; từ những mảnh băng tan nhanh trên lòng bàn tay hiện ra một quả cam tròn tươi rói. Đối với phương bắc, mùi thơm và màu sắc của quả cam thật lạ lùng và kỳ diệu. Đứa em trai nhỏ của Phinca đâm ra sợ không dám ăn cam. Phinca mang quả cam của mình đưa cho bố. - Ăn đi con, - bác thợ săn vừa nói vừa nhìn trái cây kỳ lạ này không chút ngạc nhiên. - Bạn bè đã tặng con trái cây này thì nó không thể nào lại có chất độc được. Nhưng giá nó không to như thế này thì bố sẽ nhầm là quả thanh lương trà đấy, và bố sẽ dùng nó để đánh bóng cái tẩu thuốc mới của bố đã bị sương mù làm mờ đi. Tuy nhiên, - ông nói thêm một cách trang nghiêm - trước mùa băng giá thì quả thanh lương trà của chúng ta cũng có thể to được. Nói rồi, bác thợ săn lấy tay gạt quả cam ra. Ông đã già rồi nên không muốn đề cao bất cứ cái gì không mọc trong cánh rừng quê hương ông. Phinca bèn đút quả cam của mình dưới lần áo trước ngực để chia với Tanhia. Cậu không thể ăn cái gì một mình được -ể cả một cái rễ cây ngòn ngọt tìm được trong rừng lẫn những mảnh gỗ cây lipa mùa xuân, kể cả mật ong lẫn “mật” kiến. Nhưng Tanhia không có trong đám khách của cô. Bạn ấy đã bỏ đi đâu rồi? Có chuyện gì đã xảy ra với bạn ấy nhỉ? Hôm nay, Tanhia thật buồn bã. Phinca ngó vào một căn phòng tối, ở đó trên những chiếc giường có xếp những cái áo măng tô. Cũng không thấy Tanhia ở đây. Cậu bèn đi vào bếp và bắt gặp Tanhia ở mé ngoài. Cô bé đang len lén lách ra cửa. Em đã mặc áo khoác lông và đang cúi xuống buộc dây đôi giày da hươu mới của mình ở chỗ mắt cá chân. Phinca im lặng lùi lại, che cho Tanhia khỏi những cái nhìn của khách khứa. Tanhia đi ra bậc thềm. Không khí bốc hơi lên cao thành những cột khói, rồi ở trên cao tít tắp chúng biến thành những đám mây mỏng manh bay lang thang khắp bầu trời quang đãng. Xuyên qua những đám mây ấy, tựa như xuyên qua một tấm kính trong suốt bị hơi thở làm mờ đi, một vầng trăng nhỏ lạnh lẽo hiện ra.
  12. Tanhia bước xuống tuyết, cố gắng không phát ra tiếng động. Bóng tối lấp loáng hắt nhè nhẹ lên vai, trên mặt em. Em lấy tay vuốt mái tóc để trần và đi ra cổng. Em chạy băng qua phố rồi dừng lại trước nhà Giênhia. Những đống tuyết bao quanh khắp ngôi nhà. Tanhia khuỵu đầu gối xuống và ngồi một lát trên tuyết, ngượng ngùng liếc vào cửa sổ. Sau đó em trèo lên một đống tuyết. Cửa sổ ngay trước mắt em. Qua tấm kính, ánh sáng mờ ảo trông bàng bạc như ánh trăng. Đó là ánh sáng cả những ngọn nến cháy trên cây thông. Xung quanh cây thông, lũ trẻ đang nhảy múa. Những bóng người lướt qua dưới cái nhìn bất động của Tanhia, và trong mỗi bóng người, em đều nhìn thấy Côlia. Đem bừng bừng trong giá lạnh. Nhưng em vẫn cứ nhìn. Và những bóng người vẫn lướt qua, lướt qua như ở dưới thuỷ cung mờ ảo. Chỉ có một cái bóng bất động, một cái bóng ở sâu hơn và sẫm màu hơn những bóng khác – bóng một con cá to có cái đuôi rủ xuống. Nhưng rồi cái bóng này cũng lướt đi. Nó chuyển động khi thì lên trên, khi thì xuống dưới, khi thì lại xiên ngang tấm kính. Và thậm chí cả những cái bong bóng nhỏ mà nó phun ra cũng nhìn thấy rất rõ. “Cái gì thế này? – Tanhia khiếp sợ nghĩ. – À, cái bể cá của Giênhia đặt trên cửa sổ đấy thôi.” Nhưng rồi những cánh tay tối sẫm của một người nào đó chìa ra cửa sổ và con cá biến mất. Biến mất luôn cả bức tranh huyền ảo đã thu hút Tanhia hồi lâu. Lưng của ai đó đã che khuất cửa sổ. Trên bậc thềm, có tiếng sập cửa rất gần. Tanhia ngồi ngay xuống. Em tụt khỏi đống tuyết rồi trượt qua tuyết, qua băng, qua những mảnh ván hàng rào lạnh cứng, và phóng thẳng. Không biết đi đâu, em chạy lang thang vô phương hướng trong khi nỗi xúc động còn chưa dịu. Một nỗi buồn sâu sắc biết bao tràn ngập cả người em. Tanhia chưa định vào nhà vội. Em đứng lại trong sân nhà, bên cạnh hàng rào, sau một thân cây bạch dương che chở cho em khỏi con mắt mọi người. “Mình làm sao thế này? – em nói, không rõ là nói với ai. – Mình làm sao thế này? Vì sao lại như vậy, có ai nói cho tôi biết với!” Cây bạch dương im lặng; chỉ có một cây thông, bất đắc dĩ phải để cho không khí lạnh lọt qua những chiếc lá kim, là còn xào xạc. Đầu không đội mũ, Phinca bước ra bậc thềm và khẽ g. Em không đáp lại. Cậu bé nhìn ra tận phía cổng hàng rào rồi chầm chậm quay trở lại. Chỉ khi Phinca đã đi khuất, Tanhia mới trở vào nhà. Em bước vào phòng mình, ở đó các bạn vẫn đang quay tròn quanh cha em. Côlia đứng trên một chiếc ghế để thay những ngọn nến đã cháy hết trên cây linh sam. Trước mặt cậu ta, Tanhia như ngạt thở. Người em lảo đảo. Tóc em đẫm sương, áo quần đầy tuyết. - Tanhia, con vừa ở đâu thế? - bố lo ngại hỏi. - Con ra phố cho thoáng. Đầu con hơi choáng váng. - Thế thì vào giường mẹ nằm đi - mẹ bảo. Côlia nhảy xuống khỏi ghế và đến sát bên Tanhia. - Đợi một chút, tôi muốn cho bạn xem món quà của tôi, - cậu nói. – tôi đã đi mua tận chỗ ông Trung Quốc đấy. Đầu tiên, Côlia mang đến một lô bọ gậy - những con bọ nhỏ, đỏ hơn cả quả kim anh rừng. Tanhia đặt chúng lên giá sấy củi. Sau đó cậu bé chỉ co Tanhia một bể cá nhỏ, trong đó có một con cá vàng. Con cá to, có cái đuôi toả xuống như một cái váy dài. Nó bơi vật vờ trong bể. Giữa bốn bức tường kính trong suốt, con cá sống có vẻ vất vả. Những mảnh rong lượn lờ trên mặt nước. Tanhia nói:
  13. - Bạn mua ở chỗ ông Trung Quốc à? Thật là vô ích. Tôi không nuôi cá trong bể kính trên cửa sổ. Phải rán nó thôi. Côlia cau mày, mắt em tối sầm đi. Dường như em không nghe thấy những lời của Tanhia. Nhưng cánh tay em bỗng yếu đi, bể cá tròng trành, con cá quẫy đuôi ngoi lên và mấy giọt nước bắn xuống sàn nhà. Côlia đi đến gần bà vú nuôi. Suốt buổi tối, bà vẫn đứng bên cánh cửa. - Bác ơi, - cậu bé nói – bác rán con cá này với khoai tây đi, Tanhia muốn thế. - Đúng, đúng đấy, - Tanhia nói – bác rán nó nhé. Ngoan lắm đấy. Nó thuộc loại cá giếc đấy. Rồi em đi về phía bố và cầm lấy tay ông: - Bố ơi, hôm nay con sẽ nhảy với bố thật nhiều. Bố nhảy đẹp lắm. Và thế là đôi chân em – đôi chân ngày hôm nay đã chạy trên tuyết nhiều đến thế - lại bắt đầu hoạt động, nhưng bây giờ ở trên mặt sàn bằng phẳng. Em kiễng trên đầu ngón chân để đặt tay lên vai cha. Rồi khi đã thấm mệt do phải ngửa đầu về phía sau, em bèn cúi xuống dựa trán vào tay áo của cha em. Cánh tay bố làm người em lắc lư nhè nhẹ. Người em nghiêng ngả như một ngọn cỏ nước trên quãng sông lặng. Bố mỉm cười hạnh phúc. Cuối cùng thế là ông cũng được tặng thưởng vì những cố gắng mà ngày hôm nay ông tưởng như vô ích: vì những quả cam có đóng băng, vì mấy giọt rượu mà ông đã cho phép lũ trẻ uống. Đi đi lại lại giữa đám khách, cả mẹ cũng thật hạnh phúc. Mặc dù mỗi bước chân của bà vẫn cố tự chủ, nhưng gương mặt bà vẫn rất linh hoạt, và thậm chí giọng nói của bà cũng đổi khác. Tanhia nhảy cả với mẹ, cả với cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna, rồi đến khi nhảy đã mệt, em dừng lại nghỉ ở một góc phòng, đằng sau cây linh sam mà em đã trang hoàng. Cạnh cây linh sam bên cửa sổ, Phinca đứng một mìnhộc. Tanhia đã quên bẵng cậu ta: cả buổi tối hôm nay, em không nói với cậu một lời nào. Phinca đã mấy lần gọi Tanhia. Cô bé ngước nhìn cậu một cách lơ đãng. - Sáng mai có người sẽ đi với Côlia ra sân băng đấy – Phinca nói. - Cậu phải không? – Tanhia hỏi. Phinca lắc đầu. - Thế thì ai? - Giênhia. - À Tanhia níu lấy cành cây. Cái cây chao đảo dưới sức nặng của tay em, quả cầu nhỏ màu bạc rơi xuống sàn và vỡ tan. Tanhia lấy chân giẫm lên những mảnh vỡ. - Côlia còn nhờ cậu nói gì với mình nữa? Phinca bỗng cảm thấy thương cô bạn. Khuôn mặt cậu bé ngăm ngăm đen như cha và em cậu, dưới ánh nến trông sáng hẳn lên. Cậu nói: - Mình thì mình có thể ăn được nến đấy. Tanhia im lặng nhìn bạn. Phinca lấy một ngọn nến đang cháy trên cây linh sam, thổi tắt đi và bắt đầu nhai thực sự. Tanhia chợt bừng tỉnh. - Cậu đang làm gì thế, Phinca? – em kêu lên. – Có thể độc - Không đâu Tanhia, chẳng độc tý nào – Phinca nói. – Cái này không được ngon lắm, nhưng lại buồn cười. Buồn cười thật, phải không? Quả thực Tanhia không nhịn được cười.
  14. Trong đôi mắt Phinca long lanh những giọt lệ. Như những ngọn lửa nhỏ, những giọt nước mắt ấy sáng lên từ dưới cặp mi dày. Cậu bé vẫn cứ nhai, cứ nhai. “Sao cậu ấy trông như khóc ấy nhỉ?” Tanhia đưa mắt nhìn quanh nhưng không thấy ai có thể làm cho Phinca khóc được. “Có lẽ trong nến có trộn chất gì đắng chăng?” - Cô bé lấy hết sức giật cây nến ra. - Cậu sẽ ốm mất, Phinca ạ - Tanhia nói. - Thế mà sáng mai mình lại muốn cùng với cậu đi đến trường xem biểu diễn. Với lại tại sao cậu lại nêu gương xấu cho bọn trẻ con như thế? – em nói thêm – Nhìn kìa. Đứa em trai nhỏ của Phinca đứng bên cạnh anh cũng đang nhai nến. Nhưng cậu này xem chừng chẳng thấy trong đó có gì đắng cả. Khuôn mặt có đôi gò má rộng của cậu ta nom láu lỉnh và có vẻ hài lòng. Còn trong tay cậu ta là một quả cam.
  15. XV Quá nửa đêm, khách khứa ra về, Tanhia chúc tất cả hạnh phúc: cả những bạn thân lẫn không thân của mình, cả bác thợ săn, cả Phinca, cả bố, c mẹ và cô Nađêgiơđa Pêtơrốpna. Với Côlia, em nói: - Côlia, chúc mừng bạn nhân dịp năm mới! Mong bạn hạnh phúc, và chúng ta hãy quên cái con cá ngu ngốc ấy đi. Em quyết định không nghĩ về cậu ta nữa. Nhưng đang đêm, Tanhia lại sợ hãi tỉnh dậỵ Từ đám bọ gậy mà buổi tối em đặt trên giá đã nở ra một con muỗi con. Cũng có thể đó là một con muỗi già, được sưởi ấm trên bếp lò giữa đám bọ gậy, vừa mới sống lại kêu vo ve. Thật đáng sợ! Con muỗi vo ve giữa một đêm đông, khi mà lẽ ra nó không thể vo ve được. Tanhia ngồi trên giường, nhìn vào bóng tối, lắng nghe tiếng vo ve ấy. Đó là tiếng đập của muỗi, vậy mà tim em lại đập mạnh như tiếng mõ cầm canh của người gác đêm. Chẳng lẽ cái âm thanh thảm hại này lại có thể làm em sợ đến thế hay sao? “Phải giết nó đi” – Tanhia nghĩ. Nhưng con muỗi chỉ vo ve một tí nữa rồi im hẳn. Tự nó đã chết. Tanhia lại ngủ thiếp đi và buổi sáng em thức dậy vui vẻ. Mẹ đã đi trực ở bệnh viện, nhưng điều đó cũng không làm Tanhia buồn. Lòng em thoải mái biết bao, người em nhẹ nhõm biết bao – em cảm thấy như là mình đã mất trọng lượng. “Đó là cái gì vậy, - em nghĩ - kỳ nghỉ ư? Hay có lẽ đó chính là tình yêu, thứ tình cảm mà Giênhia béo đã nói đến không ượng ngùng? Ừ thì tình yêu Nhưng hôm nay mình sẽ nhảy với cậu ấy ở dạ hội cây thông. Và mình sẽ đi ra sân băng. Mình sẽ không quấy rầy cậu ấy. Mình sẽ đứng ở đấy sau đống tuyết cuối sân và chỉ nhìn xem họ trượt thế nào thôi. Có thể sẽ có một cái dây nào đó ở giày trượt băng của cậu ấy tuột ra. Nếu vậy thì mình sẽ tự tay buộc nó lại. Đúng rồi, nhất định mình sẽ làm thế”. Trong lúc rửa mặt và ăn sáng, Tanhia vẫn nghĩ mãi về điều đó. Mặt em ngời lên, mỗi bước chân, mỗi cử động của cánh tay, em đều cảm thấy khác thường. Em mài giày trượt băng, thắt chặt dây lại rồi ném một miếng đường lên tuyết cho con chó già để gọi nó đi theo. Con chó sục mõm vào khắp nơi để tìm miếng đường, nhưng khứu giác của nó đã tồi nên nó không thể tìm thấy được. Tuy vậy, lần này con Chigrơ tội nghiệp vẫn ra đi cùng cô bé. Nhưng, như sau này cái đầu óc già nua của nó đã nhận định, chuyến đi hoàn toàn vô ích. Suốt một giờ họ đã uổng công đứng cạnh sân băng bên bờ sông, nấp sau từng đống tuyết. Họ không gặp ai ở đây cả. Xung quanh trống trải. Cảnh tượng nó nhìn thấy dưới sông thật đáng sợ. Từ mũi đất xa xa có dải từng bao phủ, một làn gió lướt qua nhè nhẹ, chạm khẽ vào vách đá và thổi tung tuyết rơi xuống đất. Con chó và Tanhia đứng như vậy khá lâu rồi quay trở lại. Nhưng ngay khi vừa bước lên con đường mòn phía sau nhà của những người đánh cá thì họ nhìn thấy Côlia. Cậu ta dìu Giênhia, còn cô ta thì cúi gập người bò trên con đường đóng băng mà lũ trẻ con những người đánh cá thường đi trên đó. Trong tay cả hai người đều có giày trượt băng. Tanhia rẽ ngoặt vào một ngõ hẻm bên trái rồi nấp sau mọt ngôi nhà, nhét đôi giày trượt băng vào trong đống tuyết. Con Chigrơ ngồi bên cạnh, ngước mắt nhìn em. Nó không thể hiểu nổi em.
  16. Côlia đi lướt qua bên cạnh, không thấy gì cả, còn Tanhia vẫn tiếp tục đứng. Con Chigrơ khẽ rên ư ử, cẳng nó đã bắt đầu run. Nó nhớ lại mùi xương chim mà Côlia thường mang đến cho nó, và lòng nó quặn lại. Nó vừa kêu ăng ẳng vừa nhảy ra khỏi ngôi nhà rồi lao theo sau Côlia. Cậu bé quay ngoắt lại. - Chigrơ, mày ở đây ư? – Côlia ngạc nhiên nói, - thế Tanhia đâu? Tanhia đi ra khỏi ngõ hẻm và đứng lại – nấp nữa cũng chẳng ích gì. Mặt em đỏ ửng lên, ngay cả ngọn gió lạnh từ phía đông thổi về lúc sáng sớm cũng không thể làm màu da mặt em đỏ đến như vậy. - Chigrơ, - em nói, - lại đây ngay! Côlia chào Tanhia và đi về phía em, vừa đi vừa vung vẩy đôi giày trượt băng. - Bạn ra sân băng sớm thế à? Vậy mà tôi cứ nghĩ là bạn đi với Phinca đến trường xem biểu diễn cơ đấy. Tanhia đứng sững lại, quay mặt về phía khác và nói một cách kiêu hãnh, nhưng những lời nói chẳng phục tùng em: - Tôi không hề đến sân băng, bạn thấy đấy, tôi có mang giày trượt đi đâu. Phinca nói với bạn đúng đấy. Hôm nay chúng tôi cùng đi đến trường xem biểu diễn. Côlia nhìn tay Tanhia. Đúng thế, cả trên tay, cả trên vai cô bé đều không có giày trượt băng. - Thật vậy hả? Hay thật! – cậu bé nói. – Nếu thế thì Chigrơ, lại đây nào. Tanhia kêu to: - Không được thế, Chigrơ! Con chó già vẫn đứng nguyên tại chỗ, mặc dù mùi xương thơm ngon vẫn còn luẩn quẩn trong đầu óc nó. Nó ngồi cách Tanhia một quãng, có lẽ suy nghĩ xem mình phải làm gì trong tình thế khó xử này, rồi chắc là nhớ đến những việc riêng của mình, nó bèn lao vào trong ngõ hẻm, bỏ mặc hai đứa trẻ. Tanhia cũng bước vội theo con chó. Em vừa đi vừa cố gắng không ngoảnh lại phía sau. “Không, mình sẽ không nấp sau những ngôi nhà và những đống tuyết để trốn Côlia nữa! – Tanhia nghĩ thế khi đi trên đường phố. – Mình sẽ không thắt dây giày trượt băng cho cậu ta, và chẳng bao giờ cần làm việc ấy cả”. Mặc dù Tanhia mới sống trên trái đất này rất ít thôi và cuộc đời em còn dài biết bao, nhưng em vẫn quyết định là trong cả quãng đời còn lại của mình, em sẽ không nhớ đến Côlia nữa, em sẽ quên đi mọi ý nghĩ về cậu ta. Bởi vì trên đời còn có khối niềm vui khác tốt đẹp hơn và chắc chắn là nhẹ nhõm hơn điều đó. Những niềm vui đó trước kia em đã từng biết đến, mới đây thôi, khi đi câu cá hồi ngoài sông, hay khi đứng trong hàng cùng các bạn lắng nghe những âm thanh rộn rã của chiếc kèn đồng. Ngay cả lúc này đây, Phinca cũng vẫn đang đợi em đến xem biểu diễn ở trường, các bạn cũ của em đang túm năm tụm ba bên cánh cổng trường rộng mở. Sau hết, em có thể chỉ nhìn xung quanh thôi, không nghĩ ngợi gì cả, chỉ nhìn ngắm thành phố của mình. Thành phố nhỏ, nhưng cũng như em, nó gắn bó với bầu trời của em, với cánh rừng sẫm màu lá thông, và mỗi khi mùa xuân đến, bầy chim đại bàng lại bay lượn trên cao ngắm nhìn nó. Giờ đây, vào mùa đông, thành ph vẫn đẹp. Nó không phải toàn bằng gỗ. Bến tàu bằng đá, trường học của em bằng đá, khu nhà mới xây để làm xưởng luyện vàng cũng bằng đá. Và có biết bao nhiêu con đường mới mở chạy từ rừng ra thành phố và lại từ thành phố vào rừng. Ở tít sâu trong đó ngày hay đêm đều có thể nghe thấy tiếng thở của những ống khói cao cao, đều có thể nhìn thấy làn khói mới mẻ phủ trên những ngọn cây tuyết tùng. Và có biết bao nhiêu ô tô đi qua thành phố với những bánh xe bọc xích để khỏi bị trượt trên tuyết!
  17. Rồi ông thợ hàn đồng già cũng đi qua thành phố và rao ở các ngã tư: “Mạ, hàn nào!”. Mùa xuân, ông thường vác thanh sắt của mình trên vai, còn mùa đông thì ông dùng dây kéo nó trên tuyết và nó lướt đi, giảm nhẹ việc cho ông: nó trượt theo ông như con chó. Cần gì thì được nấy – muốn lướt thì lướt, không muốn thì thôi. Chẳng nhẽ điều đó là xấu ư? Tanhia nhìn ông thợ hàn đồng đang gõ thanh sắt, rồi sải những bước dài và nhanh hơn, chạy về phía cánh cổng trường mở rộng. Bọn trẻ đã tụ tập cạnh trường. Nhưng có điều lạ là các em không đi vào trường mà lại đi ra. Lũ trẻ vừa chạy ngược về phía Tanhia vừa hét, và mãi em không sao hiểu lời các bạn. - Bão - lũ trẻ hét lên – bão đấy! Không có biểu diễn nữa đâu! Các bà mẹ người quấn tròn trong những chiếc áo lông túm lấy tay các con nhỏ đưa về nhà. Những em khác thì được bố đưa về. Cô Alêchxanđra Ivanốpna từ cổng trường đi ra, dẫn theo bé gái có đôi chân nhanh nhẹn mà Tanhia thường gặp trên đường. Tay kia cô dắt một cậu bé, cậu này có vẻ không muốn đi đâu hết. Thấy vậy, Tanhia bèn chăm chú nhìn xung quanh. Emước mắt lên và nhận thấy bầu trời đã bị chia thành hai màu rõ rệt: màu đen và màu xanh. Nửa bên trái bầu trời, ở phía đông, như một bức tường đen sừng sững. Ngọn cờ bay trên tháp canh của thành phố căng thẳng như một sợi dây đàn. Bão đã đến gần thành phố. Nó đang ở trên cao, chưa hạ xuống mặt đất. Tanhia nhìn không trung qua những kẽ ngón tay. Không gian tối sầm và đông đặc lại. “Bão rồi! cô Alêchxanđra Ivanốpna kêu lên. – Về nhà thôi, Tanhia. Nhớ nói như thế cho tất cả các bạn mà em gặp. Nhưng Tanhia không quay lại. Em chạy đến gần cô giáo. - Em không sợ bão đâu – cô bé nói. – Em sẽ giúp cô. Cô giao em gái này cho em, em sẽ dẫn em ấy về nhà. - Nhà em này xa đấy, ở tận bờ sông, cạnh chỗ sà lan. - Không sao đâu, em biết nhà em ấy mà. - Thế thì em dẫn về nhé, còn cô sẽ đưa cậu bé này về. Có điều là em hãy coi chừng, phải quay về nhà nhanh lên – cô giáo lo lắng nói. - Em sẽ làm tốt tất cả, - Tanhia vội vã trả lời – cô đừng lo, cô Alêchxanđra Ivanốpna ạ. Em nắm lấy tay em bé rồi cả hai cùng chạy dọc theo một phố dài, ở đó mặc dù đang giữa trưa nhưng các cánh cửa sổ đều đóng kín và trong các ngôi nhà đều đã lên đèn. Hai em chạy nhanh, không dừng lại, nhưng gió ở các ngã ba đường cứ làm chậm bước chân các em. Đến bờ sông, từ trên cao, Tanhia nhìn thấy chiếc sà lan đã bị tuyết phủ đến cột buồm. Còn bên phải là sân băng. Lớp băng rộng và phẳng lì được tuyết rửa sạch bong. Trên hàng cột dọc đường biên người ta treo những dây hoa làm bằng cành thông. Dây hoa lắc lư như những sợi chão trên một chiếc thuyền buồm lúc dông bão. Ở đằng xa, phía sau sân băng, trên dòng sông, trên những đỉnh núi trọc có những cơn lốc xoáy trắng xóa dựng lên như những bông hoa trên những thân cây mảnh dẻ. Không có ai trên sân băng. Chỉ có hai bóng người nhỏ xíu nắm tay nhau trượt dọc đường biên. Tanhia lao xuống dưới theo con đường mòn và chạy dọc bờ sông, khi thì nhìn ra sân băng, khi thì nhìn em bé đang thở hổn hển vì phải chạy. Em dừng lại trong giây lát. - Người trường mình đấy – em bé nói. – Sao chị không gọi đi? Nhưng thay vào câu trả lời, Tanhia lại đặt tay em bé lên ngực mình. - Em nghe này, tim chị đập mạnh không?
  18. - Tai em lạnh cóng rồi – cô bé nói. – Em thật chẳng nghe thấy gì cả. Đang có bão mà người ta lại trượt băng kìa. Sao chị không gọi đi? Nhưng Tanhia vẫn không trả lời. Em bế xốc em bé lên rồi mang vào ngôi nhà ở ngay trên bờ sông. Lát sau, Tanhia lại đứng một mình trên ngưỡng cửa ngôi nhà đó. Em nhảy xuống tảng băng ở phía dưới rồi đi theo con đường nhỏ giữa những chiếc sà lan, tuyết phủ ngập chân. Em đã quyết định là không việc gì phải vội. Em sẽ còn đi chậm hơn trên con đường khó đi này. Mặc cho bão tuyết thốc vào mặt em, thốc bào sân băng và những dây hoa làm bằng cành thông, mặc cho bão tuyết phủ ngập dòng sông chất thành núi, em sẽ không vội vàng. Em sẽ đi ra sân băng với họ một cách cục cằn: “Đã đến lúc các bạn nên tỉnh lại mà về nhà đi. Chỉ có điều là đừng nghĩ tôi đến đây để nói với các bạn điều đó. Tôi đưa một em bé về nhà và tình cờ đi ngang qua đây thôi. May cho các bạn là tôi nhìn thấy đấy, chứ hai bạn đều quên hết cả rồi. Mà nếu không phải vì em bé, thì cũng chỉ vì tôi thích dạo chơi trên bờ ông này trước cơn bão thôi. Có thể các bạn không tin tôi, cái đó tùy các bạn. Nhưng các bạn thấy đấy, tôi đã đến đây một cách thong thả và bây giờ cũng sẽ đi chẳng vội vàng gì”. Tanhia lẩm bẩm như vậy nhưng mỗi lúc một rảo bước nhanh hơn, cho đến lúc đôi chân như được chắp cánh. Em chạy vùn vụt qua những chiếc sàlan lạnh giá, không khí ảm đạm rít ù ù trong tai em. Con đường nhỏ hóa ra là ngắn nhất, chẳng mấy chốc nó đã đưa em tới sân băng. Nhưng ở đây, Tanhia không gặp ai cả. Em đưa mắt nhìn quanh bờ sông mờ mịt tuyết. Và bỗng nhiên em nhìn thấy Côlia gần như ngay dưới chân mình. Cậu ta ngồi trên tuyết, bên cạnh những cành thông đã bị gió thổi rơi xuống đất, còn Giênhia ngồi cạnh cậu ta. Bóng tối đã lan dần đến. Tanhia lấy ngực rẽ những cành thông. - Các bạn mù cả rồi sao? – em nói với Giênhia.- Sắp bão rồi. Cô Alêchxanđra Ivanốpna bảo tất cả phải đi về nhà. Nói xong em mới nhận thấy rằng chẳng cần nói điều đó Giênhia cũng đã sợ hãi rồi, mặc dù hai má đỏ bừng nhưng toàn thân cô bé run lẩy bẩy. - Có chuyện gì vậy? – Tanhia lo ngại hỏi. - Tất cả chỉ tại Côlia – Giênhia vừa nói vừa run. – Cậu ấy cứ muốn trượt băng cùng với mình. Nhưng mình sợ, ở đây gió lắm. - Sao cậu nói dối thế? Côlia nói. – Thế không phải cậu thích trượt băng buổi sáng hay sao? - Thế không phải cậu đã nhờ Phinca nói với Tanhia là sáng nay bọn mình đến đây hay sao? – Giênhia giận dữ trả lời. - Nhưng Tanhia không nghe ai cả. Em lo lắng cúi xuống nhìn Côlia. Mặt Côlia tái nhợt, cậu tì vào chân, không đủ sức đứng dậy. - Cậu đi đi, đồ ngốc- cậu nói với Giênhia. – Cả hai người cùng đi đi, tôi ở lại một mình. Giênhia vẫn chưa hết run. - Mình về nhà đây – cô bé nói. Tanhia nắm lấy vai cô bạn, khẽ quay về phía thành phố. - Đi đi, -em nói. Nhưng hãy ghé qua nhà Phinca và nói là bọn mình ở đây. Mẹ mình không có nhà. - Không, không, mình về thẳng nhà đây. Mình sợ lắm, sắp bão rồi. Rồi Giênhia vừa chạy đi vừa lấy tay che mặt cho khỏi gió. Tanhia ngồi xuống tảng băng trước mặt Côlia và buộc lại dây giày trượt băng cho bạn. - Bạn bị thương à? Bạn ốm à? – em hỏi. Cậu lặng thinh.
  19. Tất cả xung quanh tối sầm lại: cả sông, cả băng và cả bầu trời. Ngón tay Tanhia lạnh cóng. Thỉnh thoảng em lại kẹp chặt bàn tay giữa hai đầu gối để sưởi ấm. Côlia cố gắng không rên rỉ. Tanhia chìa tay cho bạn. Cậu đứng dậy và lại ngã xuống tuyết. - Bạn bị gãy chân rồi hay sao? – Tanhia sợ hãi hỏi. - Không, - Côlia trả lời – mình chỉ hơi bị bong gân một tý thôi. Cái con bé Giênhia ngu ngốc này hoàn toàn không biết trượt băng. Rồi Tanhia nghe thấy tiếng cười của Côlia. Trong lúc này, lẽ ra không nên cười như vậy một tẹo nào. Có lẽ cậu ấy cười em, cười nỗi lo sợ của em cho tính mạng cậu ấy? Có lẽ đó chỉ là một trò đùa dối trá – chân cậu ấy tuyệt nhiên không đau? - Nhìn lên đường xem kìa, - cậu vừa nói vừa cười – con Chigrơ đang ngoạm giày trượt băng của cậu mang đến đây đấy. Mình cũng đã nghĩ là cậu giấu nó ở đâu đó mà. Tanhia nhìn lên đường. Đúng vậy, con Chigrơ đang chạy qua sân băng, kéo theo đôi giày trượt. Nó đặt đôi giày trượt dưới chân Tanhia và ngồi xuống bên cạnh em, đợi cảm ơn. Em đưa bàn tay rét cóng lên vuốt ve bộ lông ướt lạnh của nó. Nhưng bây giờ em cần giày trượt làm gì và con chó lấy đôi giày ở đâu ra? Chắc là nó đã lôi đôi giày từ trong đống tuyết ra. Nó kéo đôi giày trên đường, sợ hãi khi thấy có người đi qua. Gió đã đẩy nó vào trong tuyết. Chắc là nó đã kéo đôi giày đi rất vất vả. Nhưng tất cả đều vô ích. Bây giờ không cần giày trượt băng nữa. - Mình phải làm gì dây? – Em nói.- Mẹ thì không có nhà. Không có ai cả ngoài con Chigrơ. Nhưng nếu cậu không đi được thì mình sẽ dìu cậu đến chỗ những người đánh cá, chứ ở lại đây thì không được. Cậu không biết bão tuyết chỗ chúng mình như thế nào đâu. - Mình không sợ bão của các cậu – Côlia bướng bỉnh trả lời. – Còn nếu cậu nghĩ là mình sợ con sông sâu của các cậu nên không dám xuống nước để cứu lũ mèo con bất hạnh thì đấy là việc của cậu. Cậu cứ nghĩ thế nào cũng được. Cứ đi đi, nếu cậu sợ. - Không, - Tanhia nói, - mình không sợ bão. Mình sợ cho cậu Mình biết là nguy hiểm lắm, và mình sẽ ở lại đây với cậu. Em ngồi xuống tuyết bên cạnh Côlia. Em nhìn bạn với một vẻ dịu dàng mà em không muốn che giấu nữa. Và gương mặt em ánh lên nỗi lo âu. Cậu bé cúi đầu. - Mình cần phải về nhà – Côlia nói. – Mình đã hứa với bố rồi. - Mình phải làm gì đây? – Tanhia lặp lại. Em không nhìn Côlia nữa mà trầm ngâm nhìn con Chigrơ đang run rẩy trong tuyết rơi, sau đó em nhổm dậy, vui vẻ hơn trước. Bầu trời tụt xuống khỏi các dãy núi và trải ra như một mòn khói trên các khe hẻm. Mảng đen phía xa đã dịch lại gần ngay sau các vách đá. Tuy vậy, cơn gió đáng sợ nhất vẫn chưa bay ra khỏi doi cát phía xa, nơi có những tảng đá nằm rải rác. Và tuyết từ trên cao còn chưa đổ xuống. Vão tuyết ập đến từ từ - Chúng mình còn thời gian – Tanhia nói.- Phin ca có chó, mà mình thì biết điều khiển xe chó kéo. Mình sẽ lùa chúng đến đây. Có thể còn kịp. Đợi mình ở đây, rồi mình sẽ chở cậu về nhà với bố. Chỉ có điều là đừng sợ nhé. Con chó sẽ ở lại với cậu. Nó không bỏ đi đâu. Tanhia đặt con Chigrơ lên đống tuyết và cho nó liếm tay. Nó ngồi yên tại chỗ, sợ hãi nhìn về phía bắc, nơi ngọn gió đang thổi tung bụi tuyết và làm lay động rừng cây trên dãy núi. Tanhia chạy lên bờ.
  20. Đầu cúi xuống và lấy thân mình rẽ gió, em chạy dọc trên dãy phố đã ngập đầy những đống tuyết cao. Tất cả các cánh cổng đều đóng kín. Chỉ có mấy cánh cửa nhà Phinca là còn mở. Cậu vừa mới trở về cùng cha trên xe chó kéo. Cậu đứng trên bậc thềm, giũ tuyết khỏi thanh trượt, rồi đột nhiên cậu nhìn thấy Tanhia đứng thở hổn hển bên cạnh mình, cậu sửng sốt lùi lại. Lũ chó nằm trên sân, bên cạnh cổng, vẫn bị thắng vào xe, - người ta chưa kịp tháo chúng ra. Thanh cai- u-rơ – cây gậy dài bằng gỗ tần bì- cắm xuống tuyết bên cạnh đó. Tanhia chộp lấy thanh cai-u-rơ và ngã vào xe. - Cậu làm gì thế, Tanhia! – Phinca kêu lên sợ hãi. – Coi chừng đấy, chúng dữ lắm! - Im đi, im đi, Phinca thân yêu! – Tanhia nói. – Mình cần phải chở Côlia về nhà ngay. Cậu ấy bị sái chân ở sân băng. Mình đánh xe của cậu đi đây. Dọc theo bờ sông thì gần thôi. Em vung thanh cai-u-rơ lên, thét bảo lũ chó bằng tiếng Nanai, và lũ chó chở em ra khỏi cổng. Đến lúc Phinca kịp nhảy từ bậc thềmống và xỏ chân vào thanh trượt tuyết thì xe đã ở xa. Nhưng em vẫn chạy theo Tanhia và lấy hết sức kêu lên: - Bão, bão rồi! Cậu đi đâu? Đợi mình với! Nhưng Tanhia không còn nghe thấy tiếng kêu của Phinca. Cô bé cưỡi trên xe như một thợ săn thực thụ. Thanh cai-u-rơ cầm trong tay, em đánh xe rất giỏi. Thật lạ lùng, lũ chó lại nghe Tanhia, mặc dù chúng không quen giọng em. Phinca đành dừng lại. Gió thốc vào vai em và buộc em phải ngồi xuống trên thanh trượt. Nhưng em không quay trở lại. Em ngồi một lát trên thanh trượt, suy nghĩ về những điều vừa thấy, về gió, về Tanhia và về chính mình. Rồi sau khi quyết định rằng mọi điều tốt đẹp cần phải có một phương hướng tốt chứ không phải là ngốc nghếch, em bèn quay ngoắt ra khỏi nhà, sang con đường xuyên qua rừng dẫn tới pháo đài, chạy ngược chiều cơn bão. Trong lúc Phinca chạy, lũ chó của em đã chở Tanhia đến sân băng một cách an toàn. Tanhia đỗ xe lại bên cạnh Côlia, gắng sức cắm thanh cai-u-rơ dài vào giữa những cái càng trượt. Ngay lập tức, lũ chó nằm xuống, không hề hục hặc với nhau. Lảo đảo vì đau, Côlia đứng dậy một cách khó khăn. Tuy vậy em vẫn mỉm cười. Thậm chí trên gương mặt rét cóng của em còn ánh lên vẻ hân hoan. Lần đầu tiên em nhìn thấy lũ chó bị thắng vào xe, lần đầu tiên em được đi trên xe chó kéo. - Quả thật, nghĩ ra cách này không xoàng đâu – em nói sau khi liếc nhìn chiếc xe kéo nhẹ nhàng được cặp bằng răng cá voi và nhìn lũ chó cộc đuôi đang nằm nhai tuyết. – Lũ chó này không dữ như Phinca thường khẳng định với mình, bề ngoài trông cũng không khỏe lắm. chúng chỉ lớn hơn lũ chó lulu của chúng mình một tý thôi. Nhưng Tanhia biết rõ hơn Côlia tính hung dữ, tính rừng mãnh liệt và khát vọng tự do của lũ chó nên không rời chiếc xe một bước. Em chỉ tạm thời rời nó trong khoảnh khắc để thận trọng đỡ Côlia dậy và đặt cậu ngồi vào xe. Sau đó em bế con Chigrơ đang còn run sợ lên, ôm chặt nó vào ngực, nhảy lên xe và đánh chó lao về phía trước. Động tác của em thật khó nắm bắt nhưng đồng thời cũng thật chính xác, cái nhìn của em thật sắc sảo khi hướng xuống lớp tuyết đã bắt đầu lao xao trên đường, nhưng nó rụt rè biết bao khi hướng về phía sau – về phía Côlia! - Cậu có đau lắm không? – em hỏi. – Cố chịu đựng nhé, sắp đến rồi. Chỉ mong sao về kịp trước cơn bão! Cậu bé sửng sốt. Trong đôi mắt ánh lên lo lắng dưới hàng mi dính băng vì gió táp và trong tất cả con người Tanhia, Côlia cảm thấy có một ý nghĩa hoàn toàn khác lạ. Dường như trên cỗ xe nhẹ nhàng do những con chó rừng kéo ấy, dưới làn tuyết buốt lạnh làm sây sát làn da mặt, cả hai
  21. em đang cùng nhau lao nhanh đến một miền đất khác, một miền đất mới mẻ mà em chưa hề nghe nói đến. Côlia nắm lấy áo Tanhia để khỏi ngã ra ngoài. Bão tuyết đã ập đến con đường. Nó trút xuống thành một bức tường, như một trận mưa rào, cuốn đi ánh sáng và rít ầm ầm như sấm, giữa những vách đá. Đầu óc choáng váng vì gió thổi, Tanhia nhìn thấy mờ mờ ảo ảo từ bức tường trắng này hình như có một con ngựa cố tách ra, phi nước đại trên đường. Nó chở ai đi tránh bão vậy? Tanhia không thể nhìn thấy được. Em chỉ cảm thấy lũ chó giận dữ lao lên đón đầu con ngựa này, và em thét lên với chúng bằng một giọng man dại. Côlia không hiểu tiếng thé của em. Nhưng em thì em hiểu tại sao em lại kêu một cách đáng sợ như vậy: lũ chó không nghe lời nữa. Tanhia lắc lắc thanh cai-u-rơ như lắc một ngọn giáo nặng và dang tay ra lấy hết sức cắm gậy xuống tuyết. Nó lún sâu xuống rồi gãy đôi. Tanhia bèn quay lại,và trong khoảnh khắc Côlia nhìn thấy nỗi khiếp sợ trên gương mặt em. Cô bé kêu lên: - Bám chắc vào xe! Em nâng con Chig-rơ lên cao quá đầu và ném nó xuống đường. Nó vừa ngã xuống tuyết vừa kêu ăng ẳng. Sau đó dường như đã hiểu là cần phải làm gì, nó vụt nhổm dậy và vừa rống lên vừa lao theo bầy. Nó vượt lên trước bầy chó, dường như tự nhận cái chết cho mình. Lũ chó đã nhìn thấy nó. Nó lao vọt ra khỏi mặt đường và lũ chó lao theo nó. Con ngựa phi qua bên cạnh. “Chig-rơ thân yêu, Chig-rơ tội nghiệp của tôi!” – Tanhia nghĩ. Con Chig-rơ nhảy chồm lên trên mặt đất, nó chìm ngập và nghẹt thở trong tuyết. Có lẽ nó nguyền rủa những kẻ đã làm cho nó thành tật, đã làm cho những cái chân của nó ngắn ngủn, cái cổ thì ngẳng và yếu ớt. Nhưng nó yêu cô bé ấy, cô bé đã cùng chơi đùa với nó khi nó là một con cún con, đã cùng lớn lên với nó, và chỉ có một mình nó già đi. Như thế liệu có công bằng không? Tanhia áp sát người vào xe, lắng nghe tiếng kêu ăng ẳng kéo dài, tiếng thở khò khè của con chó, tiếng răng chó va lập cập át cả tiếng gió rít ù ù. Cỗ xe không còn gì kìm giữ nữa lao vụt đi, xô vào lũ chó lầm lạc rồi chổng lên, lật nhào. Tanhia chộp lấy càng xe. Dường như chớp vừa lóe lên t mặt em. Mắt em lóe đi trong giây lát. Sợi dây thừng buộc chiếc xe quấn phải một tảng băng nhọn, đứt ra với tiếng kêu như rắn rít. Và đàn chó đã được tự do lao vun vút vào bão tuyết dày đặc. Không một ai cựa quậy: cả Tanhia nằm sõng xoài cạnh chiếc xe, cả Côlia vừa bị ngã ấp xuống, cả con Chig-rơ đã tắt thở với cái cổ họng bị rách toạc và cặp mắt hướng lên bầu trời bão tuyết – tất cả đều bất động. Chỉ có tuyết và bầu không khí đang xê dịch một cách chậm chạp trên sông là chuyển động. Tanhia nhổm dậy đầu tiên. Em cúi xuống nâng cỗ xe lên rồi lại cúi xuống đỡ Côlia đứng dậy. Việc bị ngã không làm em choáng váng. Cũng như trước, mọi cử động của em đều khó nắm bắt, mạnh mẽ và linh hoạt. Em bình thản phủi sạch tuyết trên mặt xuống, dường như chưa hề xảy ra chuyện gì không may. Côlia cũng đã đứng lên được. - Chúng mình sẽ chết mất. Mình đã gây ra chuyện gì thế này, Tanhia! – cậu sợ hãi nói và những giọt lệ rưng rưng trong khóe mắt cậu nhưng chúng đông lại ngay, thậm chí không kịp lăn xuống hàng mi nữa. Côlia lại nghiêng người ngồi phịch xuống. Và Tanhia lại đỡ bạn dậy, cố gắng giữ cho cậu khỏi ngã. Cô hét lên với bạn:
  22. - Côlia, cậu nghe thấy không, chúng mình sẽ không chết đâu! Chỉ có điều là không được đứng nguyên tại chỗ, tuyết sẽ vùi mất. Cậu có nghe thấy mình nói gì không, Côlia thân yêu? Cần phải vận động! Tanhia cố gắng trút tất cả sức lực ra. Và hai em đứng như vậy, gần như ôm lấy nhau. Bão tuyết phủ lên hai em một đám mâyở trong giây lát rồi lại gầm lên. Tanhia lấy chân đẩy cỗ xe lại gần hơn. - Không, không! – Côlia hét lên. – Mình không muốn thế! Mình không cho phép cậu chở mình đi đâu! Cậu bé vùng ra. Tanhia ôm lấy cổ bạn. Hai khuôn mặt giá lạnh chạm vào nhau. Cô bé van xin, nhắc đi nhắc lại mỗi một điều, mặc dù em cảm thấy thật khó nói lên lời – mỗi âm thanh thốt ra đều bị cơn gió tàm bạo thổi tắt ngấm trên môi em. - Chúng mình sẽ được cứu – em lặp đi lặp lại. – Lát nữa thôi. Nhanh lên! Cần phải chờ đợi. Cậu bé ngồi xuống xe. Tanhia lấy khăn lau sạch chỗ tuyết trên mặt bạn, ngắm nghía đôi tay – chúng hãy còn khô ráo – rồi em thắt chặt dây đôi găng tay lại. Túm lấy đoạn dây thừng, Tanhia kéo cỗ xe theo sau. Sóng tuyết nhấp nhô chặn đường em. Em vượt qua những lớp không khí dày đặc chuyển động không ngừng và bám chặt vào áo em tựa cỏ may trong mỗi bước đi. Không gian tối sầm, đầy tuyết và không thể nhìn thấy gì. Thỉnh thoảng Tanhia lại dừng lại, quay về phía xe, lay Côlia, và mặc cho câu bé đau đớn rên rỉ, em vẫn bắt bạn phải bước đi mười bước. Em thở một cách nặng nhọc. Cả khuôn mặt em ướt đẫm, quần áo cứng lại vì một lớp băng mỏng phủ lên. Em đã đi như vậy hồi lâu, không biết đâu là thành phố, đâu là bờ sông, đâu là bầu trời – tất cả đều biến mất, tất cả đều bị phủ trong màn trắng ấy. Và Tanhia vẫn cứ đi, đầu cúi xuống, chân dò dẫm tìm đường, mồ hôi chảy ròng ròng trên lưng như trong những lúc trời oi ả nhất. Bỗng nhiên, em nghe thấy một phát súng đại bác. Em tho mũ ra, lắng nghe rồi chạy tới chỗ Côlia và lại bắt cậu phải đứng dậy. Em kêu lên, những âm thanh thoát khỏi cổ họng một cách khó khăn. Tiếng kêu của em không to hơn tiếng tuyết lạo xạo. - Cậu nghe thấy không, trong pháo đài bắn đại bác đấy! Có lẽ người ta phát tín hiệu cho bọn mình Côlia yếu ớt gật đầu. Người cậu càng đờ đẫn hơn. Tanhia không dám để Côlia ngồi trong xe nữa, em ôm ngang thắt lưng bạn, đặt tay lên cổ mình, rồi cả hai cùng lê đi. Cỗ xe bị bỏ lại sau. Hai em rẽ sang phía trái, từ hướng ấy vừa vang lên thêm một phát súng nữa. Phát súng này to hơn và vang trên khắp con sông. Gió thổi táp vào ngực Tanhia, em thầm biết ơn là phổi còn khỏe để giúp em thở được trong trận bão khủng khiếp này, đôi chân còn khỏe để đưa em tiến về phía trước, và đôi tay còn khỏe để có thể giữ được bạn khỏi tuột ra. Nhưng đôi khi nỗi sợ chợt ập đến lòng em trong khoảnh khắc. Những lúc ấy, em cảm thấy mình đơn độc trong thế giới giữa trận bão tuyết này. Trong khi đó, cũng trong cơn bão tuyết ấy, các chiến sỹ biên phòng đang đi trên những thanh trượt tuyết ngược về phía Tanhia. Họ đi sát nhau thành một chuỗi xích dài trên bờ sông. Trong tay mỗi người đều có một sợi dây dài, người sau nắm lấy mẩu đuôi sợi dây người trước. Họ đã được nối lại với nhau như vậy và trên đời chẳng có gì có thể làm cho họ sợ cả. Cũng bóng tối ấy, cũng những tảng băng ấy, cũng những gò tuyết cao ấy hiện ra trước mắt họ như trước Tanhia. Nhưng không cần phung phí sức lực, các chiến sỹ dễ dàng vượt qua những gò tuyết ấy. Nếu gió mạnh quá thì họ gập người xuống sát mặt đất như cố gắng luồn qua dưới gió.
  23. Bằng cách ấy, họ đã đến gần chỗ Tanhia. Nhưng chỉ cách hai bước thôi cũng không thể nhìn thấy em. Trong bão tuyết, cô bé ấy vẫn có vẻ đơn độc như trước, khuôn mặt phủ một lớp băng do mồ hôi đóng lại và đôi tay dìu cậu bạn yếu ớt. Em vẫn nhích lên nhưng không còn sức nữa. Mỗi một đợt gió lại làm em lảo đảo, ngã xuống rồi đứng dậy, một cánh tay chìa ra phía trước. Và bỗng nhiên, em cảm thấy dưới khuỷu tay mình có một sợi dây. Em cuống quýt túm chặt lấy nó. Có thể đó chỉ là mẩu dây buộc chiếc sà lan đã đóng băng ngay cạnh đó. Tuy nhiên, Tanhia vẫn vừa mân mê sợi dây vừa kêu lên: - Ai đấy, cứu với! Và bất thình lình em đụng vào cái áo ca-pốt của cha. Trong bóng tối, không có bất kỳ dấu hiệu nào có thể trông thấy được, không phải bằng cặp mắt đã mờ đi vì tuyết, không phải bằng những ngón tay đã cóng lại vì băng giá, mà bằng trái tim nóng bỏng của mình, trái tim đã từng tìm kiếm người cha trên khắp thế giới lâu đến thế, em đã cảm thấy sự gần gũi của cha, đã nhận ra cha ở đây, ở nơi hoang vắng, giá lạnh, bị thần chết đe dọa này, trong bóng tối dày đặc. - Bố, bố ơi! – Em kêu lên. - Bố đây! – ông trả lời con gái. Và khuôn mặt đã bị thay đổi nhiều vì đau khổ và mệt mỏi của em bỗng đầm đìa nước mắt. - Cậu ấy còn sống – em vừa nói vừa đẩy Côlia về phía cha và chính mình cũng áp trán vào lòng ông, toàn thân rung lên trong tiếng nức Ông ngồi xổm xuống, giật phắt chiếc áo ca-pốt ra và quấn cho hai đứa trẻ đang áp sát vào người ông. Chuyện gì đã xảy ra vậy? Ông cũng khóc, và trên khuôn mặt đã thay đổi nhiều vì đau khổ của ông, cũng như khuôn mặt Tanhia lúc này ướt đẫm. Tuy vậy, có thể đó là vì hơi thở dưới chiếc mũ ấm áp của ông đã làm cho tuyết tan ra. - Phinca, Phinca - Tanhia nhắc lại thật to, mặc dù Phinca không có ở đây. Họ ngồi bất động khoảng hai phút. Tuyết phủ trên người họ mỗi lúc một cao hơn. Bố giật mạnh sợi dây. Từ bên phải, bên trái, xuất hiện những chiến sỹ hồng quân, tay không rời sợi dây. Như những đám tuyết trắng, họ hiện ra trong bão tuyết và đứng lại gần hai đứa trẻ. Người đến sau cùng là chiến sỹ hồng quân trẻ măng Phrôlốp. Bão tuyết quấn khắp người anh. Khẩu súng của anh đeo sau vai, và mặt anh đầy tuyết. - Tìm thấy rồi – anh nói – tôi đã nói là sẽ tìm thấy mà. Không thể khác được. Các chiến sỹ vây chặt xung quanh đại tá và hai đứa trẻ, rồi cả đám đông quay về trong bão tuyết. Từ pháo đài còn vang lên một phát súng nữa. (Hết chương XV)
  24. XVI Đã qua lâu rồi cái ngà can đảm vật lộn với bóng tối, với mây mù của cơn bão tuyết lạnh lẽo để giành sự sống và kết cục đã được cha tìm thấy, được ông sưởi ấm trong đôi tay mình. Sáng hôm sau gió đổi chiều và ngừng thổi khá lâu. Một sự yên tĩnh bao trùm trên sông và trên những dãy núi - trên toàn bộ thế giới của Ta-nhi-a. Gió đã thổi tuyết bay khỏi những cây tuyết tùng và những cây thông - rừng sẫm màu trở lại. Và bây giờ, khi nhìn những rừng cây ấy, cặp mắt Ta-nhi-a bình thản dừng ở một chỗ, không tìm kiếm cái gì khác cả. Cô-li-a chỉ còn hơi bị sưng tấy ở tai và má. Hằng ngày, Ta-nhi-a và Phin-ca đến thăm bạn ở nhà cha em, đôi khi hai em ở lại ăn cơm. Nhưng bây giờ Ta-nhi-a không cảm thấy bữa ăn sáng nặng nề như trước nữa. Mặc dù bố không mời em ăn bánh nhân anh đào một cách trang trọng như thế nữa, cô Na-đê-giơ-đa Pê-tơ-rốp-na không đứng trên ngưỡng cửa hôn em nồng nhiệt như thế nữa, nhưng miếng bánh mì của bố mà Ta-nhi-a đã nếm thử bằng đủ mọi cách bây giờ em cũng thấy khác. Đối với em, miếng bánh nào cũng ngọt cả. Cả chiếc thắt lưng da của bố luôn luôn nằm lăn lóc trên đi-văng, em cũng thấy không như trước nữa. Em thường đeo nó vào người mình. Và chưa bao giờ Ta-nhi-a cảm thấy thoải mái như vậy. Nhưng kỳ nghỉ không kéo dài mãi mãi. Rồi nó cũng kết thúc. Và thế là đã mấy ngày rồi, Ta- nhi-a lại đến trường. Em cầm sách vở trong tay, không mang cặp. Và bao giờ cũng vậy, trước khi cởiặt sách vở xuống giá gương trong phòng gửi áo khoác. Hôm nay em cũng làm như vậy. Em bỏ sách vở xuống, vừa cởi một bên vai áo khoác ra vừa liếc nhìn vào gương, mặc dù em thường tránh nhìn vào tấm gương ấy, bởi vì đó chính là tấm gương trước đây đã từng trừng phạt em thật tàn nhẫn. Nhưng lúc này, khi mải mê nhìn vào gương, em không chú ý đến khuôn mặt của mình, cũng không chú ý đến đôi mắt mà trong sâu thẳm của nó vẫn có những bóng râm nhẹ nhàng lướt qua, em lại hướng về một cảnh tượng khác dường như chẳng liên quan gì đến em cả. Em nhìn thấy một đám học sinh đứng thành nửa vòng tròn đối diện. Tất cả đều quay lưng về phía gương, đầu ngẩng lên cao. Các em đang đọc tờ báo treo ở phía bên trong tấm lưới sắt trên tường. Giê-nhi-a - người đứng sát tường nhất - nói: - Vì những chuyện như thế, lẽ ra nên đuổi nó ra khỏi Đội mới đúng. - Phải đuổi thẳng ấy chứ - cậu béo mới vào trường hồi mùa thu nói. Vì không hiểu những lời ấy có thể nói về ai, nên Ta-nhi-a không vội vã sán đến. Tuy nhiên, rời mắt khỏi tấm gương, em cũng tới gần đám đông. Em nhìn thấy ngay tờ báo. Đó là tờ báo của quận do nhà trường đặt mua. Em hỏi: - Có chuyện gì đấy
  25. Nghe thấy tiếng em, lũ trẻ ngoảnh lại rồi quay đi, và lập tức tất cả đều lảng mất. Ta-nhi-a đã quen cảm thấy luôn luôn có bạn bè bên cạnh mình, luôn luôn nhìn thấy gương mặt các bạn, nên bây giờ em rất sửng sốt khi nhìn thấy những cái lưng quay về phía em. - Thế là thế nào? - em kêu lên. Không ai trả lời. Em bèn nhoài người về tấm lưới sắt có khoá và đọc: “Chuyện nhà trường, Ở trường số 2 đã xảy ra những chuyện quái gở. Trong bão tuyết, nữ sinh lớp 7 Ta-nhi-a Xa-ba- nhê-ê-va đã chở Cô-li-a Xa-ba-nhê-ép - học sinh cùng lớp - đi trên xe chó kéo. Sau sự việc này, cậu bé đã ốm liệt giường suốt kỳ nghỉ. Còn một học sinh cùng lớp ấy là Bê-lô-li-úp-xki - người đã chạy đến pháo đài báo chuyện này cho cha Cô-li-a biết - thì bị sưng tấy các ngón tay vì quá lạnh. Các chiến sĩ biên phòng vinh quang của chúng ta đã cứu được hai em. Nhưng các thầy giáo và tổ chức thiếu niên tiền phong nghĩ gì khi để xảy ra những trò nguy hiểm đối với tính mệnh như vậy trong phạm vi nhà trường?” - Thế là thế nào? - Ta-nhi-a khẽ nhắc lại, đưa mắt nhìn quanh và không nhận thấy một ai cạnh mình ngoài Phin-ca. Phin-ca đứng thẳng. Và Ta-nhi-a hiểu thế có nghĩa là gì. Em hiểu rằng những ngọn gió lạnh không phải chỉ thổi từ một hướng, không phải chỉ quanh quẩn trên sông mà còn xuyên qua cả những bức tường dày, thậm chí ngay cả trong ngôi nhà ấm áp chúng cũng rượt kịp co1;i và trong chớp nhoáng đánh người ta ngã gục. Em buông thõng tay. Chiếc áo khoác tuột khỏi vai em và rơi xuống sàn. Em không buồn nhặt lên. - Nhưng những điều đó không đúng, Phin-ca ạ - em thì thầm. - Tất nhiên là không đúng rồi - Phin-ca cũng thì thầm trả lời và giơ cho Ta-nhi-a xem những ngón tay quấn băng của mình - Mình chẳng đau tí nào cả. Họ bịa thế để làm gì, mình cũng không biết nữa. Nhưng cậu hãy nghe mình! Hãy nghe mình, Ta-nhi-a Ta-nhi-a hé môi hớp làn không khí mà bây giờ em cảm thấy còn buốt lạnh hơn cả ở trên sông trong lúc bão to nhất. Tai em không nghe, mắt em không nhìn thấy gì cả. Em nói: - Mình sẽ ra sao bây giờ? Hai tay ôm lấy đầu, em lao đi, theo thói quen muốn đi thật mạnh để tự trấn tĩnh lại và tìm một giải pháp nào đó. Sải những bước dài như bước trong mơ, em đi dọc hành lang, vai đập vào tường, người vấp phải những cậu bé đang la hét chạy tung tăng trước mặt em. Ở góc hành lang, em vượt qua một ông già đang vừa đi vừa ve vẩy chiếc thước gỗ. Em cũng chẳng cúi chào ông mặc dù đó chính là thầy hiệu trưởng. Thầy giáo già buồn rầu lắc đầu nhìn theo em rồi nhìn thầy giáo dạy sử A-ri- xtar-khơ A-ri-xtar-khô-vích A-ri-xtar-khốp - người trực hành lang hôm ấy. - Con bé ấy đấy - thầy A-ri-xtar-khơ A-ri-xtar-khô-vích A-ri-xtar-khốp nói - tôi hoàn toàn không tiếc là đã đưa chuyện này lên báo. Ta-nhi-a vẫn đi dọc hành lang. Trái tim em nóng hừng hực và đập mạnh trong tiếng ồn ào đều đều của biết bao giọng trẻ con mà mỗi âm thanh đều bị cuốn vào đó như vào vực thẳm. Biết làm gì bây giờ? Tất cả đều chắn ngang con đường của em. “Nhưng bạn bè mình đâu rồi? Các bạn đâu cả rồi?” - Ta-nhi-a thầm nghĩ mặc dù chính em đã bỏ các bạn mà đi và bây giờ không thể thấy các bạn nữa.
  26. XVII Không ai biết rõ hơn Phin-ca rằng trong lòng em chẳng hề có ý nghĩ nào khác ngoài việc phải làm gì để giúp đỡ Ta-nhi-a càng nhanh càng tốt. Tuy thế, em vẫn không bằng lòng cả với cách cư xử của mình, cả với cách cư xử của bạn bè trong ngày hôm ấy. Trong khoảnh khắc đầu tiên em đã lao theo Ta-nhi-a dọc hành lang, nhưng sau khi nhìn thấy thầy A-ri-xtar-khơ A-ri-xtar-khô-vích A-ri-xtar-khốp ở góc hành lang, nhìn thấy đôi vai nhô quá cao của thầy, cặp kính lạnh lùng và đôi tay vung vẩy rộng đến mức có vẻ chẳng còn chừa chỗ cho ai trên thế giới này, Phin-ca bất giác dừng lại và quyết định quay lại. Nhưng ở trong phòng gửi áo khoác, Phin-ca cũng chẳng thấy điều gì tốt lành cả. Bọn trẻ vẫn tụ tập bên tờ báo. Có ai đó đã quẳng sách vở của Ta-nhi-a từ trên giá gương xuống. Và chiếc áo lông mà cha mới tặng Ta-nhi-a giờ đây nằm lăn lóc ngay trên sàn. Mọi người đi qua giẫm lên nó. Không ai chú ý đến lớp dạ và chuỗi cườm đính trên chiếc áo, không ai để ý đến cái nẹp áo làm bằng lông chồn óng ánh như lụa dưới những bàn chân bước qua. Đã nhiễm phải cái thói quen lạ lùng là chốc chốc lại cứ phải ngẫm nghĩ, Phin-ca nghĩ rằng nếu các chiến binh ngày xưa - và không phải chỉ các chiến binh ngày xưa mà cả những chiến sĩ ngày nay đội mũ dạ đính ngôi saoỏ - nếu họ không giúp đỡ nhau trong lúc hành quân thì làm sao có thể chiến thắng được? Nếu như bạn bè chỉ nhớ đến nhau khi gặp nhau và quên nhau ngay khi người bạn vừa mới ra đi thì làm sao người bạn ấy còn có lúc có thể trở về được nữa? Nếu như người thợ săn đã đánh rơi con dao của mình trên đường mà lại không dám hỏi thăm những người qua lại để tìm con dao ấy, thì làm sao anh ta có thể ngủ ngon một mình bên đống lửa trong rừng được? Nghĩ vậy, Phin-ca quỳ gối xuống đất giữa đám đông, người qua lại giẫm cả lên ngón tay em. Nhưng em vẫn thu dọn sách vở của Ta-nhi-a, chộp lấy cái áo, dùng hết sức cố gắng kéo nó ra khỏi những bàn chân đang giẫm lên. Làm việc đó vậy mà cũng không phải là nhẹ nhàng gì. Cậu béo mà Ta-nhi-a vẫn thường coi là một thằng bịp bợm đang đứng lên trên chiếc áo, đôi ủng dạ nặng nề xéo lên đó, người không nhúc nhích. Cậu ta hét lên với Cô-li-a: - Tao có thể nhắc lại hàng nghìn lần như thế đấy! Ừ, tao có thể nhắc lại thế này: phải đuổi thẳng cánh Ta-nhi-a của mày ra khỏi Đội! Cô-li-a đội một chiếc mũ ấm - em còn chưa kịp bỏ mũ ra - ngẩng khuôn mặt nhợt nhạt lên im lặng nhìn vào mắt cậu ta. Em tức giận đến nỗi không nói nên lời. Em nói khe khẽ: - Này, cứ thử nói một lời nào về bạn ấy nữa đi, tao sẽ không thèm nhìn xem mày béo thế nào đâu, tao sẽ vặn cổ mày như vặn cổ một con chó con và sẽ đuổi cổ mày ra ngoài đường. - Mày vặn cổ tao ấy à? - cậu béo cười ầm lên - Đừng hòng đẩy được tao ra khỏi chỗ! Cô-li-a thộp lấy ngực cậu ta, nhưng do đã yếu đi sau trận ốm nên em thậm chí không thể lắc cậu ta được. Trong khi đó cậu béo đã vung tay lên trên đầu Cô-li-a chuẩn bị nện vào em.
  27. Lúc ấy, Phin-ca không nghĩ ngợi gì nữa, em xoè bàn tay rắn chắc do quen bám vào cành cây, phang cho cậu béo một cú dưới đầu gối mạnh đến nỗi cậu này ngã lăn quay ra sàn. Cô-li-a thoát khỏi cú đấm. Còn Phin-ca thì giật ngay lấy chiếc áo, cẩn thận phủi bụi rồi treo nó lên móc cửa. Em đã làm xong hai việc một cách nhanh chóng như thế và lập tức bắt tay vào việc thứ ba. Em đến bên cậu bé vừa bị cú ngã điếng người và nắm lấy vai cậu ta, thận trọng kéo cậu ta đứng dậy. Sau đó em giơ những ngón tay sưng tấy mà dải băng quấn đã vấy bùn và lỏng lẻo lên doạ cậu ta: - Ở thành phố này và ở trường này thì mày hãy còn là người lạ - Phin-ca nói - và tao yêu cầu mày hãy tử tế hơn một chút, dù chỉ một lần thôi. Và mày sẽ phải như thế đấy, tao xin thề như vậy. Em kịp nói điều đó thật đúng lúc, bởi vì ngay lúc ấy em nhận thấy trước mắt mình là thầy A-ri- xtar-khơ A-ri-xtar-khô-vích A-ri-xtar-khốp. Tay thầy lần này buông thõng xuống chứ không vung lên chiếm nhiều chỗ nữa, vì đứng cạnh thầy bên này là anh phụ trách Cô-xchi-a, một người còn rất trẻ, và bên kia là thầy hiệu trưởng, một thầy giáo già hiền hậu. - Các em hãy đi tìm ngay Ta-nhi-a Xa-ba-nhê-ê-va về đây và dẫn đến chỗ tôi - thầy A-ri-xtar- khơ A-ri-xtar-khô-vích nói. Giọng thầy vang lên không có chút gì tỏ ra hiền hậu cả. Cậu béo liền nhìn Phin-ca. Phin-ca nhìn lại cậu ta và cả hai cùng nhìn Cô-li-a, rồi cả ba cùng cúi ch thầy A-ri-xtar-khơ A-ri-xtar-khô-vích. Các em không còn muốn cãi nhau, đánh nhau nữa. - Chúng em biết tìm bạn ấy ở đâu bây giờ? - các em nói. - Chúng em không thấy bạn ấy ở đâu cả. Chúng em làm thế nào dẫn bạn ấy đến gặp thầy được, thưa thầy A-ri-xtar-khơ A-ri-xtar-khô- vích. Lũ trẻ nói vậy, rồi quay đi, vừa ôm nhau dàn hàng ngang trên đường vừa khe khẽ hát bài hát quen thuộc: Xin đừng, xin đừng, xin đừng, các bạn ơi, Grê-na-đa, Grê-na-đa, Grê-na-đa của tôi
  28. XVIII Suốt cả ngày lũ trẻ đã hát bài ca ấy nhưng Ta-nhi-a vẫn không thấy đến lớp. Cho đến tận giờ học cuối cùng mà Ta-nhi-a vẫn không đến thì các em ngừng hát. Cũng như tất cả các bạn khác, các em ngồi yên lặng, tay buông bút, đầu óc nghĩ vẩn vơ. Cô A-lếch-xan-đra I-va-nốp-na cũng im lặng và lơ đãng như vậy. Gương mặt cô - gương mặt xinh đẹp và vui vẻ thường ngày các em yêu quý - giờ đây ánh lên vẻ lo ngại, và ngôi sao nhỏ dường như không lấp lánh như trước nữa. Cô lo ngại cho Ta-nhi-a. - Em ấy ở đâu, em ấy có thể bỏ đi đâu được nhỉ? Đã là giờ học cuối cùng rồi, vậy mà không thấy Ta-nhi-a cả ở đây, cả ở nhà. Chẳng lẽ chúng ta không tìm được em ấy sao, các em? Em ấy có bạn bè cơ mà. Hay là hoá ra chẳng có ai là cả? Quang cảnh ngôi trường vắng vẻ sau giờ học nom thật lạ lùng. Tiếng ồn ào dịu đi như vừa mới có một trận mưa bất chợt rắc lên khu rừng. Một chiếc lá hoàn diệp liễu còn trĩu nước khẽ rung rinh trên cành nhưng sự im lặng đã bao trùm trên những khóm thông. Trong trường cũng yên tĩnh. Chỉ đôi khi, như một giọt nước mưa cuối cùng trút từ cành cây xuống rễ cây, có một giọng trẻ con vang lên tận cuối hành lang, hoặc như một ngọn gió lướt trên những tảng đá, có đôi chân nhanh nhẹn nào đó phóng vụt qua trên nền xi măng. Nhưng hôm nay những đôi chân mãi vẫn không ngừng bước! Lũ trẻ đi lang thang từ đầu đến cuối hành lang. Các em ra sân và đi vòng quanh anh lính gác bằng tuyết mà Ta-nhi-a đã đắp rất khéo. Đợt gió ẩm ướt đã bào mòn đôi vai anh lính, những dòng nước chảy từ trên mũ sắt xuống đã đóng băng nửa chừng nhưng anh vẫn nhìn về phía xa, anh vẫn thấy mặt biển giá lạnh. - Có lẽ bạn ấy lại đi ra sông - Cô-li-a nói với Phin-ca. “Cũng có thể bạn ấy lại đứng khóc một mình trong cánh rừng nhỏ” - Phin-ca nghĩ thầm. Và hai em chia tay nhau ở cổng. Cô-li-a chạy ra sân băng. Em leo xuống sà lan, đi qua con đường mòn ngập tuyết, bước dọc đường biên của sân băng. Thật khó nhận ra dòng sông bây giờ. Tuyết phủ êm ả khắp nơi. Những dãy núi đóng băng lấp lánh. Quanh sân băng, những dây hoa làm bằng cành thông không còn đung đưa. Chúng đã rơi xuống, chìm trong những đống tuyết như chìm trong cát mịn. Cô-li-a cất tiếng gọi mấy lần. Nhưng dòng sông quanh em chỉ làm cho em loá mắt và vẫn lặng thinh. Ở đầu kia của thành phố, Phin-ca cũng gọi Ta-nhi-a. Cậu bé đứng ở bìa rừng như em đã từng đứng ở đây một lần trong bụi cây. Lúc ấy, những bông tuyết đầu mùa mới rơi xuống, nhẹ nhàng đến mức có cảm giác là có thể dùng tay hớt được toàn bộ lớp tuyết phủ trong cánh rừng thưa này mà mang đi. Còn bây giờ, những cành thông già trĩu xuống dưới sức nặng của tuyết, những cây bạch dương ngập lút trong tuyết đến tận ngực. Nhưng Phin-ca vẫn cứ gọi. Giá mà nghe thấy dù chỉ một tiếng vang đáp lại lời cầu khẩn và tiếng gọi của em, em đã nằm lăn vào một bụi cây và oà lên khóc, mặc dù em chỉ có một mình. Nhưng không có ai trả lời cả. Phin-ca quay về, chân bước trong tuyết ngập. Phin-ca và Cô-li-a lại gặp nhau ở cổng trường. Sau đó hai em đi vào phòng gửi áo khoác, đến góc xa nhất của phòng và ở đây hai em lo lắng nhìn vào mắt nhau.
  29. - Làm gì bây giờ? - Phin-ca hỏi. Đột nhiên các em nghe thấy có tiếng khóc thút thít. Trong bóng tối, có một người nào đó đứng khóc bên bức tường, nơi bác gác trường xếp một đống củi để đốt lò sưởi. - Ta-nhi-a! - cả hai cùng reo lên và chạy đến. Nhưng đó là tiếng khóc của Giê-nhi-a - cô bé đã lẻn vào đứng giữa bức tường và lò sưởi từ lúc nào, trông không rõ mặt. Phin-ca nắm vai cô bé xoay lại. - Bạn không đi đâu à? - Phin-ca hỏi. - Không - Giê-nhi-a trả lời - Tại sao lại khóc? - Có lẽ - cô bé vừa nói vừa khóc - có lẽ bạn ấy đã chết rồi. Không hỏi và không nói một lời nào, nghe thấy vậy, Cô-li-a đi vào một góc phòng, ngồi phịch xuống bàn, gục đầu vào đầu gối. Trong khi đó thì ở tầng trên, trong một căn phòng mà tất cả đều quên bẵng đi, nơi cất giữ những vật dụng của liên đội thiếu niên, Ta-nhi-a đang ngủ. Những lá cờ đuôi nheo và những biểu ngữ trên những cái cán dài từ bốn phía vây quanh em. Những tấm ảnh treo nghiêng như những chú chim sắp sửa từ trên tường bước xuống, những chiếc trống nằm bừa bộn trên bệ cửa sổ, những chiếc kèn đồng lấp lánh treo trên dãy đinh. Những vật dụng thiếu niên tiền phong! Thế giới của những đồ vật đầy âm thanh đang nhìn em từ các góc phòng. Thật cay đắng biết bao khi phải chia tay với chúng dù chỉ ở trong mơ! Dù chỉ ở trong mơ thôi, tôi nói như vậy, bởi vì nhận thấy cuộc chia tay ấy đối với Ta-nhi-a thật nặng nề, một giấc ngủ êm đềm đã đến với em, chạm vào mắt em và đưa tay vuốt hàng mi cô bé. Rồi em ngủ thiếp đi trong một góc phòng, nơi em đã ngồi từ sáng sớm trên tấm nệm nhồi mùn cưa. Nhưng ngay cả giấc ngủ tốt lành này cũng không ngăn được trí tưởng tượng vẫn đang thức của em. Và em mơ thấy cuộc họp phân đội. Ta-nhi-a mơ thấy hình như trong căn phòng em đang ngủ này còn có các bạnười ngồi trên trống, người ngồi trên ghế đẩu, người ngồi trên con ngựa gỗ bọc vải sơn. Cử động của họ có vẻ hăm doạ, vẻ mặt nghiêm khắc, và mỗi cái nhìn đều hướng thẳng vào tim Ta-nhi-a nhưng không xuyên được đến tận nơi. Nó rung lên và lệch đi, như một tia sáng đột nhiên bị một bàn tay che khuất. - Hãy xét xử cô ta bằng một sự báo thù khủng khiếp - một người mà Ta-nhi-a không quen nói. Quần áo của người này rất đặc biệt: một chiếc áo khoác ngắn đính vào áo ca-pốt, cái cổ áo bằng lông chồn óng ánh trên đôi vai, còn khuôn mặt thì hoàn toàn không trông rõ: một mớ tóc dài che nghiêng khuôn mặt ấy. - Hãy xét xử cô ta - ông ta lại nói - cô ta rất tàn nhẫn. - Đúng, đúng thế đấy. Cô ta tàn nhẫn lắm - Giê-nhi-a lặp lại theo lời ông ta - Chính cô ta đã bảo rán con cá đẹp của tôi. Mà con cá ấy làm bằng vàng nguyên chất đấy. - Hãy xét xử cô ta, cô ta hay ghen ghét lắm. - Đúng, đúng đấy, cô ta hay ghen ghét lắm - cậu béo hoạ theo - Cô ta ghen tị với Cô-li-a, tất cả chúng tôi đều thấy thế. Cô ta chở cậu ấy đi trong bão tuyết để giết cậu ấy. Giọng Ta-nhi-a nghẹn lại, đôi môi cứng đờ, em không thể nói nên lời. Người mặc áo khoác ngắn bèn đi đến gần Ta-nhi-a. Ông ta đứng trước mặt em, người lắc lư:
  30. - Tôi luôn luôn sẵn lòng nghe cô, cô bạn thân mến - ông ta nói - Thế sao bây giờ cô lại im lặng? Nhưng Ta-nhi-a lùi sát vào tường, em khiếp sợ nhận ra rằng đây là Gô-gôn mà bức chân dung của ông thường treo phía trên cửa ra vào. Em ngước mắt lên. Tấm kính trên bức chân dung đã bị đập vỡ. Không có Gô-gôn. Hình như ông đang chuyển động xa dần trong không khí và biến vào một xó. - Ôi, sao tôi lại bất hạnh đến thế! - Ta-nhi-a thì thầm theo sau ông - Ai bảo vệ tôi đây? Tôi không biết gì hết! Em đưa mắt nhìn lên cao hơn và thấy những đám mây màu sáng lướt trên bầu trời đang ghé nhìn vào cửa sổ. Tất cả đều ở trên cao, khoác áo giáp sáng loáng, và khi rọi xuống sàn, ánh sáng lấp lánh của những chiếc áo giáp chảy rì rầm như những dòng suối nhỏ. Tất cả đều hướng về Ta- nhi-a. Em co chân lên và nhẹ nhàng rời mặt đất. Em bay như người ta thường bay trong mơ. Không ai có thể đuổi kịp em. Căn phòng đã từ lâu không còn nữa, cái cây yêu quý mọc dưới sân bên cửa sổ của Ta-nhi-a thì ở xa tít phía dưới. Em lượn vòng quanh nó thật khéo léo, không chạm vào một lá cây nào. Từ con đường nhỏ mà bây giờ em đang đi, có một dải ánh sáng rộng trải ra khắp nơi. Em đi lên núi. Những bụi cây gô-lu-bi-ca loạt soạt dưới chân em. Con đường ngày càng dốc - nước chảy róc rách vào đá lăn lạo xạo từ trên cao xuống. Và từ trên đỉnh cao, một cánh rừng hiện ra trước mặt Ta-nhi-a, trải dài theo sườn núi. Nhưng cánh rừng này thật là kỳ lạ! Em chưa bao giờ nhìn thấy một khu rừng nào như thế. Không phải rừng rậm và cũng không phải là cánh rừng nhỏ mà em quen thuộc từ thuở bé. Cây cối thấp lè tè, cành lá chĩa ngang mặt đất. Tất cả đều được phủ những bông hoa trắng. Những cánh hoa ửng hồng dưới ánh mặt trời và quay tròn trong không gian tĩnh mịch. - Đây là cái gì vậy? - Ta-nhi-a phởi hỏi. Trong tiếng lao xao của đá và tiếng nước chảy róc rách, em nghe thấy câu trả lời: “Đó là những khu vườn đang nở hoa. Hãy yêu chúng, Ta-nhi-a!” “Thế những cây linh sam đâu rồi? - Ta-nhi-a muốn hỏi - Tôi chẳng thấy chúng đâu cả.” Nhưng cánh rừng biến mất. Em lại tiếp tục đi và bây giờ em đang đi trên một con đường bằng phẳng, không có đá, không có dốc, rồi dừng chân bên một cánh đồng lúa mì đen. Bóng những con đại bàng quen thuộc bay liệng trên cánh đồng, và trước mắt Ta-nhi-a cánh đồng bập bềnh hệt như bầu trời lúc chao đảo. Những bông lúa chạm vào nhau kêu xào xạc. - Đẹp quá! Đây là cái gì vậy? - Ta-nhi-a lặng người đi và hỏi. Và trong tiếng reo đều đều của cánh đồng, em nghe thấy những lời sau: “Đó là những bông lúa mì đang chín. Hãy yêu chúng, Ta-nhi-a!” - Tôi yêu, tôi yêu mà! - Ta-nhi-a thì thào không thành tiếng - Hay đó chỉ là giấc mơ? Chỉ là giấc mơ thôi! Ừ, tất nhiên rồi, mình đang ngủ. Chúng mình đi xa quá mà! Nhưng mặt trời đột nhiên tối sầm đi. Ta-nhi-a nhìn thấy trên cánh đồng, trong màn sương mờ mịt, có một đám mây đen tan tác bay vùn vụt thẳng vào em. Những tia chớp chưa từng thấy, mảnh như sợi tóc, đâm vút xuống cánh đồng lúa mì xào xạc, và Ta-nhi-a sợ hãi ngã khuỵu xuống. Một tiếng sấm dài lan trên bầu trời. Giấc mơ chấm dứt nhưng Ta-nhi-a không tỉnh dậy, tiếng sấm tiếp tục gầm lên. Trong hành lang, có một cô bé đứng trước cửa phòng. Em đeo một chiếc trống qua cổ. Em vừa đánh trống vừa chăm chú nhìn vào hai chiếc dùi nhỏ đang nhảy nhót trong tay.
  31. Cô bé đang tập đánh trống. Nghe tiếng trống dội lên trong hành lang âm vang, một tốp học sinh đi lên cầu thang: đi đầu là Cô-li-a, theo sau là Phin-ca, Giê-nhi-a và cậu béo - cậu này leo lên từng bậc một cách vất vả. Anh phụ trách Cô-xchi-a đi bên cạnh cô A-lếch-xan-đra I-va-nốp-na, hai người nói khe khẽ để cho giọn nói khỏi vang to dưới trần nhà. Cô bé vẫn tiếp tục gõ trống. Cô-li-a dừng lại trước cửa đợi mọi người đi đến. - Có phòng trống đây này - em nói - chúng mình có thể họp phân đội ở đây. Em mở cửa và nhẹ nhàng bước vào đầu tiên, không nhìn quanh phòng. Nhưng ngay cả khi không nhìn, em vẫn cứ kiếm Ta-nhi-a vừa bằng ý nghĩ, vừa bằng trái tim, lúc nào em cũng nghĩ về bạn ấy. Và đột nhiên em nhìn thấy Ta-nhi-a trong một góc phòng, trên chiếc đệm dùng để nhún khi nhảy cao. Em hé môi định gọi tên bạn, nhưng không nói nên lời. Em ngồi thụp xuống định chạm tay vào vai Ta-nhi-a, nhưng lại không chạm đến, bởi vì Ta-nhi-a vẫn ngủ rất say, hàng mi che rợp mắt như bóng lá cây gô-lu-bi-ca. Những giọt lệ hãy còn đọng trên mi nhưng mặt cô bé đã khô nước mắ Cô-li-a quay lại giơ tay vẫy mọi người. Tất cả dừng lại nhìn Ta-nhi-a. - Cứ để cho bạn ấy ngủ. Đừng ai động vào bạn ấy - Giê-nhi-a thì thào, bởi vì cô bé có một tấm lòng hoàn toàn không phải là độc ác, tuy cô thường nói đúng và thường làm cho Ta-nhi-a phải khóc hơn là các bạn khác. - Chẳng lẽ chúng ta không thể họp vắng bạn ấy hay sao? - Giê-nhi-a nói thêm - Cô-li-a đã kể hết cho chúng ta rồi còn gì, chúng ta đã biết tất cả sự thật. Cô A-lếch-xan-đra I-va-nốp-na suy nghĩ một lát. Cô nhìn vào gương mặt từng em và nhận thấy đó là một nguyện vọng tốt đẹp. Cô lấy tay che nụ cười bất giác hiện trên môi. - Tất nhiên chúng ta có thể họp, các em ạ - cô nói - Cô cho phép các em. Cô nghĩ là anh Cô- xchi-a sẽ đồng ý với cô. Nhìn vào gương mặt từng em, anh phụ trách Cô-xchi-a cũng nhận thấy đó là nguyện vọng chung. - Mặc dù anh tuân theo kỷ luật Đội - anh nói - nhưng trong trường hợp này thì có lẽ chúng ta có thể làm như vậy. Đó là quyết định chung. Mà nếu đã là quyết định chung thì chúng ta có thể làm tất cả. Cô-li-a bèn vẫy Phin-ca lại và nói: - Nếu chúng mình có thể làm tất cả thì cậu hãy đi ra ngoài kia và nói nhỏ vào tai cái cô bé đánh trống ấy rằng mình sẽ giết cô ta bây giờ đấy. Phin-ca đi ra. Em khẽ đạp vào lưng cô bé. Tuy đập khẽ như vậy nhưng cô bé vẫn khuỵu chân v ngồi xuống. Cô ta thôi không gõ nữa. - Người ta ngủ - Phin-ca nói với cô bé - mà em thì lại làm ầm lên. Chẳng lẽ em không có lương tâm sao? Dù chỉ là một tí tẹo lương tâm mà lứa tuổi em phải có, em cũng không có à? Rồi tất cả cùng rút đi, nối đuôi nhau bước nhẹ nhàng, và theo sau họ là bé gái đeo trống. Em cũng đi nhón chân, hai chiếc dùi trống giơ lên cao.
  32. XIX Lũ trẻ không đánh thức Ta-nhi-a. Em tự tỉnh dậy trong yên lặng và bỏ đi, bầu không gian ửng hồng lúc hoàng hôn đưa tiễn em về đến tận nhà. Bầu không khí ấy làm cho ngực em, đầu em, vai em nhẹ nhõm hơn, nhưng lương tâm vẫn tiếp tục dằn vặt. Làm sao em có thể kể tất cả những chuyện này cho mẹ, làm sao em lại có thể làm cho mẹ buồn phiền được? Nhưng ở nhà, ngoài bà vú nuôi ra em không gặp ai. Và lần đầu tiên Ta-nhi-a giận mẹ. Em không xin bà vú nuôi nước chè, không ăn gì hết và nằm lăn ra giường, không cởi giày và áo ngoài, tuy mẹ vẫn thường cấm em làm như vậy. “Thôi mặc - Ta-nhi-a nghĩ - Ừ thì mình đã làm một việc xấu đấy, nhưng ai có lỗi vì mọi việc đã xảy ra như vậy, ai có lỗi khi mình chẳng có em gái, chẳng có em trai, khi bây giờ mình phải một mình chờ đợi một hình phạt nào đó chưa rõ, khi vú đã già rồi và ở trong nhà chẳng có ai để mà nói chuyện cả, khi bao giờ mình cũng chỉ có mỗi một mình? Ai có lỗi trong chuyện này - có phải là mẹ không? Chính bố đã bỏ mẹ ra đi cơ mà. Vì sao Ta-nhi-a nằm hồi lâu không bật đèn cho đến khi cặp mắt nhìn về phía hoàng hôn của em đã mỏi và mi mắt em khép lại. Dường như Ta-nhi-a không ngủ mà sẵn sàng vùng dậy ngay khi nghe thấy giọng nói hay bước chân của mẹ. Nhưng vậy mà em lại không nghe thấy. Mẹ nắm lấy vai em lắc lắc. Ta-nhi-a bừng tỉnh dậy. Đèn đã bật nhưng giấc mơ chưa rời bỏ; giữa những vật mờ mờ ảo ảo và những tình cảm mơ hồ bao quanh em trong giấc mơ, em nhận ra khuôn mặt của mẹ cúi xuống người em. Khuôn mặt ấy cũng mờ mờ ảo ảo như bị khuất trong bóng tối, nó toát lên một nỗi bất bình và xúc động mơ hồ, còn cái nhìn thì hướng bất động vào một điểm. Và bỗng nhiên Ta-nhi-a cảm thấy cánh tay mẹ giơ lên trên người em như để đánh. Em kêu lên và ngồi dậy. Mẹ chỉ khẽ cau mày: - Sao con lại để nguyên quần áo thế này mà ngủ? - mẹ nói - Đứng dậy, mẹ đã bảo con không được làm thế cơ mà. Nhưng mẹ không nghĩ về quần áo - Ta-nhi-a nhận thấy điều đó. - Đứng dậy - mẹ nhắc lại - và đi uống trà đi. Mẹ vừa ở chỗ thầy hiệu trưởng trường con về. Mẹ được mời đến đấy. Đứng dậy nào, mẹ cần nói chuyện với con. Nhưng Ta-nhi-a không nhúc nhích, không đứng dậy. Em ngồi bám vào thành giường, và mẹ xuống bên cạnh em. Mẹ khẽ chạm vào Ta-nhi-a. Chỉ trong sự đụng chạm nhè nhẹ này, em đã cảm thấy tất cả nỗi phiền muộn của mẹ. - Sao mọi chuyện lại xảy ra như vậy hở con? - mẹ hỏi. - Không đúng thế đâu mẹ ạ - Ta-nhi-a trả lời - Chẳng lẽ mẹ lại tin như vậy sao? Giọng Ta-nhi-a nhỏ hẳn đi như bị một thời gian im lặng quá dài che lấp mất. Ngày hôm nay em không nói đến hai chục từ.
  33. - Mẹ không tin, và không ai tin cả ngoài thầy A-ri-xtar-khơ A-ri-xtar-khô-vích. Thầy ấy đòi đuổi con cơ đấy. - Vì tội gì ạ? - Ta-nhi-a thờ ơ hỏi. - Thầy ấy nói về chuyện ấy một cách thật tức cười - mẹ nói - “Bởi vì cô ta đã nêu một tấm gương xấu”, thầy ấy nói vậy. Đúng thế, thầy ấy nói một cách thật tức cười - mẹ nhắc lại và hơi mỉm cười. Còn Ta-nhi-a thì không cười một tí nào. Mẹ tiếp tục: - Nhưng con có nhiều bạn - điều đó làm mẹ rất mừng, cả cô A-lếch-xan-đra I-va-nốp-na cũng là bạn con, và thầy hiệu trưởng trường con là một người tốt bụng và thông minh, tuy thầy rất giận bố con. - Thế cả bố cũng đến đó ạ? - Ta-nhi-a sợ hãi hỏi. - Mẹ nhắm mắt lại, khuôn mặt bà như hốc hác hẳn đi trong buổi chiều hôm nay. - Không phải câu chuyện về tờ báo làm cho mẹ buồn đâu, Ta-nhi-a ạ - mẹ khẽ nói - nhưng mà con, con chẳng kể gì cho mẹ cả. Bằng cách này cách khác rồi mẹ cũng biết thôi: về Cô-li-a, về những hành vi và những nguyện vọng kỳ quặc của con đã khiến cho các bạn gọi con là chó hoang đin-gô. Nhưng ở nhà thì con luôn luôn im lặng. Chẳng lẽ con sợ mẹ, hay con không kính trọng mẹ, hay con không yêu mẹ? Trả lời mẹ xem nào. Ta-nhi-a quay đầu đi. Em cảm thấy rất khó nói. - Con bao giờ cũng chỉ có một mình, chỉ có một mình con thôi - Ta-nhi-a nói rất khẽ. Và em nói thêm, nhỏ hơn nữa - Tại sao bố lại bỏ mẹ? Ai có lỗi trong chuyện này, mẹ trả lời con đi. Mẹ lặng thinh khoảng hai phút, có lẽ còn hơn thế nữa. Ta-nhi-a không nhìn vào gương mặt mẹ. Em không đủ sức làm việc đó. Đột nhiên em nghe thấy giọng nói đều đều và bình thản của mẹ. Không một âm thanh nào run rẩy trên môi bà. - Ta-nhi-a - mẹ nói - người ta sống với nhau khi yêu nhau, còn khi không yêu nhau nữa thì người ta không chung sống, họ chia tay nhau. Con người bao giờ cũng tự do. Đó là một quy luật muôn đời. Ta-nhi-a liền quyết định nhìn mẹ, đầu tiên em quay cổ lại, nhìn dè dặt từ dưới lên trên như một chú chim non trước khi cất cánh, tìm hiểu xem trong vòm trời có gì nguy hiểm không. Mẹ ngồi bất động, đầu ngẩng cao. Nhưng gương mặtộ vẻ đau đớn y như có người nào đó đang tra tấn bà bằng lời nói hay bằng thanh sắt - đằng nào cũng vậy thôi, chỉ có điều đó là một sự tra tấn khủng khiếp. “Ai đã làm điều đó?” - Ta-nhi-a đau xót nghĩ và chăm chú nhìn vào gương mặt mẹ. Từ gương mặt nhợt nhạt ấy, đôi mắt đẹp nhất trần gian đang nhìn em - đôi mắt của mẹ em, rưng rưng ngấn nước; nước mắt long lanh trên con ngươi, dưới hàng mi, trong khoé mắt thâm quầng của mẹ. - Có lẽ tốt hơn hết là chúng ta đi khỏi đây chăng, Ta-nhi-a? - mẹ hỏi. Ta-nhi-a ôm lấy ngực. - Mẹ ơi - em kêu lên vì sửng sốt và thương xót - cho đến giờ mẹ vẫn yêu bố! Em ôm choàng lấy đầu mẹ, áp đôi má nóng bừng vào mái tóc bà, phả lên mái tóc một hơi thở trẻ thơ. - Mẹ ơi, mẹ đừng nghe con, mẹ đừng nghe con, mẹ yêu quý! Con không hiểu gì nữa. Tất cả quay cuồng trước mặt con
  34. Và trong phút giây ấy, Ta-nhi-a cảm thấy cả Trái Đất đang thực sự quay cuồng trên đầu em. Em thấy Trái Đất này có một vẻ lạ lùng giống như quả cầu bí ẩn mà chàng trai trẻ Mắc-xim đã hát trong bài ca của mình: Quay tròn quay tít trên đầu Quả cầu kỳ lạ sắc màu xanh tươi Quả cầấy khi thì mờ đục như màn sương ngoài cửa sổ, khi thì màu thanh thiên và lấp lánh như dòng sông quê hương được ánh mặt trời chiếu rọi từ sáng, như khu vườn và cánh đồng mà em đã nhìn thấy trong mơ. Quay nhanh như sắp muốn rơi - Mẹ ơi, không cần phải đi đâu mẹ ạ - Ta-nhi-a vừa thì thầm vừa khóc cùng với mẹ.
  35. XX - Có những loại tình yêu khác nhau - Giê-nhi-a béo nói. Giê-nhi-a ngồi với Ta-nhi-a bên cửa sổ phòng mình, trước một bể cá lớn đầy nước trong suốt. Hai em không còn thù ghét nhau nữa. Cả hai cùng nhìn qua bể nước ra đường phố, ở ngoài đó mùa xuân đã đến từ lâu. Nhưng khung cảnh mùa xuân đã bị méo mó đi khi nhìn qua bể kính. Bóng mặt trời soi xuống nước bị những con cá nhỏ tù túng quẫy đuôi làm tan ra thành từng mảnh; trên những tia nắng mỏng mảnh, những hạt bụi bay lơ lửng như các diễn viên nhảy múa trên dây. Ông thợ hàn đồng già đứng rao ở ngã tư, gõ gõ vào thanh sắt, và Ta-nhi-a cảm thấy dường như ông thợ này đã đem mùa xuân vào thành phố trên đôi vai cùng với thanh sắt của mình. - Cậu đã bao giờ yêu chưa? - Ta-nhi-a hỏi. - Yêu rồi - Giê-nhi-a trả lời - chỉ có điều việc đó xảy ra đã lâu, từ hồi lớp ba c - Nhưng làm thế nào cậu biết được điều đó? - Rất đơn giản thôi. Có lần cậu ấy nói với mình: “Giê-nhi-a, cho mình xem bài tập với”. Mình thì mình biết là không được cho xem. “Không đâu” - mình tự nhủ. Nhưng cậu ấy nói: “Giê-nhi-a, mình sẽ không trêu cậu nữa đâu”. Thế là mình phải cho xem. Thật chẳng thể làm gì với trái tim mình được. Nhưng bây giờ thì đã qua rồi. Mình nhận thấy mình bắt đầu học tồi đi, và mình bèn thôi. Mình quyết định: thế là đủ rồi! - Nhưng cậu làm như thế nào chứ? - Ta-nhi-a tò mò hỏil. - Rất đơn giản! Mình thôi không nhìn cậu ấy nữa. Không nhìn, không nhìn - và thế là sẽ quên. Ta-nhi-a ưỡn thẳng lưng nhưng vẫn không thôi nhìn vào bể cá, rồi không mỉm cười, em nhìn chằm chằm cô bạn gái. Em thực tâm ghen tị với đôi má tròn xoay, với đầu óc tỉnh táo đầy những ý nghĩ kỳ lạ của bạn, và em thở dài. Môi em bật ra tiếng huýt sáo khe khẽ. - Đừng huýt sáo - Giê-nhi-a nói - cái đó sẽ mang tai hoạ vào nhà đấy. Ta-nhi-a đành kìm tiếng thở dài trong ngôi nhà này - ngôi nhà có những bông cu-đri lộng lẫy nở vào mùa đông và có những con cá tù túng sống giữa đám rong mỏng mảnh. Cả hai cùng im lặng. - Ừ, đúng đấy, có những loại tình yêu khác nhau - Ta-nhi-a nói rồi bất thình lình bỏ đi, không thốt thêm một lời nào nữa. Ông thợ hàn đồng già vẫn rao ở ngã tư, thanh sắt vẫn kêu leng keng, và bên ngoài cửa sổ vẫn là mùa xuân. Trong cánh rừng thưa sau nhà Ta-nhi-a mùa xuân cũng đã đến, cũng vẫn là mùa xuân ấy. Mùa xuân nâng dậy những ngọn cỏ dưới gốc bạch dương, mùa xuân phủ ấm rễ những cây linh sam xanh thẫm bằng một lớp rêu tươi. Những cây linh sam lắc lư cành lá nặng nề, rậm rạp, lùa làn gió ấm đến. Ta-nhi-a gọi Phin-ca. Cậu bé ngồi đung đưa chân trên một cành cây, đáp lại em. Cậu đang gọt bút chì bằng con dao mài sắc của mình, trên đầu gối là sách vở - gánh nặng đối với cậu, vì nó mà đầu cậu cúi xuống. Cậu đang chăm chỉ học bài.
  36. Từ cái hôm khủng khiếp trên sông ấy, Ta-nhi-a không rời cậu. Hai em cùng nhau học bài, và trí nhớ mau lẹ của Ta-nhi-a có ích cho cả hai. Ta-nhi-a bíu lấy một cành cây to, nhảy phóc lên và cũng trèo lên cây. Đó là một cây bạch dương gần như trụi lá, mọc cong queo trên mặt đất. Ngồi bên nhau trên cây này thật là thuận tiện. - Ngày mai thi môn cuối cùng - Phin-ca nói với vẻ trách móc - Thế mà cậu lại bỏ đi suốt một tiếng đồng hồ. Cậu thì biết hết rồi, còn người khác thì cậu mặc cho trượt. Và sẽ trượt cho mà xem. Mình nói thật đấy. Có lẽ để khỏi trượt thì cần phải học - Phin-ca nhận xét một cách cay đắng - nhưng khi cần đến cậu thì chẳng thấy cậu đâu. - Phin-ca - Ta-nhi-a nói - cậu cũng có thể học thuộc định lý này một mình trong một tiếng đồng hồ lúc mình đến nhà Giê-nhi-a cơ mà. - Cậu nói sao? - Phin-ca buồn rầu phản đối - một khi mình học, học mãi, mà cái định lý này nó cứ trượt khỏi mình như trượt trên bánh xe ấy? - Vậy thì chúng mình cùng học. Và Ta-nhi-a với tay lấy quyển vở của mình ở chỗ Phin-ca. - Nếu hai đường tròn có một điểm chung - em nói, mắt nhìn vào chiếc lá đang quay tròn trước gió. Nhưng Phin-ca vẫn tiếp tục gọt bút chì, con dao săn của cậu lấp loáng dưới ánh mặt trời trông tựa như cánh chim bồ câu rừng. - Không, khoan đã - cậu nói - trước hết cậu hãy nói thật với mình đi. Có đúng là ngày mai cậu sẽ đi với Cô-li-a ra mũi đất vào lúc mặt trời mọc không? - Mình nói thật với cậu đấy. - Và có phải vì thế mà cậu mặc áo đẹp và trèo lên cây mà không tiếc chút nào không? - Đúng thế. - Thế nếu Cô-li-a sợ không dám ra mũi đất thì sao? - Cậu ấy sẽ đến - Ta-nhi-a nói, mắt không rời khỏi cái lá. - Nếu bố biết? - Bố sẽ không biết. - Chẳng lẽ cậu không sợ là sẽ có ai nói cho ông biết sao? Ta-nhi-a nhún vai. - Ngoài cậu ra, không ai biết cả. Mà cậu thì tất nhiên sẽ không nói. Nhưng em vẫn liếc nhìn Phin-ca một cách nghi ngờ xem cậu có cười không. Nhưng chưa bao giờ trong đời, Phin-ca nghiêm túc như vậy. - Mình biết chỗ đó - cậu trầm ngâm nói - Lũ gà lôi thường ăn cỏ ở đó lúc rạng đông. Buổi sáng bắn chúng thì tuyệt đấy. Nhưng cậu đừng đi. Cậu là con gái, mình xin cậu đừng đi. - Không, mình sẽ đi - Ta-nhi-a trả lời. Qua giọng nói của bạn, Phin-ca hiểu rằng Ta-nhi-a có thừa bướng bỉnh. Tất cả những điều có thể hỏi thì cậu đã hỏi; tất cả những điều có thể nói thì cậu đã nói. Còn phải làm gì nữa? Cậu bé im lặng nhìn Ta-nhi-a. Ánh mặt trời cháy sáng trên gương mặt cô, trên cánh tay, trên chiếc áo đẹp mỏng manh mà cô không sợ làm hỏng. Và Phin-ca nghĩ: “Tuy vậy, mình hỏi tất cả những điều đó thật vô ích. Bạn ấy chẳng sợ gì hết.” Đúng lúc ấy, cậu nhận thấy trong cặp mắt Ta-nhi-a có một nỗi sợ lạ lùng - một nỗi sợ chưa bao giờ thấy cả trong cái nhìn, cả trên gương mặt cô.