Tiểu thuyết Nam tước trên cây - Phần 2 - Italo Calvino
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tiểu thuyết Nam tước trên cây - Phần 2 - Italo Calvino", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- tieu_thuyet_nam_tuoc_tren_cay_phan_2_italo_calvino.pdf
Nội dung text: Tiểu thuyết Nam tước trên cây - Phần 2 - Italo Calvino
- XVI Kết cục của ngài Trạng, lúc đầu, Cosimo thuật lại theo một cách rất khác. Ngay sau đó con thuyền có anh bám trên thanh căng buồm được gió thổi vào bờ, và Massimo GiỏiGiắn bơi theo sau kéo theo cái đầu lìa cổ. Cosimo – từ trên một ngọn cây mà anh đã nhanh chóng chuyền sang với sự trợ giúp của một cuộn dây – kể lại với dân chúng tụ tập khi nghe tiếng anh gọi, một câu chuyện đơn giản hơn nhiều: bọn cướp bắt ngài mang đi và sau đó đã giết ngài. Có lẽ đây là cách kể bị chi phối bởi nỗi lo cho bố, người ắt sẽ đau buồn dữ dội khi biết tin người em không chính thức đã chết và trông thấy di hài khốn khổ của ông ta, nên Cosimo không lòng dạ nào mà bồi thêm vào đó việc phát hiện ra tội phản nghịch của ngài. Sau đó, khi được biết về tình trạng ủ rũ hiện thời của vị Nam tước, anh còn vất vả dựng nên một sự vẻ vang hư cấu dành cho người chú họ, sáng tạo ra cuộc đấu tranh bí mật và tinh khôn của ngài nhằm đánh bại bọn cướp, cuộc đấu tranh mà ngài đã hiến mình trong cả một thời gian, rồi bị lộ, và ngài đã bị đem ra hành hình. Song đây là một câu chuyện đầy mâu thuẫn và nhiều lỗ hổng, cũng bởi Cosimo muốn giấu điều này: chuyến chuyển hàng của bọn cướp vào hang, và sự can thiệp của những người thợ mỏ. Thật vậy, nếu chuyện này mà được biết, toàn thể dân chúng BóngRâm ắt sẽ kéo lên rừng để lấy lại hàng hóa từ những người Bergamo, và đối xử với họ như những tên trộm. Sau vài tuần, khi chắc rằng những người thợ mỏ đã tiêu thụ hết món hàng, anh kể lại cuộc tấn công vào hang. Thế nên ai muốn lên lấy lại món hàng gì đó, chắc chắn sẽ về tay không. Những người thợ mỏ đã chia toàn bộ hàng hóa thành những phần chính xác: lát cá khô, cục xúc xích, bánh phó mát, phần còn lại là một đại tiệc rừng xanh kéo dài cả ngày. Bố chúng tôi già hẳn đi, và nỗi đau buồn vì sự mất mát ngài Enea GỗDày đã để lại những hậu quả lạ thường trong tính cách của ông. Ông chìm trong nỗi ám ảnh phải tìm mọi cách sao cho các công trình của người em không chính thức không bị bỏ xó. Ông muốn đích thân trông nom việc nuôi ong, ông vào việc với một vẻ hết sức tự tin, dù rằng từ trước tới giờ ông chưa bao giờ nhìn cận mắt một tổ ong. Để tham vấn, ông tìm tới Cosimo, người đã học được đôi điều về việc này; không phải để đặt những câu hỏi, mà để ông diễn thuyết về việc nuôi ong, và nghe điều anh đáp lại; rồi ông lặp lại nó như một mệnh lệnh với các bác nông dân, qua một giọng nói bực dọc và đầy thẩm quyền, như thể đó là những điều đã biết quá rồi. Bố tránh không tới quá gần các đõ ong, vì sợ bị chích, song ông muốn chứng tỏ rằng mình biết chiến thắng nỗi sợ này, chẳng biết bố đã phải khổ sở thế nào cho nỗ lực ấy. Cùng một cách thức như thế, bố ra lệnh cho đào những con mương, nhằm hoàn
- thành cái dự án đã được ngài Trạng khởi công; nếu bố thành công, thì nó hẳn sẽ là một trường hợp lạ lùng, bởi cái ông em yêu quý chưa bao giờ hoàn tất công trình nào cả. Than ôi! Niềm đam mê muộn màng của vị Nam tước về những sự vụ thực tiễn kéo dài không lâu. Một hôm, ông đang bận bịu và căng thẳng giữa các đõ ong và những con mương, sau một động tác giật nảy bất chợt, người ta thấy hai con ong lao vào ông. Hoảng sợ, ông bắt đầu vung vẩy cánh tay, làm lật một tổ ong, và ông bỏ chạy với một đám mây ong bám sát. Mắt nhắm mắt mở chạy trốn, ông lọt xuống con mương đang được dẫn nước vào. Ướt như chuột lột, ông được người nhà kéo lên. Bố phải nằm liệt giường. Cơn sốt vì những cú chích cộng với cơn sốt vì cảm lạnh: bố chịu một tuần lễ, sau đó có thể nói là bố khỏi. Song lòng bố tràn ngập một nỗi chán chường, thế là bố không thiết gượng dậy. Bố nằm liệt giường và buông hết mọi dính kết với đời. Chẳng gì bố muốn đã thực hiện được, về cái chức danh Công tước, không ai đả động đến nữa; cậu con trai cả thì luôn ở trên cây, ngay cả giờ đây khi đã trưởng thành; ông em không chính thức thì đã bị giết mất; cô con gái nay đã lập gia đình nơi xa xôi, và sống với những kẻ còn ít được thiện cảm hơn cô; tôi thì còn quá trẻ để mà cận kề ông; và người vợ thì quá khẩn trương và độc đoán. Bố bắt đầu mê sảng, bố bảo giờ đây những thầy tu dòng Tên đã chiếm đóng nhà ông, ông không muốn ra khỏi phòng, thế là trong tình trạng tràn đầy cay đắng và ám ảnh như từ trước đến giờ ông luôn trải nghiệm, thần chết đến với ông. Cosimo cũng đi theo đám tang, chuyền từ cây này sang cây khác, song anh không thể vào nghĩa địa, bởi cành nhánh trên các cây bách quá rậm rạp, không có cách nào đeo bám trên đó. Anh chứng kiến buổi an táng từ bên kia bức tường rào, khi mọi người chúng tôi ném một nắm đất xuống áo quan, thì anh ném xuống đó một cành non sum suê lá. Tôi nghĩ, tất cả chúng tôi đã luôn cách xa bố như anh ở trên cây đã cách xa ông. Giờ đây Nam tước xứ Rondo chính là Cosimo. Cuộc sống anh không thay đổi. Đúng là anh có trông nom hoa lợi của gia sản, song luôn theo một cách thức thất thường. Khi những người quản gia và những người thuê đất cần tìm anh, họ không bao giờ biết anh ở đâu; và khi mà họ ít muốn anh thấy mặt nhất, thì đây, anh đang ở trên cành. Cũng để trông nom những công việc gia đình ấy, lúc này Cosimo xuất hiện ở thị trấn BóngRâm thường hơn, anh ngồi trên cây hồ đào ở quảng trường, hoặc trên các cây sồi xanh gần bến cảng. Thiên hạ tôn trọng anh, họ gọi anh là “Ngài Nam tước”, và anh có phần làm bộ tịch như một cụ già, giống những người trẻ đôi khi thích như thế; anh lưu lại đó, kể chuyện cho một nhóm cư dân BóngRâm ngồi dàn quanh dưới gốc cây. Anh tiếp tục kể, luôn qua những cách khác nhau, kết cục của ông chú họ. Dần dà anh đi tới việc tiết lộ sự thông đồng giữa ngài và bọn cướp biển, tuy
- nhiên, để kềm nén sự phẫn nộ tức thời của dân chúng, anh gộp luôn câu chuyện về Zaira, gần như thể do chính ngài Trạng đã tâm sự với anh trước khi chết, và thế là, thậm chí anh đã có thể đẩy đưa họ đến việc cảm động trước số phận buồn hiu của lão già. Từ một tinh thần hoàn toàn là sáng tác, tôi nghĩ, Cosimo, qua những phỏng chừng liên tiếp, đã đạt tới một cuộc tường trình hầu như toàn bộ xác thực về sự kiện. Anh làm được như thế dăm ba bận. Sau đó, vì những người dân BóngRâm không bao giờ biết mệt khi lắng nghe câu chuyện này, và luôn có những thính giả mới sà vào, ai cũng hỏi thêm chi tiết, anh đi tới việc thêm vào những mở rộng, những cao trào, giới thiệu những nhân vật mới, những tình tiết mới, và thế là câu chuyện mỗi lúc một biến dạng, trở nên càng mang tính chất sáng tác hơn là lúc đầu. Lúc này Cosimo đã có một công chúng miệng há hốc lắng nghe mọi điều anh nói. Anh đã bắt đầu có cái thú kể chuyện; và cuộc sống của anh trên cây, những buổi đi săn, tay cướp Gian ChùmThạchThảo, chú chó con Massimo GiỏiGiắn trở nên cái cớ để anh kể những câu chuyện không còn có hồi kết nữa. (Rất nhiều tình tiết trong thiên ký ức đời anh này, tôi đã tường trình y như anh kể lúc đó, dưới sự cổ vũ của nhóm thính giả dân dã của anh, tôi nói lên điều này để xin lỗi, nếu không phải toàn bộ những gì tôi viết là có vẻ xác thực, và thích ứng với một cái nhìn hài hòa về nhân quần và sự kiện). Ví dụ, một kẻ rỗi việc hỏi anh: – Thưa ngài Nam tước, có thật là ngài đã chưa bao giờ rời chân khỏi cây cối? Cosimo bộp liền: – Vâng, có một lần, vì nhầm, tôi đã bước lên một cặp sừng. Tôi tưởng mình đang đi trên một cây thích, song đó lại là một con nai; nó đã trốn khỏi khu vực săn bắn hoàng gia, và đang đứng bất động ở đó. Cảm thấy sức nặng của tôi trên sừng, con nai chạy băng rừng. Khỏi phải nói về những cú va chạm! Tôi, trên cái đỉnh ấy, cảm thấy mình bị ào ào đâm chọc từ mọi phía: giữa những đầu mũi nhọn hoắt của bộ sừng, các bụi gai, và cành nhánh đập vào mặt Con nai ngúc ngoắc, tìm cách rũ tôi ra, tôi giữ vững vị trí Anh thả lửng câu chuyện, và anh chàng rỗi việc hỏi tiếp: – Thưa Tướng công, thế thì ngài làm thế nào? Cosimo, mỗi lần, đưa ra một hồi kết khác nhau: – Con nai chạy, chạy tiếp, đuổi kịp một bầy nai khác. Nhìn thấy có người trên sừng, một số con túa chạy đi, môt số khác tò mò ùa lại gần. Tôi giương khẩu súng luôn đeo trên vai, thế là mỗi con bị nhắm đều bị hạ. Khoảng năm mươi con – Năm mươi con nai ở xứ này, đào ở đâu ra nhỉ? Một người lảng vảng qua đó hỏi. – Bây giờ thì loài nai này đã mất giống. Vì năm mươi con nai đó toàn bộ
- là nai cái, các bác hiểu không? Mỗi khi con nai của tôi tìm cách tiếp cận một con nai cái, là tôi bắn, thế là nó ngã chết. Con nai của tôi chẳng hiểu trời trăng mây nước là gì, nó tuyệt vọng. Rồi rồi nó quyết định tự sát, nó chạy lên một vách đá cao và quăng mình xuống. Tôi chụp lấy cành cây thông xòe ra ở đó, và đây, tôi đang ở đây. Hoặc anh sẽ kể đấy là một trận giao tranh giữa hai con nai, bằng sừng, ở mỗi cú húc, anh sẽ nhảy từ cặp sừng con này sang cặp sừng con kia, cho tới lúc với cú húc mạnh nhất thì anh thấy mình đang chênh vênh trên một cây sồi Tóm lại, anh đã đắm trong nỗi ám ảnh của một kẻ kể chuyện mà không bao giờ biết phải chăng câu chuyện sẽ hay hơn là nhờ những gì đã xảy ra thực, mà việc gợi lại tái chuyển cùng nó cả một biển thời khắc quá khứ, cảm xúc chi li, phiền muộn, sung sướng, bấp bênh, vẻ vang hão huyền, tự chán ngấy; hoặc những gì đã được sáng tác, đẽo gọt ra những mảng chính, tất cả có vẻ thuận buồm xuôi mái, song càng muôn màu muôn vẻ hóa thì người ta càng nhận ra là mình đang quay trở về để nói về những điều đã gặp, hoặc đã lĩnh hội trong thực tại sống qua. Cosimo vẫn đang còn ở trong độ tuổi mà khát khao kể trao lại khát khao sống; và anh tin rằng mình đã chưa sống đủ để kể. Thế là anh chuyền đi săn, vắng bóng hàng tuần lễ, rồi quay trở lại trên những ngọn cây ở quảng trường, tay cầm lủng lẳng đằng đuôi những con chồn dẻ, những con lửng, những con cáo, và kể cho người dân BóngRâm những câu chuyện mới, từ xác thực, khi kể, trở nên sáng tác, và từ sáng tác, trở nên xác thực. Song trong tất cả những cơn ám ảnh ấy có chứa một nỗi bất thỏa sâu kín hơn, một sự thiếu vắng, trong cuộc kiếm tìm người nghe có một cuộc kiếm tìm khác. Cosimo vẫn chưa biết tình yêu, và mọi kinh nghiệm sống mà không có nó thì ra gì? Có nghĩa gì đây một sự liều thân cho cuộc sống, khi vẫn chưa biết hương vị cuộc sống là chi? Các thiếu nữ bán rau hoặc các cô bán cá băng ngang quảng trường BóngRâm, các quý bà ngồi trên những cỗ xe ngựa đi qua. Từ trên cây, Cosimo ném mắt liếc nhìn, anh không hiểu rõ tại sao ở toàn thể các quý cô quý bà ấy có cái gì đó mình đang tìm, mà nó lại không trọn vẹn ở trong người nào. Về đêm, khi ánh đèn nhà cửa thắp sáng, Cosimo đơn độc trên cành với cặp mắt võ vàng của con chim cú, anh bắt đầu mộng mơ tình yêu. Trước các cặp tình nhân hẹn hò bên bờ giậu, trong các rặng cây, lòng anh tràn ngập ngưỡng mộ và khao khát, song nếu họ nằm dài dưới chân gốc cây của anh, thì anh bỏ đi ngay mà lòng chìm trong xấu hổ. Thế là, để chiến thắng sự bẽn lẽn tự nhiên của cặp mắt, anh ngồi yên quan sát cuộc yêu đương của các loài thú. Vào mùa xuân, thế giới trên cây là một thế giới trăng mật. Những con sóc yêu đương nhau với những cú nhắp và những tiếng rít hầu như của người; những con chim giao hợp nhau cánh vỗ
- soành soạch, những con thằn lằn cũng hợp nhất dìu nhau chạy, cặp đuôi thắt nút; những con nhím như thể đã trở nên mềm mại hơn để vòng tay thêm ngọt ngào. Massimo GiỏiGiắn, không hề ngại ngùng mình là chú chó chồn duy nhất ở BóngRâm, ve vãn tán tỉnh các mợ chó chăn cừu, hoặc chó béc giê, tỉnh bơ hừng hực tin vào sự khả ái khơi gợi tự nhiên của mình. Có lúc nó quay về gặm nhấm đau thương, song chỉ cần một cuộc tình vận may, thế là mọi thất bại đều như chưa từng biết đến. Cosimo cũng thế, như Massimo GiỏiGiắn, là cái gương duy nhất của một giống loài. Trong những cơn mơ mơ màng màng, anh thấy mình được các cô gái diễm kiều yêu đương; thế nhưng, làm sao mình, kẻ ở trên cây, có thể gặp được tình yêu đây? Những lúc mộng tưởng, anh thành công trong việc không hình dung ra nơi điều ấy diễn ra, dưới đất, hay trên chỗ anh đang ngụ: một nơi chốn không nơi chốn, anh tưởng tượng, như một thế giới anh tới được bằng cách thăng lên, chứ không phải hạ xuống. Đúng vậy: có lẽ có một ngọn cây cao đến mức leo lên thì ta sẽ chạm tới một thế giới khác: cung Hằng. Cùng lúc, bên cạnh cái thói quen chuyện vãn cửa chợ này, anh ngày càng cảm thấy kém thỏa mãn về mình. Thế rồi, vào một ngày họp chợ, có một kẻ, tới từ thị trấn ÔLiuSà lân cận, bảo rằng: – Ồ! Thì ra các bác cũng có ông Tây Ban Nha của các bác. Khi được hỏi, thế ông muốn nói gì, ông ta bèn trả lời: – Ở ÔLiuSà có cả một cộng đồng dân Tây Ban Nha sống trên cây. Cosimo đứng ngồi không yên nếu anh không băng rừng chuyền tới ÔLiuSà.
- XVII ÔLiuSà là một thị trấn vùng sâu vùng xa. Cosimo tới đó sau hai ngày di chuyển, vượt qua một số chặng đường cây cối hết sức thưa thớt. Trên các tuyến đường, gần những khu vực dân cư, người dân chưa bao giờ trông thấy anh hét vang kinh ngạc, một số người còn ném đá theo sau, cho nên, anh tiếp tục chuyền đi trong lúc hết sức tránh không để mình bị nhìn thấy. Song khi đang đến gần ÔLiuSà, anh nhận ra rằng, một số người tiều phu, thợ cày, hoặc các phụ nữ nhặt ôliu, khi thấy anh, họ không ngạc nhiên chút nào, trái lại, những người đàn ông còn giở nón chào, như thể họ đã biết anh, họ buông ra những lời chắc chắn không phải là phương ngữ, với một giọng phát âm lạ tai, chẳng hạn: 33 – Señor! Buenos días, Señor! Lúc ấy là mùa đông, một phần cây cối đã trơ trụi. Ở ÔLiuSà, dọc theo khu vực dân cư, có một hàng cây sồi và một hàng cây tiêu huyền trồng song song nhau. Trong lúc chuyền tới gần, anh nhìn thấy trên cành nhánh trơ trụi có người: một, hai, hoặc ngay cả ba, trên mỗi cây, ngồi hay đứng, thái độ trịnh trọng. Qua vài cú phóng anh đã tới chỗ họ. Họ là những người đàn ông mặc kiểu quý tộc, mũ ba góc cắm lông, áo choàng dài; các phụ nữ cũng mang vẻ quý tộc, đeo mạng che mặt, ngồi trên cành, hai hay ba người, một số đang thêu thùa, thỉnh thoảng nhìn xuống con lộ, bằng một động tác xoay nhẹ nửa thân trên và tựa cánh tay dọc theo cành cây như trên một khung cửa sổ. Những người đàn ông buông ra các lời chào như chứa đầy niềm cảm thông cay đắng: – Buenos días, Señor! Cosimo cúi đầu, ngả mũ. Một người có vẻ có thẩm quyền nhất trong họ, béo núc ních, lọt chặt giữa một chạng cây minh quyết, dường như không thể nhấc mình lên, nước da vàng bệnh gan, lộ rõ cái đốm đen nhẵn bóng của hàm râu đã cạo dù tuổi đã cao, xoay sang hỏi một người bên cạnh – hốc hác, cao lêu nghêu, trang phục đen, hai bên má cũng điểm đốm đen của một hàm râu đã cạo – kẻ lạ mặt đang chuyền trên rặng cây là ai. Cosimo nghĩ, đã đến lúc mình nên tự giới thiệu. Anh chuyền đến ngọn cây minh quyết của ông béo núc ních, cúi đầu chào: – Xin tự giới thiệu, tôi là Nam tước Cosimo MưaGiông xứ Rondo. - Rondos? Rondos? - Ông béo núc ních hỏi – ở Aragonés? ở Gallego? – Thưa ngài không.
- – Ở Catalán? – Thưa ngài không. Tôi ở vùng này. – Desterrado tambien? Ông cao lêu nghêu cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng thông dịch, một cách hết sức long trọng, nói: – Hoàng thân Frederico Alonso Sanchez de Guatamurra xứ ỚtCay hỏi có phải Tướng quân cũng là một kẻ lưu vong, vì chúng tôi thấy ngài đeo bám giữa cành lá. – Thưa ngài không. Hay ít ra, không phải lưu vong vì bất cứ chiếu chỉ nào của kẻ khác. – Viaja usted sobre los árboles por gusto? Và ông thông dịch: – Hoàng thân Frederico Alonso sung sướng xin được hỏi có phải vì thú vui riêng mà Tướng quân đang thực hiện cuộc hành trình này. Cosimo nghĩ một chút rồi trả lời: – Tôi cho rằng, tôi thích hợp với công cuộc này, chứ không do ai áp đặt. - Feliz usted! - Frederico Alonso Sanchez kêu lên, thở dài – Ay de mí, ay de mí! Và ông áo đen, giải thích, mỗi lúc một long trọng hơn nữa: – Hoàng thân rủ lòng bảo rằng Tướng quân quả là tốt phúc vì được hưởng sự tự do như thế, điều mà chúng tôi không thể không mủi lòng khi so sánh với sự gò bó của chúng tôi, dù rằng chúng tôi chịu đựng trong lúc trông vào ý Chúa. Và ông ta làm dấu thánh giá. Thế là, giữa những tiếng cảm thán ngắn gọn của vị Hoàng thân và bản dịch đầy tình tiết của ông vận đồ đen, Cosimo có thể dựng lại câu chuyện của cộng đồng kiều dân cư ngụ trên cây tiêu huyền. Họ là những nhà quý tộc Tây Ban Nha, nổi lên chống lại vua Carlos III vì những tương phản về vấn đề đặc quyền phong kiến, thất bại, họ bị đẩy đi lưu vong cùng với gia đình. Tới ÔLiuSà thì chuyến đi của họ bị đình trệ: thật vậy, lãnh thổ này, trên cơ sở của một hiệp ước xa xưa đã ký kết với Vua Tây Ban Nha, không thể nhận người tị nạn đến từ Tây Ban Nha, cũng như không thể để họ băng ngang. Tình trạng của các gia đình quý tộc này hết sức khó giải quyết. Song các quan viên ÔLiuSà, vừa không muốn làm phật ý các bộ tư pháp nước ngoài, lại vừa không có lý do gì để gây ác cảm với các gia đình lữ hành giàu có này, họ tiến tới một sự dàn xếp: bản hiệp ước ghi rõ từng câu từng chữ rằng, người lưu vong không được “chạm chân lên đất” của lãnh thổ, cho nên, chỉ cần họ ngụ trên cây thì họ hợp pháp. Thế là những người lưu vong leo lên cây tiêu huyền hoặc cây du bằng những cái thang do tòa thị chính cung cấp, và sau đó chúng được lấy đi. Họ đã đeo bám trên cây được vài tháng nay, phó niềm tin vào thời tiết ôn hòa, vào một sắc chỉ sắp ban của vua Carlos III,
- và vào sự phò hộ của Chúa. Họ mang theo một lượng đồng tiền vàng Tây Ban Nha, họ tìm mua thức ăn, và như thế góp phần vào sinh hoạt thương mại của thị trấn. Để kéo những đĩa thức ăn lên, họ cho gắn một số công cụ trục hàng. Ở một số ngọn cây thì có treo những tán che, và họ ngủ bên dưới. Tóm lại, họ biết cách xoay xở rất tốt, hay có thể nói, chính người dân ÔLiuSà đã trang bị tốt cho các gia đình quý tộc này, cũng vì những nguồn lợi đem lại cho họ. Những người lưu vong, phần mình, cả ngày không phải động đến một ngón tay. Cosimo lần đầu tiên gặp những cư dân đồng loại ngụ trên cây, anh bắt đầu nêu lên những câu hỏi thực tiễn: – Khi trời mưa thì các vị làm thế nào? – Sacramos todo el tiempo, Señor! Và thông dịch viên, linh mục Sulpicio xứ Guadalete, thuộc Hiệp hội dòng Tên, lưu vong từ khi Hiệp hội của ông bị cấm ở Tây Ban Nha: – Được che chở dưới mái tán, chúng tôi hướng ý mình tới Chúa, đội ơn Ngài về chút sự hằng ngày dùng đủ! – Thế các vị có bao giờ đi săn không? – Señor, algunas veces col el visco. – Thỉnh thoảng người của chúng tôi trát một lớp keo lên cành để giải trí qua ngày. Cosimo không bao giờ biết mệt trong việc khám phá ra cách họ giải quyết các vấn đề mà anh cũng đã phải đối phó. – Và để giữ vệ sinh thì các vị làm thế nào? – Para lavar? Hay lavanderas! Hoàng thân Frederico nói, với một cái nhún vai. – Chúng tôi giao đồ đạc cho các bồn giặt của thị trấn, linh mục Sulpicio thông dịch. Mỗi thứ Hai, để nói chính xác, chúng tôi thả giỏ đồ dơ xuống. – Không, ý tôi muốn nói là để rửa ráy tắm rửa. Hoàng thân Frederico làu nhàu nói và nhún vai, như thể đó chưa bao giờ là vấn đề đặt ra với mình. Linh mục Sulpicio tin vào bổn phận phải thông dịch: – Theo thiển ý của Hoàng thân, đây là những vấn đề riêng tư của mỗi người. – Và, xin ngài thứ lỗi, quý ngài giải quyết nhu cầu đại tiểu tiện ở đâu? 34 – Ollas, Señor . Và linh mục Sulpicio, giọng luôn khiêm nhượng: – Sự thực là chúng tôi dùng các bình vại nhỏ. Cáo biệt Hoàng thân Frederico, Cosimo được linh mục Sulpicio hướng dẫn đi thăm một số thành viên của cộng đồng lưu vong, lần lượt tại các ngọn cây cư ngụ của họ. Tất cả các nhà quý tộc, tiểu quý tộc và các quý bà này, dù
- những điều kiện cư trú bất tiện không thể giải quyết, vẫn giữ một thái độ thông lệ và trịnh trọng. Một số người đàn ông, để ngồi kiểu cưỡi cành, đã sử dụng những yên ngựa, điều này khiến Cosimo rất thú vị, trải qua rất nhiều năm mà anh chưa bao giờ nghĩ đến cách thức này (cực kỳ tiện lợi nhờ hai cái bàn đạp của nó – anh nhận ra ngay tức khắc – tránh được sự mất thoải mái khi buông thõng hai chân ở hai bên, vốn chỉ sau một chốc là bị tê như kiến bò). Một số khác thì đang nhắm ống nhòm đi biển (một người trong họ mang chức đô đốc), có lẽ chỉ dùng vào việc nhìn nhau từ ngọn cây này sang ngọn cây kia, do tò mò tọc mạch. Các quý bà và quý cô tất cả đều đang ngồi trên một chiếc gối đệm, được chính họ thêu may (những người này là những người duy nhất, qua một cách thức nào đó, có làm việc), hoặc vuốt ve những chú mèo mập mạp. Về mèo, thì có một số lượng lớn trên các ngọn cây, chim cũng vậy, những con này thì ở trong lồng (có lẽ là nạn nhân của keo dính), trừ một số con bồ câu tự do, sà xuống đậu trên tay các bé gái, các cháu buồn bã vuốt ve chúng. Trên những ngọn cây-phòng khách này, Cosimo được đón tiếp với một tinh thần hiếu khách trịnh trọng. Họ mời anh uống cà phê, rồi tức khắc bắt chuyện nói về các dinh thự họ để lại Siviglia, Granada, rồi nào là tài sản, vựa lúa, chuồng nuôi thú; và mời anh đến thăm khi họ được trở về nhận lại các chức tước của mình. Về nhà Vua, người đã trục xuất họ, họ đề cập qua một kiểu nhấn nhá vừa ác cảm cuồng nhiệt lại vừa kính trọng toàn tâm toàn ý; đôi lúc họ có khả năng tách biệt một cách chính xác nhân vật mà gia đình họ đang chống lại, và cái tước vị mà người ấy có thẩm quyền ban cho họ. Trái lại, có lúc, họ cố ý trộn lẫn hai cách nhận xét đối nghịch thành một động lực tinh thần duy nhất; và Cosimo, mỗi khi câu chuyện nhằm vào nhà Vua, không biết phải tỏ thái độ vào đâu. Trong tất cả các động tác và câu chuyện của những người lưu vong này đều xốn xang một hơi hướm sầu muộn và tang tóc, đôi chút tương ứng với bản chất của họ, đôi chút là một sự quyết tâm tự nguyện như có lúc nảy ra cho kẻ đang chiến đấu cho một lý tưởng mà lòng tin chưa được xác định rõ ràng, và đang nỗ lực tạo ấn tượng trong thái độ. Ở các cô gái – mà với Cosimo, qua cú liếc mắt đầu, tất cả như có phần quá rậm rạp lông tóc và quá ngăm đen màu da – có lượn là một gợi ý tràn trề sinh lực, luôn được kềm hãm đúng lúc. Hai trong các cô gái đang chơi cầu lông, từ cây tiêu huyền này sang cây tiêu huyền kia. Tích, tóc, tích, tóc, rồi một tiếng reo nhỏ: quả cầu lông đã bị rớt xuống lộ. Một chú nhóc BóngRâm nhặt lên, và để quăng lại lên cây, chú nhóc đòi hai đồng pesetas. Trên một ngọn cây cuối, một cây du, có một cụ già, mọi người gọi cụ là El Conde: Cụ Bá tước, không đội tóc, quần áo xốc xếch. Linh mục Sulpicio, khi tới gần, thì hạ thấp giọng, Cosimo tự nhiên cũng hạ thấp giọng như vị linh mục. Cụ Bá tước thỉnh thoảng lấy tay gạt một cành cây, nhìn xuống sườn
- đồi, và vùng đồng bằng mảng xanh tươi mảng trơ trụi tít tắp phía xa. Linh mục Sulpicio thì thầm vào tai Cosimo câu chuyện về cậu con trai của cụ bị giam và bị tra tấn trong các nhà ngục của vua Carlos. Cosimo hiểu ra rằng, trong lúc tất cả các nhà quý tộc kia đang làm kẻ lưu vong theo cách của họ, và lúc này lúc kia cứ hồi nhớ và lặp lại tại sao và vì sao họ đang ở đây, thì chỉ có cụ già này là đau khổ thực sự. Cái động tác vén cành như thể để thấy hiện ra một mảnh đất khác, cú nhìn vượt thoát từng chút, từng chút hơn nữa vào cái khoảng xa mênh mông gợn sóng như thể đang hy vọng rằng mình sẽ không bao giờ đụng phải chân trời, rằng mình có thể nhận ra một xứ sở dù có xa xôi cách mấy: đây chính là cái tín hiệu thực thụ đầu tiên của sự lưu vong mà Cosimo trông thấy. Và anh hiểu sự hiện diện của Cụ Bá tước là quan trọng đến mức nào đối với các nhà quý tộc ấy, nó như để gắn kết họ với nhau, mang lại cho họ một ý nghĩa. Chính cụ – người có lẽ nghèo nhất trong họ, và khi ở quê nhà, chắc chắn ít quyền thế hơn họ – đã nói với họ điều họ cần đau và điều họ nên hy vọng. Trở lại chuyến viếng thăm, trên một cây tổng quán sủi Cosimo thấy có một cô bé anh chưa gặp. Với hai cú phóng anh đã chuyền tới đó. Một cô gái có đôi mắt xanh phớt hồng, tuyệt đẹp, và làn da thơm mát. Tay đang xách một xô nước. – Sao anh đã thấy hết mọi người mà lại không thấy em nhỉ? – Em đi múc nước giếng. Cô cười. Cái xô hơi bị nghiêng, nước trào ra. Anh giúp cô giữ lại thăng bằng. – Vậy là em đã xuống cây? – Không anh ạ! Có một cây anh đào cong queo ngả bóng tại cái giếng. Chúng em thả xô xuống từ trên đó. Anh đi cùng em nhé. Hai người cùng chuyền trên một cành, vượt qua bức tường của một khoảng sân. Cô hướng dẫn anh băng qua đoạn cành anh đào. Bên dưới là cái giếng. – Anh Nam tước, anh thấy chưa? – Sao em biết anh là một Nam tước. – Em biết hết, cô cười. Mấy đứa em của em đã báo cáo cho em ngay về chuyến thăm viếng. – Hai cô chơi cầu lông phải không? – Đúng vậy, Irena và Raimunda. – Các cô con gái của Hoàng thân Frederico? – Vâng – Thế còn tên em? – Ursula. – Em chuyền trên cây giỏi hơn mọi người khác ở đây đấy. – Em leo trèo từ thuở bé: ở Granada sân nhà em có nhiều cây cao.
- – Em có thể hái đóa hoa hồng kia không? Trên đỉnh một ngọn cây, một đóa hồng nở đong đưa. – Không, em rất tiếc. – Tốt, vậy thì anh sẽ hái Anh chuyền đi, và trở lại với đóa hoa. Ursula mỉm cười, giơ tay đón nhận. – Anh muốn tự tay anh cài cho em. Em bảo anh ở đâu nhé. – Anh à, ở trên đầu, cám ơn anh. Cô cầm tay anh hướng dẫn. – Bây giờ, cho anh biết – Cosimo hỏi – em có thể chuyền tới cây hạnh kia không? – Bằng cách nào đây? cô cười. Em không phải là một cô chim. – Em chờ chút, Cosimo quăng một sợi dây. Nếu em để anh buộc em vào đầu dây này, anh sẽ kéo em lên đó. – Không không đâu Em sợ. Song cô cười. – Đây là phương pháp của anh. Anh chuyền theo kiểu này từ nhiều năm nay, hoàn toàn thao tác một mình. – Mèng ơi! Anh kéo cô tới đó. Anh lên sau. Đó là một cây hạnh còn non và không lớn lắm. Hai người kề sát nhau. Ursula vẫn hổn hển thở, mặt đỏ bừng vì chuyến bay bổng đong đưa. – Sợ không em? – Không. Song tim cô đang đập mạnh. – Đóa hồng vẫn còn. Anh nói và đưa tay sửa lại nụ hoa. Thế là, áp sát bên nhau trên cây, mỗi động tác đều biến thành một vòng tay ôm. – Ấy chết! Cô kêu lên, rồi, anh chủ động, và, hai người ôm nhau hôn. Tình yêu bắt đầu như thế, cậu thanh niên sung sướng và đê mê, cô con gái sung sướng, song không ngạc nhiên tí nào (với các cô gái không chuyện gì xảy ra tình cờ). Đó là tình yêu mà Cosimo hết đỗi mong chờ, mà bây giờ bất ngờ đã đến, đẹp đến mức làm sao mà người ta có thể tưởng tượng ra là nó đẹp đến thế nào trước đó. Về cái đẹp của cô con gái, điều tươi mới nhất, hãy tồn tại giản dị như thế, và cho cậu thanh niên, ở khoảnh khắc đó, có lẽ phải mãi mãi là thế.
- XVIII Cây đào, cây hạnh, cây anh đào nở rộ. Cosimo và Ursula trải qua những ngày bên nhau trên cây cối đầy hoa. Mùa xuân thắm sắc vui tươi ngay cả đến cái sự kề cận ảo não của người nhà cô gái. Trong cộng đồng lưu vong ấy, anh tôi lập tức biết biến mình thành người có ích; anh chỉ dẫn cho họ những cách thức khác nhau để chuyền trên cây; anh khuyến khích các gia đình quý tộc ấy bước ra khỏi thái độ trang trọng thông lệ để vận động thân thể một chút. Anh còn bắc những cây cầu dây để một số người già nhất có thể sang thăm lẫn nhau. Thế nên, trong khoảng gần một năm trời thường xuyên sống giữa những người Tây Ban Nha, anh trang bị cho cộng đồng lưu vong này nhiều công cụ do anh sáng chế: bồn chứa nước, bếp lò, túi ngủ. Niềm khát khao thực hiện sáng chế mới đã dẫn anh tới việc chiều theo những thói quen của các nhà quý tộc này, ngay cả khi chúng không phù hợp với các ý tưởng mới của các tác gia mà anh yêu thích: thế nên, khi nhận ra ở những người sùng đạo này ước muốn được xưng tội đều đặn, anh khoét ra một buồng xưng tội bên trong một thân cây đủ để linh mục Sulpicio gầy còm chui vào ngồi bên khung cửa sổ nhỏ gắn lưới treo màn lắng nghe tội lỗi của họ. Tóm lại, đam mê sáng tạo kỹ thuật thuần túy không đủ để anh tránh khỏi việc tuân thủ các quy chuẩn hiện hành; cần phải viện đến tư tưởng. Anh đã viết thư cho lão buôn sách Orbecche, và cùng trong thời gian đó lão đã gửi cho anh từ BóngRâm một số sách tới bưu điện thị trấn ÔLiuSà. Thế là anh có thể đọc Paul và Virginie rồi Nàng Heloïse mới cho Ursula nghe. Những người lưu vong thường hội họp trên một cây sồi lớn, các buổi nghị viện trong đó họ thảo ra những bức thư gửi đến nhà Vua. Những bức thư này, trên nguyên tắc, lúc nào cũng hẳn phải là những lời phản đối phẫn uất, những lời đe dọa, hầu như những tối hậu thư; thế mà, tới một lúc, một người trong họ đề nghị những thể thức ôn tồn hơn, lễ phép hơn, và vậy là cuối cùng người ta thảo ra một bản thỉnh cầu trong đó họ kính cẩn cúi rạp mình dưới chân Hoàng thượng Nhân từ xin tha tội. Lúc đó Cụ Bá tước đứng lên. Tất cả im phăng phắc. Nhìn lên cao, bằng một giọng nói nhỏ nhẹ và rung cảm, cụ bắt đầu nói lên những lời tâm huyết nhất. Khi cụ ngồi xuống trở lại, những người khác vẫn im lặng và nghiêm chỉnh. Không ai nhắc đến bản thỉnh cầu nữa. Cosimo khi ấy đã trở nên một thành viên của cộng đồng, anh tham gia các buổi nghị viện. Ở đó, với sự trong sáng và nhiệt tình của tuổi trẻ, anh giải thích tư tưởng của các nhà triết học, những sai lầm của các vị Vua, và cách
- thức các Nhà nước có thể được cai quản dựa trên lý tính và công bằng. Tuy nhiên, giữa tất cả mọi người, những người duy nhất lắng nghe anh là Cụ Bá tước (dù đã lớn tuổi song luôn day dứt tìm tòi một phương thức lĩnh hội và tác động), là Ursula (người đã đọc một số sách), và vài cô gái tinh nhạy hơn các cô khác. Phần còn lại của cộng đồng là những cái đầu đầy sạn gõ mãi không kêu. Tóm lại, Cụ Bá tước sôi nổi này, thay vì cứ ngồi đó mà ngắm ngắm nghía nghía phong cảnh, bắt đầu muốn đọc sách. Rousseau thì cụ cảm thấy hơi khó nuốt; song Montesquieu thì cụ khoái, đấy đã là một bước tiến. Các nhà quý tộc khác à, hoài công, dù vài người âm thầm nhờ linh mục Sulpicio hỏi mượn Cosimo quyển La Pucelle để tìm đọc những trang khêu gợi nhất. Cho nên, có Cụ Bá tước ngấu nghiến các tư tưởng mới, các buổi họp trên cây sồi chuyển sang một chiều hướng khác: bây giờ người ta đề cập về việc trở về Tây Ban Nha làm cách mạng. Linh mục Sulpicio lúc đầu chưa nhận ra được mối nguy. Ông không phải là người tinh ý cho lắm, thế rồi, bị cắt đứt khỏi cả một hàng ngũ các bậc bề trên, ông không được cập nhật về những độc hại của nhận thức. Song vừa khi có khả năng sắp xếp lại ý tưởng (hoặc vừa khi, theo lời một số người, nhận được các bức thư với ấn dấu của tòa giám mục) là ông bắt đầu bảo rằng ma quỷ đã lén lút xâm nhập vào cộng đồng, chỉ còn chờ một trận mưa sấm mưa sét thiêu rụi tất cả các cây cối có họ ở trên. Một đêm, Cosimo bị đánh thức bởi những tiếng rên rỉ. Với cây đèn xách tay, anh nhìn thấy Cụ Bá tước đã bị cột vào thân cây sồi của cụ, và vị thầy tu dòng Tên đang thắt nút dây lại. – Dừng lại! Thưa cha, thế là thế nào? – Vòng tay của Tòa án Dị giáo con ạ! Bây giờ là phiên cái lão già khốn khổ này, để lão thú tội tà đạo và khạc ra con quỷ. Sau đó thì tới phiên cậu! Cosimo tuốt gươm chặt đứt các mối dây. – Hãy cẩn thận! Cha ạ. Còn có những vòng tay khác, phục vụ lý tính và công bằng! Vị thầy tu dòng Tên rút ra một thanh gươm trần từ bên trong chiếc áo choàng. – Này Nam tước xứ Rondo, gia đình cậu đã từ lâu còn một món nợ bỏ lửng với Giáo đoàn của ta đấy. – Bố đáng thương của con, bố đã có lý! Cosimo cảm thán, trong lúc so kiếm. – Hiệp hội vẫn nuôi mối hiềm thù! Họ gieo neo giao tranh trên cành. Linh mục Sulpicio là một cao thủ kiếm sĩ, nhiều lần anh tôi bị lâm vào thế yếu. Giữa đợt giao chiến thứ ba, Cụ Bá tước, định thần, bắt đầu hét toáng lên. Những người lưu vong khác thức dậy, vội vã chuyền tới, can ngăn hai đấu sĩ. Linh mục Sulpicio lập tức cất biến
- thanh gươm, như không có gì xảy ra, yêu cầu mọi người bình tĩnh. Im ru trước một sự cố trầm trọng như thế, hẳn không thể hình dung được trong bất cứ một cộng đồng nào khác, song không phải cộng đồng này, khi mà người ta muốn rút lại tối thiểu các ý nghĩ có trong đầu. Thế nên, Hoàng thân Frederico đề nghị điều đình, người ta đạt được một kiểu giải hòa giữa linh mục Sulpicio và Cụ Bá tước, để mọi sự lại y như trước. Cosimo, tất nhiên, nghi ngờ; khi dạo chơi trên cây với Ursula, anh luôn ngại là mình bị vị thầy tu dòng Tên theo dõi. Anh biết ông ta đã thóc mách với Hoàng thân Frederico để cô không được phép đi chơi với anh. Các gia đình quý tộc này, nói đúng ra, đã được giáo dục với những tập tục rất khép kín; song nay ở trên cây, trong tình trạng lưu vong, nhiều chuyện họ không còn đặt nặng. Với họ, Cosimo có vẻ là một chàng thanh niên giỏi giắn, có tước vị, biết giúp ích, ở lại với họ không vì sự ép buộc của ai; dù hiểu ra là giữa anh và Ursula ắt phải có một tình trìu mến nào đó, song họ thường thấy anh và cô con gái chuyền đến các vườn cây để tìm hoa và hái quả, nên họ nhắm một con mắt mà không thấy có gì cần phải nói. Tuy nhiên lúc này, với linh mục Sulpicio kè kè châm chích, Hoàng thân Frederico không thể làm ra vẻ không biết gì nữa. Ông cho gọi Cosimo đến nói chuyện tại cây tiêu huyền của mình. Cạnh ông là linh mục Sulpicio, lêu nghêu và vận đồ đen kịt. 35 – Cậu Nam tước, thiên hạ bảo họ thường thấy cậu bên cạnh niña của ta. 36 – Thưa Hoàng thân, cô ấy dạy cháu hablar vuestra idioma ạ. – Cậu được bao nhiêu tuổi? 37 – Cháu sắp được diez y nueve . – Joven! Còn quá trẻ! Con gái ta là một cô gái đến tuổi gả chồng. Por 38 qué cậu đi chơi với con gái ta? – Ursula đã mười bảy tuổi 39 – Cậu đã nghĩ đến chuyện casarte chưa? – Nghĩ đến chuyện gì ạ? 40 41 – Con gái ta dạy el castellano cho cậu chưa tới nơi tới chốn, hombre 42 Ta muốn nói, thế cậu đã nghĩ đến chuyện chọn cho mình một novia , đến chuyện xây dựng cho mình một mái nhà chưa. Linh mục Sulpicio và Cosimo đồng loạt buông ra một động tác như thể xua tay. Câu chuyện xoay vào một hướng nhất định, không theo ý của vị thầy tu dòng Tên, cũng chẳng theo ý của anh tôi. – Mái nhà của cháu Cosimo nói, tay chỉ sang xung quanh, về phía các cành cây cao nhất, về phía các đám mây.
- – Nhà của cháu là khắp nơi, mọi chỗ có thể trèo bám, thăng lên trên 43 – No es esto Hoàng thân Frederico lắc đầu. Cậu Nam tước, nếu cậu có nhã ý tới thăm Granada khi chúng tôi đã trở về, cậu sẽ thấy cái thái ấp giàu 44 có nhất vùng Sierra. Mejor que aqu í . Linh mục Sulpicio không thể nín thinh nữa: – Nhưng thưa Hoàng thân, cậu thanh niên này là một kẻ theo Voltaire Cậu ta không được giao lưu với con gái của ngài nữa. 45 – Ồ! es joven, cậu ấy còn trẻ, ý tưởng đến rồi đi, que se case , hãy để cậu ấy lập gia đình rồi sẽ đâu vào đó, cậu hãy tới Granada, hãy tới cậu nhé. 46 – Muchas gracias a usted Cháu sẽ nghĩ về việc này Và Cosimo, vung chiếc mũ bê rê da mèo rừng, rút lui bằng nhiều cú cúi chào. Khi gặp lại Ursula, đầu anh đang trĩu nặng suy nghĩ. – Ursula! em biết không, bố em đã nói chuyện với anh Ông đã đề cập về một số chuyện Ursula hốt hoảng. – Ông không muốn chúng mình gặp nhau nữa à? – Không phải Ông mong rằng, khi gia đình em không còn lưu vong, anh sẽ đi với em về Granada – Thế à! Tuyệt vời! – Không biết nữa, em thấy đấy, anh thương em, song từ trước tới giờ anh luôn ở trên cây, anh muốn tiếp tục như thế – Ồ, Cosimo anh ơi, ở xứ chúng em cây cối cũng đẹp lắm – Biết vậy, song để đi cùng em, thì anh phải tụt xuống, và một khi đã xuống thì – Đừng lo, Cosimo à. Gia đình em vẫn đang lưu vong và có thể sẽ lưu vong suốt đời. Và anh tôi không thôi không bận tâm nữa. Nhưng Ursula đã không đoán đúng. Không lâu sau đó, Hoàng thân Frederico nhận được một lá thư, với dấu đóng hoàng gia. Lệnh trục xuất, nhờ sự ân xá nhân từ của Vua Tây Ban Nha, đã được thu hồi. Các gia đình quý tộc có thể trở về nhà và thái ấp của mình. Ngay lập tức các ngọn cây tiêu huyền trở nên hết sức nhộn nhịp. – Về! về! Madrid! Cadix! Sevilla! Tin tức lan truyền khắp thị trấn. Dân chúng ÔLiuSà vác thang kéo tới. Những người lưu vong, kẻ thì đã tụt xuống, đang được dân chúng đón mừng, kẻ thì đang lo thu xếp đồ đạc. – Chưa xong đâu! Cụ Bá tước kêu lên. Chúng ta sẽ lên tiếng với Tòa án! và Triều đình.
- Mặc cho lúc đó các đồng chí lưu vong của cụ không ai tỏ vẻ cho rằng cụ đúng, và các quý bà thì đã lo lắng về vụ các bộ trang phục của mình không còn đúng mốt nữa, cái gian tủ quần áo của họ cần phải tu chỉnh, cụ bắt đầu thực hiện bài diễn từ hùng hồn với dân chúng ÔLiuSà: – Bây giờ chúng tôi về Tây Ban Nha, và các bạn sẽ thấy! Tại đó, chúng tôi sẽ làm sổ tổng kết! Tôi và chàng trai trẻ này sẽ thực hiện công lý! Và cụ chỉ tay về phía Cosimo. Anh bối rối, ra dấu bảo không. Hoàng thân Frederico, được khuân bằng tay, đã xuống đất. – Baja, joven bizarro! ông hét lớn về phía Cosimo. Này chàng trẻ tuổi tài cao, xuống đây! Hãy cùng chúng tôi về Granada! Cosimo, đang đu đeo một cành cây, nép người lại. Và vị hoàng thân: 47 – Como no? Cậu sẽ như một đứa con của ta! – Đời lưu vong đã kết thúc! Cụ Bá tước nói. Cuối cùng, chúng ta có thể khởi sự một công cuộc mà chúng ta đã suy ngẫm từ lâu nay! câu Nam tước! cậu còn ở trên cây làm gì? Không có lý do nữa! Cosimo dang rộng cánh tay. – Cháu đã leo lên đây trước các vị, sau các vị cháu vẫn ở trên này! – Cháu muốn rút lui à! Cụ Bá tước hét lớn. – Không phải, cháu đề kháng. Vị Nam tước trả lời. Ursula, trong số những người đã xuống đầu tiên, đang bận bịu cùng hai cô em chất hành lý lên cỗ xe ngựa, vội chạy về phía gốc cây: – Vậy thì em ở lại với anh! Cô chạy tới chân cái thang. Bốn hay năm người chặn cô lại, kéo cô ra khỏi chỗ đó, và lấy chiếc thang đi. 48 – Adios Ursula, chúc em hạnh phúc! Cosimo nói, mấy người đó lôi cô lên cỗ xe, và cỗ xe lăn bánh. Một tràng sủa tưng bừng nổi lên. Chú chó con Massimo GiỏiGiắn – suốt khoảng thời gian chủ nó ở lại ÔLiuSà luôn lộ vẻ gừ gừ bất mãn, có lẽ càng thêm chua chát vì phải liên tục cãi cọ với những con mèo của các gia đình Tây Ban Nha – bây giờ dường như phơi phới trở lại. Nó lao vào đuổi bắt, song như để vui đùa, vài con mèo còn lại, bị chủ bỏ quên trên cây, chúng xù lông, phì phò đối đầu với nó. Đoàn người lưu vong lên đường, người trên lưng ngựa, người trong cỗ xe, người trên hòm xe. Chỉ còn anh tôi ở lại trên cây cối của thị trấn ÔLiuSà. Trên những cành nhánh, đây đó còn vướng lại vài cụm lông, vài dải ruy băng, vài miếng viền ren lay động trong gió; và một chiếc găng tay, một chiếc dù chắn nắng có tua, một chiếc quạt, một chiếc giày ủng gót lắp răng cưa.
- XIX Một mùa hè chan hòa ánh trăng, ếch nhái kêu ồm ộp, chim mai hoa hót líu lo. Ở xứ BóngRâm, người ta lại trông thấy Nam tước. Dường như anh đang nổi cơn hiếu động chim chóc: nhảy từ cành này sang cành khác, lăng xăng, dễ động lòng, không nên tích sự. Chẳng mấy chốc thì bắt đầu lan truyền tiếng đồn về một cô nàng Checchina nào đó, ở dưới thung lũng, có lẽ là người tình của anh. Người ta biết chắc cô đang sống trong một ngôi nhà biệt lập với một bà dì bị điếc, và cái cành cây ôliu vươn ngang gần cửa sổ. Dân chúng lân la trên quảng trường bàn cãi với nhau về sự thể chuyện đó có thật hay không. – Tôi đã trông thấy họ, nàng thì bên khung cửa sổ, còn chàng thì trên cành. Chàng vung vẩy cánh tay như một con dơi, và nàng cười! – Tới đúng giờ thì chàng phóng. – Thôi đi bác ơi: chàng đã thề là suốt đời chàng, sẽ không có chuyện từ trên cây phóng xuống – Này, này nhé, chàng đã đề ra nguyên tắc thì ắt cũng có thể đề ra biệt lệ – Ê, ê, nếu ta lại bắt đầu với biệt lệ – Không phải, nghe tôi đây: chính nàng đã từ khung cửa sổ nhót lên cành ôliu đấy! – Rồi họ phải làm sao? Chắc là chẳng thoải mái tí nào – Tôi thì tôi bảo họ chưa bao giờ sờ tay nhau. Đúng, chàng tán tỉnh nàng, hoặc nàng lẳng lơ với chàng. Song chàng ở lại trên đó mà không xuống Có, không, chàng, nàng, khung cửa sổ, cú phóng, cành cây thiên hạ bàn cãi không dứt. Lúc này, các vị hôn phu, các quý ông chồng hẳn sẽ nổi sùng khi người yêu hoặc ý trung nhân của mình ngước mắt nhìn lên các ngọn cây. Còn các quý bà, phần mình, vừa gặp nhau, là lập tức “ríu rít” với nhau, thế họ ríu rít về ai vậy? Về anh. Dù Checchina hay không Checchina, anh tôi đã trổ tài của mình mà không bao giờ rời chân khỏi các ngọn cây. Có lần, tôi gặp anh thoăn thoắt trên cành, trên lưng quàng một tấm nệm, thoải mái y như khi đeo: súng, giây, rìu, túi dết, bi đông, sừng thuốc súng. Nàng Dorotea, một kỹ nữ, đã tâm sự với tôi rằng, nàng đã gặp anh, bằng sự chủ động của mình, không phải vì kiếm tiền, mà để có một ý tưởng. – Thế em đã có được ý tưởng gì nào? – Ố ồ, em hài lòng Một cô nàng khác, tên Zobeida, kể với tôi rằng, nàng đã nằm mơ về “người đàn ông leo trèo” (nàng gọi anh như thế); giấc mơ chứa nhiều thông
- tin và tỉ mỉ đến mức tôi tin rằng nàng đã thực sự sống qua như thế. Tất nhiên, tôi không biết diễn biến của các câu chuyện này ra sao, song ắt Cosimo có một sức quyến rũ nào đó đối với phụ nữ. Từ khoảng thời gian sống trong cộng đồng người Tây Ban Nha, anh đã bắt đầu để ý chăm sóc diện mạo của mình hơn; anh không dạo chơi mà trên người quấn đầy lông đầy lá như một con gấu. Anh mang vớ, mặc áo chẽn, đội mũ nồi kiểu Ăng lê; anh cạo râu và chải tóc. Thật vậy, giờ đây, nhìn vào cách ăn mặc của anh, người ta có thể đoan chắc anh sẽ đi săn hoặc đi đến một cuộc hẹn hò yêu đương. Bây giờ tới câu chuyện về một bà quý tộc, xin được giấu tên (các cô con gái và các đứa cháu của bà ta hiện vẫn còn sống, họ có thể bị xúc phạm, tuy nhiên thời đó thiên hạ xì xào hoài). Bà ta luôn di chuyển trong một cỗ xe, một mình, với lão đánh xe ngựa trên ghế lái; và cho chạy ngang một khúc đường rừng trên con lộ chính. Tới một điểm bà bảo lão đánh xe ngựa: – Giovita, nấm mọc đầy trong rừng. Này, lão hãy nhặt đầy cái thúng này rồi trở về nhé. Và đưa cho lão một cái thúng. Ông lão đáng thương, mang căn bệnh thấp khớp, trèo từ trên băng lái xuống, vác cái thúng trên lưng, bước ra khỏi con đường, chui vào đám bụi cây dương xỉ đẫm sương; lão lần bước, dọ dẫm, giữa rừng sồi, khom người lục lạo dưới mỗi chiếc lá, mong tìm ra một đầu nấm xép, hoặc môt đầu nấm trứng. Trong lúc đó, bà quý tộc đã biến mất khỏi buồng xe, như thể bị bắt cóc lên bầu trời, giữa những tán lá dày đặc phủ ngang con đường. Thiên hạ không biết gì hơn, trừ sự thể là nhiều lần, ai tình cờ đi qua chỗ đó thì sẽ trông thấy cỗ xe ngựa, cửa đóng, không có ai, nằm giữa rừng xanh. Sau đó, đây rồi, bà quý tộc, một cách bí ẩn y như khi bà ta biến mất, đang ngồi trong xe, nhìn quanh tỏ vẻ đứ đừ đừ. Lão Giovita quay trở lại, ướt đẫm, với ít nấm rột rạo dưới đáy thúng, và họ lại lên đường. Rất nhiều các câu chuyện loại này được đem ra kể, đặc biệt tại nhà của các quý bà ở Genova. Họ tổ chức những buổi họp mặt dành cho các anh chàng giàu có (thời độc thân, tôi cũng thường lui tới), và thế là, hẳn là có năm bà nảy ra ý định đi thăm nhà Nam tước. Thật vậy, người ta kể về một cây sồi, mà hiện nay vẫn còn được gọi là Cây Sồi Năm Con Sẻ Mái, và chúng tôi, những người già, thì biết nó muốn nói gì. Một người buôn nho, tên là Gè, được coi là tác giả của câu chuyện này. Đó là một ngày nắng đẹp, lão Gè đang đi săn trong rừng; tới cái cây sồi đó thì lão thấy gì nhỉ? Cosimo đã mời cả năm bà lên cây, người chỗ này, người chỗ kia, họ đang hưởng tiết trời ấm áp, tất cả đều khoả thân, tay cầm những chiếc dù nho nhỏ che nắng, vị Nam tước thì ngồi giữa, đang đọc những vần thơ bằng tiếng La tinh, lão 49 Gè không biết là thơ của Ovid, hay là của Lucretius . Rất nhiều câu chuyện về anh, và điều gì có thật trong đó thì tôi không biết.
- Hồi ấy, anh rất kín đáo và mắc cỡ về các câu chuyện này; trái lại, về già thì anh kể và kể, hơi bị nhiều; mặt khác, các câu chuyện này không phải từ trên trời rơi xuống, hay từ dưới đất nhặt lên, cũng chẳng phải do anh sưu tập ra. Một thực tế là, khi có cô gái nào đó bụng ngày càng to, mà người ta không biết ai là khổ chủ, thì cứ nhất cử lưỡng tiện, đó chính là anh. Có lần, một cô gái kể lại rằng, cô đang nhặt ôliu thì thấy người mình được nhấc bổng lên bởi hai cánh tay dài như của một con khỉ Sau đó không lâu thì cô sinh hạ một cặp sinh đôi. Ở BóngRâm, có đông đúc các đứa con như thế của Nam tước, thật hay giả, không ai biết. Bây giờ một số đứa đã lớn, và đúng là trông giông giống anh: song cũng có thể đó là do sức khơi gợi, vì các phụ nữ đang mang thai khi nhìn thấy Cosimo phóng vun vút từ cành này sang cành khác, đôi lúc họ có ấn tượng mạnh. Phần tôi, nói chung, tôi không tin vào các câu chuyện thuật lại để giải thích vụ sinh con đẻ cái. Tôi không biết anh đã quen nhiều phụ nữ như người ta kể hay không, song chắc chắn rằng, những người mà anh thực sự đã quen, thì thích giữ yên lặng. Thế rồi, nếu anh có nhiều phụ nữ theo đuổi, thì không thể giải thích là có những đêm sáng trăng, anh lang thang như một con mèo, trên cây sung, cây lựu quanh các ngôi nhà, trong khu vực vườn cây ăn trái, nằm trên vành đai nhìn xuống thị trấn BóngRâm; anh than vãn, buông ra những cú thở dài, ngáp lên ngáp xuống, lầm bầm, mà anh càng tìm cách chế ngự, càng tìm cách biến thành các biểu lộ có thể chịu thấu, bình thường, thì chúng lại càng thoát ra cổ họng như những tiếng tru hoặc những tiếng gầm gừ. Và dân chúng BóngRâm, giật mình thức giấc, biết là anh, không hề sợ, xoay người trong mền, bảo nhau: – Ngài Nam tước đang đi kiếm mối. Hy vọng ông ta tìm được, để chúng mình yên giấc. Đôi khi, có cụ già, trong những người bị chứng mất ngủ, khi nghe thấy một tiếng động là sẵn sàng lần ra cửa sổ, nhìn ra ngoài vườn, trông thấy bóng anh lẫn với bóng cành lá cây sung, ngả xuống đất dưới ánh trăng. – Này tướng công, ngài không được ngon giấc đêm nay à? – Đúng vậy, càng trở người thì tôi càng tỉnh như sáo. Cosimo nói, như thể anh đang nói từ trên giường ngủ, mặt vùi sâu trong gối, nằm chờ cảm giác hai mí mắt díu lại, trong lúc thật ra anh đang đeo lơ lửng như một người làm xiếc. – Tôi không hiểu tối nay mình có chuyện gì, cái nóng, sự bực bội: có lẽ thời tiết sắp thay đổi, cụ không cảm thấy thế à? – À, có chứ, có chứ song tôi đã già, Tướng công ạ. Trong lúc ngài thì khí huyết chạy rần rần – Ừ thì, rần rần rần rần – Vậy là, ngài Nam tước ạ! ngài thử rần rần quá về phía kia một chút
- được không, khúc xóm này không giúp ngài khuây khỏa được đâu: chỉ có các gia đình sáng sớm phải thức dậy, và bây giờ thì họ muốn ngủ Cosimo không trả lời, vạch lá biến sang vườn khác. Anh luôn biết giữ đúng giới hạn; vả lại, dân chúng BóngRâm cũng luôn biết bỏ qua những kiểu thất thường này của anh; một phần, dù sao anh cũng vẫn là ngài Nam tước, phần khác, anh lại là một ngài Nam tước chẳng giống ngài Nam tước nào cả. Một số lần, những tiếng gọi hoang dã thoát ra từ lồng ngực anh, tìm được những khung cửa sổ khác, tò mò ngóng nghe hơn. Chỉ cần cái dấu hiệu của một ánh nến thắp lên, của một tiếng cười khúc khích êm như nhung, của những lời người nữ, giữa ánh sáng và bóng tối, dù không đủ âm lượng để anh hiểu ra, song chắc chắn chúng là những lời giễu cợt, nhại lại anh, hoặc làm bộ gọi anh; thì với kẻ con rơi phóng nhảy trên cành như một con ma sói, đã là chuyện nghiêm chỉnh, đã là tương tư. Và bây giờ, một cô nàng thuộc hàng táo tợn nhất, xuất hiện trước cửa sổ, như để xem có chuyện gì xảy ra, người còn mang hơi ấm trên giường ngủ, để lộ bộ ngực trần, tóc xõa, nụ cười trắng tươi giữa làn môi dày. Cuộc đối thoại bắt đầu: – Ai đó? Một chú mèo à? Và anh: – Không, là người, là một người đàn ông. – Một người meo meo à? – Ơ, anh này thở dài đấy. – Sao vậy? Ông anh thiếu thốn chi rứa? – Anh này thiếu cái mà cô có đấy. – Cái chi? – Lên đây đi, anh này nói cho Chưa bao giờ anh bị cánh đàn ông đối xử lỗ mãng hoặc trả thù, những dấu hiệu, theo tôi, cho thấy anh không phải là cái mối đe dọa dễ sợ đó. Chỉ có một lần, một cách bí ẩn, anh bị thương. Tin tức được lan truyền vào một buổi sáng. Vị thầy thuốc của thị trấn BóngRâm phải leo lên cây hồ đào nơi anh đang rên rỉ. Một bắp chân của anh đã lãnh đủ những viên bi li ti từ một khẩu súng bắn chim sẻ: cần phải gắp chúng ra, từng viên một, bằng một cái kẹp. Anh đau đớn, song nhanh chóng lành lặn. Người ta không bao giờ biết rõ chuyện đã xảy ra thế nào: anh thì bảo rằng anh bất ngờ bị lãnh đạn trong lúc vượt qua một cành cây. Dưỡng bệnh, không nhúc nhích trên cây hồ đào, anh miệt mài trong những môn học gay go nhất. Cũng trong khoảng thời gian đó, anh bắt đầu viết bản Dự thảo Hiến pháp dành cho một Nhà nước Lý tưởng đặt nền tảng trên Cây cối, trong đó anh miêu tả nước Cộng hòa Cây xanh, nơi sinh sống của những người công chính. Anh khởi đầu như một chuyên luận về luật pháp, và về chính quyền, song trong lúc viết, xu hướng người sáng tác các
- câu chuyện phức tạp đã lấn lướt, thế là một tạp văn về những chuyến phiêu lưu, những trận giao đấu, những câu chuyện gợi tình đã ra đời, và phần này được lồng chung trong chương Quyền Hôn nhân. Lời bạt của tác phẩm hẳn phải là thế này: tác giả, sau khi đã sáng lập ra Nhà nước Hoàn hảo trên các đỉnh cây, và đã thuyết phục được toàn thể nhân loại lên định cư trên đó để sống hạnh phúc, thì xuống dưới đất ở, nay đã hoàn toàn hoang vắng. Hẳn tác phẩm sẽ là như vậy, song nó bị bỏ giở. Khi gửi một bản tóm lược đến Diderot, anh đơn giản kí: Cosimo xứ Rondo, độc giả Bách khoa Toàn thư. Diderot gửi vài lời cảm ơn trong một tấm thiệp nhỏ.
- XX Về thời kỳ đó, tôi không thể nói nhiều, bởi nó trùng với chuyến du hành Âu châu đầu tiên của tôi. Tôi đã hai mươi mốt tuổi, tôi có thể hưởng thụ gia sản để lại theo cách mình thích nhất, bởi anh tôi không cần gì nhiều, và mẹ tôi cũng không đòi hỏi gì hơn; tội cho mẹ, bà đã già đi nhiều trong thời gian gần đây. Anh tôi muốn ký một chứng thư để tôi là người được hưởng quyền hoa lợi từ toàn bộ gia sản, chỉ cần tôi chuyển cho anh một số tiền hàng tháng, trả hộ anh thuế má, và thu xếp hộ anh một ít công việc. Không có cách nào khác là tôi phải đảm nhận việc quản lý các bất động sản, chọn một cô dâu, và thế là đã thấy trước một cuộc đời được quy định, êm thắm, mà dù cho các náo động dữ dội trong buổi chuyển giao thế kỷ, tôi đã có thể thực sự sống qua. Tuy nhiên, trước khi vào việc, tôi tự thưởng cho mình một khoảng thời gian đi du lịch. Tôi cũng đã ghé Paris, đúng lúc để chứng kiến sự tiếp đón vẻ vang dành cho chuyến trở lại của Voltaire sau nhiều năm để thể hiện một vở kịch của ông. Song những điều ấy không phải là hồi ức của đời tôi, vốn chắc chắn không đáng để viết ra; tôi chỉ muốn đề cập rằng, trong suốt chuyến du hành này tôi đã hết sức ngạc nhiên trước cái tiếng tăm đã lan truyền về một người leo trèo ở xứ BóngRâm, ngay cả ở các nước ngoài. Thậm chí ở trong một cuốn niên giám, tôi đã gặp một hình vẽ với hàng chữ bên dưới: “Người hoang dã xứ BóngRâm (Cộng hòa Genova). Chỉ sống trên cây”. Họ tả anh ta như một sinh thể toàn bộ phủ lông tơ, với bộ râu dài, với cái đuôi, đang ăn một con châu chấu. Hình này nằm trong chương Quái vật, giữa Người lưỡng tính và Mỹ nhân ngư. Trước các kiểu tưởng tượng này, tôi thường rất thận trọng mà không tiết lộ anh tôi chính là người đàn ông hoang dã đó. Song tôi tôn xưng mạnh mẽ điều này khi được mời đến dự một buổi tiếp tân chào mừng Voltaire ở Paris. Lão triết gia lúc ấy đang ngồi trên một chiếc ghế bành, được một đạo quân các quý bà chiều chuộng, hết sức vui vẻ và tinh quái như một con nhím. Khi biết tôi đến từ BóngRâm, ông ồm ồm hỏi tôi: – C’est chez vous, mon cher Chevalier, qu’il y a ce fameux philosophe qui 50 vit sur les arbres comme un singe? Và tôi, hứng chí, không thể kềm được nữa, xổ ra luôn: 51 – C’est mon frère, Monsieur, Le Baron de Rondeau . Voltaire rất ngạc nhiên, có lẽ cũng vì ông em của nhân vật phi thường đó lại hiện ra hết sức bình thường, và ông bắt đầu nêu ra những câu hỏi, chẳng hạn: 52 – Mais c’est pour approcher du ciel, que votre frère reste là-haut?
- – Anh tôi nhận định rằng – tôi trả lời – ai muốn trông thấy rõ mặt đất thì phải giữ khoảng cách cần thiết. Voltaire rất thú vị với câu trả lời này. – Jadis, c’était seulement la Nature qui créait des phenoménes vivants – 53 và ông kết luận; - maintenant c’est la Raison Rồi lão hiền triết lại nhào vào cuộc tán chuyện huyên thuyên của các kẻ ái mộ ông một cách hữu thần. Không lâu sau đó, tôi phải bỏ giở chuyến du hành để trở lại BóngRâm, một tin khẩn cấp gọi tôi về. Bệnh suyễn của mẹ chúng tôi đột nhiên trở nặng, thật đáng thương, bà đã phải nằm liệt giường. Khi vào cổng, ngước mắt nhìn vào trang viên, tôi đã chắc là mình sẽ thấy Cosimo ở trên đó; thật vậy, anh đang bám trên một cành cao của cây dâu tằm, sát bên khung cửa sổ phòng mẹ. – Cosimo! Tôi gọi anh, giọng cố hãm lại. Anh gật gù ra điều bảo rằng, nói chung, mẹ đã đỡ mệt đôi chút, song bệnh tình thì vẫn nặng, chú hãy lên phòng mẹ ngay, nhớ là đi nhè nhẹ. Căn phòng lờ mờ. Mẹ nằm trên giường, ngả lưng trên một xấp gối đệm, trông mẹ có vẻ to lớn hơn mọi khi. Xung quanh mẹ có vài phụ nữ giúp việc. Chị Battista vẫn chưa về tới, bởi vị Bá tước, chồng chị, người phải đưa chị đi, nấn ná ở lại lo vụ mùa hái nho. Bóng tối của gian phòng làm nổi bật hình ảnh Cosimo bất động trên cành cây giữa khung cửa sổ để mở. Tôi cúi xuống hôn tay mẹ. Nhận ra tôi ngay, bà đặt một tay lên đầu tôi. – À! Biagio, con đã về Lúc cơn suyễn bớt thắt quặn lồng ngực, mẹ tôi có thể nói với một giọng nói yếu ớt, song rành mạch và rất tỉnh táo. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng mạnh cho tôi là tôi thấy mẹ ngỏ lời mà không cần phân biệt là với tôi hay với Cosimo: như thể anh cũng đang đứng cạnh giường. Còn Cosimo thì trả lời mẹ từ trên cây. – Cosimo, mẹ đã uống thuốc lâu chưa con? – Chưa mẹ ơi, mới được ít phút thôi, mẹ hãy ráng chờ, uống bây giờ không tốt đâu. Tới một lúc, mẹ nói: – Cosimo, con đưa cho mẹ miếng vỏ cam. Tôi cảm thấy lúng túng. Song lại càng kinh ngạc khi thấy Cosimo nhấc tay thò một cây sào móc đồ qua cửa sổ, anh gắp một miếng vỏ cam trên bệ rầm chìa, và để vào tay mẹ. Tôi để ý thì thấy là tất cả những việc nho nhỏ này, mẹ thích nhờ anh. – Cosimo, đưa cho mẹ chiếc khăn quàng. Và anh, bằng cây sào móc, mò tìm nó giữa các thứ đồ khác quăng trên
- chiếc ghế bành, gắp nó lên, đưa cho mẹ. – Đây, mẹ ơi. – Cám ơn, con của mẹ. Mẹ luôn nói với anh như anh đang ở cách mẹ nửa bước, song tôi nhận ra là mẹ không bao giờ nhờ anh làm điều gì đó mà anh không thể vươn tới từ trên cây. Trong trường hợp đó, mẹ luôn nhờ tôi hoặc các bà giúp việc. Đêm đó, mẹ không chợp mắt. Cosimo ngồi trên cây trông chừng, cây đèn xách nhỏ treo trên cành, để mẹ có thể trông thấy anh trong bóng đêm. Tảng sáng là lúc cơn suyễn hành mẹ dữ dội nhất. Phương thuốc duy nhất là giúp mẹ khuây khỏa, Cosimo thổi cho mẹ nghe một số bài hát ngắn bằng cây sáo sậy, hoặc nhại tiếng chim hót, hoặc bắt những con bướm và thả chúng bay vào phòng, hoặc rải những tràng hoa đậu tía. Một ngày nắng đẹp. Trên cây, Cosimo, tay cầm cái bát, ngồi thổi bong bóng xà phòng bay vào khung cửa sổ, về phía giường người bệnh. Mẹ nhìn thấy các sắc màu óng ánh tung tăng len xen bay vào phòng, bà nói: – Ồ! Con chơi trò gì vậy con! Tưởng như hồi còn bé khi bà đã luôn chê các trò chơi của chúng tôi là phù phiếm và con nít; song không phải, bây giờ, có lẽ lần đầu tiên, bà cảm thấy thích thú với một trò chơi của chúng tôi. Những bong bóng xà phòng bay tới mặt mẹ, mẹ thổi vỡ chúng, và mỉm cười. Một quả bay tới tận trên môi mẹ, nó vẫn nằm nguyên. Chúng tôi cúi xuống mẹ. Cái bát trên tay Cosimo rơi xuống. Mẹ đã qua đời. Sớm hay muộn, tin buồn rồi sẽ được tiếp nối bởi tin vui, đó là quy luật cuộc sống. Một năm sau khi mẹ chúng tôi mất, tôi đính hôn với một cô con gái của một gia đình quý tộc vùng lân cận. Tôi đã phải viện đến mọi lời hay ý đẹp để thuyết phục cô dâu về sống ở BóngRâm: nàng ngại anh tôi. Cái ý nghĩ là có một người đàn ông động đậy giữa cành lá, theo dõi mọi động tác của mình qua khung cửa sổ, bất thần hiện ra vào những lúc ít chờ ít đợi nhất, khiến nàng ớn lạnh, cũng vì nàng chưa bao giờ gặp anh, và nghĩ rằng, anh giống người Da đỏ. Để nàng trút đi nỗi sợ này trong đầu, tôi cho sửa soạn một bữa ăn ngoài trời, dưới những ngọn cây, Cosimo cũng được mời tới. Anh ăn ở bên trên chúng tôi, trên một cây sồi, các đĩa ăn được để trên một cái giá đỡ nhỏ; phải nói rằng, dù đã từ lâu không còn quen với các bữa ăn trong xã hội, anh tôi đã xử sự rất tốt. Ý trung nhân của tôi có phần yên dạ, nàng nhận ra rằng, dù ở trên cây, song anh tôi cũng giống như những người đàn ông khác; tuy vậy, trong nàng vẫn còn một nỗi nghi ngại không sao khỏa lấp. Ngay cả khi đã cưới nhau, chúng tôi về định cư ở BóngRâm, nàng không những hết sức tránh không nói chuyện, mà còn không muốn trông thấy ông anh rể, dù rằng anh, thật tội nghiệp, đôi lúc mang lại cho nàng những bó hoa hoặc những bộ da thú có giá trị. Khi chúng tôi có con, và chúng ngày một
- lớn, thì nàng đâm ra nghĩ rằng, sự gần gũi cái ông bác này có thể để lại một ảnh hưởng tiêu cực trên sự giáo dục chúng. Nàng chỉ hết rầu rĩ khi chúng tôi cho sửa sang lại tòa lâu đài, đã từ lâu bỏ trống, trong thái ấp cũ của chúng tôi ở Rondo, thế là chúng tôi ở đó nhiều hơn ở BóngRâm, để các đứa trẻ không bị noi gương xấu. Ngay cả Cosimo cũng bắt đầu cảm thấy thời gian đang trôi qua, và dấu hiệu, chính là hình ảnh chú chó con Massimo GiỏiGiắn đang già đi, nó không còn muốn nhập vào các đoàn chó săn mà đuổi theo các con cáo, cũng chẳng mưu toan những cuộc tình ngớ ngẩn nhất, với một nàng chó Đan Mạch, hoặc với một cô chó lớn tai cụp. Nó luôn ngồi xổm, như thể vì cái khoảng cách đã quá sát rạt giữa bụng và mặt đất không còn đáng để cho nó đứng nữa. Nó nằm dài, duỗi người ra từ đuôi đến mõm, dưới gốc cây nơi Cosimo đang ở trên đó, ngước cái ánh mắt mệt mỏi nhìn ông chủ, đuôi vẫy nhè nhẹ. Cosimo đang trở nên bất bình: cái cảm giác trôi qua của thời gian truyền đạt trong anh một sự không thỏa mãn về đời mình, về cái sự lên và xuống lúc nào cũng quanh đi quẩn lại dăm ba cây cọc đó. Chẳng gì mang lại cho anh một sự hài lòng toàn vẹn nữa: đi săn cũng không, giải tỏa tình ái cũng không, sách vở cũng không. Chính anh cũng không biết mình muốn gì nữa: đắm chìm trong những cơn phát tiết, anh leo trèo nhanh như cắt trên những đỉnh cây mềm và mỏng mảnh nhất, như thể đi tìm những ngọn cây mọc trên đỉnh những ngọn cây để mà trèo luôn lên trên đó. Một hôm, Massimo GiỏiGiắn không yên. Hình như có ngọn gió xuân thổi về. Nó ngước mõm, hít hít, lại hạ mõm xuống. Hai ba lần nó đứng dậy, đi qua đi lại, rồi lại nằm xuống. Thình lình, nó đứng dậy, chạy đi. Giờ thì nó nhẩn nha chạy nước kiệu, thỉnh thoảng dừng lại lấy hơi. Cosimo chuyền theo. Massimo GiỏiGiắn chạy vào rừng. Dường như theo một hướng rất chính xác đã có trong đầu, bởi vì, dù đôi lúc dừng lại chổng chân tiểu, lè lưỡi nghỉ xả ngơi, và nhìn người chủ, nó vẫn mau chóng giũ lại người, tiếp tục lên đường không chút do dự. Nó chạy vào những khu vực Cosimo ít khi lui tới, thật vậy, hầu như anh chưa bao giờ tới, vì đó là vào trong lãnh địa săn bắn của Công tước Tolemaico. Vị Công tước già lụ khụ này chắc chắn từ đời thuở nào đã không đi săn, song không kẻ đi săn lậu nào có thể bén mảng tới cái lãnh địa của ông ta, bởi trong đó có rất nhiều viên đội bắt săn trộm và luôn luôn được canh chừng; Cosimo đã từng có có kinh nghiệm, anh tránh xa. Lúc này, Massimo GiỏiGiắn và Cosimo đang xâm nhập vào lãnh địa săn bắn của Công tước Tolemaico, song cả nó lẫn anh đều không nghĩ đến chuyện sục sạo các con mồi quý giá: chú chó con thì chạy nước kiệu theo tiếng gọi thầm kín của nó, còn vị Nam tước thì tràn ngập sự tò mò sốt ruột trong việc khám phá ra chú chó con của mình chạy về nơi đâu. Nó chạy như thế cho tới cuối khu rừng, nơi có một cánh đồng cỏ. Hai con
- sư tử đá ngồi trên cột bám giữ một huy hiệu. Quá sang bên đó có lẽ bắt đầu một công viên, một ngôi vườn, một khu vực riêng biệt nhất trong lãnh địa của Công tước Tolemaico: song chỉ có hai con sư tử đá ấy, còn lại là đồng cỏ, một cánh đồng cỏ xanh là là mênh mông, chỉ thấy ranh giới đằng xa là một nền sồi đen xám. Bầu trời phía sau lờ lững làn mây mỏng. Không một tiếng chim hót. Với Cosimo, cánh đồng này là một cảnh tượng tràn ngập hoảng hốt. Vị Nam tước – luôn sống trong cái thế giới thực vật rậm dày ở Bóng Râm, chắc mẩm mình có thể chuyền tới được bất kỳ chỗ nào qua những tuyến đường của mình – chỉ cần đối diện với một khoảng trống trống trải, không thể chuyền qua, trần trụi dưới bầu trời, là cảm thấy chóng mặt. Massimo GiỏiGiắn, như thể trẻ lại, phóng mình vào cánh đồng cỏ, chạy hết tốc lực. Bám trên cây tần bì, Cosimo bắt đầu huýt sáo gọi nó: – Quay lại đây! Massimo GiỏiGiắn! Mày chạy đi đâu thế? Song chú chó con không vâng lời, cũng chẳng ngoái đầu lại: nó tiếp tục chạy, chạy trên cánh đồng cỏ, cho tới lúc anh chỉ còn thấy một dấu phẩy ở đằng xa, cái đuôi của nó, rồi dấu phẩy cũng biến mất. Trên cây tần bì, Cosimo xoa chặt nắm tay. Dù anh đã quen với những chuyến bỏ đi và vắng mặt của chú chó con, song bây giờ nó biến mất trong cái cánh đồng cỏ không thể vượt qua. Sư bỏ chạy của nó nhập chung vào cái nỗi khắc khoải ít phút trước đó, và nạp đầy trong anh một niềm trông ngóng mơ hồ, điều gì đó ở bên kia cánh đồng cỏ. Đang quay cuồng với những ý nghĩ, thì anh nghe tiếng chân người đi dưới cây tần bì. Một viên đội canh săn trộm đang đi ngang, một tay đút túi quần, miệng huýt sáo. Nói thật, trông anh ta khá luộm thuộm và lơ đễnh để mà là một trong những viên đội canh săn trộm dữ tợn trong khu vực; thêm nữa, các phù hiệu đeo trên bộ đồng phục cũng thuộc đội quân của vị Công tước; Cosimo dán chặt người vào thân cây. Sau đó, ý nghĩ về chú chó con lại chế ngự; anh lên tiếng: – Này ông đội canh, ông có trông thấy một chú chó con không? Viên đội canh: – À! Thì ra ông! Tay thợ săn chân bay bổng với chú chó bụng sát rạt! Không, tôi không thấy! Thế sáng nay ông săn được gì quý nào? Cosimo đã nhận ra đây là một trong những kình địch hăng hái nhất của mình, anh nói: – Được gì đâu, chú chó con của tôi chạy đâu mất, tôi đang lần theo nó mà đến đây súng của tôi đã lên đạn sẵn Viên đội canh cười: – Ồ! Ông cứ việc lên đạn và tha hồ mà bắn! vì giờ thì – Giờ thì gì? – Giờ thì vị Công tước đã qua đời, ai mà còn quan tâm đến cái lãnh địa
- săn bắn này nữa. – Ơ! Vậy à, ông ta đã chết, thế mà tôi không biết. – Đã chôn cất được ba tháng nay. Rồi nổ ra cuộc cãi nhau giữa các người thừa kế: bà vợ cả, bà vợ bé, và bà mệnh phụ phu nhân trẻ mới cưới. – Ông ta có một bà vợ thứ ba à? – Làm đám cưới khi ông ta được tám mươi tuổi, một năm trước khi chầu trời, còn nàng thì hai mốt hoặc ít hơn. Tôi cho rằng đúng là chuyện điên khùng, một cô dâu không sống chung một ngày, chỉ bây giờ cô ta mới bắt đầu đi thăm viếng các tài sản của ông ta, và không thích. – Ông nói sao: cô ta không thích? – Ai mà biết được, cô ta về ở trong một dinh thự, hoặc một thái ấp, kéo theo cả một đoàn tùy tùng, vì luôn có cái đám cả quỷnh bám sau; sau vài ngày, cô thấy thứ gì cũng xấu, thứ gì cũng buồn, và cô lại đi. Thế là những người thừa kế khác nhảy ra, họ nhào vào chỗ đó, đòi quyền sở hữu. Và nàng thì: “à, vậy hả, cứ lấy phắt cái của nợ ấy đi!”. Bây giờ cô tới đây, đang ở trong gian tạ săn, nàng ở đây cho đến bao giờ à? Chẳng được bao lâu đâu. – Thế cái gian tạ săn ấy ở đâu? – Phía dưới kia, sau cánh đồng cỏ, bên kia rặng sồi. – Vậy là con chó của tôi đã chạy đến đó – Chắc nó đi tìm xương xin lỗi, tôi có cảm tưởng là Tướng công bỏ nó đói meo đói mốc đấy. Và viên đội canh săn trộm cười ha hả. Cosimo không trả lời, anh nhìn cánh đồng cỏ không thể vượt qua, chờ chú chó quay lại. Trọn cả một ngày nó vẫn chưa quay lại. Hôm sau, Cosimo lại ở trên cây tần bì, trầm ngâm nhìn cánh đồng cỏ, như thể anh bất lực trước cái nỗi hốt hoảng mà nó gây cho anh. Đến chiều, chú chó con xuất hiện, một chấm đen trên cánh đồng cỏ mà chỉ với cặp mắt sắc bén của Cosimo mới có thể nhận ra; nó đi tới, càng lúc càng hiện rõ. – Massimo GiỏiGiắn! Tới đây! Mày đã đi đâu? Chú chó dừng lại, vẫy đuôi, nhìn chủ nhân, sủa ăng ẳng, ra điều mời anh đi theo nó, song nó nhận ra rằng cái khoảng cách mà Cosimo không thể vượt qua, nó quay ngược lại, bước những bước ngập ngừng, và rồi, lại quay đi. – Massimo GiỏiGiắn! Tới đây! Massimo GiỏiGiắn! Song chú chó con vẫn chạy đi, khuất dạng về phía xa trên cánh đồng cỏ. Một lúc sau, hai viên đội canh đi ngang: – À, Tướng công vẫn ở trên đó chờ con chó à! Thế mà tôi thấy nó ở cái gian tạ săn, trong vòng tay chăm sóc tốt – Thế là thế nào? – Ông à, bà Hầu tước, hoặc bà Công tước mệnh phụ (chúng tôi gọi là bà
- Hầu tước bởi thời con gái bà ta là một nữ Hầu tước), vuốt vuốt ve ve nó, như thể đã có nó từ trước đến giờ. Tướng công ơi, cho phép tôi nói nhé, nó chỉ là một chú chó để bồng để ẵm mà thôi. Giờ thì tôi thấy nó là một cục cưng trong nhung lụa đấy, và nó sẽ ở lại đó Và hai viên đội canh rời bước, miệng cười toe toét. Massimo GiỏiGiắn không trở lại. Hết ngày này sang ngày khác, trên ngọn cây tần bì, Cosimo nhìn cánh đồng cỏ như thể ở nó anh có thể đọc ra điều gì đó day dứt trong lòng từ lâu nay: cái ý niệm về sự cách xa, về sự không thể vượt qua, về một sự trông đợi có thể kéo dài cả đời.
- XXI Một hôm, Cosimo ngồi trên cây tần bì quan sát. Mặt trời chói chang, một vạt nắng thả dài trên cánh đồng cỏ xanh sắc đậu Hà Lan giờ chuyển sang xanh sắc ngọc lục bảo. Xa xa dưới kia, trong cái sắc xám đen của rặng cây sồi, vài bụi lá chợt lay động, rồi một con ngựa xuất lộ. Một chàng kỵ sĩ trên yên, trang phục đen, áo khoác, không, đó là một chiếc váy. Một nữ, chứ không phải nam kỵ sĩ, đang nhịp nhàng giật cương, nàng có mái tóc vàng. Tim Cosimo bắt đầu đập mạnh, anh thầm hy vọng nữ kỵ sĩ ấy sẽ phóng lại gần mình tới mức mình có thể nhìn rõ mặt, và khuôn mặt ấy sẽ hé lộ là đẹp tuyệt trần. Nhưng bên cạnh sự mong chờ nàng phóng lại gần và nàng là một trang tuyệt sắc giai nhân, còn có một nhánh mong chờ thứ ba, đan xen với hai nhánh kia: ước muốn là vẻ đẹp mỗi lúc một sáng láng hơn ấy tương ứng với cái nhu cầu tái nhận một ấn tượng đã biết, song hầu như đã chìm trong quên lãng, một kỷ niệm chỉ còn lại một đường nét, một sắc màu; và anh muốn nó nổi trở lên toàn bộ phần còn lại, hoặc tốt hơn nữa, tìm lại được nó trong điều gì đó ở hiện tại. Trong tâm trạng ấy, anh sốt ruột muốn thấy nàng phi lại gần ven cánh đồng cỏ cạnh chỗ anh, nơi có hai cột trụ sư tử; song mong chờ đang trở nên thất vọng, anh nhận ra rằng nữ kỵ sĩ không cắt ngang cánh đồng thẳng tới hai con sư tử đá, mà lại cắt chéo, như thế nàng sẽ nhanh chóng lại biến mất vào rừng. Sắp khuất dạng, thì thình lình nàng quay ngựa, và bây giờ, nàng cắt cánh đồng cỏ theo một đường chéo khác, chắc chắn sẽ dẫn nàng lại gần anh hơn một chút, song cũng dẫn nàng biến mất về phía bên kia. Cùng lúc đó, Cosimo trông thấy, từ trong rừng, hai con ngựa nâu phóng ra cánh đồng cỏ, trên yên là hai chàng kỵ sĩ, thế thì phiền rồi, song anh tìm cách gạt phắt ý nghĩ đó đi; anh tự khẳng định, hai tay kỵ sĩ này là cái thá gì, chỉ cần nhìn xem cách họ đang phi sầm sập, về phía này, rồi phía kia, đằng sau nàng, chắc chắn không cần quan tâm đến họ làm chi, nhưng anh phải thừa nhận rằng, họ đã làm mình phiền lòng. Đây rồi, nàng kỵ sĩ, sắp biến mất khỏi cánh đồng cỏ, lại quay ngựa, song lần này thì về phía sau, rời xa Cosimo Không phải, giờ thì con ngựa xoay quanh chính nó, phi về phía anh, cú thao tác dường như cốt ý để hai chàng kỵ sĩ sầm sập kia bị mất phương hướng, thật vậy, hai chàng đang phóng ra xa và vẫn chưa biết là nàng đã đang phi theo hướng ngược lại. Giờ thì mọi chuyện đang thực sự diễn ra theo chiều hướng của anh: nữ kỵ sĩ phi nước đại dưới nắng trời, càng lúc càng kiều diễm, càng lúc càng tương ứng với niềm khao khát kỷ niệm của Cosimo; chỉ có một điều đáng ngại: cái
- tuyến phi hình chữ chi của nàng, không ai có thể đoán được ý định. Hai chàng kỵ sĩ cũng chẳng hiểu nàng đang phi về đâu, họ tìm cách bám theo cái tuyến biến hóa của nàng, để rốt cuộc, thực hiện rất nhiều đoạn đường vô ích, song luôn luôn với một lòng quyết tâm cao và đầy oai vệ. Đây rồi, trong lúc Cosimo đang mong chờ, thì người đàn bà trên lưng ngựa đã ở ven cánh đồng cỏ gần anh, đang đi ngang hai cây cột trụ sư tử, như thể được dựng lên để làm cổng chào danh dự cho nàng. Nàng ngoái người thực hiện một động tác như để giã biệt cánh đồng cỏ và mọi thứ bên kia, và phi về phía trước, băng ngang cây tần bì. Cosimo giờ đây đã nhìn thấy rõ khuôn mặt và dáng người ngồi thẳng trên yên ngựa của nàng; khuôn mặt của một người đàn bà kiêu kỳ, và cùng lúc, của một đứa trẻ; cái trán sung sướng được nằm trên cặp mắt, cặp mắt sung sướng được nằm trên gương mặt; khóe mũi vành môi gò má ngấn cổ, mỗi thứ của nàng sung sướng về mỗi thứ khác của nàng; toàn thể, toàn bộ, tất cả, gợi nhớ cái cô bé ngồi trên chiếc xích đu mà anh đã nhìn thấy ở tuổi mười hai trong ngày đầu tiên khi anh chuyển lên sống ở trên cây: tiểu thư Sofonisba Viola Violant nhà SóngVỗBờ. Sự phát hiện này, hay đúng ra, việc dẫn đến sự phát hiện này, từ giây phút đầu tiên chưa dám thú nhận cho tới thời điểm có thể công bố với chính mình, khiến toàn thân Cosimo như phát sốt. Anh muốn hô vang một lời triệu gọi để nàng ngước nhìn lên cây tần bì, và trông thấy mình, song từ cổ họng của anh chỉ phát ra được một vần điệu ục ục của một chú chim giẻ gà, thế là nàng không ngoảnh lại. Lúc này, con bạch mã đang cất vó giữa rặng cây dẻ, móng sắt giẫm lên các nùm hạt dẻ nằm rải rác trên mặt đất, bục mở chúng, phô ra lớp vỏ màu nước gỗ bóng loáng. Nàng kỵ sĩ thúc ngựa, một chút về hướng này, một chút về hướng kia; Cosimo lúc thì nghĩ nàng đã quá xa không thể bắt kịp, lúc thì phóng chuyền từ cây này sang cây kia, để rồi thình lình lại thấy nàng tái hiện giữa những khung phối cảnh của các thân cây; và cách thức di chuyển này, càng lúc càng thổi phừng ngọn lửa kỷ niệm cháy bỏng trong tâm trí của Nam tước. Anh muốn gửi tới nàng một tiếng kêu, một tín hiệu về sự hiện diện của mình, song từ cặp môi chỉ phát ra được điệu huýt của một chú gà gô, và nàng không để ý. Hai chàng kỵ sĩ phi theo, dường như càng kém hiểu về các ý định và các tuyến đường của nàng; họ tiếp tục lao về những hướng trật vuột, vướng vào các bụi gai, hoặc sa vào những vũng nước lầy, trong lúc nàng vùn vụt an toàn và thấp thoáng. Thỉnh thoảng nàng còn buông ra những kiểu mệnh lệnh, hoặc những lời khuyến khích cho các chàng kỵ sĩ bằng cách vung cao cánh tay với chiếc roi ngựa, hoặc bứt một quả minh quyết rồi lia lên không trung, như thể muốn bảo rằng hãy phi đến chỗ ấy. Ngay lập tức hai chàng kỵ sĩ lao về hướng đó mà phi nước đại, vượt qua các triền cỏ sườn đồi, song nàng lại
- quay về hướng khác, và không còn nhìn họ nữa. “Đúng là nàng! Quả là nàng!”, Cosimo nghĩ, lửa hy vọng càng hừng hực, anh muốn hét vang tên nàng, song từ cửa miệng chỉ thoát ra được một vần điệu dài và buồn như thể âm điệu của một chú chim choi choi. Lúc này, toàn bộ các cú vờn qua vờn lại, các cú đánh lừa hai chàng kỵ sĩ, và các trò đùa, hẳn đã được bày ra xung quanh một cách thức, dù không theo quy tắc nào và chập chờn, song không thể loại trừ một chủ ý. Trong lúc tìm cách đoán ra chủ ý này và không còn dựa vào một chiến công bất khả là bám theo nàng, Cosimo tự nhủ: “Ta sẽ tới một nơi mà nếu nàng đúng là Nàng thì nàng sẽ tới”. Và anh phóng chuyền theo các ngả đường của mình, về hướng ngôi vườn bỏ hoang của gia đình nhà SóngVỗBờ. Dưới cái bóng mát ấy, trong cái bầu không khí tràn ngập hương hoa ấy, tại cái nơi lá và cây mang một sắc màu và một thực chất khác, lòng anh chan hòa kỷ niệm với cô bé đến mức hầu như anh quên mất nàng kỵ sĩ; hoặc nếu không quên, anh sẽ tự bảo: dù không phải là nàng, song niềm mong chờ và niềm hy vọng của mình giờ đây đã thật đến mức hầu như nàng đang ở đây. Anh nghe thấy tiếng động. Tiếng vó con bạch mã khua trên sỏi. Nó bước đi trong ngôi vườn, không còn khua vó nữa, như thể vì nàng kỵ sĩ muốn nhìn lại và nhận ra mỗi sự vật một cách tỉ mỉ. Hai chàng kỵ sĩ ngốc nghếch thì biệt tăm biệt tích, hẳn là nàng đã xóa hết dấu vết của mình. Anh nhìn nàng: đang thơ thẩn quanh bồn nước, gian nhà cảnh, cái vò. Nàng ngắm cây cối đã trở nên kếch sù, buông các sợi rễ treo trên không, rặng cây mộc lan nay là cả một đám rừng. Song nàng không nhìn thấy anh, kẻ đang tìm cách gọi nàng bằng một tiếng gù của một con chim đầu rìu, bằng thủ pháp láy rền của con chim sẻ đồng, bằng những âm thanh vốn bị lẫn vào trong cái mạng chíu chít dày đặc của chim chóc trong vườn. Nàng đã rời khỏi yên ngựa, xuống đi bộ, cầm cương dắt ngựa theo sau. Tới trang viên, để lại con ngựa, bước qua mái cổng. Buông ra tiếng la: – Ortensia! Gaetano! Tarquinio! Chỗ này cần phải quét vôi mới, sơn lại cánh cửa chớp, treo thảm! Và tôi muốn cái bàn kê vào chỗ này, cái rầm chìa ở chỗ kia, và cây đàn xpinet thì nằm giữa. Còn các bức tranh thì phải đem đi thay hết. Cosimo nhận ra rằng, ngôi nhà này, nếu nhìn lơ đễnh, dường như vẫn cửa đóng then cài, và bỏ trống như mọi khi, thật ra lúc này đã mở toang, đông đảo người giúp việc; họ đang chùi rửa, sắp xếp, mở cửa cho thông thoáng, khiêng xịch đồ đạc vào chỗ, giũ đập các tấm thảm. Vậy là, Viola đã trở lại, Viola về định cư ở BóngRâm, nhận lại cái trang viên mà nàng rời xa từ bé! Tim đập rộn rã trong lồng ngực, song Cosimo thấy nó không khác lắm so với cái đập của nỗi sợ, bởi việc nàng trở lại, việc thấy nàng hiển hiện trước mắt cùng với cái sự chợt nắng chợt mưa và kiêu sa ấy, có thể có nghĩa là mình sẽ không bao giờ có nàng nữa, không trong kỷ niệm, không trong cái hương
- thơm bí ẩn của lá, cũng chẳng trong cái sắc màu của các tia nắng xuyên qua cây xanh; có thể có nghĩa là anh sẽ buộc phải xa lánh nàng, và thế là xa lánh cả cái ký ức ban đầu về nàng khi còn bé. Trong một kiểu nhịp tim đập luân phiên như thế, Cosimo nhìn nàng hoạt bát giữa những người giúp việc, bảo họ khuân ghế tràng kỷ, đàn clavico, rầm chìa; rồi nàng vội vã băng qua vườn, leo lên yên ngựa, theo sau là cả một đoàn người chờ lệnh mới; giờ thì nàng hướng về những người làm vườn, bảo họ cách thức xới trồng lại các luống hoa bỏ hoang, trải lại sỏi bị mưa cuốn đi trên các lối đi, đặt lại những chiếc ghế liễu gai, chiếc xích đu Về chiếc xích đu, qua các động tác bao quát, nàng chỉ vào cái cành cây nơi khi xưa chiếc xích đu được máng lên, nàng lường ra độ dài của các sợi dây treo, độ rộng của vòng tung, tiếp tục nói, giờ thì động tác và cái nhìn của nàng đã chuyển tới tận cái ngọn cây mộc lan nơi Cosimo xuất hiện khi xưa, và đây rồi, nàng nhìn thấy anh. Nàng sửng sốt. Cực kỳ. Biết nói thế nào. Tất nhiên, nàng trấn tĩnh ngay lập tức, rồi tỏ vẻ thản nhiên, như phong thái thường lệ của mình, song ngay tại cái giây phút đó nàng đã hết sức ngạc nhiên, và: cặp mắt, khóe miệng, chiếc răng có từ hồi bé, cùng nở nụ cười. – Anh! Sau đó, dù cố gắng giữ một giọng nói tự nhiên song nàng đã không giấu đi được sự thể là mối quan tâm của mình đã được thỏa lòng. – A! thế là anh đã ở lại đây từ hồi đó đến giờ mà chưa xuống? Cosimo thành công trong việc biến đổi cái âm điệu mà anh muốn phát ra như tiếng kêu của một con chim sẻ, thành: – Đúng vậy, anh đây, Viola, em có nhớ không? – Chưa bao giờ, thật sự là chưa bao giờ anh đặt chân xuống đất? – Không bao giờ. Và nàng, như thể mình đã nhượng bộ quá nhiều: – A, thấy chưa, anh đã thực hiện được, vậy là nó đâu có đến nỗi gian nan – Anh đã chờ em về – Tuyệt vời. Này, các bác đang vác cái lều đó đi đâu vậy? Hãy để lại cả đây, để tôi xem! Nàng quay lại nhìn anh. Cosimo buổi hôm đó ăn mặc để đi săn: áo lông vũ, mũ bê rê da mèo rừng, súng săn. – Trông anh như Robinson! – Em đã đọc rồi à? Ngay lập tức anh hỏi, để cho thấy mình là người cập nhật. Viola đã quay đi: – Gaetano! Ampelio! Lá khô! Chỗ này đầy lá khô! Và lại quay lại phía anh:
- – Khoảng một giờ nữa, ở cuối vườn. Hãy đợi em ở đó. Và nàng chạy đi ra lệnh, trên lưng ngựa. Cosimo quăng mình vào cây xanh dày rậm: hẳn anh muốn nó ngàn lần dày rậm hơn, hàng hàng lớp lớp cành, lá, gai, đọt kim, lùm đuôi chồn, để anh xông pha và đắm mình trong đó, và chỉ sau khi đã hoàn toàn được vùi lấp, thì anh mới bắt đầu hiểu ra là mình đang sung sướng hay đang điên cuồng vì sợ. Trên ngọn cây to cao ở cuối vườn, hai đầu gối kẹp chặt vào cành, anh nhìn giờ trên chiếc đồng hồ củ hành của cụ cố ngoại tướng von Kurtewitz, rồi tự bảo: nàng sẽ không tới. Song nàng Viola đã tới, gần đúng như giờ hẹn, trên lưng ngựa; nàng cho ngựa dừng lại dưới gốc cây mà không ngước nhìn lên trên; không còn đội mũ cũng như khoác áo nữ kỵ sĩ; chiếc áo cánh trắng viền đăng ten trên nền váy đen, hầu như theo kiểu nữ tu. Đứng lên trên bàn đạp ngựa, nàng chìa một tay cho anh ở trên cành; anh đỡ nàng; nàng đứng lên trên yên ngựa và leo lên, thế rồi vẫn chưa nhìn anh, nàng chuyền bám thật nhanh, tìm ra một chạng cây thoải mái, ngồi xuống. Cosimo, thu mình dưới chân nàng, chỉ có thể bắt đầu như vậy: – Em đã về? Viola nhìn anh, vẻ chế giễu. Tóc nàng vàng như thuở bé. – Sao anh biết? nàng nói. Cosimo, không hiểu câu nói đùa: – Anh nhìn thấy em trên cánh đồng cỏ trong lãnh địa của vị Công tước – Lãnh địa săn bắn ấy thuộc về em. Cỏ dại cứ tha hồ mà mọc! Anh biết hết? Về em, có phải thế không? – Không Chỉ bây giờ anh mới biết em là một góa phụ – Tất nhiên, em là một bà góa. Nàng đưa tay phủi chiếc váy đen, vuốt thẳng lại nó, bắt đầu nói một mạch: – Anh chưa bao giờ biết gì cả. Anh ở trên cây suốt ngày đánh hơi công chuyện người khác, thế mà chẳng biết gì. Em cưới lão Tolemaico vì bố mẹ em bắt em phải lấy lão, bắt buộc em đấy. Bố mẹ bảo rằng em lúc nào cũng thích được chiều chuộng, em không thể sống mà không có một tấm chồng bên cạnh. Một năm trời, em đã làm bà Công tước Tolemaico; đó là cái năm tẻ nhạt nhất trong đời em, dù em chỉ ở với lão không hơn một tuần lễ. Em sẽ không bao giờ đặt chân tới bất cứ tòa lâu đài, di tích, lều lán nào của họ, rắn rết cứ tha hồ mà tung hoành! Từ giờ trở đi em sẽ ở đây, nơi em ở hồi bé. Em sẽ ở đây cho tới khi em còn thích, tất nhiên, sau đó, em sẽ ra đi, em là góa bụa, em có thể làm mọi điều em muốn, tạ ơn trời. Em đã luôn làm những gì em thích, nói thật, ngay cả chuyện em lấy lão Tolemaico, em lấy lão vì nó thích hợp với em, sự thực không phải là bố mẹ bắt em lấy lão, bố mẹ muốn bằng bất cứ giá nào em cũng phải lấy chồng, thế là em chọn cái kẻ cầu hôn
- hom hem nhất có thể tìm ra. “Như thế em sẽ ở góa trước”, em tự nhủ, và thế là, bây giờ em ở đây. Cosimo ngây người ra trước loạt tin tức tới tấp và những lời khẳng định dứt khoát đó; và Viola chưa bao giờ xa cách đến thế: được chiều chuộng, góa bụa, và là bà Công tước, nàng trực thuộc một thế giới không thể với tới. Toàn bộ những gì anh biết nói ra, là: – Thế em được ai chiều chuộng nào? Và nàng: – Rồi. Anh ghen hả. Coi chừng đấy, anh không bao giờ được phép ghen đâu nhé. Cosimo có một cú thót người đúng là của một kẻ sừng sộ ghen tuông, song tức khắc anh nghĩ: “Thế là thế nào? Ghen à? Sao lại thú nhận là mình ghen? Sao nàng lại nói: ‘anh không bao giờ được phép’? Như thể nói rằng nàng nghĩ rằng chúng ta ” Ngay sau đó, mặt đỏ bừng, xúc động, anh muốn nói với nàng, muốn hỏi nàng, muốn nghe nàng, thế mà chính nàng lại là người hỏi anh, cộc gọn: – Bây giờ, hãy nói với em: anh đã làm gì? – Ồ! Nhiều chuyện lắm – anh bắt đầu nói – anh đi săn, ngay cả lợn lòi, song đặc biệt là cáo, thỏ rừng, gà lôi, và tất nhiên, chim hét, chim sáo; sau đó là cướp biển, những tay cướp biển Thổ Nhĩ Kỳ tràn xuống, một trận giao tranh quyết liệt, ông chú anh bị giết; rồi anh đọc rất nhiều sách, cho anh và cho một người bạn của anh, một tay tướng cướp bị treo cổ; anh có toàn bộ bộ Bách khoa Toàn thư của Diderot, anh cũng viết cho ông một lá thư và ông đã viết trả lời anh từ Paris; anh đã làm nhiều công việc, anh đã chiết cành, anh đã cứu rừng khỏi những vụ cháy – Thế anh có luôn yêu em, một cách tuyệt đối, trên hết mọi điều, và biết làm bất cứ điều gì cho em không? Trước câu nói dò chừng của nàng, Cosimo, chuyếnh choáng, trả lời: – Có – Anh là một người đàn ông đã sống trên cây chỉ vì em, để học việc yêu em – Đúng Đúng – Hôn em đi. Ép người nàng vào thân cây, anh hôn nàng. Ngẩng mặt lên anh nhận ra nét đẹp của nàng mà anh chưa bao giờ từng thấy. – Em đẹp tuyệt trần – Dành cho anh. Và nàng cởi cúc chiếc áo cánh trắng. Bộ ngực trẻ trung, núm vú hoa hồng, Cosimo chỉ có thể phớt môi qua đó, Viola luồn lên trên cành như thể bay đi, anh trườn theo, và trước mặt là chiếc váy. – Anh đưa em đi đâu thế?
- Viola nói như thể không phải nàng lôi anh theo sau mà chính anh là kẻ dẫn nàng đi. – Đến đây. Cosimo nói, anh bắt đầu hướng dẫn nàng, với mỗi đoạn chuyền trên cành, anh nắm tay hoặc choàng eo nàng, và anh chỉ nàng cách bước đi trên cành. – Về phía này. Hai người chuyền trên những cây ôliu, mọc nhô ra từ một vách đá, vắt trên ngọn của một cây là biển, mà từ nãy đến giờ họ chỉ thấy từng mảnh, từng mảng, vỡ vụn giữa lá và cành, bây giờ thình lình họ khám phá ra cả một sự êm ả trong suốt bao la như bầu trời. Chân trời mở rộng và cao vợi, sắc xanh căng phồng và tít tắp, không một cánh buồm, có thể đếm được các đọn sóng nhe nhẹ đang nhấn nhá. Chỉ có một đợt song cuộn ngược cực nhẹ, như một hơi thở, lùa trên bãi đá sỏi. Mắt chói sáng, Cosimo và Viola lần vào trong bóng xanh-thẫm của lá cành; – Phía này. Trên cây hồ đào, tại một chạng cây, có cái hốc trũng, một vết thương gây ra bởi một nhát rìu xa xưa, đây là một trong các chỗ trú của Cosimo. Một tấm da lợn lòi đã trải; một cái hũ, vài dụng cụ, một cái chén đặt xung quanh. Viola buông mình xuống tấm da lợn rừng: – Thế anh đã dẫn những người đàn bà khác tới đây chưa? Anh lưỡng lự. Và Viola: – Nếu anh chưa dẫn cô nào đến đây thì anh là một chàng đàn ông vô tích sự. – Có vài cô Anh nhận một cú tát in cả lòng bàn tay trên má. – Thế thì anh chờ đợi gì ở em? Cosimo đưa tay xoa cái má bị đỏ, không biết nói gì; song nàng dường như đã trở lại vẻ niềm nở. – Các cô ấy như thế nào, hãy nói với em, các cô ấy ra sao? – Không như em, Viola, không như em – Anh biết thế nào là như em, hả, anh biết gì? Nàng đã trở lại ngọt ngào, và Cosimo không ngớt ngạc nhiên trước những cú chuyển biến bất thình lình này. Anh men tới gần nàng. Viola là vàng ngọc và mật ngọt. – Anh – Em Hai người biết nhau. Anh biết nàng và biết mình, vì thật ra anh chưa bao giờ biết mình.Nàng biết anh và biết mình, bởi dù luôn biết mình, song chưa bao giờ nàng có thể tự nhận ra mình như thế.
- XXII Chuyến hành hương đầu tiên của hai người là chuyền tới một ngọn cây mang những vết khắc sâu hoắm trên vỏ; những vết khắc này đã trải qua một thời gian dài nên đang bị biến dạng, không còn mang vẻ của một công trình do bàn tay người tạo ra nữa, đó hai hàng chữ lớn: Cosimo, Viola - và bên dưới – Massimo GiỏiGiắn. – Mãi ở trên cao này cơ à? Ai khắc vậy anh? Từ khi nào thế? – Anh khắc đấy, từ hồi đó. Viola cảm động. – Còn đây thì nói gì? – Nàng chỉ vào hàng chữ: Massimo GiỏiGiắn. – Chú chó của anh. À, của em đấy chứ. Chú chó con. – Turcaret phải không? – Anh gọi nó là Massimo GiỏiGiắn. – Turcaret! Em đã khóc không biết bao nhiêu nước mắt; trên đường đi em mới biết nó không được đi theo trên cỗ xe Chao ôi! Không gặp lại anh nữa cũng không sao, song thiếu chú chó con thì em hết sức tuyệt vọng! – Nếu không vì nó thì anh đã không gặp lại em! Chính nó đã đánh hơi trong gió là em đang ở gần đâu đây, nó đứng ngồi không yên nếu không chạy đi tìm em – Em nhận ra nó ngay khi nó vừa chạy tới nhà ngắm cảnh, mệt đứt hơi Những người khác hỏi “con chó này ở đâu ra vậy?”. Em cúi xuống quan sát, à màu lông, ừ các dấu đốm. “Nó là Turcaret đây mà! Chú chó con của tôi hồi tôi còn bé ở BóngRâm”. Cosimo cười. Bất chợt nàng nhăn mặt nói: – Massimo GiỏiGiắn cái tên xí ơi là xí! Anh đào đâu ra cái tên dở hơi này vậy? Cosimo sầm nét mặt. Lúc này, với Massimo GiỏiGiắn, trái lại, là niềm sung sướng không gợn mây mù. Trái tim già của con vật, sẻ đôi giữa hai người chủ, cuối cùng đã bình yên sau những ngày cật lực thu hút bà Hầu tước tới cái ngọn cây tần bì bên vành đai lãnh địa nơi Cosimo đang ở trên. Nó cắn váy nàng lôi đi, hoặc ngậm một món đồ bỏ chạy về phía cánh đồng cỏ để nàng phi theo, và nàng: – Mi muốn gì thế? Mi kéo ta đi đâu? Turcaret! Ngừng lại! Tìm lại được mi mà mi thế hả, đồ ranh con! Song chỉ cần nhìn chú chó con là những kỷ niệm thời thơ ấu và niềm hoài cảm xứ BóngRâm lại gợn lên trong ký ức. Và nàng tức tốc sửa soạn chuyến dọn nhà từ dinh Công tước về lại cái trang viên ngày xưa với các loài cây cối lạ lùng.
- Viola, nàng đã trở về. Với Cosimo, một mùa đẹp nhất bắt đầu; với Viola, cũng thế, nàng thúc con bạch mã dò tìm khắp dải đất thôn dã, vừa thấy Nam tước giữa lá và trời cao là nàng đứng lên yên, bám lấy những chạc cây xiên xiên, chuyền lên cành; nàng nhanh chóng trở nên thành thạo không kém gì anh, nàng có thể tìm tới anh ở khắp nơi. – Ôi, Viola, anh không biết nữa, anh không biết mình phải trèo đến nơi đâu – Nơi em Viola trả lời, se sẽ, và anh, như tê dại. Với Viola, tình yêu là sự thực hành quả cảm: lạc thú chan hòa với chứng cứ của lòng gan dạ, hào hiệp, dâng hiến, và cường độ của toàn bộ tính năng tâm hồn. Thế giới của hai người là những ngọn cây rối bung, ngoắt ngoéo, và khó thấu tới nhất. – Trên kia. Nàng kêu lên, tay chỉ lên một chạc ba vời vợi, và hai người cùng lao người chuyền đến đó, bắt đầu một cuộc đua gieo neo mà cao trào là một cú ôm ghì tươi mới. Hai người yêu nhau lơ lửng trên không trung, chống tựa hoặc bấu bám vào cành nhánh, nàng nhào vào lòng anh mà hầu như bay. Tính bướng bỉnh của Viola và của Cosimo trong tình yêu, gặp nhau, song có lúc, đụng độ nhau. Cosimo lánh xa những tính cách chần chừ, mềm yếu, những kiểu trái thói tinh vi; anh không hề thích những gì không phải là tình yêu tự nhiên. Những tính cách đạo lý cộng hòa đã ló dạng: một thời kỳ vừa khắc nghiệt vừa phóng túng đang xuất hiện. Cosimo, người tình không biết bến bờ, là một nhà khắc kỷ, một kẻ khổ hạnh, một người thanh giáo. Luôn kiếm tìm hạnh phúc tình yêu, song lúc nào cũng vẫn chống đối sự mê thích lạc thú. Anh đi tới mức nghi ngại những nụ hôn, sự vuốt ve, lời lẽ ngọt lịm, tất cả những gì làm lu mờ hoặc mang tham vọng thay thế sự lành mạnh của tự nhiên. Chính Viola là người đã giúp anh khám phá ra sự vẹn đầy; với nàng, anh chưa bao giờ biết buồn chán sau khi yêu nhau, điều mà một số nhà thần học rao truyền; về chủ đề này, anh đã viết một lá thư cho Rousseau, ông không hồi đáp, có lẽ vì ông khắc khoải. Song Viola còn là một người đàn bà tinh tế, ương ngạnh, được nuông chiều, khát khao về thân thể và tâm hồn. Tình yêu của Cosimo thỏa đầy nàng về cảm quan song không thỏa đáp được trí tưởng tượng của nàng. Từ đó: sứt mẻ hoặc giăng mắc oán giận. Song chúng kéo dài không lâu, bởi cuộc sống hai người và cái thế giới chúng quanh họ luôn đổi khác. Khi mỏi mệt, hai người tìm đến những chỗ trú khuất kín trên những ngọn cây có các bím lá rậm dày nhất: những chiếc võng bao bọc thân thể họ như chiếc lá cúp, những túp nhà lều màn trướng phập phồng trong gió, những ổ nệm lông vũ. Các trang bị này giải nghĩa cái tài của nàng Viola: ở bất cứ nơi nào bà hầu tước cũng có thể sáng tạo ra xung quanh mình: sự thoải mái, sự
- sang cả, và một sự tiện nghi phức hợp; phức tạp khi nhìn, song được nàng đạt tới bằng một sự êm xuôi kỳ lạ, bởi mọi sự nàng muốn, thì bằng mọi giá, nàng lập tức phải thấy chúng được hoàn thành. Trên những tổ ấm trên không trung ấy, những con chim cổ đỏ sà đậu hót líu lo, những đôi bướm công ngày đuổi nhau bay xuyên qua các tấm bạt. Có buổi trưa hè, khi đôi tình nhân đang thiu thiu ngủ bên nhau, thì có chú sóc chạy vào lùng sục thứ gì đó để gặm nhấm, chiếc đuôi lông mịn của nó vuốt ve khuôn mặt, hoặc cạp cắn một ngón chân cái của họ. Hai người cẩn thận đóng lại màn cửa lều, song lúc đó, một gia đình nhà chuột sóc cũng bắt đầu gặm nhấm mái lều và rớt lên người họ. Đó là khoảng thời gian hai người thổ lộ với nhau, kể lại đời mình, họ hỏi nhau: – Thế anh có cảm thấy cô đơn không? – Anh nhớ em. – Chỉ mình em trong toàn thể nhân gian còn lại à? – Không đâu em. Tại sao ư? Anh luôn có cái gì đó để thực hiện cùng mọi người: anh trồng cây ăn trái, chiết cành, học triết với thầy Trùm, anh chiến đấu với lũ cướp biển. Thế không phải là vì mọi người à? – Chỉ có anh mới như thế, nên em yêu anh. Song Nam tước vẫn chưa hiểu rõ, ở nơi anh, điều gì Viola chấp nhận, điều gì nàng không chấp nhận. Đôi khi chỉ cần một chuyện không đâu, một lời nói, một kiểu nhấn nhá của anh, là cũng đủ để bà Hầu tước nổi cơn tam bành. Chẳng hạn khi anh nói: – Với Gian ChùmThạchThảo thì anh đọc truyện, với ngài Trạng thì anh thực hiện những dự án thủy lợi – Thế còn với em ? – Với em thì anh thực thi tình yêu. Giống như chiết cành, trồng quả Nàng nín thinh, bất động. Ngay lập tức Cosimo nhận ra là mình đã làm nàng nổi giận: cặp mắt nàng đột nhiên trở nên giá lạnh. – Sao vậy em? chuyện gì vậy, Viola, anh đã nói gì? Nàng như thể không thấy, không nghe, xa cách anh hàng trăm dặm đường, mặt lạnh như tiền. – Không phải, Viola, gì vậy em, sao thế, nghe anh đây Viola đứng lên, nhanh nhẹn, không cần sự giúp đỡ, bắt đầu trèo xuống cây. Cosimo vẫn chưa hiểu nổi, vẫn chưa nghĩ ra, đâu là lỗi của anh, có lẽ chỉ còn có cách là hoàn toàn không nghĩ đến nó, không nên hiểu nó, để khẳng định tốt hơn sự vô tội của mình: – Không phải, em đã không hiểu anh, Viola, nghe anh đây Anh chuyền theo nàng xuống dưới chạng cây thấp nhất.
- – Viola, đừng em, em không thể bỏ đi như thế, Viola Nàng lúc này mở miệng nói, song lại nói với con ngựa; nàng đã xuống tới nó, đang cởi dây buộc; nàng leo lên yên và rời vó. Cosimo bắt đầu tuyệt vọng, phóng chuyền từ cây này sang cây khác. – Đừng, Viola, hãy nói với anh, Viola. Nàng phi ngựa. Anh chuyền theo trên cành. – Anh van em, Viola, anh yêu em mà! Song anh không còn thấy nàng nữa. Anh quăng mình vào cành lá, không biết phải đi đâu, những cú phóng nguy hiểm. – Viola! Viola! Khi đoan chắc mình đã mất nàng, anh không kìm được sự nghẹn ngào. Đây rồi, nàng quay lại, đang phi nước kiệu, không hề ngước mắt nhìn lên. – Nhìn đây, nhìn lên, Viola, xem anh đang làm gì này! Anh đang húc vào thân cây, đầu trần (cái đầu rất cứng, phải nói là như vậy). Nàng chẳng thèm nhìn. Và đã rời xa. Cosimo chờ nàng quay lại, anh chuyền qua chuyền lại trên các ngọn cây. “Viola, anh đang tuyệt vọng!” Anh lộn ngược người trên không trung, đầu chúc xuống đất, chân kẹp trên cành, nấm tay thụi tới tấp vào đầu vào mặt. Hoặc anh lao vào bẻ toạc các cành cây bằng một cơn điên tiết đầy phá hoại. Một cây du rậm lá, chỉ ít phút sau là bị vặt trụi, trở nên trơ trọi như thể đã bị một cơn mưa đá tạt ngang. Thế nhưng, không bao giờ một lời hăm he tự tử, cũng chẳng bao giờ một kiểu doạ dằn, tống tình nào đó vốn không thuộc phong cách của anh. Điều anh cảm thấy anh muốn làm, thì anh làm; điều anh đã làm, thì anh mới loan báo, không phải trước đó. Tới một lúc, nàng Viola, một cách bất ngờ – y như khi nàng đã bước vào – bước ra khỏi cơn nổi sùng. Trong tất cả những sự điên cuồng của Cosimo dường như không hề tác động đến nàng, chợt có một sự đã đột ngột thắp lên trong nàng một mối thương xót và yêu thương: – Đừng, Cosimo, anh yêu, đợi em nào! Và nàng phóc lên yên ngựa, cấp tốc leo bám lên thân cây và vòng tay của anh từ trên cao sẵn đó sẽ nhấc nàng lên. Tình yêu lại tiếp nối với một sự tưng bừng y như của cơn cãi cọ. Nàng thực ra vẫn chính là nàng, thế mà Cosimo không hiểu gì sất. – Sao em lại làm anh đau khổ? – Vì em yêu anh. Giờ thì tới phiên anh nổi sùng: – Không, em không yêu anh! Ai yêu thì muốn hạnh phúc, chứ không phải khổ đau. – Ai yêu thì chỉ muốn tình yêu, ngay cả khi phải trả giá bằng khổ đau.
- – Vậy là em cố ý làm anh đau khổ phải không? – Đúng vậy, để xem anh có yêu em không. Triết lý của nhà Nam tước khước từ việc đi quá hơn nữa. – Đau khổ là một tâm thái tiêu cực. – Tình yêu là tất cả. – Đau khổ là điều luôn phải bị chống trả. – Yêu là chấp nhận tất cả. – Có những điều anh sẽ không bao giờ chấp nhận. – Có, anh sẽ chấp nhận, bởi anh yêu em, và anh đau khổ. Cosimo bừng phát niềm vui cũng ầm vang y như nổ ra nỗi thất vọng. Có những lúc sự sung sướng của anh đạt tới mức anh phải rời người tình để mà chuyền phong phóc, la hét, công bố những điều kỳ diệu về người đẹp của mình. 54 - Yo quiero the most wonderful puellam de todo el mondo! Bàn dân thiên hạ trên các băng ghế ở BóngRâm: những kẻ rỗi rãi, những viên thủy thủ già, giờ đây đã quen với những chuyến xuất hiện chớp nhoáng ấy. Đây rồi, họ trông thấy anh quăng mình trên những cây sồi xanh chuyền tới, ngâm lên: Zu dir, zu dir, gunàika, Vo cercando il mio ben, En la isla de Jamaica, 55 Du soir jusqu’au matin! Hoặc: Il y a un pré where the grass grows toda de oro 56 take me away, take me away, che io ci moro! Rồi anh biến mất. Việc học các ngôn ngữ cổ điển và cận đại của anh, dù không chuyên sâu, song cũng đủ để anh miệt mài trong một kiểu rao truyền tình cảm của mình như thế; khi thâm tâm càng được rúng động bởi một cảm xúc mãnh liệt, thì ngôn ngữ của anh lại càng trở nên thâm u. Người ta nhớ lại rằng, có lần, trong dịp mừng lễ vị Thánh bản mệnh của thị trấn, dân chúng BóngRâm đang tề tựu tại quảng trường xung quanh cây cột Mỡ chăng đầy tràng hoa và cờ xí. Cosimo xuất hiện trên đỉnh một cây tiêu huyền, tung ra một cú quăng mình mà chỉ có tài nghệ nhào lộn của anh mới thực hiện được, bám vào cây cột và trèo lên tận đỉnh, hét vang: 57 – Que viva die schöne Venus posterior! Anh tuột người từ trên cây cột mỡ xuống gần tới đất thì ngừng lại, thoăn thoắt trèo trở lại lên đỉnh, giật một bánh pho mát tròn trịa hồng hồng khỏi chùm giải thưởng, rồi tung ra một cú quăng mình khác, bay trở về cây tiêu
- huyền và chuyền đi, để lại sự sững sờ cho dân chúng BóngRâm. Không gì khiến nàng Hầu tước sung sướng hơn các sự hoa mĩ này; chúng giục giã nàng tới bù đắp anh bằng những biểu lộ tình yêu cũng chóng mặt như thế. Người dân BóngRâm, mỗi khi thấy nàng nhịp nhàng phi nước đại, khuôn mặt hầu như lẩn trong bờm con bạch mã, hiểu rằng nàng đang phi tới một cuộc hẹn hò với ngài Nam tước. Ngay cả trong cách phi ngựa, nàng cũng biểu đạt một năng lực tình yêu, song ở đây, Cosimo không thể theo nàng nữa; niềm đam mê cưỡi ngựa của nàng, dù anh hết sức chiêm ngưỡng, song chính nó cũng là một lý do thầm kín khiến anh ganh tị và lo ngại, bởi anh thấy Viola bao quát được một thế giới rộng hơn cái thế giới của anh, anh hiểu rằng mình ắt chẳng bao giờ có thể có được nàng một mình cho mình, giữ nàng trong biên cương vương quốc của mình. Nàng Hầu tước, phần mình, có lẽ cũng thấy khổ, vì không thể vừa là tình nhân lại vừa là nữ kỵ sĩ; đôi lúc nàng chìm trong một nhu cầu lơ mơ là tình yêu giữa nàng và anh hẳn phải là một tình yêu trên lưng ngựa, chỉ chuyền trên cây không còn đủ nữa, nàng muốn ngồi trên yên con ngựa chiến của mình mà phi vùn vụt. Trên thực tế, con ngựa vì phải chạy trên các khu vực đất đai gồ ghề hiểm trở, nên đã trở thành một chú dê con, Viola lúc này phải lấy đà thúc nó vươn chân lên cây, chẳng hạn, những cây ôliu già cành nhánh cong vẹo. Con ngựa có lúc vươn tới tận chạng cành đầu tiên, nàng bắt đầu có thói quen không cột nó ở dưới đất nữa mà cột nó ở trên cây ôliu. Nàng rời yên, để lại nó tóp tép nhai lá và cành non. Thế rồi, có một kẻ thích tán chuyện đi ngang khu vườn ôliu, ngước cặp mắt tọc mạch thấy trên đó có nhà Nam tước và nàng Hầu tước đang ôm nhau, về kể lại, và thêm mắm thêm muối: – Con bạch mã, chính nó, cũng đang ở trên một cái cành tại đỉnh cây! Nó bị coi là chuyện tưởng tượng, không ai tin. Một lần nữa, dịp đó, sự bí mật của cặp tình nhân vẫn được bảo toàn.
- XXIII Câu chuyện tôi vừa kể cho thấy dân chúng BóngRâm thời đó đã không tiếc lời đàm tiếu về cuộc đời hào hoa của anh tôi, nên giờ đây, trước các niềm đam mê tưng bừng của anh, vốn có thể nói là ở bên trên những mái đầu của họ, họ giữ một thái độ dè dặt tôn trọng, như thể một điều gì đó quá sức đối với họ. Không phải họ chỉ trích sự xử sự của bà Hầu tước, mà đúng hơn, những cách thức nó được biểu lộ, như cái cuộc phi nước đại gãy đầu gãy cổ như chơi chẳng hạn (“Không biết bà ta đang phi đi đâu mà hăng tiết đến thế?” họ nói, dù biết tỏng rằng bà đã có hẹn với anh), hoặc kìa, nhìn cái món đồ mà bà ta đang kiệu lên ngọn cây kìa. Đã có sự manh nha xem đó chỉ là một trong rất nhiều kiểu mốt lập dị của giới quý tộc (“Bây giờ, mọi sự đều ở trên cây: đàn bà, đàn ông. Thế các ông các bà ấy chẳng bày ra được trò gì khác à?); tóm lại: đang xuất hiện một thời, có thể khoan dung hơn, song lại giả dối hơn. Lúc này, người ta chỉ thấy Nam tước xuất hiện trên những cây sồi xanh ở quảng trường sau những khoảng thời gian dài. Bởi Viola nhiều khi phải đi xa hàng tháng để trông coi các tài sản của mình ở rải rác khắp châu Âu, song các chuyến đi ấy luôn trùng hợp với những lúc quan hệ của hai người đang rung chuyển, nàng Hầu tước giận Cosimo vì việc không chịu hiểu điều nàng muốn làm cho anh hiểu về tình yêu. Không phải Viola ra đi mà vẫn giận anh: hai người đã luôn làm hòa được với nhau trước đó. Tuy nhiên, nó để lại trong anh mối nghi ngờ là nàng quyết định ra đi vì đã mệt mỏi với anh, vì anh không thể giữ được nàng, có thể nàng đang bắt đầu xa cách anh, có thể chuyến đi là một dịp tạm nghỉ để suy nghĩ, và nàng sẽ quyết định không quay về nữa. Cho nên, anh tôi sống trong khắc khoải. Một mặt, anh tìm cách nối lại cuộc sống bình thường của mình, hồi anh chưa gặp lại nàng, bắt đầu đi săn, đi câu trở lại, làm các công việc đồng áng, nghiên cứu học hỏi, những cuộc biểu dương ở quảng trường, y như anh vẫn làm (dai dẳng trong anh một nỗi bướng bỉnh tự hào trẻ trung của một kẻ không muốn thừa nhận là mình đã chịu ảnh hưởng kẻ khác), cùng lúc, anh cũng tự sung sướng vì tình yêu của mình đã trao cho mình biết bao sốt sắng, biết bao hãnh diện. Song mặt khác, anh nhận ra rằng có nhiều điều anh không quan tâm nữa, rằng không có Viola, cuộc đời không ban cho anh nhiều hương vị hơn, rằng ý nghĩ của anh luôn hướng tới nàng. Càng tìm cách, ở bên ngoài vòng xoáy lốc hiện diện Viola, để làm chủ lại những đam mê và lạc thú trong một sự cần kiệm khôn ngoan về tâm hồn, thì anh lại càng cảm ra nỗi trống vắng, hoặc cơn sốt mong chờ nàng để lại. Tóm lại: tình thương yêu nhung nhớ của anh thì y như ý muốn của Viola, chứ không như anh tỏ vẻ; đàn bà luôn là kẻ chiến thắng,
- ngay cả khi họ ở xa, và Cosimo, dù là Cosimo, rốt cuộc, thụ hưởng thôi. Bất ngờ, bà Hầu tước trở về. Mùa tình yêu, song cả nguồn cơn ghen tuông, lại tiếp nối trên cành. Viola đã đi đâu? Nàng từng làm gì? Cosimo băn khoăn muốn biết, song cùng lúc, anh sợ cái cách thức nàng trả lời các câu thẩm tra của anh, toàn bộ bằng nhấn nhá, mỗi cú đều bóng gió trao cho anh một lý do để ngờ vực, và anh hiểu nàng làm thế để hành hạ anh, dù rằng tất cả có thể là sự thật rành rành. Trong cái tâm trạng bất nhất ấy, lúc thì anh che giấu, lúc thì anh kịch liệt bùng phát nỗi ghen tuông, và Viola, trước những phản ứng của anh, luôn trả lời bằng một cách thức mới mẻ và bất ngờ. Thế rồi, khi thì anh cảm thấy chưa bao giờ nàng gắn bó với anh như lúc này, lúc thì anh lại cảm thấy mình không còn có khả năng khơi hồng ngọn lửa trong nàng nữa. Cuộc sống của bà Hầu tước trong các chuyến đi thực sự là thế nào, ở BóngRâm, chúng tôi không biết được; chúng tôi ở quá xa các thủ phủ ấy và các lời đồn đại ở đó. Song cũng trong khoảng thời gian này, tôi đã thực hiện chuyến du hành thứ hai tới Paris, để ký kết một số giao kèo (về cung cấp chanh, bởi lúc đó nhiều nhà quý tộc cũng lao vào làm thương mại, tôi là một trong số người đầu tiên). Một tối, tại một trong những xa lông nổi tiếng nhất ở Paris, tôi đã gặp nàng Viola. Nàng đã sửa soạn một kiểu búi tóc và diện một bộ trang phục hết sức lộng lẫy; tôi không cần một nỗ lực nào để nhận ra, hay đúng hơn, tôi khựng người lại khi vừa nhìn thấy nàng, bởi vì, đây đúng là một người đàn bà mà ta không bao giờ có thể lẫn lộn với ai. Nàng thản nhiên chào tôi, song không lâu sau đó thì tìm ra được cách tách mình ra để đến với tôi, rồi hỏi: – Ông có tin gì của anh ông không? Ông có sớm quay về BóngRâm không? Hãy đưa cái này cho anh ấy như một kỷ vật của tôi. Nàng lôi từ trong ngực ra một chiếc khăn lụa, nhét vào tay tôi. Rồi ngay lập tức quay trở lại với đoàn người ngưỡng mộ bám theo sau. – Anh có quen bà Hầu tước à? Một người bạn hỏi nhỏ tôi. – Chỉ quen sơ thôi, tôi trả lời. Thật vậy, trong những khoảng thời gian cư trú ở BóngRâm, nàng Viola, được Cosimo truyền lây tính hoang dã, đã không thiết đến việc giao lưu với các gia đình quý tộc láng giềng. – Thật hiếm ai vừa đẹp lại vừa hiếu động đến thế. Bạn tôi bảo. Theo lời đồn thì ở Paris nàng ghé ngang người tình này rồi ghé qua người tình kia, liên miên trong một vòng xoay, không ai có thể tự cho mình là thuộc về nàng, và không ai có thể tự vỗ ngực mình là kẻ được nàng ưu ái nhất. Song thỉnh thoảng, nàng biệt tăm hàng tháng, và người ta bảo rằng nàng đã lui về một tu viện để giày vò sám hối. Tôi cố nén mới không bật cười, những tháng ngày trên cây mà bà Hầu trải qua ở BóngRâm nay được dân Pa-ri-giêng tin là các thời kỳ sám hối; thế
- nhưng, cùng lúc, các lời đồn đại ấy cũng khiến tôi lo lắng, tôi thấy trước những khoảng thời gian buồn bã cho anh tôi. Để anh không bị khốn khổ bất ngờ, tôi muốn báo cho anh biết trước: vừa về tới BóngRâm, tôi đã đi tìm anh ngay. Anh hỏi tôi rất lâu về chuyến du hành, về tin tức ở Pháp, song tôi không thể đưa ra bất cứ một tin tức nào mới về chính trị hoặc văn chương mà anh chưa được cho biết. Cuối cùng, tôi rút từ trong túi ra chiếc khăn tay của nàng Viola: – Em đã gặp một người đàn bà quen anh tại một xa lông ở Paris, bà ta nhờ em trao cho anh, cùng với lời hỏi thăm. Một sợi dây có móc chiếc giỏ con được thả xuống tức tốc, Cosimo kéo chiếc khăn lụa lên, rồi đưa nó lên mặt như thể để ngửi hương thơm. – À, vậy là chú đã gặp nàng? Nàng dạo này thế nào? Nàng ra sao hả chú? – Tuyệt đẹp và sắc sảo – tôi từ từ trả lời – song thiên hạ bảo rằng mùi thơm này đã được nhiều cánh mũi hít hà Anh áp chiếc khăn vào ngực như thể sợ rằng nó sẽ bị giật mất. Mặt đỏ bừng, nói với tôi: – Vậy mà chú không gí mũi gươm mà chặn họng những kẻ đã nói với chú các sự dối trá ấy đi à? Phải thú thực, cái ý tưởng này đã không hề phớt qua trong đầu tôi. Anh im lặng một lúc. Rồi nhún vai. – Tất cả là dối trá. Chỉ anh mới biết nàng chỉ thuộc về anh. Và anh chuyền đi không mà không để lại một lời chào. Tôi nhận ra cái cung cách thường thấy của anh khi từ chối bất kỳ điều gì buộc anh phải bước ra khỏi cái thế giới của mình. Thế là từ lúc đó, người ta chỉ thấy anh buồn rầu và nóng ruột, phóng chuyền hết chỗ này sang chỗ khác, chẳng ra sao. Nếu thỉnh thoảng tôi nghe ra tiếng huýt thi đua của anh với bầy chim sáo, thì tiếng huýt ấy càng lúc càng bồn chồn và ảm đạm. Bà Hầu tước về tới. Như mọi khi, cơn ghen tuông của Cosimo làm nàng thích thú: một phần nàng khích, một phần nàng dựa vào đó để đùa. Thế là lại trở lại những ngày đẹp đẽ yêu đương, và anh tôi hạnh phúc. Thế nhưng, lúc này bà Hầu tước không bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào để cáo buộc Cosimo là người có một ý tưởng hạn hẹp về tình yêu. – Em muốn nói gì vậy? Rằng anh là người ghen tuông à? – Anh ghen là rất tốt. Song anh lại ra vẻ là mình chế ngự nó bằng lý trí. – Tất nhiên: như thế nó sẽ hiệu quả hơn nữa. – Anh lý trí quá. Lý trí hóa tình yêu mà làm gì cơ chứ? – Để yêu em hơn nữa. Mọi điều thực hiện bằng lý trí, sức mạnh sẽ gia tăng. – Anh sống ở trên cây, và anh mang đầu óc của một công chứng viên bị bệnh gút.