Thư gửi về Trung Quốc xa xưa - Herbert Rosendorfer (Phần 2)

pdf 136 trang Đức Chiến 03/01/2024 2190
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Thư gửi về Trung Quốc xa xưa - Herbert Rosendorfer (Phần 2)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfthu_gui_ve_trung_quoc_xa_xua_herbert_rosendorfer_phan_2.pdf

Nội dung text: Thư gửi về Trung Quốc xa xưa - Herbert Rosendorfer (Phần 2)

  1. Thư thứ mười tám (Chủ nhật, 13 tháng Mười) Di Ngô thân mến, Trong một thư trước đệ viết rằng sau khi tìm hiểu đời sống riêng tư của bọn mũi lõ, đã đến lúc đệ cần nghiên cứu đời sống công cộng, đặc biệt Nhà nước của chúng. Chính vì thế đệ đã dọn khỏi căn hộ của ông Shi-shmi và vào khách sạn ở. Đệ đã quen biết được vài người thú vị, nhưng đệ sẽ kể sau. Hôm nay đệ muốn kể cho huynh về thú tiêu khiển công cộng của bọn mũi lõ. Đệ nhận ra từ lâu rằng cả ông Shi-shmi lẫn nàng Pao-leng đều không phải là thước đo để đánh giá về bọn mũi lõ nói chung. Nàng Pao-leng là một phụ nữ có học vấn cao, còn ông Shi-shmi hẳn chúng ta không ngần ngại coi là một triết gia, bất chấp một vài quan điểm khác lạ; ngoài ra ông còn rành về âm nhạc. Ông Shi-shmi và nàng Pao-leng nổi bật khỏi đám đông mũi lõ, không khác ở ta mấy. Phần lớn bọn mũi lõ mặt mày thô kệch di chuyển trên đường phố, ánh mắt u sầu. Đệ đã nói rồi: rất dễ đoán nét mặt chúng, hầu hết đều có nét đố kỵ. Phải chăng do chúng thường uống sữa bò? Hoặc cuộc sống hối hả và sự “tiến bộ” liên tục khiến chúng không hài lòng? Và có thể tự chúng không biết điều này? Đệ cứ tưởng bọn mũi lõ không có trò tiêu khiển công cộng; thế mà có đấy. Xin thưa ngay: những trò này còn đáng sợ hơn sự bất mãn. Đã lâu rồi, trước lúc đệ viết bức thư mới nhất cho huynh, ông Shi-shmi đã dẫn đệ tới một trò giải trí công cộng như thế này. Ông bảo đây là cao điểm trong năm và kéo dài gần nửa tuần trăng. Nó gọi là “Lễ hội trăng Thu”[93], được tổ chức trên một bãi cỏ mênh mông hơi xa trung tâm thành phố. Thật không tả nổi, đệ tin rằng chưa bao giờ thấy kinh tởm hơn, tuy nhiên đệ vẫn ở đấy vài giờ.
  2. Ngay từ xa đã thấy bầu trời sáng lòa trên những mái nhà như thể có hỏa hoạn. Càng đến gần, ta càng ngập trong tiếng ồn đinh tai nhức óc. Bình thường đệ đã quen đi lại khá tự do, thế mà đệ vẫn phải bám tay ông Shi- shmi. Cả nghìn chiêng trống và phèng la liên tục phát ra tiếng ồn nhức óc, thế mà gọi là âm nhạc đấy. Người ta chỉ có thể hét to khi trò chuyện. Đệ hét: thầy Ve-to-feng của các vị sẽ nói sao về tiếng ồn này? Thầy ấy điếc mà! ông Shi-shmi hét lại. Bây giờ tại hạ hiểu tại sao thầy ấy điếc! đệ hét. Mới đầu đệ không nhận ra được gì hết thảy. Khi mắt đệ đã quen với ánh chớp nhoang nhoáng phát ra từ vô số ngọn đèn sáng quắc, đệ thấy những chiếc bánh xe khổng lồ quay tít, những ghế xích đu bay bổng bắn vọt trong không khí; bọn mũi lõ ngồi đầy trong đấy chẳng chút nao núng, thật chẳng khác gì tự sát. Đâu đâu cũng hôi rình; hiển nhiên cùng với chuyện giải trí bọn chúng phải giải quyết nhu cầu ở bất cứ chỗ nào khi bị mót, vì phần lớn trò tiêu khiển là uống thật nhiều ma-sa và hal-bal, thành ra cũng phải thải ra thật nhiều. Dĩ nhiên đệ không chịu ngồi vào một trong những bánh xe hay ghế xích đu này. Nhưng sau khi đã bám chặt tay bạn đi một vòng chừng một tiếng đồng hồ, đệ theo ông Shi-shmi vào một trong những nơi bán nước chính. Đó là những chiếc lều khổng lồ không hình dung nổi, nồng nặc hơi người như trong một chuồng thú. Trên một cái bục ở giữa lều, một nhóm nhạc công chơi loại nhạc chát chúa bằng cách thổi những chiếc kèn thật to, chẳng giống nhạc của thầy Ve-to-feng tí nào. Phần lớn khách mặc quần áo màu lục và đội loại mũ rất ngộ nghĩnh[94]. Những nữ tửu bảo béo núc chuyên được huấn luyện – như ông Shi-shmi cho biết – để ôm mười, mười hai vại ma-sa[95] hoặc hơn nữa, huỳnh huỵch bước từ bàn này qua bàn khác giao bia cho khách, phải trả tiền ngay. Bọn mũi lõ, thường trang điểm những dấu hiệu kỳ lạ, mũ đeo vòng hoa giấy hoặc một túm lông, vỗ đùi và lớn tiếng kêu vô cớ. Chúng há hốc mồm, đổ bia vào họng ngay sau khi nhận được vại bia. Tiếng nhạc vốn đã át hết mọi thứ tiếng khác rồi, thế mà thỉnh thoảng ban nhạc lại chơi to hơn nữa một bài hát rất ngắn như sau: Van- tswa-xu-fa[96] dường như hết sức được ưa thích, mà ý nghĩa của nó đệ không hiểu rõ. Tiếp theo là ba tiếng trống vang rền. Đó là hiệu lệnh để mọi
  3. người bưng vại của mình, đổ vào miệng nhiều nhất có thể. Sau đó họ hò hét, gọi nữ tửu bảo mang vại bia mới. Những thùng bia khổng lồ được lăn từ ngoài vào và những gã đàn ông sức vóc như quỷ sứ đeo tạp dề da, bàn tay to như chiếc xẻng thọc thủng những thùng này ở chỗ nhất định, bia sẽ từ chỗ đó tuôn vào vại. Chẳng mấy chốc đám mũi lõ này say và dĩ nhiên không tránh khỏi chuyện chúng cãi vã với nhau hoặc với các nữ tửu bảo, rồi nhanh chóng biến thành ẩu đả và một gã quỷ sứ tay to như chiếc xẻng sẽ túm cổ kẻ gây chuyện, mặc cho hắn giãy dụa, rồi ném ra khỏi lều. Thường thì hành động này được những tiếng hò hét ít nhiều vui vẻ hùa theo và ngay lập tức ban nhạc lại trỗi lên bài ưa thích Van-tswa-xu-fa và mọi người ồm ồm hát theo. Cuộc vui kéo dài như thế đến gần nửa đêm, rồi đèn tắt, không thùng bia nào được lăn vào nữa. Bọn mũi lõ, nếu chưa say mèm và chưa nằm lăn dưới gầm bàn, sẽ nện vại lên bàn đòi uống thêm. Nhưng không ai bán nữa. Giới hữu trách dẫu sao cũng đủ sáng suốt khi chỉ cho phép bán bia giới hạn, hẳn vì sợ bọn mũi lõ sẽ đập phá tan hoang thành phố. Các nhạc công cũng cất nhạc khí. Chỉ còn nghe tiếng rống và ợ của đám bợm nhậu. Cuối cùng chúng bò lết về nhà. Bọn đệ cũng đi về luôn – bước rất thận trọng để khỏi giẫm lên phân hoặc bãi mửa – và đệ như bị mê muội. Thế mà bọn mũi lõ chịu nổi mười bốn ngày đấy. Lúc ấy chúng quên đi hoặc cố gượng xua đuổi nỗi buồn bực. Nhiều người, nếu còn đủ sức và tỉnh táo, tung mũ lên trời, hực lên những tiếng kêu ngắn và chói tai. Nhiều người leo lên ô-tô, lao vào cây và những người khác lấy thế làm khôi hài. Đó là thú tiêu khiển của bọn mũi lõ đấy. Đệ hỏi ông Shi-shmi nó có làm ông hài lòng thật không? Không, ông bảo, nhưng ông đi với đệ vì nghĩ đệ nên xem cho biết. Điều này thì ông có lý. Một trò tiêu khiển công cộng khác diễn ra vào mùa đông, ông Shi-shmi bảo. Khác “Lễ hội trăng Thu” mà người ta có thể tránh bằng cách không tới đó, lễ hội mùa đông đa dạng hơn và không ai tránh được. Đệ không thoát khỏi phải dự đâu, ông bảo thế, nhưng không nói rõ hơn.
  4. Bây giờ, khi đệ viết những dòng này thì “Lễ hội trăng Thu” đã qua rồi. Nó đến cũng nhanh mà chấm dứt cũng nhanh. Bọn mũi lõ gỡ lều bán bia và giải trí, chở đi đâu đấy. Còn lại là một bãi cỏ đầy rác rưởi bẩn thỉu. Chúng làm gì với rác rưởi này? đệ không biết. Có lẽ chúng tin rằng đằng nào trời cũng hầu như luôn mưa và nước mưa trong năm sẽ cuốn đi tất cả cho đến “Lễ hội trăng Thu” lần tới. Theo đệ quan sát thì bọn mũi lõ giải quyết rác rưởi trên đường phố bằng cách cho ô-tô chạy lên trên. Qua đó rác sẽ bị nghiền nát thành bụi và được gió cuốn đi. Vì thế trong không khí thường xuyên có bồ hóng bám dầu mà bọn mũi lõ đã quá quen. Đệ không ngớt ngạc nhiên rằng thú vật và cây cối chịu nổi thứ không khí này. Đệ đã suy nghĩ nhiều về chuyện này và tới hôm kia vẫn không có lời giải. Nhưng hôm kia đệ quen một người hết sức thú vị trong tiền sảnh khách sạn. Huynh hãy hình dung thế này: ở tiền sảnh của khách sạn, đúng ra đó là nhiều sảnh rất tráng lệ trải thảm, ngăn cách nhau bởi cầu thang và hành lang, có đầy những chiếc bàn con và ghế bành rất tiện nghi để khách sử dụng và các tiểu nhị tới lui hỏi han thường xuyên về yêu cầu của khách. Đệ thích ngồi ở đấy, vì luôn luôn có gì đó để quan sát và vì có nhiều người khác (cả phụ nữ) nữa nên dễ bắt chuyện. Hôm kia đệ xuống sảnh, không còn chiếc bàn nào trống. Thấy ở một chiếc bàn có một người đàn ông đang ngồi đọc sách (ông ta to cao như hầu hết bọn mũi lõ, râu quai nón rậm rạp màu đen và có vẻ không thuộc loại mũi lõ thô kệch), đệ mới lại gần, khom lưng một phần ba và nói: “Thưa quan râu xồm đáng kính mà cháu chắt nhiều đời sau còn phải ca ngợi tính hiền từ và nhẫn nại, ngài cho phép kẻ vô tích sự này của một dân tộc xa xôi vóc người thấp bé được cùng ngồi đây và làm ô uế bầu không khí quanh chiếc bàn tuyệt vời này chứ ạ?” Ông râu xồm hơi ngẩng lên, bối rối nhìn rồi nhe răng nói: “Xin mời”. Ông ta chỉ nói: “Xin mời”. Bọn mũi lõ không quen cách ăn nói lịch thiệp như ta, đệ biết từ lâu rồi. Đệ cũng biết rằng kiểu nói lịch sự của đệ thường bị bọn mũi lõ hiểu sai và coi thường, cho dù đệ đã tóm gọn khiến nó gần như biến thành xúc phạm, như huynh thấy trong câu đệ vừa kể. Tuy nhiên đệ không bỏ được thói quen lễ độ và cũng không muốn làm thế. Đệ không
  5. thể chối bỏ những dấu ấn đã khắc sâu trong tâm hồn đệ do được giáo huấn và qua những lời dạy cơ bản, bất di bất dịch của Khổng học. Thói quen này không thay đổi được thế giới ở đây, dĩ nhiên là thế, nhưng đệ cảm thấy thoải mái hơn khi nói năng lễ độ. Đệ cũng đã bảo nàng Pao-leng như thế khi nàng yêu cầu đệ ít nhất trong lúc ái ân hãy bỏ lối nói năng lễ độ cũng như trầm trồ khen ngợi chỗ này chỗ nọ trên thân thể nàng. “Xin mời”, ông râu xồm nói và đệ ngồi xuống sau khi đã khom người thêm lần nữa. Khi tiểu nhị tới, đệ gọi một thứ thức uống đệ rất thích trong khách sạn này: một thứ nước màu đỏ thẫm tên là Kang-pa-li[97]. Mới đầu ông râu xồm vẫn tiếp tục đọc, nhưng khi đệ móc từ cái bao da nhỏ (quà chia tay của ông Shi-shmi) một trong những vật hiến tế thơm tho Da-ving- do mà đệ ưa thích ngậm vào miệng rồi châm lửa thì ông ta ngước mắt khỏi sách, hỉnh mũi hít một cách khoan khoái. Đệ rút một điếu Da-ving-do mời ông. Ông nhận, cám ơn và thế là bọn đệ liền trò chuyện. Sau đó bọn đệ còn uống một chai Mo-te Shang-dong. Ông này – hiện còn ở khách sạn, đệ vẫn thường gặp – sinh ra ở một thành phố phía Bắc, là một bậc thầy về chăm sóc rừng và hiện đang dạy tại một học viện sư phạm ở đấy, nay ông tới Min-chen để nghiên cứu. Ông bảo đệ chắc chắn không phát âm nổi tên ông và lại càng khó có thể nhớ. Thành ra ông cho đệ biết tục danh của ông cho dễ. Bọn mũi lõ luôn có ít nhất hai tên: một tên công khai[98] và một tên, có khi hai, dùng gọi trong vòng gia đình. Tên công khai của ông Shi-shmi là “Shi-shmi”, tên gọi trong vòng gia đình là Ma-ksi-mai-lan; các người bạn âm nhạc gọi ông bằng tên này; nhưng mẹ ông gọi ông là “Ping-tsi”. Tên công khai của bà mẹ cũng là Shi- shmi, tên thân mật là Yo-cha-na[99], nhưng ông Shi-shmi gọi bà bằng má. Nàng Pao-leng có tên thân mật là Ak-ga-ta[100], ngoài ra không còn tên thân mật nào khác nữa. Đệ gọi nàng là “Cây hạnh non mùa xuân trong nắng mai”, nhưng chỉ là thêm thắt thôi. Ông râu xồm bảo để đơn giản đệ hãy gọi ông bằng tên thân mật Duy- Lân[101]. Đệ trò chuyện với Duy-Lân tử – ông có quyền được gọi như thế – về bồ hóng trong không khí. Đó chính là vấn đề, một vấn đề mà bọn mũi lõ đã không nhận thấy
  6. trong một thời gian dài, Duy-Lân tử nói. Về câu hỏi của đệ rằng loài vật và cây cỏ có chịu nổi bồ hóng thường trực trong không khí không, ông chỉ có thể trả lời về phía cây cỏ thôi rằng dứt khoát không; còn về thú vật thì ông không rành. Cây cỏ không chịu nổi, hay đúng hơn không chịu nổi nữa. Thế rồi sao? đệ hỏi. Rất đơn giản, Duy-Lân tử đáp, cây cối sẽ còm cõi và héo tàn, cành rủ xuống, chết dần chết mòn rồi đổ; mới đầu là những cây lá hình kim (những cây này đã tới mức đó rồi), sau tới những loại cây lá thường. Nếu có dịp đệ cùng đi với ông ra khỏi thành phố tới một số vùng quê, ông nói, ông sẽ có thể chỉ đệ xem những chỗ lở loét trong rừng càng ngày càng lan rộng trong những năm gần đây. Chẳng bao lâu những chỗ như thế sẽ không đập vào mắt ta như những hòn đảo hay những mảng rừng thưa, mà trong vài năm nữa những chỗ còn lành lặn sẽ trơ trụi như những túm lông trong đám ghẻ lở hỗn loạn do bồ hóng gây ra, và cuối cùng mọi cây cối sẽ biến mất. Ông bảo đệ cần hình dung rằng trong hàng chục năm, phải nói là gần trăm năm, bọn mũi lõ trong cơn cuồng điên về “tiến bộ” đã khinh suất trút mọi thứ rác rưởi lên rừng rậm, nói chung là lên tự nhiên. “Cây cối không biết kêu cứu”, Duy-Lân tử nói. “Chúng câm lặng phơ phất cành lá thế thôi. Chúng bị đày đọa không thương tiếc. Chúng can đảm cố chống cự. Nay đã đến lúc chúng kiệt sức rồi. Trong ít năm nữa có lẽ không còn rừng nữa.” “Chà”, đệ nói, “thế người ta đã thực hiện những biện pháp gì rồi?” “Về cơ bản chẳng có gì hết thảy”, Duy-Lân tử nói. “Tôi và những người suy nghĩ như tôi có lên tiếng đấy – đại diện cho cây cối, tạm gọi thế – nhưng bọn người làm ra chất bẩn có thế lực hơn, còn các thượng thư là bạn của chúng.” “Ra thế”, đệ nói, “tại hạ hiểu. Nghĩa là các thượng thư thối nát?” “Đúng vậy”, Duy-Lân tử đáp. “Tại hạ cũng đã nghĩ thế đấy”, đệ nói và nhủ thầm: về điểm này thì thế giới không thay đổi. Các thượng thư thối nát, bài hát cũ mèm. Hẳn là điều xấu luôn tồn tại qua nhiều thế kỷ, giống như nhà cháy nhưng lũ rận vẫn sống sót.
  7. “Đấy, đấy”, Duy-Lân tử nói. “Chỉ còn một niềm hy vọng duy nhất cho rừng thôi, đó là các thượng thư thích đi săn. Hầu như mọi thượng thư đều thích săn bắn”. (À há, ngay cả điều này cũng không đổi khác). “Săn bắn được xem là quý phái, là đặc quyền. Một ngày nào đấy”, Duy-Lân tử giơ tay nói, “khi khu rừng để các ngài đến săn cũng còm cõi tới mức không còn hươu nai cho các ngài bắn nữa, họa may lúc đó các ngài mới quan tâm đến việc cứu rừng. Nhưng lúc ấy e quá muộn rồi.” Đệ thấy rất có cảm tình với Duy-Lân tử. “Tại hạ biết”, đệ nói, “không còn hoàng đế hay vua chúa nào nữa để thống trách các thượng thư thối nát hay thỉnh thoảng ra lệnh chém đầu một vị ” Duy-Lân tử cười. “Tại hạ có thể nói với túc hạ thế này”, đệ thêm, “khi một thượng thư thối nát bị chém đầu thì thường gây ra tác dụng thần kỳ. Tuy nó không thay đổi được thế giới, nhưng các thượng thư bớt thối nát được vài năm.” “Ông nói như thể ông đến từ một thế giới khác vậy”, Duy-Lân tử bảo. Đệ không trả lời, đệ hết sức cố tránh lộ tông tích. Ông Shi-shmi đã biết, nàng Pao-leng cũng thế; tạm thời đệ muốn giới hạn trong hai người này thôi. Vả lại đệ chưa biết Duy-Lân tử đủ lâu để có được một kết luận thật sự về ông. “Không”, ông nói tiếp, “không còn hoàng đế nào để thống trách các thượng thư thối nát nữa và viên thượng thư cuối cùng bị chém đầu cũng lâu rồi. Đã một trăm năm mươi năm”. “Quá lâu”, đệ nói. “Ngoài ra chính hoàng đế cuối cùng này cũng là kẻ ngu xuẩn và kiêu ngạo”. “Vi-li đần độn”, đệ nói. “A, ông rành lịch sử nhỉ”, ông nói. “Hiện nay chúng tôi có một thể chế chính trị mặc nhận rằng nhân dân là hoàng đế”. “Thế thì tại hạ có cảm tưởng”, đệ phản bác, “rằng chính thể chế chính trị này kém cỏi, có đúng vậy chăng?”
  8. “Không thể nói vậy được”, Duy-Lân tử nghiêm trang đáp, “thể chế tốt, chỉ con người xấu thôi”. “Các bậc hiền giả dạy”, đệ nói, “ý tại hạ muốn nói: các bậc hiền giả ngày xưa của tại hạ dạy rằng một thể chế chính trị chỉ thật sự tốt, khi nó giả định nhân dân là xấu xa”. “Xấu xa hay ngu muội?” “Các bậc hiền giả ấy dạy rằng đối với thể chế chính trị thì ngu muội cũng như xấu xa thôi”, đệ nói. “Nhưng lời dạy khôn ngoan như thế này là quá cổ xưa cho thế giới của các vị. Các vị chỉ trọng lời dạy khôn ngoan mới mẻ”. Di Ngô trung hậu ơi, đệ xin lỗi vì vừa viết đến đây thì bị đứt đoạn. Có lúc đệ viết vài trang thư này trên phòng, lúc viết dưới đại sảnh của khách sạn. Những gì huynh vừa đọc thì đệ viết dưới sảnh. Duy-Lân tử tới, ngó qua vai đệ – ông vô tư lắm, phải chịu vậy thôi – và cảm thấy thú vị trước nét chữ đẹp nhưng dĩ nhiên hoàn toàn xa lạ với ông. Đệ bảo đệ viết cho người đồng bào ở xa, mà điều này là thật. Ông bảo chiều nay muốn mời đệ tới một phạn điếm có khiêu vũ. Đệ thấy cũng nên biết, nên đã khom lưng nhận lời. Vậy nên đệ chấm dứt thư này ở đây, niêm lại, ngày mai mới đem tới điểm liên lạc. Có thể sẽ có thư của huynh ở đấy. Duy-Lân tử đang chờ dưới kia. Đệ chào huynh. Bạn của huynh, Cao Đài
  9. Thư thứ mười chín (Thứ Hai, 14 tháng Mười) Di Ngô Huynh thân mến, Đệ không rõ nên xếp những gì đệ được biết hôm qua vào loại cuộc sống riêng tư hay công cộng của bọn mũi lõ. Bây giờ đang là buổi sáng và đệ lại ngồi trong tiền sảnh khách sạn. Duy-Lân tử mới xuống lúc nãy và bọn đệ cùng dùng điểm tâm. Sau đó ông lại lên phòng để nữ tiểu nhị quấn cho một tấm gạc lạnh quanh đầu. Ông thân mật, nhưng kiệm lời. Lẽ ra bây giờ ông phải đi dự buổi thuyết trình của một đồng nghiệp, một bậc thầy khác về nghệ thuật trồng rừng. Song ông đã thoái thác và trong vòng bốn giờ nữa không ai được đánh thức ông. Đệ bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với ông và bảo đệ cũng mệt đến nỗi đầu óc rối tung cả. Tuy nhiên đệ vẫn viết cho huynh bức thư này rồi sẽ đem ra điểm liên lạc cùng với lá thư hôm qua. Hôm qua bọn đệ ra đi từ đây, từ khách sạn tới một phạn điếm không xa lắm. Đệ là khách của ông, Duy-Lân tử nói, và ông có một bất ngờ lớn dành cho đệ. Trời buổi tối dịu và đẹp, bọn đệ đi bộ và trò chuyện linh tinh. Duy- Lân tử đã hoàn toàn thành công với chuyện bất ngờ ấy, nhưng nó thuộc loại dung tục, khiến đệ có thể sẽ cho rằng ông thô lỗ (kể cả so với sự thô lỗ nói chung của bọn mũi lõ) nếu trước đó đệ không biết về quan điểm đúng đắn và thắm thiết của ông đối với đệ. Và cũng tí nữa thì đã xảy ra tình cảnh cực kỳ khó xử nhưng Duy-Lân tử nào ngờ, vì ông đâu biết lai lịch của đệ. Số là vừa bước vào phạn điếm đệ đã sửng sốt: chẳng phải bên cạnh địa chỉ viết bằng chữ của bọn mũi lõ là chữ của chúng ta đấy ư? Đúng thế – đệ đọc và sửng sốt – nơi thế giới xa xôi sau cả nghìn năm này rành rành hai chữ “Đại Gia” quen thuộc với chúng ta. Nét chữ không khác những gì chúng ta xưa nay vẫn quen viết. Duy-Lân tử ranh mãnh cười khi thấy vẻ sửng sốt của đệ. Ông kéo đệ vào trong. Ơ kìa, chẳng phải ở đấy đang có vài
  10. ba người đi lại, tuy họ mặc kiểu mũi lõ nhưng nét mặt không thể chối cãi là người từ Trung Quốc đó ư? Đệ không biết cần phải có thái độ thế nào và tuy cảm thấy ở đấy một thoáng thân thuộc nhưng ý nghĩ đầu tiên của đệ là: bỏ chạy. Đệ cảm thấy đã bị phát giác. Nhưng lại tự nhủ: dẫu sao việc đệ làm, chuyến du hành của đệ tới đây, dù khác thường đến đâu cũng không phải là tội ác và không việc gì sợ bị phát giác, dù sẽ khó xử. Một trong những tửu bảo năng nổ chạy tới tiếp bọn đệ (vì có khá ít thực khách trong phạn điếm) và dĩ nhiên y cho rằng đã nhận ra ngay đệ là một đồng bào. Đúng, đệ là đồng bào, nhưng không cùng thời. Y nói với đệ, nhưng đệ hiểu rất ít. Thế lại hóa may, y là người vùng Quảng Châu và nói thứ thổ ngữ khó hiểu vùng ấy. Đệ giải thích cho Duy-Lân tử, ông “à há” ra vẻ hiểu. Thế là thoát nạn và bọn đệ ngồi xuống (những người phục vụ khác, đều là quyến thuộc của gã tửu bảo, dĩ nhiên cũng từ Quảng Châu). Quán này mô phỏng một ngôi nhà Trung Quốc – không đến nỗi tồi, tuy vài ba chữ trang trí trên tường thật vớ vẩn. Ở một bức tường viết: “Một con thỏ ở Khổng Đức không ăn con bọ dừa”, ở một bức tường khác: “Cây kỳ nham với rượu trắng và thiếu phụ của con tàu cũ”. Đệ không dằn được nên đã hỏi tửu bảo nghĩa hai câu này – bằng ngôn ngữ của bọn mũi lõ, vì nếu bằng ngôn ngữ của ta thì y hiểu đệ cũng ít như đệ hiểu y. Tửu bảo lúng túng nói như xin lỗi rằng một nhà thư họa mũi lõ đã chép lại từ một quyển sách mà không hiểu nghĩa. Đến nay chưa ai thắc mắc cả và nếu có một tay mũi lõ hỏi thì y sẽ trả lời rằng đấy là lời của Khổng phu tử. Thật láo xược, lẽ ra đệ phải úp cái thố đựng cơm lên đầu y để trừng phạt, nhưng nể Duy-Lân tử nên đệ lại thôi, vì tính ông vô tư chỉ thấy chuyện này vui là chính. Huynh hãy hình dung phạn điếm này được trang trí như thể người ta mô phỏng lờ mờ thời huy hoàng của chúng ta. Vài hình chạm trổ trên hàng lan can khiến đệ liên tưởng đến phong cách của chúng ta và một vài bình hoa bày chỗ này chỗ nọ có thể coi như mô phỏng thô thiển các sản phẩm thời Tống nếu không nhìn kỹ. Đệ hy vọng có món chả chó nhưng lại thất vọng, đành ăn gà. Việc nấu nướng – cũng giống món cơm – hơi hơi gợi đệ nhớ đến món ăn của chúng ta; đệ hài lòng và nhẹ nhõm vì các món ăn đều
  11. không nấu với sữa bò và những thứ từ sữa. Dường như lũ cháu chắt chúng ta chưa đến nỗi thoái hóa trong việc nấu nướng. Mo-te Shang-dong cũng có. Dẫu sao khi rời khỏi quán “Đại Gia” kỳ lạ này, đệ vẫn thấy nhẹ cả người. Bọn đệ bước ra đường. Đệ đã kể huynh nghe chuyện bọn mũi lõ chia tháng ở đây thành tuần lễ và ý nghĩa luân chuyển của từng ngày trong chu kỳ này. Hôm qua, “Chúa nhật”, là một trong những ngày mọi hàng quán đóng cửa và bọn mũi lõ chạy vớ vẩn trong các công viên. Mãi gần tối cảnh chạy lăng quăng này mới chấm dứt và thành phố trở nên gần như chết. Có gì đấy như bóng dáng của nàng thơ phất phới trong thành phố, nếu lối diễn đạt này không xúc phạm đến nàng thơ cao quý. Tiếng nước giếng lao xao. Nhưng rồi lại nghe tiếng ô-tô, tuy ít xe cộ qua lại nhưng từng tiếng ồn rời rạc gây phiền toái hết sức. Chiều hôm qua như thế đấy. Khi Duy-Lân tử và đệ ra đường thì trời đã tối. Trong thành phố này chẳng có vấn đề gì, vì một là đường sá của bọn mũi lõ được chiếu sáng tự động. Tại những chiếc cột cao bằng ngọn cây chúng treo phí phạm đầy những bóng đèn, biến đêm thành ngày rất phi lý, nhưng có điều lợi là ta không vấp ngã. Hai là bọn lái buôn mũi lõ – đệ đã kể rồi – có thói quen chiếu sáng một cách thô bỉ các cửa sổ trưng bày hàng hóa của chúng, ngay cả khi cửa hàng đóng và chẳng ai có thể mua sắm gì. Mãi đệ vẫn chưa hiểu nổi việc bọn lái buôn khoe khoang thành tích qua chuyện trưng bày hàng hóa. Giả thử đệ chưa kinh tởm bọn thương gia do tư tưởng Khổng học thấm vào đầu óc qua giáo dục[102], thì muộn nhất ở Min-chen này đệ cũng sẽ kinh tởm chúng. “Chà” – đó không phải là một từ trong ngôn ngữ của Trung Hoa đâu, dù nghe có vẻ thế. “Chà”, Duy-Lân tử nói, đại khái có nghĩa: tôi khao khát được biết giờ đây tôi muốn gì. “Chà, mình đi đâu bây giờ?”. Từ chiều cao khổng lồ của mình, ông nhìn ngược nhìn xuôi rồi quay bộ râu to rậm về khắp mọi hướng. Đệ đề nghị đến thăm nàng Pao-leng và giải thích rằng đệ vừa có niềm vinh dự không đáng được hưởng, đó là được phép sắm cho nàng một bộ áo quần dệt bằng lụa trắng, mỏng tanh, phớt kim tuyến, khiến khi được chiếu sáng thích hợp thì thân thể nàng còn lồ lộ mười phần đẹp hơn trong chiếc áo đầm sặc sỡ dợn sóng. Đệ bày tỏ niềm hy vọng rằng khi được yêu
  12. cầu nàng Pao-leng sẽ mặc ngay bộ áo quần đáng trầm trồ này và diễn tả nỗi thú vị mê ly được ngắm nhìn thân thể nàng. Đệ cũng kể về con mèo cái Mỹ tử nữa. “Ôi dào”, Duy-Lân tử nói, “lúc nào đến chẳng được. Trước hết mình lại đằng kia lận một cái vào áo vét đã”. Đó là một câu Duy-Lân tử rất hay nói, đại khái có nghĩa: ông định làm một chầu giải khát. Thế là bọn đệ đi băng qua một quảng trường rộng, vào một tửu quán khác rất to và hơi giống mùi căn lều lớn tại “Lễ hội trăng Thu”. Duy-Lân tử nhất định muốn đệ uống một hal-bal, nhưng đệ khom lưng một phần tư thoái thác. Thành thử một mình ông uống hal-bal, loáng cái ba vại liên tục. Đệ chịu không hiểu bọn mũi lõ làm thế nào mà tài thế, chúng ta sẽ vỡ bụng ngay nếu trút bấy nhiêu chất lỏng vào người. Ông uống ngon lành, rồi vui vẻ đưa tay chùi bọt bia đọng ở hàm râu. Đệ uống một ly vang. Nghĩa là đệ để mặc cho tửu bảo đặt một ly vang trước mặt đệ. Đệ chỉ nhấp chứ không uống hết. Nó đắng. Đệ có cảm tưởng móng tay móng chân rút hết vào cơ thể. Trong quán rất ồn. Một ban nhạc chơi rất to, có vài người hát nữa, nhưng không hay. Để bớt phải ngửi phần nào mùi nồng nặc, bọn đệ châm mỗi người một điếu Da-ving-do. Hút xong, bọn đệ rời khỏi quán. Lúc ở trong quán Duy-Lân tử lại nói tới nghệ thuật trồng rừng, nghề của ông. Thật không dễ dàng, ông thở dài và hỏi ở Trung Quốc chúng ta có gặp những khó khăn này không? Dĩ nhiên ông cho rằng đệ là một du khách từ nước Trung Hoa ngày nay. Làm sao khác được. Đôi ba lần ông vô tư hỏi đệ làm gì, tại sao đến Min-chen và ở bao lâu. Đệ đánh trống lảng. Nhiều lần ông cũng hỏi về tình hình trồng rừng ở Trung Quốc mà ông rất quan tâm. Đã có lần ông được mời qua đấy, song không đi được vì nhiều lý do khiến ông rất tiếc. Tất nhiên rất tiếc đệ không thể thông tin cho ông về trình hình trồng rừng ở Trung Quốc hiện nay, nên cũng lại đánh trống lảng. Đệ dần dà cảm thấy thật khó xử, nên rất ngần ngại khi muốn hỏi ông về vấn đề gì đấy. Ông trở lại chuyện này trong quán thứ hai. “Ông từ đâu đến?” – “Từ
  13. Trung Quốc” – “Biết rồi, nhưng tôi muốn hỏi từ thành phố nào cơ?” Đệ trả lời sát với sự thật – có thể hơi thiếu cân nhắc – “Từ phủ Khai Phong”. Ông rút trong túi một quyển sổ con, lật ra rồi hỏi: “Ông có biết một bậc thầy về trồng rừng tên Trương Thiệu Vũ dạy Đại học Bắc Kinh không? Ông này được coi là chuyên gia xuất sắc nhất về ngành trồng rừng ở Trung Quốc và trước đây đã mời tôi đấy”. Dĩ nhiên đệ đâu biết gã Trương Thiệu Vũ, cháu chắt xa bao đời, sinh sau một nghìn năm này. (Còn Yên Kinh mà bọn mũi lõ gọi là Bắc Kinh thì bây giờ lại thuộc về Trung Quốc rồi, như trước thời chúng ta; ít nhất đó cũng là một mặt đáng mừng của tương lai. Nay nó là kinh đô của vương quốc ta đấy)[103]. Đệ đáp: “Có chứ. Tuy tại hạ không vinh dự quen biết cá nhân ông ta, nhưng danh tiếng lẫy lừng không tưởng tượng nổi của ông ta dĩ nhiên cũng lan tới đôi tai bẩn thỉu của tại hạ chứ”. Huynh và đệ cũng như mọi người ở nước ta đều không khó khăn gì để hiểu qua một câu trả lời như thế này nghĩa là tôi chẳng biết ông ấy là ai cả. Bọn mũi lõ không thế. Chúng bám từng chữ một. Ta thận trọng mấy cũng không đủ. Nghe thế, Duy-Lân tử liền reo lên, vỗ đôi bàn tay to tướng lên vai đệ và nói lớn: “Tuyệt quá. Thế thì mai chúng ta sẽ gọi ông ấy”. Ở đây người ta không hiểu “gọi” là một hành động cúng bái, như kiểu gọi hồn, mà là nhấc chiếc máy te-lei-fong củ cải mà đệ đã kể cho huynh và trò chuyện với một người ở xa. “Gọi ông Trương Thiệu Vũ ư?” đệ sửng sốt kêu. “Gọi đi Bắc Kinh? Được à?” “Sao lại không?” Duy-Lân tử nói. “Có thể phải chờ lâu hơn mới nối được đường dây, nhưng dứt khoát được. Từ khi tới đây, ông chưa từng gọi về Bắc Kinh à?” Đệ trấn tĩnh thật nhanh. “À, có chứ”, đệ đáp, “đầu óc tại hạ vẩn vơ đâu thế nhỉ. Dĩ nhiên tại hạ gọi về nhà rồi chứ”. “Đấy”, Duy-Lân tử nói. “Thành ra chúng ta cũng có thể gọi được cho ông Trương Thiệu Vũ”.
  14. “Nhưng tại hạ đâu quen biết con người này, dù tại hạ hoàn toàn không hoài nghi về kiến thức chuyên môn khiến thế giới phải ngạc nhiên của ông ta!” “Không sao, không sao”, ông nói, “ông ấy là một đồng nghiệp của tôi và ông chỉ cần nêu tên tôi là ông ấy biết ngay.” “Được”, đệ nói, “mai vậy”. Đệ hy vọng có thể đến mai ông sẽ quên chuyện này. Bọn đệ rời khỏi quán thứ hai. Đã khuya rồi và đệ hy vọng bọn đệ sẽ cất bước về hướng khách sạn. Mới đầu bọn đệ đi về hướng đó thật, nhưng rồi Duy-Lân tử nắm nhẹ cánh tay đệ, cúi xuống khiến hàm râu cứng tròn trịa của ông cạ vào má đệ: “Bây giờ mình tới “Thiên Đường!” Đó là một quán khác mang cái tên hoàn toàn không tương xứng này. Quán tối om, bọn đệ bước vào trong qua một tấm màn nặng chịch màu nhung đỏ được một tửu bảo mặc đồ đen nhanh nhẹn kéo qua một bên. Ở đấy có nhiều chiếc ghế con màu vàng kim trông mảnh dẻ bên những chiếc bàn ọp ẹp, có mùi long não lẫn mùi chanh. Quán có vẻ ít khách vãng lai nên đệ bảo ngay với Duy-Lân tử: “Nói thế này là vừa không khiêm tốn vừa ngu dốt, song tại hạ nghĩ mình được phép lưu ý túc hạ rằng dường như chúng ta là những người khách duy nhất và tuy kém nhạy bén với mọi chuyện khác, song như tại hạ biết loại tửu bảo của những nhà hàng kiểu này, đặc biệt là các chủ quán, sẽ không ngần ngại trút lên đầu chúng ta những khoản mà chúng không hề thực hiện”. Duy-Lân tử bảo đối với ông chuyện này là “một cái ruột bò nhồi thịt bằm” (lối nói này của bọn mũi lõ có nghĩa: chẳng đáng quan tâm), vì hôm qua ông nhận được khoản thù lao cao không ngờ cho bài thuyết trình của ông và ông đã kiên quyết hôm nay cùng đệ ăn mừng. Song quán vẫn có những khách khác nữa, tất nhiên rất ít, tối đa một chục và toàn đàn ông mà vì tối quá nên thoạt tiên đệ không nhận ra. Họ ngồi lọt thỏm trong những cái hốc bọc nhung, nhìn lơ đãng. Vài người phụ nữ ngồi uể oải trên chiếc trường kỷ đặt trong một góc; rõ ràng họ không phải là khách, mà thuộc vào loại ta biết ngay họ hành nghề gì, cho dù ta xa
  15. lạ với thế giới này. Thấy bọn đệ vào quán, một nàng trong đám ấy đứng dậy, vươn vai định lại với bọn đệ. Tửu bảo hỏi: “Quý vị cần người bồi tiếp không ạ?” Duy-Lân tử từ chối: “Lát nữa hẵng hay”, tửu bảo liền quay qua ra hiệu và nàng phụng phịu ngồi xuống. Trong quán này cũng có một ban nhạc gồm ba người. Phúc đức sao họ chơi không ồn ào, nhưng rõ ràng không hứng thú. Tửu bảo dẫn bọn đệ tới một trong những cái hốc bọc nhung và Duy-Lân tử gọi một chai Mo-te Shang-dong. Đột nhiên quán trở nên tối hơn. Ban nhạc ngừng chơi. Một tấm màn nhung được kéo qua bên và một gã trông như con ếch chào bọn đệ – nghĩa là chào mọi khách đang ngồi hơi khuất trong những hốc – và xun xoe giới thiệu, theo đệ hiểu là một màn trình diễn nhào lộn. Ngay sau đó ban nhạc chơi tiếp và một nàng mặc áo đầm màu bạc bước ra sân khấu, cất giọng hát dù không mấy hay ho. Lát sau nàng cởi bỏ áo quần hết mảnh này đến mảnh khác (vẫn không ngừng hát) và ném những mảnh này vào những hang hốc khách ngồi. Chúng óng ánh như bạc, nhưng khách không được giữ; sau màn trình diễn tửu bảo sẽ đi thu lại. Nàng kia vẫn tiếp tục hát dù đã hoàn toàn thoát y, chỉ giữ bằng tay một bông hồng to màu bạc trước khoảnh vườn hình tam giác của nàng. Khi bài hát (mà đệ không hiểu ca từ) kết thúc, nàng cũng tung hê luôn bông hồng, rồi nhún nhảy đi vào trong. Duy-Lân tử và các khách khác vỗ tay thích thú. Đệ hỏi màn vừa rồi làm ông thích thật ư. Ông bảo: cũng được. Sau phút nghỉ giải lao còn nhiều màn trình diễn như thế nữa, chẳng màn nào nhào lộn thật. Nàng nào cũng thoát y – hoặc vừa hát hoặc không. Một nàng thật đẫy đà, được một con chó cũng rất mập giúp cởi bỏ quần áo. (Dĩ nhiên đệ hiểu người ta không thịt một con chó như thế này, vì hiển nhiên phải tốn bao công phu mới huấn luyện được nó cởi quần áo cho người). Nàng rúc rích như chuột kêu mỗi khi con chó dùng mõm kéo một mảnh áo quần của nàng rồi chạy ra ngoài, còn con chó chẳng sủa gì. Khi đã hoàn toàn trần truồng rồi, nàng nằm lên một chiếc tràng kỷ, kéo con chó vào giữa hai đùi, rồi rên rỉ. Khi đệ bật cười thì người đàn ông ở hốc bên cạnh liền suỵt!
  16. Màn trình diễn duy nhất đáng gọi là nhào lộn là của một gã mặc quần lót màu cam thẫm; gã thọc một ngón tay vào chiếc chai đặt trên sàn, rồi chĩa hai chân lên trời giữ thăng bằng chỉ nhờ ngón tay này. Gã đã phải rất vất vả để cởi bỏ áo quần của ba cô nàng nhảy múa xung quanh với bàn tay còn lại. Một nàng khác trần truồng bước lên bục, nuốt những quả bóng nhỏ màu trắng rồi không hiểu bằng cách nào lại đẩy chúng ra ở chỗ khác, hiển nhiên đó là một thủ thuật đánh lừa. Một nàng nữa thoát y trong lúc không ngớt vặn vẹo thân thể, xòe tay bưng một chiếc khay với năm cái ly. Một cái ly rơi xuống, khiến một nàng thoát y tiếp sau chạm phải mảnh vụn, hông chảy máu nên đã giận dữ không trình diễn tiếp. Đệ thích màn này nhất, song không nghĩ rằng nó có trong chương trình. Trong lúc ấy đệ thấy Duy-Lân tử không ngớt ngó sang hốc bên cạnh. Ông nhìn chằm chằm người đàn ông đã “suỵt” đệ, rồi huých đệ và khẽ nói: “Ông nhìn kìa – một trong những viên thượng thư uy quyền nhất đấy nhé. Hắn tên là Chi, một kẻ mọi rợ phía Nam, được coi là đã khai man trước tòa”[104]. Đệ buột miệng: “Chuyện này tại hạ không lạ. Nước tại hạ cũng có thượng thư khai man mà ” Lúc ấy đệ nghĩ đến viên quan Tịnh Ngụy, giàu sụ nhờ cung cấp chiến xa cho đám tướng mạn Bắc[105]. “Đúng, đúng”, Duy-Lân tử nói, “tôi có nghe nói”. Hiển nhiên ông quy điều đệ vừa nói vào nước Trung Hoa ngày nay, dường như vẫn chẳng khác xưa. Viên thượng thư khai man Chi, một gã Nam man, phụ trách về vấn đề bồ hóng trong không khí nhưng mới gần đây thôi, Duy-Lân tử giải thích. Viên thượng thư trước tên là Mu, tuy không can tội khai man (hoặc không nghe nói tới) nhưng bất tài, ông nói thêm, thành ra phải giới hạn việc đánh giá với từng thượng thư. “Thế”, đệ hỏi, “ngài thượng thư khai man đáng kính định sẽ làm gì chống lại bồ hóng trong không khí?” “Ông ta đã ra một chỉ thị khắt khe”, Duy-Lân tử nói. Qua nét mặt đệ
  17. thấy ông không thật nghĩ như thế. “Một chỉ thị chống bồ hóng trong không khí? Bồ hóng sẽ tuân theo ư?” Duy-Lân tử cười. “Câu hỏi chí lý lắm”, ông nói. “Bồ hóng sẽ không tuân theo, nhất là những người tạo ra bồ hóng”. Đệ dội lại: “Có những kẻ tạo ra bồ hóng và thải ra ngoài không khí à? Họ cố tình ư? Không ngăn chặn họ được sao?” “Ông hỏi cứ như thể ông từ cung trăng rơi xuống vậy!” Duy-Lân tử đáp. Đệ làm như không nghe thấy câu nói bẫy này. “Thế nào là cố tình? Đúng, ít nhiều cố tình. Nhưng vấn đề này ở Trung Quốc cũng có vậy, tuy có lẽ ở mức ít hơn bên chúng tôi”. Đệ hiểu rõ rằng muốn có thêm kiến thức từ vốn hiểu biết đặc biệt của Duy-Lân tử, đệ phải tìm ra một lời giải thích nào đấy cho sự hoàn toàn ngu dốt của đệ. Cách đơn giản nhất dĩ nhiên là nói thẳng cho ông biết lai lịch của đệ. Tuy vậy đệ ngần ngại – bây giờ vẫn thế – vì ông sẽ không tin. Ông khác nàng Pao-leng và ông Shi-shmi, những người đệ tin cậy được. Không phải Duy-Lân tử không đáng tin cậy, nhưng ông thuộc loại người chỉ tin những gì sờ mó được. Không sao, đệ có thể thuyết phục bằng cách cho ông xem chiếc la bàn và dẫn ông tới điểm liên lạc để ông chứng kiến cái bao dùng liên lạc biến mất cùng với bức thư. Lúc ấy ông sẽ tin đệ; nhưng, như đệ nhận định về ông, ông sẽ treo ngay chuyện này vào chiếc chuông to (một cách nói của bọn mũi lõ, đại khái nghĩa là kể lể cùng khắp) và còn nghĩ làm thế là giúp đệ nữa chứ. Thành ra đệ mới dông dài, cung kính bảo rằng đệ là một triết gia, nghiên cứu tư tưởng của đức thánh Khổng. (Duy-Lân tử có biết về bậc hiền giả đồi hạnh này). Đệ còn nói thêm là những năm qua đệ chỉ chiêm nghiệm nghệ thuật thâm trầm cùng những nghiên cứu không còn được lưu hành về cổ thư. Những chuyện xảy ra trên thế giới đệ không quan tâm, đệ không khác gì một ẩn sĩ. Duy-Lân tử hoài nghi nhìn đệ, nhưng không hỏi nữa. “Túc hạ cứ cho rằng tại hạ sống ở cung trăng cũng không sao mà”, đệ nói.
  18. “Thế thì tôi chịu không biết nên bắt đầu từ đâu để giải thích tất cả những chuyện này cho ông”, Duy-Lân tử nói, “mình nói đến chỗ nào rồi nhỉ?” “Tại hạ cảm thấy thú vị khi nghe túc hạ bảo rằng có những người ít nhiều cố tình thải bồ hóng vào không khí”. Những gì ông nói tiếp đệ không thể thuật lại bằng ngôn ngữ của chúng ta. Đó là những từ không dịch được, trong ngôn ngữ của chúng ta không có lấy một từ tương đương, vì chúng ta – đội ơn trời – không có đối tượng thuộc khái niệm ấy. “Khí thải”, “Seveso”[106], “Fa-wiq”[107]. Duy nhất đệ có thể tạm dịch là khái niệm mưa-giấm[108]. Đệ rất sửng sốt khi Duy-Lân tử bảo ở đây có mưa-giấm. Đệ bảo tuy đã thấy nhiều thứ bẩn thỉu và hại sức khỏe ở thế giới này nhưng mưa giấm thì chưa hề, dù rằng theo tình trạng ở đây hiện nay thì điều này sẽ không khiến đệ ngạc nhiên. Có đấy, ông nói. Mưa-giấm tồn tại, nhưng người ta không biết đấy thôi. Phải gọi đó là giấm rất loãng vì lẫn nước mưa khiến con người không nhận thấy, nhưng nó hại cây cối. Mưa-giấm khiến cây khô héo, cụ thể là loại cây lá kim mà ông vừa mới kể cho đệ. Nếu đệ muốn, ông có thể chỉ cho đệ thấy – ngay gần Min-chen này thôi, những cánh rừng không còn là rừng nữa mà chỉ còn là những bộ xương của rừng. Ở đấy chỉ còn những lõi cây khô héo và chút ít cỏ dại trên nền đất. Đúng là hình phạt của trời theo nghĩa đen, vì mưa-giấm rơi xuống từ trời. Chẳng bao lâu nữa những nơi trước đây là rừng sẽ đều như thế cả. Nhưng tất nhiên đó không phải là trời trừng phạt mà đúng hơn chính là con người, loài sâu bọ này đã gây ra mưa-giấm. Còn hắn, hắn chỉ biết ban bố chỉ thị! Duy-Lân tử dứ dứ nắm đấm về phía viên thượng thư khai man Chi vẫn đang ngồi, nhưng không biết gì về cái nắm đấm, vì đang nhìn như bị hớp hồn một cô nàng đang giao cấu với mỏ một con vẹt. Như đã nói, đệ không thể dịch những điều này sang ngôn ngữ của chúng ta được. Fa-wiq là gì? Đệ không biết. Hẳn thế giới này còn nhiều thứ đệ chưa thấy, có thể đó lại là những thứ quan trọng. Đệ chỉ có thể diễn nghĩa lại thôi – giống như Duy-Lân tử thử diễn tả vòng vo cho đệ hiểu theo kiểu hơi sống sượng và hời hợt nhưng tượng hình của ông: cơ thể con
  19. người phải thải ra những thể dịch thừa thãi, gây khó chịu và hơi lẫn phân, chúng đều hôi hám cả, thì xã hội cũng thải ra những khí, những dịch và mùi hôi độc hại. Con người chọn nơi kín đáo để trút những thứ rác rưởi này, còn xã hội (đệ nói thêm là của bọn mũi lõ) nói chung làm việc này hoàn toàn công khai và vô liêm sỉ. “Giống như chúng ta – xin lỗi vì lối diễn đạt này – cả năm trời ị ra phòng khách rồi ngạc nhiên sao nó hôi hám, không ở nổi. Xã hội của chúng tôi hiện đang ở tình trạng này đấy”, Duy-Lân tử nói. “Có phải đã quá muộn để chống lại chăng?” “Đôi khi tôi e như thế thật”, ông nói. Bọn đệ rời quán thoát y sau khi Duy-Lân tử trả một số tiền không nhỏ. Lúc ấy khuya rồi, quá nửa đêm đã lâu. Bọn đệ lặng lẽ và trầm ngâm đi về khách sạn. Trời lắc rắc mưa, đệ xòe tay và quan sát những giọt mưa trên lưng bàn tay. “Chà, chà ”, Duy-Lân tử nói. “Giấm chăng?” đệ hỏi. “Trước kia”, Duy-Lân tử nói, “tôi lạc quan và thỉnh thoảng mới sợ rằng đã quá muộn. Còn nay? Nay hiếm có những giây phút tôi không sợ”. Bọn đệ chia tay trong đại sảnh khách sạn. Những gì đệ thấy trong thế giới này chưa đủ ư? Chẳng phải đệ đã biết rằng nó mục nát, suy đồi và tiến tới sự diệt vong không cưỡng lại được ư? Tuy còn nhiều thứ đệ chưa thấy, nhưng thật ra đệ có thể quay về cố hương được rồi dĩ nhiên không thể không thăm nàng Pao-leng lần nữa. Nàng và thầy Ve-to-feng là niềm vui trong chuỗi ngày dài buồn tẻ. Nhưng những niềm vui này giúp được gì khi ta bị đẩy tới vực thẳm. Đệ cảm thấy như vậy đấy. Đệ muốn trốn chạy, nhưng chiếc la bàn mà chúng ta thiết kế không cho phép. Đệ phải chờ đến thời điểm đã tính toán và rất tiếc còn phải chờ lâu nữa. Cho đến lúc ấy đệ sẽ sống thoải mái như có thể. Ba ngày nữa đệ sẽ lại tới thăm ông Shi-shmi, lúc ấy bộ tứ lại chơi ở nhà ông. Đệ mong được nghe
  20. lắm. Mai nàng Pao-leng sẽ dẫn đệ tới một ông chế gọng mắt. Ông ta sẽ đo cho đệ một cái để đệ có thể đọc tốt hơn và không phải cầm giấy thật xa mỗi khi viết và đọc, nàng nói vậy. Đệ ôm huynh, người bạn trung hậu và yêu quý nhất. Đệ mong chờ ngày trở về. Cao Đài
  21. Thư thứ hai mươi (Chủ nhật, 20 tháng Mười) Di Ngô bằng hữu thân mến, Rốt cuộc mùa thu đã đến rồi. Cây lá đã thay màu. Hôm nay là ngày thu đầu tiên có trăng, song chẳng tên mũi lõ nào quan tâm đến chuyện này. Nghe đệ nói, nàng Paoleng chỉ đáp vắn tắt: “Thế à?” Bọn mũi lõ không những đã đánh mất mối quan hệ với sự vật, mà thậm chí chúng mất luôn cả ý nghĩa về sự cần thiết của mối quan hệ, cho nên chúng không cảm thấy sự mất trật tự của chúng là mất trật tự. Thế thì ta có thể tự hỏi (nếu ta suy nghĩ theo kiểu của bọn mũi lõ chuyên lật tới lật lui vấn đề, hệt như chúng luôn chạy tới chạy lui) chẳng phải là tốt ư, nếu ít nhất chúng không cảm thấy sự mất trật tự là mất trật tự, khi đằng nào chúng cũng sống trong sự mất trật tự rồi? Phải chăng mất trật tự, một khi ta không cảm thấy, chính là trật tự? Một tay mũi lõ nếu nghĩ được tới đó, sẽ không chần chừ xác nhận câu hỏi này ngay. Sở dĩ thế là vì chúng đã mất đi mối quan hệ với sự vật và đã thay ý thức về mối quan hệ này bằng sự quan trọng hóa cá nhân chúng mà chúng cho là lớn lao. Chúng ta, bạn thân mến ạ, nhờ giáo huấn của Khổng phu tử và các môn sinh của ngài, có được một kiến thức vững vàng về trời tròn và đất vuông, tối và sáng, năm phương trời, bốn mùa và ngũ cốc. Sự hình thành thế giới của chúng ta là hoàn hảo (như bộ xà nhà chính cống được lắp ghép), đâu vào đấy một khi chúng ta tuân thủ những điều kiện sẵn có. Và khi muốn biết thế nào là chân lý, chúng ta chỉ cần tìm hiểu kỹ trong các kinh thư “Luận Ngữ” hoặc “Lễ Kí” bất tử. Tất nhiên thế giới của chúng ta không phải lúc nào cũng tốt cả. Chúng ta biết rất rõ, vì thế hệ chúng ta đủ lớn để từng trải những tội ác khủng khiếp, kinh tởm của chiến tranh thời Ngũ Đại, và phải chờ đến khi được đức Thái tổ tôn kính (chẳng may sớm băng hà), người đã sáng lập nên triều
  22. Tống của chúng ta giải thoát. Nhưng những tội ác khủng khiếp này, những nội chiến này từ đâu mà ra? Từ sự mất trật tự. Từ việc phong tục tập quán xưa không được tuân thủ khiến người ta không còn xem lời giáo huấn của nhân dân là quan trọng nữa, khiến em không tuân phục anh, con cái không kính cha sợ mẹ, các vương hầu không chọn người xứng đáng làm tể tướng, thượng khanh mà lại cất nhắc bọn khua môi múa mỏ. Rõ ràng trong những hoàn cảnh như thế, khi sự vận hành giữa trời và đất bị lơi lỏng thì không thể không có hậu quả: lũ lụt, mất mùa, bọ cạp cắn trẻ thơ, cuối cùng là các cuộc nội chiến thời Ngũ Đại. Và cũng rõ ràng chỉ cần tái lập sự vận hành giữa trời và đất là có lại trật tự ngay. Bọn mũi lõ không nhận ra được sự vận hành này nữa. Chúng vô cảm trước sự vô trật tự, chúng bị thương tổn do hiếu động – đệ thấy rất rõ điều này qua nàng Pao-leng – nhưng không chịu nhìn nhận những khuôn vàng thước ngọc. Chúng luôn nghĩ sự vật phải hướng theo chúng mà quên rằng chúng phải hướng theo sự vật. Bọn chúng có cả một ngành khoa học khẳng định đã nghiên cứu tâm hồn con người. Ngành tự thị khoa học này là điển hình cho bọn mũi lõ. Thay vì phải tuân thủ rồi hướng theo những quan hệ giữa đất và trời, chúng lại lắng nghe tâm hồn khốn khổ của chúng, cố tìm hiểu xem con sâu nào đang co giật trong đó. Và chúng không quy mọi bất hạnh vào sự mất trật tự hình thành do mất kiến thức về mối tương quan của sự vật, mà vào những thứ khôi hài nào đấy đã tác động vào tâm hồn chúng thời thơ ấu hoặc thậm chí lúc còn trong bụng mẹ, hoặc do chúng được nuôi bằng cháo kê không đúng loại hoặc phải tắm quá nóng hay quá lạnh. Khi bọn mũi lõ nghiên cứu tâm hồn chúng, chúng liền cảm thấy chúng bệnh hoạn – tất nhiên rồi, làm sao khác được, thật là khôi hài. Một khi khám bệnh quá nhiều, ta sẽ cảm thấy mình đau ốm. Khi bọn mũi lõ cảm thấy tâm hồn chúng bệnh hoạn, chúng sẽ bất mãn và bồn chồn không yên. Khi bất mãn và bồn chồn không yên, chúng sẽ uống những viên thuốc nhỏ màu trắng hoặc hồng hoặc vàng (những màu này không phải theo mùa như mới đầu đệ tưởng, mà tùy tiện) rồi vì thế mà co thắt bao tử. Ở nàng Pao-leng đệ cũng thấy thế – rất tiếc. Nàng thà bị co thắt bao tử hơn là cố
  23. gắng nhận ra mối liên quan của sự vật. Đệ khuyên nàng đọc quyển “Lễ Kí” đáng kính đã được dịch sang ngôn ngữ của bọn mũi lõ. Đệ đã vào một trong những thư quán khổng lồ ở đây và hỏi về nó – dò hỏi thôi và chuẩn bị sẵn tinh thần rằng sẽ bị chế giễu. Trong thư quán có một bà phân phát sách cho khách. Đệ hỏi và quả thật bà không những chỉ mang ra quyển “Lễ Kí”, mà còn “Luận Ngữ” và “Kinh Dịch”, cả “Đạo Đức Kinh” nữa, tất cả đã dịch sang ngôn ngữ của bọn mũi lõ. Đệ mua quyển “Lễ Kí”. Bây giờ đệ đọc tiếng của bọn mũi lõ đã khá thông thạo để biết bản dịch có chuyển đúng ý tác phẩm đáng kính này không. Nó chuyển đúng. Cho nên đệ đã khom lưng tặng cho nàng Pao-leng, yêu cầu nàng đọc. Cho tới nay nàng chưa đọc, nàng bảo hiện không có thì giờ. Song đệ đoán thật ra nàng sợ trước sự nhận thức và thà uống những viên thuốc nhỏ kia hơn. Qua nàng Pao-leng mà đệ biết những chuyện của môn gọi là khoa học về tinh thần. Một ngày nọ, lâu rồi, nàng bảo rằng một bà bạn muốn làm quen đệ. Đệ không phản đối, ngược lại đệ còn muốn thu thập thêm nhiều kinh nghiệm nên đồng ý, đâu ngờ sẽ gặp phải chuyện gì. Mấy ngày trước, không lâu sau khi đệ viết xong bức thư cuối, nàng Pao-leng bảo rằng bọn đệ, nàng và đệ, được bà bạn kia mời đến ăn tối. Huynh chớ suy diễn từ những điều đệ vừa viết, dường như có vẻ trách móc về nàng Pao-leng, rằng tình cảm của đệ với nàng đã thay đổi hoặc sau khi đã biết rõ nàng, đệ coi nàng là thứ gà mái điên rồ. Không! Trước sau đệ vẫn rất mến nàng và đối với đệ thì những hoan lạc ái ân được nàng dành cho đúng là suối nguồn sảng khoái. Điều đệ trách móc không phải là sự suy nhược của nàng mà của bọn mũi lõ nói chung, của môi trường nàng đang sống và dĩ nhiên không thoát ra nổi, trừ khi nàng dứt khoát đọc “Lễ Kí”. Đệ rất xúc động trước việc nàng Pao-leng luôn chăm sóc đệ, gọi đệ là “chàng người Hoa bé nhỏ” của nàng và làm nhiều điều để đệ được thoải mái trong những ngày ở đây. Chẳng hạn nàng đã mua một chiếc áo lưới màu gỉ nâu nhưng đệ không muốn viết về chuyện này. Nàng rất chu đáo nên đã bảo ngay bà bạn đừng nấu món gì có sữa bò, cũng như mua sẵn và để lạnh rượu Mo-te Shang-dong. Tối đến, bọn đệ leo lên chiếc ô-tô con của nàng Pao-leng, chạy qua nhiều đường phố ra tới một vùng ngoại ô có cây cối. Giữa những cây này cũng có những ngôi nhà, có cái lớn như trong
  24. trung tâm thành phố. Bà bạn ở một trong những ngôi nhà này. Bà tên Đạt- ma[109] và không cao lớn hơn đệ mấy. Đệ được biết bà Đạt-ma tuy có chồng nhưng ông này hiện sống ở xa và ra lệnh cho bà qua te-lei-fong. Bà Đạt-ma không có con cái. Đây cũng là một vấn đề phức tạp mà đệ đã dò hỏi. Huynh biết tính đệ không thích loan truyền những chuyện riêng tư của người khác, nhưng vì chuyện này thuộc về thế giới của bọn mũi lõ, nên đệ sẽ viết. Sau một thời gian ân ái với nàng Pao-leng, người bạn gái xinh đẹp của đệ, và vì đệ chưa hề tiết chế trong việc trao hết tinh lực đàn ông của đệ vào trong lòng nàng, đệ đã ngẫm nghĩ nếu nàng Pao-leng cho ra đời một đứa nhỏ – theo đệ tính toán hẳn không lâu sau khi đệ rời khỏi đây – thì sẽ thế nào. Nếu là con trai, đệ nghĩ, nên đặt tên nó là Cao Lương. Một ngày nọ đệ cũng đã nói chuyện này với nàng Pao-leng, vì đệ muốn để lại cho nàng số dự trữ mà đệ kiên quyết không động tới: những chiếc ly vàng, để nuôi dạy đứa con trai. Nàng cười bảo đệ không cần phải lo. Sao lại lo? đệ hỏi. Con cái chỉ gây lo lắng khi chúng không tiếp thu nghiêm chỉnh việc giáo dục và không thừa nhận lề thói xã hội. Tại sao một đứa con trai lại là mối lo được? Dù đệ có – trong quá khứ xa xăm – bốn con trai với chính thất, tám con trai với các hầu thiếp, ngoài ra còn khoảng ba mươi con gái, tuy vậy mỗi lần có con đệ đều vui mừng, nhất là con trai. Tất nhiên lần này có hơi kỳ lạ, vì đứa bé được sinh ra bởi hạt giống tạm gọi là đã nghìn năm tuổi, một sự kiện làm đảo lộn ghê gớm cái trật tự vốn đậm nét về các thế hệ. Nhưng nếu trời cao không sập vì sự vô trật tự mà đệ thấy trong thế giới của bọn mũi lõ, nó cũng sẽ không vì đứa nhỏ kỳ lạ này mà sập, đệ nghĩ thế. Không, không phải thế, nàng Pao-leng nói, mà nàng không thể có con. Sao, nàng vô sinh ư? đệ hỏi. Không, nàng nói, mà vì lúc ấy nàng cũng uống thuốc. Thế đấy. Bọn mũi lõ không chỉ uống thuốc để chống lại sự co thắt trong tâm hồn, mà còn để không có con. Tất nhiên đệ đã yêu cầu nàng cho xem thứ thuốc ngừa có con ấy. Nó nhỏ xíu, màu trắng và người phụ nữ không thu nhận nó ở chỗ mà huynh có thể phỏng đoán qua mối liên hệ này, mà ở
  25. miệng. Việc sinh nở con cái khiến người phụ nữ phải hứng chịu một số phiền toái nào đấy là hiển nhiên, như đệ được biết. Với viên thuốc tí tẹo này bọn phụ nữ mũi lõ có thể dễ dàng tránh sinh nở và có thể ta cho rằng sẽ chẳng mụ nào sinh con nữa. Dường như không phải thế vì đệ vẫn thấy trẻ con chạy loăng quăng. Đệ cũng đã hỏi nàng Paoleng chuyện này. Nàng trả lời rằng vấn đề này đã thay đổi trên hai phương diện. Những người phụ nữ thượng lưu, có hiểu biết và những người khôn ngoan muốn giữ độc lập (một ý tưởng mà chúng ta khó hiểu nổi) hoặc những nàng hầu, những nữ nghệ sĩ thoát y cũng như những vũ nữ và những kẻ tương tự không có con hoặc chỉ có rất ít và thường bởi họ quên không uống viên thuốc nhỏ xíu màu trắng đó. Phụ nữ tầng lớp dưới nhiều con hơn. Dĩ nhiên cũng có ngoại lệ; nàng bảo có biết một ông rất trí thức với bà vợ rất thông minh và họ có nhiều con, bảy hay chín đứa gì đấy. Nàng chưa từng hỏi nhưng cho rằng đơn giản chỉ vì ông ta, một học giả cao cấp đã có nhiều công lao bất tử trong âm nhạc, rất thích được làm cha. Có ngoại lệ đấy, nhưng không thường. Ngoài ra vấn đề này còn có lý do tôn giáo nữa, nàng giải thích, nhưng nếu kể ra ở đây sẽ thành đi quá xa. Nói chung, nàng Pao-leng nói tiếp, ở Ba Yan này và những xứ xung quanh càng ngày càng ít trẻ con ra đời, vì dân chúng ở đây giàu có, có ánh sáng từ dây[110] và nhiều trò tiêu khiển. Nơi đâu không có những thứ này – nàng Pao-leng gọi những vùng ấy bằng cái tên thoạt tiên khó hiểu: “thế giới thứ ba” – trẻ con ra đời rất nhiều, quá nhiều, khiến gần như không còn chỗ ở nữa, nhất là vì ở những vùng đó không có gì để ăn. “Trung Quốc, mà nàng gọi là Chi-na ấy, có thuộc vào những vùng gọi là thế giới thứ ba này không?” đệ hỏi. “Có và không”, nàng đáp. Vấn đề này thật khó trả lời. “Thôi được”, đệ nói. “Nhưng nếu ở những vùng ấy người ta sinh sôi nhiều đến mức giẫm đạp lên chân nhau” (chân bọn mũi lõ to lắm, đệ chỉ nghĩ chứ không nói ra, vì phải công nhận rằng theo quan niệm của chúng ta – mình biết riêng với nhau thôi nhé – chân nàng Pao-leng quá lớn) “và nếu ở đó bọn chúng bắt đầu ăn thịt lẫn nhau – điều này sẽ tạo nên một sự
  26. quân bình nào đấy đối với sự sinh sôi ngoài ý muốn, song cuối cùng cũng không phải là giải pháp – tại sao người dân ở đó không đến đây, nơi có đủ chỗ ở và thừa thức ăn?” “Vì lý do đơn giản”, nàng Pao-leng nói, “người dân ở đó không biết điều này”. “Còn dân xứ nàng không kể cho họ biết?” đệ hỏi. “Đúng thế”, nàng nói. Nhưng có lẽ không hẳn như thế. Đệ sẽ tìm hiểu cặn kẽ chuyện này. Có thể đệ sẽ hỏi Duy-Lân tử. Dẫu sao bà Đạt-ma cũng không có con cái. Bà thuộc loại phụ nữ có học, muốn giữ sự độc lập, dù không rõ họ hiểu thế nào là độc lập. Bà tiếp bọn đệ rất niềm nở. Bữa ăn tạm được, Mo-te Shang-dong lạnh đúng mức. Bọn đệ chuyện trò đủ thứ và đệ thấy thoải mái, tuy rằng vài pho tượng nho nhỏ, một tấm thảm và vài vật khác bày quanh đấy khiến đệ khó chịu nhớ tới những biểu tượng Phật giáo. Ăn xong được một lúc, bà Đạt-ma đề nghị mọi người xuống phòng làm toát mồ hôi dưới hầm. Đệ chẳng hiểu ất giáp gì, còn nàng Pao-leng đồng ý ngay, bảo đệ cứ việc đi cùng rồi sẽ biết, để nàng khỏi phải giải thích dài dòng. Nàng bảo nó sẽ làm cho ta tỉnh táo và phấn chấn. Đệ không muốn kể chi tiết mọi chuyện ở đây. Nói tóm tắt thì phòng làm toát mồ hôi này gọi là “Sao-na” – tắm xông hơi, mới phổ biến gần đây thôi. Ai phát minh ra nó và đầu óc người đó nghĩ gì khi nảy ra ý tưởng này thì với đệ vẫn là điều nan giải. Nói chung hẳn nó liên quan đến bệnh đam mê không bao giờ thỏa mãn là làm ướt thân thể. Về chuyện này thỉnh thoảng đệ sẽ kể để huynh rõ. Từ lâu đệ ngờ rằng bọn mũi lõ có ham thích lạ lùng là làm ướt thân thể. Từ khi có hiện tượng này, nhiều nhà đã xây phòng làm toát mồ hôi. (Trong khách sạn cũng có một cái, đệ mới biết đây, nhưng tất nhiên đệ không xuống đó). Căn phòng này rất chật, ốp gỗ và nóng đến ngộp thở. Người ta cũng xịt nước lên người, tuy không xịt thì cũng vẫn nhễ nhại mồ hôi như con heo sữa, kinh hoàng, người ta dùng những bó cành cây khô nhỏ đập nhẹ lên lưng nhau. Thỉnh thoảng phải
  27. trầm người trong nước lạnh – cái này khó chịu nhất, có thể nói chẳng gì so sánh được kể từ khi cột sắt nung đỏ không được dùng làm dụng cụ tra tấn nữa. Điều thú vị là – nhờ chịu sự đọa đày khác lạ nói trên mà đệ có thêm nhận thức mới – hai nàng không chút ngại ngùng cởi bỏ hết áo quần trước mặt đệ. Đệ muốn nói cả bà Đạt-ma cũng không ngần ngại. Tuy phản đối kịch liệt, đệ cũng phải làm theo. Nàng Pao-leng rít lên rằng đệ chớ nên điệu bộ như thế. Trong một phòng làm toát mồ hôi Sao-na, chuyện này bình thường và nếu đệ – đệ hết lòng năn nỉ – muốn giữ lại quần, nữ chủ nhân sẽ coi đó là vô cùng bất lịch sự. Thành ra bọn đệ ngồi đó và toát mồ hôi: nàng Pao-leng, bà Đạt-ma và đệ. Sau một lúc, đệ bạo dạn liếc nhìn bà chủ nhà. Bà thon thả, gần như một thiếu niên, toàn thân nâu sạm như một nô lệ sau khi xong việc đồng áng và bộ ngực đồ sộ như quả núi. Điều này đệ đã nhận thấy ở những vũ nữ thoát y trong quán mà đệ với Duy-Lân tử đã vào, và do đó đệ phải xét lại hình ảnh về nàng Pao-leng mà đệ đã tả lúc đầu. Đệ lại phải dài dòng để huynh hiểu: mới đầu, điều này đệ đã viết cho huynh, đệ không phân biệt nổi đàn ông với đàn bà trong thế giới ở đây, chẳng khác chúng ta không thể phân biệt được từng con một trong đám lưỡng cư ướt át nằm trong hang đá. (Không phải ngẫu nhiên mà đệ chọn lối so sánh kinh tởm này, như huynh có thể hiểu được nếu huynh chăm chú đọc các thư của đệ – mà điều này thì đệ không hoài nghi). Với thời gian, đệ học phân biệt được khuôn mặt của bọn mũi lõ, nhưng mãi đệ vẫn không nhận ra nổi đó là đàn ông hay đàn bà, trừ khi có bộ râu, mà điều này không thường lắm. Bọn mũi lõ nữ đều có bàn chân rất to (theo quan niệm của chúng ta) và không khác bàn chân đàn ông. Trong thời gian rất lâu đệ nghĩ tất cả bọn mũi lõ đệ thấy trên đường phố đều là nam giới. Vì theo phong tục của chúng ta thì người phụ nữ chẳng có việc gì để phải ra khỏi ngôi nhà của mình; nên khi quan sát, đệ nghĩ phong tục ở đây cũng thế. Song như huynh đã biết, điều này không đúng. Rồi trong một thời gian dài đệ nghĩ có thể phân biệt đàn ông với phụ nữ mũi lõ qua màu sắc chiếc dù của họ. Như đệ tìm hiểu thì điều này chỉ đúng rất giới hạn và dấu hiệu để phân
  28. biệt này dĩ nhiên chỉ dùng được khi trời mưa, vì bọn mũi lõ chỉ biết dù đi mưa chứ không biết ô che nắng. Tuy mưa thường, nhưng không phải luôn luôn. Rồi về sau đệ nhận ra bộ ngực vĩ đại của bọn mũi lõ nữ. Ở ta, ngực các bà già và vú nuôi cũng to, nhưng chúng ta coi đó là hiện tượng kỳ quái. Hiếm khi một mũi lõ nữ có bộ ngực bình thường theo quan niệm của chúng ta. Áo quần của họ cũng phải thế nào để ngực họ gồ lên rõ rệt. Bộ ngực đầu tiên đệ thấy không che đậy là của nàng Pao-leng – nhìn nghiêng qua nách chiếc áo dợn sóng. Do đó huynh dĩ nhiên phải thấy rằng theo đệ thì bộ ngực này quá vĩ đại, dù phải công nhận nó đẹp và tươi màu đào non. Đến nay đệ đã có dịp quan sát bọn mũi lõ nằm lõa lồ trên bãi cỏ vào mùa hè, rồi lại được cùng Duy-Lân tử khảo sát các vũ nữ thoát y tại cái quán đệ đã nói, bây giờ lại được ngắm nhìn thật gần ngực bà Đạt-ma. Có thể tóm lại thế này: tuy cố tránh có con và nếu có thì không cho bú (đệ biết điều này qua trò chuyện với Duy-Lân tử về bộ ngực đặc biệt gây chú ý của một trong những nữ nghệ sĩ thoát y), bọn đàn bà mũi lõ có bộ ngực phát triển ghê gớm, nhưng không bó chân. Theo quan niệm của chúng ta thì nàng Pao- leng có bộ ngực vĩ đại và hai bàn chân to. Theo quan niệm ở đây thì ngực nàng khá nhỏ, bàn chân cũng thế. Bậc hiền giả tôn kính nơi đồi hạnh dạy rằng: người quân tử đến nước lạ không tìm cách đưa phong tục của mình vào, mà sống theo tập quán ở đấy, miễn nó không trái lương tâm. Vậy nên đệ chiều theo phong tục của bọn mũi lõ ở điểm này và coi ngực phụ nữ to là đẹp. Có thể nói nó cũng có những mặt thú vị. Tính đệ không ưa nói nhiều về những chuyện liên quan tới vấn đề này, thành ra đến đây đủ rồi. Sau khi hai nàng thấy đã toát mồ hôi đủ rồi, bọn đệ mặc quần áo rồi trở lên căn hộ của bà Đạt-ma. Cơ thể đệ mất quá nhiều nước khiến đệ cảm giác nó như trái cây sấy khô và đệ đã uống một hơi, đệ tin thế, hết chai Mo- te Shang-dong. Trò chuyện tiếp đệ mới biết bà Đạt-ma làm trong ngành khoa học nghiên cứu tâm hồn nọ. Nàng Pao-leng, bạn gái của đệ, chỉ nói với bà Đạt- ma rằng đệ là người Trung Quốc và vừa mới tới Min-chen để nghiên cứu.
  29. Dường như bà Đạt-ma thích thú lắm. Bà liền nói về sự khác biệt giữa tâm hồn “Viễn Đông” và “phương Tây” (nghĩa là của bà và bọn mũi lõ khác), hóa ra bà chẳng biết gì về thuyết của Khổng phu tử và bà đã đánh đồng “tâm hồn Viễn Đông” với mê tín của đạo Phật. Đệ thấy không tiện giảng giải cho bà, hơn nữa đệ phải thú nhận Mo-te Shang-dong đã có phần nào tác dụng khiến đệ lâng lâng trong trạng thái vô vi. Đệ không ngớt gật gù nói: hảo, hảo. Khi chia tay, bà Đạt-ma cám ơn đệ về buổi trò chuyện thú vị (tuy đệ không nói gì khác hơn “hảo, hảo”) và bảo rằng qua tâm hồn hết sức thú vị của đệ mà môn khoa học về tâm hồn của bà đã tăng tiến vượt bậc. Đệ khom lưng đáp: xin cám ơn về bữa ăn tuyệt vời mà bà đã phung phí cho một kẻ tiểu nhân không xứng đáng như đệ, về buổi toát mồ hôi tuyệt vời không kém cũng như được ngắm nhìn bộ ngực lớn vượt mức của bà khiến đệ nhớ đến hình dáng ngọn Thái Sơn linh thiêng và sẽ luôn ghi nhớ như báu vật trân quý nhất. Lẽ ra đệ không nên nói thế, vì bà Đạt-ma hơi sửng sốt lùi lại một bước. Sau đó trên đường về nàng Pao-leng bảo rằng nói huỵch toẹt về ngực một người phụ nữ là hết sức khiếm nhã. Đệ chịu không hiểu nổi, một khi bà đã hào phóng cho xem. Nhưng tùy, ai muốn hiểu sao cũng được, đệ chỉ quan sát và ghi lại thôi. Trong quyển thứ tư của bộ “Luận Ngữ”, Đức Khổng phu tử vĩ đại dạy rằng: “Biết đạo lý không bằng thích nó; thích nó không bằng vui làm theo nó”. Phải chăng giữa ngực to của bọn phụ nữ mũi lõ và việc họ thích sữa bò có liên quan? Ai biết được. Ít hôm sau nàng Pao-leng chuyển đến đệ lời chào của bà Đạt-ma. Đệ hỏi bà có tha thứ cho sự khiếm nhã vô tình của đệ chăng? Có, nàng Pao-leng đáp, bà Đạt-ma đã suy nghĩ lại và tìm đọc trong những sách về khoa học tâm hồn. Bà bảo việc đệ khen ngực bà có thể là do hồi còn thơ đệ bị bà vú nuôi bắt cai sữa rất sớm. Có chuyện gì mà bà ta không biết nhỉ, đệ nghĩ. Ngoài ra bà Đạt-ma nhờ nàng Pao-leng nhắn với đệ rằng bà thấy tâm hồn đệ thật đáng quan tâm, nên sẵn sàng khám đệ miễn phí, đệ nên gặp bà sớm. Chuyện này, đệ nghĩ, mình chớ nên đụng tới.
  30. Thân ái chào huynh. Lão bằng hữu Cao Đài
  31. Thư thứ hai mươi mốt (Thứ Hai, 28 tháng Mười) Huynh vô cùng quý mến, Cám ơn huynh đã viết cho đệ một bức thư hay ho và vui vẻ. Huynh đã công phu chép cho đệ cả chín mươi hai bài thơ lên tờ giấy vượt thời gian khiến đệ rất xúc động, nhưng thật không cần thiết. Vả lại loại giấy vượt thời gian rất đắt và hiếm, huynh nên để dành gửi cho đệ những tin tức quan trọng hơn là chép thơ của các thành viên đáng kính của Thi nhân hội hoàng gia “Nhị thập cửu đài tiển nham bích”. Chín mươi hai bài thơ! Chỉ riêng lão Quang Ngụy Phổ đã mười chín bài! Trước khi đi đệ đã quyết định mỗi thành viên đáng kính chỉ được nộp tối đa hai bài cho kỳ thi thơ mùa Thu thôi mà. Lão Quang Ngụy Phổ này nghĩ gì mới được chứ? Mười chín bài! Bài nào cũng lê thê. Mà đệ phải đọc hết Lão Quang Ngụy Phổ này đúng là tay thi sĩ gây phiền toái nhất đệ từng gặp. Nếu không cho lão nộp nhiều bài hơn mọi người và được gí mũi vào mọi chuyện của Thi nhân hội thì lão sẽ khiến không ai chịu nổi. Trong khi đó, như đệ thấy, lần này lão Cù Khoa Thương đại lãn cũng lại chẳng nộp bài nào. Hẳn lão làm không xong. Càng tốt, vì đệ khỏi phải đọc những lời thở than lải nhải, nhưng dẫu sao hành động của lão vẫn rất không nghiêm túc. Đệ đã làm gì nên tội mà Thiên tử tin cậy trao cho trách nhiệm[111] đầy vinh dự làm Hội trưởng Thi nhân hội đáng kính này chứ? Đệ thà giám sát việc nuôi chó Bắc Kinh của hoàng gia hoặc bón phân cho các công điền còn hơn. Khi tới dịp đệ sẽ báo huynh biết quyết định của đệ về giải thưởng cho bài thơ hay nhất. Còn sớm mà. Đệ rất mừng khi lão phó tể tướng rốt cuộc đã nhượng bộ để quý tử của lão kết duyên cùng tệ nữ. Chuyện này cần phải tiến hành nhanh chóng. Đệ mong sang năm khi trở về mạnh khỏe và bình an (đệ hy vọng thế) sẽ có thằng cháu đầu lòng chuẩn bị chào đời. Huynh hãy tế nhị nói thế với lão. Bằng không sang năm đệ sẽ không thèm mời lão dự lễ gia tiên hoặc sẽ xếp
  32. cho lão một chỗ ngồi rất bất xứng. Huynh chọn đứa con gái nào của đệ? Đệ chẳng biết đứa nào tên Cao Pha. Phải con bé tai to không? Nó giống mẹ nó đấy. Trong dòng họ đệ chẳng ai tai to như nó. Xin đừng gửi bài thơ nào cho đệ nữa. Nếu lão Cù Khoa Thương đại lãn vẫn nộp, huynh hãy gửi trả lại với lời ghi chú rằng đã hết hạn. Chín mươi hai bài thơ! Trời ạ, có quá nhiều người làm thơ. Huynh nên biết mới đây đệ lại có một buổi trò chuyện dài rất thú vị với ông Shi-shmi. Theo cái nhìn của bọn mũi lõ ở đây thì chúng có cảm tưởng rằng thời đại chúng ta chẳng có chuyện gì khác hơn là làm hết bài thơ này đến bài phú khác. Hậu thế nhìn chúng ta như vậy đấy! Buổi trò chuyện giữa đệ với ông Shi-shmi diễn ra mấy ngày trước vì một nguyên do khác. Ông đến đón đệ tại khách sạn vào lúc sáng sớm, đưa đệ tới dự một phiên tòa để đệ làm quen với việc thi hành công lý ở xứ này, dẫu sao đó cũng là một bộ phận quan trọng trong đời sống công cộng. Bọn đệ ăn sáng ở khách sạn rồi lên đường. Tòa án không xa mấy. Tòa án không phải tòa nhà mà đệ đã buộc phải ngủ đêm đầu tiên khi tới đây. Đó là tòa án của bọn sai nha, còn đây là tòa án của thành phố Min-chen. Viên phán quan (bạn của ông Shi-shmi, người ngay lúc đầu đã giao đệ cho ông, chỉ làm việc ở tòa án của bọn sai nha thôi) đã thân ái giới thiệu bọn đệ với ông Me-lon[112], một đồng nghiệp tại tòa án thành phố và bọn đệ đã xin gặp ông này. Bọn đệ được phán quan Me-lon đáng kính thân mật đón tiếp, chứ ấn tượng đệ có được tại tòa án này thật đáng kinh ngạc. Từ đó đến nay, vì đã quá rành phong tục tập quán ở đây nên đệ chờ đợi sẽ thấy một tòa nhà với những trụ cột sơn phết thẩm mỹ khiến ta kính nể. Nhưng đệ đã kinh hoàng. Tòa nhà tuy lớn nhưng không toát ra chút uy nghi nào cũng như chẳng có gì biểu hiện trật tự và kỷ cương, những thứ tòa án phải tái lập khi chúng suy tàn. Trước hết đệ nhận thấy bên dưới tòa nhà có hàng quán. Đúng vậy! Huynh không đọc nhầm đâu: hàng quán. Trong khi mức độ công lý do trời trao được chỉnh đốn ở những tầng trên, thì ở bên dưới bọn chủ các cửa hàng tạp phẩm thản nhiên bán áo quần, gối chăn, hoa, đồ lót chân bằng da
  33. và đĩa ăn có nhạc[113] (đệ sẽ phải kể với huynh về đĩa ăn có nhạc này, nhưng vào một lần khác). Văn phòng của phán quan Me-lon còn tồi tàn hơn mức thảm hại, nó hôi hám, bàn ghế mòn vẹt. Căn phòng nhỏ như chuồng chó thế mà có tới hai phán quan, không thể tránh khỏi đạp lên chân nhau. Dường như phán quan ở thế giới này không được cả dân chúng lẫn chính quyền trọng thị – dù đúng ra họ là cơ quan duy trì trật tự của chính quyền. Ông Me-lon rầu rĩ xác nhận ngay với đệ điều này và bảo rằng những hàng quán dưới kia lớn và đẹp hơn văn phòng của các phán quan. Ông Me-lon có một nhiệm vụ đặc biệt tại tòa án Min-chen. Ngay từ đầu đệ đã kể với huynh rằng những chiếc ô-tô chạy tới chạy lui hỗn loạn và những tòa nhà sắt di động cùng mọi thứ qua lại trên những con đường trải đá của thành phố này không đụng phải nhau thì quả là một phép lạ. Nay đệ biết rằng phép lạ này chẳng ghê gớm gì lắm, vì ô-tô có đụng nhau chứ và không phải ít. Xe móp méo, còn người lái bị thương tật. Có khi xe hư hại hoàn toàn còn người lái không hồi phục nổi, phải chết. Nếu những người lái sống sót, họ sẽ tranh cãi ai có lỗi trong vụ đụng xe, nghĩa là ai phải trả tiền cho việc tu sửa xe của người kia. Ở tòa đại hình thành phố có tới sáu phán quan với nhiệm vụ duy nhất: liên tục xử những vụ kiện cáo này. Ông Melon là một trong những phán quan ấy. Sau khi giải thích cho đệ chuyện này chuyện nọ, ông Me-lon đứng lên bảo phải chuẩn bị ra xử án (viên phán quan kia vắng mặt, tuy cũng có bàn ghế trong căn phòng này). Ông thắt quanh cổ một món trang sức màu trắng, giống kiểu con bướm phụ nữ đời Đường thường cài trên mái tóc, và mặc một chiếc áo thụng đen. Tuy đã quen với sự vô trật tự cùng tập quán suy đồi ở đây, đệ vẫn chờ đợi thế giới này của bọn mũi lõ còn giữ được chút ít kính trọng trước phong tục xưa. Vì đệ hiểu biết chưa đủ cho nên cứ luôn bị thất vọng. Có lẽ một người như đệ với nguồn cội ở tận thời trước rất xa xôi không thể không thất vọng thường xuyên. Ông Me-lon chỉ cho ông Shi-shmi cách đi tới sảnh đường sẽ diễn ra phiên tòa – và bọn đệ đi xuống trước, qua một hành lang chật hẹp, tăm tối. Gọi là sảnh đường nhưng chẳng xứng tí nào, nó chỉ
  34. là một căn phòng tương đối lớn thôi. So với nó thì căn phòng phụ bé nhất của khách sạn “Bốn Mùa” là cả một dinh thự. Không chút đường bệ và lộng lẫy, hoàn toàn thiếu những biểu tượng khiến ta phải kính sợ. Bọn đệ ngồi ở chiếc ghế dài tít phía sau, nó kẽo kẹt như thể phản ánh tâm trạng của đệ khi chứng kiến sự thiếu oai nghiêm. Một đám người – có cả phụ nữ – đứng túm tụm, tán gẫu bằng giọng ồm ồm thô lỗ hoặc sột soạt giở giấy đọc. Đệ cố ngẫm nghĩ xem cái gì đã khiến căn phòng thiếu oai nghiêm. Cái ghế dài kẽo kẹt? Những chiếc ghế mòn phía trước? (Một chiếc long ra, nằm lăn lóc ở một góc). Những bức tường hơi ám khói? Bọn mũi lõ tán gẫu tỉnh bơ như ngoài chợ? Đúng, những cái ấy đều có, nhưng trước hết là vì căn phòng quá thấp – đệ rõ được điều này lúc cùng ông Shi-shmi ngồi xuống chiếc ghế dài. Bọn mũi lõ nói chung đều cao lớn (cả phụ nữ; chẳng hạn nàng Pao- leng cao hơn đệ ít nhất cũng một cái đầu) nhưng lại sống và thích làm việc trong những căn phòng thấp tè, chỉ đủ cao để chúng đứng thẳng thôi. Sao vậy? Điều này chẳng ai giải thích nổi cho đệ. Đền đài của chúng ta cao, sảnh đường các dinh thự ở ta có trần cao vòi vọi, ngay cả nhà riêng chúng ta cũng chú ý xây mái cao để khỏi cảm thấy ngột ngạt. Còn ở đây bọn mũi lõ hầu như không đứng thẳng nổi trong phòng của chúng. Khi rõ như thế, đệ liền nêu vấn đề với ông Shi-shmi. Ông tròn mắt nhìn đệ và dường như mới đầu không hiểu đệ hỏi gì. Rồi ông đáp: Tại sao? Ta đâu cần nhiều không gian bên trên đầu, thế là phí phạm. Như vậy với cùng một chiều cao ngôi nhà người ta có thể xây được nhiều tầng hơn. Ông Shi-shmi, đáng gọi là bậc thông tuệ trong thế giới của ông, đã quan niệm thế đấy. Đệ không nói ra song nghĩ rằng bọn mũi lõ sở dĩ xây phòng thấp vì chúng rất sợ sự oai nghiêm. Không gian phía trên đầu đồng nghĩa với oai nghiêm. Sao chúng lại sợ oai nghiêm? Vì oai nghiêm tất yếu xứng đáng với từng cá nhân – người quân tử, bậc hiền giả, phán quan – chúng thà khước từ hoàn toàn oai nghiêm chứ không muốn những cá nhân này được như thế. Thành ra ở đây lòng ganh tị của bọn hạ đẳng thống trị và bọn chúng gọi như thế là “sự làm chủ của nhân dân”. Trong khi đó một số bọn mũi lõ, chẳng hạn ông Shi-shmi và Duy-Lân tử, biết rất rõ rằng chỉ oai nghiêm mới bảo đảm được trật tự, nhưng họ không dám nói lớn điều này. Phán quan Me-lon bước vào phòng ngay giữa đám người đang cười nói
  35. huyên thuyên. Một người phụ nữ – sau này đệ mới biết chỉ là một kiểu thừa phát lại – đã khiến bọn mũi lõ huyên thuyên kia phải kính nể phần nào khi dõng dạc nói: “Yêu cầu mọi người đứng dậy, phiên tòa nhóm họp!” Dĩ nhiên đệ đứng ngay dậy, cả mọi kẻ đang ngồi nữa, nhưng nếu huynh chờ đợi rằng đúng lẽ thì mọi người phải quỳ mọp xuống đất, chờ phán quan ngồi xuống và cho phép họ ngẩng đầu thì huynh nhầm to, chẳng ai quỳ mọp cả. Với lại sàn nhà khá bẩn thỉu vì ngoài trời mưa, chân ai cũng dính bùn. Sau khi được phán quan ra hiệu cho phép ngồi, đệ khẽ hỏi ông Shi-shmi những người này là ai? Đó là những thầy cãi chuyên nghiệp. Hóa ra ở đây không ai tự đến tòa cả, có một đẳng cấp đặc biệt đại diện các bên trước tòa. Tại sao những kẻ liên quan lại không ra hầu tòa? Nhất định không phải vì họ sợ, mà vì họ không hiểu công lý. Sau phiên xử, khi ông Me-lon tôn kính đã cởi bỏ áo thụng và món trang sức màu trắng ở cổ, đệ đã trò chuyện khá lâu với ông trong một phạn điếm gần tòa án (đệ đánh bạo mời ông dùng bữa ở đó và ông đã nhận lời) và hỏi ông nhiều chuyện. Đúng thế, ông nói, trong vương quốc của bọn mũi lõ cũng có công lý chứ, chỉ có điều công lý này tạm gọi là đã bị chia cắt thành vô số mảnh vụn tiềm ẩn trong vô số điều luật thành văn (vô số ngay cả với chính ông và các đồng nghiệp). Việc nhận ra công lý đã trở thành một ngành khoa học chuyên biệt. Người thường không hiểu nổi nữa, cho nên mới có những thầy cãi chuyên nghiệp. Ai quy định việc thảo ra những đạo luật này? đệ hỏi. Nhà nước, ông Me- lon đáp. Di Ngô quý mến ơi, đệ biết nói gì nữa bây giờ? Nghĩa là ở đây không có thứ công lý cổ truyền được xác định qua quan sát trật tự của trời đất và quy định Nhà nước cùng các viên chức phải làm gì một cách công bằng, mà ngược lại, Nhà nước và đám viên chức quy định cái gì là công bằng, cái gì không (đám viên chức tự coi mình là ông chủ, như viên thượng thư khai man Chi người Nam man mà đêm nọ đệ đã gặp trong dạ điếm có các nữ nghệ sĩ khỏa thân). Chính nó khiến đời sống công cộng không có trật tự, đệ có thể hiểu rõ điều này. Nhưng hãy quay trở lại phiên xử. Mọi người đều ngồi xuống, kể cả phán
  36. quan, cạnh ông là một bà mặt mũi cau có. Ai vậy nhỉ? đệ hỏi. Đó là một phụ tá cấp thấp của phán quan, bà có thể viết rất nhanh và ghi chép những điều quan trọng nhất khi phán quan và thầy cãi phát biểu. Dĩ nhiên đệ hiểu rất ít về vụ xử. Phán quan nhiều lần cảnh cáo các thầy cãi hãy yên lặng. Đệ thán phục sự nhẫn nại của phán quan trong chuyện này. Dường như kiên trì là đức tính quan trọng nhất của phán quan ở đây. Nhiều vụ kiện tụng được xử nối nhau thật nhanh. Thỉnh thoảng phán quan lại phê phán điều thầy cãi trình bày là vớ vẩn. Đó cũng là một trong những bất lợi của hệ thống tư pháp ở đây: vì trong trường hợp này viên thầy cãi giơ hai tay, ngoẹo đầu nói chính ông ta cũng biết thế là vớ vẩn, nhưng thân chủ của ông ta đã ra lệnh phải làm thế, muốn làm khác cũng không được. Có một vụ xử tương đối lâu. Chuyện hẳn xảy ra lâu rồi, vào mùa đông vừa qua hoặc trước nữa: một chiếc ô-tô trượt trên tuyết, nhưng không phải đụng một ô-tô khác mà vào góc một ngôi nhà. Viên thầy cãi của người lái ô-tô lì lợm lý luận, theo như đệ hiểu, rằng trong vụ này ngôi nhà có lỗi chứ không phải chiếc ô-tô. Một lần nữa phán quan lại vô cùng kiên nhẫn, cố làm cho viên thầy cãi thấy ông ta phi lý. Nhưng viên thầy cãi càng ngoan cố, mặt đỏ gay, gần như quát tháo. Đệ nín thở. Viên phán quan vẫn ngồi, kiên nhẫn nghe. Cuối cùng viên thầy cãi mặt mũi đỏ gay kia đứng bật dậy lớn tiếng: ông ta không chấp nhận phán quan này, mà muốn một người khác. Thật ra đệ không mong chờ, nhưng trong một khoảnh khắc quả có nghĩ rằng hẳn viên phán quan sẽ phất tay, lệnh cho ba bốn sai nha lực lưỡng lôi tay thầy cãi láo xược này ra chém đầu lập tức. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Tất nhiên trong phòng có vài tiếng thì thào. Vài viên thầy cãi khác cố trấn tĩnh đồng nghiệp mặt đỏ, chủ yếu bảo ông ta đừng nói dai nói dài nữa, vì họ cũng muốn đến lượt. Một lúc sau mọi người bình tĩnh lại và phiên xử tiếp tục. Chừng một giờ sau, trong phòng hôi nồng không chịu nổi khiến phán quan buộc phải cho nghỉ một lúc. Đệ với ông Shi-shmi cũng đi ra. Tới ngoài, phán quan Me-lon bảo bọn đệ hãy đi giải khát với ông. Ông cởi bỏ áo
  37. thụng đen nhưng cổ vẫn đeo món đồ trang sức trắng. Bọn đệ lại đi qua những hành lang dài, tới một căn phòng được gọi đùa là “Căn phòng nhỏ của những kẻ thề man” (hoặc dịch khác đi, nếu muốn: “Căn phòng của những kẻ thề man nhỏ con”), tiếng ồn ù cả tai. Tại một chiếc bàn có các thầy cãi; mặc dù mới lúc nãy còn cãi nhau dữ dội, giờ họ ngồi kể với nhau những mẩu giai thoại tinh quái mà họ ưa thích, còn đệ thì không hiểu. Một vài phán quan cũng ngồi đấy, ông Me-lon giới thiệu bọn đệ, sau đó đệ khiêm tốn ngồi vào một góc. Trong phòng ồn ào hết mức vì mọi người thi nhau nói – như thường thấy ở bọn mũi lõ. Thứ “giải khát nhỏ” của các phán quan và thầy cãi là một cái ly có dáng hoa uất kim hương loại hal-bal, đệ được cho biết vài vị đã uống nhiều ly rồi mà chưa gục. Đệ khẽ hỏi ông Me-lon ở đây có Mo-te Shang-dong không. Ông bảo không. Đệ đành uống trà. Tuy đệ được giới thiệu tên của vài thầy cãi và phán quan nhưng tất nhiên đệ không thể nhớ nổi. Một người có cái đầu tròn xoe, tóc cụt ngủn như lông nhím, rất được ưa thích vì kho tàng vô tận những mẩu giai thoại tinh quái trong trí nhớ của ông. Ông kể đệ nghe vài chuyện, đệ chẳng hiểu gì nhưng bảo sẽ mãi ghi nhớ trong ký ức. Ông tỏ ra rất quan tâm đến món ăn Trung Quốc và bảo ông rất thích tự nấu, dĩ nhiên theo kiểu của chúng ta, thật đấy. Một người không phải hỏa đầu quân nhưng lại thích bếp núc. Đệ phải làm ông thất vọng vì không cho ông được thông tin hay cách nấu nào. Đệ chỉ biết món mình ăn có ngon không, chứ không biết cách nấu. Một ông khá đẫy đà, là phán quan đồng thời làm thêm nghề bán cá và văn phòng phẩm; một thầy cãi rất cao có bộ râu dê kiêm bán sách. Đệ không dám hỏi kỹ hơn. Tất cả khiến đệ hoang mang. Một thầy cãi khác vừa to vừa béo, đội mũ trụ như chiến binh thời Hán đệ hoảng hồn định bỏ chạy, nhưng rồi vỡ lẽ ông này hoàn toàn vô hại và không có ý định gây hấn. Đệ tình cờ ngồi cạnh một thầy cãi khác – đệ nhớ tên là Vi-li-ve-va – chỉ cao bằng đệ khiến đệ vô cùng thoải mái. Được một lúc, ông hỏi đệ điều gì đấy nhưng đệ không hiểu tiếng nói của ông. Ông thầy cãi râu dê kiêm nghề bán sách cười to khi thấy đệ không hiểu và bảo điều này dễ hiểu thôi, vì bản quán của ông Vi-li-ve-va hơi xích về phía Tây, người dân ở đây rất tằn
  38. tiện[114] và lưỡi mọc ngược. Ông Vi-li-veva thản nhiên nhìn ông râu dê và nói – cố để mọi người hiểu: “Một lời nữa là tôi sẽ đổ cái ly này lên đầu anh đấy”. Đệ lại định bỏ chạy thì ông Vi-li-ve-va quay qua đệ, lặp lại rõ ràng hơn câu hỏi hồi nãy, rằng tòa án ở Trung Quốc có vui nhộn thế này không? “Không”, đệ đáp và khom một phần ba người, “nhưng khi trở về, tại hạ sẽ không quên kể lại về phong tục tập quán vui nhộn ở thành phố Min-chen và tại hạ chắc chắn người ta sẽ bắt chước ngay.” Ông liền nâng ly, bật ra một tiếng kêu nghe như là “Plo-sh-cht”[115] – cái này đệ biết rồi, có nghĩa ông uống chúc sức khỏe đệ. Đệ khom lưng lần nữa, nhấp trà và rằng: “Plo-sh-cht, tại hạ cũng xin được phép uống trà này trong niềm hy vọng rằng ông Vi-li-ve-va đáng ca ngợi cũng như tổ tiên đáng kính của ông không ngừng được vinh quang và tôn kính”. Đệ rất mừng khi đến lúc cùng mọi người rời căn phòng. Phần thứ hai buổi xử án tương đối ít ồn ào hơn. Không có nhiều thầy cãi nên cũng bớt lớn tiếng. Những tập giấy dày cộm được đưa đến và đem đi. Chốc chốc phán quan lại lật lật một tập giấy như thế. Thỉnh thoảng một thầy cãi lại đệ trình lên phán quan một tờ giấy – nhưng không khom người. Đệ hỏi ông Shi-shmi có phải đó là sự cam chịu mà thầy cãi dâng lên phán quan không. Không, ông đáp, trong tờ giấy ấy thầy cãi trình bày quan điểm của mình về vấn đề. Đôi lúc phán quan cũng ném một tờ giấy xuống cho các thầy cãi, họ nhận nó mà chẳng hề tỏ vẻ cung kính. Phiên xử kết thúc như thế đấy. Khi các thầy cãi đã rời khỏi phòng, phán quan cũng cho bà phụ tá ghi chép mặt mày cau có và bà phụ tá kia lui. Rồi, như đã nói, đệ mời ông và ông Shi-shmi dùng bữa. Đệ hỏi ông nhiều chuyện. Chẳng hạn ông có phải đọc hết những gì các thầy cãi trình lên không. Không, vì nếu phải đọc hết thì chỉ sau bốn ngày ông sẽ hóa điên, ông đáp. Ông tìm ra công lý như thế nào? đệ hỏi. Sau một lúc trầm ngâm ông bảo thời buổi này không thể tìm ra công lý được nữa. Có một ngạn ngữ về luật,
  39. bất thành văn, song dẫu sao vẫn là quan trọng nhất, nội dung như sau: đừng chờ đợi công lý khi anh đến một phiên tòa, mà hãy mừng khi anh có được một bản án. Thật khó lòng phục vụ công bằng trong một thế giới gặp phải tình trạng vô trật tự thế này, ông Me-lon thở dài nói. Theo đệ thấy thì phán quan Me-lon là người sâu sắc và đệ hy vọng sẽ gặp lại ông để hỏi những chuyện khác nữa. Bọn đệ chia tay và buổi viếng thăm lạ lùng của đệ kết thúc, buổi viếng thăm đã cho đệ thấy sâu sắc rằng trật tự Nhà nước này thiếu oai nghiêm. Đệ chào huynh từ tương lai xa tít tắp nhưng vẫn là người bạn gần gũi của huynh. Cao Đài
  40. Thư thứ hai mươi hai (Thứ Hai, 4 tháng Mười Một) Huynh vô cùng quý mến, Những bức thư của huynh đã khiến lòng đệ hân hoan trong cái thế giới mưa gió rả rích này. Từ khi được nàng Pao-leng đặt làm cho chiếc gọng mắt, bây giờ mắt đệ quả thật đã tốt hơn rồi và để đọc cho rõ đệ không cần phải duỗi tay giữ thư xa nữa. Huynh hỏi về mấy bài thơ à? Đệ chưa có dịp xem. Dẫu sao kết quả cuộc thi thơ không được công bố trước dịp Rằm đầu tiên của mùa đông mà. “Nhị thập cửu đài tiển nham bích” tôn kính nên nhẫn nại. Ngoài ra, có lẽ các bài thơ này đại khái giống của năm ngoái và những bài năm ngoái lại giống năm kia. Quá nhiều người làm thơ, ông Me- lon cũng nói thế. Đệ đã gặp ông hai lần và tuy nghề của ông là phán quan, song ông cũng rành văn học. Dĩ nhiên ông muốn nói: ở đây, ở thế giới này, ở Min-chen có quá nhiều người làm thơ. Dường như lúc nào và ở đâu cũng có quá nhiều người làm thơ, đó là một điểm bất di bất dịch trong lịch sử thế giới. Duy-Lân tử mà huynh hỏi trong thư đã đi lâu rồi. Ông phải về nhà. Vì công việc. Nhưng muộn nhất tháng sau ông sẽ quay lại, lúc ấy bọn đệ muốn ăn mừng tái ngộ bằng chuyến đi xem các vũ nữ thoát y tại dạ điếm “Thiên Đường”. Sẽ có những nữ nghệ sĩ mới, luyện thuần thục những vũ điệu mới. Huynh muốn nói gì về chuyện những quả bóng nhỏ màu trắng? Đệ không hiểu ý huynh viết trong đoạn này. Quả thật đây là một thế giới có phép thần thông, tuy thường hay mưa. Ở khách sạn “Bốn Mùa” tại Min-chen, đệ quay một cái te-lei-fong, tức thì ở Bắc Kinh xa xôi một chiếc máy tương tự trên bàn một đứa cháu chắt xa xôi nào đấy của chúng ta bật lên tiếng chuông reo. Duy-Lân tử cứ nhất định muốn đệ thử chuyện này. Đệ không ngại dùng te-lei-fong, mà sợ không hiểu thứ ngôn ngữ thông dụng hiện nay lũ con cháu xa xôi của chúng ta
  41. đang dùng, rồi vì thế mà đâm ra buồn tủi. May thay, đệ phải nói thế, đứa cháu xa xôi ở Bắc Kinh không có nhà, chuông reo hoài công. Duy-Lân tử rất thất vọng, nhưng đành chịu. Chuyện này xảy ra trước khi ông đi một ngày, buổi tối hôm ấy bọn đệ còn cạn hết một chai Mo-te Shang-dong ở nhà nàng Pao-leng. Chiếc áo đầm dợn sóng lung linh mờ ảo không thích hợp vào mùa lạnh. Nàng Pao-leng mặc một chiếc áo đầm màu đỏ hơi gấp nếp quanh tấm thân có một không hai của nàng khiến Duy-Lân tử mê mệt. Khi trò chuyện cà kê bọn đệ cũng nhắc tới chuyến phiêu lưu của đệ trong phòng làm toát mồ hôi dưới hầm. Duy-Lân tử rất ham toát mồ hôi – ông nói thế – và ngỏ lời ngay rằng nhất định muốn được một lần cùng nàng Pao-leng thăm căn phòng làm toát mồ hôi. Đệ sẽ tìm cách ngăn cản chuyện này. Còn ngoài ra đệ rất vui khi ông lại tới thăm. Hôm nay ngày Rằm. Đệ biết nhờ tính lại[116] thôi chứ không nhìn thấy trăng, bầu trời đầy những đám mây nặng nề. Mưa và lạnh. Đệ nghĩ tới trăng, dù không thực hiện việc cúng trăng – đệ phải thú nhận vậy. Bốn tuần trăng đã qua từ ngày đệ tới đây mà không cúng Rằm. Đệ biết làm sao hơn? Có biết bao khó khăn không vượt nổi. Làm thế nào đệ đứng ở cầu thang hướng Đông ở nhà ông Shi-shmi được, khi ngôi nhà chỉ có một cầu thang duy nhất mà lại quay về hướng Tây? Ông Shi-shmi tuy có thể thông cảm với chuyện đệ cử hành lễ nghi, thậm chí có thể phụ giúp đệ nếu đệ yêu cầu, nhưng đệ không thể nào chịu đựng nổi tiếng cười ngu xuẩn của những người khác. Ngoài ra: ai là tổ tiên đệ khi đệ sống ở một thế giới xa tít về thời gian như thế này? Chẳng lẽ đệ lại là tổ tiên của chính mình, vì đúng ra đệ chết đã nghìn năm rồi? Có thể chấp nhận được không chuyện đệ tự cúng mình? Dễ hiểu là người ta không thể tìm thấy trong “Luận Ngữ” hoặc “Gia Ngữ”, trong “Kinh Dịch” tôn quý và sách “Xuân Thu” của Lã Bất Vi câu trả lời cho chuyện ấy. Bậc hiền giả ở đồi hạnh im lặng trước câu hỏi này, ấy là chưa nói đến Lão tử cưỡi trâu đen mà đệ dẫu sao cũng không đánh giá cao lắm. Khi bắt đầu chuyến du hành đệ định sẽ tuân giữ những nghi thức và tập tục của thế giới mình, bất kể xảy ra chuyện gì, nhưng đệ quên rằng
  42. những thứ này sẽ thay đổi thế nào trong một nghìn năm (và cách vạn dặm mà ngày đó đệ đâu ngờ). Cho nên chỉ sau vài ngày lưu trú trên đất nước của bọn mũi lõ, đệ đã tạm hoãn những nghi thức này. Đệ dựa vào Khổng phu tử tôn kính, thầy luôn bảo rằng đến xứ lạ ta phải sống theo tập quán ở đấy và thật ngớ ngẩn khi muốn áp đặt cho người lạ phong tục tập quán của mình. Sách “Lễ Kí”, chương “Lễ vận” có viết: khi đến một nhà lạ, hãy dò hỏi về những điều cần tránh trong lời ăn tiếng nói ở đấy. Tuy bậc hiền giả cũng dạy rằng người quân tử cần tác dụng âm thầm qua sự làm gương nhưng theo huynh, Di Ngô quý mến, thì một mình đệ có thể làm được gì trong cái thế giới vô trật tự này, ngay cả nếu đệ đức hạnh gấp mười lần? Ông Shi-shmi có một bản dịch quyển “Kinh Dịch”, đệ không rõ ông đã đọc chưa. Đệ đã tặng nàng Pao-leng, như huynh biết, một bản dịch quyển “Lễ Kí”. Nàng bảo sau này sẽ đọc Đệ có thể làm gì hơn nữa nào? “Phong tục muốn rằng người khác tìm đến ta, chứ không phải ta tìm đến người khác; phong tục muốn rằng người khác đến với ta để cầu học, còn ta đến với người khác để dạy bảo”. “Lễ Kí” cũng viết thế. Thành ra tuy đệ cố giữ gìn phẩm hạnh nhưng đệ sống ở đây như kẻ man di, không tuân thủ lễ nghi, không tuân theo những phong tục đáng kính. “Nếu có ai – trong bọn mũi lõ, đệ thêm – vui khi gần ta, thì đó là tốt. Nếu không ai vui khi gần ta, thì ít nhất ta hãy tự vui” (Sách Tống thư viết). Nói với nàng Pao-leng về chuyện phong tục thì gần như vô nghĩa. Không phải nàng không đức hạnh – ở khía cạnh nào đấy – mà vì nàng chỉ cố sống sao cho toại nguyện, mà như thế tất nhiên, như đệ đã nói, sẽ dẫn tới điều bất lợi. Khi ta mất đi mối quan hệ với sự vật và thay vì nghiền ngẫm cùng tuân thủ trật tự vĩnh hằng giữa trời và đất, ta ép trật tự này phải tuân theo ý ta, chắc chắn ta sẽ không toại nguyện. Cũng chẳng sao – bù lại nàng là phụ nữ và rất đẹp. Duy-Lân tử hoàn toàn không thích hợp với những mạn đàm thế này. Tuy ông là một chuyên gia trên lĩnh vực trồng rừng và có nhiều ý tưởng sâu sắc liên quan đến Nhà nước này và trật tự của nó, nhưng ông không chấp nhận phong tục cổ truyền. Ông chỉ biết có một tập quán thôi, ông nói, đó là ông được sung sướng. Chỉ mình ông Shi-shmi
  43. (có thể cả phán quan Me-lon, nhưng đệ chưa biết đủ về ông) thích hợp với những vấn đề này. Mấy ngày trước đệ lại tới nhà ông Shi-shmi vì nhóm tứ tấu hòa nhạc ở đấy. Đệ nghe không chán. Họ chơi hai tác phẩm của thầy Mo-tsa thần thánh. Ông Shi-shmi hứa sắp tới sẽ đưa đệ tới một buổi trình diễn âm nhạc công cộng để biết một ban nhạc chơi thế nào. Ngoài ra ông lại nhắc đến chuyện mượn chiếc la bàn-thời gian của đệ – đệ cứ hy vọng ông đã quên. Ông muốn thực hiện chuyến du hành ngay sau khi mẹ ông rời khỏi đây. Mẹ ông không được biết gì hết về chuyện này, kẻo bà lại lo. Sau khi ba người bạn âm nhạc ra về, ông Shi-shmi và đệ còn ngồi lâu với nhau, đốt vài đồ cúng Da-ving-do và trò chuyện về tôn giáo. Bọn đệ sở dĩ mạn đàm vấn đề này vì ngay từ đầu, đệ quan sát thấy một mặt bọn mũi lõ kỵ mó tay vào món ăn và kinh sợ chuyện này chuyện nọ, mặt khác chúng lại không ngớt sờ mó lẫn nhau. Việc chào hỏi (ngay cả giữa đàn ông với phụ nữ, thậm chí giữa người địa vị cao hơn với người địa vị thấp kém hơn) diễn ra như sau: người này nắm bàn tay người kia, bóp và lắc nguyên cả cánh tay. Họ thường vỗ lên vai nhau và kỳ quái nhất là người này dùng miệng làm ướt mặt người kia – điều này không phải hiếm khi xảy ra. Ở nước ta, đệ bảo, thậm chí vợ chồng cũng không lấy gì hết từ tay người kia. Đó là lịch sự. Khi muốn cho nhau món gì thì đặt nó vào giỏ, người được cho nhận chiếc giỏ. Nếu không có giỏ thì đặt lên chiếu. Chỉ sau khi đã ngoài bảy mươi tuổi, vợ chồng mới thôi giữ áo quần trong hòm riêng. Vì phong tục khác nhau thôi, ông Shi-shmi nói. Thế mới có cuộc đàm đạo. Đệ không muốn kể chi tiết, chỉ tóm tắt những ý nghĩ mà đệ rút ra từ đó. Bọn mũi lõ không phải chỉ khác phong tục mà hoàn toàn không có phong tục. Đệ không bảo chúng vô đạo đức theo nghĩa phóng túng (đây lại là vấn đề khác); đệ muốn nói theo nghĩa chúng không có một tập quán, nghi lễ và phong tục vững chắc nào. Chỉ trong những chuyện không quan trọng chúng mới còn chút tập tục sơ sài. Những tập tục này cụ thể thế nào đệ thật không rõ. Trong ít ngày đệ quan sát bà quả phụ Shi-shmi và hỏi bà, đệ mới biết. Chúng cho rằng sẽ gặp rủi ro nếu chui qua chiếc thang, để kéo mở, để mũ trên bàn hay giày dép trên giường. Ngày thứ mười ba trong
  44. tháng của bọn mũi lõ (độc lập với tuần trăng) là ngày xấu, ngày thứ Sáu của tuần lễ cũng xấu theo một nghĩa nào đấy. Nếu ngày thứ Sáu này trùng với ngày thứ mười ba của tháng thì nhiều bọn mũi lõ không ra khỏi nhà. Khi một người hắt hơi, những người kia nói “Chúc mừng!”, không ai giải thích được cho đệ tại sao; trên mộ tổ tiên chúng chỉ đặt hoa chứ không cúng kiếng thêm gì khác nữa. Mà chúng thường chỉ đặt hoa lên mộ cha mẹ thôi, vì chúng không biết mộ ông bà, còn cụ cố thì chúng không nhớ tên luôn. Có lẽ đó chính là những phong tục cốt yếu làm chỗ dựa cho trật tự của xã hội này. Còn vài điều đệ chưa quan sát. Rõ ràng một thứ trật tự sâu rộng, tình yêu con cái, lòng kính nể, khoa học, các thượng thư liêm khiết và sự thịnh vượng sẽ không thể duy trì được nếu không xảy ra chuyện gì khác hơn là kiêng để kéo mở. Vả lại, không phải ai cũng kiêng: ở nhà nàng Pao- leng có lần đệ thấy nàng để kéo mở. Đệ đã nghiêm túc nhắc nhở nàng điều ấy. Nàng cười: dạ, dạ – mẹ nàng cũng đã dạy nàng thế rồi. Dường như chỉ những người lớn tuổi còn giữ những tập tục vốn đã ít ỏi này, còn ở giới trẻ chúng có nguy cơ bị suy đồi. Việc các xe ô-tô ngừng ở giao lộ khi đèn giao thông bật đỏ và chỉ chạy tiếp khi đèn đổi sang màu xanh không phải là tập tục, mà là một luật lệ đặt ra tùy tiện, phán quan Me-lon đã giải thích cho đệ điều này. Những luật lệ tùy tiện này nhiều vô kể và càng tăng quá mức thì phong tục và tập quán càng suy đồi. Thành ra phong tục và luật lệ tách biệt nhau, nghĩa là luật lệ tách rời hoàn toàn khỏi mọi quan niệm đạo đức. Vì đối với bọn mũi lõ việc phạm luật không phải trái đạo đức, nên Nhà nước phải dùng đến biện pháp trừng phạt. Giáo dục không hiệu quả nữa. Quan niệm đạo đức tuy vẫn còn, nhưng chỉ mang tính tôn giáo và không ràng buộc cho đời sống công cộng. Đạo đức và tôn giáo đại khái chỉ còn giá trị về mặt thơ văn. Người ta có thể thích và tuân giữ, nếu muốn, nhưng chúng không điều hòa cuộc sống nữa. Đệ dễ dàng nhận thấy rằng một Nhà nước như thế sẽ trở thành vô trật tự và ở đấy yếu tố lý trí chỉ còn giá trị trang trí. Nhân đây nói thêm là tôn giáo mới thật lạ lùng. Nó đậm nét mê tín và giống đạo Phật thế nào ấy. Bọn mũi lõ tin rằng đã có lần (chúng xác định
  45. rõ: đại khái vào thời gian nhà Đông Hán thay thế nhà Tây Hán) một ông Chúa đã xuống thế gian. Ông Chúa này sống trên trái đất ba mươi ba năm, đã giảng đạo và để lại một số quy tắc đạo đức, rồi bị con người hành quyết. Một quan niệm kỳ quặc. Rồi ông Chúa này sống lại, bay lên trời, phân thân thành ba ông Chúa. Ông ta đưa bà mẹ cùng lên trời, nhưng để lại trên trái đất người đại diện giữ vai trò một đạo sĩ tối cao. Có lẽ đệ thuật lại không chính xác môn thần thoại này vì một mặt đệ không hiểu rõ lắm, mặt khác nó có nhiều biến thể phần nào kình chống nhau hoặc từng kình chống nhau một cách gay gắt. Đệ đã hỏi về giáo lý của ông Chúa này. Nó vô cùng đáng quý trọng. Nó không dạy gì khác lời Khổng phu tử trong thiên XV sách “Luận Ngữ”: “Tử Cống hỏi: ‘Có một chữ nào suốt đời làm theo được không?’ Khổng Tử đáp: ‘Có lẽ là chữ “thứ” chăng? Cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác”[117]. Từ thời điểm bây giờ ở đây mà tính thì triều đại Hán đã cách gần hai nghìn năm. Nghĩa là từ khi ông Chúa này tuyên giảng giáo lý của mình đến nay đã gần hai nghìn năm. Dường như quan niệm về đạo đức của bọn mũi lõ từ đó đến nay không hề thay đổi, vì giáo lý về lòng nhân đức của chúng không kêu gọi lương tri và nhân tính, mà chỉ bám vào công và tội – cũng là mấu chốt của giáo lý này. Đệ thấy tôn giáo này với đạo Phật có sự tương đồng. Cũng như các Phật tử, bọn mũi lõ khiếp hãi khi nghĩ rằng một ngày nào đó chúng mất đi linh hồn cỏn con của chúng. Chúng tự cho mình là quan trọng, đến nỗi coi việc linh hồn không tiếp tục sống sau khi chúng chết là một thảm họa. Điều lạ lùng là chúng không thấy sợ về chuyện linh hồn chúng không sống trước khi chúng sinh ra. Chúng bảo linh hồn chúng là “vĩnh cửu”. Nhưng vĩnh cửu có nghĩa là không có khởi đầu và kết thúc. Làm sao vĩnh cửu được khi nó có khởi đầu? (Ông Shi-shmi bảo ý tưởng này không lạ trong triết học của bọn mũi lõ. Đại khái cùng thời với thầy Ve-to-feng có một bậc trí giả tên Sho Peng-kao[118] đã đưa ra quan niệm này, nhưng không được tiếp nhận mấy). Dựa trên nỗi sợ hãi ấu trĩ này, theo đệ thấy không khác sợ ma quỷ là mấy, tôn giáo của bọn mũi lõ đã dựng nên hệ thống của nó về công
  46. và tội. Vì người ta cần tuân giữ điều răn về lòng nhân đức không phải để trở thành người hoàn hảo, không phải để biết rõ chính mình, không phải để giữ xã hội của con người được cân bằng, mà để tích lũy “kho báu nơi thế giới bên kia”. Nghĩa là về cơ bản tôn giáo này kêu gọi lòng tham. Nó dạy rằng ai trên thế giới này tuân giữ giáo lý, khi chết linh hồn sẽ bay lên thiên đường, nơi sẵn có một cuộc sống đời đời vô ưu chờ đợi bên cạnh Chúa. Nghĩa là linh hồn phải giữ gìn được ký ức về cuộc sống trần thế, bằng không nó sẽ không được tưởng thưởng. Ngược lại: ai không tuân giữ điều răn về lòng nhân đức, khi chết sẽ xuống địa ngục kinh khủng, ngày đêm bị thiêu đốt. Một ông Chúa lòng lành luôn canh cánh về lòng nhân đức lại có thể vô nhân đến thế ư? Nhất là một ông Chúa có thể nào quyết định chuyện họa hoặc phúc đời đời của con cái ông, nghĩa là của con người, dựa trên những tiền đề pháp lý như thế được không? Vì tôn giáo của bọn mũi lõ khẳng định con người là con cái của ông Chúa đó mà. Tuy cũng có nói nhiều đến lòng khoan dung đấy, nhưng lòng khoan dung này của ông Chúa không thật là khoan dung, vì nó chỉ được ban phát cho những kẻ thật sự xứng đáng – dưới cái nhìn của tôn giáo này. Lòng khoan dung ấy chẳng qua cũng chỉ là ân thưởng kín đáo thôi. Bọn mũi lõ có quan niệm hám lợi đối với ông Chúa của chúng. Điều này, đệ nghĩ, là một hậu quả tai hại của sự nhân cách hóa mê tín ông Chúa của chúng một cách quá đáng. Thậm chí chúng còn vẽ hình ông, một lão trượng đáng kính râu dài lốm đốm bạc. Nét mặt ông là nét mặt của bọn mũi lõ. Nếu đúng thế thì bọn chúng ta, vẻ mặt khác hẳn, sẽ bất lợi ngay từ đầu. Thế mà đó là ông Chúa đầy khoan dung ư? Chỉ gọi là khoan dung thật sự khi kẻ không xứng đáng cũng được ban thưởng. Ông Chúa của bọn mũi lõ, nếu khoan dung thật sự, phải chiếu cố kẻ nguyền rủa ông chứ. Nhưng đệ cho rằng tất cả những điều này không phải lời dạy thật sự của ông Chúa đã giáng thế. Một ông Chúa thì xa xôi và vĩ đại, khiến không thể mặc khải những khái niệm của con người, chưa kể còn tự khép mình vào cái khung của những quy định pháp lý mà người ta trưng ra và diễn giải bằng trí óc của con người. Đệ đã tìm hiểu, ông Chúa này có thể chỉ là một hiền giả đáng kính có những nhận thức sâu sắc khôn lường về thánh
  47. thần – về ông Giê-su, chúng gọi ông như thế, không có lấy một dòng chữ từ chính tay ông ta. Tất cả những gì ông truyền lại đều do các môn đồ của đệ tử ông ghi chép lại. Chúng được ghi trong bốn quyển sách Thánh[119], song cũng chỉ là những bản sao chép sau này thôi. (Thành thật mà nói, cũng giống như với Đức Khổng phu tử của chúng ta). Ông Shi-shmi tặng đệ mấy quyển sách Thánh ấy. Không dày gì lắm và đệ đã đọc với mối thiện cảm sâu sắc chỉ trong một đêm. Không chỗ nào gọi ông Giê-su đáng kính này, người mà đệ không ngần ngại tỏ lòng kính trọng hết mức, là Chúa. Ông tự nhận mình là con người và khẳng định mọi người là con cái của Chúa. Đệ cho rằng có lẽ giáo lý của ông đã bị biến cải nhiều. Ông Giê-su đáng kính này dạy về lòng nhân từ vì nó cần thiết, song các đệ tử của ông không hiểu ông nên đã thêm vào đó quan niệm lợi lộc nhỏ mọn về phần thưởng và trừng phạt. Nhưng quan niệm ấy, ông Shi-shmi nói, cũng không mới lạ gì. Trong hai nghìn năm qua giáo lý này đã trải qua nhiều biến cải và vô số diễn giải; chúng không chỉ đưa tới những tranh luận về học thuật mà còn tranh chấp và chiến tranh nữa. Ông Shi-shmi kể đệ nghe một vài diễn giải. Một diễn giải của một trí giả tên Gê-go ở Na-tsia (sống vào thời Đông Tấn) đã khiến đệ sững sờ; theo ông này thì đại khái không thể hiểu nổi Chúa, nên không thể nghĩ bàn. Hoàn toàn không được phép nghĩ bàn về Chúa, mọi nghĩ bàn về Chúa đều là báng bổ. Tất nhiên lời dạy của ngài Gê-go vĩ đại xứ Na-tsia cũng không toàn thắng trong thế giới này, nơi mà mọi cái mới trước hết luôn luôn được coi là hơn cái cũ, trong nghĩa tiến bộ và thường xuyên rời khỏi mình. Thiên IX quyển “Luận Ngữ” bất tử viết thế nào nhỉ? “Khổng Tử nói về Nhan Uyên: “Tiếc thay! Ta chỉ thấy anh ấy tiến mà chưa hề thấy ngừng”[120]. Khi đệ nghe ông Shi-shmi kể, khi đệ đọc và trò chuyện với bè bạn về những điều này, đệ lờ mờ cảm thấy một mối quan hệ lạ thường giữa thế giới ở đây với quê hương mình. Huynh cũng lờ mờ cảm thấy chứ? Ở Trung Quốc chúng ta có một giáo phái sống tách biệt của những người tin vào một ông Chúa nơi phương Tây xa xôi. Đó chính là những người theo giáo lý của ông Giê-su nọ. Họ bị xua đuổi vì lý do tôn giáo, sống phân tán khắp nơi,
  48. rồi cuối cùng định cư ở đất nước ta, xa cách hẳn đồng đạo. Họ xưng là người theo Cảnh giáo. Khi trở về, đệ sẽ tìm cách liên hệ với họ. Xưa nay đệ vốn không quan tâm đến họ[121]. Đó là tóm tắt của đệ về tôn giáo của bọn mũi lõ. Đệ không muốn tranh cãi. Không ai biết được chân lý là gì. Có tốt hơn chăng nếu qua suy xét mà cố đạt tới việc tìm hiểu bản chất của trời xanh? (điều này dễ đưa đến suy đoán). Phải chăng phương pháp sai lạc cũng có tác dụng nâng cao kiến thức? Hay chúng ta chỉ nên hài lòng được là người tốt? Đệ không rõ. Đệ mượn câu nói ngắn gọn của vị thầy nơi đồi hạnh: “Đừng bận tâm với chuyện tiên đoán, nó là thế”. Cuối bức thư dài này, có lẽ là quan trọng nhất cho đến nay, đệ xin chào huynh. Người bạn Cao Đài xa xôi của huynh
  49. Thư thứ hai mươi ba (Thứ Hai, 11 tháng Mười Một) Di Ngô quý mến, Đệ càng tiếp xúc rộng rãi bao nhiêu, lai lịch của đệ càng dễ bị lộ bấy nhiêu. Tất nhiên thôi. Hồi còn ở nhà ông Shi-shmi và được ông bảo trợ thì đệ chẳng có gì phải lo ngại. Bây giờ đệ ở trong khách sạn này, kẻ ra người vào nườm nượp như chuồng bồ câu. Có hai người biết hoàn cảnh của đệ: nàng Pao-leng và ông Shi-shmi. Ông Shi-shmi coi chuyến du hành vượt thời gian của đệ và việc đệ chỉ là người khách tạm thời trong thế giới của ông là đầy ý nghĩa và ông hiểu việc giữ bí mật nghĩa là gì và quan trọng thế nào. Nếu ông sống trong thế giới của chúng ta thì ông là một người quân tử theo nghĩa Đức Khổng phu tử dạy. Nàng Pao-leng cũng là quân tử, nếu là đàn ông. Đó là điều quý báu nhất mà ta có thể nói về một phụ nữ – ngoài chuyện ca ngợi sắc đẹp của họ. Nhưng đệ không dám chắc nàng thật sự tin điều đệ tiết lộ về lai lịch của mình. Nàng chẳng bao giờ thắc mắc. Có thể nàng nghĩ đệ muốn qua câu chuyện thậm chí vô lý và không tin nổi này che giấu một câu chuyện khác tuy đáng tin hơn, nhưng bất hảo? Đệ đành chịu vậy. Tại sao đệ lại sợ lai lịch mình bị phát hiện dù đệ không làm điều gì bị cấm đoán qua chuyến du hành vượt thời gian này? Có thể người ta sẽ nhìn đệ như một bóng ma, thật chẳng thú vị gì. Có thể họ sẽ không tin, như thế đệ càng thấy khó chịu hơn, vì lúc ấy đệ chỉ muốn đưa ra bằng chứng, điều đệ làm được. Nhưng khi đó đệ sẽ thành kỳ quan thế giới và không thể quan sát được nữa, vì ngay lập tức đệ sẽ trở thành đối tượng quan sát của nhiều người lạ. Không, tốt hơn, thậm chí bó buộc, đệ cứ âm thầm quan sát, còn chính mình hoàn toàn không lộ diện dù việc này khó khăn tới đâu, vì ngay cả ăn mặc như bọn mũi lõ thì dung mạo đệ vẫn không mấy thích hợp với thế giới này.
  50. Duy-Lân tử đã trở lại đây. Bây giờ ông ở một phòng khác, nhưng cũng vẫn trong khách sạn này. Ông rất hay hỏi, chính vì thế ông trở thành một mối nguy. Tiết lộ cho ông hết mọi điều về đệ như đã làm với ông Shi-shmi và nàng Pao-leng thì đệ thấy không nên. Cho nên đệ cứ luôn phải cảnh giác tìm câu trả lời thích hợp cho những câu hỏi rắc rối của ông. Ông lại nhắc tới buổi trò chuyện qua te-lei-fong với chuyên gia trồng rừng nọ ở Bắc Kinh, đúng là ông dai như đỉa. Lần trò chuyện không thành trước đây không làm ông nản chí. Duy-Lân tử đã khiến bà phụ trách tổng đài te-lei- fong trong khách sạn gần phát điên vì không ngớt phải nối đường dây với Bắc Kinh, mà thường là không thành công. Nối được rồi song thường lại đứt. (Hệ thống đường dây dường như chưa thật hoàn hảo, ít nhất ở tầm xa). Nhưng cuối cùng cũng nghe được tiếng viên chuyên gia, dù rất nhỏ, gần như không nghe thấy. May mà đệ không biết nên nói chuyện gì với y. Sau vài câu xã giao đệ chuyển lời chào của Duy-Lân tử. Viên chuyên gia ở Bắc Kinh, cháu chắt của chúng ta, chẳng còn nhớ được bao nhiêu lễ phép ngày xưa của chúng ta. Mới đầu y tưởng đệ là người Hoa ở Tân Cương nói thứ khẩu âm mà y không hiểu, thứ nữa y chẳng vấn an đệ cũng như hỏi thăm song thân đệ còn không. Y gửi lời chào Duy-Lân tử. Tất cả chỉ có thế nhưng Duy-Lân tử rất vui và đệ hy vọng vấn đề nghiêm trọng này đã được giải quyết. Một chuyện khác hoàn toàn chưa giải quyết được, mà đúng ra chỉ mới bắt đầu. Nó làm đệ sợ thắt ruột gan, mặt khác lại khiến đệ hết sức tò mò. Chuyện xảy ra hôm qua: đệ vô tư xuống dưới sảnh, nơi đệ hẹn với Duy- Lân tử uống Mo-te Shang-dong. Ông ngồi đấy – nhưng ai ngồi cạnh ông thế kia? Một cô nàng bằng xương bằng thịt từ Trung Quốc. Đệ khựng lại, nhưng rút lui thì đã quá trễ, vì họ đã thấy đệ. Đệ sửng sốt đến quên cả lễ phép, nhưng – sau đó nhìn lại – vậy mà lại là hay. Một nàng Trung Quốc bằng xương bằng thịt, như đệ vậy, tất nhiên ăn mặc kiểu mũi lõ, tóc cắt kiểu phụ nữ mũi lõ, không bó chân, không mạng che mặt – nhưng rành rành từ Trung Quốc. Duy-Lân tử đứng bật dậy, giới thiệu nàng, vẻ mặt ông cho thấy ông nghĩ rằng thấy nàng thì đệ sẽ vui khôn xiết. Đệ xin kể ngắn gọn: may sao nàng gốc gác từ một hòn đảo ngoài khơi
  51. Phúc Kiến, nay có dân ta ở, nhưng là một Nhà nước độc lập[122]. Nàng nói một thứ khẩu âm rất chướng tai, nhưng bọn đệ vẫn có thể hiểu nhau. Tên nàng là “Tiểu phụ”[123] Chung. Bọn mũi lõ dùng từ “tiểu phụ” để chỉ một người nữ chưa chồng, mặt khác dùng để gọi nữ tiểu nhị trong phạn điếm, dù có chồng hay chưa. Có lần đệ cùng Duy-Lân tử vào một trong những vườn bia xinh đẹp (khi trời đẹp người dân Min-chen hay vào đây, ngồi uống bia bằng cốc vại hoặc cốc nửa lít dưới tán cây dẻ); ra tiếp là một nàng mông bằng hai mông ngựa, hai bàn tay to đến mức khuân được những mười lăm cốc vại một lúc, cao hơn đệ ít nhất bốn cái đầu. Đúng là một núi mỡ. Thế mà Duy-Lân tử gọi nàng bằng: “Tiểu phụ!”. Hôm ấy là một trong những ngày ấm áp cuối mùa thu. Nơi chiếc bàn xa xa có một ông đang ngồi, ông ấy khiến đệ chú ý ngay. Duy-Lân tử nói khẽ: một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất Min-chen đấy! Ông tên Si-gi và – nếu đệ hiểu đúng lời Duy-Lân tử – chỉ làm thơ vào mùa hè. Thế là rất khôn ngoan. Đệ muốn “Nhị thập cửu đài tiển nham bích” của Thi nhân hội hoàng gia cũng chỉ làm thơ vào mùa hè thôi. Nhưng họ cứ làm thơ ngày này qua ngày khác, khiến xà nhà cũng phải oằn, dù nắng cháy hay mưa đá. Thi sĩ Si-gi đã có tuổi, da ông trông như da thuộc. Thoạt nhìn, đệ tưởng ông là một mục tử. Duy-Lân tử nói khẽ: bình thường ông Si-gi ngồi ở đó cùng đông đảo bạn bè và tiếp những kẻ chầu chực xin diện kiến. Được ông mời ngồi cùng bàn là một vinh dự to lớn, còn khó hơn được Thượng khanh của Ba Yan mời ăn tối. Hiếm khi ông Si-gi ngồi đó một mình. Tuy Duy-Lân tử nói khẽ, nhưng cũng khiến thi sĩ Si-gi chú ý và nhìn qua bàn của bọn đệ. Trán ông nhăn tít rồi ông nói kiểu gọn lỏn thô kệch của người Min-chen: “Mấy người nói về tôi chăng?”. Đệ đứng dậy, khom hai phần ba người và nói: “Quả thật tại hạ đã có hành động không thể tha thứ, đó là nói bằng giọng quang quác chói tai về con người cao quý đáng kính và không dễ được gần gũi như ngài. Nhưng tại hạ mới biết mình có may mắn không đáng được hưởng như thể vừa được trông thấy cầu vồng mọc ở hướng Đông, đó là được hít thở trong sự hiện diện của nhà thơ danh tiếng nhất thành phố Min-chen vĩ đại. Dù kẻ tiểu nhân vô dụng này có phạm tội gì trong tương lai thì cuộc sống vô giá trị của tại hạ vẫn chói ngời nhờ được
  52. cùng một tia nắng rọi chiếu ít phút giây bên cạnh ông hoàng của mọi thi sĩ ở Min-chen, của Ba Yan và của toàn thế giới”. “A, cứ tự nhiên” nhà thơ nói, “ngồi đây để mình trò chuyện một chút”. Đệ định lễ phép từ chối, chờ được mời ba bốn lần đã. Nhưng Duy-Lân tử đã lẹ làng xốc quần áo, chuyển qua bàn của nhà thơ Si-gi; hẳn ông không muốn lỡ cơ hội hưởng niềm vinh dự vốn còn khó hơn được Thượng khanh mời gặp này. Cho nên đệ cũng chuyển qua bàn của ông Si-gi và không quên lễ phép tái tới tái lui xin lỗi rằng sự có mặt của đệ đã làm hoen ố diện mạo toàn hảo của nhà thơ vĩ đại. “A, cứ tự nhiên”, nhà thơ khiêm tốn và lịch sự nói, “tôi có khác một người viết bình thường nào đâu, tôi chỉ đơn giản nguệch ngoạc những gì chợt nghĩ ra thôi mà”. Đệ mong một vài vị trong Thi nhân hội hoàng gia “Nhị thập cửu đài tiển nham bích” cũng khiêm tốn được như thế. Đệ liền đáp rằng sắp tới sẽ nhờ bạn bè mua giúp tác phẩm trác việt vô song của thi sĩ Si-gi để nghiền ngẫm đến cuối đời, dù ánh mắt của đệ sẽ chỉ làm hoen ố những áng thơ cao quý như hoa huệ của ông. “A, tự nhiên đi mà”, ông Si-gi cao quý lại nói. “Ông từ Trung Quốc tới à?” ông hỏi. Vừa nói ông vừa xắt một loại củ màu trắng tên là la-đi[124] thành lát mỏng tanh, theo kiểu người vùng này thích dùng với bia. Xắt xong, cứ giữa hai lát ông lại rắc chút muối rồi sắp lại như cũ. “Ở xứ tôi người ta bảo phải để la-đi khóc”, ông Si-gi hạ cố chỉ bảo. Ý ông là phải để muối hút nước từ củ cải. “Ra thế, ra thế”, ông nói, “ông đến từ Trung Quốc. Ông biết Khổng phu tử chứ?” Đệ bối rối, mới đầu tưởng vớ vẩn rằng ông ám chỉ lai lịch xa vòi vọi của đệ. Đệ mới đáp vu vơ: “Không trực tiếp”. Ông Si-gi cười ồ, nói đi nói lại rằng ông thích đệ. Duy-Lân tử tuy không được Si-gi tử bắt chuyện nhưng cũng hưởng nhờ ơn mưa móc. Hóa ra ông Si-gi đã nghe nói điều này điều nọ về Đức Khổng phu tử. Đệ kể ông nghe về học thuyết tuyệt trần của bậc hiền giả nơi đồi hạnh. Ông Si-gi tỏ ra rất quan tâm và hỏi luôn mồm. Đệ kể về Mạnh Tử cùng lòng khinh ghét chiến