Luận án Tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ

pdf 186 trang vanle 2520
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Luận án Tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfluan_an_tich_tu_ruong_dat_trong_nong_nghiep_o_vung_tay_nam_b.pdf

Nội dung text: Luận án Tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ

  1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI HOÀNG THỊ THU HUYỀN TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TRONG NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG TÂY NAM BỘ Chuyên ngành: Kinh tế Phát triển Mã số: 62.31.01.05 LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: 1.PGS.TS. Nguyễn Văn Ngãi 2.PGS.TS. Lê Thanh Sang HÀ NỘI, 2016
  2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, các số liệu nêu trong luận án là trung thực. Những kết luận khoa học của luận án chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án
  3. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 6 1.1. Nghiên cứu nước ngoài về đất đai và tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp 6 1.2. Nghiên cứu trong nước về tích tụ ruộng đất và các vấn đề liên quan 9 CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN VỀ TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TRONG NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG TÂY NAM BỘ 21 2.1.Một số quan điểm về tích tụ ruộng đất và các vấn đề liên quan 21 2.2. Các lý thuyết liên quan đến tích tụ ruộng đất 23 2.3. Mô hình đánh giá tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp Tây Nam Bộ 31 2.4. Mô hình phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ 34 2.5. Khung phân tích Tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ 40 2.6. Cơ sở dữ liệu và công cụ phân tích dữ liệu 41 2.7.Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất ở một số nước trên thế giới 45 CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG, TÁC ĐỘNG CỦA TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT VÀ CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TRONG NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG TÂY NAM BỘ 52 3.1. Thực trạng tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ 52 3.2. Tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế xã hội nông thôn Tây Nam Bộ 92 3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ 111 CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP VỀ TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TRONG NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG TÂY NAM BỘ 128 4.1. Quan điểm của Đảng và chính sách của nhà nước về phát triển nông nghiệp nông thôn và tích tụ ruộng đất 128 4.2. Bối cảnh hội nhập quốc tế 131 4.3. Quan điểm đề xuất giải pháp 132 4.4. Đề xuất giải pháp về tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ 133 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 148 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC 162
  4. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT ASEAN : Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations) BTB&DHMT : Bắc trung bộ duyên hải miền trung CNH,HĐH : Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa ĐBSCL : Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSH : Đồng bằng sông Hồng ĐNB : Đông Nam Bộ FAO : Tổ chức nông nghiệp và lương thực (Food and Agriculture Organization) FTA : Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement) NNPTNT Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NTB : Nam trung bộ TD&MNPB : Trung du và miền núi phía bắc TN : Tây Nguyên TNB : Tây Nam Bộ TPP : Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương VHLSS Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (Vietnam Household Living Standards Survey) WB : Ngân hàng thế giới (World Bank) WTO : Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) XNCN : Xã hội chủ nghĩa
  5. DANH MỤC CÁC BẢNG Trang Bảng 3.1 Biến động sử dụng đất nông nghiệp 2006, 2011 59 Bảng 3.2 Tình hình sử dụng đất sản xuất nông nghiệp 2006, 2011 60 Bảng 3.3 Cơ cấu đất nông nghiệp theo đối tượng sử dụng năm 2011 60 Bảng 3.4 Thu nhập, chi tiêu bình quân nhân khẩu 1 tháng Tây Nam Bộ 62 và chỉ số giá cả 2002-2012 Bảng 3.5 Một số chỉ tiêu văn hóa vùng Tây Nam Bộ 2006, 2011 63 Bảng 3.6 Thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia theo nhóm thu 63 nhập vùng Tây Nam Bộ 2002-2012 Bảng 3.7 Tỷ lệ xã có học sinh cấp tiểu học bỏ học hoặc không đi học 64 chia theo nguyên nhân, vùng năm 2011 Bảng 3.8 Tỷ lệ xã có cơ sở y tế chia theo loại cơ sở y tế và vùng 2008- 65 2010 Bảng 3.9 Tỷ lệ xã có trẻ em suy dinh dưỡng và bệnh trẻ em 2008-2012 67 Bảng 3.10 Tỷ lệ xã chia theo vấn đề nổi cộm về môi trường chia theo 67 vùng 2008-2012 Bảng 3.11 Cơ cấu hộ nông nghiệp theo quy mô đất sản xuất 2006, 2011 71 Bảng 3.12 Nguồn gốc các mảnh đất trồng cây hàng năm 2008 73 Bảng 3.13 Cơ cấu hộ theo quy mô đất trồng cây hàng năm 2004, 2012 76 Bảng 3.14 Vốn tích lũy bình quân 1 hộ nông thôn 2006, 2011 80 Bảng 3.15 Tỷ lệ hộ tham gia thị trường thuê đất trồng cây hàng năm 82 2004-2012 Bảng 3.16 Số trang trại phân theo lĩnh vực sản xuất có đến 01/7/2011 85 Bảng 3.17 Số lượng và cơ cấu trang trại tại thời điểm 01/7/2011 phân 86 theo lĩnh vực sản xuất và vùng Bảng 3.18 Kết quả sản xuất kinh doanh bình quân 1 trang trại trong 12 88 tháng qua (từ 01/7/2010-30/6/2011) phân theo vùng Bảng 3.19 Kết quả hồi quy Mô hình NĂNG SUẤT (MH1A1) 94 Bảng 3.20 Kết quả hồi quy Mô hình THU NHẬP (MH1B1) 95 Bảng 3.21 Kết quả hồi quy Mô hình NĂNG SUẤT (MH1A2) 96
  6. Bảng 3.22 Kết quả hồi quy Mô hình THU NHẬP (MH1B2) 97 Bảng 3.23 Diện tích đất trung bình của các hộ gia đình có sở hữu đất 103 trồng cây hàng năm phân theo 5 nhóm Bảng 3.24 Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn không đất 104 Bảng 3.25 Cơ cấu diện tích đất của các hộ gia đình sở hữu đất nông 106 nghiệp phân theo 5 nhóm thu nhập Bảng 3.26 Diện tích đất trung bình của các hộ gia đình sở hữu đất trồng 108 cây hàng năm phân theo 5 nhóm thu nhập Bảng 3.27 Kết quả hồi quy Mô hình THAY ĐỔI QUY MÔ RUỘNG 112 ĐẤT (MH2A) Bảng 3.28 Kết quả hồi quy Mô hình TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT (MH2B) 113
  7. DANH MỤC CÁC HÌNH VÀ BIỂU ĐỒ Trang Hình 2.1 Khung sinh kế bền vững 28 Hình 2.2 Đường cong Lorenz 29 Hình 2.3 Khung phân tích Tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ 41 Biểu đồ 3.1 Hệ số GNI thu nhập bình quân nhân khẩu 1 tháng chia 64 theo nhóm thu nhập vùng Tây Nam Bộ Biểu đồ 3.2 Tỷ lệ hộ sản xuất lúa có quy mô từ 2 ha chia theo vùng 72 2011 Biểu đồ 3.3 Tỷ lệ đất trồng cây hàng năm có giấy chứng nhận quyền 74 sử dụng đất vùng Tây Nam Bộ 2004-2010 Biểu đồ 3.4 Diện tích đất trồng lúa bình quân 1 hộ sử dụng vùng Tây 75 Nam Bộ năm 2006, 2011 Biểu đồ 3.5 Diện tích đất bình quân 1 trang trại sử dụng chia theo 87 vùng năm 2006, 2011
  8. MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Kể từ sau “Đổi mới” năm 1986, nhất là từ sau Nghị quyết 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa VI năm 1988 (còn gọi là khoán 10), nông nghiệp Việt Nam đã có một bước đột phá mới. Hộ nông dân được thừa nhận là một đơn vị kinh tế tự chủ, có quyền bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trước pháp luật, đất đai được giao ổn định và lâu dài. Cùng với nhiều chính sách tiếp theo, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từ một nước thiếu lương thực đã trở thành một quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tăng trưởng nông nghiệp đang có xu hướng chậm lại và tăng trưởng của khu vực nông lâm nghiệp thủy sản luôn thấp hơn tăng trưởng kinh tế chung. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2009, kinh tế cả nước tăng trưởng 5,3% (giảm 2,6%), riêng nông lâm nghiệp thủy sản tăng trưởng chỉ còn 1,8% (giảm 3,2%) so với giai đoạn 2000-20081. Đến giai đoạn 2010- 2014 tăng trưởng nông nghiệp có tăng trưởng trở lại, nhưng so với mức tăng trưởng chung và so với các khu vực khác thì tăng trưởng nông nghiệp vẫn thấp hơn khá nhiều (tăng trưởng nông nghiệp trung bình giai đoạn 2010-2014 là 3,22%, trong khi tăng trưởng chung là 5,86%2). Măt khác, nông nghiệp nước ta hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nông hộ với diện tích sản xuất bình quân khá nhỏ, đây là một trong những rào cản cho sự phát triển. Nông nghiệp là một lĩnh vực sản xuất mang tính chất đặc thù (tư liệu sản xuất quan trọng nhất và không thể thiếu là đất đai). Bất cứ một chính sách nào liên quan đến đất đai đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Do đó, động lực mới cho phát triển nông nghiệp sẽ liên quan đến đất đai, và vì thế tích tụ ruộng đất là một vấn đề cần được quan tâm hiện nay. Tây Nam Bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), một vùng đất được coi là vựa lúa, trái cây và thủy hải sản của cả nước. Dù được thiên nhiên ưu đãi nhưng kinh tế nông nghiệp và đời sống người nông dân Tây Nam Bộ vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 1 Tính toán theo Niên giám Thống kê 2010 2 Tính toán theo Niên giám Thống kê 2014 1
  9. 2013, tỷ lệ hộ nghèo của vùng là 9,2% (dù đã giảm từ 39,6% năm 1998), tuy nhiên đây vẫn là tỷ lệ khá cao và cao hơn rất nhiều so với vùng Đồng bằng sông Hồng nơi cũng có điều kiện tự nhiên phù hợp với phát triển nông nghiệp (Niên giám thống kê 2013). Sản xuất nông nghiệp Tây Nam Bộ tuy có quy mô lớn nhất nước nhưng vẫn đa phần là nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả sản xuất thấp. Để nâng cao hiệu quả sản suất nông nghiệp và đời sống của người nông dân thì việc sản xuất trên quy mô lớn với trình độ chuyên môn hóa cao phải được đặt ra mà tích tụ ruộng đất là một trong những điều kiện quan trọng. Tuy nhiên, cho đến nay tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ vẫn chưa được nhiều nghiên cứu một cách có hệ thống và toàn diện. Trong khi đó tích tụ ruộng đất là một hiện tượng kinh tế có tác động xã hội mạnh mẽ đang diễn ra cùng với quá trình phát triển của Tây Nam Bộ và đã được chấp nhận bởi chính sách của nhà nước trong thời gian gần đây. Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu về tích tụ ruộng đất ở Tây Nam Bộ là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và đó cũng chính là chủ đề nghiên cứu được tác giả lựa chọn làm đề tài luận án tiến sỹ. Như vậy, luận án sẽ không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận trong việc xác định cơ sở khoa học cho các vấn đề liên quan đến tích tụ ruộng đất mà còn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc tìm ra những động lực mới xuất phát từ khía cạnh đất đai cho sự phát triển nông nghiệp Tây Nam Bộ. Kết quả của đề tài còn có thể đóng góp vào việc hoạch định chính sách đất đai nông nghiệp cả nước. 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục tiêu nghiên cứu Mục tiêu nghiên cứu của luận án là đánh giá thực trạng và tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất và đời sống kinh tế xã hội nông thôn Tây Nam Bộ, đồng thời chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất nhằm đề xuất các giải pháp thúc đẩy tích tụ ruộng đất vùng Tây Nam Bộ và giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình này. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Hệ thống hóa cơ sở lý thuyết và thực tiễn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp. 2
  10. - Phân tích chính sách đất đai, thực trạng sử dụng đất đai và tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ. - Phân tích tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế xã hội nông thôn Tây Nam Bộ. - Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất vùng Tây Nam Bộ. - Đề xuất giải pháp về tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ (thực trạng tích tụ ruộng đất, tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế xã hội nông thôn và những nhân tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất) 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nội dung: Luận án chủ yếu tập trung nghiên cứu vấn đề tích tụ ruộng ở cấp độ hộ gia đình với ruộng đất canh tác lúa. Bên cạnh đó, luận án cũng phân tích một số nội dung liên quan đến các chủ thể tích tụ ruộng đất khác ngoài hộ gia đình và một số nông sản khác ngoài lúa. Phạm vi không gian: Địa bàn nghiên cứu gồm toàn bộ 13 tỉnh thuộc vùng Tây Nam Bộ đối với các tài liệu thứ cấp. Nghiên cứu thực địa – Khảo sát định tính được tiến hành tại tỉnh Long An-Vùng lõi của Đồng Tháp Mười, là một trong số ba tỉnh có năng suất và sản lượng lúa cao nhất vùng Tây Nam Bộ. Khảo sát được tiến hành ở ba huyện là Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường và huyện Đức Hòa. Phạm vi thời gian: Đối với phân tích định tính, luận án chủ yếu thực hiện trong giai đoạn từ năm 1993 đến nay dựa trên các tài liệu thứ cấp và cuộc khảo sát thực địa năm 2013 của tác giả. Đối với phân tích định lượng, luận án chủ yếu sử dụng số liệu của Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam từ năm 2004 đến năm 2012 và dữ liệu Điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản 2006, 2011. 4. Phương pháp nghiên cứu Hướng tiếp cận của luận án là kết hợp tiếp cận kinh tế học (hướng tiếp cận chủ yếu) và xã hội học (hướng tiếp cận bổ sung) để thấy được cả hai khía cạnh kinh tế và xã hội của tích tụ ruộng đất. 3
  11. Trên cơ sở hướng tiếp cận này, đề tài sử dụng cả hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. 4.1. Phương pháp nghiên cứu định lượng - Luận án sử dụng phương pháp thống kê mô tả kết hợp với phương pháp tổng hợp, so sánh nhằm phân tích, làm rõ thực trạng tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ. - Luận án sử dụng phương pháp phân tích hồi quy mô hình kinh tế lượng nhằm xác định tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và những yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ. 4.2. Phương pháp nghiên cứu định tính Luận án sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu đối với hộ gia đình và cán bộ địa phương tại địa bàn nghiên cứu nhằm phát hiện thêm các tác động của tích tụ ruộng đất đến sản xuất và đời sống, các nhân tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất, nguyên nhân của vấn đề, những vướng mắc của quá trình tích tụ ruộng đất, cũng như nhiều khía cạnh khác mà nghiên cứu định lượng chưa phản ánh hết được. Bằng phương pháp chọn mẫu có chủ đích và thuận tiện, cuộc khảo sát định tính phỏng vấn sâu được tiến hành tại tỉnh Long An, trong đó ba huyện thị mang tính đại diện được chọn mẫu phỏng vấn là huyện Đức Hòa, huyện Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường với 24 cuộc phỏng vấn hộ gia đình, 02 cuộc phỏng vấn nhóm và 16 cuộc phỏng vấn cán bộ địa phương từ cấp xã đến cấp tỉnh. 5. Những đóng góp của luận án Thứ nhất, luận án đã hệ thống hóa lại cơ sở lý thuyết và thực tiễn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp. Thứ hai, với tiếp cận nghiên cứu từ góc độ kinh tế, luận án đã đánh giá tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ. Kết quả nghiên cứu cho thấy tích tụ ruộng đất đã tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên cả hai tiêu chí năng suất và thu nhập. Thứ ba, với tiếp cận nghiên cứu từ góc độ xã hội, kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tích tụ ruộng đất tác động đến đời sống kinh tế xã hội nông thôn Tây Nam Bộ ở nhiều khía cạnh. Bên cạnh việc góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, thậm chí làm giàu cho hộ gia đình có tích tụ thì tích tụ ruộng đất cũng là một trong 4
  12. các yếu tố góp phần tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo, làm mất đi sinh kế truyền thống của một bộ phận người dân nông thôn. Thứ tư, trên cơ sở vận dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và phương pháp nghiên cứu định tính, luận án đã xác định được tám nhóm yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất Tây Nam Bộ, bao gồm: (i) Đặc điểm nhân khẩu học hộ gia đình ; (ii) Nguồn lực sản xuất hộ gia đình; (iii) Sinh kế hộ gia đình; (iv) Các điều kiện về sinh thái; (v) Cơ sở hạ tầng; (vi) Chính sách; (vii) Thị trường ruộng đất và nông sản Tây Nam Bộ; (viii) Tập quán, lối sống cư dân Tây Nam Bộ. Thứ năm, căn cứ vào quan điểm của Đảng và chính sách của nhà nước về chính sách tích tụ ruộng đất, bối cảnh hội nhập quốc tế, những tác động của tích tụ ruộng đất đến sản xuất và đời sống kinh tế xã hội nông thôn và các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất Tây Nam Bộ, luận án đã đề xuất hai nhóm giải pháp, bao gồm: (i) Nhóm giải pháp thúc đẩy tích tụ ruộng đất; (ii) Nhóm giải pháp đối với các vấn đề xã hội liên quan đến tích tụ ruộng đất. 6. Kết cấu của luận án MỞ ĐẦU Chương 1: Tổng quan nghiên cứu Chương 2: Cơ sở lý thuyết và thực tiễn về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ Chương 3: Thực trạng, tác động của tích tụ ruộng đất và các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ Chương 4: Giải pháp về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 5
  13. CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU Để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, chương này tổng quan các nghiên cứu đi trước trên thế giới về chủ đề đất đai và tích tụ ruộng đất trên các khía cạnh như quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, thị trường đất đai, quy mô đất đai và hiệu quả sản xuất, sự phân hóa ở nông thôn từ tích tụ đất đai. Ở Việt Nam, tích tụ ruộng đất cũng là chủ đề nổi lên trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây, có khá nhiều các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu các vấn đề liên quan đến ruộng đất và tích tụ ruộng đất ở Việt Nam nói chung và Tây Nam Bộ nói riêng, đây cũng là nội dung được tổng quan trong chương này. 1.1. Nghiên cứu nước ngoài về đất đai và tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp 1.1.1. Quyền về đất đai Quyền về đất đai được đề cập chủ yếu trong các nghiên cứu gồm quyền sử hữu và quyền sử dụng. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Quyền sử dụng là quyền của chủ sở hữu khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản và chỉ là một trong ba quyền của chủ sở hữu. Trong nông nghiệp, quyền về đất đai là một trong những yếu tố để hộ gia đình quyết định sẽ đầu tư như thế nào (dài hạn hay ngắn hạn, nhiều hay ít) cho sản xuất, nhất là khi quyền sở hữu và sử dụng tách rời nhau. Quyền sở hữu đất đai trên thế giới phổ biến ở hai dạng là sở hữu công cộng và sở hữu tư nhân và tùy vào mỗi quốc gia hay mỗi giai đoạn lịch sử mà hình thức nào là chủ yếu. De Soto (2000) cho rằng việc xác định rõ ràng quyền sở hữu về tài sản và vốn đầu tư giúp các nền kinh tế phát triển thành công và việc hợp thức hóa quyền sở hữu tài sản của người nông dân sẽ giúp họ thoát khỏi tình trạng luẩn quẩn của đói nghèo. Kết quả nghiên cứu về nông nghiệp Thái Lan, Indonesia, Philippines và Brazil cũng cho một kết luận tương tự, đó là đảm bảo quyền sở hữu về đất là một yếu tố làm gia tăng nguồn cung tín dụng, từ đó góp phần tăng năng suất. Ngoài ra 6
  14. đầu tư vào đất cũng tăng khi mà thời hạn sử dụng đất được đảm bảo chắc chắn (Feder, 2002). Tuy nhiên, theo Deininger (2003), hiện nay chưa có bằng chứng thực tiễn để chứng minh chế độ sở hữu nào chiếm hoàn toàn ưu thế trên thế giới. Ở nhiều nước phát triển, sở hữu tư nhân về đất đai nhưng nhà nước vẫn có những quy định để hạn chế một số quyền của người sở hữu và vẫn có thể can thiệp hoặc thu hồi đất vì mục tiêu môi trường hay phục vụ lợi ích cộng đồng. Trong khi đó ở một số nước, đất đai thuộc sở hữu công cộng nhưng quyền sử dụng đất lại được quy định rất rộng rãi không khác bao nhiêu so với quyền sở hữu bị hạn chế. Do đó, có thể thấy rằng hình thức sở hữu công cộng hay tư nhân không quan trọng bằng việc đảm bảo cho người sở hữu (hay sử dụng) có quyền nhất định và có cơ sở về mặt luật pháp về quyền của mình để họ cảm thấy yên tâm đầu tư sản xuất. 1.1.2. Quy mô ruộng đất và hiệu quả sản xuất Khi xem xét 8 nghiên cứu khác nhau có sử dụng hàm sản xuất với phương pháp hồi quy tương quan giữa hiệu quả sản xuất và các yếu tố liên quan (phương pháp hồi quy OLS-ordinal least square và PCR -principal components regression), Mundlak, Larson và Butzer (1999) cho kết quả là các biến độc lập chủ yếu có ý nghĩa thống kê gồm: cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị, thủy lợi, cây trồng và vật nuôi, trình độ học vấn chủ hộ, đất, trình độ kỹ thuật, lao động, nghiên cứu, phân bón. Ngân hàng thế giới (2008) cũng chỉ ra năng suất trên một diện tích đất phân bổ theo mùa có thể cao hơn ở các nông trại lớn so với các tiểu nông. Nguyên nhân do thị trường bảo hiểm và tín dụng không hoàn thiện cản trở các tiểu nông áp dụng kỹ thuật sản xuất cần nhiều vốn hay các sản phẩm có giá trị cao. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu khác thì hiệu suất không đổi theo quy mô. Key and Roberts (2007) ước lượng hàm sản xuất nông nghiệp dựa trên số liệu của các nước đang phát triển đã cho thấy hiệu suất không đổi theo quy mô là phổ biến. Nghiên cứu của Carter (1984), Benjamin và Brandt (2002) còn chỉ ra mối quan hệ ngược chiều giữa quy mô ruộng đất và năng suất, tức là sản lượng trung bình sẽ giảm khi quy mô đất tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là do yếu tố chất lượng đất không được quan sát trong quá trình ước lượng. Cùng quan điểm, Ellis (1993) cũng cho rằng tập trung ruộng đất sẽ dẫn đến năng suất đất giảm. Lý do là với quy 7
  15. mô nhỏ người nông dân sẽ cố gắng sử dụng đất một cách tối ưu, tiết kiệm chi phí nên có hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, các trang trại lớn cần có nguồn tín dụng và nguồn cung cấp đầu vào lớn hơn, việc quản lý và giám sát khó khăn hơn do đó hiệu quả sẽ thấp hơn. Như vậy việc phân phối nguồn lực sẽ không hiệu quả vì nhiều nước đang phát triển nguồn lực đất đai và vốn khan hiếm trong khi lao động lại dồi dào. Như vậy tích tụ ruộng đất để có quy mô lớn có thể là giải pháp cho tăng trưởng nông nghiệp nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Và khi quy mô đất đai lớn hơn thì một bộ phận lao động sẽ phải rút khỏi khu vực nông nghiệp. Họ sẽ đi đâu, làm gì? Và các vấn đề xã hội nảy sinh ra sao? Đó là vấn đề cần giải quyết song song với việc tích tụ đất đai cho sản xuất lớn. 1.1.3. Thị trường đất đai Một trong những điều kiện để thúc đẩy tích tụ ruộng đất là thị trường đất đai. Trên lý thuyết thì khi xác định rõ ràng quyền sở hữu đất sẽ làm cho thị trường đất đai phát triển. Tuy nhiên, qua nghiên cứu về sự phát triển của thị trường đất ở các nước đang phát triển, Deininger (2003) đã khẳng định rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tác dụng tương tự như quyền sở hữu. Do đó nếu là quyền sử dụng thì thời gian sử dụng phải đảm bảo cho người nông dân dám đầu tư dài hạn. Thị trường đất đai bao gồm cả thị trường chuyển nhượng và thị trường cho thuê. Ở một số quốc gia quyền sở hữu và sử dụng đất tách rời nhau và không có sở hữu tư nhân về đất, do đó trong trường hợp này thị trường cho thuê đóng một vai trò quan trọng. Nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy cho thuê đất đã làm thay đổi cơ cấu nghề nghiệp ở khu vực nông thôn, thu nhập cho cả người thuê và cho thuê đều tăng. Chính sự phát triển của thị trường cho thuê đất đã thúc đẩy tích tụ và tập trung ruộng đất và phát triển các vùng chuyên canh mang tính thương mại cao từ đó tăng năng suất và cải thiện thu nhập (Benjamin và Brand, 2002). Nhưng tồn tại một vấn đề là nếu việc sử dụng đất không được đảm bảo hoặc cản trở cho việc thuê đất đai, các giao dịch cho thuê đất sẽ không được thực hiện đầy đủ. Nghiên cứu của Deininger và Jin (2005), Platteau (2002) và Otsuka (2001) cũng có kết luận tượng tự khi sở hữu đất không được đảm bảo thì xu hướng thuê đất giảm và hạn chế các giao dịch. Hơn thế nữa, thời hạn sử dụng đất không chắc chắn đã ngăn cản đầu tư, chuyển giao đất, quản lý nguồn lực. 8
  16. Rõ ràng là thị trường đất đai, nhất là thị trường cho thuê đất góp phần thúc đấy tích tụ ruộng đất, tăng năng suất và tăng thu nhập cho hộ gia đình. Nhưng việc đảm bảo quyền về đất đai ở nhiều quốc gia đang phát triển chưa thực sự tạo động lực cho thị trường đất đang phát triển. 1.1.4. Tích tụ ruộng đất và phân hóa ở nông thôn Deininger và Squire (1996) trong nghiên cứu về phân phối thu nhập ở các nước đang phát triển đã phát hiện ra rằng, khoảng cách thu nhập đang ngày một gia tăng giữa nông thôn và thành thị và ở ngay trong khu vực nông thôn. Kết quả cho thấy, khu vực Châu Mỹ La tinh có hệ số Gini cao nhất và phản ánh mức độ bất bình đẳng về thu nhập là lớn nhất. Một trong những lý do là ảnh hưởng của việc phân bổ đất và ngày càng có nhiều người bị mất đất. Việc đuổi người sử dụng đất hay thay đổi mục đích sử dụng đất trước khi có cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất, hoặc cho phép sung công đất đang được sử dụng làm cho những người sử dụng đất trở nên nghèo khó hơn (Binswanger, Deininger and Feder, 1993). Như vậy, những nghiên cứu về đất đai trong nông nghiệp và các vấn đề liên quan ở trên cho thấy: Thứ nhất là xác lập quyền sở hữu và sử dụng đất đai đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định đầu tư sản xuất của nông dân. Vấn đề không nằm ở hình thức sở hữu mà ở chỗ thực chất người dân có quyền như thế nào và thời hạn bao lâu với đất đai của mình. Thứ hai là tích tụ ruộng đất để có quy mô lớn có thể là giải pháp cho tăng trưởng nông nghiệp. Thứ ba là quá trình tích tụ ruộng đất phải gắn với phát triển thị trường đất đai và giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh như sự bất bình đẳng thu nhập, mất đất, nghèo khó, thất nghiệp 1.2. Các nghiên cứu trong nước về tích tụ ruộng đất và các vấn đề liên quan 1.2.1. Nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân nước ngoài Với các tổ chức và cá nhân nước ngoài, thì “thời kỳ chuyển đổi” ở Việt Nam được quan tâm nghiên cứu khá nhiều trong đó có vấn đề về đất đai. 9
  17. Trong nghiên cứu một số vấn đề về đất đai nông nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi ở nông thôn Việt Nam, dựa trên bộ dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam, Martin Ravallion và Dominique van de Walle (2008) đã chỉ ra tình trạng không có đất nông nghiệp có xu hướng gia tăng trong số các hộ nghèo ở Việt Nam giai đoạn sau cải cách. Tuy nhiên, đây lại là một nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình giảm nghèo tại Việt Nam nói chung do nhiều hộ nắm bắt được cơ hội mới hoặc làm thuê được trả công. Song nghiên cứu cũng nhận định rằng vẫn có một số đối tượng bị thiệt thòi trong số các hộ gia đình không có đất và có tình trạng phân biệt giai tầng ở đồng bằng sông Cửu Long. Deininger và Jin (2003) trong nghiên cứu về thị trường bán đất và cho thuê đất ở nông thôn Việt Nam cho thấy: Thứ nhất, thị trường cho thuê và bán quyền sử dụng đất có tác dụng tích cực đến năng suất và cơ hội tiếp cận thêm đất của các hộ gia đình. Cùng với những bằng chứng cho thấy thị trường này cho phép các nhà sản xuất nhỏ bắt đầu tiếp cận với đất nhiều hơn, nghĩa là rào cản ngăn chặn tiếp cận đất đai là tương đối thấp. Việc phân phối quyền sở hữu đất tương đối bình đẳng và sự phát triển của các cơ hội việc làm phi nông nghiệp dường như là nền tảng cho kết quả này. Thứ hai, sự phát triển của lĩnh vực phi nông nghiệp thực sự là nhân tố chính trong sự phát triển của thị trường cho thuê đất. Nó không chỉ là một lý do chính để các hộ gia đình tham gia vào thị trường cho thuê đất mà sự gia tăng các cơ hội như vậy còn có thể giải thích cho sự phát triển của thị trường thuê đất trong vòng 5 năm (từ dưới 4% năm 1993 đến khoảng 16% năm 1998). Thứ ba, chính sách của chính phủ có tác động quan trọng đến thị trường đất đai ít nhất ở hai khía cạnh: (1) Biến quan trọng trong hầu hết các phép định lượng là biến "đảm bảo về quyền sở hữu". Điều này ủng hộ cho giả thuyết rằng cung cấp quyền sở hữu rõ ràng, khả thi và lâu dài, ngay cả khi nó chưa đầy đủ, thì nó vẫn là một điều kiện tiên quyết cho hoạt động cho thuê và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (2) Tiếp cận tín dụng là rất quan trọng để ngăn chặn việc bán đất do cùng cực khi phải đối diện với những cú sốc. 10
  18. Năm 2005, Deininger và Jin tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam do được thúc đẩy bởi một thực tế là nhiều nước đang áp dụng rất nhiều biện pháp sâu rộng để đưa ra các quyền tư nhân về đất đai, nhưng nhiều hạn chế vẫn còn tồn tại. Những hạn chế này xuất phát từ nỗi lo sự phát triển của thị trường đất đai sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tính hiệu quả và công bằng - mặc dù những bằng chứng thực tiễn về hiện tượng này là khá hạn chế. Phân tích thực trạng Việt Nam đưa đến những kết luận sau: Có sự tương đồng và khác biệt giữa thị trường bán và cho thuê quyền sử dụng đất, cũng như tác động của chi phí giao dịch - đây là vấn đề mà nhà nghiên cứu cũng như nhà hoạch định chính sách quan tâm; Tác động tích cực về tính công bằng và hiệu quả của thị trường đất đai là phù hợp với kết quả của những nghiên cứu khác. Nó cho thấy rằng đối với nền kinh tế đang chuyển đổi sẽ làm tăng phạm vi phân bổ nguồn lực và phúc lợi của hộ. Cả hai thị trường bán và cho thuê đều có xu hướng tăng năng suất bằng cách phân bổ lại nguồn lực sản xuất một cách hiệu quả hơn; Những cú sốc không có bảo hiểm có thể là lý do của việc bán đất cho thấy rằng các mạng lưới đảm bảo an toàn có thể giảm các tác động không mong muốn của việc bán đất không tự nguyện. Nó có hiệu quả hơn các biện pháp hành chính; Tầm quan trọng của các biện pháp đảm bảo quyền đối với đất đai là một yếu tố quan trọng quyết định sự sẵn sàng tham gia của người dân khi thị trường đất xuất hiện. Đảm bảo quyền sở hữu và sử dụng, đồng thời, cung cấp khả năng tiếp cận các thị trường khác có thể là sự thích hợp nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa ở khu vực nông thôn hơn là sự tốn kém và cuối cùng thường là nỗ lực vô ích để áp đặt các hạn chế cho hoạt động của thị trường đất đai. Dựa vào kết quả các nghiên cứu trước đó và các giai đoạn đã triển khai của dự án ACIAR (Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Ôx-trây-lia), Marsh và MacAulay (2001) khi xem xét cải cách ruộng đất và sự phát triển của nền nông nghiệp thương mại hóa tại Việt Nam đưa ra một số nhận định: Còn nhiều hạn chế liên quan đến chuyển nhượng đất đai như tính không minh bạch của thủ tục, tạo điều kiện gia tăng tranh chấp và tham nhũng; Bán và trao đổi quyền sử dụng đất bị đánh thuế do đó hạn chế hợp nhất ruộng đất; Hạn chế trong việc sử dụng quyền sử dụng đất làm tài sản thế chấp; Chỉ cải cách ruộng đất là chưa đủ để phát triển nông 11
  19. nghiệp; Năng suất lao động có liên quan đến quy mô nông trại nhưng năng suất đất thì không; Đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi) khiến nông hộ sản xuất nhỏ khó đa dạng hóa sang các loại cây trồng có giá trị cao hơn; Năng suất cao hơn ở các lĩnh vực tiếp cận thị trường tốt hơn; Giữa tăng trưởng với bình đẳng có trở lực cho việc tập trung, tích tụ ruộng đất; Vấn đề chủ sở hữu đối với người di cư, xuất hiện nhiều tranh chấp; Người nông dân quy mô nhỏ không thể tăng quy mô đất ngay cả trong thị trường đất đai hoàn hảo; Nguy cơ bị mất đất bởi việc sử dụng đất làm tài sản thế chấp khi không có thị trường bảo hiểm đầy đủ. Tiếp tục nghiên cứu về sự thay đổi quy mô trang trại và sử dụng đất trong quá trình cải cách ruộng đất ở Việt Nam, Marsh và MacAulay (2001), thông qua điều tra trực tiếp 400 hộ tại 16 xã trên 4 tỉnh: Hà Tây, Yên Bái; Bình Dương, Cần Thơ năm 2001 (mỗi tỉnh 2 huyện), bằng phương pháp chọn mẫu phân tầng đối với hộ đa dạng nông nghiệp nhưng chủ yếu là trồng lúa, kết quả cho thấy: Về nguồn cung và nắm giữ đất: Có rất ít bằng chứng về đổi đất trong nông nghiệp, mặc dù được nhà nước khuyến khích nhưng hoạt động này có thể thấy là không mong muốn và có rủi ro. Tuy nhiên, kết quả cho thấy hoạt động thuê mướn, mua bán đất diễn ra nhiều hơn. Có thể là từ việc cầm cố (người bán không thể mua lại do chênh lệch giá vàng) hoặc bán đấu giá; Về mức độ chuyển giao quyền sử dụng đất: Tồn tại những giao dịch bất hợp pháp do chi phí của việc đăng ký quyền sử dụng đất, tốn nhiều thời gian cho những quy định, thủ tục rắc rối; Cơ hội việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ tài chính là động lực của hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đất; Về hiện tượng mất dần đất: Do bị thu hồi hay tịch thu tài sản khi đem thế chấp vay tiền cho chi phí khám chữa bệnh mà không có khả năng chi trả. Nhìn chung các tổ chức và cá nhân nước ngoài trong các nghiên cứu quan tâm nhiều đến việc xác định quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai trong nông nghiệp nói riêng và đất đai nói chung, việc hình thành và phát triển thị trường chuyển nhượng, mua bán, thuê mướn đất đai, những trở lực của việc tập trung và tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp và những nguyên nhân hệ lụy của tình trạng mất đất của một số hộ nông dân. 12
  20. 1.2.2. Nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân trong nước Những nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân trong nước (bao gồm cả các nghiên cứu hợp tác với các tổ chức nước ngoài) trước và trong thời gian gần đây cũng đề cập tới khá nhiều vần đề liên quan đến chủ đề ruộng đất và tích tụ ruộng đất, từ những vấn đề tổng thể bao quát, toàn diện tới những trường hợp và vấn đề cụ thể. Trong cuốn sách “Vấn đề ruộng đất ở Việt Nam”, Lâm Quang Huyên (2007) đã đề cập đến hai nội dung chính là cách mạng ruộng đất Việt Nam và vấn đề sử dụng ruộng đất phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong nội dung thứ nhất, tác giả đã có sự phân tích và nhận định về chính sách ruộng đất từ đổi mới đến nay và cho rằng đất đai không thể mãi mãi nằm trong tay sử dụng của từng hộ gia đình, mặc dầu gia đình đó là nông dân. Ruộng đất dần dần được tích tụ tập trung nhiều hơn vào một số hộ nông dân tạo ra sinh lợi từ đất cao nhất, làm ra nhiều hàng hóa nông sản nhất. Nhiều người nông dân sẽ phải có nghề mới không còn là nông dân. Quá trình này diễn ra khó khăn, phức tạp đối với một nước như nước ta vốn đại bộ phận nhân dân còn sinh sống nhờ nghề nông, cần phải có đất canh tác. Nhưng dẫu khó khăn phức tạp đến mấy thì quy luật vận động khách quan của xã hội vẫn không thể ngăn cản được. Đặng Kim Sơn (2009) trong nghiên cứu về một số vấn đề phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã đề cập tương đối toàn diện về các vấn đề liên quan đến đất đai nông nghiệp, trong đó vấn đề tích tụ tập trung ruộng đất được thảo luận khá nhiều. Nghiên cứu đã kết hợp nhiều hướng tiếp cận và phương pháp phân tích trên cơ sở dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2004, 2006, Tổng điều tra nông nghiệp và nông thôn năm 2006 và một số nghiên cứu điển hình trên cả nước. Vấn đề tích tụ ruộng đất đã được nghiên cứu trên cơ sở lý luận của các lý thuyết đất đai, các nghiên cứu quốc tế và cơ sở thực tiễn của các nước và Việt Nam. Nghiên cứu này cũng đưa ra một số mô hình nghiên cứu định lượng nhưng chỉ tập trung vào sản xuất lúa, cụ thể: Về mô hình hiệu quả sản xuất, ở đây lấy năng suất lúa làm thước đo đại diện và kết quả các yếu tố tác động đến hiệu quả sản xuất gồm: diện tích đất, số giờ lao động, chi phí sản xuất, chỉ số simson (về độ phân mảnh đất đai, phản ánh mức độ tích tụ hay manh mún đất đai), số năm đi học của chủ hộ và tuổi của chủ hộ; Về mô hình xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tập trung và tích tụ 13
  21. ruộng đất, nghiên cứu sử dụng chỉ số simson làm yếu tố đại diện cho tập trung và tích tụ ruộng đất, các yếu tố ảnh hưởng bao gồm: Thu nhập phi nông nghiệp của hộ; Thu nhập từ cây hàng năm; Tỷ lệ đất trồng cây hàng năm có sổ đỏ; Diện tích đất đi thuê và cho thuê của hộ; Tuổi của chủ hộ; Giới tính của chủ hộ; Số năm đi học của chủ hộ; Thành phần dân tộc của chủ hộ; Quy mô hộ; Giá trị tài sản cố định của hộ. Kết luận đáng lưu ý của nghiên cứu này là: Thứ nhất, quy mô đất đai nhìn chung có tương quan thuận với năng suất và sản lượng lúa cũng như năng suất lao động. Mối tương quan này đặc biệt bền vững và nhất quán ở đồng bằng sông Cửu Long trong khi ở đồng bằng Bắc Bộ có sự tương quan giữa sản lượng với quy mô đất đai nhưng không có sự tương quan giữa năng suất và quy mô đất đai; Thứ hai, hiện nay sự tích tụ và tập trung đất dưới tác động của thị trường đất đai đang hình thành, trong đó tích tụ đất đai phổ biến vẫn ở đồng bằng sông Cửu Long, ở đồng bằng sông Hồng diễn ra rất chậm. Tuy nhiên, tập trung tích tụ ruộng đất với quy mô lớn không phải yếu tố duy nhất đảm bảo nâng cao hiệu quả trong sử dụng đất nông nghiệp; Thứ ba, tích tụ ruộng đất được thực hiện chủ yếu dưới hai hình thức là chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thuê đất để sản xuất. Hoạt động của thị trường đất đai ở nông thôn còn rất khiêm tốn và đóng góp rất ít vào tích tụ đất đai do tỷ lệ hộ tham gia thị trường thuê mướn và mua bán đất đai chưa cao; Thứ tư, diện tích đất của nhóm hộ giàu có xu hướng tăng trong khi diện tích đất của hộ gia đình thuộc nhóm nghèo có xu hướng giảm. Và xu hướng gia tăng tình trạng bất bình đẳng về đất đai ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các tỉnh phía Nam đang dẫn đến tình trạng phân hóa ngày một sâu rộng ở khu vực này. Cụ thể là hộ gia đình càng tích tụ được nhiều đất thì thu nhập càng cao. Tuy nhiên, giới hạn cho tăng quy mô diện tích của hộ phải từ trên 0,6 ha mới đảm bảo khả năng tăng thu nhập khi diện tích đất canh tác tăng; Thứ năm, các yếu tố tác động đến tích tụ ruộng đất chủ yếu là những yếu tố liên quan đến thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp, tỷ lệ đất nông nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các biến liên quan đến sự khác biệt vùng. 14
  22. Nhằm phân tích chính sách đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cung cấp khuyến nghị để sửa đổi Luật đất đai, IPSARD -Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (2009) đã đưa đến một số kết luận về ruộng đất Việt Nam, đó là: Hoạt động mua bán để tích tụ ruộng đất chủ yếu diễn ra trước năm 2000; Tình trạng đóng băng ruộng đất do rất nhiều lao động nhất là ở Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh phía bắc khi đã rời bỏ hoạt động nông nghiệp, chuyển sang phi nông nghiệp và di cư đi các nơi khác hoặc vào thành phố làm ăn nhưng họ không chuyển nhượng lại đất đó cho người khác; Với trình độ công nghệ hiện tại, hầu như không có sự khác biệt về hiệu quả sản xuất giữa các quy mô; Để tăng quy mô diện tích canh tác đất bình quân một hộ gia đình, nhiều lao động sẽ phải giải phóng khỏi khu vực nông nghiệp. Cũng về chủ đề chính sách đất đai, ACIAR - Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế của Ôx-trây-lia và Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (2007) nghiên cứu ảnh hưởng của một số phương án chính sách chủ yếu đến lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam đã có một số kết luận đối với những vấn đề liên quan đến tích tụ ruộng đất: Một là, số mảnh ruộng của một hộ tăng lên có ảnh hưởng ngược chiều đối với năng suất cây trồng. Ngoài ra, nó còn làm tăng chi phí sử dụng lao động gia đình và các chi phí bằng tiền khác. Tuy nhiên, manh mún đất đai là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao mức độ đa dạng hoá cây trồng; Hai là, thông tin về thị trường giao dịch đất đai còn hạn chế nên thị trường đất đai hoạt động chưa có hiệu quả. Mà thị trường đất đai hoạt động không có hiệu qủa sẽ có ảnh hưởng không tốt đến việc phân bổ lại đất đai ở cả khu vực nông thôn và thành thị; Ba là, đất đai không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự đói nghèo. Những hộ nghèo cần được giúp đỡ nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp cận với tín dụng và thị trường. Như vậy, họ có thể sử dụng đất đai và lao động tốt hơn; Bốn là, khi tiền công lao động tăng lên thì hộ sẽ có xu hướng cho thuê đất nhiều hơn bởi vì lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp sẽ trở lên tương đối thấp hơn thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp. Nếu giá tiền công và cơ hội tìm kiếm 15
  23. việc làm phi nông nghiệp tăng lên đáng kể thì một số nông dân có thể cho thuê hết đất hoặc rời bỏ nông nghiệp. Một nghiên cứu cũng đáng chú ý khác là của Bùi Quang Dũng (2011). Từ kết quả của cuộc điều tra nông dân 2010 tiến hành tại 2 tỉnh Đồng bằng sông Hồng là Thái Bình và Hải Dương và 2 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang và Hậu Giang, tác giả đã có những nhận định về sự khác nhau đối với vấn đề ruộng đất ở hai vùng. Tình trạng manh mún đất đai ở các tỉnh phía bắc nghiêm trọng hơn nhiều so với các tỉnh phía nam, trong khi hoạt động mua bán, thuê mướn đất đai ở các tỉnh phía nam lại diễn ra thường xuyên, sôi động hơn rất nhiều so với các tỉnh phía bắc. Có tới hơn 34% số hộ có đất ở Đồng bằng sông Cửu Long là do mua lại của hộ khác, còn ở Đồng bằng sông Hồng thì chưa đầy 1%. Ở Đồng bằng sông Cửu Long có những hộ nông dân nắm giữ diện tích đất lớn nhờ tích tụ ruộng đất từ nhiều nguồn. Đông Nam Bộ cũng có một số đặc điểm tương tự Tây Nam Bộ về đặc điểm tự nhiên cũng như quá trình tích tụ ruộng đất và các vấn đề liên qua đến quá trình này. Nguyễn Văn Ngãi và Lê Thanh Loan (2008) trong nghiên cứu “Cơ sở phát triển Nông thôn theo Vùng của vùng Đông Nam Bộ” đã chỉ ra một trong những rào cản trong phát triển nông nghiệp chính là hình thức sản xuất nông hộ nhỏ lẻ với quy mô sản xuất nhỏ. Cùng trên phạm vi cả nước, Vũ Tuấn Anh (2013) có một nghiên cứu sâu sắc và toàn diện về “Vấn đề đất đai và sở hữu đất đai trong phát triển ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020”. Mặc dù không trực tiếp nghiên cứu về tích tụ ruộng đất nhưng sở hữu đất đai lại liên quan mật thiết tới vấn đề này. Tác giả đã tổng quan tình hình sở hữu và quản lý đất đai trên thế giới cũng như đánh giá tình hình sở hữu, sử dụng và quản lý đất đai ở Việt Nam. Đặc biệt, nghiên cứu đã đề xuất việc đổi mới nhận thức lý luận về đất đai trong phát triển và điều chỉnh chính sách quản lý nhà nước đối với đất đai. Trong đề xuất này, với ruộng đất của người nông dân, tác giả khẳng định việc giao ruộng đất lâu dài và ổn định cho nông dân là điều cần thiết và cần xóa bỏ hạn điền và thay bằng các công cụ kinh tế điều tiết sự chiếm hữu ruộng đất. Đây cũng là một trong những cơ sở cho hoạt động tích tụ ruộng đất phát triển trong thời gian sắp tới. 16
  24. Riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng có một số nghiên cứu về mối liên hệ giữa quy mô đất và hiệu quả sản suất hoặc thu nhập, về những vấn đề xã hội nảy sinh từ tích tụ và tập trung ruộng đất. Lê Cảnh Dũng (2010) trong nghiên cứu về tích tụ đất đai và hiệu quả kinh tế theo quy mô đất đai ở ĐBSCL (trường hợp nghiên cứu ở tỉnh An Giang), khi so sánh ba nhóm hộ có quy mô đất dưới 3 ha, 3 - 6 ha, và trên 6 ha cho thấy nhóm hộ có quy mô đất đai lớn hơn thì chi phí trên 1 ha thấp hơn và sự khác biệt này là khá rõ ràng giữa nhóm hộ dưới 3 ha và trên 3 ha, nhưng thu nhập/ha thì không khác biệt đáng kể. Lê Thị Thiên Hương (2008) tiến hành nghiên cứu các trang trại trồng lúa ở An Giang đưa ra ba kết luận về tính kinh tế theo qui mô: (1) Những trang trại có diện tích càng lớn thì vốn đầu tư trung bình/ha đất sản xuất càng giảm; (2) Thông qua phân tích mối quan hệ giữa chi phí và thu nhập cho thấy những trang trại ở nhóm quy mô sản xuất từ 5-6 ha thì có hiệu quả nhất. Lê Thanh Sang (2008), trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu cấp bộ, “Những vấn đề cơ bản trong sự phát triển vùng Tây Nam Bộ” của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (2008), đã tiến hành khảo sát thực địa về cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội vùng Tây Nam Bộ với 900 hộ gia đình được khảo sát. Một trong số những vấn đề nghiên cứu là tình trạng chuyển dịch đất nông nghiệp và kết quả khảo sát cho thấy: Quá trình chuyển dịch đất nông nghiệp ở Tây Nam Bộ trong những năm gần đây có xu hướng chuyển từ các nhóm hộ ít đất sang các nhóm hộ có nhiều đất hơn nhưng tương đối chậm. Ngay cả với các trang trại hiện nay, mức vốn đầu tư, giá trị sản phẩm dịch vụ tạo ra, và thu nhập từ các hoạt động nông nghiệp vẫn còn khá khiêm tốn. Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ tập trung ruộng đất quá mức và tạo ra thu nhập quá cao ở nhóm hộ này mà cần phải chuyển một cách chủ động các nhóm hộ ít đất và mất đất sang các hoạt động khác không sử dụng đất nông nghiệp; Quá trình chuyển dịch là tất yếu về mặt kinh tế nhưng mức độ tổn thương về mặt xã hội nhiều hay ít là tùy thuộc vào sự chủ động, tích cực của các bên có liên quan, kể cả người dân, nhưng trước hết và quan trọng nhất là các chính sách vĩ mô của chính phủ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đào tạo nghề và tạo việc làm sẽ giúp quá 17
  25. trình chuyển đổi nghề nghiệp diễn ra một cách suôn sẻ thay vì kết quả của sự bần cùng hóa của những nông dân bị giảm và mất đất. Dựa vào khảo sát 300 hộ gia đình tại 6 xã thuộc 3 tỉnh Tây Nam Bộ trong đề tài “Một số đặc trưng về định chế xã hội và con người ở Nam Bộ trong tiến trình phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020”, Trần Hữu Quang (2013) cho rằng vẫn tồn tại một nền kinh tế tiểu nông nhưng có nhu cầu khuyếch trương sản suất, thể hiện ở việc số hộ khá giả mua và thuê thêm ruộng đất để canh tác. Bên cạnh đó bất bình đẳng trong việc sở hữu ruộng có liên quan trực tiếp đến bất bình đẳng trong thu nhập. Nhóm hộ khá giả nhất trong mẫu điều tra sở hữu ruộng đất bình quân một nhân khẩu chỉ cao gấp 4,4 lần so với nhóm hộ nghèo nhất nhưng mức thu nhập bình quân cao hơn tới 9,6 lần. Về tâm thức đối với ruộng đất thì đại đa số trong mẫu điều tra (83%) đều đồng ý với ý kiến cho rằng dù khó khăn đến đâu, gia đình cũng phải giữ lấy ruộng đất. Với vấn đề sinh kế, nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng ở Nam bộ, ruộng đất tuy không còn là nhân tố quyết định đối với sinh kế, nhưng lẽ tất nhiên vẫn là một nhân tố quan trọng đối với hoạt động kinh tế nông nghiệp của nông hộ. Trả lời cho câu hỏi “Giả sử trường hợp có được một món tiền tương đối lớn, ông/bà nghĩ sẽ ưu tiên dùng vào việc gì?” câu trả lời được nhiều người chọn nhất là “mua thêm ruộng đất”, chiếm 46% trong tổng số mẫu điều tra. Cũng với chủ đề liên quan đến sinh kế, nghiên cứu về việc nông dân không có đất sản xuất trong thời kỳ đổi mới trường hợp xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Trần Thị Thu Nguyệt (2008) chỉ ra thực tế là những hộ nông dân không đất sản xuất thường là những hộ nghèo đói, rơi vào vòng luẩn quẩn là không có đất – không có cơ hội được vay tín dụng – không phát triển được. Trần Thế Như Hiệp (2009) khi phân tích ảnh hưởng của quy mô đất đai và chính sách hạn điền đến sinh kế nông hộ ở huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang cho kết quả là: (1) Các hộ có đất để sản xuất nông nghiệp có cuộc sống tốt hơn hộ không có đất. Có 61,2% hộ trả lời "có dư để dành" phần lớn thuộc nhóm đất nhiều và đất trung bình, chỉ có một số ít thuộc nhóm đất ít. Số hộ tự đánh giá là "vừa đủ ăn" chủ yếu thuộc nhóm nhóm đất trung bình và hộ cho rằng "không đủ chi phí sinh hoạt" tập trung chủ yếu ở nhóm đất ít. Như vậy, quy mô đất đai có ảnh hưởng đến đời sống người dân nông dân và có những đóng góp quan trọng cho sinh kế của khu vực 18
  26. này. (2) Chất lượng cuộc sống của hộ sau khi bán đất có sự thay đổi, cụ thể: Đối với những hộ bán đất để nuôi con ăn học, đầu tư nghề nghiệp cho con cái, đầu tư cho việc chuyển đổi nghề hoặc bán đất để mua đất ở vùng khác thì cuộc sống thay đổi tốt hơn. Trong khi đó, những hộ bán đất cho các mục đích giải quyết khó khăn tiêu dùng, khám chữa bệnh hiện tại họ không còn đất sản xuất và cũng không có vốn thì cuộc sống thay đổi kém hơn. Đa số hộ bán đất có nhu cầu hỗ trợ sinh kế liên quan đến vốn tín dụng để làm nghề phi nông nghiệp và kiến nghị được đào tạo nghề để họ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn. Qua nghiên cứu đi trước của các tổ chức cá nhân nước ngoài và trong nước, trên địa bàn cả nước và vùng Tây Nam Bộ, có thể kết luận mấy vấn đề sau đây: Một là, với quy mô ruộng đất trung bình của hộ gia đình lớn nhất so với cả nước, hiện tượng tích tụ ruộng đất ở Tây Nam Bộ cũng phổ biến và mạnh mẽ nhất. Hai là, quy mô đất đai nhìn chung có tương quan thuận với năng suất và sản lượng lúa cũng như năng suất lao động. Mặc dù trong một số trường hợp cho thấy không có sự khác biệt về hiệu quả sản xuất ở các quy mô đất khác nhau nhưng đối với đồng bằng sông Cửu Long thì mối tương quan này thể hiện khá nhất quán. Ba là, những yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất rất đa dạng. Có những yếu tố xuất phát từ phía hộ gia đình như thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp, tỷ lệ đất nông nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những yếu tố thuộc về chính sách như vấn đề quyền sử hữu và sử dụng đất đai, hạn điền, chính sách tín dụng. Ngoài ra sự phát triển của thị trường mua bán chuyển nhượng cho thuê đất đai cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ và khả năng tích tụ ruộng đất. Bốn là, việc xác định rõ ràng quyền sở hữu, quyền sử dụng và sự phát triển của thị trường đất đai là động lực cho quá trình tích tụ đất đai. Năm là, việc ruộng đất dần tập trung vào các đối tượng có năng lực sản xuất quá trình tất yếu và hình thức sản xuất nông hộ nhỏ lẻ với quy mô sản xuất nhỏ có thể là một trong những rào cản trong phát triển nông nghiệp. Sáu là, các vấn đề xã hội nảy sinh do tình trạng đất đai tập trung vào một số hộ gia đình và sự mất đất của một số khác là khá phức tạp. Sự bất bình đẳng thu nhập nảy sinh từ sự bất bình đẳng về sở hữu đất đai. Ngoài việc tự nguyện chuyển nhượng hay cho thuê đất vì không có khả năng sản xuất hay có việc làm phi nông 19
  27. nghiệp cho thu nhập cao hơn thì những cú “sốc” trong đời sống là một trong số nguyên nhân của tình trạng mất đất. Tạo cơ hội công ăn việc làm cho những người không có đất ở nông thôn là bài toán chính sách cần giải quyết nếu muốn thúc đẩy quá trình tích tụ tập trung đất đai. Nhìn chung, chưa có một nghiên cứu riêng về tích tụ ruộng đất nói chung và ở vùng Tây Nam Bộ nói riêng. Các nghiên ngoài nước thường chỉ tập trung vào một hoặc vài khía cạnh liên quan đến tích tụ ruộng đất như quyền sở hữu, sử dụng đất, thị trường đất đai, quy mô và hiệu quả sử dụng ruộng đất hay một số vấn đề về phân hóa ở nông thôn do tích tụ ruộng đất. Các nghiên cứu trong nước đa số tập trung nghiên cứu trên phạm vi cả nước và bao quát rất nhiều nội dung về đất đai nhằm tư vấn chính sách. Một số nghiên cứu khác chỉ tập trung phân tích sâu một số vấn đề về đất đai như sở hữu, quản lý, thị trường, chính sách Cũng có những nghiên cứu về tích tụ ruộng đất nhưng lại gắn liền tích tụ và tập trung trong phân tích và đề xuất giải pháp. Riêng ở vùng Tây Nam Bộ, cũng có các nghiên cứu trên phạm vi vùng đề cập đến tích tụ ruộng đất nhưng lại không phải là nội dung chính, còn các nghiên cứu sâu hơn về tích tụ ruộng đất thì chỉ trên phạm vi một tỉnh. Từ đó cho thấy sự rất cần thiết có những nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn về tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ để từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với yêu cầu phát triển của nông nghiệp nông thôn cả nước và của riêng vùng Tây Nam Bộ. 20
  28. CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN VỀ TÍCH TỤ RUỘNG ĐẤT TRONG NÔNG NGHIỆP Ở VÙNG TÂY NAM BỘ Chương 2 trình bày một số quan điểm về tích tụ ruộng đất và các lý thuyết liên quan đến chủ đề đất đai và tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp, đồng thời xây dựng mô hình hồi quy về tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp và các yếu tố ảnh hưởng đến tích tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ. Từ đó thiết lập khung phân tích và xác định cơ sở dữ liệu của nghiên cứu. Kinh nghiệm tích tụ ruộng đất của một số nước trên thế giới, một trong những cơ sở thực tiễn cho tích tụ ruộng đất cũng được trình bày trong chương này. 2.1. Một số quan điểm về tích tụ ruộng đất và các vấn đề liên quan Theo lý luận về sản xuất tư bản của C.Mác (Chu Văn Cấp – Trần Bình Trọng, 2002), quá trình qui mô tư bản tăng lên được thực hiện bằng hai phương thức là tích tụ tư bản và tập trung tư bản. Hai phương thức này có liên quan chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện và thúc đẩy nhau. Tích tụ tư bản là tập trung vốn đủ lớn vào một đơn vị kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau để có thể đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý và tận dụng lợi thế kinh tế theo qui mô. Tích tụ ruộng đất có thể coi là một dạng tích tụ tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp. Vũ Trọng Khải (2008) cho rằng tích tụ là quá trình tích tụ tư bản với đất đai là tư liệu sản xuất chính để mở rộng sản xuất và phát huy được lợi thế kinh tế theo quy mô. Hoạt động tích tụ ruộng đất được thực hiện trên thị trường đất đai. Để có đất đai đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư có thể mua quyền sở hữu hay thuê quyền sử dụng đất theo nguyên tắc "thuận mua, vừa bán" hoặc thuê lại đất và trả địa tô cho người cho thuê đất. Như vậy, tích tụ ruộng đất gắn liền trực tiếp tới thị trường đất, khác với dồn điền đổi thửa. Dồn điền đổi thửa chỉ có tác dụng mở rộng qui mô của một thửa đất, và giảm số thửa đất của nông hộ, khiến họ quản lý sản xuất thuận lợi và có hiệu quả cao hơn, mà không làm tăng qui mô ruộng đất của nông hộ. 21
  29. Tuy nhiên, Thịnh, L.Đ (2008) lại cho rằng tích tụ tích tụ ruộng đất là việc làm tăng tổng diện tích trên một đơn vị sản xuất. Nhìn chung có nhiều cách tiếp cận và quan điểm khác nhau liên quan đến tích tụ nhưng tất cả đều có những điểm chung là: i) Tích tụ ruộng đất sẽ khắc phục được tình trạng manh mún đất đai khi tăng quy mô diện tích canh tác của hộ gia đình; ii) Hoạt động tích tụ không thể tách rời với thị trường đất đai mà cụ thể bao gồm thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất và thị trường thuê đất; iii) Tích tụ và tập trung đất cùng với dồn điền đổi thửa đều nhằm mục đích giảm manh mún, nhưng tích tụ ruộng đất gắn trực tiếp đến sự phân tầng về diện tích đất và mức sống ở khu vực nông thôn. Đặc trưng của tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp khác với tích tụ tư bản trong công nghiệp. Do ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được và có giới hạn, mặt khác do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học, vì thế trong khi tích tụ tư bản trong công nghiệp gần như là không giới hạn, hình thành nên những tập đoàn kinh tế ngày một lớn hơn trên phạm vi toàn cầu, tận dụng tối đa lợi thế kinh tế theo quy mô, thì trong nông nghiệp, lợi thế kinh tế theo quy mô bị hạn chế. Điều kiện để tích tụ ruộng đất chủ yếu liên quan đến hành lang pháp lý và hoạt động của thị trường đất đai. Hình thức liên kết, hợp tác giữa các chủ thể sở hữu để hình thành nên quy mô canh tác lớn hơn mà không làm thay đổi tình trạng sở hữu không được xem là tích tụ ruộng đất. Trong đề tài này thì tích tụ ruộng đất (land accumulation) được hiểu là sự tăng quy mô ruộng đất của một đơn vị sản xuất (nông hộ) theo thời gian. Theo quy định của luật đất đai 2003 và luật đất đai hiện hành 2013, hạn điền là 3 ha đối với đất trồng cây hàng năm, thì hộ canh tác lúa được coi là có tích tụ ruộng đất nếu có diện tích đất lúa tăng lên đến trên 3 ha ở thời điểm khảo sát hiện tại so với thời điểm khảo sát trước. Tích tụ ruộng đất ở cấp độ nông hộ bao gồm các hành vi khai hoang, thừa kế, mua, thuê, nhận cầm cố để tạo ra quy mô ruộng đất lớn hơn phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp. 22
  30. Hành vi làm tăng tuyệt đối về mặt số lượng ruộng đất để canh tác là hành vi tích tụ. Khác với hành vi đầu cơ, lúc này việc mua, bán, thuê, cho thuê ruộng đất là để thu lợi nhuận từ chênh lệch giá. Ngoài ra, trong đề tài khi đề cập đến những vấn đề liên quan đến đất đai ở Việt Nam thì cụm từ “mua bán” ruộng đất được dùng chỉ việc “chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và quyền “sở hữu đất đai” đôi khi được dùng dùng thay quyền “sử dụng đất đai” theo luật đất đai hiện hành của Việt Nam. 2.2. Các lý thuyết liên quan đến tích tụ ruộng đất 2.2.1. Các lý thuyết kinh tế Ricardo (1817) đã chỉ ra quy luật lợi tức giảm dần trong nông nghiệp do đất đai là yếu tố sản xuất cố định. Theo Ricardo, để tăng quy mô sản xuất cần phải sử dụng đất đai ngày càng xấu hơn, dẫn đến chi phí sản xuất ngày một gia tăng. Những dự báo về giới hạn của tăng trưởng nông nghiệp của Ricardo và cách giải quyết lao động dư thừa ở khu vực nông thôn của nhiều nhà kinh tế cổ điển khác đã không thấy được vai trò của khoa học công nghệ tạo ra cuộc cách mạng về năng suất trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy được tầm quan trọng trong việc duy trì ổn định quỹ đất sản xuất nông nghiệp nếu như muốn duy trì mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực (Đinh Phi Hổ, 2006). Theo Todaro (1990) thì phát triển nông nghiệp trải qua ba giai đoạn tuần tự từ thấp đến cao, đó là từ nền nông nghiệp tự cấp tự túc sang giai đoạn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá và tiến tới nền nông nghiệp hiện đại. Ở giai đoạn tự cấp tự túc, phần lớn các sản phẩm sản xuất ra được tiêu dùng nội bộ trong khu vực nông nghiệp; sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là các loại cây lương thực và một số con vật nuôi truyền thống; công cụ sản xuất thô sơ, phương pháp sản xuất truyền thống giản đơn, chủ yếu là độc canh; đất, lao động là những yếu tố sản xuất chủ yếu, đầu tư vốn còn thấp do đó xu hướng lợi nhuận giảm dần được thể hiện rõ khi sản xuất mở rộng trên diện tích đất không màu mỡ. Giai đoạn chuyển dịch cơ cấu theo hướng đa dạng hoá, từ sản xuất tự cấp tự túc sang chuyên môn hoá. Đặc trưng cơ bản của giai đoạn này là cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển theo hướng hỗn hợp và đa dạng, thay thế cho hình thức canh tác độc canh trước kia; sử dụng giống mới kết hợp với phân bón hoá học và tưới tiêu làm tăng năng suất nông 23
  31. nghiệp; sản lượng lương thực tăng đồng thời tiết kiệm được diện tích đất sản xuất và sản xuất hướng tới thị trường. Giai đoạn phát triển cao nhất của nông nghiệp đó là một nền nông nghiệp hiện đại. Đặc trưng cơ bản trong giai đoạn này là trong các trang trại được chuyên môn hoá, sản xuất được cung ứng hoàn toàn cho thị trường và lợi nhuận thương mại là mục tiêu của người sản xuất; yếu tố vốn và công nghệ trở thành các yếu tố quyết định đối với việc tăng sản lượng nông nghiệp; dựa vào lợi thế về quy mô, áp dụng tối đa công nghệ mới, hướng vào sản xuất một vài loại sản phẩm chuyên biệt (Đinh Phi Hổ, 2008). Đi vào những vấn đề cụ thể hơn liên quan đến năng suất, hiệu quả của sản suất nông nghiệp thì Lý thuyết lợi thế theo quy mô - Economies of scale (David Beg, 2005) vẫn được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp mặc dù xuất phát của lý thuyết này không phải từ nông nghiệp. Lý thuyết lợi thế theo quy mô ám chỉ những lợi thế về chi phí mà một xí nghiệp có được nhờ vào việc mở rộng quy mô sản xuất. Có những yếu tố mà khi mở rộng quy mô sản xuất thì chi phí bình quân theo đơn vị giảm xuống, trong khi quy mô đầu ra được tăng lên. Trong nông nghiệp, với quy mô diện tích đất đai lớn hơn, hộ nông dân dễ dàng áp dụng cơ giới hoá, thủy lợi hoá cũng như việc tổ chức sản xuất hàng hoá có lợi thế hơn rất nhiều với các hộ nông dân có diện tích đất đai nhỏ lẻ, manh mún. Tuy nhiên, do ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu không thể thay thế được của nông nghiệp và do đặc điểm sản xuất mang tính sinh học nên lợi thế kinh tế theo quy mô trong nông nghiệp bị hạn chế hơn trong công nghiệp. Lý thuyết sản xuất nông nghiệp cũng đề cập tới các vấn đề của lý thuyết sản xuất nói chung như: các nguồn lực sản xuất, quy luật sinh lợi, năng suất biên, lợi nhuận biên, tối đa hóa lợi nhuận, tối thiểu hóa chi phí, tỷ lệ biên thay thế sản xuất, thị trường, giá cả nông sản Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp có những đặc điểm rất riêng biệt. Theo Mundlak (2000) nguồn lực sản xuất nông nghiệp bao gồm nguồn lực tài nguyên, môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học, trong đó ruộng đất là yếu tố đặc biệt quan trọng, nó vừa là đối tượng lao động vừa là tư liệu lao động chưa thể thay thế được trong sản xuất nông nghiệp. Lao động nông nghiệp có tính thời vụ và chất lượng lao động nông nghiệp thường thấp hơn các ngành công nghiệp và dịch vụ. Vốn đầu tư 24
  32. trong nông nghiệp cũng mang tính thời điểm, tốc độ thu hồi vốn chậm và có tính rủi ro cao. Phát triển công nghệ sinh học là trung tâm của khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nó tạo ra giống phù hợp, giảm nguy cơ sâu bệnh, tham gia chế biến nông phẩm Hiệu quả kinh tế trong nông nghiệp không đơn thuần là lợi nhuận mà nó còn phải đạt hiệu quả phân phối và hiệu quả kỹ thuật. Chính vì vậy khi lựa chọn kỹ thuật mới hay một mô hình sản xuất cần phải tính đến năng suất đồng thời phải xem xét những thuận lợi hay khó khăn khi áp dụng kỹ thuật mới và đầu ra của sản phẩm như thế nào. Đặc biệt sản xuất nông nghiệp thường sử dụng lao động gia đình hay dùng một số sản phẩm đầu vào tự sản xuất được (như con giống, cây giống ) do đó khi tính chi phí sản xuất phải tính hết các chi phí này bằng với giá thuê lao động hay mua sản phẩm ở thị trường địa phương. Về hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp thì kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại là hai loại hình tổ chức sản xuất phổ biến trên thế giới. Kinh tế hộ gia đình nông dân Kinh tế hộ gia đình nông dân (nông hộ) là đơn vị sản xuất và tiêu dùng của kinh tế nông thôn, dựa chủ yếu vào lao động gia đình để khai thác đất đai và các yếu tố sản xuất khác nhằm thu về thu nhập thuần cao nhất. Theo Mendola (2007), có ba nhóm mô hình nông hộ chính đã và đang được sử dụng nhiều trong các nghiên cứu: (1) nhóm mô hình sơ kỳ chỉ bao gồm sản xuất (mô hình tối đa hóa lợi nhuận); (2) nhóm mô hình nông hộ tân cổ điển hỗn hợp sản xuất và tiêu dùng (mô hình tối đa hóa lợi ích); (3) nhóm mô hình nông hộ sợ rủi ro. (1). Nhóm mô hình nông hộ tối đa hóa lợi nhuận. Nhóm mô hình này coi các hộ như những doanh nghiệp nhỏ, quyết định phân bổ nguồn lực của họ theo tín hiệu thị trường như giá của các nguyên liệu đầu vào, giá sản phẩm, giá thuê đất và giá nhân công Tuy nhiên, nó thường bị phê phán là chưa làm rõ được khía cạnh đặc thù của các hộ là hành vi tự sản tự tiêu. Điều này sẽ được mô hình thứ hai khắc phục. (2). Nhóm mô hình nông hộ tối đa hóa lợi ích. Điểm khác biệt chính và cũng là đóng góp quan trọng của nhóm mô hình này là các hộ vừa đóng vai trò người tiêu dùng vừa đóng vai trò doanh nghiệp. Để làm được điều này, người ta giả định các hộ tối đa hóa lợi ích, thay vì tối đa hóa lợi nhuận. Các hộ gia đình được coi là tiêu 25
  33. dùng ba loại hàng hóa: sản phẩm tự làm ra, sản phẩm mua trên thị trường và sự nhàn hạ, nghỉ ngơi. Như vậy, có ít nhất hai ràng buộc đối với hộ, đó là tổng ngân sách (cả ở dạng tiền mặt và hiện vật) và tổng quỹ thời gian (gồm cả nghỉ ngơi và làm việc). Các hộ tối đa hóa hàm lợi ích căn cứ vào việc thỏa mãn ba loại hàng tiêu dùng nêu trên. (3). Nhóm mô hình nông hộ sợ rủi ro. Có nhiều lập luận cho rằng vì các hộ nông dân thường nghèo và chỉ trong điều kiện trên mức sống sót một chút, do đó, họ có khuynh hướng giữ nguyên cách sống và sản xuất để duy trì điều kiện này, thay vì thử áp dụng các phương tiện hay cách thức canh tác mới, những thứ có rủi ro và khiến họ có thể bị đẩy ngay xuống dưới mức sinh tồn. Do đó, ngay cả khi lợi nhuận kỳ vọng của một hoạt động đầu tư có thể lớn hơn lợi nhuận hiện thời, nhưng việc e ngại những hậu quả nặng nề của rủi ro khiến họ không dám chấp nhận đầu tư. Cách tiếp cận này thường được gọi là cách lựa chọn an toàn là trên hết trong môi trường rủi ro. Nhóm mô hình này cũng nhấn mạnh tính rủi ro bất trắc rất cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đây lại là thị trường bảo hiểm phát triển thấp, nên tác động của rủi ro là rất lớn. Hơn thế nữa, nhiều vấn đề liên quan đến yếu tố tâm lý của người nông dân trong môi trường đặc thù của khu vực nông thôn, được cho là tạo ra những lực cản cho sự thay đổi hay làm chậm hoạt động đầu tư mở rộng sản xuất. Các nhóm mô hình căn bản trên, đặc biệt là nhóm (2) và (3), có thể coi là các khung khổ lý thuyết làm nền tảng hữu ích cho các phân tích chi tiết, đi sâu vào các khía cạnh cụ thể của môi trường nông thôn. Nhìn chung, các mô hình này cho phép lý giải tương đối tốt hành vi tiêu dùng và sản xuất của hộ với những đặc trưng của khu vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các mô hình này chưa giải thích được vì sao mức đầu tư ở các hộ nông thôn thường thấp một cách bất thường. Kinh tế trang trại Kinh tế trang trại là một hình thức tổ chức kinh doanh trong nông nghiệp phổ biến, được hình thành và phát triển trên nền tảng kinh tế hộ và về cơ bản mang bản chất của kinh tế hộ. Quá trình hình thành và phát triển kinh tế trang trại gắn với sự tích tụ tập trung các yếu tố sản xuất kinh doanh (đất đai, lao động, tư liệu sản xuất, vốn, khoa học kỹ thuật) để nâng cao năng lực sản xuất, có năng suất, chất lượng và 26
  34. hiệu quả cao. Đặc trưng của kinh tế trang trại là người quản lý vẫn chính là chủ hộ (hoặc thành viên của hộ); sử dụng lao động làm thuê nhưng lao động gia đình là trụ cột; có tích tụ tập trung đất nhưng không vượt quá khả năng sử dụng có hiệu quả của trang trại. Mục tiêu tối đa hóa lợi ích hay tối đa hóa lợi nhuận của sản xuất nông nghiệp là tiêu chí cơ bản để phân định trang trại với hộ tiểu nông. Như vậy những lý thuyết liên quan đến sản xuất nêu trên đều cho rằng quy mô đất đai có tác động tích cực đến năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Nhưng những giới hạn của việc tăng quy mô đất cũng được nhắc nhở như một lời cảnh báo cho việc áp dụng vào thực tiễn. 2.2.2. Các lý thuyết xã hội Nói đến nông nghiệp và nông thôn thì năng suất, hiệu quả của sản xuất không hẳn là mối quan tâm hàng đầu và duy nhất. Đặc điểm của lĩnh vực nông nghiệp rất khác với công nghiệp và dịch vụ. Người nông dân rất dễ bị tổn thương do điều kiện sản xuất phụ thuộc vào nguồn lực tự nhiên (đặc biệt là ruộng đất) và thời tiết. Do đó, việc sở hữu ruộng đất không chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. Lý luận về địa tô trong nông nghiệp của C.Mác, ông chỉ ra cơ sở của địa tô phong kiến là quyền sở hữu ruộng đất, biểu hiện quan hệ bóc lột của địa chủ đối với nông dân, là sự cưỡng bức siêu kinh tế của giai cấp địa chủ. Quyền sở hữu ruộng đất là nguyên nhân làm cho lợi nhuận siêu ngạch chuyển hóa thành địa tô lọt vào tay địa chủ. Mác còn nhận định rằng sở hữu ruộng đất khác với các hình thái sở hữu khác ở chỗ ruộng đất đến một trình độ phát triển kinh tế nhất định, sở hữu tư nhân về ruộng đất sẽ trở nên thừa và có hại bởi lẽ khi duy trì quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất và tự do mua bán ruộng đất thì giá cả ruộng đất sẽ không ngừng tăng lên, điều này chỉ có lợi cho địa chủ, cho các ngân hàng địa ốc, còn người trực tiếp canh tác bị thiệt thòi do phải dành một số tiền lớn mua ruộng đất hay nộp địa tô (Vũ Tuấn Anh, 2013). Tuy nhiên, những lý luận của Mác chỉ hoàn toàn đúng trong điều kiện hoàn cảnh của thời điểm lúc bấy giờ. Ngày nay, hầu hết các quốc gia bất kỳ theo chế độ chính trị nào, đều có sự can thiệp của nhà nước, còn gọi là “bàn tay hữu hình” vào nền kinh tế thị trường. Do đó, việc chấp nhận quyền sở hữu ruộng đất khó có thể phát sinh ra kiểu quan hệ bóc lột địa chủ nông dân. Ngược lại, sở hữu ruộng 27
  35. đất còn có thể là điều kiện, động lực cho người nông dân đầu tư phát triển sản xuất và là điểm tựa về tâm lý, tinh thần cho họ. Sinh kế của người nông dân hết sức quan trọng khi xem xét về khía cạnh xã hội của vần đề tích tụ ruộng đất. Khung sinh kế bền vững (sustainable livelihoods framework) của DFID (1999) là một phương pháp tiếp cận toàn diện về các vấn đề phát triển thông qua việc nhấn mạnh đến thảo luận sinh kế của con người. Khái niệm sinh kế (livelihood) có thể được hiểu và sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Một định nghĩa được chấp nhận rộng rãi là: sinh kế bao gồm các khả năng, các tài sản (bao gồm cả các nguồn lực vật chất và xã hội) và các hoạt động cần thiết để kiếm sống. Một sinh kế bền vững khi nó có khả năng ứng phó và phục hồi khi bị tác động hay có thể thúc đẩy các khả năng và tài sản ở cả thời điểm hiện tại và trong tương lai trong khi không làm xói mòn nền tảng nguồn lực tự nhiên. Các tài sản trong khung sinh kế bền vững đảm bảo cho sinh kế gồm: vốn vật chất (physical capital), vốn tài chính (financial capital), vốn xã hội (social capital), vốn con người (human capital) và vốn tự nhiên (natural capital). Hình 2.1. Khung sinh kế bền vững Nguồn: www.ifad.org Trong khung sinh kế bền vững thì đất đai là một tài sản tự nhiên rất quan trọng đối với sinh kế nông thôn. Quyền sở hữu đất đai đóng một vị trí quan trọng về nhiều mặt và tạo cơ sở để người nông dân tiếp cận các loại tài sản khác và những sự 28
  36. lựa chọn sinh kế thay thế. Đất đai cũng là một tài sản tự nhiên mà qua đó có thể đạt được các mục tiêu sinh kế khác như bình đẳng giới và sử dụng bền vững các nguồn lực. Ở một số quốc gia, việc thiếu tiếp cận đối với đất đai là một hạn chế lớn đối với sinh kế của nhiều người và những người không có đảm bảo quyền của mình đối với đất đai thì khi diễn ra thu hồi thường bị đền bù một cách không công bằng. Việc mất đi sinh kế dựa vào đất đai không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập mà có thể còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của người nông dân và có thể gây ra những vấn đề xã hội khác. Ngoài ra, sự bất bình đẳng ở khu vực nông thôn dù không gay gắt như khu vực thành thị nhưng không thể thiếu trong quá trình xem xét những nảy sinh về mặt xã hội của các vấn đề liên quan đến ruộng đất. Đường cong Lorenz là một loại đồ thị dùng để biểu diễn mức độ bất bình đẳng trong phân phối. Nó được phát triển bởi Max.O.Lorenz từ năm 1905 để thể hiện sự phân phối thu nhập. Đường cong Lorenz là sự biểu diễn bằng hình học của hàm phân bố tích lũy, chỉ ra quan hệ giữa tỷ lệ phần trăm của một giá trị thể hiện qua trục tung với tỷ lệ phần trăm của một giá trị khác thể hiện qua trục hoành. Hình 2.2. Đường cong Lorenz Nguồn: Để đo lường một cách chính xác hơn, người ta dùng hệ số Gini. Hệ số này được đo bằng tỷ số giữa phần diện tích nằm giữa đường cong Lorenz và đường bình 29
  37. đẳng tuyệt đối với phần diện tích nằm dưới đường bình đẳng tuyệt đối. Giá trị của hệ số Gini nằm trong khoảng từ 0 đến 1, giá trị này càng cao thì mức độ bất bình đẳng càng lớn. Để nghiên cứu mức độ chênh lệch trong phân phối đất đai, người ta thường chia dân số của một khu vực ra làm 10 nhóm, mỗi nhóm có 10% dân số, hoặc chia ra làm 5 nhóm, mỗi nhóm có 20% dân số có diện tích thấp nhất đến diện tích lớn nhất. Biều đồ về đường cong Lorenz khi đó được xây dựng để biểu diễn tình trạng bất bình đẳng về đất đai. Trong nông nghiệp tồn tại bất bình đẳng cả về thu nhập và đất đai. Tích tụ ruộng đất dẫn đến phân hóa giai cấp trong nông thôn vì xu hướng tập trung đất trong tay một số người dẫn đến mất cân bằng về thu nhập. Bên cạnh những người bán đất hoặc cho thuê đất vì không có điều kiện sản xuất, có việc làm phi nông nghiệp thì một số người nông dân do hoàn cảnh buộc họ phải thế chấp hoặc bán đất và trở thành người làm thuê hoặc không có việc làm ổn định. Điều này có thể nảy sinh tâm lý tiêu cực trong một bộ phận người dân nông thôn, từ đó dẫn đến hậu quả về mặt xã hội. Chính vì những vấn đề xã hội nảy sinh trong khu vực nông thôn mà vai trò của nhà nước cần được xem xét. Timmer (1991) khảng định vai trò của nhà nước là hết sức cần thiết. Nhà nước cung cấp các dịch vụ và hàng hóa công, việc mà thị trường tự do không đảm đương được. Hơn nữa, quá trình chuyển đổi nông thôn và xóa đói giảm nghèo cần nhiều công cụ chính sách, ví dụ chính sách giá, thương mại, tạo ra công ăn việc làm, phát triển nông thôn và trợ giúp lương thực. Các chính sách cung cấp dịch vụ và hàng hóa công này góp phần thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, tạo ra tính năng động, hiệu quả và đồng thời thực hiện xóa đói giảm nghèo và bảo đảm tính công bằng song song với tăng cường hiệu quả. Phát triển nông thôn cũng đòi hỏi cơ sở hạ tầng và hàng hóa dịch vụ công hỗ trợ và thị trường tốt. Timmer cũng cho rằng sự can thiệp của chính phủ đối với chính sách đất đai gây ra nhiều tranh cãi. Vấn đề cốt lõi là tùy theo các yếu tố văn hóa, lịch sử, chính trị và kinh tế mà các chính phủ có thể lựa chọn con đường khác nhau giữa tính công bằng hay hiệu quả trong sử dụng đất đai. Nhiều chính phủ ủng hộ việc hình thành các nông trại quy mô nhỏ dựa trên hộ gia đình để bảo đảm tính công bằng về sở hữu hay sử dụng đất đai trong xã hội nông thôn. Một số nghiên cứu cũng chứng minh nông trại quy mô nhỏ vẫn có hiệu quả. Trong khi đó, một số quốc gia lại ủng hộ 30
  38. việc hình thành các đồn điền nông nghiệp quy mô lớn để tăng hiệu quả sản xuất dựa trên tăng hiệu quả nhờ quy mô và áp dụng công nghệ hiện đại, và chấp nhận tình trạng có nhiều nông dân không đất, tá điền làm thuê cho chủ nông trại lớn. Tóm lại, các lý thuyết nhìn chung cho rằng sản xuất trên một quy mô đất lớn hơn là kết quả tất yếu của tiến trình phát triển của ngành sản xuất nông nghiệp và hiệu quả sản xuất nông nghiệp có xu hướng tăng lên khi quy mô đất sản xuất tăng lên, trang trại là một mô hình sản xuất dựa theo cơ sở lý thuyết này. Tuy nhiên, do đặc điểm riêng của sản xuất nông nghiệp với điều kiện đất đai là tư liệu sản xuất có giới hạn và phụ thuộc vào thiên nhiên, nên lợi thế theo quy mô trong sản xuất nông nghiệp cũng bị giới hạn. Bản thân hình thức kinh tế hộ gia đình cũng mang lại những lợi ích nhất định cho hộ gia đình nhất là việc tránh được những rủi ro mạo hiểm của việc đầu tư sản xuất lớn. Hơn nữa, đất đai là nguồn vốn quan trọng nhất trong sinh kế của người nông dân, việc sở hữu ruộng đất mang ý nghĩa cả về mặt kinh tế và xã hội. Những bất bình đẳng vế đất đai vì thế rất dễ dẫn đến bất bình đẳng về thu nhập. Từ đó các lý thuyết cũng chỉ ra cần có sự can thiệp của chính phủ vào nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết đến phát triển khu vực nông thôn trong đó có việc can thiệp bằng chính sách đất đai. Nếu chính phủ ủng hộ việc tích tụ và tập trung đất đai thì phải có chính sách giải quyết các vấn đề xã hội nảy sinh từ đó. 2.3. Mô hình đánh giá tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp Tây Nam Bộ Xây dựng mô hình Trong kinh tế, để đánh giá hiệu quả sản xuất người ta thường sử dụng hàm sản xuất Cobb-Douglas, là một hàm số biểu thị sự phụ thuộc của sản lượng vào các yếu tố đầu vào: Y = ALαKβ Trong đó: Y : sản lượng ; L : quy mô lao động; K : quy mô vốn A : năng suất các yếu tố tổng hợp (công nghệ, thể chế kinh tế và các yếu tố khác ngoài sự đề cập của mô hình) và  : độ co giãn của sản lượng theo lao động và theo vốn Tuy nhiên, ngoài các yếu tố chính là K và L thì còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng, do đó hàm Cobb-Douglas được phát triển thành: β1 β2 β3 βk Y = β0 + X1 X2 X3 Xk Từ đó, mô hình tổng quát được biểu diễn như sau : Ln(Yi) =f(Xk) = β0 + β1Ln X1 + β2Ln X2 + β3Ln X3 + βkLn Xk 31
  39. Trong đó: Ln(Yi): là biến phụ thuộc, là sản lượng của đơn vị thứ i X1, X2, Xk: là tập hợp các biến số giải thích (quy mô lao động, quy mô vốn, chi phí sản xuất, công nghệ, và các yếu tố khác ảnh hưởng đến sản lượng) β1, β2, βk: là các hệ số hồi quy của mô hình, thể hiện tác động của biến giải thích lên biến phụ thuộc. Thường được giải thích rằng: giả định các yếu tố khác cố định, khi yếu tố Xk tăng lên 1%, thì sản lượng tăng lên một lượng bằng βk % so với sản lượng ban đầu. Có nhiều tiêu chí để xác định hiệu quả sản xuất nông nghiệp như năng suất, doanh thu, lợi nhuận, hay tỷ lệ giữa chi phí và lợi nhuận hoặc là một chỉ tiêu tổng hợp của các tiêu chí đó. Tuy nhiên, trong nông nghiệp việc đo lường doanh thu, lợi nhuận, chi phí khó khăn hơn nhiều so với năng suất. Thông thường, câu hỏi “được mùa” hay “mất mùa” (mang ý nghĩa về năng suất) vẫn phổ biến đối với các sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa. Ngoài ra, thu nhập bình quân của nông hộ cũng có thể được xem như một khía cạnh thể hiện hiệu quả của sản xuất nông nghiệp khi mà sinh kế hộ gia đình nông thôn vẫn chủ yếu dựa vào đất đai. Mặt khác, với sự hạn chế của số liệu thứ cấp (Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam) thì việc sử dụng Năng suất và Thu nhập bình quân làm biến phụ thuộc của mô hình để đo lường hiệu quả sản xuất lúa là chấp nhận được. Năng suất và thu nhập từ nông nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đó là thời tiết, khí hậu, độ màu mỡ của ruộng đất, nước, giống, phân bón, kỹ thuật gieo cấy, thu hoạch, sự chăm sóc của con người do đó thật khó để xây dựng một mô hình với đầy đủ các yếu tố đó. Mặt khác, mối quan tâm chính của nghiên cứu là tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất. Vì vậy, bên cạnh yếu tố diện tích đất - biến kỳ vọng, trên cơ sở dữ liệu thứ cấp sẵn có, một số yếu tố khác được đưa vào để giải thích cho sự thay đổi về năng suất, đó là: những yếu tố đầu vào của sản xuất như chi phí sản xuất, tài sản cố định dùng cho sản xuất, thời gian lao động; những biến thuộc về đặc điểm hộ gia đình như giới tính, tuổi, thành phần dân tộc, trình độ học vấn của chủ hộ; những yếu tố thuộc về điều kiện cơ sở hạ tầng và tự nhiên trên địa bàn sinh sống của hộ gia đình như tỷ lệ đất trồng cây hàng năm được tưới tiêu của xã, hệ thống đường ô tô, đường thủy đến thôn ấp và thiên tai xảy ra trên địa bàn xã. Mô hình được đề xuất như sau: 32
  40. Ln(nangsuat/thunhapi) = β0 + β1 Lntuoi + β2Lnhocvan+β3gioitinh + β4kinhhoa + β5Lndientich + β6Lntscdsxbq + β7Lnlaodongbq + β8Lnchiphibq + β9thientai + β10gt1 + β11gt2 + β12Lntuoitieuxa Định nghĩa biến, cách đo lường và giả thuyết kỳ vọng - Năng suất (nangsuat): Năng suất lúa được đo lường bằng sản lượng bình quân trên 1 ha diện tích canh tác. Đơn vị tính: kg - Thu nhập (thunhap): Thu nhập bình quân hộ gia đình, được tính bằng cách lấy tổng thu nhập gia đình chia cho số lượng nhân khẩu trong gia đình. Đơn vị tính: ngàn đồng - Thời gian lao động bình quân (laodongbq): Số ngày công lao động bình quân của hộ gia đình trên 1 ha đất canh tác lúa, được đo lường bằng việc lấy tổng số ngày công lao động của hộ gia đình bỏ ra cho hoạt động sản xuất lúa chia cho tổng diện tích đất canh tác lúa. Đơn vị tính: ngày công. Giả thuyết thời gian lao động bình quân tác động đồng biến đến năng suất và thu nhập. - Diện tích đất (dientich): Tổng diện tích đất canh tác lúa của hộ gia đình. Đây là biến được quan tâm chính trong mô hình nghiên cứu. Đơn vị tính: ha. Giả thuyết diện tích đất tác động đồng biến đến năng suất và thu nhập. - Chi phí sản xuất bình quân (chiphibq): Chi phí sản xuất bình quân trên 1 ha đất trồng lúa, được đo lường bằng tổng chi phí đầu vào cho sản xuất lúa như phân bón, cây giống, dụng cụ, nhiên liệu chia cho tổng diện tích đất canh tác lúa. Đơn vị tính: nghìn đồng. Giả thuyết chi phí sản xuất bình quân tác động đồng biến đến năng suất và thu nhập. - Giá trị tài sản cố định dùng cho sản xuất bình quân (tscdsxbq) : Giá trị tài sản cố định dùng cho sản xuất trên 1 ha đất canh tác lúa, được đo lường bằng tổng giá trị tài sản cố định sử dụng cho sản xuất như. máy móc, thiết bị canh tác; phương tiện vận chuyển; dụng cụ cất chứa chia cho tổng diện tích đất canh tác lúa. Đơn vị tính: nghìn đồng. Giả thuyết tài sản cố định dùng cho sản xuất bình quân tác động đồng biến đến năng suất và thu nhập. - Tuổi của chủ hộ (tuoi): Tuổi của chủ hộ gia đình. Đơn vị tính: tuổi. Giả thuyết tuổi chủ hộ gia đình tác động nghịch biến đến năng suất và thu nhập. - Trình độ học vấn của chủ hộ (hocvan): Trình độ học vấn của chủ hộ, được đo lường dựa trên khả năng biết đọc biết viết và số năm đi học của chủ hộ. Đơn vị tính: điểm 0 - không biết đọc viết; 1 - biết đọc viết nhưng chưa học hết lớp 33
  41. 1; 2- học hết lớp 1; 3 - học hết lớp 2; ,13 - học hết lớp 12; 15 - học xong lớp đào tạo nghề; 16 - học hết cao đẳng; 17 - học xong đại học. Giả thuyết trình độ học vấn của chủ hộ tác động đồng biến đến năng suất và thu nhập. - Giới tính của chủ hộ (gioitinh): Biến giả nhận giá trị 1 nếu chủ hộ là Nam và nhận giá trị 0 nếu chủ hộ là Nữ. Giả thuyết chủ hộ là nữ giới thì hộ có năng suất và thu nhập thấp hơn chủ hộ là nam giới. - Thành phần dân tộc của chủ hộ (kinhhoa): Biến giả nhận giá trị 1 nếu chủ hộ là người Kinh hoặc người Hoa và nhận giá trị 0 nếu là dân tộc khác. Dựa trên giả định rằng người Kinh và người Hoa có thói quen sản xuất và phương thức sinh hoạt gần giống nhau. Giả thuyết chủ hộ là người Kinh hoặc Hoa thì hộ có năng suất và thu nhập cao hơn chủ hộ là người dân tộc khác. - Thiên tai (thientai): Biến giả nhận giá trị 1 nếu địa bàn xã mà hộ gia đình cư trú chịu thiên tai trong vòng 12 tháng qua tính đến thời điểm điều tra, ngược lại nhận giá trị 0. Giả thuyết xã chịu thiên tai thì hộ có năng suất và thu nhập thấp hơn xã không chịu thiên tai. - Giao thông 1 (gt1): Biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ gia đình có đường ô tô đến thôn ấp, nhận giá trị 0 nếu ngược lại. Giả thuyết hộ gia đình có đường ô tô đến thôn ấp sinh sống có năng suất và thu nhập cao hơn. - Giao thông 2 (gt2): Biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ gia đình có đường thủy đến thôn ấp, nhận giá trị 0 cho các trường hợp còn lại. Giả thuyết hộ gia đình có đường thủy đến thôn ấp sinh sống thì thay đổi năng suất và thu nhập cao hơn. - Tưới tiêu xã (tuoitieuxa): Tỷ lệ diện tích đất trồng cây hằng năm được tưới tiêu trong xã cả năm. Đơn vị tính: %. Giả thuyết tỷ lệ diện tích đất được tưới tiêu tác động đồng biến đến năng suất và thu nhập. 2.4. Mô hình xác định các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ Xây dựng mô hình Nghiên cứu của Bentley (1987) đã xác định một số tham số để đo lường quy mô tích tụ ruộng đất, đó là sự tăng lên của quy mô diện tích đất hộ gia đình, giảm số mảnh và tăng diện tích trung bình của mảnh. Nghiên cứu của Đặng Kim Sơn (2009) về phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam đã xây dựng mô hình phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ và tập trung đất nông nghiệp. Các yếu tố được đưa vào mô hình gồm các nhóm yếu tố liên 34
  42. quan đến đặc điểm của hộ gia đình, thị trường đất đai, đặc điểm của xã, hoạt động phi nông nghiệp của hộ gia đình. Trên cơ sở những nghiên cứu trên cùng với những đặc điểm của vùng Tây Nam Bộ cho thấy những yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất rất đa dạng và có thể chia theo các nhóm như sau: (i) Đặc điểm nhân khẩu học hộ gia đình Đã có nhiều bằng chứng cho thấy những đặc điểm nhân khẩu học của hộ gia đình ảnh hưởng tới nhiều quyết định, cách thức sản xuất, đầu tư của hộ gia đình. Ví dụ như tuổi tác, giới tính, dân tộc, trình độ học vấn của chủ hộ gia đình cho thấy chủ hộ lớn tuổi hay trẻ tuổi, nam hay nữ, người kinh/hoa hay thiểu số, trình độ học vấn cao hay thấp thường có những quyết định, ứng xử, tính toán khác nhau. Hộ gia đình có số lượng nhân khẩu, lao động khác nhau cũng có những quyết định khác nhau về việc mở rộng hay thu hẹp quy mô sản xuất. Bên cạnh đó chủ hộ là người lớn tuổi tất yếu có những quan niệm, suy tính khác người trẻ tuổi, thông thường người lớn tuổi thường cẩn trọng, ít mạo hiểm hơn nên từ đó việc mua bán ruộng đất đối với họ cũng khó khăn hơn. Còn đối với chủ hộ là nữ giới thì thông thường cho thấy họ ít mạnh bạo trong những quyết định thay đổi lớn cho gia đình trong có cả những quyết định về ruộng đất. (ii) Nguồn lực sản xuất hộ gia đình Bao gồm các nguồn lực về tài chính, nguồn lực về con người, công cụ sản xuất, cụ thể như vốn đầu tư/vốn vay cho sản xuất, tài sản cố định dùng cho sản xuất, thu nhập hoặc tài sản cố định hộ gia đình, lao động nông nghiệp hộ gia đình. Những yếu tố này trực tiếp ảnh hưởng đến quyết định tăng hay giảm quy mô ruộng đất hiện có của hộ gia đình. Nếu thiếu nguồn lực sản xuất hộ gia đình không thể có điều kiện mua/thuê thêm ruộng đất, hoặc có thể mua/thuê thêm ruộng đất thì cũng khó canh tác có hiệu quả. (iii) Sinh kế hộ gia đình Mặc dù thuộc vùng nông thôn nhưng không phải sinh kế của các hộ gia đình đều là sản xuất nông nghiệp, không ít hộ gia đình sống bằng bằng các ngành nghề phi nông nghiệp như làm dịch vụ, nghề thủ công, làm công nhân, làm thuê hoặc trong gia đình có người làm trong các cơ quan, tổ chức, xuất khẩu lao động Một khi sinh kế hoàn toàn phụ thuộc vào nông nghiệp thì ruộng đất đóng vai trò quan 35
  43. trọng số một, còn nếu sinh kế là phi nông nghiệp thì ruộng đất và việc tích tụ ruộng đất có thể chỉ đóng vai trò thứ yếu. (iv) Các điều kiện về sinh thái Nông nghiệp là ngành sản xuất đặc thù phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Thời tiết, đất, nước, khí hậu, thiên tai ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng, hiệu quả, lợi nhuận của sản xuất, từ đó ảnh hưởng tới quyết định tích tụ ruộng đất của hộ gia đình. Ở những vùng mà ruộng đất ít màu mỡ, khó canh tác thì có thể hoạt động tích tụ ruộng đất với mục đích canh tác không thể bằng những vùng có điều kiện thiên nhiên thuận lợi. (v) Cơ sở hạ tầng Cơ sở hạ tầng nông thôn như đường bộ, đường thủy, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất. Ở Tây Nam Bộ, kỹ thuật canh tác ngày nay chủ yếu sử dụng máy móc. Đây là những điều kiện để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản và tiêu thụ sản phẩm. Tích tụ ruộng đất là để sản xuất hàng hóa lớn do đó tất yếu chịu sự ảnh hưởng của yếu tố này. (vi) Chính sách Nhìn lại lịch sử ruộng đất Tây Nam Bộ thì rõ ràng chính sách là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tích tụ ruộng đất. Mỗi thời kỳ chính sách đất đai khác nhau thì tính chất, tốc độ của tích tụ ruộng đất cũng khác nhau. Độ đóng hay mở của chính sách có thể là yếu tố thúc đẩy hay kìm hãm tích tụ ruộng đất. (vii) Thị trường đất đai và nông sản Tây Nam Bộ Do yếu tố lịch sử để lại, ruộng đất Tây Nam Bộ có những đặc trưng khác biệt với các vùng còn lại. Trước năm 1975 sở hữu tư nhân về ruộng đất là chủ yếu nên nguồn gốc ruộng đất thừa kế khá cao. Thị trường mua bán trao đổi thuê mướn ruộng đất cũng đã hình thành sớm hơn và sôi động hơn các vùng khác trong cả nước. Đó là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tích tụ ruộng đất ở Tây Nam Bộ. Thị trường nông sản là một yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất. Cung cầu và giá cả nông sản là một động lực cho tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất. Thị trường nông sản Tây Nam Bộ bên cạnh những đặc điểm chung của thị trường nông sản cả nước thì cũng có những đặc điểm riêng, như là: nguồn cung dồi dào về các sản phẩm lúa gạo, thủy hải sản, trái cây; thị trường xuất khẩu khá lớn và phụ thuộc nhiều vào chính sách thuế, hay hàng rào kỹ thuật của các quốc gia nhập khẩu; công nghiệp chế biến nông sản phát triển nhất cả nước nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. 36
  44. (viii) Tập quán lối sống dân cư Tây Nam Bộ Mỗi vùng miền có tập quán sống mang nét đặc trưng. Một số nét tập quán sống của cư dân Tây Nam Bộ có thể ảnh hưởng đến cách thức ứng xử với ruộng đất. Tập quán sống di cư có lẽ đã bắt nguồn từ xa xưa trong quá trình di cư vào phương nam, nên người nông dân ở đây có thể mua, thuê ruộng đất nhiều nơi khác nhau (kể cả ngoài tỉnh) để canh tác, hoặc nếu không sinh sống được ở nơi này họ có thể bán ruộng đưa cả gia đình đi nơi khác làm ăn. Làm thuê cũng là một hoạt động bình thường khá phổ biến nếu không có ruộng đất, dư thừa lao động hoặc những lúc nông nhàn. Từ đó việc mua, bán, cho thuê, thuê ruộng đất cũng dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất. Ngược lại, tập quán sống gắn liền với ruộng đất vẫn tồn tại trong bộ phận người nông dân, nhất là nông dân lớn tuổi. Họ có tâm lý luôn muốn giữ đất để lại cho con cái và đây là yếu tố cản trở đối với hoạt động tích tụ. Đối với biến phụ thuộc đại diện cho việc tích tụ ruộng đất thì cơ sở lý thuyết, các nghiên cứu đi trước và thực tế cho thấy tích tụ ruộng đất là một quá trình cần được xem xét từ hai chiều: tác động thúc đẩy tích tụ ruộng đất và tác động hạn chế tích tụ ruộng đất. Chính vì thế, việc lựa chọn biến phụ thuộc của mô hình là sự thay đổi quy mô ruộng đất của hộ gia đình (với các giá trị âm, dương) sẽ phù hợp để phân tích từ hai chiều tác động. Đồng thời, cũng có thể dựa vào việc có tích tụ ruộng đất hay không tích tụ ruộng đất của hộ gia đình để tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này. Mô hình đề xuất: (1) Mô hình Thay đổi quy mô ruộng đất Yit = β0 + β1X1it + β2X2it + β3X3it + β4X4it t =1,2,3 Trong đó: Yit: Thay đổi quy mô ruộng đất hộ gia đình là sự thay đổi diện tích đất sản xuất lúa của hộ gia đình thời điểm t2 so với thời điểm t1 và t3 so t2 X1it là đặc điểm cá nhân của chủ hộ gia đình tại thời điểm t. X1it bao gồm giới tính, tuổi, thành phần dân tộc, trình độ học vấn của chủ hộ gia đình X2it Các yếu tố gốc tại thời điểm t: diện tích đất, tài sản số định của hộ gia đình, thu nhập hộ gia đình, số lượng lao động hộ nông nghiệp gia đình, tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp hộ gia đình X3it Các yếu tố thay đổi thời điểm t2 so với thời điểm t1 và t3 so thời điểm t2: thay đổi tài sản số định của hộ gia đình, thay đổi thu nhập hộ gia đình, thay đổi số lượng 37
  45. lao động hộ gia đình, thay đổi vốn vay đầu tư sản xuất, thay đổi tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp hộ gia đình X4it Các yếu tố ảnh hưởng ngoại vi: bao gồm các yếu tố thuộc về thôn ấp, xã như tưới tiêu, giao thông, tỷ lệ chuyển nhượng đất đai tại thời điểm t (2) Mô hình tích tụ ruộng đất (mô hình logit) Yi = f(Xk) = f (X1it , X2it , X3it , X4it) t =1,2,3 3 Trong đó: Yi có giá trị 1 đối với hộ gia đình có tích tụ ruộng đất và giá trị 0 đối với những hộ không tích tụ ruộng đất ở thời điểm t2 so với thời điểm t1 và thời điểm t3 so thời điểm t2. Các biến độc lập X1it , X2it , X3it , X4it là các biến trong mô hình Thay đổi quy mô ruộng đất. Định nghĩa biến, cách đo lường và giả thuyết kỳ vọng - Thay đổi quy mô ruộng đất (tdquymo): Sự thay đổi diện tích đất sản xuất lúa của hộ gia đình (bao gồm đất chủ có chủ quyền, đất thuê mướn, đất nhận cầm cố), được đo lường bằng cách lấy diện tích kỳ này trừ đi diện tích kỳ trước, những hộ không có sự thay đổi diện tich đất thì được loại ra khỏi mô hình. Đơn vị tính: ha. - Tích tụ ruộng đất (tichtu): Biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ gia đình có tích tụ ruộng đất, và giá trị 0 nếu không có tích tụ kỳ này so với kỳ trước. - Tuổi của chủ hộ (tuoi): Tuổi của chủ hộ gia đình. Đơn vị tính: tuổi. Giả thuyết tuổi chủ hộ gia đình ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Trình độ học vấn của chủ hộ (hocvan): Trình độ học vấn của chủ hộ, được đo lường dựa trên khả năng biết đọc biết viết và số năm đi học của chủ hộ, Đơn vị tính: điểm, 0 - không biết đọc viết; 1 - biết đọc viết nhưng chưa học hết lớp 1; 2- học hết lớp 1; 3 - học hết lớp 2; ,13 - học hết lớp 12; 15 - học xong lớp đào tạo nghề; 16 - học hết cao đẳng; 17 - học xong đại học. Giả thuyết trình độ học vấn của chủ hộ ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Giới tính của chủ hộ (gioitinh): Là biến giả nhận giá trị 1 nếu chủ hộ là Nam và nhận giá trị 0 nếu chủ hộ là Nữ. Giả thuyết chủ hộ là nữ giới thì thì hộ có sự thay đổi quy mô và xác suất tích tụ ruộng đất thấp hơn chủ hộ là nam giới. 3 Luật đất đai năm 2003 và 2013 quy định về Hạn mức giao đất nông nghiệp đối với đất trồng cây hàng năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 03 héc ta. Do đó có thể coi hộ gia đình trong thời gian từ 2004-2008 diện tích ruộng đất tăng đến trên 3ha là hộ có tích tụ đất, các hộ còn lại được xếp vào hộ không tích tụ ruộng đất. 38
  46. - Thành phần dân tộc của chủ hộ (kinhhoa): Là biến giả nhận giá trị 1 nếu chủ hộ là người Kinh hoặc người Hoa và nhận giá trị 0 nếu dân tộc khác. Dựa trên giả định rằng người Kinh và người Hoa có thói quen sản xuất và phương thức sinh hoạt gần giống nhau. Giả thuyết chủ hộ là người Kinh hoặc Hoa thì hộ có thay đổi quy mô và xác suất tích tụ ruộng đất cao hơn chủ hộ là người dân tộc khác. - Diện tích đất (dientich): Diện tích đất canh tác lúa của hộ gia đình kỳ này. Đơn vị vị tính: ha. Giả thuyết diện tích đất canh tác của hộ lúa ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Tài sản số định của hộ gia đình (tscd): Tổng giá trị tài sản cố định của hộ gia đình kỳ này. Đơn vị tính: ngàn đồng. Đây là tài sản cố định chung của hộ gia đình gồm cả tài sản cố định dùng cho sản xuất và phi sản xuất, với ý nghĩa tài sản cố định phản ánh phần nào khả năng tài chính của hộ gia đình. Giả thuyết tài sản cố định của hộ ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Thu nhập hộ gia đình (thunhap): Tổng thu nhập hộ gia đình trong năm kỳ này. Đơn vị tính: ngàn đồng. Giả thuyết thu nhập hộ ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Số lượng lao động nông nghiệp hộ gia đình (laodongNN): Tổng số lao động làm nông nghiệp của hộ gia đình kỳ này. Đơn vị tính: người. Giả thuyết số lao động nông nghiệp hộ ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp hộ gia đình (tlphiNN): Tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp của hộ gia đình trên tổng thu nhập của hộ kỳ này. Đơn vị tính: %. Giả thuyết tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp của hộ ảnh hưởng ngược chiều với tích tụ ruộng đất. - Thay đổi giá trị tài sản cố định của hộ gia đình (tdtscd): Sự thay đổi về giá trị tài sản cố định của hộ gia đình kỳ này so với kỳ trước. Đơn vị tính: ngàn đồng. Giả thuyết sự thay đổi tài sản cố định của hộ gia đình ảnh hưởng cùng chiều đến tích tụ ruộng đất. - Thay đổi số lượng lao động nông nghiệp của hộ gia đình (tdlaodongNN): Sự thay đổi về số lượng lao động nông nghiệp của hộ gia đình kỳ này so với kỳ trước. Đơn vị tính: người. Giả thuyết sự thay đổi về số lượng lao động nông nghiệp của hộ ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Thay đổi vốn vay đầu tư sản xuất (tdvonvay): Sự thay đổi về số tiền vay để đầu tư cho sản xuất của hộ gia đình kỳ này so với kỳ trước. Đơn vị tính: ngàn 39
  47. đồng. Giả thuyết sự thay đổi vốn vay đầu tư sản xuất ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Thay đổi thu nhập hộ gia đình (tdthunhap): Sự thay đổi về giá trị tuyệt đối thu nhập của hộ gia đình kỳ này so với kỳ trước. Đơn vị tính: ngàn đồng. Giả thuyết sự thay đổi thu nhập hộ ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Thay đổi tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp hộ gia đình (tdtlphiNN): Sự thay đổi tỷ lệ % thu nhập phi nông nghiệp trên tổng thu nhập của hộ gia đình kỳ này so với kỳ trước. Đơn vị tính: %. Giả thuyết sự thay đổi tỷ lệ thu nhập phi nông nghiệp hộ ảnh hưởng ngược chiều với tích tụ ruộng đất. - Tưới tiêu xã (tuoitieu): Tỷ lệ diện tích đất trồng cây hằng năm được tưới tiêu trong xã cả năm. Đơn vị tính: %. Giả thuyết tỷ lệ diện tích đất trồng cây hằng năm được tưới tiêu trong xã ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất - Tỷ lệ giao dịch chuyển nhượng đất trong xã (chuyennhuong): Tỷ lệ được tính bằng tổng số lượt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được chuyển nhượng cả năm chia cho tổng số các hộ trong xã bao gồm cả thường trú, tạm trú. Đơn vị tính: %. Giả thuyết tỷ lệ giao dịch chuyển nhượng đất trong xã ảnh hưởng cùng chiều với tích tụ ruộng đất. - Giao thông 1 (gt1): Biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ gia đình có đường ô tô đến thôn ấp, nhận giá trị 0 nếu ngược lại. Giả thuyết hộ gia đình có đường ô tô đến thôn ấp sinh sống thì có sự thay đổi quy mô và xác suất tích tụ ruộng đất cao hơn. - Giao thông 2 (gt2): Biến giả, nhận giá trị 1 nếu hộ gia đình có đường thủy đến thôn ấp, nhận giá trị 0 cho các trường hợp còn lại. Giả thuyết hộ gia đình có đường thủy đến thôn ấp sinh sống thì có sự thay đổi quy mô và xác suất tích tụ ruộng đất cao hơn. 2.5. Khung phân tích chung về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ Căn cứ vào những phân tích ở trên, khung phân tích chung về tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp vùng Tây Nam Bộ được xây dựng ở hình 2.3 dưới đây. Trong đó, thực trạng tích tụ ruộng đất Tây Nam Bộ (nhấn mạnh ở cấp độ hộ gia đình) vừa bị ảnh hưởng của nhóm các yếu tố vừa tác động đến hiệu quả sản xuất và đời sống kinh tế xã hội nông thôn. Cuối cùng các giải pháp được đề xuất dựa trên toàn bộ những nội dung phân tích này. 40
  48. Đặc Nguồn Sinh Điều Cơ sở Chính Thị Tập điểm lực sản kế hộ kiện hạ sách trường quán, nhân xuất hộ gia sinh tầng đất đai lối sống khẩu gia đình thái và nông cư dân học hộ đình sản Tây Tây gia đình Nam Bộ Nam Bộ Thực trạng Tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở vùng Tây Nam Bộ (nhấn mạnh ở cấp độ hộ gia đình) Hiệu quả sản xuất Đời sống kinh tế xã hội nông thôn nông nghiệp Giải pháp Hình 2.3: Khung phân tích Tích tụ ruộng đất ở vùng Tây Nam Bộ 2.6. Cơ sở dữ liệu và công cụ phân tích dữ liệu 2.6.1. Cơ sở dữ liệu Cơ sở dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu được khai thác từ nhiều nguồn khác nhau. Dữ liệu thứ cấp chủ yếu sử dụng trong luận án là dữ liệu của Tổng cục thống kê. Nguồn dữ liệu quan trọng nữa là dữ liệu sơ cấp thông qua cuộc khảo sát thực địa được thực hiện năm 2013. Ngoài ra, luận án còn sử dụng các dữ liệu thứ cấp khác từ những nguồn tin cậy. 41
  49. Dữ liệu thứ cấp Các mô hình kinh tế lượng của luận án đều dựa trên cơ sở dữ liệu của Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam (2004, 2006 2008, 2010 và 2012) và sử dụng dạng dữ liệu bảng (Panel)4 với việc hồi quy dữ liệu bảng dưới dạng Pooled-OLS.5 Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam các kỳ 2004, 2006, 2008 được thiết kế mô-đun chính về chi tiêu và thu nhập trong bảng câu hỏi và duy trì khả năng so sánh theo thời gian (tại mỗi đợt Khảo sát Mức sống Hộ Gia đình Việt Nam, một nửa địa bàn điều tra (thôn bản) và hộ gia đình trong các xã được giữ nguyên và một nửa được thay thế). Tuy nhiên đến năm 2010, việc đảm bảo khả năng so sánh một cách chặt chẽ đòi hỏi chi phí quá cao do đó Khảo sát Mức sống Hộ Gia đình Việt Năm 2010 có sự đứt gãy so với loạt Khảo sát Mức sống Hộ Gia đình Việt Nam 2004- 2008 ở một số khía cạnh như: Điều tra Mức sống Hộ Gia đình Việt Nam 2010 được dựa trên một mẫu chuẩn mới (master sample), bao gồm một tập hợp các xã và địa bàn điều tra mới; bảng câu hỏi điều tra trong Khảo sát Mức sống Hộ Gia đình Việt Nam được điều chỉnh lại trên một số lĩnh vực và được rút ngắn về độ dài. Cuộc điều tra năm 2012 cơ bản dựa trên khuôn mẫu của năm 2010, với việc điều tra lặp lại 50% mẫu cũ. Những thay đổi kể từ cuộc khảo sát năm 2010 đã ảnh hưởng phần nào đến nghiên cứu này trong việc lựa chọn mô hình, phương pháp xử lý số liệu và kết quả phân tích, so sánh. Cụ thể, mô hình đo lường tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất phải chạy riêng cho hai giai đoạn 2004-2008 và 2010-2012 với một số biến độc lập không hoàn toàn trùng khớp. Mô hình phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến tích tụ ruộng đất Tây Nam Bộ chỉ sử dụng được dữ liệu 2004, 2006 và 2008 vì dữ liệu 2010 và 2012 thiếu thông tin một số biến cấp xã. Hơn nữa, dữ liệu 4 Việc sử dụng dữ liệu bảng có một số ưu điểm: Thứ nhất, dữ liệu bảng làm tăng kích thước mẫu một cách đáng kể. Thứ hai, thông qua nghiên cứu các quan sát theo không gian lặp lại, dữ liệu bảng phù hợp hơn để nghiên cứu động học thay đổi. Thứ ba, dữ liệu bảng giúp ta nghiên cứu những mô hình hành vi phức tạp hơn 5 Mô hình pooled-OLS thực chất là việc sử dụng dữ liệu bảng để phân tích bằng hình thức sử dụng tất cả dữ liệu xếp chồng không phân biệt từng trường hợp riêng. Tức là, mô hình này sử dụng dữ liệu như một phân tích OLS bình thường, sử dụng tập hợp thành đám mây dữ liệu để ước lượng tương quan trong mô hình. Mô hình hồi quy tuyến tính OLS được sử dụng để xác định mối quan hệ tuyến tính giữa một hoặc nhiều biến giải thích với một biến phụ thuộc dạng liên tục bằng phương pháp ước lượng bình phương nhỏ nhất OLS 42
  50. 2010-2012 không đủ cơ sở để chạy với với mô hình logit (có tích tụ hay không tích tụ) do chỉ có 1,7% hộ gia đình từ năm 2010 đến 2012 có tích tụ đất theo như tiêu chí tích tụ đã nêu. Ngoài ra, luận án còn sử dụng nhiều nguồn dữ liệu thứ cấp khác của Tổng cục thống kê (Tổng điều tra Nông thôn, Nông nghiệp và Thủy sản; Niên giám thống kê hàng năm); Số liệu và Báo cáo kinh tế xã hội của UBND các cấp địa phương vùng Tây Nam Bộ; Các công trình nghiên cứu về ruộng đất và vấn đề tích tụ tập trung ruộng đất; Các bài bài tạp chí khoa học và thông tin trên các báo chính thống liên quan đến chủ đề nghiên cứu. Dữ liệu sơ cấp Tích tụ ruộng đất là một khái niệm mà không phải người nông dân nào cũng biết đến. Hơn thế nữa, điều tra khảo sát định lượng không thể bao quát hết được những khía cạnh của tích tụ ruộng đất và đôi khi những con số thống kê cũng không phản ảnh được hết bản chất của vấn đề. Chính vì thế, một khảo sát định tính dựa trên địa bàn khảo sát định lượng của cuộc Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam sẽ cung cấp cho luận án thêm cơ sở khoa học để có những kết luận rộng hơn và chính xác hơn. Bộ dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam là kết quả khảo sát chọn mẫu trải rộng trên tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Tây Nam Bộ. Do đó, để tiến hành khảo sát định tính việc chọn địa bàn để khảo sát đảm bảo tính đại diện là rất quan trọng. Long An là tỉnh có diện tích đất trồng lúa đứng thứ ba ở Tây Nam Bộ với 499,6 ha, chỉ kém An Giang 625,1 ha và Kiên Giang 725,2 ha (Niên giám thống kê 2012). Mặt khác Long An tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên việc phát triển các khu công nghiệp và thu hút lao động ra thành phố làm việc là rất lớn. Như vậy về điều kiện tự nhiên và cả vị trí địa lý cho thấy Long An có cơ sở để tích tụ ruộng đất. Cuộc khảo sát định tính được tiến hành với mục đích tìm ra những tác động của tích tụ ruộng đất đến hiệu quả sản xuất và đời sống xã hội nông thôn Tây Nam Bộ, những yếu tố ảnh hưởng cũng như những nguyên nhân dẫn đến việc tích tụ ruộng đất hay không tích tụ ruộng đất mà cuộc điều tra định lượng chưa phản ánh 43
  51. được. Do đó, phương pháp phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm được sử dụng với hai đối tượng là hộ gia đình và cán bộ địa phương (Bản gợi ý phỏng vấn: Phụ lục 1,2). Phương pháp chọn mẫu sử dụng kết hợp hai hình thức chọn mẫu thuận tiện và chọn mẫu có chủ đích. Mô tả chi tiết về cuộc khảo sát Long An có 15 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Tân Trụ, Châu Thành, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An. Trong số những huyện của tỉnh Long An nằm trong dữ liệu Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam mà luận án đã sử dụng cho mô hình định lượng, ba huyện thị được chọn để tiến hành khảo sát định tính bằng phỏng vấn sâu và phỏng vấn nhóm là huyện Vĩnh Hưng, thị xã Kiến Tường và huyện Đức Hòa. Huyện Vĩnh Hưng nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Long An, là vùng sâu của Đồng Tháp Mười, gắn liền với quá trình khai thác đất hoang hóa, di dân xây dựng vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười nên cơ bản là huyện thuần nông với diện tích đất trồng lúa lớn nhất tỉnh. Thị xã Kiến Tường nằm trong khu đất trung tâm của vùng Đồng Tháp Mười, cũng là vùng trồng lúa lớn của tỉnh nhưng ở đây bắt đầu diễn ra quá trình đô thị hóa do việc thành lập thị xã (tháng 3/2013) trên cơ sở một phần diện tích và dân số của huyện Mộc Hóa. Đức Hòa là huyện giáp thành phố Hồ Chí Minh (giáp huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh). Đức Hòa không có diện tích đất lúa lớn nhưng có nhóm đất xám thích hợp trồng cây hàng năm. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng của đô thị hóa của thành phố Hồ Chí Minh và có số lượng lao động phi nông nghiệp rất cao từ việc di chuyển ra thành phố Hồ Chính Minh làm việc và các hoạt động kinh doanh dịch vụ khác. Mỗi huyện thị chọn ra hai xã, mỗi xã chọn một ấp theo tiêu chí thuận tiện để khảo sát. Trong ấp lựa chọn hai hộ gia đình có diện tích đất trồng lúa nhiều nhất và hai hộ diện tích ít nhất hoặc không có đất sản xuất để tiến hành phỏng vấn sâu. Như vậy tổng số hộ phỏng vấn sâu là 24. Ngoài ra đề tài cũng lựa chọn 2 nhóm (mỗi nhóm 5 người) gồm các chủ hộ tích tụ được nhiều ruộng đất cùng sinh sống trong 44