Giáo trình Kinh tế vĩ mô

pdf 157 trang vanle 3630
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Giáo trình Kinh tế vĩ mô", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfgiao_trinh_kinh_te_vi_mo.pdf

Nội dung text: Giáo trình Kinh tế vĩ mô

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC AN GIANG Khoa Kinh Tế - QTKD Giáo trình Kinh Tế Vĩ Mô Biên soạn: Nguyễn Tri Khiêm
  2. Lời nói đầu Tài liệu giảng dạy môn học Kinh tế vĩ mô được biên soạn phục vụ việc giảng dạy cho sinh viên đại học thuộc các chuyên ngành kinh tế. Mục tiêu của tài liệu là cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản trong quá trình học tập và nghiên cứu kinh tế vĩ mô, làm cơ sở cho sinh viên hiểu các nguyên lý và các mô hình kinh tế vĩ mô và có thể lý giải được một số vấn đề kinh tế trong thực tế. Kết cấu nội dung tài liệu bao gồm 7 chương được sắp xếp theo trình tự như sau: Chương 1 tổng quan về kinh tế vĩ mô: chương này giới thiệu cho sinh viên những vấn đề mà kinh tế vĩ mô quan tâm, các chính sách, cũng như các công cụ chủ yếu để phân tích vĩ mô – mô hình tổng cung và tổng cầu. Chương 2 đo lường sản lượng và giá cả: phân tích sự luân chuyển của hàng hóa và tiền tệ trong nền kinh tế, giới thiệu định nghĩa và cách tính tổng sản phẩm quốc nội. Chương 3 tổng cầu và xác định sản lượng quốc gia: phân tích các nguyên nhân gây ra biến động kinh tế từ tổng cầu trong ngắn hạn và chính sách công cộng có thể làm gì để ngăn chặn các thời kỳ thu nhập giảm sút và thất nghiệp tăng cao. Chương 4 tiền tệ và chính sách tiền tệ: chương này tập trung vào các vấn đề liên quan đến tiền: tiền, các hình thái của tiền, hệ thống ngân hàng tạo tiền như thế nào và cách thức ngân hàng trung ương kiểm soát lượng tiền trong nền kinh tế. Chương 5: Năng suất, tiền lương, nhân dụng và thất nghiệp. Đây là chương tập trung vào thị trường lao động, tìm hiểu thất nghiệp, các nguyên nhân gây ra thất nghiệp và cách tính thất nghiệp. Chương 6 lạm phát: nội dung chương giới thiệu khái niệm, cách thức đo lường lạm phát, các nguyên nhân gây ra lạm phát và tác hại của nó. ở cuối chương bàn về sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp. Chương 7 lý thuyết kinh tế vĩ mô về nền kinh tế mở: chương này tập trung vào những khái niệm cơ bản liên quan đến tỷ giá hối đoái, phân tích cung cầu về vốn vay và thị trường ngoại tệ. Tìm hiểu sự ảnh hưởng của các chính sách và sự kiện đến nền kinh tế mở. Tài liệu này được biên soạn dựa trên các tài liệu, giáo trình, sách kinh tế vĩ mô của các trường đại học trong nước và các sách dịch. Nội dung cơ bản của tài liệu được biên soạn chủ yếu dựa vào các tài liệu: (1) Sách “ Nguyên lý kinh tế học tập 2” của giáo sư N. Gregory Mankiw ( giáo sư kinh tế học trường đại học tổng hợp Harvard). Sách này được dịch sang tiếng việt bởi khoa kinh tế học trường đại học quốc dân Hà Nội, nhà xuất bản thống kê, 2003.
  3. (2) Giáo trình “kinh tế vĩ mô đại cương và nâng cao” tái bản lần hai của tập thể tác giả Trần văn Hùng, Nguyễn Trí Hùng, Trương Quang Hùng, Nguyễn Thanh Triều, Châu Văn Thành ( trường đại học kinh tế thành phố Hồ Chí Minh). Nhà xuất bản giáo dục, 1999. (3) Sách “ kinh tế học” tái bản lần 1 của tác giả Paul A Samuelson và Wiliam D. Nordhaus. Nhà xuất bản thống kê, 2002. (4) Các thông tin thực tế cùng kinh nghiệm tích lũy từ đọc các sách, báo khác của tác giả và những ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp trong tổ bộ môn kinh tế tổng hợp cũng như trong khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh trường đại học An Giang. Đây là tài liệu được biên soạn lần đầu của nhóm tác giả thuộc bộ môn kinh tế tổng hợp, khoa kinh tế - QTKD do đó sẽ không tránh khỏi những sai sót. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các độc giả để chúng tôi hoàn thiện tài liệu giảng dạy này hơn. Nhóm tác giả bộ môn kinh tế tổng hợp Khoa kinh tế - quản trị kinh doanh Đại học An Giangc Chữ viết tắt AD : Aggregate Demand (Tổng cầu) AS : Aggregate Supply (Tổng cung) GDP : Gross Domestic Products ( Tổng sản phẩm quốc nội) GNP : Gross National Product ( Tổng sản phẩm quốc dân) CPI : Consumer Price Index ( Chỉ số giá hàng tiêu dùng ) C : Consumtion ( tiêu dùng của hộ gia đình) S : Saving ( tiết kiệm) I : Investment (đầu tư) G : Government expenditure ( chi tiêu chính phủ ) X : Exports ( xuất khẩu) M : Imports ( nhập khẩu) MPC : Marginal Propensity to Consume ( khuynh hướng tiêu dùng biên) MPS : Marginal Propensity to Save ( Khuynh hướng tiết kiệm biên) NX : Net Exports (Xuất khẩu ròng) Tr : Transfer payment ( chi chuyển nhượng của chính phủ )
  4. De : Depreciation ( khấu hao) Tx : Taxes ( thuế) NFI : Net Foreign Investment (đầu tư nước ngoài ròng) NNP : Net National Products PI : Personal Income P : Price in general ( mức giá chung) i : Interest ( tiền lãi) g : Economic growth rate (Tốc độ tăng trưởng) Yp : Potentiel Output ( Sản lượng tiềm năng) IS : Investment/Saving equilibrum (Cân bằng đầu tư và tiết kiệm) LM : Liquidity preference/Money supply equilibrum (Cân bằng cung tiền và nhu cầu giữ tiền) Chương 1. Tổng quan về Kinh Tế Vĩ Mô Kinh tế học hiện đại được phân thành hai nhánh – kinh tế học vi mô và kinh tế học vĩ mô. Cả hai phân môn đều nghiên cứu các hiện tượng kinh tế, tìm hiểu các nội dung kinh tế để đưa ra những giải pháp hợp lý ở hai cấp độ. Kinh tế học vi mô nghiên cứu các vấn đề kinh tế ở cấp độ đơn vị sản xuất hay người tiêu dùng trong khi kinh tế học vĩ mô nghiên cứu các vấn đề này ở cấp độ tổng thể - ở cấp quốc gia hay quốc tế. Môn học này nhằm giới thiệu đối tượng nghiên cứu của kinh tế vĩ mô, mục tiêu và các chính sách kinh tế vĩ mô, cũng như một số công cụ chủ yếu được sử dụng trong phân tích kinh tế vĩ mô, mô hình tổng cung và tổng cầu. Kinh tế học vĩ mô là gì Kinh tế học là môn học nghiên cứu những lựa chọn của cá nhân và xã hội về cách thức sử dụng những nguồn tài nguyên có giới hạn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Những lựa chọn của cá nhân và xã hội được biểu hiện bằng những hiện tượng và các hoạt động dưới hai góc độ: góc độ bộ phận, kinh tế vi mô nghiên cứu hành vi của các doanh nghiệp, các hộ gia đình và sự tương tác giữa chúng trên các thị trường từng ngành hàng. Ở góc độ toàn bộ nền kinh tế gọi là kinh tế vĩ mô.Trong kinh tế vĩ mô chúng ta tìm cách giải quyết hai vấn đề: (1) tìm hiểu sự tương tác giữa các bộ phận trong nền kinh tế tức là nghiên cứu về hoạt động của tổng thể nền kinh tế và (2) chính phủ sẽ tham gia cải thiện thành tựu chung của nền kinh tế như thế nào?
  5. Hành vi của một nền kinh tế được nghiên cứu dưới bốn phạm vi cơ bản: sản lượng và tăng trưởng kinh tế; việc làm và thất nghiệp; sự biến động của mặt bằng giá cả; và thu nhập ròng thông qua quan hệ với thế giới bên ngoài. Kinh tế vĩ mô tìm cách giải thích điều gì qui định các biến số đó, tại sao chúng lại biến động theo thời gian và mối quan hệ giữa chúng. Tạo sao cần phải học kinh tế vĩ mô? Tầm quan trọng và sự quan tâm đến kinh tế vĩ mô đã tăng rất nhanh trong vòng 30 năm qua xuất phát từ lý do thực tế cũng như lý thuyết. Trên lãnh vực thực nghiệm, các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển đều phải đối phó với các vấn đề kinh tế vĩ mô: trì trệ hay chậm phát triển, thất nghiệp, lạm phát, cán cân thương mãi thâm hụt, thất thóat vốn, gia tăng nợ quốc gia. Để có thể tìm câu trả lời cho các vấn đề trên, cần phải hiểu nguyên lý họat động của nền kinh tế. Nghĩa là chúng ta cần phải tìm lời giải cho các câu hỏi lý thuyết như: - Điều gì xác định mức độ của họat động kinh tế và nhân dụng trong một nước? - Mức thu nhập quốc dân cân bằng được xác định như thế nào? - Nhân tố nào ảnh hưởng đến sự biến động của sản lượng quốc gia? - Mức giá cả chung của một nước được xác định như thế nào? - Điều gì gây ra lạm phát và thất nghiệp? - Điều gì ảnh hưởng đến mức độ mua bán ngoại thương và cán cân thương mại? - Nhân tố nào ảnh hưởng đến thâm hụt ngoại thương và mất cân bằng trong cán cân thương mại của một nước. - Các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của chính phủ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào? Đây là những câu hỏi mà kinh tế vĩ mô tìm cách trả lời. Nền tảng của kinh tế học vĩ mô hiện đại, như là một ngành khoa học kinh tế riêng biệt, được xây dựng bởi nhà kinh tế người Anh, John Maynard Keynes (1883-1946) trong cuốn sách nổi tiếng The General Theory of Employment, Interest and Money (Lý thuyết tổng quát về nhân dụng, lãi suất và tiền tệ) xuất bản năm 1936. 1.1. Các mục tiêu của Kinh tế vĩ mô. 1.1.1. Sản lượng cao và tăng trưởng nhanh. Nhìn chung các nhà kinh tế đánh giá hoạt động kinh tế vĩ mô bằng cách nhìn vào một vài biến số trọng yếu, trong đó biến số quan trọng nhất là tổng sản phẩm quốc nội (GDP). GDP là thước đo theo giá trị thị trường của tất cả các hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất tại một nước trong một năm. Có hai cách tính toán GDP: GDP danh nghĩa được xác định theo giá hiện hành và GDP thực tế được xác định theo giá cố định hay giá gốc.
  6. Ví dụ: Giả sử nền kinh tế chỉ sản xuất Lúa và Cà phê thì: GDPdanh nghĩa = (giá Lúa x lượng Lúa) + (giá Cà phê x lượng Cà phê) GDP tính theo cách này không phản ánh chính xác mức độ nền kinh tế đáp ứng nhu cầu của hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Vì nếu giá cả tăng gấp đôi nhưng lượng hàng sản xuất ra như cũ, GDP lúc này cũng tăng gấp đôi. Điều này sẽ dẫn đến sự nhầm lẫn khi kết luận rằng nền kinh tế có khả năng thỏa mãn nhu cầu gấp đôi. Trong ví dụ nền kinh tế sản xuất Lúa và Cà phê. Năm gốc là năm 1995 và năm hiện hành là năm 2000. Tính GDP thực tế của năm 2000. GDPthực = (giá Lúa 1995 x lượng Lúa 2000) + (giá Cà phê 1995 x lượng Cà phê 2000) Vì giá không thay đổi nên GDP biến động từ năm này sang năm khác chỉ do sự thay đổi của lượng hàng. Nên khi muốn biết GDP của một quốc gia tăng hoặc giảm qua thời gian, người ta so sánh GDP thực giữa các năm. GDP thực theo xu hướng và những dao động của GDP thực: GDP thực theo xu hướng là xu hướng hoặc khuynh hướng tăng của GDP thực qua thời gian. Những dao động của GDP thực là sự chênh lệch của GDP thực so với xu hướng của nó. Xu hướng tăng của GDP thực qua thời gian bắt nguồn từ những lý do như: sự gia tăng dân số làm gia tăng nguồn nhân lực, sự gia tăng cơ sở vật chất do quá trình tích luỹ vốn, tiến bộ kỹ thuật. Sự biến động của GDP thực tế là một thước đo hiện có tốt nhất về qui mô và tăng trưởng của mức sản lượng bởi vì GDP thực tế không chịu ảnh hưởng của sự biến động giá cả, nó được xem như mạch đập được giám sát chặt chẽ của nền kinh tế quốc dân. Khi các nhà kinh tế nói về tăng trưởng của nền kinh tế, họ phản ánh tốc độ tăng trưởng bằng tỷ lệ phần trăm thay đổi của GDP thực tế từ thời kỳ này sang thời kỳ khác. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm (g) được tính: Mặc dù tốc độ tăng trưởng thường mang giá trị dương trong dài hạn, nhưng sự tăng trưởng này có thể không ổn định giữa các năm. Trên thực tế GDP có thể giảm trong một số trường hợp. Những biến động ngắn hạn của GDP được gọi là chu kỳ kinh doanh. Hiểu biết về chu kỳ kinh doanh là một mục tiêu chính của kinh tế vĩ mô. Tại sao các chu kỳ kinh doanh lại xuất hiện? các lực lượng kinh tế nào lại gây ra sự suy giảm tạm thời trong mức sản xuất, các lực lượng nào dẫn
  7. đến khôi phục kinh tế? Liệu các chính sách của chính phủ có thể sử dụng để làm dịu hay triệt tiêu những biến động ngắn hạn trong nền kinh tế hay không? Đây là vấn đề lớn đã được đưa ra và ít nhất đã được giải đáp một phần bởi kinh tế vĩ mô hiện đại. Hình 1.1: GDP thực (theo giá cố định 1994) của kinh tế Việt nam giai đoạn 1986-2004. 1.1.2.Việc làm nhiều và thất nghiệp ít. Mục tiêu quan trọng tiếp theo của kinh tế vĩ mô là việc làm nhiều đồng nghĩa với thất nghiệp thấp. Tỷ lệ thất nghiệp đo lường số người không có việc làm và đang tích cực tìm việc tính theo tỷ lệ phần trăm so với lực lượng lao động. Biến động ngắn hạn của tỷ lệ thất nghiệp liên quan đến những dao động theo chu kỳ kinh doanh. Những thời kỳ sản lượng giảm thường đi kèm với tăng thất nghiệp và ngược lại. 1.1.3. Lạm phát. Biến số then chốt thứ ba mà các nhà kinh tế quan tâm đó là lạm phát. Lạm phát là tình trạng mức giá trung bình (mức giá chung) của nền kinh tế tăng lên trong một khoảng thời gian nhất định. Các nhà kinh tế đo lạm phát bằng Tỷ lệ lạm phát (%). Tỷ lệ lạm phát được đo bằng tỷ lệ phần trăm thay đổi của chỉ số giá cả (thường là chỉ số CPI). Chỉ số giá cả là tỷ lệ so sánh giữa số tiền phải trả để mua một giỏ hàng hoá trong một
  8. năm hoặc một thời kỳ và số tiền phải trả để mua giỏ hàng hoá đó vào năm gốc hoặc thời kỳ gốc. Trong thời kỳ nền kinh tế có lạm phát, tiền tệ bị mất giá. Giá trị của tiền tệ giảm dần như theo cùng một tỷ lệ với tỷ lệ lạm phát (tỷ lệ lạm phát cao thì tiền mất giá nhanh, tỷ lệ lạm phát thấp thì tiền mất giá chậm hơn). Lạm phát có tác động làm thay đổi tỷ giá hối đoái. Nước nào có tỷ lệ lạm phát cao thì đồng tiền nước đó sẽ bị giảm giá so với đồng tiền nước khác. 1.1.4. Cán cân thương mại. Vấn đề quan trọng thứ tư mà kinh tế vĩ mô xem xét là cán cân thương mại. Tầm quan trọng của cán cân thương mại là gì và điều gì qui định sự biến động của nó trong ngắn hạn và dài hạn? Nhìn chung, khi một nước nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn từ thế giới bên ngoài so với xuất khẩu, nước đó cần phải trang trải cho phần nhập khẩu dôi ra đó bằng cách vay tiền nước ngoài, hoặc giảm tài sản quốc tế. Ngược lại, khi một nước có xuất khẩu ròng, thì nước đó sẽ tích tụ tài sản của thế giới bên ngoài. Như vậy, nghiên cứu của chúng ta về mất cân bằng thương mại liên quan chặt với dòng chu chuyển vốn quốc tế. 1.2. Các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô. Chính phủ có những công cụ nhất định có thể tác động đến kinh tế vĩ mô. Công cụ chính sách là một biến số kinh tế dưới sự kiểm soát của chính phủ có thể tác động đến một hay nhiều mục tiêu kinh tế vĩ mô. Tức là, bằng cách thay đổi chính sách tiền tệ, tài khoá,và các chính sách khác, chính phủ có thể lái nền kinh tế đến một tình trạng tốt hơn về sản lượng, ổn định giá cả và việc làm. Các chính sách chủ yếu: - Chính sách tài khóa: quyết định điều chỉnh thuế và chi tiêu chính phủ nhằm đạt mức sản lượng, việc làm và giá cả mong muốn. - Chính sách tiền tệ: Ngân hàng trung ương thực thi chính sách tiền tệ làm thay đổi mức cung tiền và lãi suất, thông qua các công cụ như: lãi suất chiết khấu, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở. Nhằm hướng mức sản lượng quốc gia, việc làm và giá cả đạt mức mong muốn. - Chính sách thu nhập: các chính sách nhằm kiểm soát giá và tiền lương trong nền kinh tế. - Chính sách ngoại thương: gồm các chính sách nhằm cân bằng cán cân thương mại để góp phần cân bằng cán cân thanh toán. Chính sách ngoại thương sử dụng các công cụ mà chính phủ có thể sử dụng để tác động đến quan hệ thương mại quốc tế như thuế quan, hạn ngạch, trợ cấp xuất khẩu.
  9. Tổng cầu, tổng cung và cân bằng kinh tế vĩ mô 2.1.Tổng cầu. 2.1.1. Khái niệm. Tổng cầu (AD aggregate demand) là tổng khối lượng hàng hoá và dịch vụ mà các tác nhân kinh tế có khả năng và sẵn sàng mua trong một thời kỳ nhất định. Trong một nền kinh tế mở, tổng cầu bao gồm bốn nguồn yêu cầu về hàng hoá và dịch vụ: tiêu dùng của hộ gia đình (C: Consumption), đầu tư của các doanh nghiệp (I: Investment), mua hàng hoá chính phủ (G: Government expenditures), và xuất khẩu ròng (NX: Net Export) là chênh lệch giữa xuất khẩu ( EX: export) và nhập khẩu ( IM: import). AD = C + I + G + NX 2.1.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến tổng cầu. - Mức giá trung bình của hàng hoá và dịch vụ (P) - Thu nhập của các chủ thể kinh tế (NI). - Chính sách thuế và chi tiêu của chính phủ (Tax). - Khối lượng tiền tệ cung ứng (Ms), lãi suất (r) 2.1.3. Đường biểu diễn tổng cầu. Trong điều kiện các nhân tố khác không đổi, tổng cầu sẽ thay đổi ngược chiều với giá cả trung bình. Đường AD là đường biểu diễn mối quan hệ giữa tổng mức cầu và mức giá chung . AD = F(P) Tính chất của đường tổng cầu. Đường tổng cầu có độ dốc âm phản ánh mức giá chung có ảnh hưởng âm đến tổng cầu. Độ dốc âm của tổng cầu được giải thích bởi các nguyên nhân sau: Mức giá và tiêu dùng - hiệu ứng của cải: ảnh hưởng tức thì của sự giảm giá là làm tăng giá trị thực tế của số tiền mà dân cư nắm giữ. Nếu như người ta giữ một khối lượng tiền nhất định, khi mức giá chung giảm, họ sẽ có thể mua được nhiều sản phẩm hơn trước. Mức giá và đầu tư - Hiệu ứng lãi suất: khi giá cả giảm, các hộ gia đình cần giữ ít tiền hơn để mua hàng hoá và dịch vụ mà họ muốn. Do đó họ sẽ giữ ít tiền hơn và cho vay nhiều hơn. Điều này làm giảm lãi suất và có tác động khuyến khích các doanh nghiệp vay tiền để đầu tư nhiều hơn vào máy móc, thiết bị. Mức giá và xuất khẩu ròng- Hiệu ứng thay thế quốc tế: trong nền kinh tế mở, sự giảm giá của hàng trong nước làm cho hàng nội trở nên rẻ tương đối so với hàng ngoại. Điều này có tác dụng khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.
  10. Hình 1.2 Đường biểu diễn tổng cầu AD Cả ba hiệu ứng này hàm ý rằng, với mọi yếu tố khác giữ nguyên, có một mối quan hệ ngược chiều giữa mức giá và khối lượng hàng hoá dịch vụ được yêu cầu. Nói cách khác đường tổng cầu có độ dốc âm. Những thay đổi của tổng cầu. Chúng ta vừa thấy GDP thực yêu cầu nghịch biến với mức giá. Những tác động của GDP thực yêu cầu được biểu thị bởi một chuyển động dọc theo đường tổng cầu, không tạo ra một thay đổi nào đối với đường tổng cầu trên đồ thị và biểu tổng cầu. Nhưng trong thực tế biểu tổng cầu và đường cầu không phải là cố định. Có nhiều yếu tố tác động làm thay đổi tổng cầu: - Sự dịch chuyển phát sinh từ tiêu dùng. Bất cứ một sự kiện nào làm thay đổi tiêu dùng tại một mức giá nhất định cũng làm dịch chuyển đường tổng cầu. Một trong những chính sách có ảnh hưởng đến tiêu dùng là mức thuế. Khi chính phủ cắt giảm thuế, mọi người có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn, làm cho đường tổng cầu dịch chuyển sang phải. Khi chính phủ tăng thuế mọi người tiêu dùng ít hơn, làm cho đường tổng cầu dịch chuyển sang trái. - Sự dịch chuyển phát sinh từ đầu tư. Bất cứ sự kiện nào làm thay đổi đầu tư của các doanh nghiệp tại mỗi mức giá nhất định cũng làm dịch chuyển đường tổng cầu. Nếu các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư lạc quan trong tương lai họ sẽ tăng đầu tư làm cho đường tổng cầu dịch chuyển sang phải. Nhưng khi các doanh nghiệp thấy bi quan thì đầu tư sẽ giảm lúc này tổng cầu sẽ dịch chuyển sang trái. - Chính sách thuế cũng có ảnh hưởng đến tổng cầu thông qua đầu tư. Nếu chính phủ giảm thuế khi các doanh nghiệp chi tiêu đầu tư thì sẽ làm tăng lượng cầu về hàng đầu tư của các doanh nghiệp tại mỗi mức giá. Do đó, đường tổng cầu sẽ dịch chuyển sang phải. Việc hủy bỏ chính sách giảm thuế đầu tư làm giảm đầu tư và đường tổng cầu dịch chuyển sang trái. Chính sách khác có thể ảnh hưởng đến tổng cầu là cung ứng tiền tệ. Sự gia tăng trong cung ứng tiền tệ sẽ làm cho lãi suất giảm trong ngắn hạn. Chi phí đi vay cho đầu tư giảm đi khiến đường tổng cầu dịch chuyển sang bên phải. Khi
  11. cung ứng tiền tệ giảm, lãi suất tăng lên, làm cho nhu cầu đầu tư giảm xuống và đường tổng cầu dịch chuyển sang trái. - Sự dịch chuyển phát sinh từ chi tiêu chính phủ. Một trong những cách trực tiếp mà các nhà hoạch định chính sách có thể làm dịch chuyển đường tổng cầu là thông qua chi tiêu chính phủ. Chính phủ cắt giảm chi tiêu thì tổng cầu sẽ dịch chuyển sang trái. Ngược lại chính phủ tăng chi tiêu thì tổng cầu sẽ dịch chuyển sang phải. - Sự dịch chuyển phát sinh từ xuất khẩu ròng. Bất cứ biến cố nào làm thay đổi xuất khẩu ròng tại một mức giá nhất định đều làm cho đường tổng cầu dịch chuyển. Khi xuất khẩu ròng tăng do bùng nổ kinh tế ở nước ngoài, tỷ giá hối đoái giảm làm cho đường tổng cầu dịch chuyển sang phải. Một biến cố làm giảm xuất khẩu ròng như suy thoái ở nước ngoài, tỷ giá hối đoái tăng đẩy đường tổng cầu dịch chuyển sang trái Hình 1.3 Sự di chuyển, dịch chuyển của tổng cầu 2.2. Tổng cung. 2.2.1. Khái niệm. Tổng cung trong nền kinh tế là tổng khối lượng hàng hoá, dịch vụ mà các doanh nghiệp có khả năng và sẵn sàng cung ứng ra thị trường trong một thời kỳ nhất định. 2.2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến tổng cung. - Các nguồn lực: Lao động; Tài nguyên thiên nhiên; Tư bản (máy móc, thiết bị và các công trình kiến trúc phục vụ cho quá trình sản xuất); và Công nghệ. Các nhà kinh tế sử dụng khái niệm sản lượng tiềm năng để phản ánh mức sản lượng mà nền kinh tế tạo ra khi các nguồn lực được sử dụng đầy đủ. - Mức giá chung. - Chi phí sản xuất: Phụ thuộc vào giá các yếu tố đầu vào như tiền lương, giá nguyên liệu nhập khẩu
  12. 2.2.3. Đường tổng cung. Đường tổng cung là đường biểu diễn mối quan hệ giữa tổng mức cung và mức giá của nền kinh tế trong điều kiện các nguồn lực và giá cả các yếu tố đầu vào cho trước. Hàm của đường tổng cung biểu diễn mối quan hệ giữa mức giá chung và đường tổng cung. AS = f ( P ) 2.2.3.1. Đường tổng cung dài hạn (LAS). Theo các nhà kinh tế cổ điển, giá cả các yếu tố sản xuất là linh hoạt cho nên thị trường sẽ tự điều chỉnh để sử dụng hết các yếu tố sản xuất. Do đó, sản lượng không phụ thuộc vào tổng cầu mà chỉ phụ thuộc vào khối lượng tư bản, lao động và công nghệ hiện có (tổng cung). Nền kinh tế luôn cân bằng tại mức sản lượng toàn dụng các nguồn lực. Tổng cầu thay đổi chỉ làm thay đổi giá cả chứ không ảnh hưởng tới sản lượng quốc gia. Đường tổng cung của phái cổ điển là một đường thẳng đứng ứng với một mức sản lượng toàn dụng các nguồn lực gọi là sản lượng tiềm năng (Yp: Potential output). Hình 1.4 Đường tổng cung dài hạn Sản lượng tiềm năng là mức sản lượng mà quốc gia đạt được trong tình trạng nền kinh tế toàn dụng các nguồn lực (tồn tại một mức thất nghiệp gọi là thất nghiệp tự nhiên). Đường tổng cung thẳng đứng cho thấy sản lượng không phụ thuộc vào mức giá. Sự dịch chuyển của đường tổng cung dài hạn Bất kỳ yếu tố nào trong nền kinh tế làm thay đổi mức sản lượng tự nhiên cũng làm dịch chuyển đường tổng cung dài hạn. Các yếu tố làm thay đổi mức sản lượng tự nhiên là: - Lao động: Một nền kinh tế có sự gia tăng làn sóng nhập cư từ nước ngoài, do đó có nhiều lao động hơn, lượng cung về hàng hoá và dịch vụ tăng lên. Kết quả là đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải. Ngược lại, nếu nhiều công nhân rời bỏ nến kinh tế để ra nước ngoài, đường tổng cung sẽ dịch
  13. chuyển sang trái. Ngoài ra thất nghiệp tự nhiên cũng ảnh hưởng đến tổng cung dài hạn. Nếu tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên tăng và sản lượng giảm làm cho tổng cung dài hạn dịch chuyển sang trái, và ngược lại. - Tư bản: sự gia tăng khối lượng tư bản làm tăng năng suất, do đó làm tăng lượng cung về hàng hoá và dịch vụ. Tổng cung dài hạn dịch chuyển sang phải. Ngược lại , sự suy giảm trong khối lượng tư bản làm giảm năng suất, giảm lượng cung về hàng hoá và dịch vụ, làm cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang trái. - Tài nguyên thiên nhiên: Nền sản xuất của một quốc gia phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của nó như đất đai, khoáng sản thời tiết việc khám phá ra một mỏ khoáng sản có thể làm cho đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang bên phải. Sự thay đổi thời tiết có thể làm cho hoạt động canh tác khó khăn hơn và đường tổng cung dài hạn dịch chuyển sang trái. - Tri thức công nghệ: Có lẽ lý do quan trọng nhất để hiện nay chúng ta sản xuất ra nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn thế hệ trước là sự tiến bộ trong tri thức công nghệ. Việc phát minh ra máy tính đã giúp chúng ta sản xuất ra nhiều hàng hoá và dịch vụ với lượng lao động, tư bản và tài nguyên thiên nhiên như cũ kết quả là điều này làm dịch chuyển đường tổng cung sang phải. 2.2.3.2. Đường tổng cung ngắn hạn (SAS) Trong ngắn hạn đường tổng cung có hướng dốc lên. Nghĩa là trong vòng một hay hai năm, sự gia tăng trong mức giá chung có xu hướng làm tăng lượng cung về hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế và sự giảm sút mức giá có xu hướng làm giảm lượng cung về hàng hoá. Đường tổng cung ngắn hạn là một đường đi lên, song tương đối thoải ở mức sản lượng thấp, và rất dốc khi sản lượng vượt quá mức tiềm năng. Điều này đã đưa đến câu hỏi tại sao đường tổng cung ngắn hạn dốc lên? Hình 1.5 Đường tổng cung ngắn hạn Khi mức giá vượt quá mức dự kiến, sản lượng sẽ vượt quá mức tự nhiên và khi mức giá thấp hơn mức dự kiến, sản lượng giảm xuống dưới mức tự nhiên của nó. Trong ngắn hạn một sự giảm giá từ P1 xuống P2 làm tổng cung giảm từ Y1
  14. xuống Y2. Mối quan hệ này có thể do nhận thức sai lầm, tiền lương cứng nhắc, hay giá cả cứng nhắc. Theo thời gian, nhận thức, tiền lương và giá cả điều chỉnh, do đó mối quan hệ thuận này chỉ có tính tạm thời. Lý thuyết nhận thức sai lầm: theo lý thuyết này, sự thay đổi trong mức giá chung có thể tạm thời làm cho các nhà cung cấp nhận thức sai lầm về tình hình diễn ra các thị trường cá biệt mà họ bán sản phẩm của mình. Do nhận thức sai lầm của mình trong ngắn hạn, các nhà cung cấp phản ứng lại những thay đổi trong mức giá bằng cách cắt giảm sản lượng cung hàng hoá và dịch vụ khi thấy giá giảm hay họ sẽ tăng cung hàng hoá và dịch vụ khi thấy giá tăng, phản ứng này dẫn đến đường tổng cung dốc lên trong ngắn hạn. Lý thuyết tiền lương cứng nhắc: cách lý giải thứ hai cho đường tổng cung ngắn hạn dốc lên là lý thuyết tiền lương cứng nhắc. Lý thuyết này cho rằng đường tổng cung ngắn hạn dốc lên vì tiền lương danh nghĩa điều chỉnh chậm chạp hay “cứng nhắc” trong ngắn hạn. Sự điều chỉnh chậm chạp của tiền lương là do ràng buộc của các hợp đồng giữa người lao động và doanh nghiệp, do các quy phạm xã hội hay do cảm nhận về sự công bằng. Tất cả những nguyên nhân này ảnh hưởng đến quy định tiền lương và chỉ thay đổi chậm chạp theo thời gian. Do tiền lương không thay đổi ngay theo sự thay đổi của giá, nên mức giá thấp hơn làm cho việc làm và sản xuất đem lại ít lợi nhuận hơn và điều này làm cho các doanh nghiệp giảm lượng cung về hàng hoá và dịch vụ.Trái lại, sự gia tăng mức giá làm giảm tiền lương thực tế, làm cho chi phí thuê lao động trở nên rẻ hơn. Tiền lương thực tế thấp hơn làm cho các doanh nghiệp thuê thêm lao động, lao động thuê thêm tạo ra nhiều sản lượng hơn. Lý thuyết giá cả cứng nhắc: Lý thuyết này nhấn mạnh rằng giá cả hàng hoá và dịch vụ cũng chậm điều chỉnh đáp lại các điều kiện kinh tế thay đổi. Sự thay đổi chậm chạp trong giá cả một phần là do chi phí để điều chỉnh giá cả, gọi là chi phí thực đơn (những chi phí này bao gồm chi phí in và phân phối các catalô và thời gian để thay đổi các nhãn giá ) Vì lý do này giá cả và tiền lương có thể cứng nhắc trong ngắn hạn. Do không phải tất cả các loại giá cả đều điều chỉnh ngay lập tức khi điều kiện kinh tế thay đổi, nên sự giảm sút bất ngờ trong mức giá có thể làm cho một số doanh nghiệp có giá bán cao hơn mức mong muốn và điều này làm giảm số lượng hàng hoá và dịch vụ mà các doanh nghiệp sản xuất. Mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa mức giá và sản lượng hàm ý đường tổng cung dốc lên trong khi tiền lương danh nghĩa chưa điều chỉnh. Sự di chuyển và dịch chuyển của đường tổng cung ngắn hạn. Sự di chuyển dọc đường tổng cung phản ánh sự thay đổi của tổng mức cung do sự thay đổi của mức giá chung. Sự dịch chuyển của đường tổng cung phản ánh sự thay đổi tổng mức cung do sự thay đổi của giá cả các yếu tố đầu vào hay là sự thay đổi các nguồn lực trong nền kinh tế. Các trường hợp sau đây làm dịch chuyển đường tổng cung:
  15. - Sự dịch chuyển phát sinh từ lao động: Sự gia tăng của lượng lao động hiện có (tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên giảm) làm dịch chuyển đường tổng cung sang phải. Sự giảm sút lượng lao động hiện có (tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên tăng ) làm dịch chuyển đường tổng cung sang trái. - Sự dịch chuyển phát sinh từ tư bản: sự tăng khối lượng lao động hiện có hoặc vốn nhân lực làm dịch chuyển đường tổng cung sang phải. Sự giảm sút khối lượng tư bản hiện vật hoặc vốn nhân lực làm dịch chuyển đường tổng cung sang trái. - Sự dịch chuyển phát sinh từ tài nguyên thiên nhiên: sự gia tăng tài nguyên thiên nhiên có làm dịch chuyển đường tổng cung sang phải. Sự suy giảm của tài nguyên thiên nhiên hiện có làm dịch chuyển đường tổng cung sang trái. - Sự dịch chuyển phát sinh từ công nghệ: tiến bộ trong tri thức công nghệ làm cho đường tổng cung dịch chuyển sang phải. Sự giảm sút của công nghệ (do quy định của chính phủ) làm cho đường tổng cung dịch chuyển sang trái. - Sự dịch chuyển phát sinh từ mức giá dự kiến: sự giảm sút của mức giá dự kiến làm dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn sang phải. Sự gia tăng của mức giá dự kiến làm dịch chuyển đường tổng cung ngắn hạn sang trái. 2.3. Cân bằng kinh tế vĩ mô Cân bằng kinh tế vĩ mô là trạng thái cân bằng trên thị trường hàng hoá được xác định tại giao điểm của các đường tổng cung và tổng cầu. Tại đó, chúng ta xác định được mức sản lượng và giá cả cân bằng hay tổng khối lượng hàng hoá yêu cầu bằng tổng khối lượng hàng hoá được cung ứng. Hình 1.6 Cân bằng tổng cung, tổng cầu - Nếu mức giá cao hơn P* thì tổng cung lớn hơn tổng cầu, thặng dư cung. Các xí nghiệp sẽ giảm giá bán cho đến khi thị trường hấp thu hết lượng cung thặng dư. - Nếu mức giá thấp hơn P* thì tổng cung nhỏ hơn tổng cầu, thặng dư cầu. Các xí nghiệp sẽ tăng giá bán cho đến khi thị trường cân bằng lượng cung và cầu. Ba trường hợp cân bằng kinh tế vĩ mô:
  16. Cân bằng khiếm dụng: GDP thực nhỏ hơn GDP tiềm năng, nền kinh tế có chênh lệch suy thoái. Cân bằng toàn dụng: GDP thực bằng GDP tiềm năng nền kinh tế đang ở trạng thái toàn dụng nhân công. Cân bằng trên toàn dụng: GDP thực lớn hơn GDP tiềm năng, nền kinh tế có chênh lệch lạm phát. Sự thay đổi của trạng thái cân bằng. Cú sốc cầu: Khi đường tổng cung có độ đốc dương, các cú sốc ngoại sinh tác động đến tổng cầu sẽ gây ra sự dao động của sản lượng và giá cả. Điều này thường được coi là tốn kém và không mong muốn.Vì chính phủ có thể ảnh hưởng đến tổng cầu thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô, do đó chính phủ có thể cân nhắc việc sử dụng các chính sách này để ổn định nền kinh tế. Các cú sốc cung: các cú sốc cung xảy ra do sự thay đổi giá cả các yếu tố đầu vào hay sự thay đổi các nguồn lực trong nền kinh tế. Các cú sốc làm giảm tổng cung được gọi là cú sốc bất lợi (thời tiết xấu, OPEC tăng giá dầu thế giới ). Ngược lại, các cú sốc làm tăng tổng cung được gọi là cú sốc cung có lợi. Chương 2. Đo lường sản lượng và giá cả Trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu các tổng lượng kinh tế vĩ mô quan trọng như tổng sản phẩm trong nước, tổng sản phẩm quốc dân, sản phẩm quốc dân ròng, thu nhập quốc dân và thu nhập khả dụng. Những tổng lượng này và những tổng lượng có liên quan khác được trình bày trong chương này tạo thành xương sống của hệ thống hạch toán thu nhập quốc dân (viết tắt là SNA) được tất cả các nước có nền kinh tế định hướng theo thị trường vận dụng. Luồng thu chuyển thu nhập và chi tiêu Luồng chu chuyển thu nhập và chi tiêu (còn gọi là chu chuyển kinh tế) là một công cụ phân tích cho phép tìm ra các phương pháp đo lường tổng chi tiêu, tổng thu nhập và giá trị sản lượng (hoặc GDP). 1.1. Luồng chu chuyển thu nhập và chi tiêu trong mô hình 2 khu vực Gia đình – xí nghiệp.
  17. Sơ đồ 2.1: chu chuyển kinh tế Khu vực hộ gia đình: Cung ứng yếu tố sản xuất cho xí nghiệp (vốn đất đai nhà cửa lao động ), nhận được thu nhập do các xí nghiệp phân phối dưới hình thức tiền lương, tiền lãi, tiền thuê và lợi nhuận. Sử dụng phần lớn thu nhập vào việc chi tiêu mua sắm sản phẩm và dịch vụ do xí nghiệp cung cấp. Tiết kiệm phần thu nhập còn lại. Khu vực xí nghiệp: Sử dụng các yếu tố sản xuất do hộ gia đình cung cấp để tiến hành hoạt động sản xuất và trả tiền lương, tiền lãi, tiền thuê và lợi nhuận cho hộ gia đình. Nhận thu nhập từ bán sản phẩm tiêu dùng, dịch vụ và bán sản phẩm đầu tư cho các xí nghiệp trong cùng ngành sản xuất. Vay vốn để tài trợ cho đầu tư xí nghiệp.
  18. Sơ đồ 2.2: hạch toán thu nhập và chi tiêu Y: Tổng thu nhập quốc dân C: Chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình I: Chi tiêu đầu tư của Xí nghiệp (Tồn kho và tiền mua sản phẩm đầu tư) Trong mô hình này, giữa hai khu vực có sự luân chuyển các luồng hiện vật và tiền tệ: Luồng hiện vật chảy từ khu vực xí nghiệp đến hộ gia đình. Luồng tiền: Luồng tiền chảy từ khu vực xí nghiệp đến khu vực gia đình là các khoản thu nhập (lương, lãi, thuê, lợi nhuận). Luồng tiền chảy từ khu vực hộ gia đình đến khu vực xí nghiệp là các khoản chi tiêu. Trong một nền kinh tế, nếu là một chi tiêu để mua sản phẩm cuối cùng, nội địa thì chi tiêu của người này chính là thu nhập của người khác; hay nói cách khác chi tiêu và thu nhập là hai mặt của một giao dịch. Do đó, tổng thu nhập bằng tổng chi tiêu (Y = C + I). Mặt khác giá trị sản lượng là giá trị của tất cả sản phẩm và dịch vụ cuối cùng do khu vực xí nghiệp sản xuất ra, đó chính là tổng giá bán sản phẩm và dịch vụ. Mà tổng giá bán sản phẩm và dịch vụ chính là tổng chi tiêu. Như vậy tổng chi tiêu ngang bằng với giá trị sản lượng. Tổng thu nhập = Tổng chi tiêu = Giá trị sản lượng Đầu tư và tiết kiệm: Đầu tư (I) là phần xí nghiệp mua máy móc thiết bị mới cho sản xuất và hàng tồn kho. Trong nền kinh tế giản đơn thì tổng sản lượng (Y) sẽ là: Y = C + I (I) Tiết kiệm (S): là một phần của thu nhập nhưng không để mua hàng hoá. Tổng thu nhập (Y) của nền kinh tế lúc này: Y = C + S (II) Từ (I) và (II) Suy ra đồng nhất thức I = S. 1.2. Luồng chu chuyển thu nhập và chi tiêu mô hình 3 khu vực. Các khu vực trong mô hình này bao gồm: Khu vực hộ gia đình, khu vực doanh nghiệp, khu vực chính phủ. Khu vực hộ gia đình: - Nguồn thu cũng từ việc cung cấp yếu tố sản xuất cho khu vực xí nghiệp, doanh nghiệp nhưng lúc này các hộ gia đình có thêm nguồn thu đó là các khoản chi chuyển nhượng của chính phủ (Tr) cho các hộ gia đình. Bên cạnh đó các hộ gia đình phải đóng thuế (Td) cho chính phủ. Do đó, thu nhập khả dụng (Yd) của hộ gia đình lúc này là: Yd = Y – Td +Tr
  19. - Chi tiêu của hộ gia đình là những chi tiêu cho hàng hoá và dịch vụ và tiết kiệm: Yd = C + S Khu vực doanh nghiệp: - Thu nhập của khu vực doanh nghiệp từ bán hàng hoá và dịch vụ cho khu vực hộ gia đình, khu vực chính phủ. - Chi tiêu của khu vực doanh nghiệp bao gồm các khoản: thuế gián thu, chi khấu hao, chi trả lương công nhân viên, chi trả tiền thuê, chi trả lãi vay và lợi nhuận. Khu vực chính phủ: - Thu nhập của chính phủ là thuế (Tx). Thuế bao gồm thuế trực thu (Td: thuế đánh trên thu nhập dân cư và cả thu nhập không thường xuyên), thuế gián thu (Ti: đánh trên giá trị hàng hoá của doanh nghiệp như thuế VAT, thuế nhập khẩu ) - Chi tiêu của chính phủ bao gồm chi mua hành hoá và dịch vụ (G: chi cho các hoạt động quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế ) và chi chuyển nhượng (Tr: chi trợ cấp người già, người hưởng chế độ chính sách, học bổng học sinh nghèo ) . - Thuế ròng (TN) chảy từ khu vực gia đình sang khu vực chính phủ là chênh lệch giữa tiền thuế và khu vực gia đình nộp cho khu vực chính phủ và tiền chi chuyển nhượng (chi chuyển nhượng là các khoản trợ cấp mà khu vực chính phủ cho khu vực gia đình được hưởng không đòi hỏi phải có một lượng hàng hoá hoặc dịch vụ để trao đổi). TN = Tx - Tr - Chi tiêu của chính phủ để mua sản phẩm và dịch vụ (G), chảy từ khu vực chính phủ sang khu vực xí nghiệp, là khoản tiền mà chính phủ phải trả để được sử dụng các sản phẩm và dịch vụ do khu vực xí nghiệp sản xuất. Đây là tổng cộng các chi tiêu ngân sách của chính phủ (trung ương và địa phương) trong một thời kỳ . Thặng dư hay thâm hụt ngân sách của chính phủ tuỳ thuộc vào sự so sánh giữa G và TN. Nếu G > TN thì ngân sách thâm hụt, nếu G < TN thì ngân sách thặng dư. Trong trường hợp thâm hụt, ngân sách có thể tài trợ bằng các khoản vay trên thị trường tài chính.
  20. Sơ đồ 2.3: hạch toán thu nhập và chi tiêu mô hình 3 khu vực 1.3. Luồng chu chuyển thu nhập và chi tiêu mô hình 4 khu vực. Đối với một nền kinh tế mở cửa thì không thể không kể đến hành vi kinh tế của khu vực nước ngoài. Khu vực nước ngoài mua sản phẩm và dịch vụ do các xí nghiệp trong nước sản xuất. Bán sản phẩm và dịch vụ cho các xí nghiệp trong nước. Thông qua thị trường tài chính cho các xí nghiệp và các hộ gia đình trong nước vay tiền. Sơ đồ 2.4: hạch toán thu nhập và chi tiêu mô hình 4 khu vực Xuất khẩu ròng (NX) là chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu: Nếu xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu có luồng tiền chảy từ khu vực nước ngoài vào khu vực xí
  21. nghiệp (Cán cân thương mại thặng dư). Nếu xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu có luồng tiền chảy từ khu vực xí nghiệp ra nước ngoài (Cán cân thương mại bị thâm hụt). Tổng thu nhập luôn luôn ngang bằng với tổng chi tiêu Xét khu vực xí nghiệp có 4 luồng tiền chảy vào khu vực này: C, I, G và NX. Đó là tổng giá trị kết quả sản xuất của khu vực xí nghiệp và cũng là tổng chi tiêu về sản phẩm và dịch vụ cuối cùng nội địa. Tổng giá trị kết quả sản xuất của khu vực xí nghiệp, sau khi trích khấu hao, phải được dùng để chi phí cho các yếu tố sản xuất đã sử dụng để chuyển thành tổng thu nhập của khu vực gia đình. Do đó, tổng thu nhập của các yếu tố sản xuất (Y) phải ngang bằng với luồng tổng chi tiêu (C, I, G, NX) của nền kinh tế. Y = C + I + G + NX Giá trị sản lượng (GDP) cũng luôn ngang bằng với tổng chi tiêu và tổng thu nhập. Trong mô hình này, tổng chi tiêu chỉ bao gồm các chi tiêu để mua sản phẩm cuối cùng, nội địa. Tuy nhiên, vì có chính phủ nên thành phần của tổng thu nhập, ngoài việc bao gồm cả khấu hao giống như ở mô hình trước, còn phải cộng thêm thuế gián thu. Nếu khu vực xí nghiệp có nhận trợ cấp hay trợ giá của chính phủ thì phải trừ phần trợ cấp đó ra khỏi thu nhập. Khu vực hộ gia đình: Có một luồng tiền chảy vào khu vực hộ gia đình đó là thu nhập (Y), có 3 luồng tiền chảy ra khỏi khu vực gia đình là: tiêu dùng (C), tiết kiệm (S) và thuế ròng (TN). Thu nhập khả dụng (YD) của khu vực hộ gia đình là chênh lệch giữa thu nhập (Y) và thuế ròng (TN) YD = Y - TN Tiết kiệm (S) là chênh lệch giữa thu nhập khả dụng và chi tiêu tiêu dùng (C) S = YD – C hoặc S = Y – TN – C Từ định nghĩa trên của tiết kiệm ta suy ra: Y = C + S + TN Đẳng thức xuất khẩu ròng và đầu tư nước ngoài ròng. Thuật ngữ đầu tư nước ngoài ròng ám chỉ lượng tài sản nước ngoài do các nhà đầu tư trong nước mua của nước ngoài trừ đi lượng tài sản trong nước do người nước ngoài mua (NFI). Xuất khẩu ròng phản ánh sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của một quốc gia. Đầu tư nước ngoài ròng phản ánh sự chênh lệch giữa lượng tài sản
  22. nước ngoài do cư dân trong nước mua với lượng tài sản trong nước do người nước ngoài mua. Nếu tính trên bình diện cả nền kinh tế thì đầu tư nước ngoài ròng luôn luôn bằng xuất khẩu ròng: NFI = NX Sự bằng nhau giữa đầu tư nước ngoài ròng xuất phát từ một thực tế là mọi giao dịch quốc tế đều là sự trao đổi. Khi nước bán hàng chuyển giao hàng hoá và dịch vụ cho nước mua, nước mua từ bỏ một tài sản nào đó để có được hàng hoá hoặc dịch vụ này. Giá trị của tài sản đó bằng giá trị của hàng hoá và dịch vụ mà một nước bán ra (NX) phải bằng giá trị ròng của tài sản thu được (NFI). Luồng chu chuyển của hàng hoá và dịch vụ và luồng chu chuyển vốn quốc tế chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề. Để xem tại sao đồng nhất thức kế toán này lại đúng, chúng ta hãy xét một ví dụ. Chúng ta hãy giả định rằng Boeing, một nhà sản xuất máy bay Mỹ, bán một số phi cơ cho một hãng hàng không của Nhật. Trong giao dịch này, công ty Mỹ giao máy bay cho công ty Nhật và công ty Nhật trả đồng yên cho công ty Mỹ. Cần chú ý rằng, hai giao dịch này xảy ra đồng thời. Nước Mỹ đã bán cho Nhật một phần sản lượng của nó (máy bay) và điều này làm cho xuất khẩu ròng của Mỹ tăng lên. Ngoài ra, nước Mỹ thu về một số tài sản (đồng yên) và điều này làm tăng đầu tư nước ngoài ròng của Mỹ. Mặc dù có nhiều khả năng Boeing không giữ đồng yên thu được từ hoạt động bán hàng này, nhưng bất kỳ giao dịch tiếp nào cũng vẫn bảo đảm sự bằng nhau giữa xuất khẩu ròng và đầu tư ròng. Ví dụ, Boeing bán đồng yên cho một quỹ hỗ tương để lấy đô la vì quỹ này đang cần đồng yên để mua cổ phiếu của công ty Sony, một công ty sản xuất đồ điện tử gia dụng của Nhật. Trong trường hợp này, xuất khẩu ròng về máy bay của Boeing đúng bằng đầu tư ròng vào cổ phiếu của công ty Sony mà quỹ hỗ tương đã thực hiện. Do vậy, NX và NFI tăng một lượng như nhau. Boeing cũng có thể làm theo cách khác. Nó đổi đồng yên để lấy đô la của một công ty Mỹ khác đang muốn mua máy tính do công ty máy tính Toshiba của Nhật sản xuất. Trong trường hợp này, nhập khẩu máy tính của Mỹ bù trừ cho xuất khẩu máy bay của Mỹ. Tác động đồng thời của việc bán hàng do Boeing và Toshiba thực hiện không làm thay đổi xuất khẩu ròng và đầu tư ròng của Mỹ. Nói cách khác, NX và NFI vẫn nguyên như trước khi các giao dịch xảy ra. Sự bằng nhau giữa đầu tư nước ngoài ròng và xuất khẩu ròng xuất phát từ một thực tế là mọi giao dịch quốc tế đều là sự trao đổi. Khi nước bán hàng chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho nước mua, nước mua từ bỏ một tài sản nào đó để có được hàng hóa hoặc dịch vụ này. Giá trị của tài sản đó bằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ bán ra. Nếu chúng ta cộng mọi thứ lại với nhau, giá trị ròng của hàng hóa dịch vụ mà một nước bán ra (NX) phải bằng giá trị ròng của tài sản thu được (NFI). Luồng chu chuyển của hàng hóa dịch vụ và luồng chu chuyển vốn quốc tế chỉ là hai mặt của cùng một vấn đề. Tiết kiệm, đầu tư và mối quan hệ giữa chúng với luồng chu chuyển quốc tế
  23. Tổng sản phẩm trong nước (Y) của nền kinh tế bao gồm bốn thành tố: tiêu dùng (C), đầu tư (I), chi tiêu chính phủ (G) và xuất khẩu ròng (NX). Chúng được biểu thị: Y = C + I + G + NX Tiết kiệm quốc gia là phần thu nhập của quốc gia còn lại sau khi đã chi tiêu cho tiêu dùng của tư nhân và chính phủ. Tiết kiệm quốc gia S = Y - C – G, Viết lại phương trình trên: Y - C- G = I + NX S = I + NX Do xuất khẩu ròng NX bằng đầu tư nước ngoài ròng, nên phương trình trên có thể viết thành: S = I + NFI Tiết kiệm = Đầu tư trong nước + Đầu tư nước ngoài ròng Phương trình này cho thấy tiết kiệm quốc gia phải bằng đầu tư trong nước cộng với đầu tư nước ngoài ròng. Nói cách khác, khi công dân một nước tiết kiệm 1 đô la từ thu nhập cho tương lai, thì họ có thể dùng 1 đô la đó cho việc mua tài sản trong nước hay tài sản nước ngoài. Khi bàn về vai trò của hệ thống tài chính chúng ta đã xem xét đồng nhất thức này trong trường hợp đặc biệt của nền kinh tế đóng. Trong nền kinh tế đóng, đầu tư nước ngoài ròng bằng không (NFI=0) và do vậy đầu tư bằng tiết kiệm. Ngược lại, nền kinh tế mở có thể dùng tiết kiệm vào hai việc: đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Cũng như trước, hệ thống tài chính đứng giữa hai vế của đồng nhất thức này. Ví dụ, gia đình ông Tiến quyết định tiết kiệm một phần thu nhập để lo lúc về già. Quyết định này đóng góp vào tiết kiệm quốc gia, tức vế trái của phương trình. Nếu gia đình ông Tiến gửi tiết kiệm của họ vào một quỹ hỗ tương và nếu quỹ này mua cổ phiếu của công ty AGIFISH, công ty đó có thể dùng tiền để xây dựng nhà máy ở An Giang. Ngoài ra, quỹ này có thể dùng một phần tiết kiệm đó để mua cổ phiếu của Cty Toyota và công ty này dùng vốn đó để xây dựng nhà máy ở Osaka. Những giao dịch này được ghi ở vế phải của phương trình. Đứng trên quan điểm hạch toán của Việt nam, chi tiêu của AGIFISH được ghi là đầu tư trong nước, việc mua cổ phiếu của Toyota của một công dân Việt nam là đầu tư nước ngoài ròng. Như vậy, tất cả các khoản tiết kiệm của Việt nam đều được ghi là đầu tư trong nền kinh tế Việt nam và đầu tư nước ngoài ròng của Việt nam. 1.4. Các tài khoản thu nhập và chi tiêu. Từ sơ đồ diễn tả luồng luân chuyển thu nhập và chi tiêu chúng ta có thể thiết lập hai tài khoản thu nhập và chi tiêu. Tài khoản thu nhập và chi tiêu của khu vực gia đình
  24. Thu nhập Chi tiêu - Tiền mua sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng (C) - Thu nhập từ việc bán - Tiền thuế trừ tiền trợ cấp của chính phủ hoặc cho thuê yếu tố (TN) sản xuất (Y) - Tiết kiệm (S) Tổng cộng: Y Y Tài khoản thu nhập và chi tiêu của khu vực xí nghiệp Thu nhập Chi tiêu - Tiền bán sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng (C) - Tiền bán sản phẩm đầu tư (I) - Tiền bán s. phẩm và dịch vụ cho chính - Tiền chi cho các yếu phủ (G) tố sản xuất (Y) - Tiền bán s. phẩm và d. vụ cho nước ngoài trừ tiền mua s. phẩm và d. vụ của nước ngoài NX Tổng cộng: Y Y 1.5. Các luồng bơm vào và các luồng rò rỉ Các luồng thu nhập chảy từ khu vực xí nghiệp sang khu vực gia đình và các luồng chi tiêu tiêu dùng chảy từ khu vực gia đình sang khu vực xí nghiệp hình thành một luồng luân chuyển thu nhập và chi tiêu gọi là chu chuyển kinh tế. - Các luồng “bơm vào”chu chuyển kinh tế là các yếu tố như: đầu tư, mua sản phẩm và dịch vụ của chính phủ và xuất khẩu. - Các luồng rò rỉ ra khỏi chu chuyển kinh tế là thuế ròng, tiết kiệm và nhập khẩu. Y = C + I + G + NX (1) Xuất khẩu ròng (NX) là chênh lệch giữa xuất khẩu (EX) và nhập khẩu (IM). NX = EX – IM (1) được viết lại: Y = C + I + G + EX – IM (2) Từ tài khoản thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình, ta có: Y = C + S + TN (3) T ừ (2) v à (3)
  25. C + I + G + EX – IM = C + S + TN I + G + EX – IM = S + TN I + G + EX = S + TN + IM (4) T ừ (4) cho ta thấy các luồng bơm vào chu chuyển kinh tế ngang bằng các luồng rò rỉ ra khỏi chu chuyển kinh tế. Tổng sản lượng trong nước (GDP) Khi phải đánh giá một người có hoạt động kinh tế tốt không, có thể trước tiên bạn nhìn vào thu nhập của anh ta. Một người có thu nhập cao thường được hưởng thụ mức sống cao- nhà ở sang trọng, chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, Tương tự như vậy khi đánh giá nền kinh tế của một quốc gia có hoạt động tốt không, người ta sẽ nhìn vào tổng thu nhập mà mọi người trong nền kinh tế kiếm được. Đó chính là nhiệm vụ của tổng sản phẩm trong nước GDP. 2.1. Định nghĩa. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị thị trường của tất cả hàng hoá và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một nước, trong một thời kỳ. “GDP LÀ GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG ” Có lẽ bạn đã từng nghe câu châm ngôn “Bạn không thể cộng cam với chuối” nhưng GDP lại làm đúng như vậy. GDP cộng rất nhiều sản phẩm thành một chỉ tiêu duy nhất về giá trị của hoạt động kinh tế. Để làm được điều này, nó phải sử dụng giá thị trường. Do giá thị trường biểu thị số tiền mà mọi người sẵn sàng chi trả cho các hàng hóa khác nhau, nên nó phản ánh giá trị của những hàng hóa này. Nếu giá trị của một quả cam bằng năm lần giá của một quả chuối, thì một quả cam đóng góp vào GDP gấp năm lần giá trị của một quả chuối. “CỦA TẤT CẢ ” GDP cố gắng biểu thị một cách đầy đủ. Nó bao gồm tất cả các hàng hóa được sản xuất ra trong nền kinh tế và được bán hợp pháp trên các thị trường. GDP tính toán giá trị thị trường không chỉ của cam và chuối, mà còn của bưởi, nho, sách, phim ảnh, dịch vụ cắt tóc, chăm sóc y tế, và v.v GDP còn bao gồm cả giá trị thị trường của dịch vụ nhà ở do khối lượng nhà ở hiện có của nền kinh tế cung cấp. Đối với những căn nhà cho thuê, chúng ta dễ dàng tính được giá trị này- tiền thuê nhà đúng bằng chi tiêu của người thuê nhà và thu nhập của chủ nhà. Tuy nhiên, có nhiều người sống trong chính căn nhà của họ và do vậy không phải trả tiền thuê nhà. Chính phủ hạch toán những ngôi nhà do chủ sở hữu sử dụng vào GDP bằng cách ước tính giá trị cho thuê của chúng. Nghĩa là, GDP được tính dựa trên giả định cho rằng người chủ sở hữu trả tiền thuê nhà cho chính họ, do vậy tiền thuê nhà nằm trong cả chi tiêu và thu nhập của anh ta. Tuy nhiên, có một số sản phẩm mà GDP bỏ sót do việc tính toán chúng quá khó khăn. GDP không tính những sản phẩm được sản xuất và bán ra trong nền kinh
  26. tế ngầm. Ví dụ như dược phẩm bất hợp pháp. Nó cũng không tính được những sản phẩm được sản xuất và tiêu dùng trong gia đình do vậy không bao giờ được đưa ra thị trường. Những loại rau quả mua tại các cửa hàng tạp phẩm là một phần của GDP, song rau quả trồng trong vườn của bạn lại không nằm trong đó. Những thiếu sót này của GDP đôi khi có thể dẫn đến những kết quả kỳ quặc. Ví dụ, khi Lan trả tiền thuê Dũng chăm sóc vườn cho cô ta, giao dịch này là một phần của GDP. Nếu Lan cưới Dũng, thì tình hình sẽ thay đổi. Mặc dù Dũng vẫn tiếp tục chăm sóc vườn cho Lan, nhưng giá trị của hoạt động này giờ đây đã bị đưa ra khỏi GDP, bởi vì dịch vụ của Dũng không còn được bán trên thị trường nữa. Do vậy, khi Lan và Dũng cưới nhau, GDP giảm!. “HÀNG HÓA CUỐI CÙNG ” Nếu Công ty Bãi Bằng sản xuất giấy, sau đó giấy được Công ty Thiết bị trường học sử dụng để làm thiếp chúc mừng, thì giấy được gọi là hàng hóa trung gian, còn thiếp chúc mừng được gọi là hàng hóa cuối cùng. GDP chỉ bao gồm giá trị thị trường của những hàng hóa cuối cùng. Việc cộng giá trị thị trường của giấy với giá trị thị trường của thiếp sẽ dẫn tới sự tính trùng lặp. Nghĩa là, giá trị của giấy được tính hai lần. Trường hợp ngoại lệ quan trọng đối với nguyên tắc trên nảy sinh khi hàng hóa trung gian được sản xuất và, thay vì được sử dụng, nó được đưa vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để sử dụng hoặc bán trong tương lai. Trong trường hợp đó, hàng hóa trung gian được tạm thời coi là “cuối cùng” và giá trị của nó dưới dạng đầu tư vào hàng tồn kho được tính vào GDP. Sau đó, khi mức tồn kho hàng hóa trung gian này được sử dụng hoặc bán, thì đầu tư vào hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ là âm, và GDP trong thời kỳ sau phải giảm một lượng tương ứng. “HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ ” GDP bao gồm cả những hàng hóa hữu hình (thực phẩm, quần áo, xe hơi ) và những dịch vụ vô hình (cắt tóc, làm móng tay, khám bệnh). Khi bạn mua một dĩa CD được thực hiện bởi một nhóm nhạc mà bạn yêu thích, thì điều này có nghĩa là bạn mua một hàng hóa và giá mua nằm trong GDP. Khi bạn trả tiền để nghe một buổi hòa nhạc cũng của nhóm nhạc đó, thì có nghĩa là bạn mua một dịch vụ và giá vé cũng nằm trong GDP. “ĐƯỢC SẢN XUẤT RA ” GDP bao gồm mọi hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong thời kỳ hiện tại. Nó không bao gồm những giao dịch liên quan đến hàng hóa được sản xuất ra trong quá khứ. Khi công ty Toyota sản xuất và bán chiếc xe hơi mới, thì giá trị của chiếc xe hơi đó được tính vào GDP. Khi người nào đó bán chiếc xe hơi đã qua sử dụng cho người khác, thì giá trị của chiếc xe hơi đã qua sử dụng đó không nằm trong GDP. “TRONG PHẠM VI MỘT NƯỚC ”
  27. GDP tính toán giá trị sản xuất trong phạm vi địa lý của một nước. Khi một công dân Hà lan làm việc tạm thời ở Việt nam, thì giá trị sản xuất của anh ta là bộ phận cấu thành GDP của Việt nam. Khi một công dân Việt nam sở hữu nhà máy ở Lào, thì giá trị sản xuất tại nhà máy của anh ta sẽ không nằm trong GDP của Việt nam (nó là một phần trong GDP của Lào). Do vậy, các sản phẩm được đưa vào GDP của một quốc gia khi chúng được sản xuất ra trên lãnh thổ quốc gia đó, bất kể nhà sản xuất có quốc tịch nước nào. “TRONG MỘT THỜI KỲ NHẤT ĐỊNH” GDP phản ánh giá trị sản xuất thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể. Khoảng thời gian này thường là một năm hoặc một quý (3 tháng). GDP phản ánh lượng thu nhập và chi tiêu trong thời kỳ đó. Khi chính phủ thông báo GDP cho một quý, thì nó thường biểu thị GDP dưới dạng “hàng năm”. Điều này hàm ý con số GDP hàng quý được thông báo bằng tổng thu nhập hoặc chi tiêu trong quý nhân với 4. Chính phủ sử dụng quy ước này để đảm bảo rằng con số GDP hàng quý và hàng năm có thể so sánh với nhau một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, khi chính phủ thông báo GDP hàng quý, thì số liệu này đã được điều chỉnh bằng một thủ thuật thống kê gọi là điều chỉnh thời vụ. Những số liệu chưa được điều chỉnh cho thấy một cách rõ ràng rằng nền kinh tế sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn trong một số thời điểm so với một số thời điểm khác trong năm. (Như bạn có thể dự đoán, mùa mua sắm vào dịp lễ Giáng sinh vào tháng 12 là thời kỳ cao điểm). Khi theo dõi diễn biến của nền kinh tế, các nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách thường muốn bỏ qua những biến động thời vụ lặp lại thường xuyên này. Do vậy, các nhà thống kê của chính phủ điều chỉnh số liệu quý để loại trừ chu kỳ thời vụ. Số liệu GDP được thông báo trong các bản in luôn được điều chỉnh để loại trừ tính thời vụ. Bây giờ hãy nhắc lại định nghĩa về GDP: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị thị trường của tất cả các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một nước trong một thời kỳ nhất định. Cần thấy rõ rằng GDP là một chỉ tiêu phức tạp về giá trị của hoạt động kinh tế, mỗi một cụm từ trong định nghĩa này có rất nhiều ý nghĩa. 2.2. Các phương pháp tính GDP 2.2.1. Phương pháp tính theo chi tiêu. Phương pháp này người ta tính bằng cách cộng các chi tiêu lại: GDP = Y = C + I + G + NX Trong đó: - Chi tiêu tiêu dùng (C): Bao gồm tất cả các chi tiêu cho sản phẩm và dịch vụ do các xí nghiệp sản xuất ra và bán cho các hộ gia đình.
  28. - Chi tiêu đầu tư (I) : Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trong kỳ. Vốn đầu tư phát triển xã hội bao gồm: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản bao gồm vốn xây lắp, vốn mua sắm thiết bị, vốn xây dựng cơ bản khác, vật nuôi để kéo cày, làm giống Vốn tăng tài sản lưu động trong kỳ như tăng tồn kho giữa cuối kỳ và đầu kỳ về nguyên nhiên vật liệu, thành phẩm, hàng hoá trong lưu thông, sản phẩm sản xuất trong hộ gia đình nông nghiệp, phi nông nghiệp, kho dự trữ nhà nước. - Chi tiêu của chính phủ về những sản phẩm và dịch vụ (G) bao gồm các chi tiêu của chính quyền trung ương và địa phương. Đây là các chi phí cho giáo dục quốc phòng, hành chánh, y tế, toà án, chi phí để duy trì trật tự công cộng, công trình công cộng, xây dựng cơ sở hạ tầng - Xuất khẩu ròng (NX) là chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu của nền kinh tế. Đây là một chi tiêu phản ánh mối quan hệ kinh tế đối với nước ngoài của mốt quốc gia. GDP tính theo phương pháp chi tiêu là GDP tính theo giá thị trường vì chi tiêu được thanh toán theo giá thị trường. 2.2.2. Phương pháp tính theo thu nhập. Theo phương pháp này nếu trong nền kinh tế giản đơn thì GDP được tính bằng cách cộng tất cả các thu nhập mà khu vực xí nghiệp phân phối cho các hộ gia đình dưới hình thức tiền lương , tiền lãi, tiền thuê và lợi nhuận. GDP = Y = Tiền lương + tiền lãi + tiền thuê + lợi nhuận. Việc tính GDP theo thu nhập còn gọi là GDP tính theo giá yếu tố vì những khoản này các xí nghiệp chi trả cho việc sử dụng nguồn lực phục vụ cho sản xuất. Nếu nền kinh tế không có chính phủ thì việc tính GDP theo giá thị trường hoặc theo giá yếu tố sẽ cho cùng một kết quả. Nhưng khi có chính phủ thì cần có những điều chỉnh để GDP tính theo thu nhập giống với GDP tính theo giá thị trường. Điều chỉnh thứ nhất là cộng thuế gián thu vào thu nhập. Chính phủ nhận được thu nhập từ thuế gián thu, tức các khoản thuế đánh vào dịch vụ và hàng hoá bán trên thị trường, trong đó trợ cấp của chính phủ cho sản xuất được coi là một khoản thuế gián thu âm. Điều chỉnh thứ hai là cộng khoản khấu hao vào cùng với các khoản thu nhập. Bởi vì, khi tính GDP theo giá thị trường thì khấu hao đã được tính ở chi tiêu đầu tư, còn tính GDP theo thu nhập thì không bao gồm khấu hao. Do đó, công thức tính GDP khi có chính phủ: GDP = Tổng thu nhập = Lương + Lãi + Tiền thuê + Lợi nhuận + Thuế gián thu + khấu hao . 2.2.3. Phương pháp tính theo giá trị gia tăng. Phương pháp tính theo giá trị gia tăng là tổng cộng tất cả giá trị gia tăng của nền kinh tế trong một thời kỳ.
  29. Tổng sản phẩm quốc nội = Giá trị tăng thêm + thuế nhập khẩu Hoặc GDP = Giá trị sản xuất – chi phí trung gian + thuế nhập khẩu - Giá trị tăng thêm của toàn bộ ngành kinh tế được xác định cho cả nước và cho từng vùng lãnh thổ và bằng tổng giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và thành phần kinh tế. - Giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế bao gồm: Thu nhập của người sản xuất như tiền lương, tiền công (kể cả bằng tiền hay bằng hiện vật và các khoản trả có tính chất lương), trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nộp công đoàn cấp trên, thu nhập khác ngoài lương, tiền công. Thuế sản xuất bao gồm: Thuế hàng hoá (không bao gồm thuế nhập khẩu) thuế sản xuất và chi phí khác. Thuế sản xuất không bao gồm thuế trực thu như thuế thu nhập, thuế lợi tức doanh nghiệp Khấu hao tài sản cố định. Giá trị thặng dư Thu nhập hỗn hợp - Giá trị gia tăng của một xí nghiệp là chênh lệch giữa giá trị sản lượng của xí nghiệp và giá trị các yếu tố vật chất mà xí nghiệp mua của các xí nghiệp khác. Bảng 2.1 GDP và các thành tố của nó - Thành tố tổng sản phẩm trong nước của Việt Nam 1995, 1999 và 2004 theo giá so sánh 1994 và 2004 theo giá thực tế (tỉ đồng). 2004 2004 1995 1999 (giá (giá 1994) thực tế) Tổng sản phẩm trong nước, Y 195.567 256.272 362.093 713.071 Tích luỹ tài sản, I 53.249 75.830 128.916 253.686 Tài sản cố định 49.715 71.294 121.312 237.868 Thay đổi tồn kho 3.534 4.536 7.604 15.818 Tiêu dùng cuối cùng 158.892 194.350 260.940 511.221 Chính phủ, G 15.976 17.374 23.678 45.715 Cá nhân, C 142.916 176.976 237.262 465.506
  30. Xuất khẩu ròng, NX -17.877 -13.157 -30.123 -54.000 Sai số 1.303 -751 2.360 2.164 Nguồn: Niên giám thống kê. Tổng Cục Thống Kê. 2005. Bảng 2.2 GDP và các thành tố của nó - Thành tố GDP của Việt Nam 2004 theo giá thực tế. Bình Bình quân đầu Tỉ lệ % Tổng số quân đầu người trong (tỉ đồng) người (ngàn tổng số (USD) đồng) Tổng sản phẩm 8.692 trong nước, Y 713.071 560 100 Tích luỹ tài sản, I 253.686 3.092 199 35,6 Chính phủ, G 45.715 557 36 6,4 Cá nhân, C 465.506 5.674 366 65,3 Xuất khẩu ròng, -658 NX -54.000 -42 -7,6 Nguồn: Niên giám thống kê. Tổng Cục Thống Kê. 2005. 2.3. GDP có đo lường hết các hoạt động của nền kinh tế không? Trong nền kinh tế có một số loại hoạt động mà kết quả không được tính trong GDP. Những hoạt động đó là: - Những hoạt động phạm pháp, như buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng quốc cấm , đây là những hoạt động, trong thực tế đem lại những doanh thu rất lớn cho những người tổ chức, nhưng kết quả không được tính trong GDP vì đây là những hoạt động tội phạm. - Những hoạt động không đăng ký, không khai báo nhằm mục đích trốn thuế. Các nhà kinh tế gọi đó là những hoạt động kinh tế ngầm.
  31. - Những hoạt động phi thương mại: Đây là những công việc có ích, hợp pháp nhưng vì tự làm nên không có giá cả và không được khai báo, hạch toán vào GDP. Thí dụ rõ nhất về những hoạt động này là công việc của các bà nội trợ: làm bếp, dọn dẹp nhà của, giặt quần áo, nuôi dạy con cái. v. v. . Việc tính toán và đo lường GDP tuỳ theo mục đích tính mà nó có những thiếu sót nhất định. Nếu tính GDP để xác định nền kinh tế đang trong giai đoạn nào của chu kỳ kinh tế, thì những thiếu sót không đặt ra vấn đề gì quan trọng. Nhưng khi tính GDP để so sánh mức sống giữa các nước, thì đối với các nước đang phát triển thì những hoạt động “kinh tế ngầm”, các hoạt động phi thương mại cũng như những hoạt động không khai báo thường chiếm tỷ trọng lớn hơn so với các nước công nghiệp hoá. Do đó, nếu để so sánh mức sống dân cư của hai nhóm nước này mà chỉ dựa vào sự so sánh GDP của hai nhóm nước sẽ không phản ánh đúng thực chất. Nếu tính GDP để so sánh mức sống của dân cư trong nước giữa các thời kỳ khác nhau, thì những thiếu sót khi tính GDP cũng đặt ra vấn đề lớn đó nếu mức sống tuỳ thuộc vào giá trị sản lượng thì đồng thời cũng tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố khác như giáo dục, y tế, an ninh, điều kiện nhà ở . v. v. . Như vậy để đánh giá mức sống thì phải sử dụng một tập hợp các chỉ tiêu gồm nhiều yếu tố hơn là chỉ căn cứ vào GDP. Hiện nay chỉ tiêu đo lường mức sống của dân cư được thế giới chú ý đến là chỉ tiêu HDI (chỉ số phát triển con người). 3. CÁC CHỈ TIÊU ĐO LƯỜNG THU NHẬP KHÁC. Những chỉ tiêu này khác với GDP ở chỗ chúng lọai bỏ hoặc tính thêm những khoản mục thu nhập nào đó. Sau đây là mô tả tóm tắt về những chỉ tiêu thu nhập này, được sắp xếp theo thứ tự từ lớn nhất đến nhỏ nhất. Tổng sản phẩm quốc dân (GNP) là tổng thu nhập mà công dân của một quốc gia tạo ra. Nó khác với GDP ở chỗ nó cộng thêm các khoản thu nhập màa dân cư trong nước tạo ra ở nước ngòai và trừ đi các khỏan thu nhập mà người nước ngòai tạo ra ở trong nước. Đối với hầu hết các nước, công dân trong nước tạo ra hầu hết giá trị sản xuất trong nước, nên GDP và GNP có giá trị gần bằng nhau. Sản phẩm quốc dân ròng (NNP) là tổng thu nhập của công dân một nước (GNP) trừ đi khấu hao. Khấu hao là các khoản hao mòn trang thiết bị và nhà xưởng của nền kinh tế. Thu nhập quốc dân (NI): là tổng thu nhập mà công dân một nước tạo ra trong quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Nó khác với sản phẩm quốc dân ròng ở chỗ không bao gồm các khoản thuế gián thu (ví dụ thuế doanh thu), nhưng bao gồm cả những khoản trợ cấp kinh doanh. NNP và thu nhập quốc dân còn khác nhau ở khoản sai số thống kê phát sinh từ việc thu thập và xử lý số liệu. Thu nhập cá nhân (PI): là thu nhập mà các hộ gia đình và doanh nghiệp cá thể nhận được. Không giống như thu nhập quốc dân, nó không bao gồm lợi nhuận để lại công ty, tức khỏan thu nhập các công ty tạo ra nhưng không trả cho chủ sở hữu. Nó cũng không bao gồm các khoản thuế thu nhập công ty và đóng góp bảo hiểm xã hội (chủ yếu là các loạoi thuế bảo hiểm xã hội). Ngòai ra thu nhập cá nhân còn bao gồm cá khỏan thu nhập từ lãi suất mà các hộ gia đình
  32. nhận được từ các khoản cho chính phủ vay và thu nhập mà các hộ gia đình nhận được từ các chương trình Phúc lợi và bảo hiểm xã hội. Thu nhập khả dụng (Yd) là thu nhập mà các hộ gia đình và doanh nghiệp cá thể còn lại sau khi hòan thành nghĩa vụ nộp thuế cho chính phủ. Nó bằng thu nhập cá nhân trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản thanh toán ngoài thuế khác (ví dụ lệ phí giao thông). Mặc dù các chỉ tiêu thu nhập có thể khác nhau về chi tiết, nhưng chúng hầu như luôn kể cho chúng ta cùng một câu chuyện về các điều kiện kinh tế. Khi GDP tăng trưởng nhanh, thì các chỉ tiêu thu nhập khác cũng tăng nhanh. Và khi GDP giảm, thì các chỉ tiêu thu nhập khác cũng giảm theo. Đối với việc theo dõi những biến động của tòan nền kinh tế, thì việc chúng ta sử dụng chỉ tiêu nào không có ý nghĩa quan trọng. 4. CHỈ SỐ GIÁ Chỉ số giá của một năm hay một thời kỳ là tỉ lệ so sánh giữa số tiền phải trả để mua một giỏ hàng trong năm đó hoặc thời kỳ đó với số tiền phải trả để mua cùng một giỏ hàng trong năm gốc hoặc thời kỳ gốc, rồi nhân tỉ lệ đó với 100. Có hai loại chỉ số giá thường dùng: chỉ số giá hàng tiêu dùng và chỉ số giảm phát (GDP) 4.1. Chỉ số giá hàng tiêu dùng (CPI) Chỉ số giá hàng tiêu dùng được sử dụng để theo dõi sự thay đổi của giá sinh hoạt theo thời gian. Khi chỉ số giá tiêu dùng tăng, các gia đình phải chi tiêu nhiều tiền hơn trước để duy trì mức sống như cũ. Các nhà kinh tế sử dụng thuật ngữ lạm phát để mô tả tình huống có sự gia tăng của mức giá chung trong nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát là % thay đổi của mức giá so với thời kỳ trước. Chỉ số giá hàng tiêu dùng đo lường mức giá trung bình của những sản phẩm và dịch vụ mà một gia đình (ở các thành phố) thường tiêu dùng. Theo Tổng cục Thống kê, từ 1-5-2006 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ được tính theo phương pháp mới. Theo đó, danh mục hàng hóa dịch vụ tiêu dùng đại diện chung cho hàng hóa tiêu dùng của cả nước được nâng từ 397 mặt hàng lên 494 mặt hàng. Trừ một số mặt hàng phải thống nhất điều tra trên phạm vi cả nước, nhiều mặt hàng dành cho từng địa phương lựa chọn cụ thể phù hợp với thị trường tiêu dùng tại địa phương. Quyền số tính CPI cũng được thay đổi cho phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của nhân dân. Ví dụ, tỉ trọng nhóm lương thực - thực phẩm giảm từ 47,9% trong tổng chi tiêu cho đời sống hằng ngày của người dân trong giai đoạn 2000-2005 xuống còn 42,8% giai đoạn 2006-2010. Việc áp dụng phương pháp mới tính CPI là phù hợp với cơ cấu tiêu dùng của người dân đã thay đổi do tình hình kinh tế phát triển trong những năm qua và thu nhập được tăng lên, nhằm phản ánh xu hướng biến động giá cả trong giai đoạn 2006-2010 Chỉ số giá tiêu dùng sẽ do cơ quan thống kê quốc gia tính qua các bước: (1) Xác định giỏ hàng: qui định số lượng chủng loại mặt hàng và khối lượng của mỗi mặt hàng trong giỏ hàng dùng để tính chỉ số giá.
  33. (2) Xác định giá của mỗi hàng hoá trong mỗi năm. (3) Tính chi phí giỏ hàng (chỉ có giá trong mỗi năm thay đổi, số lượng mỗi hàng hoá trong giỏ hàng không đổi). (4) Chọn năm gốc và tính chỉ số giá tiêu dùng. VD. Tính chỉ số giá hàng tiêu dùng theo số liệu sau Năm gốc Năm hiện hành Mặt hàng Khối Giá Chi tiêu Giá Chi tiêu lượng Gạo 40. 000 60. 000 8. 12. Hớt 5 kg 66. 000 75. 000 000 000 tóc 6 lần 11. 140. 000 12. 150. 000 Vé 200 000 500 xe vé 700 750 buýt 246. 000 285. 000 Chỉ số giá hàng tiêu dùng của năm hiện hành là 115, 8 có nghĩa là một cách trung bình giá cả hàng hoá tăng tiêu dùng năm hiện hành tăng lên 15, 8, hoặc cao gấp 1, 158 lần so với năm gốc. Từ CPI ta tính được tỷ lệ lạm phát
  34. Những vấn đề phát sinh trong việc đo lường giá sinh hoạt Mục đích của chỉ số giá là phản ánh những thay đổi trong giá sinh hoạt. Nói cách khác chỉ số giá tiêu dùng cố gắng phản ánh mức thu nhập cần tăng thêm nhằm giữ cho mức sống không thay đổi. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng không phải là chỉ tiêu hoàn hảo về giá sinh hoạt, có ba vấn đề phát sinh đối với chỉ số này và đã được mọi người công nhận, nhưng rất khó khắc phục. Độ lệch thay thế. Khi giá cả thay đổi từ năm này qua năm khác, thì không phải mọi giá cả đều thay đổi theo cùng một tỷ lệ: Một số giá cả tăng nhanh hơn những loại khác. Người tiêu dùng phản ứng lại những thay đổi khác nhau này bằng cách mua ít hàng hoá có giá tăng mạnh và mua nhiều hàng hoá có giá tăng chậm hơn hoặc thậm chí giảm . Vì thế, chỉ số giá tiêu dùng phản ánh giá sinhhoạt cao hơn rất nhiều so với mức thực tế mà người tiêu dùng gánh chịu. Sự xuất hiện của những hàng hoá mới. Khi hàng hoá mới xuất hiện người tiêu dùng có sự lựa chọn đa dạng hơn. Điều này làm cho mỗi đồng tiền trở nên có giá trị hơn, do vậy người tiêu dùng cần ít tiền hơn để duy trì mức sống cũ. Song do chỉ số giá tiêu dùng dựa trên giỏ hàng hoá và dịch vụ cố định, nên nó không phản ánh sự thay đổi này trong sức mua của đồng tiền. Sự thay đổi không lượng hoá được của chất lượng. Nếu chất lượng của một hàng hoá nào đó giảm từ năm này sang năm tiếp theo, thì giá trị của tiền sẽ giảm, thậm chí ngay khi giá cả của hàng hoá không đổi. Tương tự như vậy nếu chất lượng hàng hoá tăng từ năm này qua năm khác, thì giá trị của tiền sẽ tăng. 4.2. Chỉ số giảm phát GDP Chỉ số giảm phát GDP (còn gọi là chỉ số khử lạm phát) đo lường mức trung bình của giá cả tất cả các sản phẩm và dịch vụ tạo thành GDP. GDP danh nghĩa được tính bằng cách lấy sản lượng của năm hiện hành nhân với giá của năm hiện hành. Còn GDP thực được tính bằng cách lấy sản lượng của năm hiện hành nhân với giá của năm gốc. CÂU HỎI ÔN: 1. Hãy cho biết thành phần của tổng chi tiêu. 2. Hãy cho biết thành phần của tổng thu nhập. 3. Tại sao tổng thu nhập ngang bằng tổng chi tiêu?
  35. 4. Tại sao giá trị sản lượng ngang bằng tổng thu nhập? 5. Chi tiêu của chính phủ để mua sản phẩm và dịch vụ khác với chi chuyển nhượng của chính phủ ra sao? 6. Các luồng “bơm vào” chu chuyển kinh tế là những luồng nào? 7. Các luồng “rò rỉ” ra khỏi chu chuyển kinh tế là những luồng nào? 8. Hãy trình bày ba phương pháp tính GDP. 9. Có sự khác biệt nào giữa những chi tiêu dành cho sản phẩm cuối cùng và các chi tiêu dành cho sản phẩm trung gian không? 10. Có những hoạt động nào trong nền kinh tế mà kết quả không được tính vào GDP không? 11. Để đo lường mức giá và lạm phát người ta sử dụng hai loại chỉ số giá nào? Cách tính của hai loại chỉ số giá đó như thế nào? BÀI TẬP VẬN DỤNG 1. Giả sử mọi người chỉ tiêu dùng ba loại hàng hóa như trình bày trong bảng sau: Bóng Vợt Mũ chơi tennít tennít tennít Giá năm 2001 Lượng năm 2 đô la 40 đô la 1 đô la 2001 100 10 200 Giá năm 2002 2 đô la 60 đô la 2 đô la Lượng năm 100 10 200 2002 a. Giá của từng mặt hàng đã thay đổi bao nhiêu phần trăm? Mức giá chung thay đổi bao nhiêu phần trăm? b. Vợt tennít trở nên đắt hay rẻ tương đối so với mũ chơi tennít? Phúc lợi của một số người có thay đổi so với phúc lợi của những người khác hay không? Hãy giải thích? 2. Giả sử dân cư ở Vegopia chi tiêu toàn bộ thu nhập của họ để mua súp lơ, cải xanh, và cà rốt. Trong năm 2001 họ mua 100 chiếc xúp lơ với tổng số tiền là 200 đô la, 50 chiếc bắp cải xanh trị giá 75 đô la và 500 củ cà rốt trị giá 50 đô la. Trong năm 2002 họ mua 75 chiếc xúp lơ trị giá 225 đô la, 80 chiếc bắp cải xanh
  36. trị giá 120 đô la và 500 củ cà rốt trị giá 100 đô la. Nếu năm gốc là năm 2001 thì CPI trong cả hai năm là bao nhiêu? 3. Từ 1947 đến 1997, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 637%. Hãy sử dụng số liệu này để điều chỉnh từng loại giá cả sau trong năm 1947 để loại trừ ảnh hưởng của lạm phát. Mặt hàng nào rẻ hơn trong năm 1997 so với năm 1947 sau khi đã loại trừ lạm phát? Mặt hàng nào đắt hơn? Giá Giá Mặt hàng 1947 1997 (đô la) (đô la) Học phí Đại học Một thùng xăng 130 2470 0,23 1,22 Một cuộc gọi 3 phút từ LA đến Washington 2,50 0,45 Chi phí nằm viện một ngày tại 35 2300 phòng cấp cứu 0,15 0,59 Bánh bánh mì của McDonald 4. Bắt đầu từ năm 1994, các đạo luật về môi trường quy định xăng phải chứa một chất phụ gia mới để giảm ô nhiễm. Điều này làm tăng chi phí của xăng. Cục thống kê cho rằng sự gia tăng chi phí này phản ánh tiến bộ trong chất lượng. a. Với quyết định đó, thì sự tăng giá xăng có tăng CPI hay không? b. Lập luận nào ủng hộ quyết định của Cục thống kê? Lập luận nào ủng hộ quyết định khác? 5. Vấn đề nào phát sinh trong quá trình tính toán CPI có thể được minh họa bởi các tình huống sau đây? Hãy giải thích. a. Việc phát minh ra chiếc Sony Walkman. b. Sự xuất hiện của sản phẩm túi khí an toàn trong xe hơi. c. Mức tiêu dùng máy tính cá nhân tăng do giá giảm. d. Có nhiều muỗng xúc nho khô hơn trong mỗi gói nho khô. e. Việc tăng cường sử dụng xe hơi 6. Tờ thời báo New York có giá khoảng 0,15 đô la vào năm 1970 và 0,75 đô la vào năm 1999. Mức lương trung bình trong sản xuất là 3,35 đô la/ giờ trong năm 1970 và 13,84 đô la trong năm 1999. a. Giá của tờ báo này đã tăng bao nhiêu phần trăm?
  37. b. Tiền lương đã tăng bao nhiêu phần trăm? c. Trong mỗi năm, một người công nhân phải làm bao nhiêu phút để kiếm đủ tiền mua một tờ báo? d. Sức mua của công nhân tính bằng số tờ báo tăng hay giảm? 7. Chương này giải thích rằng trợ cấp an sinh xã hội tăng hàng năm tỷ lệ thuận với sự gia tăng của CPI, mặt dù hầu hết các nhà kinh tế đều tin rằng CPI ước tính qúa cao mức lạm phát thực tế. a. Nếu người già tiêu dùng giỏ hàng hóa thị trường như những người khác, thì hàng năm chương trình an sinh xã hội có đem lại cho người gì sự cải thiện mức sống không? Hãy giải thích. b. Trong thực thế, người già chi tiêu nhiều cho chăm sóc sức khỏe hơn so với những người trẻ tuổi và chi phí chăm sóc sức khỏe đã tăng nhanh hơn mức lạm phát chung. Bạn sẽ làm gì để biết người giá có thật sự khá lên từ năm này sang năm khác không? 8. Bạn có nghĩ rằng giỏ hàng hóa và dịch vụ mà bạn mua khác với giỏ hàng mà hộ gia đình điển hình ở Mỹ mua không? Bạn nghĩ rằng mình phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao hơn hay thấp hơn với mức lạm phát tính bằng tính bằng CPI? Tại sao? 9. Cho đến tận năm 1985, thuế thu nhập đã không được trượt giá. Khi lạm phát đẩy thu nhập danh nghĩa lên cao vào những năm 1970, bạn nghĩ điều gì đã xảy ra với mức thu thuế thực tế? 10. Khi quyết định dành bao nhiêu tiền trong thu nhập để tiết kiệm phòng khi về hưu, người công nhân cân nhắc lãi suất thực tế hay lãi suất danh nghĩa mà khỏan tiền tiết kiệm của họ mang lại? Hãy giải thích. 11. Giả sử một người đi vay và một người cho vay nhất trí với nhau về lãi suất danh nghĩa phải trả cho số tiền vay. Sau đó lạm phát bất ngờ tăng cao hơn mức mà cả hai người dự kiến. a. Mức lãi suất thực tế của khoản vay này cao hơn hay thấp hơn so với dự kiến? b. Người cho vay được lợi hay bị thiệt do mức lạm phát cao không dự kiến trước này? Người đi vay được lợi hay bị thiệt? c. Lạm phát trong những năm 1970 cao hơn rất nhiều so với hầu hết dự kiến của mọi người vào đầu thập kỷ. Điều này ảnh hưởng như thế nào tới những người chủ nhà khi họ vay tiền dưới dạng cầm cố vớ lãi suất cố định trong những năm 1960? Điều này ảnh hưởng như thế nào tới các ngân hàng cho vay tiền?
  38. Chương 3. Tổng cầu và xác định sản lượng Quốc Gia Chương này tập trung nghiên cứu mặt cầu của nền kinh tế: các thành phần của tổng cầu, các nhân tố qui định sự biến động của tổng cầu. và vai trò của tổng cầu trong việc xác định mức sản lượng trong nền kinh tế. Phần cuối của chương giới thiệu chính sách tài khoá nhằm ổn định nền kinh tế trong ngắn hạn. Hoạt động kinh tế biến động từ năm này sang năm khác. Trong hầu hết các năm, sản xuất hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Do đó, có sự tăng lên của lực lượng lao động tư bản và tiến bộ công nghệ, nền kinh tế ngày càng có thể sản xuất nhiều hơn. Sự tăng trưởng này ngày càng cho phép mọi người hưởng thụ mức sống cao hơn. Tuy nhiên trong một số năm, sự tăng trưởng bình thường này không xảy ra. Các doanh nghiệp không bán được hết hàng hóa và dịch vụ và quyết định cắt giảm sản xuất. Nhiều công nhân bị sa thải, thất nghiệp bị tăng cao và các nhà máy thì bị bỏ không. Khi nền kinh tế sản xuất hàng hóa và dịch vụ ít hơn, GDP thực tế và các đại lượng phản ánh thu nhập khác giảm đi. Những thời kỳ thu nhập giảm trong khi thất nghiệp tăng cao được gọi là suy thoái nếu tình trạng không nghiêm trọng, và được gọi là khủng hoảng nếu nó gọi là trầm trọng. Điều gì đã gây ra biến động của hoạt động kinh tế trong ngắn hạn? Các chính sách công cộng có thể làm gì để ngăn chặn các thời kỳ thu nhập giảm sút và thất nghiệp tăng cao? Khi suy giảm hoặc suy thoái xảy ra, các nhà hoạch định chính sách có thể làm gì để giảm bớt độ dài và mức độ trầm trọng của chúng? Đây là câu hỏi mà chúng ta cần xem xét trong chương này và hai chương tiếp theo. Các biến số mà chúng ta nghiên cứu trong các chương tiếp theo phần lớn là các biến cố mà chúng ta đã biết. Đó là GDP, thất nghiệp, lãi suất, tỷ giá hối đoái và mức giá. Các công cụ và chính sách của chính phủ như chi tiêu, cung ứng và tiền tệ cũng quen thuộc với chúng ta. Cái khác trong các chương tiếp theo là ở khoảng thời gian phân tích. Trọng tâm của chương vừa rồi là nền kinh tế trong dài hạn. Giờ đây, chúng ta quan tâm đến những biến động ngắn hạn xung quanh xu hướng dài hạn của nền kinh tế. Mặc dù còn có sự tranh luận giữa các nhà kinh tế vế phương pháp phân tích các biến động ngắn hạn, nhưng hầu hết các nhà kinh tế đều sử dụng mô hình tổng cung và tổng cầu. Học cách vận dụng mô hình này để phân tích ảnh hưởng của các chính sách là nhiệm vụ chủ yếu sắp tới của chúng ta. Trong chương này, chúng ta bàn đến hai mảng then yếu của mô hình của tổng cung và tổng cầu. Sau khi có cái nhìn tổng quan vế mô hình trong chương này, chúng ta sẽ nghiên cứu kỹ hơn trong hai chương tiếp theo. Ba bằng chứng về biến động kinh tế
  39. Những biến động ngắn hạn trong hoạt động kinh tế diễn ra ở các nước và mọi thời đại trong suốt chiều dài lịch sử. Để có điểm khởi đầu cho việc tìm hiểu những biến động từ năm này sang năm khác, chúng ta hãy trình bày một vài tính chất quan trọng nhất của chúng. Bằng chứng 1: Các biến động kinh tế diễn ra bất thường và không thể dự báo Biến động của nền kinh tế thường được gọi là chu kỳ kinh doanh. Như thuật ngữ này cho thấy, biến động kinh tế gắn liền với những thay đổi trong điều kiện kinh doanh, khi GDP tăng trưởng nhanh, hoạt động kinh doanh phát đạt. Các doanh nghiệp thấy có rất nhiều khách hàng và lợi nhuận ngày càng tăng. Ngược lại, khi GDP thực tế giảm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Trong thời kỳ hoạt động kinh tế suy giảm, hầu hết các doanh nghiệp bán được ít hàng hơn và kiếm được ít lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, thuật ngữ chu kỳ kinh doanh có thể dẫn tới sự hiểu lầm, vì nó có vẻ hàm ý rằng biến động kinh tế tuân theo một quy luật mang tính định kỳ và có thể dự báo trước. Trên thực tế, chu kỳ kinh doanh không hề có tính chất định kỳ và không thể dự báo với độ chính xác cao. Bằng chứng 2: Hầu hết các đại lượng kinh tế vĩ mô biến động cùng nhau GDP thực tế được dùng để theo dõi những thay đổi trong ngắn hạn của nền kinh tế vì nó là đại lượng toàn diện nhất về hoạt động kinh tế. GDP thực tế phản ánh giá trị hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong một thời kỳ nhất định. Nó cũng phản ánh tổng thu nhập (đã trừ lạm phát) của mọi người trong nền kinh tế. Nhưng thực ra khi theo dõi biến động kinh tế ngắn hạn lại khác, việc sử dụng đại lượng nào để phản ánh hoạt động kinh tế mà chúng ta theo dõi không quan trọng. Phần lớn các biến cố kinh tế vĩ mô phản ánh dạng nào đó của thu nhập, chi tiêu hay sản xuất, biến động cùng với nhau. Khi GDP giảm trong thời kỳ suy thoái, thì thu nhập cá nhân, lợi nhuận công ty, tiêu dùng, đầu tư, sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, quy mô mua bán nhà cửa và ô tô cũng giảm xuống. Do suy thoái là một hiện tượng xảy ra trong toàn nền kinh tế, nên nó biểu thị trong nhiều nguồn số liệu vĩ mô khác nhau. Mặc dù các biến số kinh tế biến động cùng với nhau, song chúng biến động với quy mô khác nhau. Cụ thể, đầu tư biến động rất mạnh trong thời kỳ kinh doanh. Mặc dù đầu tư chỉ là một phần nhỏ trong GDP, nhưng sự suy giảm trong đầu tư đóng góp lớn vào mức suy giảm GDP trong thời kỳ suy thoái. Nói cách khác, khi tình hình kinh tế xấu đi, phần lớn mức suy giảm đều bắt nguồn từ giảm sút chi tiêu để xây dựng nhà máy, nhà ở và bổ sung thêm hàng tồn kho mới. Bằng chứng 3: Khi sản lượng giảm, thất nghiệp sẽ tăng Những thay đổi trong sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế gắn chặt với những thay đổi trong việc sử dụng lực lượng lao động của nền kinh tế. Nói cách khác, khi GDP thực tế giảm, thất nghiệp sẽ tăng. Điều này không có gì
  40. đáng ngạc nhiên: khi các doanh nghiệp sản xuất ít hàng hóa và dịch vụ hơn, họ sa thải bớt công nhân và số người thất nghiệp tăng. Các thành tố của tổng cầu 1.1. Tiêu dùng và tiết kiệm. 1.1.1. Khái niệm. Toàn bộ thu nhập của khu vực hộ gia đình do cung cấp các yếu tố sản xuất được dành phần lớn để chi mua hàng hoá và dịch vụ cho đời sống, phần còn lại để dành tiết kiệm. 1.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tiêu dùng và tiết kiệm của hộ gia đình. Có 3 nhân tố ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân, đó là thu nhập khả dụng cá nhân, thu nhập dự đoán và lãi suất. Thu nhập khả dụng cá nhân là tổng số thu nhập mà một cá nhân hoặc một hộ gia đình có thể sử dụng cho tiêu dùng và cho tiết kiệm.Thu nhập khả dụng của hộ gia đình được xác định bằng tổng số thu nhập của hộ gia đình bao gồm thu nhập từ lợi tức cho vay, cổ tức, tiền cho thuê các yếu tố sản xuất kinh doanh, tiền lương, tiền trợ cấp (trợ cấp nghỉ hưu, thất nghiệp, khó khăn, học bổng .v.v ) sau đó trừ đi khoản thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội. Thu nhập khả dụng được sử dụng vào hai mục đích: tiêu dùng và tiết kiệm. Khi sử dụng lương thực thực phẩm, quần áo hoặc đi xem phim chúng ta đã tiêu dùng sản phẩm của nền kinh tế.Tiết kiệm là phần còn lại của thu nhập khả dụng sau khi trừ đi tiêu dùng. Do đó, thu nhập khả dụng Yd tăng thì tiêu dùng (C) tăng và tiết kiệm (S) tăng. Ngoài ra, khi thu nhập dự đoán tăng thì chi tiêu cũng tăng. Trong khi đó, lãi suất lại có xu hướng biến động ngược chiều với tiêu dùng. Lãi suất cao thì chi tiêu tiêu dùng giảm.Bởi vì, lãi suất cao sẽ không khuyến khích chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình đặc biệt là các khoản chi tiêu trả góp, trái lại nó khuyến khích tiết kiệm. Ngược lại, với mức lãi suất thấp hơn thì các hộ gia đình có khuynh hướng chi tiêu nhiều hơn. 1.1.3. Hàm tiêu dùng và hàm tiết kiệm cá nhân. · Hàm tiêu dùng. Mối quan hệ giữa tiêu dùng và thu nhập khả dụng gọi là hàm tiêu dùng cá nhân: C = f(Yd). Các hộ gia đình luôn luôn chi tiêu tiêu dùng ở bất kỳ mức thu nhập nào, một đại lượng mà chúng ta gọi là tiêu dùng tự định ( ), đây là một đại lượng độc lập với thu nhập. Ví dụ = 250
  41. Người ta có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn khi thu nhập khả dụng của họ tăng. Lượng tăng của chi tiêu tiêu dùng khi có thêm 1 đồng trong thu nhập khả dụng được gọi là khuynh hướng tiêu dùng biên. Ví dụ: người ta sẽ tiêu dùng thêm 75 xu khi thu nhập khả dụng của họ tăng thêm 1 đồng. Vì thế khi có thêm Yd thu nhập thì họ sẽ tiêu dùng thêm 0.75Yd . Hàm tiêu dùng biểu thị tổng số của tất cả các khoản tiêu dùng ở mọi mức thu nhập khả dụng. C = 250 + 0.75Yd Dạng tuyến tính tổng quát là C = C0 + MPC.Yd Trong đó : C0 (hay ): tiêu dùng tự định Yd : thu nhập khả dụng (Yd = Y – T + TR) MPC (hay Cm): khuynh hướng tiêu dùng biên Tổng mức Tiêu dùng Tiêu dùng Tổng tiêu Tiết kiệm Thu tiết kiệm ứng dụ tự định dùng ứng dụ nhập khả S0 + (MPC.Yd) (C) C0+MPC.Yd MPS.Yd dụng MPC.Yd 0 0 250 250 0 -250 1.000 750 250 1.000 250 0 2.000 1.500 250 1.750 500 250 3.000 2.250 250 2.500 750 500 4.000 3.000 250 3.250 1.000 750 5.000 3.750 250 4.000 1.250 1.000 MPC = 0.75 MPS = 1- MPC = 1 - 0.75 = 0.25 · Hàm tiết kiệm. Mối quan hệ giữa tiết kiệm và thu nhập khả dụng cá nhân được gọi là hàm số tiết kiệm cá nhân S = f (Yd) S = -C0 + MPS.Yd Trong đó: MPS là khuynh hướng tiết kiệm biên
  42. Hình 3.1: Khuynh hướng tiêu dùng biên và khuynh hướng tiết kiệm biên. Khuynh hướng tiêu dùng trung bình (APC) và khuynh hướng tiết kiệm trung bình (APS) VD Tính khuynh hướng tiết kiệm trung bình và tiêu dùng trung bình cho bảng số liệu trên. Khuynh hướng tiêu dùng biên (MPC) và khuynh hướng tiết kiệm biên (MPS) - Khuynh hướng tiêu dùng biên là phần của đồng thu nhập khả dụng tăng thêm được sử dụng để chi tiêu tiêu dùng. - Khuynh hướng tiết kiệm biên là phần của thu nhập khả dụng tăng thêm được tiết kiệm
  43. Mối quan hệ giữa khuynh hướng tiêu dùng trung bình và khuynh hướng tiêu dùng biên Thu K.hướng tiêu nhập Tổng tiêu dùng K. hướng tiêu dùng biên khả C0+ MPC Yd dùng TB APC MPC dụng 0 250 - - 1.000 1.000 1 0.75 2.000 1.750 0.875 0.75 3.000 2.500 0.833 0.75 4.000 3.250 0.812 0.75 5.000 4.000 0.8 0.75 - Khuynh hướng tiêu dùng biên nhỏ hơn khuynh hướng tiêu dùng trung bình. - Khi thu nhập khả dụng tăng, khuynh hướng tiêu dùng trung bình giảm. Khuynh hướng tiêu dùng biên và độ dốc của đường biểu diễn hàm số tiêu dùng - Khuynh hướng tiêu dùng biên bằng độ dốc đường biểu diễn hàm số tiêu dùng - khuynh hướng tiết kiệm biên bằng độ dốc đường biểu diễn hàm số tiết kiệm 1.1.4.Từ hàm số tiêu dùng cá nhân đến hàm số tổng tiêu dùng.
  44. Hàm số tổng tiêu dùng biểu thị mối quan hệ giữa chi tiêu tiêu dùng thực và thu nhập khả dụng thực của toàn bộ nền kinh tế trong một khoản thời gian. Trong thực tế người ta thường biểu thị mối quan hệ giữa tổng chi tiêu tiêu dùng và GDP thực (thay vì thu nhập khả dụng thực) trong hàm số tổng tiêu dùng theo chuỗi thời gian.Vì vậy hàm tổng tiêu dùng trở nên ít dốc hơn. Yd = GDP thực - TN TN = Tổng thuế + BHXH – TR Khi GDP thực tăng thì TN cũng tăng Giả sử thuế ròng tăng 12,5% số gia tăng của GDP thực ở mỗi năm thì chỉ có 87.5% của số tăng GDP là thu nhập khả dụng. Hàm tiêu dùng theo GDP thực là: C = 0,8(Y – TN) + 550 = 0,8 [Y – (0,125Y + 500)] + 550 = 0,7Y + 150 1.2. Đầu tư 1.2.1.Những yếu tố ảnh hưởng đến chi tiêu đầu tư. Đầu tư là một đề tài quan trọng trong kinh tế vĩ mô vì: - Mặc dù tiêu dùng là phần lớn nhất của tổng cầu, nhưng hầu hết những thay đổi về giá trị GDP là do những thay đổi về đầu tư trong chu kỳ kinh doanh. - Đầu tư được định nghĩa là sự sản xuất ra vốn vật chất nên những thay đổi nguồn vốn là một yếu tố quan trọng quyết định tốc độ tăng trưởng và hướng đi tương lai cho nền kinh tế. Bốn yếu tố chính ảnh hưởng đến đầu tư Lãi suất Mức đầu tư là hàm số của lãi suất I = I (i). Trên thực tế có nhiều mức lãi suất khác nhau. Chẳng hạn như lãi suất phải trả đối với các tài khoản ngân hàng, lãi suất phải trả đối với các trái phiếu công ty cũng như lãi suất trên trái phiếu chính phủ. Sự khác nhau của các mức lãi suất có thể do bởi nhiều yếu tố như thời hạn cho vay hay mượn, qui mô giao dịch và có lẽ quan trọng hơn hết là mức độ xảy ra rủi ro. Tuy nhiên, vào thời điểm này chúng ta sẽ giả định rằng chỉ có lãi suất r là yếu tố chính quyết định mức đầu tư.
  45. Khi đầu tư nguồn vốn có thể được tài trợ từ quĩ riêng hoặc vay mượn . Bất luận dự án đầu tư được tài trợ bằng phương thức nào, mức lãi suất cũng là một phần chi phí cơ hội của dự án đó. Tiền trả lãi cho khoản tiền vay là chi phí trực tiếp.Tiền lãi mà một doanh nghiệp bị mất khi sử dụng lợi nhuận không phân phối để tài trợ cho dự án riêng của mình thay vì dùng để cho vay được gọi là chi phí cơ hội. Mức lãi suất càng thấp thì chi phí cơ hội của dự án càng thấp, càng có nhiều dự án đầu tư mang lại lợi nhuận và vì vậy mức đầu tư sẽ gia tăng. Trong các mô hình lý thuyết hàm đầu tư theo lãi suất thường được biểu diễn dưới dạng tuyến tính sau: VD: Chi phí lắp đặt máy mới 1.000 triệu đồng, thời gian sử dụng 3 năm. Sau 3 năm giá trị của máy là 0. Trường hợp 1 Doanh thu Lãi vốn vay trả vốn vay Đầu tư tiền vay còn lại Năm ròng dự hàng năm (lãi suất được trả ban đầu sau mỗi năm đoán 10%) hằng năm 1.000 0 - 700 1 400 100 300 270 2 1.000 500 70 430 90 3 200 27 173 -90 Doanh thu ròng = doanh số bán – chi phí sx Trường hợp II Doanh thu Lãi vốn vay trả vốn vay Đầu tư tiền vay còn lại Năm ròng dự hàng năm (lãi suất được trả ban đầu sau mỗi năm đoán 5%) hằng năm
  46. 1.000 0 - 650 1 400 50 350 182.5 2 1.000 500 32.5 467.5 0 3 200 9.125 182.5 8.485 Qua ví dụ trên chúng ta rút ra được kết luận: khi lãi suất cao thì đầu tư thấp, khi lãi suất thấp thì đầu tư cao Lạm phát dự đoán Các yếu tố khác không đổi, quyết định đầu tư phụ thuộc vào mức lạm phát dự đoán. Lạm phát dự đoán cao thì đầu tư tăng vì nó mang lại doanh thu ròng nhiều hơn. VD: công ty điện tử vay 1.000 triệu đồng - Lạm phát cao thì giá TV tăng dẫn đến doanh số bán tăng (dĩ nhiên lương và các chi phí khác cũng tăng). - Tuy nhiên doanh số bán cùng với chi phí gia tăng qua các năm như vậy thì doanh thu ròng qua các năm cũng tăng cùng với mức lạm phát. Tác động kết hợp lãi suất và lạm phát. Nếu lãi suất 10%,lạm phát dự đoán hàng năm 5% thì doanh thu ròng dự tính tăng 5% /năm . Điều này cho phép công ty có khả năng trả nhiều hơn khoản nợ vay và giảm bớt tiền lãi phải trả. Vậy khi mức lãi suất thực thấp thì mức đầu tư cao. Lợi nhuận dự đoán Lợi nhuận dự đoán của máy móc thiết bị càng cao số lượng đầu tư vào chúng càng nhiều. Khấu hao. Khấu hao càng nhiều qui mô đầu tư càng lớn. 1.2.2. Hàm cầu đầu tư. Hàm số cầu đầu tư biểu thị mối quan hệ giữa mức đầu tư (I) và mức lãi suất thực (r) với giả thiết là tất cả các nhân tố ảnh hưởng đến đầu tư là không đổi.
  47. Hình 3.2: Đường cầu đầu tư Cần phân biệt giữa sự di chuyển dọc theo đường thẳng biểu thị hàm đầu tư và sự dịch chuyển của đường thẳng này. Khi lãi suất giảm thì đầu tư tăng, do đó thay đổi của lãi suất sẽ dẫn đến sự di chuyển dọc theo đường thẳng biểu thị hàm cầu đầu tư. Hình 3.3: Những thay đổi của cầu đầu tư và đường cầu đầu tư. Những yếu tố sau làm cho hàm cầu đầu tư dịch chuyển: Thuế: Sự thay đổi về thuế hay thuế suất sẽ có tác động đến chi phí hay lợi nhuận của dự án. Thông thường các doanh nghiệp có thể được giảm thuế nhằm khuyến khích đầu tư. Điều này sẽ làm giảm chi phí thực của dự án và tăng giá trị hiệu suất đầu tư biên ứng với mỗi mức lãi suất. Kết quả là hàm đầu tư sẽ dịch chuyển sang phải. Những kỳ vọng lợi nhuận sẽ ảnh hưởng đến giá trị lợi nhuận Sự dao dộng trong lợi nhuận dự đoán của các doanh nhiệp là nguồn gốc chính của những dao động trong cầu đầu tư. Khi kỳ vọng về lợi nhuận là lạc quan thì đường cầu đầu tư sẽ dịch chuyển về phía bên phải. Khi lợi nhuận dự đoán bi quan thì đường cầu đầu tư sẽ dịch chuyển sang trái. Đường biểu diễn hàm số đầu tư cũng dịch chuyển khi có sự thay đổi trong lượng đầu tư được thực hiện để thay thế cho cơ sở vật chất bị hao mòn hoặc lạc hậu về mặt kỷ thuật, ảnh hưởng này sẽ dẫn đến sự dịch chuyển sang phải của đường cầu đầu tư.
  48. 1.3. Chi tiêu chính phủ (G) Chi tiêu chính phủ là các khoản chi tiêu cho hàng hoá và dịch vụ do khu vực chính phủ thực hiện. Chi tiêu chính phủ có thể phân ra làm hai loại. - Triệt để: những khoản chi tiêu có thể tận dụng được các nguồn lực, ví dụ xây một tòa nhà thị chính. - Không triệt để: những khoản chi tiêu không tận dụng được các nguồn lực nhưng chuyển các nguồn vốn từ nơi này đến nơi khác (ví dụ các khoản chi cho thất nghiệp hay chi cho phúc lợi). Những khoản chi tiêu không toàn diện được xem như những khoản chi chuyển nhượng (Tr) hay lợi ích và không được tính trong chi tiêu chính phủ vì chúng đã được tính trong các khoản chi tiêu tiêu dùng. Điều này giúp tránh được việc tính hai lần. 1.4. Xuất khẩu ròng. Xuất khẩu chịu sự tác động bởi 5 nhân tố chính là GDP của nước ngoài, mức độ chuyên môn hoá sản xuất toàn cầu, giá tương đối của hàng hoá được sản xuất trong nước và hàng hoá tương tự ở nước ngoài, tỉ giá hối đoái, và chính sách của chính phủ. - GDP thực của các nước khác trên thế giới càng cao thì cầu hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra trong nước càng lớn. - Mức độ chuyên môn hoá sản xuất trong nền kinh tế toàn cầu càng cao, qui mô xuất khẩu của từng nước càng lớn với giả thiết là các nhân tố khác không đổi. - Nếu giá của một hàng hoá sản xuất ở một nước càng thấp tương đối so với giá của hàng hoá đó ở nước ngoài thì sẽ có nhiều khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Kết quả tương tự cũng xảy ra khi đồng tiền một nước có giá trị so với đồng tiền của các nước khác trên thế giới. Nhập khẩu phụ thuộc vào 4 nhân tố: GDP thực trong nước, mức độ chuyên môn hoá sản xuất toàn cầu, giá tương đối của hàng hoá ở nước ngoài và hàng hoá tương tự được sản xuất trong nước, tỉ giá hối đoái. - Giả sử những nhân tố khác không đổi, GDP thực trong nước càng cao thì lượng nhập khẩu càng lớn. Điều này có thể giải thích là khi GDP thực tăng thì thu nhập khả dụng cũng tăng. Người tiêu dùng sẽ mua nhiều hàng hoá và dịch vụ hơn kể cả hàng hoá nhập khẩu. - Mức độ chuyên môn hoá sản xuất của từng nước càng cao thì nhập khẩu của từng nước càng tăng. - Giá hàng hoá được sản xuất ra ở một nước cao tương đối so với giá hàng hoá tương tự được sản xuất ra ở các nước khác và giá trị của đồng tiền một nước càng cao, nhập khẩu của nước đó sẽ tăng.
  49. - Chính sách của một chính phủ như hàng rào thuế quan, bảo hộ sản xuất cúng có ảnh hưởng đến nhập khẩu và xuất khẩu. Hàm xuất khẩu ròng Hàm xuất khẩu ròng biểu thị mối quan hệ giữa xuất khẩu ròng và GDP thực với giả thiết rằng GDP thực của các nước khác, giá cả và tỉ giá hối đoái cố định. Hàm xuất khẩu ròng dưới dạng tổng quát NX = X – MPM.Y Trong đó: NX : xuất nhập khẩu ròng X : xuất khẩu MPM : khuynh hướng nhập khẩu biên Tổng cầu và sản lượng cân bằng Mô hình tổng cầu được trình bày từ giản đơn đến phức tạp để xem xét nền kinh tế thực tế hơn. 2.1. Nền kinh tế đơn giản có hai khu vực. 2.1.1. Sản lượng cân bằng. Thị trường hàng hoá đạt cân bằng ngắn hạn khi tổng cầu của nền kinh tế bằng sản lượng thực tế, tức là : Y = AD = C + I
  50. Hình 3.4: sản lượng cân bằng Một cách tiếp cận khác, và cũng có thể coi là hệ quả rút ra từ định nghĩa trên: khi thị trường hàng hoá trong nền kinh tế giản đơn cân bằng, đầu tư dự kiến (I) bằng tiết kiệm dự kiến (S): I = S 2.1.2. Số nhân chi tiêu. Số nhân chi tiêu phản ánh sự thay đổi của sản lượng cân bằng khi chi tiêu tự định thay đổi một đơn vị. Giá trị của số nhân lớn hơn 1, bởi vì khi có sự gia tăng trong chi tiêu tiêu dùng tự định (C0) hay gia tăng chi tiêu đầu tư ( I ) sẽ làm Y tăng. Sự gia tăng của sản lượng sẽ làm tăng tiêu dùng và dẫn đến sự gia tăng kéo theo của thu nhập. Thu nhập tăng sẽ dẫn đến sự gia tăng kéo theo của tiêu dùng và cứ tiếp diễn như thế mãi. Kết quả là mức thu nhập cân bằng tăng nhiều hơn so với sự gia tăng ban đầu của chi tiêu. Mô hình xác định giá trị số nhân chi tiêu: 2.2. Mô hình nền kinh tế đóng có chính phủ.
  51. Trong mô hình này cần phân biệt hai trường hợp khi thuế độc lập với thu nhập và khi thuế tỉ lệ với thu nhập. 2.2.1. Khi thuế độc lập với thu nhập (T = T0) Nền kinh tế đạt cân bằng sản lượng khi. Y = AD = C + I + G Thuế độc lập với thu nhập: T = Tx – TR = T0 Tổng tiêu dùng hộ gia đình: C = C0 + MPC.Yd Thu nhập khả dụng của hộ gia đình: Yd = Y – T0 Đầu tư: I = I0 Chi tiêu chính phủ: G = G0 Mô hình tổng cầu: AD = C0 + MPC (Y – T0) + I0 + G0 Sản lượng cân bằng: AD = Y = C0 + I0 + G0 + MPC. Y – MPC. T0 Số nhân chi tiêu: Từ phương trình cân bằng ta nhận thấy, khi chi tiêu của hộ gia đình, chi tiêu đầu tư hay chi tiêu của chính phủ thay đổi thì sản lượng cân bằng Y0 sẽ thay đổi. Cụ thể là khi chi tiêu hộ gia đình, đầu tư, chi tiêu chính phủ tăng tương ứng các đại lượng thì tổng cầu sẽ gia tăng một lượng là:
  52. Số nhân Thuế: nếu giá trị của thuế thay đổi từ thời điểm 0 đến thời điểm 1 thì giá trị thuế mới sẽ là (T0+ T) . Với các giá trị khác không đổi, giá trị sản lượng cân bằng tại thời điểm 1 sẽ là Đây là số nhân đối với thuế không phụ thuộc và thu nhập. Số nhân này nhỏ hơn và ngược dấu với chi tiêu chính phủ. 2.2.2. Khi thuế tỉ lệ với thu nhập (T = t.Y) hay (T = T0 + t.Y). Xét mô hình tổng cầu với hàm thuế T = t.Y Nền kinh tế đạt cân bằng sản lượng khi: Y = AD = C + I + G Chi chuyển nhượng: TR = 0
  53. Tổng tiêu dùng hộ gia đình: C = C0 + MPC.Yd Thu nhập khả dụng của hộ gia đình: Yd = Y – tY Đầu tư : I = I0 Chi tiêu chính phủ : G = G0 AD = C0 + MPC (Y – t.Y) + I0 + G0 => AD = C0 + I0 + G0 + MPC (1- t).Y Sản lượng cân bằng: Số nhân chi tiêu: Với mô hình thuế tỉ lệ với thu nhập, mỗi thay đổi của chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình, chi tiêu đầu tư, chi tiêu của chính phủ, ứng với C, I, G thì Tổng cầu thay đổi: AD = ( C + I + G) Trong mô hình này giá trị của số nhân chi tiêu giảm xuống so với hai mô hình trước. lý do là một phần của thu nhập tăng thêm được rò rĩ khỏi dòng chu chuyển dưới hình thức thuế. 2.3. Nền kinh tế mở. Nền kinh tế mở là một nền kinh tế có giao thương với các nước khác, mô hình tổng cầu bao gồm chi tiêu tiêu dùng của hộ gia đình, chi tiêu đầu tư, chi tiêu mua hàng hoá và dịch vụ của chính phủ , xuất khẩu và nhập khẩu. AD = C + I + G + X – M Chi tiêu tiêu dùng C = C0 + MPC.Yd Đầu tư: I = I0 Chi tiêu chính phủ: G = G0 Xuất khẩu ròng: NX = X – MPM.Y
  54. Thuế: T = tY Chi chuyển nhượng TR = 0 Sản lượng cân bằng: Y0 = AD = C0 + MPC (Y – tY ) + I0 + G0 + X - MPM.Y Số nhân: Theo phương trình sản lượng cân bằng trên, khi một trong các yếu tố C0, I0, G0, X0 thay đổi một lượng ứng với C, I, G, X. Sản lượng cân bằng sẽ tăng một lượng ứng với số nhân chi tiêu: Một lần nữa giá trị của số nhân chi tiêu tiếp tục giảm xuống khi tính đến thương mại quốc tế. Nguyên nhân là một phần chi tiêu trong nước tăng lên được đáp ứng bằng hàng nhập khẩu. 3. CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ VỚI MÔ HÌNH TỔNG CẦU Chính sách tài khoá sử dụng hai công cụ là chi tiêu chính phủ và thuế nhằm ổn định nền kinh tế trong ngắn hạn. Khi nền kinh tế phải đối phó với suy thoái do tổng cầu quá thấp (Y Yp). Chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa thắt chặt bằng cách tăng thuế hay giảm chi tiêu hoặc cả hai nhằm hạn chế tổng cầu để chống lạm phát.
  55. Trong các nền kinh tế hiện đại đều có những cơ chế làm giảm bớt sự biến động của nền kinh tế trước các cú sốc được gọi là các nhân tố tự ổn định. Thuế thu nhập luỹ tiến và trợ cấp thất nghiệp là những nhân tố tự ổn định quan trọng nhất. Chính sách tài khoá mà chính phủ chủ động sử dụng để ổn định nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách chính phủ. Khi Chính sách tài khoá mở rộng làm tăng thâm hụt ngân sách chính phủ. Ngược lại, chính sách tài khoá thắt chặt làm giảm thâm hụt ngân sách chính phủ. Điều này không có nghĩa là chính phủ phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách tài khoá chủ động. Sự vận động theo chu kỳ của nền kinh tế thị trường cũng không ảnh hưởng đến trạng thái của cán cân ngân sách. Với những mức thuế suất và chi tiêu nhất định của Chính phủ, ngân sách sẽ bị thâm hụt lớn hơn trong suy thoái khi thu nhập thấp so với trong thời kỳ phồn thịnh khi thu nhập cao. Có ba loại cán cân ngân sách cần phân biệt: Hình 3.6: chính sách tài khoá thu hẹp - Cán cân ngân sách thực tế phản ánh chênh lệch giữa tổng thu nhập từ thuế và mức chi tiêu chính phủ. Ngân sách thặng dư khi T - TR >G, ngân sách thâm hụt khi T- TR <G, ngân sách cân bằng khi T - TR = G. - Cán cân ngân sách cơ cấu phản ánh mức độ sử dụng chính sách tài khoá mở rộng của chính phủ. Nó chính là cán cân ngân sách với giả thiết sản lượng ở mức tiềm năng. - Cán cân ngân sách chu kỳ phản ánh sự biến động theo chu kỳ của ngân sách chính phủ. Nó được tính bằng chênh lệch giữa cán cân ngân sách thực tế và cán cân ngân sách cơ cấu. Khi ngân sách thâm hụt chính phủ có thể sử dụng các biện pháp tài trợ sau: - Vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. - Vay nước ngoài. - Bán tài sản.
  56. - Phát hành trái phiếu. Mỗi biện pháp tài trợ đều có tác động phụ đến nền kinh tế. Do vậy mặc dù ngân sách không nhất thiết phải cân bằng hàng năm, song ngân sách cũng không nên thâm hụt quá lớn và kéo dài. Chương 4. Tiền tệ và chính sách tiền tệ Chương này giới thiệu thị trường tiền tệ và các chính sách tiền tệ mà ngân hàng trung ương sử dụng để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Phần cuối chương giới thiệu mối tương tác giữa thị trường hàng hoá và tiền thông qua mô hình IS – LM, cùng với các chính sách mà chính phủ sử dụng để tác động đến thị trường hàng hoá và tiền tệ. Thị trường tiền tệ 1.1.Tiền tệ. 1.1.1.Tiền tệ là gì? Tiền là mọi thứ được chấp nhận rộng rãi làm phương tiện mua hàng hoá và dịch vụ. Tiền có ba chức năng cơ bản: - Phương tiện trao đổi: là một thứ mà người mua trao cho người bán khi mua hàng hóa và dịch vụ. Sở dĩ tiền có thể đảm nhận chức năng quan trọng này vì nó được chấp nhận rộng rãi như là phương tiện trao đổi. - Đơn vị kế toán hay đơn vị tiền tệ kế toán: toàn bộ giá cả đều được qui về một đơn vị là đồng Đô la, đồng Yen hay đồng Việt Nam Điều này làm cho việc so sánh các giá trị tương đối trở nên dễ dàng hơn. Chức năng đơn vị hạch toán của tiền chỉ ra rằng sự tiện lợi có một phương tiện được chấp nhận rộng rãi để định giá và ghi sổ sách. - Phương tiện bảo tồn giá trị: tiền là một hình thức để chuyển sức mua từ hiện tại sang tương lai. Với chức năng này dân cư có thể lựa chọn giữ một số của cải trực tiếp bằng tiền. Tuy nhiên, trong điều kiện có lạm phát giá trị của tiền giảm theo thời gian. Điều này làm cho tiền trở thành một phương tiện bảo tồn không hiệu quả. Các nhà kinh tế sử dụng thuật ngữ khả năng thanh toán để chỉ mức độ dễ dàng đổi một tài sản thành phương tiện trao đổi của nền kinh tế. Vì tiền là phương tiện trao đổi của nền kinh tế, nên nó là tài sản có khả năng thanh khoản cao nhất, các tài sản khác nhau có khả năng thanh khoản rất khác nhau. Phần lớn cổ phiếu, trái phiếu có thể bán dễ dàng với chi phí thấp và vì vậy chúng là những loại tài sản có khả năng thanh khoản tương đối cao. 1.1.2. Các loại tiền. Quá trình phát triển của tiền trải qua các hình thái sau:
  57. Tiền bằng hàng hoá: khi tồn tại dưới hình thức hàng hoá có giá trị cố hữu, tiền được gọi là tiền hàng hoá. Thuật ngữ giá trị cố hữu hàm ý hàng hoá đó có giá trị ngay cả khi nó không được sử dụng làm tiền. Một ví dụ về tiền hàng hoá điển hình nhất là vàng. Vàng có giá trị cố hữu bởi vì nó được sử dụng trong công nghiệp và chế tác đồ trang sức. Khi tiền không có giá trị cố hữu, nó được gọi là tiền pháp định. Đây là loại tiền được lưu hành do luật lệ của chính phủ qui định. Giá trị ghi trên đồng tiền qui ước thường lớn hơn rất nhiều so với giá trị vật dùng làm tiền. Tiền qui ước cũng bao gồm hai dạng tiền kim loại và tiền giấy. Tiền kim loại: thời kỳ đầu thường dùng các kim loại quí như bạc, vàng. Về sau dùng các hợp kim rẽ tiền hơn. Tiền kim loại ngày nay thường có giá trị nhỏ và các chi tiêu thông qua phương tiện bán hàng tự động. Tiền giấy: tiền giấy bao gồm tiền giấy khả hoán ( loại tiền có thể đem đổi được bạc hoặc vàng với một lượng giá trị tương đương.) và tiền giấy bất khả hoán (lọai tiền bắt buộc lưu hành theo luật định, không thể mang chúng đến ngân hàng để đổi lấy vàng hay bạc. Ngày nay các quốc gia đều dùng loại tiền giấy bất khả hoán). Tiền ngân hàng: là lượng tiền gửi không kỳ hạn sử dụng séc. Đây là số tiền ghi nợ của ngân hàng đối với người mở tài khoản séc tại ngân hàng. Séc là một kiểu giấy nợ có thể thanh toán theo yêu cầu của người chủ gửi tiền. Nó cho phép tiến hành thanh toán mà không dùng tiền mặt. 1.1.3. Khối lượng tiền tệ. Việc định nghĩa tiền là một phương tiện trao đổi mới chỉ đưa ra một cách khái quát về tiền, nó chưa cho chúng ta biết rõ trong nền kinh tế hiện nay khối lượng của nó nhiều hay ít. Vì vậy người ta phải định nghĩa tiền bằng việc đưa ra các phép đo về khối tiền trong lưu thông. Có 3 thước đo khối tiền trong nền kinh tế được ký hiệu lần lượct là M1, M2, M3. Khối tiền giao dịch M1: phương tiện được sử dụng rộng rãi trong thanh toán và chi trả về hàng hoá và dịch vụ bao gồm:Tiền mặt trong lưu thông đó chính là bộ phận tiền mặt nằm ngoài hệ thống ngân hàng, tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại hay các tổ chức tín dụng, Tiền gửi có thể phát hành séc tại các ngân hàng. Khối tiền mở rộng M2: Khối tiền M2 sẽ bằng khối tiền M1 cộng với tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại hay các tổ chức tài chính trung gian. Khối tiền tài sản M3: bằng khối tiền M2 cộng với trái khoán như hối phiếu, tín phiếu kho bạc. Khối tiền M2 và M3 không được sử dụng như một công cụ trao đổi, nhưng chúng có tính thanh khoản cao.Tài sản tiền gửi có thể phát hành séc là tiền nhưng những tờ séc không phải là tiền (do khi những tờ séc phát hành thì khối tiền không đổi ). Các thẻ tín dụng cũng không phải là tiền.