Phương pháp dạy học sinh khuyết tật tái hòa nhập
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Phương pháp dạy học sinh khuyết tật tái hòa nhập", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- phuong_phap_day_hoc_sinh_khuyet_tat_tai_hoa_nhap.pdf
Nội dung text: Phương pháp dạy học sinh khuyết tật tái hòa nhập
- Lời nói đầu Để góp phần đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng GV tiểu học, Dự án Phát triển GV tiểu học đã tổ chức biên soạn các mô đun đào tạo theo chương trình Cao đẳng sư phạm và chương trình liên thông từ Trung học sư phạm lên Cao đẳng sư phạm ; biên soạn các mô đun bồi dưỡng GV nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật những đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục Tiểu học theo chương trình, sách giáo khoa mới. Điểm mới của các tài liệu viết theo mô đun là thiết kế các hoạt động, nhằm tích cực hoá hoạt động học tập của người học, kích thích óc sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, tự giám sát và đánh giá kết quả học tập của người học ; chú trọng sử dụng tích hợp nhiều phương tiện truyền đạt khác nhau (tài liệu in, băng hình/ băng tiếng ,) giúp cho người học dễ học, dễ hiểu và gây được hứng thú học tập. GDHN TKT bậc Tiểu học là tài liệu phục vụ cho công tác bồi dưỡng GV tiểu học về phương pháp GDHN HS khuyết tật theo chương trình, sách giáo khoa mới. Tài liệu gồm 5 tiểu mô đun được sắp xếp theo từng vấn đề liên quan đến phương pháp dạy HS khuyết tật và 10 trích đoạn băng hình. - Phần tài liệu in : Mỗi tiểu mô đun được cấu trúc theo các phần : mục tiêu, nội dung và đánh giá kết quả học tập của học viên. Tài liệu “GDHN TKT bậc Tiểu học ” giúp GV : + Nắm được khái niệm về TKT và các loại tật. + Vận dụng được các phương pháp, kĩ năng đặc thù vào dạy HS khuyết tật. Nội dung của tài liệu in gồm : + Tiểu mô đun 1. Đại cương về GDHN TKT (28 tiết). + Tiểu mô đun 2. Giáo dục hoà nhập trẻ khiếm thị (24 tiết). + Tiểu mô đun 3. Giáo dục hoà nhập trẻ khiếm thính (24 tiết). + Tiểu mô đun 4. Giáo dục hoà nhập trẻ chậm phát triển trí tuệ (24 tiết). + Tiểu mô đun 5. Giáo dục hoà nhập trẻ TKT ngôn ngữ (20 tiết). − Phần tài liệu nghe nhìn gồm băng hình và tài liệu hướng dẫn học theo băng hình : là những trích đoạn hướng dẫn người học tìm hiểu đặc điểm, nhu cầu và khả năng của trẻ có các dạng khuyết tật khác nhau, những bài học trong lớp có HS khuyết tật học hoà nhập. Khi tiến hành bồi dưỡng theo tài liệu này, các địa phương cần tổ chức cho GV học theo hình thức tự học có hướng dẫn để phát huy tính tích cực chủ
- động của người học. Tài liệu chỉ đưa ra thời lượng tối thiểu để bồi dưỡng cho từng tiểu mô đun. Tuỳ vào tình hình cụ thể của học viên và điều kiện học tập của từng địa phương, các cấp quản lí giáo dục sẽ quyết định thời lượng bồi dưỡng từng tiểu mô đun cho phù hợp. Lần đầu tiên, tài liệu được biên soạn theo chương trình và phương pháp mới, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Ban điều phối Dự án rất mong nhận được những ý kiến đóng góp chân thành của bạn đọc, đặc biệt là đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường Sư phạm, GV tiểu học trong cả nước. Xin trân trọng cảm ơn ! Dự án Phát triển giáo viên Tiểu học Tổng quan về tài liệu I. Mục tiêu chung • Trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản nhất về TKT và các dạng khuyết tật khác nhau : khái niệm, đặc điểm nhận thức, những khả năng và nhu cầu của trẻ ; những kiến thức đại cương về giáo dục TKT. • Cung cấp cho học viên những phương pháp, kĩ năng đặc thù dạy TKT ở các dạng khác nhau nhằm phát huy tối đa những khả năng còn tiềm ẩn của TKT. • Chủ động và biết cách tổ chức cũng như vận động các lực lượng xã hội tham gia vào công tác giáo dục TKT. • Tin tưởng vào khả năng dạy học của mình và khả năng phát triển, hoà nhập xã hội của HS khuyết tật. II. Thời lượng học 8 đvht = 120 tiết III. Nội dung 1. Nội dung tài liệu viết 1.1. Đại cương về GDHN TKT (28 tiết) 1.2. Giáo dục hoà nhập trẻ khiếm thị (24 tiết) 1.3. Giáo dục hoà nhập trẻ khiếm thính (24 tiết) 1.4. Giáo dục hoà nhập trẻ chậm phát triển trí tuệ (24 tiết) 1.5. Giáo dục hoà nhập ngôn ngữ (20 tiết)
- 2. Nội dung băng hình 2.1. Trẻ khuyết tật trong môi trường GDHN 2.2. Hợp tác nhóm trong lớp hoà nhập 2.3. Khả năng và nhu cầu của trẻ khiếm thị 2.4. Khả năng học hoà nhập của trẻ khiếm thị 2.5. Khả năng và nhu cầu giao tiếp của trẻ khiếm thính 2.6. Kĩ năng dạy trẻ khiếm thính 2.7. Khả năng, nhu cầu học tập và phát triển của trẻ chậm phát triển trí tuệ 2.8. Kĩ năng dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ 2.9. Giáo dục hoà nhập TKT ngôn ngữ 2.10. Phương pháp rèn luyện phát triển khả năng phát âm Trong mỗi trích đoạn băng hình được sử dụng cho học viên tìm hiểu nhu cầu, khả năng của từng đối tượng HS cũng như vận dụng những kĩ năng đặc thù trong quá trình dạy học. IV. Phương pháp học theo tài liệu • Tài liệu được biên soạn với nhiều hình thức học tập khác nhau • Học tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. • Tự học và tìm hiểu theo nhóm dưới sự hướng dẫn của những người đã trải nghiệm. • Tự học kết hợp với trao đổi nhóm và thực hành tại các cơ sở giáo dục. Các từ ngữ viết tắt Giáo dục hoà nhập – GDHN Học sinh – HS Giáo viên – GV Trẻ khuyết tật – TKT Máy trợ thính – MTT Chữ cái ngón tay – CCNT Ngôn ngữ kí hiệu – NNKH Trẻ chậm phát triển trí tuệ – TCPTTT Trẻ khuyết tật ngôn ngữ - TKTNN Sử dụng âm tiết trung gian – SDÂTTG
- TIỂU MÔ ĐUN 1 - 28 tiết ĐẠI CƯƠNG VỀ GIÁO DỤC HOÀ NHẬP TRẺ KHUYẾT TẬT 1. MỤC TIÊU Kiến thức - Trình bày các khái niệm : TKT, GDHN, nhóm hỗ trợ cộng đồng, vòng bạn bè ; - Mô tả các nhu cầu và khả năng của TKT ; - Phân tích tính tất yếu và mô tả quy trình GDHN TKT ; - Trình bày được vai trò của nhóm hỗ trợ cộng đồng và vòng bạn bè của TKT. Kĩ năng - Xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho TKT ; - Thiết kế và thực hiện bài học cho lớp học hoà nhập TKT. Thái độ - Thể hiện sự tin tưởng vào khả năng phát triển và hoà nhập xã hội của TKT ; - Chủ động hợp tác với các lực lượng cộng đồng tham gia/ủng hộ GDHN. 2. NỘI DUNG Chủ đề 1 : Khái niệm TKT và GDHN (4 tiết) Chủ đề 2 : Quy trình GDHN TKT (8 tiết) Chủ đề 3 : Dạy học hoà nhập TKT (13 tiết) Chủ đề 4 : Cộng đồng tham gia GDHN (3 tiết)
- CHỦ ĐỀ 1 (4 tiết) KHÁI NIỆM TRẺ KHUYẾT TẬT VÀ GIÁO DỤC HOÀ NHẬP 1. MỤC TIÊU Kiến thức - Trình bày được khái niệm TKT, nhu cầu đặc thù của các nhóm TKT ; - Chứng minh sự tồn tại của TKT là một thực tế khách quan ; - Nêu được các quan điểm và hình thức giáo dục TKT ; - Trình bày được khái niệm GDHN ; - Chứng minh được tính tất yếu của việc thực hiện GDHN. Kĩ năng - Nhận biết được TKT và nhu cầu đặc thù của các em ; - Phân biệt được các hình thức giáo dục TKT trong thực tế ; - Chứng minh được tính ưu việt của GDHN. Thái độ Thể hiện sự tin tưởng vào khả năng học tập của TKT và ủng hộ GDHN. 2. NỘI DUNG 2.1. Khái niệm TKT 2.2. Sự tồn tại khách quan của TKT trong cộng đồng 2.3. Các quan điểm và hình thức giáo dục TKT 2.4. Các đặc trưng cơ bản và tính tất yếu của GDHN 3. CHUẨN BỊ - Trích đoạn băng hình về thái độ và hành động với GDHN ; - Giấy trong và máy chiếu để giảng viên trình bày nội dung chính ; - Giấy A0, A4 dùng cho thảo luận nhóm. 4. HOẠT ĐỘNG 4.1. Nội dung 1 : Khái niệm trẻ khuyết tật Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu khái niệm về TKT (toàn lớp ; 15 phút). - Hãy nêu các trường hợp TKT mà bạn biết (cả lớp mô tả ít nhất 5 trường hợp TKT). - Qua ví dụ các trường hợp trên, bạn hãy cho biết TKT là những trẻ em như thế nào ?
- THÔNG TIN PHẢN HỒI - TKT là những trẻ em do những tổn thương về cơ thể hoặc rối loạn các chức năng nhất định gây nên những khó khăn đặc thù trong các hoạt động vui chơi, học tập, lao động. - Căn cứ vào dạng khó khăn đặc thù của TKT, người ta chia ra các nhóm TKT chính : 1) Trẻ khó khăn về nhìn (khiếm thị) 2) Trẻ khó khăn về nghe (khiếm thính) 3) Trẻ khó khăn về học và/hoặc vận động 4) Trẻ khó khăn về nói (tật ngôn ngữ) 5) Trẻ có những khó khăn khác (gồm cả trẻ đa tật) - Ảnh minh hoạ về 5 nhóm TKT chính. Nhiệm vụ 2 Thảo luận về khả năng và nhu cầu của TKT (nhóm ; 20 phút) - TKT có thể làm được gì ? - Các em có những nhu cầu đặc thù gì ? (lấy ví dụ về 5 trường hợp đã nêu). THÔNG TIN PHẢN HỒI - TKT có thể tham gia các hoạt động như mọi thành viên khác trong cộng đồng. Tuy nhiên, trẻ có được tham gia các hoạt động đó để thể hiện và phát triển các tiềm năng của bản thân hay không tuỳ thuộc phần lớn vào sự tạo điều kiện của cộng đồng và toàn xã hội. - Để tồn tại và phát triển, TKT có những nhu cầu như mọi trẻ em khác, gồm : 1) Nhu cầu về thể chất (ăn, mặc, ở, ) 2) Nhu cầu an toàn (được che chở) 3) Nhu cầu xã hội (được giao lưu, tiếp xúc với những người xung quanh) 4) Nhu cầu được quan tâm và tôn trọng 5) Nhu cầu phát triển nhân cách Do những khó khăn đặc thù, TKT có những nhu cầu đặc thù để có thể tham gia vào các loại hình hoạt động khác nhau. Chẳng hạn, trong học tập : - Trẻ khó khăn về nhìn cần phương tiện trợ thị lực hoặc cần được tiếp nhận thông tin qua các giác quan khác (đặc biệt là xúc giác và thính giác). Chữ Braille và các sơ đồ, mô hình nổi có vai trò quan trọng trong quá trình giúp trẻ mù lĩnh hội tri thức. - Trẻ khó khăn về nghe cần các phương tiện trợ thính và môi trường nghe – nói thuận lợi, hoặc các hình thức giao tiếp qua kênh thị giác thay thế ngôn ngữ nói thuần tuý, - Trẻ khó khăn về vận động cần một “môi trường không vật cản” để có thể di chuyển một cách dễ dàng trong các hoạt động.
- - Trẻ khó khăn về học cần được hỗ trợ bằng phương tiện trực quan và được củng cố kiến thức, kĩ năng hành vi nhiều hơn mức thông thường. - Trẻ khó khăn về nói cần được giúp sửa lỗi phát âm hoặc được hướng dẫn các cách thức biểu đạt thay thế trong quá trình bài học. Nhiệm vụ 3 Thực hành về khó khăn thực tế của TKT (thực hành theo nhóm ; 20 phút) - Mỗi nhóm hãy thiết kế một trò chơi trong đó có thành viên thể hiện được dấu hiệu của một trong các dạng trẻ có khó khăn đặc thù. Ví dụ : trò chơi “bịt mắt bắt dê”, trò chơi “nói chuyện không bằng lời”, trò chơi tìm vật bị mất (cho mọi người nhìn - ghi nhớ nhanh, nhiều các đồ vật rồi che lại, lấy đi một vật, hỏi xem vật nào đã bị lấy đi), - Mỗi nhóm thể hiện trò chơi của mình trước lớp (có thể yêu cầu cả lớp cùng tham gia). - Hãy phát biểu cảm tưởng về trò chơi. Bạn có liên hệ gì trong việc dạy học đối với trẻ có khó khăn đặc biệt ? 4.2. Nội dung 2 : Sự tồn tại của TKT trong cộng đồng là một thực tế khách quan Nhiệm vụ 1 Thảo luận về sự tồn tại của TKT (nhóm ; 20 phút) - Liệt kê các nguyên nhân gây nên khuyết tật ở trẻ em và xếp chúng vào các nhóm khác nhau. - Chứng minh sự tồn tại của TKT trong cộng đồng là một thực tế khách quan. THÔNG TIN PHẢN HỒI * Nguyên nhân gây khuyết tật - Những nguyên nhân do môi trường sống : + Đói nghèo, bệnh tật chưa chấm dứt ; + Môi trường bị ô nhiễm ; + Sử dụng thuốc chữa bệnh bừa bãi ; + Các bệnh xã hội ; + Chấn thương do tai nạn, rủi ro ; + Chấn thương tinh thần ; + Chiến tranh, bạo loạn. - Những nguyên nhân do xã hội : + Xã hội không quan tâm, thờ ơ, thái độ chưa đúng mực ; + Quan niệm, thái độ đối với trẻ ; + Môi trường chưa tạo điều kiện cho trẻ phát triển.
- - Nguyên nhân bẩm sinh : + Do di truyền ; + Do sinh đẻ không bình thường ; + Do lây truyền từ cha mẹ, từ trong bào thai. - Các nguyên nhân khác : * Các nguyên nhân gây khuyết tật hết sức đa dạng, có tính khách quan. Trên thực tế, khi khắc phục được một hay một số nguyên nhân này thì vẫn còn hoặc lại nảy sinh những nguyên nhân khác. Sự tồn tại của TKT là một thực tế khách quan. Nhiệm vụ 2 Nghe giảng viên trình bày (toàn lớp ; 15 phút) - Giảng viên trình bày và phân tích sơ lược về các số liệu điều tra TKT. - Học viên nêu thắc mắc, chia sẻ tình hình thực tế tại địa phương mình. - Phản hồi, giải đáp. 4.3. Nội dung 3 : Các quan điểm và hình thức giáo dục TKT Nhiệm vụ 1 Thảo luận về quan điểm giáo dục TKT (toàn lớp ; 10 phút) Hãy nêu những quan điểm về vấn đề giáo dục TKT hiện đang tồn tại ở địa phương bạn. Phần thông tin phản hồi dưới đây như một tài liệu tham khảo. THÔNG TIN PHẢN HỒI Quan niệm trước đây mang tính tiêu cực, chủ quan, hạ thấp, thậm chí sai lệch, xuyên tạc như : - TKT là hậu quả sự trừng phạt của “thượng đế”, là số phận bất hạnh của những gia đình ăn ở thiếu đạo đức. - Gắn mác, chụp mũ, dùng những tên gọi miệt thị, xem thường TKT. - Quan niệm TKT chỉ dựa vào những biểu hiện khiếm khuyết về thể chất và tinh thần, đã làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ. Quan niệm ngày nay mang tính tích cực, khách quan hơn : - Trước hết phải thừa nhận TKT là trẻ em, như mọi trẻ em khác. - Mỗi đứa trẻ đều có những khả năng nhất định và những hạn chế nhất định trong hoạt động. - Mỗi trẻ đều có những khó khăn trong quá trình phát triển. Những khó khăn đó có cái nằm bên trong đứa trẻ, có cái nằm bên ngoài đứa trẻ (môi trường, cơ hội, hình thức, nội dung và phương pháp giáo dục chưa phù hợp).
- Nhiệm vụ 2 Trả lời câu hỏi về hình thức giáo dục (toàn lớp ; 15 phút) (tài liệu được đọc trước ở nhà) Đọc tài liệu dưới đây và trả lời các câu hỏi : Có những hình thức giáo dục TKT nào ? Mỗi hình thức tương ứng với quan điểm nào ? THÔNG TIN PHẢN HỒI Lịch sử giáo dục có từ buổi bình minh của nền văn hoá nhân loại. Trong khi đó, lĩnh vực giáo dục TKT chỉ mới ra đời từ khoảng thế kỉ XI. Trước đó, do nhận thức và quan niệm sai lầm, mê tín về người khuyết tật nên họ bị bỏ rơi trong giáo dục. Từ thế kỉ XI, một số người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dạy trong các tu viện và được học chữ. Từ đó, người ta bắt đầu tin vào khả năng có thể giáo dục người khuyết tật. Tuỳ theo quan điểm và nguồn gốc nảy sinh, đã hình thành các hình thức trường lớp khác nhau cho TKT. Đến nay đã có 3 hình thức giáo dục TKT : giáo dục chuyên biệt, giáo dục hội nhập và GDHN. Hình thức sau ra đời muộn hơn, giải quyết mâu thuẫn nội tại của các hình thức trước đó và dần thay thế các hình thức giáo dục cũ, bị lạc hậu. Giáo dục chuyên biệt : - Sự ra đời của giáo dục chuyên biệt : Xuất hiện sớm nhất trong lịch sử giáo dục TKT, từ thế kỉ XI ở các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha và một số nước châu Âu khác. - Mục tiêu của giáo dục chuyên biệt : 1) Chăm sóc, chữa trị và phục hồi chức năng 2) Dạy văn hoá và dạy nghề 3) Giám sát, quản lí - Bản chất : Mô hình y tế, coi TKT là con bệnh, chia theo dạng tật, mức độ để “chữa trị” và dạy theo phương pháp đặc thù. - Hạn chế : Trẻ bị gán mác, tách biệt, không hoà nhập được cuộc sống bình thường. Giáo dục hội nhập : - TKT được học trong lớp học chuyên biệt, đặt trong trường phổ thông bình thường. Trong quá trình giáo dục, TKT nào có “khả năng” sẽ được học chung ở một số môn học hoặc tham gia một số hoạt động cùng trẻ bình thường. Ture Johson1 đã đưa ra khái niệm về các mức độ hội nhập như sau : 1. Hội nhập về thể chất Trẻ lành và TKT được giao lưu với nhau hay cùng chơi với nhau trong một địa điểm và trong một thời gian nhất định. 2. Hội nhập về chức năng Trẻ lành và TKT được tham gia cùng nhau trong 1 Chuyên gia Liên hiệp quốc về Phục hồi chức năng
- một số hoạt động như thể thao, vẽ, 3. Hội nhập xã hội Trẻ cùng học với nhau trong một trường nhưng theo các chương trình khác nhau, có giờ học chung và học riêng tuỳ theo môn học và khả năng học của trẻ. 4. Hội nhập hoàn toàn TKT học như trẻ lành theo một chương trình cứng bắt buộc. - Vấn đề : Khi nào thì hội nhập về thể chất, khi nào hội nhập về chức năng ; ai là người quyết định cho trẻ hội nhập ở các mức đó. - Những hạn chế : + TKT chưa thực sự được hoà nhập với trẻ bình thường. + Việc học tập của TKT trong các lớp chuyên biệt theo một chương trình riêng, không trùng lặp với các lớp khác nên trẻ không thích ứng được. Kinh nghiệm Việt Nam cho thấy, đây là con đường bế tắc không có tính phát triển. Một trường Tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội đã mở 4 lớp chuyên biệt cho khoảng 60 trẻ chậm phát triển tinh thần (khó khăn trong học tập). Sau 14 năm duy trì, mô hình trên đã bộc lộ một số tồn tại sau : - Phần lớn HS không qua được cấp tiểu học ; - Trẻ lĩnh hội được rất ít các kĩ năng xã hội, khi ra trường không hoà nhập được vào xã hội. - Đầu ra cho trẻ lớn tuổi rất bế tắc, trẻ không biết làm gì. - Nhiều trẻ bị ức chế về tâm lí, không muốn học trong lớp chuyên biệt. Trong chương trình giáo dục hội nhập do UNICEF tài trợ thực hiện ở một số tỉnh thành từ năm 1991 đã mở một số lớp chuyên biệt trong trường phổ thông, nhiều lớp đã tự giải tán sau một vài năm. Chương trình giáo dục hội nhập trẻ khiếm thính cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhiều trẻ được hội nhập, sau một thời gian lại trở về với trường chuyên biệt. Giáo dục hoà nhập : GDHN là phương thức giáo dục, trong đó TKT cùng học với trẻ em bình thường trong trường phổ thông ngay tại nơi trẻ sinh sống. GDHN xuất phát từ quan điểm xã hội về giáo dục, coi nhà trường như một xã hội thu nhỏ và phản ánh tính chất đa dạng của xã hội, vì vậy môi trường giáo dục phổ thông được chú ý cải thiện sao cho đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi HS, kể cả những HS có khó khăn đặc thù. Đây là mô hình giáo dục tiến bộ nhất được biết đến trong lĩnh vực giáo dục TKT. 4.4. Nội dung 4 : Các đặc trưng cơ bản và tính tất yếu của GDHN
- Nhiệm vụ 1 Đọc phần tài liệu dưới đây. Sau đó thảo luận nhóm trả lời các câu hỏi : (cá nhân & nhóm ; 25 phút) - GDHN có những dấu hiệu đặc trưng nào ? - Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy GDHN làm phương hướng giải quyết vấn đề quyền được học tập của TKT ? THÔNG TIN PHẢN HỒI Các đặc trưng của GDHN - Giáo dục cho mọi đối tượng HS. Đây là tư tưởng chủ đạo, yếu tố đầu tiên thể hiện bản chất của GDHN. Trong GDHN không có sự tách biệt giữa HS với nhau. Mọi HS đều được tôn trọng và đều có giá trị như nhau. - Học ở trường nơi mình sinh sống. - Mọi HS được hưởng một chương trình giáo dục phổ thông. Điều này vừa thể hiện sự bình đẳng trong giáo dục, vừa thể hiện sự tôn trọng. - Điều chỉnh chương trình, đổi mới phương pháp dạy học và thay đổi quan điểm, cách đánh giá là vấn đề cốt lõi giúp GDHN đạt hiệu quả cao nhất. - Điều chỉnh chương trình là việc làm tất yếu của GDHN, có điều chỉnh chương trình cho phù hợp thì mới đáp ứng cho mọi trẻ em có nhu cầu, năng lực khác nhau. - GDHN không đánh đồng mọi trẻ em như nhau. Mỗi đứa trẻ là một cá nhân, một nhân cách có năng lực khác nhau, cách học khác nhau, tốc độ học cũng không như nhau. Vì thế, điều chỉnh chương trình cho phù hợp là cần thiết. - Dạy học một cách sáng tạo, tích cực và hợp tác. Đó là mục tiêu của dạy học hoà nhập. - Dạy học hoà nhập sẽ tạo ra được cho trẻ kiến thức chung, tổng thể, cân đối. Muốn thế, phương pháp dạy học phải có hiệu quả và đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của HS. - Muốn dạy học có hiệu quả, kế hoạch bài giảng phải cụ thể, chú trọng áp dụng phương pháp học hợp tác. Phải biết lựa chọn phương pháp và sử dụng đúng lúc : phương pháp đồng loạt, phương pháp đa trình độ, phương pháp trùng lập giáo án, phương pháp thay thế, phương pháp cá biệt. Tính tất yếu của GDHN Giáo dục hoà nhập là một xu thế, một sự tất yếu của thời đại. Tại Hội nghị về giáo dục cho TKT tại Agra, Ấn Độ (3/1998) do UNESCO tổ chức đã khẳng định xu hướng GDHN cho mọi trẻ em. Những nội dung sau đây sẽ lí giải tại sao phải tiến hành GDHN cho mọi trẻ em, trong đó có TKT. * Đáp ứng mục tiêu giáo dục UNESCO đã đề ra 4 mục tiêu đào tạo con người như sau :
- - Học để làm người ; - Học để biết ; - Học để làm ; - Học để cùng chung sống. * Thay đổi quan điểm giáo dục - Môi trường giáo dục cần thay đổi để đáp ứng nhu cầu đa dạng của trẻ em, phát huy tối đa tiềm năng của trẻ chứ không phải bắt đứa trẻ phải đáp ứng các điều kiện của môi trường. - Không có trẻ em không học được, chỉ có môi trường và phương pháp giáo dục chưa phù hợp. * Tính hiệu quả - Xoá bỏ mặc cảm ; - Giao tiếp phát triển nhanh ; - Phát triển tính độc lập ; - Học được nhiều hơn ; - Đi học gần nhà ; - Có nhiều bạn bè ; - Hội nhập dễ dàng ; - Có cơ hội tìm việc làm ; - Học cách giao tiếp ; - Hiểu nhau ; - Gây nhu cầu giao tiếp ; - Phát triển tư duy ; - Được phát triển tài năng ; - Được bạn bè giúp đỡ ; - Xoá bỏ dần sự lệ thuộc. * Cơ sở pháp lí - Công ước quốc tế về quyền trẻ em (điều 18, 23) : Bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi trẻ em. - Tuyên bố Salamanca (1994) : “Giáo dục là quyền của con người và những người khuyết tật cũng có quyền được học trong các trường phổ thông và các trường đó phải được thay đổi để tất cả trẻ em đều được học”. - Tuyên ngôn thế giới về giáo dục cho mọi người (1990) : “Các quốc gia phải quan tâm đến nhu cầu giáo dục đặc biệt của trẻ em khuyết tật và tạo điều kiện bình đẳng trong giáo dục cho mọi TKT như là một bộ phận thiết yếu của hệ thống giáo dục quốc dân”.
- + Hiến pháp nước CHXHCNVN năm 1992 Điều 59 : “Nhà nước và xã hội tạo điều kiện cho trẻ em tàn tật được học văn hoá và học nghề phù hợp”. + Luật phổ cập Giáo dục Tiểu học ngày 16/8/1991 Điều 11 : Trẻ em là con liệt sĩ, thương binh nặng, trẻ em tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khó khăn đặc biệt, được Nhà nước và xã hội quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện cần thiết để đạt trình độ giáo dục Tiểu học. + Luật bảo vệ và Chăm sóc giáo dục trẻ em 16/8/1991 Điều 6, mục 3 : Trẻ em tàn tật, trẻ em khuyết tật, được Nhà nước và xã hội giúp đỡ trong điều trị, phục hồi chức năng để hoà nhập vào cuộc sống xã hội ; được thu nhận vào các trường lớp đặc biệt. + Pháp lệnh về người tàn tật 30/7/1998 Chương III, điều 16 : (1) Việc học tập của trẻ em tàn tật được tổ chức, thực hiện bằng các hình thức học hoà nhập trong các trường phổ thông, trường chuyên biệt dành cho người tàn tật, cơ sở nuôi dưỡng người tàn tật tại gia đình. (2) HS tàn tật có năng khiếu được ưu tiên tiếp nhận vào học tại các trường năng khiếu tương ứng. * Tính kinh tế - Đỡ tốn kém. - Huy động được nhiều trẻ đi học. GDHN là mô hình giáo dục TKT có hiệu quả nhất - TKT được học ở môi trường bình thường, học ở trường gần nhà nhất. - TKT được học cùng một chương trình giáo dục với các bạn bình thường khác. Chương trình và phương pháp ở đây sẽ được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp với nhu cầu, năng lực của các em. - Coi trọng sự cân đối giữa kiến thức và kĩ năng xã hội. - Tạo ra cơ hội, môi trường để các lực lượng tham gia giáo dục có điều kiện hợp tác với nhau vì mục tiêu chung. Nhiệm vụ 2 Xem băng hình và thảo luận (toàn lớp và nhóm ; 20 phút) - Xem băng (10 phút) : Các ý kiến từ những góc độ khác nhau phản ánh về thực tế GDHN. - Phân tích thái độ của từng nhân vật đối với GDHN (nhóm, 10 phút). Ghi nhớ: - Khái niệm TKT. - Các hình thức giáo dục TKT. - Sự tồn tại của TKT như một thực tế khách quan. - Khái niệm GDHN.
- - Đặc trưng cơ bản và tính tất yếu của GDHN 5. CÂU HỎI TỰ ĐÁNH GIÁ 1. Thế nào là TKT ? Các nhóm TKT có những nhu cầu và khả năng đặc thù nào ? 2. Nêu bản chất của các mô hình giáo dục TKT. Phân tích sâu bản chất một mô hình. 3. Nếu bạn có con bị khuyết tật, bạn sẽ chọn phương án nào ? Lí do ? - Dạy con học ở nhà. - Cho con vào trường chuyên biệt. - Cho con vào học trường phổ thông của xã. 4. Nêu các tiêu chí để xác định thế nào là GDHN ? Tại sao nói : “Môi trường GDHN là điều kiện tốt nhất để TKT phát triển hết khả năng của mình ? 5. Trong quá trình thực hiện GDHN có thể gặp những trở ngại nào ? Biện pháp khắc phục ra sao ? 6. Với tư cách là phụ huynh, Hiệu trưởng nhà trường, Giám đốc sở, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bạn có mong muốn trẻ em phải đạt được gì sau khi rời ghế nhà trường ? 7. Nếu bạn có con, cháu, người thân bị khuyết tật, bạn mong muốn những trẻ đó có cuộc sống như thế nào và họ cần có những phẩm chất gì ? 8. Hãy cho biết giáo dục hiện nay trong nhà trường có gì giống và khác so với thời bạn đi học ? 9. Vì sao nói GDHN là mô hình tiến bộ nhất ? 6. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tổ chức cứu trợ trẻ em Thuỵ Điển, Tiến tới Giáo dục hoà nhập cho mọi trẻ em - NXB Chính trị quốc gia 11/2002. 2. Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Dạy học hoà nhập cho trẻ khuyết tật. NXB Chính trị quốc gia, 5/2000. 3. Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục hoà nhập và cộng đồng. NXB Chính trị quốc gia, 2001. 4. Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục trẻ có tật tại gia đình. NXB Chính trị quốc gia, 1993. 5. Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Hỏi - đáp về giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia, 8/1999.
- CHỦ ĐỀ 2 (8 tiết) QUY TRÌNH GIÁO DỤC HOÀ NHẬP TRẺ KHUYẾT TẬT 1. MỤC TIÊU Kiến thức Trình bày được 4 bước trong quy trình GDHN. Kĩ năng - Mô tả được cách thức tìm hiểu khả năng, nhu cầu của trẻ ; - Xây dựng được mục tiêu và kế hoạch giáo dục cá nhân cho một TKT học hoà nhập ; - Mô tả những nội dung để tổ chức thực hiện GDHN TKT - Trình bày được cách thức đánh giá kết quả giáo dục TKT. Thái độ Thể hiện sự tin tưởng vào tính khoa học và hiệu quả của quy trình GDHN. 2. NỘI DUNG 2.1. Tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT (2 tiết) 2.2. Xây dựng mục tiêu và lập kế hoạch giáo dục cá nhân (3 tiết) 2.3. Tổ chức thực hiện (2 tiết) 2.4. Đánh giá kết quả giáo dục TKT (1 tiết) 3. CHUẨN BỊ - Tài liệu mô đun ; - Băng hình ; - Máy chiếu, giấy trong, giấy A0, A4 để thảo luận nhóm. 4. HOẠT ĐỘNG 4.1. Nội dung 1 : Tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT (2 tiết) Nhiệm vụ 1 Thảo luận về khả năng và nhu cầu TKT (nhóm ; 20 phút) TKT có những nhu cầu và khả năng gì ? THÔNG TIN PHẢN HỒI TKT trước hết là trẻ em, các em có những nhu cầu cơ bản như mọi trẻ em khác. * Nhu cầu của TKT : - Nhu cầu về thể chất : thức ăn, nơi ở, nước uống, đủ ấm ; - Sự an toàn : đảm bảo an toàn về thân thể, tâm lí, xã hội ; không bị đe doạ từ bên ngoài; - Sự thương yêu và gắn bó của cha mẹ, anh em, bạn bè, hàng xóm ;
- - Lòng tự trọng được chấp nhận, công nhận, tôn trọng ; - Phát triển cá nhân, hoàn thiện nhân cách, sáng tạo. * Khả năng của TKT : TKT là trẻ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do các em bị thiếu hụt về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, các em cũng có những khả năng còn tiềm ẩn như : - Khả năng học tập ; - Khả năng phát triển hoạt động nhận thức ; - Khả năng sáng tạo ; - Khả năng đặc biệt : Trẻ điếc có khả năng ghi nhớ hình ảnh tốt ; trẻ mù có khả năng ghi nhớ âm thanh ; Nhiệm vụ 2 Trao đổi về khả năng và nhu cầu của TKT (toàn lớp ; 15 phút) Vì sao phải tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT trước và trong quá trình giáo dục ở nhà trường ? THÔNG TIN PHẢN HỒI Tìm hiểu khả năng và nhu cầu TKT trước và trong quá trình giáo dục để tìm những khả năng (điểm mạnh) của trẻ trong các lĩnh vực phát triển, biết những nhu cầu (khó khăn, hạn chế) của trẻ. Từ đó đề ra nội dung và phương pháp phát triển những khả năng và đáp ứng những nhu cầu cần thiết cho trẻ, giúp cho việc giáo dục TKT được nâng cao và có hiệu quả hơn. Nhiệm vụ 3 Nội dung tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT (nhóm & toàn lớp ; 20 phút) Đọc phiếu tìm hiểu khả năng, nhu cầu của TKT và trả lời câu hỏi : “Trình bày nội dung tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT.” THÔNG TIN PHẢN HỒI Nội dung tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT 1. Sự phát triển về thể chất - Sự phát triển cân đối của cơ thể (hình dáng bên ngoài). - Khả năng vận động : bò, ngồi, đứng, đi, chạy, nhảy, - Khả năng lao động : tự phục vụ, lao động giúp đỡ gia đình, - Phát triển cảm giác của cơ thể và hệ cảm ứng. 2. Khả năng ngôn ngữ - giao tiếp - Khả năng nghe - hiểu ngôn ngữ.
- - Ngôn ngữ kí hiệu (điệu bộ, cử chỉ, bắt chước). - Ngôn ngữ biểu đạt : kĩ năng phát âm ; vốn từ vựng, ngữ pháp. - Kĩ năng đọc, viết. - Khả năng giao tiếp không lời và bằng lời. 3. Khả năng nhận thức - Khả năng nhận thức cảm tính. - Khả năng nhận thức lí tính. - Khả năng phán đoán, giải quyết vấn đề. - Khả năng hiểu biết về con người, thế giới vật chất, phương tiện, công cụ - Khả năng học tập văn hoá, lao động, học nghề 4. Quan hệ xã hội - Mối quan hệ : trẻ – trẻ ; trẻ – nhóm ; trẻ – cộng đồng ; - Hành vi ứng xử, cảm xúc, tình cảm, - Khả năng thích ứng, đáp ứng những quy định của gia đình, xã hội. - Khả năng hội nhập với cộng đồng. 5. Môi trường phát triển của trẻ Môi trường ăn, ở, vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, văn hoá - xã hội. Nhiệm vụ 4 Thảo luận về phương pháp tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT (nhóm & toàn lớp ; 40 phút) Phương pháp tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT. THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Phương pháp quan sát Nhằm thu thập được nhiều thông tin về TKT như : phát hiện mặt tích cực và khó khăn của từng trẻ ; phát hiện nhu cầu cần đáp ứng. Đánh giá khả năng toàn diện của trẻ (điểm mạnh, điểm yếu của trẻ) ; lập kế hoạch giáo dục để phát triển năng lực. a) Hình thức quan sát Có 2 hình thức quan sát chính là quan sát có chủ định và quan sát không chủ định. Quan sát không chủ định là quan sát ngẫu nhiên quá trình trẻ tham gia vào các hoạt động, người quan sát không tổ chức nhưng có mục tiêu quan sát rõ ràng. Số liệu thu được qua hình thức quan sát này mang tính khách quan cao vì trẻ biểu hiện hết các năng lực và nhu cầu của mình trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. b) Điều kiện quan sát tốt
- - Xác định rõ mục đích yêu cầu và nhiệm vụ quan sát. - Chuẩn bị các mẫu ghi chép cụ thể, chi tiết, rõ ràng. - Xác định hình thức và vị trí quan sát thích hợp. - Có kế hoạch chuẩn xác. c) Tránh những sai lệch trong quan sát Không áp đặt, nhìn nhận sự việc một cách chủ quan, phiến diện, đánh giá sai lệch về sự việc. d) Kĩ năng quan sát - Cần sử dụng cả hai hình thức quan sát chủ định và không chủ định một cách linh hoạt. - Quan sát trẻ trong những môi trường khác nhau và trong các hoạt động khác nhau. - Quan sát trẻ trong trạng thái tâm lí, tình cảm khác nhau (khi vui, buồn, tức giận). - Quan sát thường xuyên mọi vấn đề xung quanh đứa trẻ. Quan sát tất cả những biểu hiện hành vi, cách cư xử, cách giao thiệp để xem xét trẻ làm gì, nói gì, hành vi ứng xử ra sao. - Theo dõi những biểu hiện trên nét mặt, cử chỉ, tư thế và điệu bộ “ngôn ngữ thân thể” của trẻ. - Chú ý những sự khác nhau về ngôn ngữ bằng lời nói với ngôn ngữ không lời. - Sau khi quan sát phải có kết luận hoàn toàn khách quan, tránh định kiến chủ quan. 2. Phương pháp phỏng vấn Nhằm thu nhận những thông tin sâu kín bên trong của trẻ như ý nghĩ, tình cảm, quan điểm, thái độ, * Các hình thức phỏng vấn a) Đàm thoại - Nắm bắt đối tượng và hướng vào mục đích. Trong lúc đàm thoại người dẫn chuyện cần hướng vào mục đích rõ ràng và cần nắm bắt các suy nghĩ của người đối thoại. - Nhạy cảm với những tình huống xuất hiện trong quá trình trao đổi. Mặt khác người dẫn chuyện cũng cần nhạy cảm với các biểu hiện về tình cảm, nắm bắt các suy nghĩ của người đối thoại. - Can thiệp một cách hợp lí, tế nhị vào quá trình đàm thoại. b) Phỏng vấn với câu hỏi định hướng Câu hỏi định hướng là tập hợp những câu hỏi hoặc những vấn đề cần phải tìm hiểu trong quá trình phỏng vấn. Những câu hỏi này cần được chuẩn bị trước để các điều tra viên thống nhất những thông tin cần phải có sau khi phỏng vấn. Câu hỏi định hướng là những vấn đề “khung”, người tiến hành phỏng vấn có thể được tự do trong cách đặt vấn đề, thứ tự các vấn đề nhưng các thông tin cần phải đáp ứng được mục tiêu phỏng vấn.
- c) Phỏng vấn theo các câu hỏi chuẩn bị sẵn Người phỏng vấn xây dựng sẵn các câu hỏi, và tiến hành phỏng vấn theo trật tự các câu đã được sắp xếp theo một trình tự nhất định. * Kĩ năng phỏng vấn a) Kĩ năng lắng nghe - Tập trung - tập trung hoàn toàn vào người nói. - Nghe nhiều hơn nói. - Sử dụng tốt các kĩ năng ngôn ngữ thân thể : nụ cười, ánh mắt biểu đạt sự đồng cảm, gật đầu, nghiêng về phía người được phỏng vấn, giọng nói nhỏ và dễ nghe. - Tỏ ra thân thiện (cởi mở và hữu ích) với thái độ tốt. - Tạo ra bầu không khí dễ chịu. - Nhớ chính xác những điều đã được nói ra. - Phản ánh lại những ý kiến và cảm giác để đảm bảo bạn đã hiểu chính xác. - Kiểm tra lại với người được phỏng vấn. - Tránh phân tích và giải thích quá mức. b) Kĩ năng đặt câu hỏi - Đưa ra những câu hỏi thích hợp vào thời điểm thích hợp và đúng cách. - Bắt đầu bằng câu hỏi chung ngắn gọn để kích thích sự bày tỏ cao nhất về những suy nghĩ và cảm xúc. - Tiếp theo dùng các câu hỏi có trọng tâm nhằm thu được thông tin chính xác và tập trung hơn nữa vào chủ đề. - Tránh những câu hỏi “bế tắc” như câu hỏi “có” hoặc “không” - Những câu hỏi tốt là những câu đơn giản, rõ ràng, cụ thể, có liên quan với mục đích tìm hiểu. - Người phỏng vấn phải dùng các câu hỏi trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào hình thức nào là phù hợp với cuộc đối thoại. c) Kĩ năng thăm dò - Người kiểm tra phải xem xét cẩn thận để phát hiện thêm. - Kĩ năng khai thác được áp dụng khi thông tin do người được khảo sát đưa ra không chính xác, không rõ ràng, không nhất quán với các thông tin đã đưa ra trước đó. d) Kĩ năng chỉ đạo - Dẫn dắt và kiểm soát câu chuyện đi đúng hướng. - Đưa cuộc phỏng vấn đi sát vào chủ đề - Sử dụng thời gian một cách hợp lí.
- Nếu như câu trả lời của người được phỏng vấn lạc đề thì người phỏng vấn cần nhắc lại hoặc nói rõ về câu hỏi. Nhiệm vụ 5 Thảo luận về nhu cầu và năng lực của TKT (nhóm ; 15 phút) - Xem lại tất cả các nhu cầu và năng lực của từng TKT đã được tìm hiểu. - Sắp xếp lại những nhu cầu cần đáp ứng ưu tiên theo thứ tự (giải thích tại sao ?). - Những nhu cầu nào tự đáp ứng, cần hỗ trợ từ bên ngoài, hỗ trợ những gì ? GV trợ giúp hướng dẫn các nhóm trình bày kết quả thảo luận dựa trên ví dụ cụ thể về TKT. 4.2. Nội dung 2 : Xây dựng mục tiêu và lập kế hoạch giáo dục cá nhân (2 tiết) Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu mục tiêu và kế hoạch giáo dục cá nhân TKT (toàn lớp ; 10 phút) Mục tiêu và kế hoạch giáo dục cá nhân là gì ? Vì sao phải lập kế hoạch giáo dục cá nhân TKT ? THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Mục tiêu giáo dục là gì ? - Mục tiêu giáo dục là định hướng kết quả giáo dục cần đạt được thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong điều kiện, thời gian nhất định. - Các loại mục tiêu : Căn cứ vào tiến trình giáo dục có 2 loại mục tiêu : + Mục tiêu dài hạn : là kết quả giáo dục trong thời gian dài như học kì, năm học hoặc cấp học, bậc học. + Mục tiêu ngắn hạn : là kết quả giáo dục cần đạt được trong thời gian ngắn như một tiết học, một tuần, một tháng. - Cách xây dựng mục tiêu giáo dục. Khi xây dựng mục tiêu giáo dục cho TKT, GV phải căn cứ vào : nội dung chương trình giáo dục ; khả năng và nhu cầu của trẻ ; các cấp độ nhận thức (theo mô hình Bloom) ; điều kiện thực tế của địa phương. Khi xây dựng mục tiêu cho một TKT cần theo 5 nội dung : hoà nhập xã hội ; kiến thức (các môn học) ; hành vi ứng xử, giao tiếp, giáo dục tự phục vụ, lao động, nghề nghiệp ; phát triển các khả năng. Mục tiêu giáo dục TKT do GV và phụ huynh HS cùng nhóm hỗ trợ xây dựng. Mục tiêu được xây dựng cần mang tính tổng thể để có thể được thực hiện không chỉ trong môi trường lớp học mà trong cả môi trường cộng đồng. 2. Kế hoạch giáo dục cá nhân
- Kế hoạch giáo dục cá nhân là một phương tiện trợ giúp cho việc lên kế hoạch giảng dạy của GV. Đó là cơ sở của phương pháp sư phạm mà GV sử dụng. Trong công tác giáo dục TKT việc lập kế hoạch giáo dục cá nhân là rất cần thiết và quan trọng đối với mỗi trẻ bởi vì kế hoạch giáo dục cá nhân nhằm xác định rõ mục tiêu giáo dục, đề ra những phương pháp, cách tiến hành để đạt được mục tiêu và chỉ ra những dịch vụ hỗ trợ cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu của trẻ. Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu quan điểm xây dựng mục tiêu và kế hoạch giáo dục cá nhân TKT (nhóm ; 25 phút) Khi xây dựng mục tiêu và kế hoạch giáo dục cá nhân cho TKT, cần dựa trên những quan điểm nào ? THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Quan điểm bình đẳng - Quyền được giáo dục. - Quyền bình đẳng về cơ hội : Trẻ em không giống nhau, do đó không nên đối xử cào bằng, mà phải theo nhu cầu, năng lực để đạt được mục tiêu chung. - Quyền tham gia xã hội : Làm thế nào để trẻ không cảm thấy bị hạn chế trong khi được giáo dục, được tham gia mọi hoạt động bình thường trong môi trường học tập với mọi trẻ em. 2. Quan điểm phát triển - Bất cứ TKT nào cũng có khả năng phát triển. - Quy luật bù trừ của TKT. - Sự phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc phần lớn vào phương pháp giáo dục của người lớn. 3. Quan điểm tiếp cận đối với giáo dục phổ thông Trong GDHN, TKT cùng với trẻ em khác được học chung một chương trình. GV nêu mục tiêu đề ra cho từng trẻ cũng phải đảm bảo nguyên tắc tiếp cận với mục tiêu cấp học, lớp học của phổ thông. Nhiệm vụ 3 Tìm hiểu căn cứ xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân (nhóm ; 25 phút) Khi xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho TKT cần dựa trên những cơ sở nào ? THÔNG TIN PHẢN HỒI Kế hoạch giáo dục cá nhân là kế hoạch những hoạt động giáo dục trong thời gian trẻ học ở trường để đạt được mục tiêu đã xác định. Khi lập kế hoạch giáo dục phải căn cứ vào :
- - Mục tiêu đã xây dựng. - Dựa vào những mặt mạnh (khả năng), khó khăn (nhu cầu) và sở thích của trẻ. - Kết quả tìm hiểu khả năng và nhu cầu của trẻ được tóm tắt như sau : + Sự phát triển thể chất : khả năng vận động, sự phát triển các giác quan, khả năng lao động. + Khả năng ngôn ngữ giao tiếp : đặc điểm vốn từ ; khả năng phát âm ; khả năng nghe, khả năng nói ; khả năng đọc, viết, giao tiếp. + Khả năng nhận thức : khả năng hiểu biết ; khả năng nghe nhìn ; khả năng nhớ ; khả năng tư duy ; khả năng học ; khả năng thực hiện nhiệm vụ. + Khả năng hoà nhập : quan hệ bạn bè ; quan hệ với tập thể ; khả năng hoà nhập cộng đồng. + Môi trường giáo dục. Nhiệm vụ 4 Thực hành xây dựng mục tiêu và lập kế hoạch giáo dục cá nhân TKT (nhóm ; 30 phút) Lấy ví dụ về một trường hợp TKT. Xây dựng mục tiêu và lập kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ đó trong một học kì. Kế hoạch giáo dục cá nhân vừa lập gồm có những thành phần nào ? THÔNG TIN PHẢN HỒI Nội dung kế hoạch giáo dục thể hiện ở các phần sau : - Nội dung hoạt động : là những hoạt động nhằm giúp trẻ đạt mục tiêu. - Cách tiến hành : là những biện pháp, điều kiện để thực hiện hoạt động đó đạt kết quả. - Thời gian thực hiện : thời gian để hoàn thành hoạt động. - Người thực hiện : là những người giúp trẻ hoàn thành được hoạt động. - Đánh giá kết quả : tối thiểu với mục tiêu yêu cầu đã đề ra, đã đạt được mức độ nào ? Sau mỗi hoạt động trong kế hoạch cần rút kinh nghiệm, đánh giá kết quả và cần điều chỉnh, bổ sung cho phần kế hoạch tiếp theo như thế nào ? Kế hoạch giáo dục cho từng trẻ phải được chi tiết trong từng tháng, từng học kì và cả năm học. Mẫu kế hoạch giáo dục cá nhân (xem phần phụ lục). 4.3. Nội dung 3 : Tổ chức thực hiện (2 tiết) Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu những vấn đề cơ bản cần giải quyết trong công tác GDHN cho TKT (nhóm ; 10 phút) Theo bạn, để thực hiện công tác GDHN cho TKT trong trường tiểu học cần phải giải quyết những vấn đề cơ bản nào ?
- THÔNG TIN PHẢN HỒI - Điều chỉnh chương trình. - Đổi mới phương pháp dạy học. - Quản lí hành vi. - Xây dựng môi trường giáo dục, dạy học phù hợp. - Huy động sự tham gia của các lực lượng cộng đồng. - Quản lí hồ sơ. - Xây dựng vòng bạn bè. Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu hành vi bất thường của TKT (cá nhân & toàn lớp ; 20 phút). Trình bày những biểu hiện hành vi bất thường của TKT và nêu cách giải quyết. THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Những biểu hiện hành vi bất thường của TKT a) Biểu hiện qua vận động các bộ phận cơ thể - Trẻ đi lại, ra vào tự do trong lớp. - Khi không vừa ý, trẻ có thể đấm đá, xô đẩy hoặc ăn vạ, chọc tay vào mắt. - Ngồi không yên, gật gù, lắc người, vận động tay chân liên tục, - Trẻ có thể đập phá đồ đạc khi chơi. - Trẻ có thể vệ sinh không đúng nơi. - Trẻ từ chối sự chăm sóc, vỗ về của người khác bằng cách lẩn tránh, b) Biểu hiện bằng sự im lặng - Trẻ ngồi uể oải, buồn chán - im lặng. - Không nói với người xung quanh. - Không thực hiện nhiệm vụ. - Không phản ứng lại thậm chí khi bị trêu chọc. c) Biểu hiện bằng âm thanh, lời nói - Trẻ nói tự do trong giờ học. - Trẻ có thể la hét, gào thét không rõ nguyên nhân. - Trẻ có thể nói lẩm bẩm một mình. - Trẻ có thể khóc hoặc hờn dỗi. 2. Biện pháp giáo dục hành vi cho TKT
- a) Xây dựng mối quan hệ tốt với trẻ - Không định kiến với trẻ khi trẻ có hành vi bất thường. - Yêu thương, quan tâm, chăm sóc trẻ thường xuyên tạo niềm tin để trẻ cảm thấy không bị bỏ rơi và đem lại sự đảm bảo an toàn. - Tìm ra nguyên nhân trẻ có hành vi không phù hợp thì mới có biện pháp khắc phục. b) Hình thành cho TKT một số kĩ năng sống đơn giản Trẻ bình thường có thể tự học được rất nhiều việc, cử chỉ hành vi tốt trong cuộc sống (học bằng cách ngầm định). Với TKT, ngay cả những việc đơn giản nhất cũng phải dạy thì trẻ mới biết được. Vì vậy, cần hình thành cho trẻ một số kĩ năng hằng ngày để giúp trẻ hạn chế những hành vi bất thường như : - Kĩ năng tự phục vụ, chăm sóc bản thân. - Lịch sự khi chào hỏi, trả lời. - Ý thức giúp đỡ người khác. - Có ý thức thái độ đối với công việc. - Biết nhận xét để đưa ra sự lựa chọn. c) Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động, trò chơi hấp dẫn - Trẻ thấy được trách nhiệm của mình là thành viên của nhóm và được quyền tham gia. - Có cơ hội hỗ trợ giúp đỡ nhau. - Hạn chế tối đa thời gian rỗi để nghịch, quậy phá. - Trẻ có cơ hội tìm kiếm, khám phá điều mới. d) Dạy cho trẻ hiểu biết về nội quy lớp học (giải thích rõ và minh hoạ cụ thể những điều khoản của nội quy lớp học) - Đi học đúng giờ, vào học và nghỉ học lúc mấy giờ, - Nghỉ học phải xin phép. - Giữ gìn vệ sinh, trật tự trong lớp. - Tích cực tham gia học tập. - Kính thầy, mến bạn. - Giúp đỡ lẫn nhau. e) Động viên, khen thưởng nêu gương tốt - Khi trẻ có hành vi tốt, nên động viên kịp thời. - Không chê bai mắng nhiếc trẻ trước tập thể khi trẻ có hành vi không phù hợp. - Động viên khen thưởng có thể bằng lời, bằng hành động cử chỉ hay bằng hiện vật. g) Sử dụng hình phạt
- Phần lớn trẻ em không thích những hình phạt đặc biệt là hình phạt liên quan đến thân thể. Tuy nhiên, đối với những trẻ có hành vi vượt quá giới hạn cho phép và diễn ra nhiều lần thì đôi khi cần có hình thức phạt phù hợp để giáo dục, răn đe. Khi sử dụng hình phạt tránh làm cho trẻ lo lắng, tức giận tạo ra sự căng thẳng dẫn đến việc trẻ chống đối. Khi dùng hình phạt, GV phải suy nghĩ và tôn trọng nhân phẩm của trẻ. Sử dụng hình phạt với mục đích làm tăng động cơ thúc đẩy trẻ thay đổi hành vi không phù hợp và tăng cường mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa trò với trò. Nhiệm vụ 3 Tìm hiểu về sự tham gia của TKT (nhóm ; 20 phút) Làm thế nào để tăng cường sự tham gia của TKT trong hoạt động ngoài lớp học ? THÔNG TIN PHẢN HỒI Thực tế khi tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, tham quan du lịch, cắm trại, thực hành, TKT thường ít tham gia, bởi vì chúng không hiểu hoặc hiểu rất ít mục đích, ý nghĩa của hoạt động một cách rõ ràng. Mặt khác, đa số TKT khi tham gia gặp nhiều khó khăn về nhận thức, cách chơi, dẫn đến ngại giao lưu hoà nhập. Đa phần trẻ thích chơi tha thẩn một mình, hoặc tìm kiếm những trò chơi, những hoạt động theo mục đích, ý đồ riêng của mình. Số khác lại hoạt động quá mức, nhất là trẻ cường tính hay quậy phá, không được bạn bè ưa thích, nên cũng dễ bị loại ra khỏi các hoạt động vui chơi, học tập, thực hành ngoài lớp. Để tổ chức quản lí tốt những hoạt động ngoài lớp tạo điều kiện cho TKT cũng được tham gia, GV cần lưu ý một số điểm sau : - Nắm vững đặc điểm tâm sinh lí, cá tính, khả năng, nhu cầu của TKT. Trên cơ sở đó bố trí cho trẻ tham gia và những hoạt động phù hợp, giao cho trẻ những công việc thật cụ thể, chi tiết mà trẻ có thể làm được. - Động viên mọi thành viên trong nhóm chơi phải có tinh thần trách nhiệm, giúp đỡ, lôi cuốn, tạo điều kiện thuận lợi để TKT cũng được tham gia vui chơi. - Tạo môi trường thuận lợi, phong phú, đa dạng và tương đối phù hợp với tình trạng của TKT để các em có thể tham gia được dễ dàng. - Khi tiến hành tổ chức những hoạt động ngoài lớp, GV phải chú ý xây dựng nhóm bạn bè gồm những em có trách nhiệm, theo dõi, quản lí, giúp đỡ TKT nhất là hoạt động đi tham quan du lịch và lao động ở vườn trường có sử dụng công cụ lao động như xẻng, cuốc, dao, liềm, - GV cũng như tập thể nhóm, lớp phải chú ý động viên khuyến khích kịp thời khi TKT hoàn thành một nhiệm vụ dù công việc đó nhỏ bé, bình thường so với trẻ khác, nhưng đối với TKT đó là một việc làm có nhiều cố gắng và tiến bộ. - Để trẻ tự lựa chọn, tự nguyện tham gia vào các hoạt động mà trẻ ưa thích, hợp khả năng, tránh gò ép, tạo cho trẻ tâm thế thoải mái, nhẹ nhàng.
- - TKT cần được tổ chức vui chơi, hoạt động ngoài lớp càng nhiều càng tốt nhằm mục đích tạo điều kiện cho trẻ phát triển kĩ năng giao tiếp, ứng xử và rèn luyện kĩ năng sống, kĩ năng xã hội. - Thông qua các hoạt động ngoài lớp còn giúp cho trẻ củng cố phát triển lòng tự trọng, tự tin, rèn luyện kĩ năng vận động, nghe, nhìn, nói, hiểu, ứng xử kịp thời với các tình huống. Nhiệm vụ 4 Trao đổi về vai trò của GV chủ nhiệm (nhóm ; 15 phút) Để tổ chức tốt hoạt động GDHN cho TKT trong trường tiểu học, GV chủ nhiệm cần phải làm gì ? THÔNG TIN PHẢN HỒI - Làm hồ sơ theo dõi tiến bộ của trẻ bao gồm : sổ theo dõi, sơ yếu lí lịch trẻ, phiếu tìm hiểu khả năng nhu cầu của trẻ, kế hoạch giáo dục ngắn hạn và dài hạn. - Làm sổ liên lạc với gia đình để ghi chép những thông tin về trẻ, phối kết hợp giáo dục với cha mẹ trẻ. - Xây dựng “vòng bạn bè” ngay từ đầu năm học để tạo ra bầu không khí thân mật, thương yêu giúp đỡ TKT ngay từ khi trẻ mới biết nhau. - Giao trách nhiệm cụ thể cho từng nhóm và yêu cầu nhóm bàn bạc, tìm biện pháp giúp đỡ TKT như : nhóm bạn học ở nhà, nhóm cùng đi học, nhóm học trên lớp, nhóm cùng vui chơi ngoài giờ học, - Tìm hiểu trong cộng đồng xung quanh trẻ những người có tấm lòng, có tình thương thật sự với trẻ, thành lập nhóm hỗ trợ cộng đồng với tinh thần tình nguyện tự giác. - Biết được đặc điểm bệnh tật của trẻ, biện pháp khắc phục khi trẻ lên cơn như trẻ bị động kinh, trẻ bị co giật, Có hiểu biết chút ít về cách chữa trị và luyện tập phục hồi chức năng cho trẻ để phối hợp với y tế cùng điều trị hoặc hướng dẫn gia đình và ngay cả bạn bè trẻ cách phòng ngừa và khắc phục khi trẻ có biểu hiện bệnh tật. Tránh để xảy ra các tai nạn như ngã, chết đuối, - Xây dựng tập thể lớp có ý thức trách nhiệm, thái độ đoàn kết thương yêu giúp đỡ bạn bị khuyết tật. - Biết điều chỉnh nội dung chương trình và yêu cầu phù hợp với khả năng của trẻ, tránh yêu cầu quá mức gây căng thẳng ức chế cho trẻ hay hạn chế, bớt xén kiến thức. - Tổ chức cho trẻ tham gia học tập cùng trẻ bình thường một cách thoải mái, nhẹ nhàng. - Phát hiện những điểm tiến bộ hằng ngày của trẻ để động viên kịp thời, gây hứng thú cho trẻ tham gia học tập tốt hơn. - Thiết lập và duy trì mối quan hệ với các đồng nghiệp trong trường, ngoài trường để trao đổi học tập kinh nghiệm của nhau về cách quản lí tổ chức giáo dục TKT học hoà nhập ngày càng có hiệu quả hơn. - Thường xuyên báo cáo kết quả giáo dục trẻ với Ban Giám hiệu, đặc biệt là hiệu trưởng để tranh thủ sự giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện quản lí lớp học tốt hơn.
- Nhiệm vụ 5 Học viên làm bài tập : (cá nhân ; 15 phút) Đề bài : Để tổ chức tốt việc GDHN cho TKT ở địa phương mình theo anh (chị) cần phải làm gì ? 4.4. Nội dung 4 : Đánh giá kết quả giáo dục TKT (2 tiết) Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu quan điểm đánh giá TKT (nhóm ; 25 phút) Theo bạn, có cần thiết đánh giá kết quả giáo dục TKT không ? Có những quan điểm đánh giá nào ? THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Sự cần thiết đánh giá kết quả giáo dục TKT Trong giáo dục TKT việc đánh giá kết quả giáo dục là rất cần thiết bởi vì việc đánh giá kết quả giáo dục TKT có một ý nghĩa rất lớn giúp cho trẻ phát triển. Qua đánh giá thấy được mặt tích cực, mặt mạnh mà trẻ đạt được trong quá trình giáo dục, đồng thời cũng phản ánh những hạn chế mà trẻ còn gặp phải. Đề xuất các biện pháp giúp trẻ phát triển. 2. Quan điểm đánh giá kết quả giáo dục TKT a) Đánh giá theo quan điểm tổng thể Là đánh giá kết quả giáo dục TKT theo kết quả nhiều mặt, không nên chỉ đánh giá theo một khía cạnh, phương diện nào. b) Đánh giá theo quan niệm tích cực, phát triển Mỗi trẻ đều có mặt mạnh, mặt yếu, không một ai hoàn thiện “mười phân vẹn mười”. Với TKT điều này thể hiện rất rõ. Tuy trẻ có những mặt yếu hơn nhưng trẻ cũng có những mặt mạnh so với trẻ khác cùng lứa tuổi. Do đó, trong quá trình đánh giá trẻ cần phải tìm ra những thành tích, ưu điểm, những điều mà trẻ có thể đạt được và phải vượt qua nhiều khó khăn. GV cần động viên, huy động những khả năng còn lại của trẻ để phát huy mặt tích cực, hạn chế những yếu điểm của trẻ. c) Đánh giá theo mục tiêu và kế hoạch giáo dục Trong quá trình giáo dục TKT cần đối chiếu, xem xét khả năng của trẻ ra sao, sống trong điều kiện gia đình, môi trường cộng đồng xung quanh trẻ như thế nào để xây dựng mục tiêu và kế hoạch giáo dục trẻ. Dựa vào mục tiêu và kế hoạch giáo dục đề ra để đánh giá trẻ. Sau mỗi giai đoạn phải kiểm tra, đánh giá mặt được, mặt chưa được. Sau đó, lập mục tiêu mới và kế hoạch mới cho giai đoạn tiếp theo. Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu nội dung đánh giá TKT (cá nhân và toàn lớp ; 25 phút)
- Trong giáo dục TKT cần đánh giá theo nội dung nào ? Quan điểm của anh, chị trong đánh giá TKT như thế nào ? (trao đổi toàn lớp, 15 phút) THÔNG TIN PHẢN HỒI Nội dung đánh giá kết quả giáo dục TKT - Trong quá trình giáo dục TKT nội dung đánh giá theo 3 phương diện (3 mặt cơ bản) : + Đánh giá kết quả lĩnh hội kiến thức. + Đánh giá rèn luyện kĩ năng. + Đánh giá thái độ. - Đánh giá kết quả lĩnh hội kiến thức theo các mặt sau : + Đánh giá kết quả rèn luyện đạo đức, lối sống. + Hiện nay việc đánh giá đạo đức của TKT học hoà nhập cũng được cụ thể hoá bằng đánh giá hạnh kiểm là tính nết, cách ăn mặc và cư xử với mọi người. + Đánh giá kết quả các môn học văn hoá. Nhiệm vụ 3 Tìm hiểu về phương pháp đánh giá TKT (cá nhân và toàn lớp ; 25 phút) Trong giáo dục TKT cần đánh giá theo phương pháp nào ? Quan điểm của anh (chị) như thế nào ? (trao đổi toàn lớp , 15 phút). THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Đánh giá qua quan sát Quan sát nhằm mục đích thu thập các thông tin về trẻ qua các lĩnh vực cụ thể : hành vi, nhận thức, giao tiếp, hoà nhập xã hội, Phát hiện mặt tích cực và khó khăn của trẻ. Đánh giá khả năng của trẻ để lập kế hoạch giáo dục, giúp đỡ trẻ phát triển năng lực. Có 2 hình thức quan sát : quan sát chủ định và quan sát không chủ định. Sau khi quan sát phải có nhận xét, kết luận, đánh giá khách quan xem trẻ có những khả năng, khó khăn và những nhu cầu gì , trên cơ sở đó xây dựng mục tiêu kế hoạch giúp đỡ trẻ phát triển. 2. Phương pháp đánh giá qua phỏng vấn Phương pháp phỏng vấn được hiểu một cách đơn giản là vấn đàm (đàm thoại + vấn đáp) nhằm mục đích tìm kiếm thông tin về trẻ. Qua phỏng vấn ta có thể thu nhận những thông tin sâu kín bên trong của trẻ như ý nghĩ, tình cảm, quan điểm, thái độ, mà bằng quan sát không thể có được. Trong khi phỏng vấn, điều quan trọng nhất là phải tập trung chú ý lắng nghe trẻ trả lời, tránh áp đặt, bình tĩnh, kiên trì cởi mở tự nhiên, 3. Đánh giá qua sản phẩm của trẻ Sản phẩm mà trẻ làm ra phản ánh năng lực và trình độ của trẻ. Qua sản phẩm mà trẻ làm được, ta thấy trẻ đã nắm kiến thức đến mức độ nào và vận dụng kiến thức vào thực hiện
- nhiệm vụ như thế nào. Đồng thời cũng đánh giá được mặt mạnh, mặt yếu của trẻ. Qua đánh giá sản phẩm của trẻ, GV thấy được những khó khăn của trẻ, từ đó tìm cách giúp đỡ trẻ khắc phục. Sản phẩm của trẻ là những bài kiểm tra, vở ghi chép các giờ học, vở làm bài tập, những sản phẩm trẻ làm được ở các giờ thủ công, lao động, thực hành, Khi đánh giá các sản phẩm của trẻ, GV phải đối chiếu với tiêu chuẩn, yêu cầu và tiến bộ của trẻ như thế nào. 4. Đánh giá bằng phương pháp trắc nghiệm (test) và bài tập Test là những dạng bài tập trắc nghiệm khả năng của trẻ theo từng mặt hoặc tổng thể. Khi sử dụng bài tập nói chung, test nói riêng để đánh giá kết quả giáo dục TKT cần phải xác định tính chất, chức năng, đặc điểm và yêu cầu của từng loại bài tập, bài test. Phải xác định rõ đối tượng được nghiên cứu đánh giá bằng test (trẻ mù, trẻ điếc câm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, ). 5. Phương pháp tự đánh giá Sau khi trẻ thực hiện nhiệm vụ đã đề ra hoặc được giao, trẻ tự nhận xét đánh giá việc đã làm đạt đến mức độ nào, tốt hay chưa tốt, hoàn thành hay chưa, đúng hay sai, Phương pháp này giúp trẻ tự kiểm tra lại những kiến thức đã học hiểu được đến mức độ nào, kiểm điểm lại tự mình đã làm được những gì, Nếu trẻ đánh giá được đúng khả năng bản thân, sẽ giúp trẻ tự tin và cố gắng để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Cho TKT tự đánh giá dưới các hình thức sau : - Tự đánh giá ý kiến : Sau khi trả lời câu hỏi, GV yêu cầu trẻ nhận xét câu trả lời của mình đúng hay sai và giải thích. - Tự đánh giá hành vi, thái độ đã đối xử với mọi người xung quanh trước đó, biểu hiện mức độ đạo đức như thế nào. Có thể GV nêu lên tình huống mà trẻ phạm quy tắc nào đó, yêu cầu trẻ nhận xét đánh giá hành vi thái độ đó như thế nào. - Tự đánh giá hoàn thành công việc : Sau khi trẻ thực hiện xong một nhiệm vụ, công việc nào đó ; thì yêu cầu trẻ cho biết kết quả công việc và nhận xét, đánh giá, phân tích từng thao tác. 6. Phương pháp tập thể đánh giá Tập thể đánh giá là những ý kiến nhận xét của từng cá nhân trong nhóm, tổ, lớp đối với một cá nhân nào đó. Trong quá trình GDHN, tập thể nhận xét đánh giá một cá nhân tức là có sự quan tâm của mọi thành viên đối với cá nhân đó và cũng là sự chấp nhận của cộng đồng đối với đứa trẻ đó. Mặt khác còn đánh giá sự hoà nhập vào cộng đồng của trẻ. Khi cho tập thể đánh giá một cá nhân cần làm cho mọi thành viên thấy được : - Mục đích yêu cầu nhận xét của mỗi thành viên phải khách quan, trung thực, không vì mặc cảm thành kiến cá nhân mà có những nhận xét không đúng sự thật. - Những ý kiến đánh giá của các thành viên trong tập thể được GV nhận xét, tổng hợp thành ý kiến chung và được trao đổi trong tập thể để đi đến thống nhất.
- Nhiệm vụ 4 Tìm hiểu sự khác biệt giữa đánh giá trẻ bình thường với TKT (nhóm ; 15 phút) - Mỗi nhóm nghiên cứu phần tài liệu về đánh giá kết quả học tập đối với một dạng TKT. - Có những đặc thù gì trong đánh giá kết quả giáo dục với mỗi dạng trẻ này (so với trẻ bình thường) ? THÔNG TIN PHẢN HỒI So sánh đánh giá kết quả giáo dục HS phổ thông và HS khuyết tật Đánh giá HS phổ thông Đánh giá HS khuyết tật Quan - Theo mặt bằng chuẩn quốc - Theo các tiêu chí điểm gia - Theo sự tiến bộ và phát triển, theo đánh - Theo trình độ kiến thức mục tiêu, kế hoạch giáo dục cá nhân giá văn hóa - Mang tính định tính - Mang tính định lượng Nội - Các môn học Theo 3 lĩnh vực : dung - Hạnh kiểm đạo đức 1. Kiến thức đánh - Về đạo đức, lối sống giá - Về phục hồi chức năng - Giao tiếp kiến thức văn hoá 2. Kĩ năng - Giao tiếp sử dụng ngôn ngữ - Thói quen học tập, lao động, - Ứng xử (hành vi thái độ) 3. Thái độ - Tự tin, tự khẳng định - Hội nhập cộng đồng - Ý thức trách nhiệm Phương - Bài kiểm tra các môn Phương pháp : pháp - Các kì thi tuyển - Quan sát, phỏng vấn đánh - Nhận xét - Đánh giá sản phẩm giá - Trắc nghiệm (test) và bài tập - Tự đánh giá - Tập thể đánh giá Kết Xếp loại (Toán, Tiếng Việt) - Xếp loại : đạt – chưa đạt luận : - Đánh giá trẻ làm được gì, có khó - Văn hoá : giỏi - khá - khăn gì cần giúp trẻ trung bình - yếu - Hướng dẫn trẻ phát triển tiếp theo - Hạnh kiểm : tốt - khá - trung bình - yếu - Đánh giá theo quy định của Bộ
- Ghi nhớ - Nội dung tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT. - Mẫu xây dựng mục tiêu và kế hoạch cá nhân cho TKT. - Nội dung thực hiện GDHN cho TKT.- Đánh giá kết quả giáo dục TKT. 5. CÂU HỎI TỰ ĐÁNH GIÁ - Vì sao phải tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT ? Nội dung tìm hiểu khả năng và nhu cầu của TKT là gì ? - Trình bày nội dung của kế hoạch giáo dục cá nhân cho TKT. - Để tổ chức thực hiện tốt GDHN cho TKT, GV cần phải làm gì ? - Có cần đánh giá kết quả GDHN cho TKT không ? Có những đặc thù gì trong đánh giá kết quả giáo dục trẻ này ? - Quy trình GDHN gồm mấy bước ? Đó là những bước nào ? Bài tập Đề bài : Để tổ chức tốt việc GDHN cho TKT ở địa phương mình, theo anh (chị) cần phải làm gì ? 6. TÀI LIỆU THAM KHẢO - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Dạy học hoà nhập cho trẻ khuyết tật. NXB Chính trị quốc gia, 5/2000. - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục hoà nhập và cộng đồng. NXB Chính trị quốc gia, 2001. - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục trẻ có tật tại gia đình. NXB Chính trị quốc gia, 1993.
- CHỦ ĐỀ 3 (12 tiết) DẠY HỌC HOÀ NHẬP TRẺ KHUYẾT TẬT 1. MỤC TIÊU Kiến thức - Mô tả được các đặc trưng của lớp học hoà nhập. - Trình bày được lí thuyết về điều chỉnh chương trình và một số phương pháp GDHN hiệu quả. Kĩ năng - Vận dụng được các phương pháp điều chỉnh chương trình trong lớp học hoà nhập. - Thiết kế và tổ chức được hoạt động học hợp tác ở lớp học hoà nhập. - Thiết kế và thực hiện được bài học có hiệu quả cho lớp học hoà nhập. Thái độ Thể hiện sự tích cực tìm tòi và sáng tạo trong dạy học hoà nhập. 2. NỘI DUNG 2.1. Đặc trưng của lớp học hoà nhập TKT (1 tiết) 2.2. Điều chỉnh chương trình (3 tiết) 2.3. Thiết kế và thực hiện bài học có hiệu quả (5 tiết) 2.4. Học hợp tác nhóm trong lớp học hoà nhập (3 tiết) 3. CHUẨN BỊ - Giấy trong, máy chiếu hắt để trình bày tóm lược các nội dung chính. - Giấy A4, A0 để thảo luận nhóm. - Trích đoạn băng hình học hợp tác nhóm. - 10 quyển sách giáo khoa thuộc các môn học ở các lớp khác nhau trong bậc Tiểu học. 4. HOẠT ĐỘNG 4.1. Nội dung 1 : Đặc trưng của lớp học hoà nhập TKT Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu đặc trưng của lớp học hoà nhập (toàn lớp ; 10 phút) Bạn hãy nêu những điểm giống và khác nhau giữa lớp học bình thường và lớp học hoà nhập. THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Điểm giống nhau - Cùng chương trình và sách giáo khoa phổ thông.
- - GV phổ thông đảm nhiệm. - Mọi HS đều được tham gia đầy đủ các hoạt động học tập chung. 2. Điểm khác nhau Lớp học bình thường Lớp học hoà nhập Tương đối thuần nhất về đối tượng HS. Đa dạng về đối tượng : thường có thêm 1 Nhu cầu của HS cơ bản giống nhau. đến 2 HS khuyết tật. HS có khó khăn đặc thù cần đáp ứng nhu Mục tiêu dạy học chung. cầu đặc thù. Có mục tiêu chung và mục tiêu riêng Các hoạt động dạy học thường đồng loạt. phù hợp với trẻ khó khăn đặc thù. Môi trường, không gian lớp học ít được Đa dạng hoá các loại hình hoạt động để tính đến. mọi HS đều được tham gia. Môi trường, không gian lớp học được bố Mọi HS được đánh giá, cho điểm và ghi trí, cải thiện sao cho không hạn chế hoạt nhận xét bằng hồ sơ, học bạ giống nhau động học tập của mọi HS. (đánh giá chủ yếu bằng định lượng). HS khuyết tật có sổ kế hoạch giáo dục cá Sử dụng đồ dùng dạy học đồng loạt. nhân và có hồ sơ theo dõi sự tiến bộ (nhận xét, đánh giá chủ yếu bằng định tính). Có đồ dùng dạy học đặc thù. Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu về nhiệm vụ của GV dạy trong lớp hoà nhập (theo nhóm ; 20 phút) Theo bạn, làm thế nào để thực hiện bài dạy học có hiệu quả trong lớp hoà nhập? THÔNG TIN PHẢN HỒI Để dạy học lớp hoà nhập có hiệu quả, GV cần : - Hiểu khả năng và nhu cầu của HS, đặc biệt là HS khuyết tật. - Có mục tiêu và kế hoạch dạy học chung (cả lớp) và riêng (với HS khuyết tật). - Điều chỉnh mục tiêu, nội dung và đổi mới phương pháp là yêu cầu thiết yếu, đảm bảo để mọi HS được tham gia các hoạt động học tập đa dạng, tích cực và phát triển tối đa khả năng của mình. - Luôn chú ý thu nhận phản hồi từ HS để có nhận định, đánh giá và điều chỉnh cách dạy kịp thời, Nhiệm vụ 3 Thực hành thiết kế trò chơi cho trẻ (nhóm và toàn lớp ; 15 phút) - Mỗi nhóm thiết kế một trò chơi/hoạt động trong đó TKT có thể tham gia được (cần thể hiện được khả năng tham gia của TKT trong trò chơi/hoạt động đó). - Từng nhóm tổ chức trò chơi/hoạt động đó trước lớp.
- 4.2. Nội dung 2 : Điều chỉnh chương trình dạy học Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu về chương trình dạy học (toàn lớp ; 15 phút) - Theo bạn, chương trình dạy học là gì ? - Tại sao lại điều chỉnh chương trình dạy học ? THÔNG TIN PHẢN HỒI - Chương trình dạy học ở đây được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm : mục tiêu, nội dung, các hoạt động, môi trường, các điều kiện - phương tiện dạy học và việc đánh giá kết quả học tập. Điều chỉnh chương trình là sự thay đổi một phần hay toàn bộ các thành tố trên. - Không một chương trình dạy học chung nào có thể sát hợp với mọi HS, đặc biệt là với lớp học đa dạng về khả năng và những khó khăn trong học tập. - Điều chỉnh chương trình dạy học nhằm giúp mọi HS đều học được và phát huy tối đa khả năng học tập của mình. Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu cơ sở điều chỉnh chương trình (nhóm ; 20 phút) Việc điều chỉnh chương trình dạy học dựa trên những cơ sở nào ? Hãy trình bày và giải thích về các cơ sở đó. THÔNG TIN PHẢN HỒI - Mục tiêu giáo dục chung và mục tiêu của bậc học, cấp học, năm học. - Khả năng và nhu cầu đặc thù của HS (đặc biệt chú ý đến vùng phát triển gần của trẻ). - Điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương. Nhiệm vụ 3 Tìm hiểu những vấn đề cần điều chỉnh giúp TKT lĩnh hội bài học (nhóm ; 20 phút) Cần điều chỉnh những gì để TKT có thể tham gia các hoạt động học tập ? Mỗi nhóm cho ví dụ về trường hợp ở lớp có một trẻ có khó khăn đặc thù và kĩ năng đặc thù cần sử dụng trong quá trình dạy lớp hoà nhập có HS đó. THÔNG TIN PHẢN HỒI Các vấn đề cần điều chỉnh để TKT có thể lĩnh hội được bài học : - Mục tiêu và yêu cầu/nhiệm vụ phù hợp với khả năng của trẻ. - Đa dạng hoá các hình thức hoạt động trong tiến trình bài học : toàn lớp, nhóm, cá nhân ; trò chơi ; thi đua ; học trong lớp hoặc ngoài trời.
- - Đặc biệt chú ý đến yếu tố trực quan. Ví dụ : sơ đồ, mô hình nổi, vật thật cho HS khiếm thị ; tranh, làm mẫu, viết/chữ cái ngón tay, ra hiệu, vị trí dễ đọc hình miệng đối với trẻ khiếm thính. - Môi trường lớp học : môi trường nghe tốt cho trẻ sử dụng máy trợ thính (giảm tiếng ồn & âm nền) ; vị trí thuận tiện cho trẻ ngồi xe lăn. - Hướng dẫn các kĩ năng đặc thù giúp trẻ lĩnh hội kiến thức - kĩ năng và tham gia các hoạt động như : chữ Braille và kĩ năng định hướng di chuyển cho trẻ mù ; chữ cái ngón tay và ngôn ngữ kí hiệu cho trẻ điếc ; dạy khái niệm, thực hiện nhiệm vụ, các kĩ năng xã hội cho trẻ chậm phát triển trí tuệ ; Nhiệm vụ 4 Tìm hiểu mô hình các cấp độ nhận thức của Bloom (cá nhân và toàn lớp ; 25 phút) Hãy đọc mô hình các cấp độ nhận thức của Bloom, trả lời câu hỏi dưới đây và chia sẻ ý kiến trước lớp. - Mô hình này nghĩa là gì ? - Có thể áp dụng vào đâu ? - Hãy lấy một ví dụ.
- SÁU MỨC ĐỘ NHẬN THỨC THEO MÔ HÌNH BLOOM Mức Định nghĩa Động từ mẫu độ Biết Gợi lại hoặc nhớ - Định nghĩa - Ghi lại - Nhớ lại thông tin - Lên danh sách - Gán - Kể lại - Nêu tên - Sắp xếp lại - Sắp xếp thứ tự - Điền vào - Nhắc lại một - Nhớ cách máy móc Hiểu Chuyển thông - Diễn đạt lại - Mô tả - Giải thích tin sang hình - Nhận dạng - Báo cáo - Kể (bằng lời thức biểu tượng - Thảo luận - Nhìn nhận của mình) - Sắp xếp - Nhìn lại - Hợp lại với nhau - Diễn giải - Diễn tả Áp Sử dụng kiến - Dịch - áp dụng - Dùng dụng thức để giải - Sử dụng - Thực hành - Kịch hoá quyết vấn đề - Giải thích - Thể hiện - Lên kế hoạch - Minh hoạ - Hoạt động - Vẽ - Mô phỏng - Phỏng vấn - Xây dựng Phân Chia thông tin - Phân biệt - So sánh - Tính toán tích thành các phần - Thử - Tương phản - Bình phẩm - Tranh luận - Hỏi - Giải quyết - Phân tích - Đánh giá - Thử nghiệm - So sánh - Lập biểu đồ - Điều tra - Lập danh mục - Mổ xẻ - Kiểm tra - Phân loại - Phác thảo - Viết lại Tổng Giải quyết vấn - Thiết lập - Đề xuất - Lập công thức hợp đề bằng cách kết - Ráp nối - Xây dựng - Tổ chức hợp các thông - Điều hành - Lên kế hoạch - Thiết kế tin với nhau theo - Bố trí - Tập hợp - Tạo lập phương pháp - Chuẩn bị - Sáng tác đòi hỏi tư duy - Sản xuất - Điều tiết sáng tạo độc lập Đánh Đưa ra những - Nhận định - Thiết lập - Bảo vệ giá đánh giá định - Tính điểm - Đánh giá - ước lượng lượng và định - Dự đoán - Lựa chọn - Định giá tính dựa trên - Đo đạc - Tranh luận - Quyết định những tiêu chuẩn đã đặt ra
- Nhiệm vụ 5 Thực hành vận dụng mức độ nhận thức vào soạn câu hỏi (bài tập) cho bài học (nhóm ; 15 phút) Mỗi nhóm hãy soạn 6 câu hỏi hoặc bài tập ở một bài thuộc một môn bất kì ở Tiểu học có yêu cầu thuộc các mức độ khác nhau trong mô hình Bloom. Chỉ rõ mỗi câu hỏi (bài tập) đó thuộc mức độ nào ? Vì sao bạn biết ? Nhiệm vụ 6 Nêu những phương án điều chỉnh chương trình dạy học (toàn lớp ; 20 phút) THÔNG TIN PHẢN HỒI Các phương án điều chỉnh : - Đồng loạt : Khi trình độ chung của lớp cùng thấp hơn hoặc cao hơn chương trình bình thường thì mức độ yêu cầu đối với lớp cần có sự điều chỉnh hạ xuống hoặc nâng lên cho phù hợp với khả năng của HS. - Đa trình độ : HS cùng lĩnh hội nội dung bài học với mức độ yêu cầu khác nhau. - Trùng lặp giáo án : Cùng học một bài nhưng mục tiêu và nội dung yêu cầu rất khác nhau (ví dụ ở một lớp 3 hoà nhập, trong khi HS bình thường học phép cộng trong phạm vi 1000, HS khó khăn về học đếm từ 1-10). - Thay thế : Khi sử dụng cả 3 phương án trên mà TKT vẫn không thể tham gia, cần thay thế nội dung hoạt động đối với HS đó. Nhiệm vụ 7 Thực hành thiết kế mục tiêu bài học (nhóm ; 20 phút) - Mỗi nhóm mô tả một trường hợp TKT. - Hãy thiết kế mục tiêu bài học chung cho cả lớp và mục tiêu được điều chỉnh đối với TKT này ; sau đó, thiết kế 2 hoạt động bài học trong đó chỉ ra cách thức để TKT cùng được tham gia. Nhiệm vụ 8 Nhận xét chương trình dạy học (cá nhân và toàn lớp ; 15 phút) Có ý kiến cho rằng chương trình dạy học là văn bản mang tính pháp lí, không được phép điều chỉnh. Ý kiến của bạn thế nào ? 4.3. Nội dung 3 : Học hợp tác nhóm trong lớp học hoà nhập Nhiệm vụ 1 Xem băng hình (toàn lớp và nhóm ; 30 phút) Xem trích đoạn băng về học hợp tác và trả lời những câu hỏi sau : - Hoạt động học tập bạn vừa xem thuộc bài, môn, lớp nào ?
- - Lớp học có bao nhiêu HS, được phân thành mấy nhóm ? - Nhiệm vụ của các nhóm là gì ? Bạn có nhận xét gì về cách giao nhiệm vụ của GV ? - Ở hoạt động vừa qua, HS đã được rèn kĩ năng học tập gì ? - Sự tham gia của HS khuyết tật như thế nào ? GV đã làm gì để trẻ này tham gia được ? - Có thể thay đổi/cải tiến như thế nào để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn ? Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu về học hợp tác nhóm (cá nhân ; 10 phút) Đọc phần tài liệu dưới đây và cho biết : Học hợp tác thực sự phải đảm bảo những yếu tố nào ? Giải thích ý nghĩa của mỗi yếu tố đó. THÔNG TIN PHẢN HỒI Học hợp tác là một phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận tích cực hoá hoạt động HS, khai thác tối đa mối quan hệ HS với HS trong quá trình dạy học. Hợp tác học tập không chỉ là việc trẻ ngồi cạnh nhau một cách cơ học, cùng nhau trao đổi, thảo luận, giúp đỡ nhau, chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm mà còn ở mức độ cao hơn và đảm bảo 5 yếu tố sau đây : 1. Sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực Các thành viên trong nhóm thực sự có tinh thần đồng đội với khẩu hiệu “cùng chìm, cùng nổi”. Thành công của nhóm mang lại niềm vui cho mỗi người ; thất bại của thành viên cũng là thất bại chung. 2. Sự tương tác mặt đối mặt Mỗi nhóm ngồi ở một vị trí riêng, thành vòng tròn sao cho mỗi người trong nhóm đều nhìn thấy mặt nhau ; quá trình thảo luận có sự cọ xát ý kiến trực tiếp. 3. Trách nhiệm cá nhân Trách nhiệm đóng góp của mỗi thành viên cho nhóm được tính đến ; đảm bảo mỗi thành viên có trách nhiệm với nhóm và với chính bản thân mình. 4. Các kĩ năng học hợp tác nhóm HS phải được dạy cách học hợp tác nhóm (cách thức học / hoạt động cùng nhau trong các nhóm nhỏ). 5. Nhận xét nhóm Sản phẩm và quá trình hoạt động của các nhóm được nhận xét ngay khi hoàn thành và cả trong thời gian cuối buổi học hoặc giờ sinh hoạt lớp. Nhiệm vụ 3 Thảo luận và trả lời các câu hỏi (nhóm ; 20 phút)
- 1. Làm thế nào để tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực ? 2. Làm thế nào để tạo được sự tương tác mặt đối mặt ? 3. Làm thế nào để mỗi thành viên có trách nhiệm cá nhân với hoạt động và sản phẩm nhóm ? 4. Nhận xét hoạt động nhóm như thế nào ? THÔNG TIN PHẢN HỒI - Tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau : Nhiệm vụ chung, chấm điểm cho sản phẩm nhóm, mỗi nhóm chỉ có một phiếu câu hỏi và một tài liệu cần thiết, thi đua giữa các nhóm, - Mặt đối mặt : Mỗi nhóm ngồi vị trí riêng, mọi thành viên được yêu cầu và khuyến khích nêu ý kiến, chỉ một thư kí cầm bút, cả nhóm thống nhất và ghi tên vào sản phẩm, - Tạo ra trách nhiệm cá nhân đối với nhóm : Thành viên nhóm (2 – 5 em), mỗi thành viên một vai trò, theo dõi sự tham gia, hỏi ngẫu nhiên thành viên trong nhóm trình bày sản phẩm, - Nhận xét nhóm : Sản phẩm nhóm được nhận xét ngay khi các nhóm kết thúc hoạt động, nhận xét sự tham gia của các thành viên trong quá trình hoạt động, yêu cầu các nhóm ghi lại 3 điều nhóm đã làm tốt và 3 điều cần thay đổi để hoạt động lần sau tốt hơn, Nhiệm vụ 4 Tìm hiểu kĩ năng học hợp tác cần hình thành (nhóm ; 20 phút) Cần hình thành cho HS những kĩ năng học hợp tác như thế nào ? Hãy cho biết quy trình để hình thành cho HS một kĩ năng cụ thể. THÔNG TIN PHẢN HỒI Các kĩ năng học hợp tác cần hình thành cho HS : - Kĩ năng hình thành nhóm : Di chuyển nhanh về nhóm không gây tiếng ồn, phân công mỗi thành viên một nhiệm vụ, mỗi nhóm ở vị trí riêng và ngồi “mặt đối mặt”, chỉ có thư kí cầm bút, - Kĩ năng giao tiếp nhóm : Các thành viên lần lượt trình bày, hỏi lại xem bạn đã rõ ý chưa, tai nghe mắt nhìn người đang nói, tóm tắt trong đầu hoặc viết ra ý của bạn, hỏi lại khi chưa rõ ý, diễn đạt lại ý của bạn vừa trình bày, - Kĩ năng xây dựng và duy trì sự tin tưởng lẫn nhau trong nhóm : Ủng hộ bạn khó khăn có cơ hội được trình bày, giảng giải lại cho bạn, yêu cầu bạn giảng giải lại vấn đề khi chưa hiểu, khuyến khích mọi thành viên nhóm tham gia, - Kĩ năng giải quyết mâu thuẫn : Hỏi lại khi chưa hiểu rõ, ghi nhận mọi ý kiến sau xem xét và chọn lọc, nhận xét về ý kiến chứ không phải về người đưa ra ý kiến, không “gạt phắt” ngay ý kiến người khác,
- Trong mỗi tiết học chỉ nên hướng dẫn một kĩ năng học hợp tác cụ thể và sau đó cho HS có thời gian luyện tập. Quy trình hình thành mỗi kĩ năng học hợp tác như sau : - Bước 1 : Giúp HS hiểu vì sao phải học kĩ năng đó. Ví dụ, có thể hỏi HS “nếu trong một nhóm ai cũng tranh nhau nói thì kết quả thế nào ?”. - Bước 2 : Giúp HS hiểu kĩ năng đó được thể hiện như thế nào : có thể giải thích hoặc làm mẫu. - Bước 3 : Giao nhiệm vụ học hợp tác để HS rèn luyện kĩ năng. Trong quá trình HS hoạt động, GV quan sát để ghi lại những biểu hiện của HS, và có điều chỉnh kịp thời. - Bước 4 : Nhận xét về quá trình thể hiện kĩ năng đó của HS, có đưa ra trường hợp cụ thể. Nhận xét được tiến hành sau mỗi hoạt động hoặc cuối buổi học hay giờ sinh hoạt lớp. Nhiệm vụ 5 Tìm hiểu về tổ chức học hợp tác nhóm (nhóm ; 20 phút) Khi tổ chức học hợp tác nhóm, GV phải làm những gì ? THÔNG TIN PHẢN HỒI Vai trò của GV trong tổ chức học hợp tác nhóm : - Chuẩn bị nội dung/nhiệm vụ và các điều kiện cho các nhóm hoạt động. - Phân chia HS vào các nhóm, chú ý tính đa dạng của nhóm và vị trí của TKT. - Giao nhiệm vụ, phân công các vai trò trong nhóm. - Thời gian thực hiện nhiệm vụ. - Hỗ trợ cá nhân, nhóm. - Theo dõi, can thiệp và rèn luyện kĩ năng học hợp tác. - Điều khiển việc nhận xét sản phẩm và quá trình hoạt động của các nhóm. Nhiệm vụ 6 Thực hành tổ chức học hợp tác nhóm (nhóm ; 15 phút) Mỗi nhóm mô tả một trường hợp HS khuyết tật. Khi tổ chức học hợp tác nhóm, làm thế nào để HS đó hiểu được nhiệm vụ và có thể tham gia hoạt động cùng nhóm của mình. Nhiệm vụ 7 Thực hành thiết kế câu hỏi (nhóm ; 20 phút) Mỗi nhóm thiết kế một câu hỏi/bài tập và trình bày trước lớp. 1 - 2 nhóm làm thử trước lớp. 4.4. Nội dung 4 : Thiết kế và thực hiện bài học hiệu quả
- Nhiệm vụ 1 Nghiên cứu sơ đồ về quy trình GDHN (cá nhân và toàn lớp ; 15 phút) Đọc sơ đồ dưới đây và so sánh sự giống nhau, khác nhau của sơ đồ này với sơ đồ về quy trình GDHN. THIẾT KẾ VÀ TIẾN HÀNH BÀI HỌC CÓ HIỆU QUẢ HIỂU NĂNG LỰC, NHU CẦU VÀ S Ở THÍCH CỦA TRẺ Trẻ có khả năng gì ? Trẻ có nhu cầu gì ? Trẻ có sở thích gì ? LỰA CHỌN MỤC TIẾN HÀNH GIỜ DẠ Y ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TIÊU NỘI DUNG, Mở bài HỌC TẬP PHƯƠNG PHÁP VÀ Giải quyết vấn đề PHƯƠNG TIỆN DẠY Kết thúc bài học HỌC Nhiệm vụ 2 Lí giải việc cần tìm hiểu khả năng, nhu cầu và sở thích của trẻ trước khi tiến hành bài học. (nhóm ; 20 phút) Vì sao phải tìm hiểu khả năng, nhu cầu và sở thích của trẻ trước khi tiến hành bài học ? Việc tìm hiểu này để thu thập được những thông tin cụ thể nào ? THÔNG TIN PHẢN HỒI - Hiểu HS trước khi thiết kế và thực hiện bài học có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm giúp thiết kế mục tiêu phù hợp và tổ chức các hoạt động đa dạng sao cho mọi trẻ có thể tham gia một cách tích cực. - Việc tìm hiểu HS (đặc biệt là HS khuyết tật) trước bài học đòi hỏi thu thập được thông tin : + Trẻ đã có vốn kiến thức, kĩ năng gì liên quan đến bài học ? + Cần những phương tiện hỗ trợ và kĩ năng đặc thù gì để giúp trẻ lĩnh hội nội dung học ? + Trẻ thích học theo kiểu nào/dạng hoạt động nào ? Thích được ngồi gần ai ? Muốn được động viên / nhắc nhở dưới hình thức nào ? Nhiệm vụ 3 Tìm hiểu mục tiêu bài học của GV tiểu học (nhóm ; 20 phút)
- Hãy so sánh mục tiêu bài học dưới đây với cách viết mục tiêu bài học của GV tiểu học hiện nay. Tiết Tập đọc : Thời khoá biểu Môn : Tiếng Việt Lớp 2 Tuần 7 Mục tiêu chung Sau khi được GV hướng dẫn cách đọc, luyện đọc cá nhân và nhóm, thảo luận nhóm tìm hiểu bài, HS lớp 2C có khả năng : - Đọc lưu loát thành tiếng thời khoá biểu theo 2 cách : thứ - buổi - tiết và buổi - thứ - tiết. - Nhìn vào thời khoá biểu, chỉ đúng được tên các tiết học trong một buổi bất kì ; trả lời được tiết nào là chính, bổ sung và tự chọn. - Sử dụng đúng được thời khoá biểu trong chuẩn bị bài hằng ngày. Mục tiêu riêng Được GV hướng dẫn đọc bằng kí hiệu, làm mẫu, hoạt động nhóm, HS Tươi (khiếm thính) có khả năng : - Đưa ra các thẻ ghi tên môn học tương ứng trong ngày (hoặc ra hiệu) khi GV giơ lên một tờ lịch bất kì (thứ hai - thứ sáu). - Đọc (bằng mắt) thời khoá biểu của lớp và chỉ đúng ngày hôm sau và các môn học tương ứng. THÔNG TIN PHẢN HỒI Mục tiêu hành vi của bài dạy có hiệu quả có các yếu tố sau : - Đối tượng thực hiện hành vi. - Điều kiện để thực hiện hành vi. - Hành vi có thể quan sát hoặc kiểm soát được (cân đong, đo đếm được). - Tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện. Trở lại mục tiêu trên, hãy trả lời bốn câu hỏi này. Nhiệm vụ 4 Tìm hiểu tiêu chí mở bài (toàn lớp và nhóm ; 25 phút) - Bạn hãy nêu các tiêu chí của một mở bài hiệu quả. - Hãy chọn một bài học và thiết kế phương án mở bài. Mỗi nhóm trình bày phương án của nhóm mình. 1 - 2 nhóm thể hiện trước lớp. THÔNG TIN PHẢN HỒI Trong lớp học hoà nhập, mở bài của một bài học cần đảm bảo các tiêu chí sau :
- - Gây được sự chú ý đối với HS ; - Mọi HS tham gia, nhiều em được đóng góp ý kiến trực tiếp ; - HS thấy được ý nghĩa của bài học. Nhiệm vụ 5 Tìm hiểu tiêu chí kết thúc bài học (nhóm ; 25 phút) - Bạn hãy nêu các tiêu chí của một kết thúc bài học có hiệu quả. - Cũng với bài học đã chọn, hãy thiết kế phương án kết thúc bài học đó. (Mỗi nhóm trình bày phương án của nhóm mình, 1 - 2 nhóm thể hiện trước lớp). THÔNG TIN PHẢN HỒI Kết thúc một bài học cần : - Gây tập trung chú ý trở lại với HS. - Để HS tự tóm tắt những thông tin mới lĩnh hội. - Trẻ được liên hệ kiến thức vừa học vào thực tiễn. Nhiệm vụ 6 Tìm hiểu kế hoạch bài học đối với lớp học có HS khuyết tật học hoà nhập (cá nhân và toàn lớp ; 30 phút) Hãy đọc kế hoạch bài học sau và trả lời các câu hỏi : 1. Bạn cần biết thêm những thông tin gì về TKT này ? 2. Cách xác định mục tiêu chung cho cả lớp đã sát hợp với HS và yêu cầu về nội dung tương ứng của bài học, môn học chưa ? Theo bạn cần có thay đổi gì ? Bổ sung gì ? 3. Mục tiêu riêng cho TKT đã phù hợp chưa ? Theo bạn cần có sự thay đổi / cải tiến gì ? 4. Phương án mở bài này đã đáp ứng được những tiêu chí nào ? Cần điều chỉnh gì để đáp ứng 3 tiêu chí ? Theo bạn, bài này nên lựa chọn phương án mở bài như thế nào ? 5. Các hoạt động được thiết kế trong kế hoạch bài dạy đã có thể phát huy cao độ tính tích cực của mọi HS chưa ? Theo bạn, cần có những thay đổi gì ? 6. Trong kế hoạch bài dạy được thiết kế, có bao nhiêu lần hoạt động nhóm ? Theo bạn, việc lựa chọn nội dung hoạt động nhóm đã hợp lí chưa ? Cần có những cải tiến gì ? 7. Đã có những điều chỉnh gì trong thiết kế các hoạt động với HS khuyết tật ? Theo bạn, cần làm rõ hơn phần nào ? 8. Phương án kết thúc bài học đã đạt được tiêu chí nào ? Cần thay đổi gì để đáp ứng 3 tiêu chí ? Theo bạn, nên kết thúc bài như thế nào ? 9. Những nhận xét, đề xuất khác. Đặc điểm HS
- HS tại trường Tiểu học Yên Bình, Lương Sơn, Hoà Bình. Đây là vùng đồi núi, đa số HS con em nông dân nên rất quen với nhiều loại cây. Đặc điểm HS khuyết tật - HS khiếm thính (mức trên 90 dB), không có máy trợ thính, không đi học mẫu giáo, không có khả năng giao tiếp bằng lời. - Viết đẹp, vốn từ (ở hình thức chữ viết) khoảng 300, sử dụng được chữ cái ngón tay và một số kí hiệu cơ bản, có khả năng đọc hình miệng tốt. - Thích học tập qua thực hành, thao tác trực tiếp. - Hiểu thông tin qua trực quan, làm mẫu. - Thích hoạt động trong nhóm bạn, gồm những bạn hiểu ý mình, có hai bạn thân ngồi bên cạnh. KẾ HOẠCH BÀI HỌC Môn : Tự nhiên và Xã hội lớp 3 Bài 23. Rễ cây (tiết 1) 1. Mục tiêu 1.1. Mục tiêu chung : Qua quan sát mẫu vật, trao đổi nhóm và được GV hướng dẫn tìm hiểu, giải đáp thắc mắc, HS lớp 3A có khả năng : - Mô tả các đặc điểm chung của rễ cây. - Phân loại được các rễ cây quen thuộc ở địa phương mình. 1.2. Mục tiêu riêng : Được quan sát mẫu vật, trao đổi nhóm và được GV giải thích, hướng dẫn bằng giao tiếp tổng hợp, em An có khả năng viết tên và chỉ đúng các loại rễ : rễ cọc, rễ chùm, rễ củ, rễ phụ. 1.3. Kĩ năng hợp tác : Khuyến khích mọi thành viên trong lớp cùng tham gia. 2. Chuẩn bị - Yêu cầu HS mang đi nhiều cây khác nhau (nhổ cả rễ), trong đó ít nhất có : cây lúa hoặc hành ; cây đậu đen hoặc cây bưởi con ; cây cải củ hoặc cà rốt ; một đoạn dây trầu không hoặc rễ phụ cây đa. - Chuẩn bị nhiều mảnh giấy nhỏ, băng dính. 3. Tiến trình Tiến trình Hoạt động Hoạt động của HS An của GV HS Mở bài - Hỏi HS đã mang theo - Kể tên những - Đưa ra những (toàn lớp ; những cây gì?- Cây gồm cây mang theo. cây mình mang 5 phút) những bộ phận chính nào ? - Trả lời câu hỏi theo. Đã học về những bộ phận của GV. - Chỉ đâu là rễ cây; nào ? ra kí hiệu rễ cây
- ⇒ Giới thiệu bài. hoặc đánh chữ cái ngón tay. Hoạt động 1 Chia nhóm, giao nhiệm vụ Thực hiện nhiệm Tham gia hoạt (4 em/nhóm cho HS : vụ được giao động nhóm. ; 7 phút) - Viết tên cây vào mảnh theo nhóm (8 giấy, dán vào cây đó. nhóm). - Rễ của những cây mang theo có gì giống và khác nhau ? Hoạt động 2 - Nhận xét về kết quả hoạt - Nêu nhận xét. - Theo dõi nhận (toàn lớp ; động 1 và phản hồi. xét của GV. 5 phút) - Hỏi các nhóm : Em nào - Trả lời. - Trả lời bằng cử chưa tham gia ? chỉ điệu bộ. - Hướng dẫn cách khuyến - Theo dõi sự - Quan sát hướng khích cùng tham gia hướng dẫn. dẫn Hoạt động 3 Nêu yêu cầu : Hoạt động nhóm. Tham gia hoạt (4 em/nhóm - Viết tiếp loại rễ vào động nhóm với vai ; 10 phút) mảnh giấy ghi tên cây (ví trò thư kí. dụ : cây lúa có rễ chùm). - Xếp các cây theo loại rễ khác nhau ; chia 4 cột của một tờ giấy theo 4 loại rễ rồi viết thêm tên các cây khác. - Vận dụng kĩ năng khuyến khích bạn cùng tham gia. Hoạt động 4 - Nhận xét kết quả hoạt Nêu nhận xét. Theo dõi, nêu (toàn lớp ; động nhóm và sự vận dụng nhận xét. 5 phút) kĩ năng khuyến khích cùng tham gia. - Nghe đọc phần - Yêu cầu một HS đọc “Bạn cần biết”. phần “Bạn cần biết” (trang 53, SGK) Kết bài Nêu câu hỏi : Trả lời câu hỏi. Chỉ được đúng cây (toàn lớp ; - Có mấy loại rễ cây ? có rễ cọc, rễ chùm, 5 phút) - Các loại rễ cây có đặc rễ củ, rễ phụ. điểm gì chung ? - Nhận xét, kết luận, dặn dò. Nhiệm vụ 7 Thực hành tổng hợp (2 tiết)
- - Mỗi nhóm thiết kế một kế hoạch bài học cho lớp hoà nhập có TKT (đã được mô tả ở phần trước, biên tập và sử dụng lại các nội dung đã thiết kế trước đó). Trình bày bản thiết kế trước lớp. - Một nhóm được bình chọn lên dạy thử. Sau đó, lớp rút kinh nghiệm theo nội dung 9 câu hỏi như ở hoạt động 6. Ghi nhớ: - Đặc trưng của lớp học hoà nhập. - Nội dung và các phương pháp điều chỉnh chương trình. - Học hợp tác nhóm. - Mẫu thiết kế bài học hoà nhập. 5. CÂU HỎI TỰ ĐÁNH GIÁ Câu hỏi 1. Lớp học hoà nhập có những đặc trưng gì khác với lớp học bình thường ? 2. Điều chỉnh chương trình dạy học là gì ? Tại sao phải điều chỉnh chương trình trong dạy học hoà nhập TKT ? 3. Có những phương án điều chỉnh chương trình dạy học như thế nào ? Hãy cho ví dụ về mỗi phương án. 4. Học hợp tác nhóm đòi hỏi đảm bảo những yếu tố nào ? 5. Cho ví dụ về dạy một kĩ năng học hợp tác nhóm cho HS. 6. Liệt kê những khó khăn trong tổ chức hoạt động nhóm. Nêu nguyên nhân và cách khắc phục những khó khăn đó. 7. Quy trình thiết kế và tiến hành một bài học có hiệu quả như thế nào ? 8. Mục tiêu hành vi là gì ? Cho một ví dụ bài học cụ thể. 9. Mở bài và kết thúc bài học cần đảm bảo những tiêu chí nào ? 10. Mô tả một trường hợp TKT và đặc điểm chung của lớp đó. Hãy thiết kế một bài học (tự chọn môn học) với lớp này. Bài tập : Anh (chị) hãy thiết kế và thực hiện một bài học hoà nhập. 6. TÀI LIỆU THAM KHẢO - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Dạy học hoà nhập cho trẻ khuyết tật, NXB Chính trị quốc gia, 5/2000. - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục hoà nhập và cộng đồng, NXB Chính trị quốc gia, 2001. - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục trẻ có tật tại gia đình, NXB Chính trị quốc gia, 1993.
- - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Hỏi - đáp về Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam. NXB Chính trị quốc gia, 8/1999.
- CHỦ ĐỀ 4 (3 tiết) CỘNG ĐỒNG THAM GIA GIÁO DỤC HOÀ NHẬP 1. MỤC TIÊU Kiến thức - Liệt kê được các lực lượng cộng đồng tham gia GDHN. - Trình bày được khái niệm nhóm hỗ trợ cộng đồng. - Trình bày được lí thuyết về vòng bạn bè. Kĩ năng - Xây dựng nhóm hỗ trợ cộng đồng. - Xây dựng vòng bạn bè cho một TKT học hoà nhập. Thái độ Hợp tác, khích lệ các lực lượng cộng đồng tham gia GDHN. 2. NỘI DUNG 2.1. Các lực lượng cộng đồng tham gia GDHN 2.2. Nhóm hỗ trợ cộng đồng 2.3. Xây dựng vòng bạn bè cho TKT 3. CHUẨN BỊ - Giấy trong và máy chiếu hắt để giảng viên trình bày tóm tắt nội dung chính. - Giấy A0 để thảo luận nhóm. 4. HOẠT ĐỘNG 4.1. Nội dung 1 : Các lực lượng cộng đồng tham gia GDHN Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu về các lực lượng cộng đồng tham gia GDHN (nhóm ; 20 phút) Mỗi nhóm mô tả một trường hợp TKT. Hãy cho biết trẻ đó gặp những khó khăn, cản trở gì khi đi học hoà nhập ? Ngoài GV và nhà trường, ai có thể giúp tháo gỡ những khó khăn đó để trẻ có thể theo học ? THÔNG TIN PHẢN HỒI GDHN chỉ thành công khi có sự hợp tác, hỗ trợ giữa các lực lượng giáo dục. Ngoài GV và nhà trường, các lực lượng có thể đóng góp tích cực cho công tác GDHN là : - Gia đình TKT ; - Hội phụ huynh HS ;
- - Cán bộ y tế ; - Chính quyền địa phương ; - Các tổ chức đoàn thể ở địa phương : Hội phụ nữ, Hội nông dân, Cựu chiến binh, Nhiệm vụ 2 Phân tích vai trò của gia đình trong chăm sóc, giáo dục TKT (nhóm ; 20 phút) THÔNG TIN PHẢN HỒI Gia đình trẻ khuyết tật đóng vai trò quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ. - Gia đình là nơi trẻ được sinh ra và tiếp nhận các tác động giáo dục đầu tiên. - Trẻ có phát triển được hay không trước hết là do sự chăm sóc của gia đình. - Phụ huynh, những người thân trong gia đình thường là những người đầu tiên phát hiện khuyết tật ở trẻ. - Phần lớn thời gian TKT sống ở gia đình, nếu không có sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình thì kết quả giáo dục sẽ rất hạn chế. - Quan điểm, kì vọng của phụ huynh về con em mình sẽ quyết định thái độ của họ đối với việc giáo dục. Nhiệm vụ 3 Phân tích vai trò của cộng đồng đối với GDHN. (nhóm ; 15 phút) THÔNG TIN PHẢN HỒI Quan điểm, thái độ và hành động của cộng đồng có ảnh hưởng quan trọng đối với GDHN. - Phụ huynh trẻ bình thường hay e ngại khi con họ học cùng lớp với TKT. - Sự ủng hộ, giúp đỡ từ những người xung quanh trong làng xã sẽ có tác động giúp gia đình trẻ giảm mặc cảm khi đưa con em mình đến trường. - Chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần có tiếng nói, sự giúp đỡ cụ thể và cần đi đầu trong công tác vận động, giúp đỡ TKT ra lớp hoà nhập. - Chính cộng đồng là nơi đùm bọc, cưu mang TKT, tạo điều kiện để trẻ có cuộc sống hoà nhập hiện tại và về sau. 4.2. Nội dung 2 : Nhóm hỗ trợ cộng đồng Nhiệm vụ 1 Đọc nội dung dưới đây và trả lời các câu hỏi (cá nhân ;15 phút) - Nhóm hỗ trợ cộng đồng là gì ? Gồm những ai ? - Chức năng của nhóm hỗ trợ cộng đồng là gì ?
- THÔNG TIN PHẢN HỒI Nhóm hỗ trợ cộng đồng là một tập thể nhỏ những người tình nguyện trong cộng đồng dân cư ở thôn xóm, làng xã tự nguyện góp công sức, vật chất, tinh thần, thời gian hợp tác với nhau thành một nhóm để giúp đỡ một hoặc nhiều TKT vượt khó khăn để đến trường và hoà nhập cộng đồng. Các thành viên đó thường bao gồm : cán bộ y tế, cán bộ xã hội và những người thân có điều kiện hỗ trợ gia đình và TKT. Chức năng của nhóm hỗ trợ cộng đồng : - Đổi mới nhận thức về TKT trong cộng đồng dân cư và trong chính gia đình TKT. - Giúp phụ huynh TKT biết cách chăm sóc, giáo dục, phục hồi chức năng cho trẻ tại gia đình. - Trực tiếp tham gia hoạt động phục hồi chức năng cho trẻ tại cộng đồng. - Hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho TKT và gia đình. - Đề xuất những nhu cầu của gia đình TKT với các cơ quan chức năng để có những chính sách ưu đãi, hộ trợ cho TKT. Thông thường, mỗi nhóm hỗ trợ cộng đồng có nòng cốt là một hoặc hai người thuộc các tổ chức, ban ngành đoàn thể của địa phương như : Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi. Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu quá trình hoạt động của nhóm hỗ trợ cộng đồng đối với TKT (nhóm ; 20 phút) Theo bạn, hoạt động hỗ trợ một TKT của nhóm cộng đồng nên theo một quy trình như thế nào ? Cho ví dụ.
- THÔNG TIN PHẢN HỒI Quá trình hoạt động của nhóm hỗ trợ cộng đồng giúp đỡ một TKT. 2. Tìm hiểu khó khăn 3. Xây dựng mục 1. Họp nhóm của trẻ và gia đình, xác tiêu và kế hoạch cộng đồng định nhu cầu cần hỗ trợ hỗ trợ 5. Đánh giá kết quả 4. Thực hiện thực hiện kế hoạchtrợ Nhiệm vụ 3 Thực hành về hoạt động của nhóm hỗ trợ cộng đồng đối với TKT (nhóm và toàn lớp ; 30 phút) - Mỗi nhóm hãy dựng một trong các tiểu phẩm nói về hoạt động của nhóm hỗ trợ cộng đồng đối với một TKT hoặc gia đình trẻ. - Thể hiện tiểu phẩm của mình trước lớp ; lớp nhận xét về hiệu quả tác động của nhóm hỗ trợ cộng đồng qua tiểu phẩm vừa diễn xuất. 4.3. Nội dung 3 : Vòng bạn bè của TKT Nhiệm vụ 1 Tìm hiểu khái niệm “Vòng bạn bè” của TKT (cá nhân, 15 phút) Đọc phần tài liệu dưới đây và trả lời các câu hỏi : - Khái niệm “bạn bè” ở đây là chỉ những ai ? - Việc mô tả vòng bạn bè của một TKT có ý nghĩa gì ? - Vòng bạn bè thực tế và vòng quan hệ tự nhiên của mỗi cá nhân có trùng khít với nhau không ? Tại sao ? Vòng bạn bè của TKT Vòng quan hệ tự nhiên của mỗi cá Vòng (sắp xếp theo độ tin cậy nhân (sắp xếp theo bổn phận) Những người Chia sẻ, tâm tình, Những người Quan tâm chăm 1 thân thiện nhất thân thiện nhất. ruột thịt nhất : sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ. bố, mẹ, vợ, con. vô điều kiện. Những người gần Quan tâm, có thể Người ruột thịt : Quan tâm chăm 2 gũi chia sẻ, hỗ trợ. anh, chị, em, sóc thường xuyên. Những người, tổ Hỗ trợ khi có Bạn tâm huyết Sẵn sàng giúp đỡ, 3 chức tham gia điều kiện. (tri âm, tri kỉ). thổ lộ tâm tình. giúp trẻ.
- Những người, tổ Tạo môi trường Bạn trong công Hỗ trợ lẫn nhau, chức có thể trao thuận lợi cho trẻ việc, bạn xã giao. đôi bên cùng có 4 đổi, chia sẻ. phát triển. lợi, giúp đỡ khi có điều kiện, có đề nghị. Ta có vòng bạn bè của TKT sau : Trẻ 4 3 2 1 khuyết tật Nhiệm vụ 2 Thực hành phương án xây dựng vòng bạn bè cho TKT (nhóm ; 20 phút) - Mỗi nhóm hãy nêu trường hợp một TKT. - Liệt kê những người có quan hệ hỗ trợ trẻ ; điền tên những người này vào các vòng khác nhau. - Nếu TKT đó có ít người hỗ trợ, hoặc chưa được hỗ trợ thực sự thì hãy đề ra phương án xây dựng vòng bạn bè cho trẻ đó. Nhiệm vụ 3 Đọc tài liệu dưới đây và trả lời các câu hỏi (cá nhân ; 20 phút) - Bạn bè bình thường của TKT đóng vai trò như thế nào trong GDHN ? - Có những cách thức xây dựng vòng bạn bè cho TKT ở trường, lớp như thế nào ? TÀI LIỆU ĐỌC Vai trò của trẻ trong GDHN Tục ngữ có câu “học thầy không tày học bạn”. Điều đó đã được thể hiện qua thực tế không chỉ trong chương trình GDHN. Trẻ em có nhiều thế lợi hơn so với người lớn trong việc giúp đỡ lẫn nhau. Kinh nghiệm GDHN tại huyện Thường Tín - Hà tây, Yên Khánh - Ninh Bình, Lương Sơn - Hoà Bình, Yên Hưng - Quảng Ninh trong những năm gần đây cho thấy trẻ em có vai trò quan trọng trong :
- - Giúp đỡ nhau trong học tập : Việc giúp đỡ nhau có lợi cho cả hai phía là người được giúp đỡ và người giúp đỡ. Trẻ giúp đỡ nhau dễ hơn người lớn giúp đỡ trẻ vì giữa trẻ có tiếng nói chung. Chúng dùng ngôn từ của chúng, biểu đạt theo cách hiểu của chúng và không ít bị mặc cảm với nhau. Những điều đó, GV khó có thể đạt được. Sự giúp đỡ lẫn nhau mang tính chất hai chiều vì cả hai bên đều có lợi. Lâu nay chúng ta ít khi nhận ra là người giúp đỡ có lợi mà chỉ thấy người được giúp đỡ được hưởng lợi. Lí thuyết và thực tế cho thấy, nếu người giúp đỡ bằng cách giải thích, hướng dẫn cho bạn thì chính qua quá trình đó trẻ đã trưởng thành và càng nắm sâu được kiến thức. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng học bằng cách nghe chỉ hiểu được 30% kiến thức ; bằng cả nghe và nhìn được 50% ; cả nghe, nhìn và thực hành được 70%. Nhưng nếu kết hợp nghe, nhìn, thực hành và sau đó hướng dẫn lại cho người khác sẽ nắm bắt tới 90% lượng kiến thức, kĩ năng*. - Hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong đi lại và sinh hoạt : Không ít trẻ có khó khăn về vận động và nhìn rất cần sự hỗ trợ của bạn bè trong việc đi học và trong sinh hoạt hằng ngày. Thiếu sự hỗ trợ này, trẻ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể đi học được. - Trẻ em là lực lượng tuyên truyền : Kinh nghiệm triển khai nhiều chương trình ở Việt Nam cho thấy trẻ em là lực lượng tuyên truyền quan trọng. Không có một chương trình nào thành công về mặt tuyên truyền mà lại không có trẻ em tham gia. - Trẻ em tham gia vào việc xây dựng kế hoạch, đặt ra các quy tắc và thực hiện những gì mà chúng đã xây dựng, đặt ra. Phương pháp xây dựng vòng bạn bè cho trẻ ở trường, lớp Có nhiều cách khác nhau để xây dựng vòng bạn bè. Tuỳ thuộc vào kinh nghiệm và đối tượng HS cụ thể trong lớp mình, GV có thể đưa ra các cách khác nhau. Dưới đây mô tả một cách xây dựng đã được thể hiện ở các chương trình GDHN. Vòng 1 : Vòng thân thiện gần gũi GV giải thích cho HS rõ về vai trò và ý nghĩa của mối quan hệ thân thiện giữa các HS trong lớp và hoàn toàn tin tưởng rằng nếu mối quan hệ đó được thiết lập, lớp học sẽ tốt hơn. GV phát cho mỗi HS một tờ giấy đã vẽ sẵn 4 vòng và yêu cầu đề tên của mình vào giữa, sau đó đề tên của những người thân thiện nhất vào vòng 1. Những người ở vòng 1 là những người thân thiện nhất, nếu thiếu họ chủ thể ở giữa sẽ không thể tồn tại được về mặt tình cảm. GV có thể đưa ra vòng 1 của mình bằng cách hài ước như chồng, con, con mèo, người bạn đã đi lấy chồng hay người bạn lí tưởng Vòng 2 : Vòng thân tình GV giải thích cho HS rõ vòng 2 là vòng những người gần gũi, nhưng ít thân hơn như những người ở vòng 1. GV có thể minh hoạ bằng chính bản thân mình như điền tên 5 – 6 người bạn đang cùng làm việc, bạn thân từ thuở học trò, anh em ruột thịt tâm đầu ý hợp. Vòng 3 : Vòng những người cùng tham gia
- GV có thể cho từng trẻ tự điền hay cả nhóm cùng điền vào vòng này những người mà trẻ thích nhưng chưa hẳn đã gần gũi. Lấy mình làm ví dụ, GV có thể điền tên bạn đồng nghiệp mà mình kính phục, bạn hàng xóm, bạn cùng đi chơi, anh em cùng dòng họ Vòng 4 : Vòng chia sẻ Sau khi đã điền 3 vòng, HS có thể điền tên những người mà trẻ liên quan, cùng chung sống như thầy giáo, bác sĩ, hàng xóm, GV dựa vào vòng bạn bè của từng trẻ, trao đổi với HS về vai trò của vòng bạn bè đối với cá nhân trẻ. Sau đó, trao đổi với cả lớp về vòng bạn bè của trẻ có nhu cầu đặc biệt trong lớp mình. GV phân tích và nêu rõ vai trò của vòng 1 bằng các câu hỏi : Nếu thiếu những người trong vòng này, cuộc sống của trẻ, đặc biệt TKT, sẽ ra sao ? Những người trong vòng này có vai trò gì đối với mỗi cá nhân ? Làm thế nào để có thêm bạn ở trong vòng 1 ? Tiếp theo, GV cùng trao đổi với TKT và tất cả lớp về việc làm thế nào để những bạn trong lớp có thể trở thành những người trong vòng 1 của TKT. Sau khi phân tích những việc làm cần thiết để có thêm bạn trong vòng 1 của trẻ, GV cùng trao đổi với HS để xây dựng kế hoạch hành động thể hiện các ý tưởng đã bàn. * Các mức độ tham gia của trẻ trong vòng bạn bè Sự tham gia của trẻ vào vòng bè bạn của TKT được phát triển theo các mức độ sau : 7. Nhận trách nhiệm về mình, tự xây dựng các hoạt động, thực hiện và đánh 6. Chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện kế hoạch. 5. Tham gia thực sự vào việc xây dựng kế hoạch và giải quyết các vấn đề. 4. Thay đổi một cách cơ bản về bạn một cách có ý nghĩa. 3. Từ vấn về các nhu cầu và các vấn đề của bạn. 2. Thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến bạn. 1. Tiếp nhận một cách thụ động. * Các biện pháp nâng cao tính hiệu quả của vòng bạn bè - Tổ chức nhiều hoạt động khác nhau để tăng sự hiểu biết và tạo cơ hội cho trẻ thể hiện. - Động viên, khuyến khích kịp thời những hành vi, biểu hiện tốt.
- - Tuyên truyền phổ biến rộng các trường hợp điển hình. Nhiệm vụ 4 Tìm hiểu về mối quan hệ của các lực lượng hỗ trợ TKT (nhóm ; 15 phút) - Theo sơ đồ dưới đây, TKT được hỗ trợ bởi những lực lượng nào ? - Các lực lượng đó có quan hệ với nhau như thế nào ? Ghi nhớ - Các lực lượng cộng đồng tham gia GDHN. - Chức năng hoạt động và cách duy trì hoạt động của nhóm hỗ trợ cộng đồng. - Cách tổ chức hướng dẫn vòng bạn bè tham gia hỗ trợ TKT. 5. CÂU HỎI TỰ ĐÁNH GIÁ 1. Có những lực lượng cộng đồng nào tham gia hỗ trợ GDHN ? 2. Vai trò của gia đình TKT trong GDHN ? 3. Nhóm hỗ trợ cộng đồng là gì ? Nội dung và quy trình hỗ trợ của nhóm này diễn ra như thế nào ? 4. Hãy nêu vai trò của trẻ bình thường trong trường, lớp, gia đình, cộng đồng. Cho biết tại sao ? 5. Nêu vai trò vòng bạn bè đối với TKT. 6. Tìm các phương pháp xây dựng vòng bạn bè cho TKT nhóm đã tìm hiểu và bảo vệ quan điểm tại sao lại sử dụng phương pháp đó. 7. Tìm các biện pháp nâng cao tính tích cực tham gia của trẻ bình thường trong GDHN. 6. TÀI LIỆU THAM KHẢO - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Dạy học hoà nhập cho trẻ khuyết tật, NXB Chính trị quốc gia, 5/2000. - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục hoà nhập và cộng đồng, NXB Chính trị quốc gia, 2001. - Trung tâm Tật học, Viện KHGD, Giáo dục trẻ có tật tại gia đình, NXB Chính trị quốc gia, 1993. - Trung tâm Tật học, Viện KHGD. Hỏi - đáp về Giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật ở Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 8/1999.
- TIỂU MÔ ĐUN 2 (24 tiết) GIÁO DỤC HOÀ NHẬP TRẺ KHIẾM THỊ 1. MỤC TIÊU Kiến thức - Trình bày được khái niệm trẻ khiếm thị. - Mô tả đặc điểm khả năng và nhu cầu của trẻ khiếm thị. - Phân tích, nêu lí do sử dụng các phương pháp đặc thù trong GDHN trẻ khiếm thị. Kĩ năng - Xác định, phát hiện trẻ khiếm thị dựa trên đặc điểm của trẻ. - Sử dụng các kĩ năng và phương pháp đặc thù trong GDHN trẻ khiếm thị. Thái độ Thái độ bình đẳng, tôn trọng, tin tưởng và hợp tác trong dạy học hoà nhập trẻ khiếm thị. 2. NỘI DUNG Chủ đề 1 : Chăm sóc và giáo dục trẻ khiếm thị (4 tiết) Chủ đề 2 : Phương pháp và phương tiện dạy học trẻ khiếm thị bậc Tiểu học (4 tiết) Chủ đề 3 : Một số kĩ năng đặc thù của trẻ khiếm thị (8 tiết) Chủ đề 4 : Kĩ năng đọc viết chữ Braille (8 tiết)
- CHỦ ĐỀ 1 (4 tiết) NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG GIÁO DỤC TRẺ KHIẾM THỊ 1. MỤC TIÊU Kiến thức - Trình bày được khái niệm trẻ khiếm thị. - Mô tả được đặc điểm nhận thức, giao tiếp và nhân cách của trẻ khiếm thị. Kĩ năng - Xác định, phân loại được mức độ khuyết tật thị giác của trẻ khiếm thị. - Vận dụng các phương pháp để tìm hiểu khả năng và nhu cầu của trẻ khiếm thị. Thái độ - Tin tưởng vào khả năng còn tiềm ẩn của trẻ khiếm thị. - Đối xử bình đẳng và tôn trọng trẻ khiếm thị. 2. NỘI DUNG - Khái niệm trẻ khiếm thị. - Đặc điểm nhận thức của trẻ khiếm thị. - Đặc điểm giao tiếp của trẻ khiếm thị. - Đặc điểm nhân cách trẻ khiếm thị. 3. CHUẨN BỊ - Tài liệu học : + Tài liệu viết của tiểu mô đun. + Các trích đoạn băng hình. - Tài liệu tham khảo : + Giáo dục học trẻ khiếm thị. + Tâm lí học trẻ khiếm thị. + Giáo trình Cao đẳng sư phạm : Phần giáo dục trẻ khuyết tật. - Tranh, ảnh, băng hình về hoạt động của trẻ khiếm thị. 4. HOẠT ĐỘNG 4.1. Nội dung 1 : Khái niệm trẻ khiếm thị Nhiệm vụ 1 Nghe giới thiệu tổng quan về GDHN trẻ khiếm thị (10 phút) Giảng viên giới thiệu tổng quan nội dung tiểu mô đun GDHN trẻ khiếm thị, gồm các nội dung sau :
- - Khái niệm trẻ khiếm thị. - Những đặc điểm cơ bản và những nhu cầu đặc biệt của trẻ khiếm thị. - Phương pháp, phương tiện dạy học trẻ khiếm thị. - Giáo dục những kĩ năng đặc thù : + Định hướng, di chuyển trong không gian. + Giao tiếp và kĩ năng sống. + Lao động, tự phục vụ. + Đọc và viết chữ Braille. Nhiệm vụ 2 Tìm hiểu khái niệm “Thế nào là trẻ khiếm thị ?” (17 phút) - Hợp tác nhóm : Chia lớp học thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 3 đến 5 học viên ; cá nhân suy nghĩ trong 2 phút, sau đó các nhóm trao đổi trong 10 phút vấn đề trên. - Báo cáo kết quả và bổ sung ý kiến của các nhóm và giảng viên. Nhiệm vụ 3 Tìm hiểu về trẻ khiếm thị (30 phút) - Nội dung : Mục đích phân loại khuyết tật thị giác, tiêu chí phân loại khuyết tật và các mức độ khuyết tật thị giác của trẻ. - Hình thức hoạt động : Chia lớp thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm từ 3 đến 5 học viên, các nhóm trao đổi thảo luận dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Báo cáo phản hồi, giảng viên bổ sung ý kiến. THÔNG TIN PHẢN HỒI 1. Khái niệm về trẻ khiếm thị 1.1. Thế nào là trẻ khiếm thị - Trẻ khiếm thị là trẻ dưới 18 tuổi có khuyết tật thị giác, khi đã có phương tiện trợ giúp nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong các hoạt động cần sử dụng mắt. - Trẻ khiếm thị có những mức độ khác nhau về thị lực và thị trường của thị giác. - Người bình thường, có thị lực bằng 1 Vis ; thị trường ngang (góc nhìn bao quát theo chiều ngang) một mắt là 150o ; cả hai mắt là 180o ; thị trường dọc (góc nhìn bao quát theo chiều đứng) là 110o. 1.2. Phân loại mức độ khiếm thị Căn cứ vào mức độ khiếm khuyết của thị giác, người ta chia tật thị giác thành hai loại : mù và nhìn kém (việc phân loại thị giác còn phụ thuộc vào mục tiêu của từng ngành chức năng : Y tế, Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội )
- Trẻ mù : được chia làm 2 mức độ. Mù hoàn toàn : Thị lực = 0 Mù thực tế : Thị lực còn 0,005 đến 0,04 Vis, thị trường còn nhỏ hơn 10o khi đã được các phương tiện trợ giúp tối đa (Mắt còn khả năng phân biệt sáng tối nhưng không rõ). Trẻ nhìn kém : được chia làm 2 mức độ. Nhìn quá kém : Thị lực còn từ 0,05 đến 0,08 Vis khi có các phương tiện trợ giúp tối đa. Trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong học tập khi sử dụng mắt và cần được giúp đỡ thường xuyên trong sinh hoạt và học tập. Nhìn kém : Thị lực còn 0,09 đến 0,3 Vis khi đã có các phương tiện trợ giúp tối đa, trẻ vẫn gặp khó khăn trong hoạt động. Tuy nhiên, trẻ này có khả năng tự phục vụ, ít cần sự giúp đỡ thường xuyên của mọi người, còn chủ động trong mọi hoạt động hằng ngày. 1.3. Nguyên nhân khuyết tật thị giác Trẻ bị khiếm thị do nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân chính gây tật thị giác là : - Do bẩm sinh (từ trong bụng mẹ) : do di truyền gen ; bố hoặc mẹ bị nhiễm chất độc hoá học ; mẹ bị cúm lúc mang thai hoặc bị tai nạn gây chấn thương thai nhi - Hậu quả của các bệnh : thiếu vitamin A, đau mắt hột, tiểu đường, HIV/AIDS - Hậu quả của tai nạn : lao động, giao thông, chiến tranh, đánh nhau, chơi trò chơi nguy hiểm, 1.4. Một số khó khăn trẻ khiếm thị thường mắc phải Mức độ khó khăn trong đời sống mà trẻ khiếm thị thường gặp phải phụ thuộc rất nhiều vào mức độ khuyết tật của thị giác. Trẻ mù nhận biết thế giới bên ngoài không phải bằng mắt. Do đó, hình ảnh của sự vật và hiện tượng thường không rõ ràng, thiếu chính xác, đôi khi sai lệch. - Trẻ mù bẩm sinh không thu nhận được hình ảnh từ thị giác, do đó không có khái niệm thực về màu sắc. - Trẻ khó khăn trong định hướng di chuyển : đi chậm, lệch hướng, hay bị va vấp. - Trẻ khó khăn trong lao động tự phục vụ, sinh hoạt hằng ngày. - Trẻ khó cảm thụ vẻ đẹp của thiên nhiên, của con người. - Trẻ khó tham gia các trò chơi vận động thể dục, thể thao. - Trẻ rất khó khăn trong việc học và làm những nghề cần sự phối hợp tay và mắt như sự tham gia của mắt để theo dõi, kiểm tra điều chỉnh các thao tác của tay. So với trẻ sáng mắt trong quá trình học tập, trẻ mù gặp phải hàng loạt những khó khăn : - Giai đoạn luyện phát âm ở đầu bậc Tiểu học : do không quan sát được, trẻ mù rất khó hoặc không thể bắt chước luyện theo hình miệng của GV. - Mặc dù có thể dùng tay sờ để khám phá, thu nhận thông tin để phát triển nhận thức, nhưng tay sờ thường chậm hơn và hiệu quả thấp hơn so với sử dụng mắt. Nhiều hình
- ảnh trẻ mù rất khó hoặc không thể nhận dạng bằng tay như con hổ, đám mây hoặc các tranh vẽ trong sách giáo khoa phổ thông - Bằng cách mô tả và quan sát mô hình, trẻ mù có thể hiểu được các sự vật và hiện tượng nhưng phải trải qua quá trình rèn luyện đặc biệt và phức tạp hơn nhiều so với trẻ sáng mắt. - Vốn từ của trẻ thường nghèo nàn, thiếu nội dung cụ thể và mang tính hình thức. Do đó, trẻ khó diễn đạt một cách sát thực về sự hiểu biết của mình, đôi khi sai lệch so với thực tế. - Trẻ mù viết chữ nổi không khó, nhưng các em gặp những khó khăn khi sửa bài viết bằng chữ nổi. Nguyên nhân là do chữ nổi không thể sửa bài bằng cách viết bổ sung, viết thêm vào phía trên hàng hoặc dưới hàng chữ đã viết. 2. Cấu tạo và chức năng của cơ quan phân tích Thị giác 2.1. Cấu tạo của mắt Mắt là cơ quan hình thành gần như đầu tiên trong quá trình phát triển của trẻ (từ tuần thứ hai của thai nhi). Mắt luôn phát triển và hoàn thiện trong giai đoạn thai nhi và quá trình hoàn thiện còn kéo dài trong nhiều năm sau khi trẻ ra đời (đến năm 4 tuổi, đôi mắt của trẻ đã có sự hoàn thiện về cấu trúc cũng như chức năng giống mắt của một người trưởng thành). Mắt nằm trong hốc mắt gồm có 3 bộ phận chính sau : cầu mắt, dây thần kinh thị giác, trung khu thần kinh thị giác (trên vỏ đại não) và các bộ phận hỗ trợ (các cơ vận động mắt, mi mắt, các tuyến lệ). a) Cầu mắt Được cấu tạo bởi các màng mắt và môi trường chiết quang (thuỷ tinh thể, thuỷ tinh dịch). Màng mắt gồm 3 lớp màng : màng sợi, màng mạch và màng lưới. Màng sợi là màng ngoài cùng của cầu mắt. Màng sợi gồm có hai phần : - Phần trước chiếm 1/5 diện tích cầu mắt, lồi ra và trong suốt không có mạch máu, gọi là màng giác. - Phần còn lại 4/5 diện tích của cầu mắt có màu trắng gọi là màng cứng. Một phần của màng cứng nằm ở phía trước chính là lòng trắng mắt. Màng mạch nằm trong màng sợi, chứa nhiều mạch máu. Màng mạch gồm 3 phần khác nhau về cấu tạo và chức năng : màng nhện, thể mi và lòng đen. Màng lưới (còn gọi là màng thần kinh) có hai loại tế bào thần kinh tiếp nhận ánh sáng ; khoảng 130 triệu tế bào thần kinh hình que có nhiệm vụ tiếp nhận kích thích về ánh