Những kĩ năng cơ bản của công tác đội

pdf 73 trang vanle 2570
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Những kĩ năng cơ bản của công tác đội", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_ki_nang_co_ban_cua_cong_tac_doi.pdf

Nội dung text: Những kĩ năng cơ bản của công tác đội

  1. Tiểu môđun 2 NHỮNG KĨ NĂNG CƠ BẢN CỦA CÔNG TÁC ĐỘI I. MỤC TIÊU : Kiến thức : Hiểu và nắm vững được những nội dung cơ bản của hoạt động thực hành mang tính chuyên môn đặc trưng của Đội TNTP Hồ Chí Minh và lứa tuổi thiếu nhi. Nhận thức được ý nghĩa tác dụng của các hoạt động thực hành mang tính kĩ năng ứng dụng trong hoạt động Đội. Kĩ năng : Thuần thục các thao tác thực hành và hướng dẫn thực hành các hoạt động mang tính nghiệp vụ của Đội. Thái độ : Quan tâm, nhiệt tình, tôn trọng, phát huy vai trò tự quản của các em. Nâng cao lòng yêu mến trẻ, thích hoạt động với trẻ. II. THỜI GIAN : 15 tiết. III. GIỚI THIỆU MÔĐUN : STT Tên chủ đề Số tiết Trang 1 Kĩ năng tổ chức và hướng dẫn trò chơi tập thể cho 4 thiếu nhi. 2 Kĩ năng tổ chức trại thiếu nhi. 2 3 Kĩ năng dựng lều trại. 2 4 Kĩ năng thực hiện nút dây và trang trí thủ công trại. 2 5 Kĩ năng hướng dẫn thiếu nhi hát những bài hát truyền 2 thống Đội. 6 Kĩ năng hướng dẫn thiếu nhi múa tập thể. 3 Tổng số 15 IV. NỘI DUNG CỦA CÁC CHỦ ĐỀ :
  2. Chủ đề 1 KĨ NĂNG TỔ CHỨC VÀ HƯỚNG DẪN TRÒ CHƠI TẬP THỂ CHO THIẾU NHI I. MỤC TIÊU CỦA CHỦ ĐỀ : Kiến thức : Hiểu được những nội dung cơ bản của hoạt động trò chơi đối với lứa tuổi thiếu nhi. Phân tích được các nội dung trên và giải thích được vai trò của chúng. Kĩ năng : Thuần thục thao tác điều khiển các trò chơi tập thể dành cho thiếu nhi ở ngoài trời hoặc trong phòng. Xử lí được các tình huống bất ngờ trong khi chơi. Thái độ : Có thái độ quan tâm, nhiệt tình, tôn trọng phát huy vai trò tự quản trong trò chơi của các em thiếu nhi. Có thiện chí, yêu thương nâng đỡ những em yếu. II. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 4 tiết III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Trong vai trò là người phụ trách chi đội, việc đưa trò chơi vào những hoạt động của thiếu nhi là vô cùng cần thiết. Bởi vì sự thu hút của trò chơi tập thể đối với các em thiếu nhi rất lớn và rất hiệu quả về giáo dục. IV. TÀI LIỆU VÀ THIẾT BỊ ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 1. Tài liệu tham khảo : – Hoàng Nguyên Cát, Lương Xuân Lộc, Hồ Đăng Phúc, Hiền Nhi, Nguyễn Hiệp , Ngô Bích San, Trò chơi – NXB Kim Đồng, Hà Nội, 1982. – Khoa Đội Trường Đoàn Lí Tự Trọng (biên soạn) – Trò chơi tập thể – NXB Măng non, 1984. – Phạm Tiến Bình, 100 trò chơi khoẻ, NXB TDTT, Hà Nội, 1985. – Phan Đức Phú, Trần Đồng Lâm, Trò chơi vận động (dùng trong trường phổ thông cơ sở), NXB TDTT, Hà Nội, 1981. – Bạch Văn Quế, 70 trò chơi với bóng, NXB Trẻ, 1997. – Tôn Thất Sam và Tôn Thất Hùng – Trò chơi ngoài trời – NXB Trẻ, 2002. – Tôn Thất Đông, 126 trò vui chơi tập thể chọn lọc, NXB Trẻ, 2002. – Hương Liên, Cẩm nang trò chơi, NXB Trẻ, 2002. – Trần Phiêu, Những trò chơi vui nhộn trong sinh hoạt tập thể, NXB Trẻ, 2002. 2. Trang – thiết bị, đồ dùng dạy học : Âm thanh : loa, micro, Sân bãi có bóng mát. V. NỘI DUNG : 1. CÁC HOẠT ĐỘNG : Hoạt động 1 : TÌM HIỂU Ý NGHĨA GIÁO DỤC THÔNG QUA VIỆC TỔ CHỨC VÀ HƯỚNG DẪN TRÒ CHƠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 1 :
  3. Để tổ chức và hướng dẫn trò chơi tập thể cho thiếu nhi thật tốt, ta cần phải nói rõ ý nghĩa giáo dục của trò chơi mà ta sắp tổ chức, bởi vì khi tham gia chơi, tính tình các em sẽ bộc lộ ra rõ như : bạo dạn, nhút nhát, tự cao, tự ti, gian lận, trung thực, nóng nảy, điềm đạm, vị tha, vị kỉ, Người ta thường sử dụng trò chơi như một phương tiện giáo dục để phát huy những tính tốt và sửa chữa những tính xấu. 1. Đối với tập thể : Trò chơi đem đến cho tập thể bầu không khí vui tươi, thoải mái, thân mật sau những giờ học tập, lao động, hội họp căng thẳng hay trong những buổi sinh nhật, trại, tham quan du lịch, Ngoài ra, nhờ trò chơi, các em có dịp gần gũi, hiểu biết về nhau, từ đó đưa đến sự cảm thông, đoàn kết trong tập thể. 2. Đối với cá nhân : Trò chơi mang lại cho cá nhân các em rất nhiều lợi ích vì mục đích của trò chơi là giáo dục những cá nhân cụ thể. Do vậy, em nào chịu nhập cuộc chơi nhiệt tình thì em đó hưởng lợi ích của trò chơi nhiều nhất. Trò chơi mang lại cho cá nhân những lợi ích sau : Sức khoẻ, chịu đựng bền bỉ, phát triển các giác quan như tay, chân, tai, mắt, Phát triển trí thông minh, trí tưởng tượng, óc quan sát nhạy bén, tự chủ, tháo vát, phản ứng nhanh, khéo léo. Vui vẻ, cởi mở, thẳng thắn, trung thực, bạo dạn, hoà đồng, tinh thần đồng đội, đoàn kết, kỉ luật, NHIỆM VỤ * Nhiệm vụ 1 : Nghiên cứu các thông tin cho hoạt động 1 để tìm hiểu ý nghĩa giáo dục thông qua việc tổ chức và hướng dẫn trò chơi. * Nhiệm vụ 2 : Chia lớp ra thành nhiều nhóm nhỏ. Cử đại diện mỗi nhóm tổ chức cho lớp chơi thử một trò chơi bất kì nhằm minh hoạ cho phần tìm hiểu ý nghĩa giáo dục của trò chơi. * Nhiệm vụ 3 : Các nhóm nhận xét và góp ý (xem những trò chơi vừa được triển khai xong có ý nghĩa giáo dục gì ?). * Nhiệm vụ 4 : Giảng viên nhận xét và giảng giải thêm cho những phần mà các sinh viên còn thiếu sót. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 1 : Câu 1 : Hãy kể một số tính cách của thiếu nhi sẽ được bộc lộ ra khi các em được tham gia các trò chơi tập thể ? Câu 2 : (Chọn câu trả lời đúng) : Trò chơi mang lại cho cá nhân những lợi ích gì ? 1 Phát triển trí thông minh lanh lợi.  Phát triển trí tưởng tượng phong phú.  Phát triển óc quan sát nhạy bén.  Cả 3 yếu tố trên. Hoạt động 2 : TÌM HIỂU CÁC CÔNG VIỆC CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI HƯỚNG DẪN TRÒ CHƠI
  4. THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 2 : Để chuẩn bị thật tốt trước khi hướng dẫn một trò chơi tập thể khoảng từ 10 – 100 em, người giáo viên phụ trách Đội cần chú ý những yếu tố sau : 1. Nhận dạng đối tượng tham gia trò chơi : a) Số lượng người chơi : – Từ 10 – 50 em : Rất tốt vì người Quản trò sẽ rất dễ điều khiển, dễ quan sát, hiệu quả cao. – Trên 50 em : Số lượng tương đối nhiều, cần phải lựa chọn kĩ trò chơi. Tránh những loại trò chơi chỉ chú ý vào từng người, sẽ dễ sinh chán nản cho những người còn lại. b) Chú ý giới tính : – Với vòng tròn có cả nam lẫn nữ, nên chọn những trò chơi vòng tròn mà cả nam lẫn nữ đều tham gia được. – Nếu chỉ toàn là nam thì có thể tăng thêm tính mạnh mẽ. Còn nếu toàn là nữ thì nên sử dụng những trò chơi có tính nhẹ nhàng hơn. 2. Lựa chọn các trò chơi : Phù hợp yêu cầu giáo dục cụ thể, có thể gây thích thú cho các em, và đảm bảo tính vừa sức (em nào cũng chơi được, và cũng có thể thắng cuộc về mặt này hay mặt khác). Muốn vậy, cần : – Xác định mục đích tổ chức trò chơi (cho buổi sinh hoạt cụ thể). – Chọn những trò chơi mà mình am tường nhất, từ luật chơi đến các diễn tiến của nó. Nếu là những trò chơi “ruột” (theo sở trường) thì càng tốt. – Nắm rõ đặc điểm đối tượng (tâm lí, giới tính, sức khoẻ, trình độ chơi, số lượng người chơi như đã nói ở trên). – Chọn những trò chơi mà mọi người đều tham gia được, không nên sử dụng nhiều những trò độc diễn chỉ dành cho 1 hoặc 2 người. – Tìm địa điểm phù hợp có thể triển khai trò chơi. – Nếu chưa thể tìm ra được những trò chơi mới, người phụ trách chi đội nên nỗ lực cải biên trò chơi dựa trên nền trò chơi cũ để tạo cho các em luôn có cảm giác mới mẻ và để phù hợp với hoàn cảnh, tình trạng sức khoẻ, tâm lí của người chơi. – Nên dự trù sẵn ít nhất 3 trò chơi mà mình tâm đắc nhất. 3. Xây dựng chương trình cuộc chơi : Thiết kế các trò chơi từ dễ đến khó, xen kẽ các trò chơi “tĩnh” với trò chơi “động” (nên mở đầu bằng một trò vui, nhộn nhịp, và kết thúc với một trò chơi “tĩnh”). Nếu thiết kế cuộc chơi theo một câu chuyện có chủ đề để lần lượt đưa các bạn vào những trò chơi theo trình tự thì càng hay. Dự đoán những tình huống có thể xảy ra để chuẩn bị các phương án xử lí cụ thể. 4. Chuẩn bị dụng cụ (tự chuẩn bị hoặc thông báo để người chơi cùng chuẩn bị dụng cụ) : gậy, bóng (banh), dây dù 5. Chuẩn bị địa điểm (phù hợp yêu cầu cuộc chơi) : Sân chơi chứa được bao nhiêu người ? Sẽ tổ chức được những trò chơi gì ? Nếu ở trong nhà thì trần cao hay
  5. thấp ? Có vướng bàn ghế không ? Cần thu dọn những chướng ngại dễ gây ra tai nạn như cây đinh, khúc cây, cục đá, vỏ chuối 6. Tự chuẩn bị tinh thần tốt nhất để vào cuộc : – Trước hết cần nắm vững diễn biến và luật (quy định) của các trò chơi (nhất là đối với các trò chơi mới). Nếu triển khai thiếu một chi tiết hoặc một điều kiện nào đó, trò chơi sẽ có thể kém thú vị, hoặc sẽ bị “trục trặc” giữa chừng. Vì vậy, cần tự chuẩn bị chu đáo. Đối với các trò chơi cần hướng dẫn bằng động tác, cần tập trước cho thành thạo. – Bạn phải thực sự cảm thấy hứng thú với những trò chơi dự định phổ biến, mới có thể truyền sự hứng thú sang người chơi. Tóm lại, phải tự chuẩn bị cả về mặt tâm lí, lẫn tác phong, thái độ trước khi bước vào tổ chức cuộc chơi. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Từng sinh viên nghiên cứu các thông tin của hoạt động 2 để biết được các công việc cần chuẩn bị trước khi hướng dẫn trò chơi. * Nhiệm vụ 2 : Các nhóm thảo luận để tìm hiểu các công việc cần chuẩn bị trước khi hướng dẫn trò chơi. * Nhiệm vụ 3 : Mỗi nhóm cử đại diện (phải là người khác với người của hoạt động 1) tổ chức cho lớp chơi thử một trò chơi bất kì để chứng minh rằng mình có chuẩn bị tốt khi tham gia chơi trò chơi. * Nhiệm vụ 4 : Các nhóm nhận xét và góp ý (phân tích xem những trò chơi vừa được nhóm bạn mình cho chơi xong có mức độ chuẩn bị đến đâu ?). * Nhiệm vụ 5 : Giảng viên nhận xét và giảng giải thêm cho những phần mà các sinh viên còn thiếu sót. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 2 : Câu 1 : Bạn sẽ gặp khó khăn gì khi số lượng người chơi có nhiều hơn 100 em ? Câu 2 : (Đánh dấu vào ô đúng – sai) Nếu trong tập thể có nhiều nữ ta nên tăng cường thật nhiều yếu tố mạnh bạo. Đúng  Sai  Câu 3 : Với tập thể thụ động ta nên ra trò chơi càng khó càng tốt ? Đúng   Sai  Câu 4 : Khi lựa chọn trò chơi, ta có nên sử dụng những trò chơi chỉ dành cho những người chơi có tính chuyên môn cao không ? Câu 5 : Hãy liệt kê các dụng cụ cần thiết để tiến hành chơi ? Ai sẽ là người chuẩn bị những dụng cụ này ?
  6. Hoạt động 3 : NGHIÊN CỨU CÁC CÔNG VIỆC PHẢI LÀM TRONG KHI TIẾN HÀNH TRÒ CHƠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 3 : Các công việc phải làm khi tiến hành chơi trò chơi bao gồm : 1. Ổn định tập thể và tạo tâm thế sẵn sàng vào cuộc (nếu đang ồn, tổ chức ngay 1 bài hát hoặc 1 trò chơi gây sự chú ý và im lặng. Nếu không khí có vẻ đang lắng, tổ chức một số trò chơi nhỏ loại phản xạ để khởi động). 2. Chia nhóm theo yêu cầu nội dung trò chơi (nếu có). – Chú ý cân đối giữa các nhóm về số người và thành phần (có nam, nữ), sức lực cho đồng đều. Có thể dùng hình thức điểm số, hoặc dùng loại trò chơi chia nhóm. – Chọn nhóm trưởng điều khiển mỗi nhóm (cá nhân tự nguyện, hay nhóm đề cử). 3. Giới thiệu và trình bày, phân tích trò chơi : – Có thể dùng một mẩu chuyện lịch sử, thời sự lồng vào để giới thiệu trò chơi (tuy nhiên, đừng lạm dụng khiên cưỡng để gây nên sự gượng ép không cần thiết). – Trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu (có pha thêm tính hài hước, dí dỏm) các yêu cầu : cách chơi (có kèm thực hiện những động tác mẫu – nếu có), luật chơi (cách xác định thắng – bại). Chú ý dùng ngôn ngữ thích hợp sao cho dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện. – Để người chơi hỏi nếu có thắc mắc. – Cử trọng tài (Quản trò làm trọng tài hoặc cử một vài bạn nắm chắc luật chơi làm trọng tài). – Đừng mất kiên nhẫn vì những nô đùa của những em đã biết trò chơi. 4. Tổ chức chơi thử (chơi nháp) : Nhằm giảm bớt sự giải thích và cũng để kiểm tra sự tiếp thu của người chơi. Phân tích tiếp những trường hợp phạm luật chơi để người chơi nắm rõ hơn. 5. Tổ chức chơi : – Chuẩn bị trước sự phân chia trong vòng tròn sao cho mạnh yếu đồng đều, nếu nam nữ xen kẽ được là tốt. – Khi vào cuộc, Quản trò nên cùng chơi với các em. Riêng đối với những trò chơi đòi hỏi thi đua giữa các nhóm thì ta không nên tham dự cùng một nhóm người chơi cụ thể nào, mà phải đứng ở vị trí trọng tài và phải luôn đảm bảo được tính công bằng. – Vận dụng linh hoạt chương trình cuộc chơi như dự kiến. Nếu cần, phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, tránh cứng nhắc. – Chú ý quan sát trong khi mọi người tham gia chơi để tìm hiểu tâm lí, cá tính của từng người. Chú ý những bạn nhút nhát, chậm chạp để động viên, tạo sự tự tin. Có thể điều khiển cho nhịp điệu của trò chơi từ chậm đến nhanh dần để tạo sự chú ý, đẩy trò chơi lên đến cao trào hứng thú nhất. Trong khi chơi, phải chú ý riêng một số bạn cần được rèn luyện nhiều về một mặt nào đó (ví dụ : bạn nhút nhát, bạn thô lỗ ). Tuyệt đối không nên loại bất kì người nào ra mà chỉ dùng những hình thức phạt (có nêu ra từ đầu cuộc chơi) – phạt xong lại cho chơi tiếp (bạn nào càng hỏng nhiều, càng nên cho chơi nhiều).
  7. – Theo dõi sát diễn tiến trò chơi. Cùng trọng tài đảm bảo cho mọi người chơi đúng luật quy định. Chú ý tính giáo dục, rèn luyện tinh thần tự giác, sự tương trợ, đoàn kết và tinh thần thể thao giữa các nhóm và nơi mỗi người. Chú ý khai thác tính dí dỏm của trò chơi, hoặc có thể “cải biên” trò chơi sao cho vui vẻ, thoải mái. – Xử lí kịp thời những tình huống phát sinh một cách công bằng. Khi bắt lỗi phải khách quan, chính xác, dứt khoát, công bằng. Thưởng phạt nghiêm minh, sao cho mỗi người có lỗi tự thấy ra được khuyết điểm của mình. Đề cao tinh thần tự giác, thẳng thắn trung thực, dành cho người chơi phát huy sáng kiến trong phạm vi luật lệ trò chơi. Quản trò cần phải làm gương và cũng sẵn sàng chịu phạt nếu có vi phạm luật chơi. – Phải biết kết thúc cuộc chơi đúng ngay lúc đã xác định thắng thua rõ ràng, hoặc một số người đã có dấu hiệu thấm mệt, hơi chán nhằm tạo sự luyến tiếc, để lần sau chơi lại vẫn còn thấy thích thú. Tránh để người chơi bị mệt quá, hoặc đã có dấu hiệu thấy nhàm chán. – Nếu với một trò chơi mà chỉ có một người thắng liên tục, ta nên đổi sang trò khác để ai cũng có cơ hội thắng cuộc : người thì thắng về sự nhanh nhẹn, người thì thắng về sự khoẻ khoắn, người thì thắng về tính tự chủ NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Từng sinh viên nghiên cứu các thông tin của hoạt động 3 để biết được các việc phải làm trong khi hướng dẫn trò chơi. * Nhiệm vụ 2 : Các nhóm thảo luận để tìm hiểu các việc phải làm trong khi hướng dẫn trò chơi. * Nhiệm vụ 3 : Mỗi nhóm cử thêm đại diện khác tổ chức cho lớp chơi thử một trò chơi bất kì để áp dụng tốt các việc phải làm (đã xem trong phần “Thông tin của hoạt động 3”) trong khi hướng dẫn trò chơi. * Nhiệm vụ 4 : Các nhóm nhận xét và góp ý (phân tích xem những trò chơi vừa được nhóm bạn mình cho chơi xong có mức độ áp dụng tốt đến đâu ?). * Nhiệm vụ 5 : Giảng viên nhận xét và giảng giải thêm cho những phần mà các sinh viên còn thiếu sót. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 3 : Câu 1 : (Đánh dấu vào ô đúng – sai) Nếu không khí của tập thể đang quá ồn, ta phải quát tháo thật lớn cho các em im lặng bớt. Đúng  Sai  Câu 2 : Có thể giới thiệu trò chơi như thế nào cho hấp dẫn ? Có cần phải tạo ra một bộ mặt nghiêm nghị ? Câu 3 : Khi gặp những trường hợp cá biệt hay phá phách, Quản trò phải làm gì ? Câu 4 : Tinh thần phán quyết của Quản trò phải như thế nào ? Câu 5 : Khi thấy người chơi có dấu hiệu thấm mệt, Quản trò phải làm gì ? Câu 6 : Có nhất thiết cần chơi thử trước khi chơi thật không ? Câu 7 : Hãy sắp xếp các nội dung sau theo trình tự các công việc phải làm trong khi tiến hành trò chơi (thể hiện bằng đường nối từ bên số thứ tự qua bên chữ) : a) Tổ chức chơi thử (nháp). b) Chia nhóm. c) Tổ chức chơi. d) Ổn định tổ chức.
  8. đ) Giới thiệu và trình bày, phân tích trò chơi. Hoạt động 4 : NGHIÊN CỨU NHỮNG CÔNG VIỆC PHẢI LÀM SAU KHI KẾT THÚC TRÒ CHƠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 4 : 1. Hình phạt : Phải mang tính giáo dục, nhẹ nhàng, thoải mái, dễ thực hiện (Quản trò phải làm mẫu được hình phạt). Tránh những hình phạt thô bạo, kéo dài thời gian, và tuyệt đối tránh những hình phạt nhằm trả thù cá nhân hoặc nhằm hạ thấp nhân phẩm (như liếm giày, liếm ghế, chui háng, chui gầm ghế ). 2. Hướng dẫn người chơi tự nhận xét, rút kinh nghiệm dựa trên luật chơi. 3. Quản trò nhận xét và đánh giá chung, khen thưởng (phải khách quan, công bằng và chính xác). Chú ý đề cao tinh thần hòa nhã, tự giác để động viên mọi cố gắng của từng bạn, từng nhóm. Tránh đơn thuần đề cao thành tích, dễ gây tâm lí ganh tị, “cay cú”. Đánh giá ưu khuyết điểm của trò chơi (cần thêm hay bớt gì không ? về luật lệ, cách chơi và tính hấp dẫn, sự giáo dục của trò chơi đến đâu ?). 4. Thu dọn sau cuộc chơi : Thu dọn dụng cụ, làm vệ sinh sạch sẽ địa điểm chơi. Nhắc các em làm vệ sinh cá nhân và chỉnh đốn y phục sau khi chơi. 5. Quản trò tự rút kinh nghiệm : – Ghi vào sổ tay những điểm cần chú ý khi tổ chức các trò chơi vừa thực hiện. – Sửa chữa và bổ sung những điều chưa hợp lí, hay đã hợp lí của các trò chơi. Hoặc ghi thêm các dạng cải biên, phát triển có thể có của một số trò đã chơi. CHÚ Ý : 1. Tránh tổ chức những trò chơi vận động mạnh vào trước hoặc sau giờ ăn. 2. Nên chú ý (dự báo) thời tiết : nắng, lạnh để chọn những trò chơi phù hợp. 3. Khi điều khiển trò chơi, nên tạo điều kiện : – Cho mọi người đều tham dự. – Cho mọi người đều tham gia vào việc phát triển hành động chơi, kích thích óc sáng tạo của tất cả. 4. Trong một số trò chơi, ngay từ đầu đã có thể có những em bị loại. Cần tạo điều kiện cho các em đó được tiếp tục chơi. Thí dụ, bằng cách : Cho 2 bên đổi nhau, hoặc từ đầu phát cho mỗi em (mỗi nhóm) một số thẻ (có thể mỗi em 2, 3 thẻ) – Mỗi lần bị loại, phải nộp cho đối phương 1 thẻ, hết thẻ sẽ bị loại hẳn. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Từng sinh viên nghiên cứu các thông tin của hoạt động 3 để biết được các việc phải làm ngay sau khi kết thúc trò chơi. * Nhiệm vụ 2 : Các nhóm thảo luận để tìm hiểu các việc phải làm sau khi kết thúc trò chơi. * Nhiệm vụ 3 : Mỗi nhóm cử thêm đại diện khác báo cáo (một cách đầy đủ) những công việc phải làm sau khi kết thúc trò chơi. * Nhiệm vụ 4 : Giảng viên nhận xét và giảng giải thêm những phần mà các sinh viên còn thiếu sót (nếu có). ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 4 :
  9. Câu 1 : Quản trò không chịu làm mẫu hình phạt trong trò chơi có được không ? Câu 2 : (Đánh dấu vào ô đúng – sai) Sau khi lựa chọn được một số bạn, Quản trò ra những hình phạt thô bạo (như thụt dầu 50 cái) hoặc hạ thấp nhân phẩm (như liếm giày ), đúng hay sai ? Đúng  Sai  Câu 3 : Khi khen thưởng, Quản trò phải chú ý điều gì và phải tránh điều gì ? Câu 4 : (Chọn câu trả lời đúng) : Cần nhắc nhở các em làm điều gì sau khi chơi ? . Thu dọn dụng cụ. . Nhặt rác sạch sẽ. . Chỉnh đốn trang phục. . Cả 1, 2, 3 đều đúng. Hoạt động 5 : TÌM HIỂU VỀ NHỮNG YẾU TỐ CẦN THIẾT CẦN CÓ CỦA NGƯỜI QUẢN TRÒ THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 5 : Để trở thành một Quản trò giỏi, người phụ trách phải cố gắng rèn luyện để có được các phẩm chất, năng lực sau : 1. Tính cách : a) Tâm hồn cởi mở : Để sẵn sàng đóng góp phần mình cho cuộc vui chung, cho bầu không khí thêm đậm đà, gắn bó. b) Ý thức sâu sắc : Để biết làm, biết nói sao cho đúng lúc, đúng nơi, đúng đối tượng để từng phút nâng tâm hồn, nâng tính giáo dục cho tập thể và cho cá nhân. c) Bản lĩnh vững vàng : Để ứng biến nhanh nhẹn, “thắng không kiêu – bại không nản”, sẵn sàng nhường bước cho người khác mà không mặc cảm. d) Tài năng đa dạng : Biết cách ăn nói dõng dạc, cư xử hài hoà, có nhiều sở trường (kể cả tài vặt như : có thể kể chuyện, đệm đàn, tập hát, tập múa, đóng kịch, ) bởi Quản trò sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng khi có những sự cố mà không còn ai giải quyết. Tóm lại : Quản trò là một nhân vật phải có dư trình độ và thiện chí. Có thể làm chủ một tập thể từ 6 → 60 → 600 người trong một thời gian ngắn hay dài mà kết quả chỉ là phần thưởng tinh thần tự người ấy cảm nhận. 2. Năng khiếu : Tuy năng khiếu phần lớn là có sẵn do “trời cho”, nhưng đồng thời cũng phải biết luôn tự học hỏi, luôn tự thực tập và luôn ở trong tư thế sẵn sàng. a) Giọng nói, khuôn mặt : Giọng nói lớn, dõng dạc. Biết cách trình bày trò chơi và hướng dẫn luật chơi ngắn gọn nhưng dễ hiểu. Gây được sự chú ý và hồi hộp, hấp dẫn, cho dù đó là trò chơi đã quen. Khi làm trọng tài cần quyết định ra những khẩu lệnh dứt khoát nhưng vẫn vui vẻ và nghiêm minh. Khuôn mặt tươi tỉnh, cởi mở, nhìn bao quát. Tránh để lộ sự nóng nảy, sốt ruột hoặc nản lòng ra bên ngoài. Tránh nạt nộ ra lệnh gay gắt. b) Cử chỉ và dáng điệu : Dáng vẻ và hành động luôn dễ thương và gây thiện cảm. Tạo được sự chú ý có duyên mỗi khi xuất hiện đã làm cho tập thể vui nhộn lên, để tương tác giao kết mọi người với nhau. Tránh các cử chỉ thừa, vụng về gây mất tự
  10. chủ. Tất cả toát lên sự gần gũi, thân tình. Làm Quản trò hoặc làm trọng tài mà làm cho người chơi có cảm giác dường như ở cùng một phía với mình. c) Sức khỏe và tháo vát : Thể lực phải dai bền, mau hồi sức để tránh nói đứt quãng, không chơi đủ thời gian quy định. Sự nhanh nhẹn tháo vát và các kĩ năng cũng cần thiết (vẽ, nút dây, chơi bóng, hát, thơ, để hỗ trợ công việc của Quản trò). d) Kiến thức và ý niệm : Bước đầu có thể bắt chước hoặc học “lóm” của ai đó, nhưng càng về sau, ta phải càng biết tìm đọc trong sách, nơi bạn bè, nơi các hướng dẫn, rồi tự hệ thống thành lí luận, kiến thức. Luôn ý thức việc mình làm và giúp mọi người nhận ra một cách khéo léo các giá trị mà trò chơi đem lại. Có thể nói, qua trò chơi, ta có thể giáo dục các em thiếu niên một cách dễ dàng hiệu quả nhất. e) Vốn trò chơi : Cố gắng đừng để vốn trò chơi bị cạn kiệt. Việc một trò chơi cứ lặp đi lặp lại sẽ gây ra sự nhàm chán. Nếu sưu tầm được nhiều trò chơi mới thì rất tốt, nhưng nếu không được như vậy, ta cũng có thể “cải biên” dựa trên nền một trò chơi cũ cũng sẽ rất thú vị và lôi cuốn. Để được như thế, ta nên biết kết hợp để tạo ra một ngân hàng trò chơi hoặc lập Câu lạc bộ những chuyên viên Quản trò để vốn trò chơi của bản thân càng lúc càng phong phú hơn. 3. Kinh nghiệm : Là điều mà chính bản thân người Quản trò phải tự học lấy, “mắt thấy tai nghe”, bản thân phải từng trải qua những thất bại thì mới thấm thía được hết câu “Thất bại là mẹ thành công”. Kinh nghiệm thì không ai giống ai. Nhờ thế mà mỗi Quản trò sẽ hình thành nơi mình một tính cách, một nét đặc trưng riêng mà không thể nhầm lẫn với một ai khác. Các kinh nghiệm cá nhân cần được tích luỹ ngay từ lúc ta mới tập sự làm Quản trò. Cố gắng đừng bao giờ để dẫm lên những “vết xe đổ” của những người đi trước hoặc của chính mình. Muốn thế, khi vào cuộc phải : – Tự tin. – Thắng không kiêu – bại không nản. – Biết xuất hiện đúng lúc cần thiết. – Nhiệt tình hết sức mình, vị tha và hướng thượng. – Người Quản trò giỏi là người không có khái niệm “giấu nghề”. – Khiêm tốn học hỏi các bậc đàn anh đi trước và sẵn sàng hướng dẫn dìu dắt đàn em những kinh nghiệm của mình theo phương châm “dạy chính là tự học”. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Từng sinh viên nghiên cứu các thông tin của hoạt động 5 để biết được những yếu tố cần thiết của người Quản trò. * Nhiệm vụ 2 : Các nhóm thảo luận để tìm hiểu và tự đánh giá thử cho những người Quản trò của nhóm mình (mới đại diện nhóm để ra cho trò chơi vừa rồi trong những hoạt động trên) xem đã hội đủ những yếu tố cần thiết của người Quản trò hay chưa ? * Nhiệm vụ 3 : Mỗi nhóm cử thêm đại diện lên báo cáo (một cách đầy đủ) những kết quả tự đánh giá của nhóm mình. * Nhiệm vụ 4 : Giảng viên nhận xét và đánh giá bổ sung cho những phần mà các sinh viên còn thiếu sót (nếu có). ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 5 :
  11. Hãy lập bảng liệt kê trình bày những năng khiếu (vốn riêng) của Quản trò Hoạt động 6 : NGHIÊN CỨU CÁCH THỰC HIỆN SỔ TAY TRÒ CHƠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 6 : Thực hiện “Sổ tay trò chơi” là một việc làm vô cùng quan trọng, bởi vì nếu lưu trữ theo hệ thống phân loại có khoa học, ta sẽ rất dễ dàng cho việc lựa chọn để sử dụng khi cần. Người Quản trò giỏi phải tổ chức sưu tầm và phân loại trò chơi một cách thường xuyên. Có như vậy, ta mới tích luỹ được một số vốn trò chơi phong phú để đáp ứng nhu cầu vui chơi luôn phát triển của đối tượng tham gia chơi. Muốn thế, ta không thể thiếu trong tay một quyển “Sổ tay trò chơi”. 1. Cách lưu trữ trò chơi : Có 2 cách : – Hoặc dùng một cuốn sổ (có thể tự đóng lấy), trong đó bạn sẽ ghi lại các trò chơi thu thập được theo sự phân loại cụ thể. – Hoặc dùng các phiếu rời. Mỗi phiếu dùng để ghi 1 trò chơi (theo phân loại). Sau một thời gian, nếu tìm được tiếp những trò chơi cùng loại, hoặc là các biến dạng của trò chơi đã ghi, bạn sẽ ghi tiếp vào cùng 1 phiếu. Việc sử dụng các phiếu rời (có thể dùng khổ bằng nửa trang giấy tập học sinh) thật ra khoa học hơn là dùng sổ. Với mỗi phiếu, bạn nên đục lỗ ở cạnh gáy để tiện đóng các phiếu cùng loại trò chơi vào với nhau (đóng “cơ động” chứ không đóng “chết”, để khi cần có thể lấy ra bổ sung tiếp, hoặc đính thêm phiếu mới vào). 2. Cách ghi một trò chơi : Một trò chơi cần được ghi rõ các đề mục :  Mục đích giáo dục  Địa điểm tổ chức  Số lượng người tham dự  Vật dụng cần chuẩn bị  Diễn biến chơi cụ thể (cách chơi)  Luật chơi  Các quy định thưởng – phạt.
  12. Với những trò đã chơi và có kinh nghiệm, nên ghi thêm “những điều cần lưu ý” (trong đó có điều chỉnh hay bổ sung những điều kiện chơi cụ thể, hoặc ghi những tình huống có thể xảy ra để phòng ngừa). 3. Cách phân loại trò chơi : Trò chơi trong sổ tay (hoặc trong các tập phiếu) cần sắp xếp theo hệ thống phân loại cụ thể. Cho đến nay, nhiều tài liệu trên thế giới vẫn có nhiều quan điểm khác nhau về hệ thống phân loại trò chơi. Thí dụ : Phân loại theo tính chất và không gian, địa điểm tổ chức chơi (trò chơi động – tĩnh, trong phòng – ngoài sân – dưới nước ) hoặc phân loại theo nội dung giáo dục, theo lứa tuổi (thiếu niên – nhi đồng) Do đó, tùy quan điểm của bạn mà chọn một cách phân loại cụ thể, nhưng nói chung là phải phân loại. Xin gợi ý một hệ thống để bạn tham khảo : a) Phân loại động – tĩnh : – Trò chơi động : Nhằm rèn luyện cơ năng (vận dụng nhiều đến cơ bắp) bao gồm : chạy, nhảy, ném, mang vác, chống đỡ, dài hơi, thăng bằng, nhanh nhẹn, khéo léo (buộc người chơi phải di chuyển nhiều) – chơi với dụng cụ hoặc không có dụng cụ. – Trò chơi tĩnh : Nhằm rèn luyện trí năng bao gồm : chú ý, tự chủ, quan sát, suy đoán, rèn thị giác, thính giác, xúc giác, khứu giác, trí nhớ, trò chơi học tập (về kiến thức – thẩm miõ) b) Phân loại theo địa điểm : trong phòng (thường sử dụng những trò chơi tĩnh, ít chạy nhảy) – ngoài sân (có thể sử dụng hầu hết các loại trò chơi – nhưng phải chú ý độ phù hợp của sân bãi) – dưới nước c) Phân loại theo giới tính : nam (bạo dạn xông xáo) – nữ (có thể bớt tính mạnh bạo hơn so với nam). d) Phân loại theo lứa tuổi : nhi đồng – thiếu niên – thanh niên – cao niên – lão niên e) Ngoài ra, còn có những trò chơi theo những dạng như : – Trò chơi vui, giải trí – Trò chơi lớn. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Bằng kinh nghiệm cá nhân, hãy liệt kê một số cách thực hiện sổ tay trò chơi. * Nhiệm vụ 2 : Nghiên cứu các thông tin cho hoạt động 6. * Nhiệm vụ 3 : Thảo luận nhóm để liệt kê một số cách thực hiện sổ tay trò chơi. * Nhiệm vụ 4 : Cử đại diện nhóm trình bày trước lớp. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 6 : Giáo sinh thực hiện bài tập sau : Câu 1 : Hãy ghi một trò chơi cụ thể theo 7 đề mục ở phần thông tin của hoạt động 6 ? Câu 2 : Viết một bản mục lục dự kiến cho quyển sổ tay trò chơi mà bạn là tác giả biên soạn.
  13. 2. THÔNG TIN PHẢN HỒI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG : Thông tin phản hồi cho hoạt động 1 : Câu 1 : Khi các em thiếu nhi được tham gia các trò chơi tập thể, một số tính tình của chúng sẽ được bộc lộ ra như sau : Vui vẻ, cởi mở, thẳng thắn, trung thực, bạo dạn, hòa đồng, tinh thần đồng đội, đoàn kết, kỉ luật Câu 2 : Đáp án chính xác nhất là :  Cả 3 yếu tố trên. Thông tin phản hồi cho hoạt động 2 : Câu 1 : Đối với một tập thể nhiều hơn 100 em, đòi hỏi nghệ thuật điều khiển của Quản trò rất cao, phải thường sử dụng những trò chơi mới và làm theo động tác của Quản trò. Câu 2 : Sai  Câu 3 : Sai  Câu 4 : Khi lựa chọn trò chơi, ta không nên sử dụng những trò chơi chỉ dành cho những người chơi có tính chuyên môn cao. Chỉ nên chọn những trò chơi mà mọi người đều tham gia được, cũng không nên sử dụng nhiều những trò chơi độc diễn chỉ dành cho 1 hoặc 2 người. Câu 5 : Các dụng cụ cần thiết để tiến hành chơi có thể bao gồm : còi, gậy, banh, dây dù hoặc ta tự chuẩn bị những dụng cụ này, hoặc thông báo để người chơi cùng chuẩn bị. Thông tin phản hồi cho hoạt động 3 : Câu 1 : Sai  Câu 2 : Có thể dùng 1 mẩu chuyện lịch sử, thời sự lồng vào để giới thiệu trò chơi cho hấp dẫn (tuy nhiên, đừng lạm dụng để gây nên sự gượng ép không cần thiết). Trình bày ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu (có pha thêm tính hài hước, dí dỏm) các yêu cầu : cách chơi (có kèm thực hiện những động tác mẫu – nếu có), luật chơi (cách xác định thắng – thua). Chú ý dùng ngôn ngữ thích hợp sao cho để một người chậm hiểu nhất cũng có thể hiểu được. Không cần phải tạo ra một bộ mặt hình sự, gay gắt. Câu 3 : Đừng mất kiên nhẫn vì những phá rối, nô đùa của những người đã biết trò chơi. Nếu cần thiết, cứ mạnh dạn dùng số đông tập thể để thu hút một cá tính ngang bướng của một cá nhân nào đó. Câu 4 : Trong trò chơi, Quản trò phải công bằng xử lí ngay những tình huống phát sinh. Khi bắt lỗi phải khách quan, chính xác, dứt khoát, công bằng. Thưởng phạt nghiêm minh với tác phong sư phạm (nếu cần sẵn sàng phạt cả tập thể), sao cho mỗi người có lỗi tự thấy ra được khuyết điểm của mình. Đề cao tinh thần tự giác, thẳng thắn trung thực, dành cho người chơi phát huy sáng kiến trong phạm vi luật lệ trò chơi. Câu 5 : Quản trò phải biết kết thúc cuộc chơi đúng lúc ngay khi đã xác định thắng thua rõ ràng, hoặc một số người đã có dấu hiệu thấm mệt, hơi chán nhằm tạo sự
  14. luyến tiếc, để kỳ sau chơi lại vẫn còn thấy thích thú. Tránh để người chơi bị mệt quá, hoặc đã có dấu hiệu nhàm chán. Câu 6 : Nên cho chơi thử trước khi chơi thật vì để giảm bớt sự giải thích dài dòng lê thê và cũng để kiểm tra sự tiếp thu của người chơi. Phân tích tiếp những trường hợp phạm luật chơi để người chơi nắm rõ hơn. Câu 7 : Các đường nối được sắp xếp như sau : a) Tổ chức chơi thử (nháp). a) 1 b) Chia nhóm. b) 2 c) Tổ chức chơi. c) 3 d) Ổn định tổ chức. d) 4 đ) Giới thiệu và trình bày, phân tích trò chơi. đ) 5 Thông tin phản hồi cho hoạt động 4 : Câu 1 : Khi triển khai hình phạt, Quản trò nên làm mẫu hoặc nói rõ hơn nếu có yêu cầu từ phía người chơi. Không nên né tránh để tạo sự đồng tình từ phía tập thể. Câu 2 : Sai  Câu 3 : Khi khen thưởng (phải khách quan, công bằng và chính xác). Chú ý đề cao tinh thần hoà nhã, tự giác để động viên mọi cố gắng của từng bạn, từng nhóm. Tránh đơn thuần đề cao thành tích, dễ gây tâm lí ganh tị “cay cú”. Đánh giá ưu khuyết điểm của trò chơi (cần thêm hay bớt gì không ? về luật lệ, cách chơi và tính hấp dẫn, sự giáo dục của trò chơi đến đâu ?) Câu 4 : Đáp án chính xác nhất là :  Cả 1, 2, 3 đều đúng. Thông tin phản hồi cho hoạt động 5 : Bảng liệt kê những năng khiếu (vốn liếng riêng) của Quản trò Thông tin phản hồi cho hoạt động 6 : Câu 1 : Giáo sinh ghi một trò chơi cụ thể gồm 7 đề mục ở phần thông tin của hoạt động 6, có thể tham khảo trò chơi gợi ý sau : ĂN VÓC  Mục đích : Giáo dục tính nhanh nhẹn, tài khéo, ý thức trách nhiệm, không phụ lòng tín nhiệm của người khác.  Số lượng : Từ 2 – 4 đội. Cử 1 đại diện cho mỗi đội.  Địa điểm : Sân khấu hoặc trong phòng học có bục giảng phía trên.  Vật dụng : Mỗi đội có : 1 sợi dây dài, 1 đồng xu (hoặc đồng bạc cắc), 1 cái xoong (đã được sử dụng bằng bếp củi với đầy nhọ nồi ở đáy).
  15.  Diễn tiến : – Treo xoong lên 1 sợi dây dài. – Gắn chặt đồng bạc cắc ở đáy xoong. – Mỗi đại diện đứng ngay cạnh xoong. – Nghe lệnh, người đó cố dùng miệng lưỡi, răng, mà lấy cho được được đồng bạc cắc ấy. – Ai lấy được trước là thắng. Rất hào hứng cho người xem, vì mặt mũi nhọ nhem của người chơi.  Luật chơi : – Ngoài miệng ra, không được dùng tay hoặc bất cứ trợ cụ nào khác.  Hình phạt : Bò lúc lắc, nhúng dấm Câu 2 : Giáo sinh tự viết một bản mục lục dự kiến. Có thể tham khảo sự phân loại theo gợi ý sau : MỤC LỤC TRÒ CHƠI TRONG PHÒNG CÓ 2 DÃY GHẾ Truyền mật tin Đố tên địa danh Việt Nam Đố nghề Đố phim TRÒ CHƠI TRONG PHÒNG CÓ 1 DÃY GHẾ Quan sát Đọc tư tưởng Này bạn vui TRÒ CHƠI TRONG PHÒNG KHÔNG CÓ BÀN GHẾ Kể chuyện tiếp sức Nhạc trưởng Thư kỉ niệm TRÒ CHƠI TRÊN SÂN KHẤU Hoạ sĩ mù Thi ăn kẹo Thi ăn ổi KẾT LUẬN Đối với người giáo viên tiểu học, việc nắm bắt những kĩ năng tổ chức thiếu nhi để hướng dẫn các em phát triển toàn diện là một việc vô cùng quan trọng và cần thiết. Trong đó, việc cùng chơi với các em là một vấn đề ưu tiên hàng đầu tạo sự gần gũi với các em.
  16. Chủ đề 2 KĨ NĂNG TỔ CHỨC TRẠI THIẾU NHI I. MỤC TIÊU CỦA CHỦ ĐỀ : Kiến thức : Hiểu được những nội dung cơ bản để tổ chức một hoạt động trại dành cho thiếu nhi. Kĩ năng : Biết soạn kế hoạch trại dành cho thiếu nhi và sẵn sàng tham gia tổ chức trại (trong đợt thực tập tại các trường phổ thông). Thái độ : Quan tâm, nhiệt tình, tôn trọng phát huy vai trò tự quản trong các hoạt động trại của các em thiếu nhi. II. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 2 tiết III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Hoạt động trại là một hoạt động giáo dục tổng hợp, toàn diện được tổ chức ngoài trời, được kết hợp đầy đủ các yếu tố như : đời sống trại, tổ chức trại, hoạt động trại, tư thế trại sinh và những công tác thi đua tại trại. Ý nghĩa lớn nhất của trại là giúp cho các em trại sinh giao lưu, trao đổi, học tập, hiểu biết nhau nhiều hơn, làm cho các em gắn bó tình thân và nếu tổ chức tốt sẽ có tác dụng giáo dục rất lớn. Với điều kiện thiên nhiên, trại được tiến hành với những nét đặc thù. Nếu biết khai thác một cách hợp lí, có những dự tính chu đáo và cẩn thận, sẽ góp phần tạo nên tình đoàn kết gắn bó, xây dựng tập thể kỉ luật, các trại sinh sẽ có dịp rèn luyện và phát hiện thêm những khả năng mới. Để hoạt động trại được tiến hành một cách tốt đẹp, tạo được những ấn tượng cho trại sinh, chúng ta sẽ nghiên cứu và tìm hiểu các bước : – Tiến trình chuẩn bị. – Điều hành tại trại. – Công việc phải làm sau khi kết thúc một buổi cắm trại. IV. TÀI LIỆU VÀ THIẾT BỊ ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 1. Tài liệu tham khảo : – Quang An, Cắm trại, NXB Kim Đồng, 1978. – Chương trình rèn luyện Đoàn viên – Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh. – Người phụ trách thiếu nhi cần biết – Hội đồng Đội Trung ương – NXB Thanh niên, Hà Nội, 1999. – Hướng dẫn thực hiện Chương trình rèn luyện đội viên – Hội đồng Đội Trung ương, NXB Thanh niên, Hà Nội, 1993. 2. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học : Âm thanh : loa, micro Bảng viết (bảng từ hoặc bảng formica). V. NỘI DUNG : 1. CÁC HOẠT ĐỘNG :
  17. Hoạt động 1 : TÌM HIỂU VỀ NHỮNG CÔNG VIỆC PHẢI LÀM ĐỂ CHUẨN BỊ CHO MỘT BUỔI ĐI TRẠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 1 : Để chuẩn bị cho một cuộc trại, chúng ta lần lượt tiến hành các bước sau : A. Bước một : 1. Xác định mục tiêu của trại : Điều này rất quan trọng, vì nó chi phối toàn bộ việc xây dựng nội dung và thiết kế chương trình trại. Thông thường cắm trại chủ yếu là tổ chức cuộc sống ngoài trời, thoát khỏi những tập quán thói quen sinh hoạt hằng ngày tại nhà. Cho nên sống ởù trại là sống ở môi trường mà tính tự lực cánh sinh dễ dàng phát triển nhất – Sống ởû trại là sống cộng đồng, sống tập thể, các em được gần gũi với nhau thông qua các trò chơi, đến nếp ăn, chốn ở vì vậy dễ dàng hiểu nhau hơn. Thực tế cho thấy, không phải lúc nào các em cũng thường xuyên được đi trại. Đi trại thường được kết hợp trong một dịp lễ nào đó. Lễ hội gắn với lịch sử, với những ngày trọng đại và chính vì thế, giúp cho các em trại sinh hiểu về ngày lễ ấy, hiểu về truyền thống, về lịch sử. Cũng có nhiều đơn vị xem trại như là một dịp để thử thách, sát hạch, kiểm tra những trại sinh của mình đã đạt được những trình độ gì, khả năng gì qua một đợt huấn luyện, một cuộc tập huấn v.v. Tuy nhiên, là người tổ chức, ta phảùi xác định mục tiêu nào là chính yếu để lựa chọn nội dung và loại hình hoạt động cho thật thích hợp và đưa vào trong chương trình nhiều thể loại nhằm đạt mục tiêu chính đề ra. Từ mục tiêu đó mà ta suy nghĩ tiếp đến chủ đề và tên trại, vì thường thì ít khi các em nhớ đến mục tiêu. Các trại sinh thường chỉ nhớ tên trại, và những nội dung trại, do vậy việc đặt tên cho phù hợp với chủ đề mà mục tiêu đề ra là một việc làm có ý nghĩa thực tiễn lớn : – Nếu trại mang ý nghĩa truyền thống nên lấy chính tên của ngày đó : Trại 26/3, Trại 8/3, Trạïi 2/9 hoặc tên trại : Trại Tiếp bước, Trại Về nguồn, Trại Truyền thống, Trại Nam Kỳ khởi nghĩa – Nếu trại mang ý nghĩa giao lưu, gặp gỡ, công tác xã hội, nên đặt tên : Trại Nối vòng tay lớn, Trại Giao lưu, Trại Kết thân, Trạïi Nhân ái – Nếu trại mang tính thử thách, học tập, thi thố tài năng nên chọn tên : Trại Rèn luyện, Trại Vững tiến, Trại Vươn lên – Nhiều khi nên chọn một địa danh, hay chọn tên một nhân vật lịch sử nào đó, thí dụ như Trại Đồ Sơn, Trại Suối Tiên, Trại Nguyễn Tất Thành Mục tiêu của trại là sự định hướng của người tổ chức. Nếu thiếu sự định hướng đúng đắn và thiếu suy nghĩ một cách sâu sắc về mục tiêu đề ra, chương trình trại không thể hoàn hảo được. 2. Đối tượng tham dự : Cần nghiên cứu kĩ về yếu tố cần có của các em trại sinh : – Mức độ hiểu biết của các em như thế nào ? (lớp 3, 4, 5) – Các em có thường xuyên được đi trại hay không ? – Các em thuộc giới tính nào ? (Nam / nữ ?) – Các em thích cái gì ? – Nếu ở trong tổ chức, nên xem các em cần gì qua kì trại này ?
  18. Thiết kế một cuộc trại “vừa sức” có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều người, cần thiết kế “khó hơn một chút” vì cuộc chơi càng nhiều trắc trở, càng nhiều yếu tố bất ngờ, cuộc chơi càng thú vị, hấp dẫn. Bản tính của con người (mà nhất là các em thiếu nhi) là muốn vươn lên ! Có những mục tiêu do mình đề ra nhằm rèn tổ chức, rèn trại sinh thì phải thường xuyên động viên, dùng lời lẽ thuyết phục, gợi lên lòng tự trọng, ý nghĩa cao đẹp của nội dung ấy, trại sinh sẽ dễ dàng vượt qua được thử thách, đạt mục tiêu đề ra. Không cần thiết phải nóng vội, quát mắng hoặc kỉ luật “thép”. Bởi lẽ các em không chỉ đi trại có một lần, và không phải tâm tính các em sẽ được thay đổi một cách dễ dàng và nhanh chóng chỉ qua một hoạt động. Có những trại sinh sau khi dự trại, nhận thấy trại này quá ít hoạt động và nhàm chán. Bạn nên cố gắng chú ý nghe lời góp ý của các em, và không nên nản lòng, mà hãy nhìn vào tâm trạng chung của số đông trại sinh như thế nào sau khi dự trại. 3. Vấn đề ăn – nghỉ : Đi trại, có thú vui là tự nấu ăn (đừng nghĩ rằng các em học sinh tiểu học không biết gì về nấu nướng, đôi khi nếu chúng ta dám giao cho chúng làm bếp, chúng sẽ thể hiện khả năng rất tuyệt vời). Cho dù chất lượng cơm thế nào (sống hoặc khê) cũng phải tìm cách sao cho có thể ăn được. Có những hình ảnh cả nhóm quây quần bên bếp lửa, người che áo mưa, người tát nước, người quạt cho lửa bốc cao, nước mắt chảy ràn rụa nhưng vẫn nở nụ cười. Nếu tự nấu ăn thì chương trình trại phải dành thời gian cho công việc thú vị này. Có nhiều em mải lo thiết kế cuộc chơi, mà quên đi phần này, do vậy chương trình thường hay bị trễ giờ ở buổi trưa hoặc buổi chiều tối. Nếu tự nấu ăn, hãy dừng cuộc chơi lại lúc 10g00 hoặc 10g30 cho buổi sáng và buổi chiều là 16g00. Thời gian còn lại hãy tổ chức thi nấu ăn. Tuy nhiên, tuỳ vào tình hình, đi trại không có nghĩa là bắt buộc phải tự nấu ăn, vì có thể có những chương trình mà chúng ta cần phải kéo dài, do vậy việc đặt người khác nấu cơm hộp, hoặc tổ chức xen kẽ lúc thì tự nấu, lúc thì nhờ người khác nấu, hoặc trại sinh phải ăn tự túc nếu như chương trình có đi tham quan mà không kịp về trại. Khi đi trại, nên chuẩn bị lều để ngủ, đó là công việc không kém phần quan trọng. Với kì trại chỉ ở một đêm, ta có thể cho các em trại sinh ca hát đến khuya, nhưng không nên quá muộn. Lều phải như thế nào để tránh được sương, gió, thời tiết lạnh, và cũng phải chống được các côn trùng như muỗi, bò cạp, rắn Lều được bố trí như thế nào để có thể nhìn vào là thấy trật tự, ngăn nắp, vệ sinh. (xem thêm thông tin bên chủ đề “Kĩ năng dựng lều trại”) Có nhiều đợt hội trại, phần do trại sinh đông, phần do địa điểm hạn hẹp, nên họ cắm lều rất sát nhau. Cửa sau lều này đụng phải mặt tiền lều kia, nhìn giống như “trại tị nạn”. Điều đó có thể thông cảm. Nhưng có trại mặc dù đất trại rất rộng, nhưng các trại sinh lại muốn cắm lều gần nhau cho “ấm cúng”, dễ quản lí. Thực tế nếu đất rộng, mỗi trại có thêm đất để thực hiện trang trí thủ công trại, để có chỗ sinh hoạt thì rất tốt. Nhìn vào cách cắm trại người ta biết được trình độ của người tổ chức trại. Tâm lí “ở tạm” qua đêm của trại sinh và đôi khi của Ban tổ chức trại là điều cần khắc phục.
  19. Chính việc chăm sóc chỗ ở tạo ra một định hướng giáo dục tốt cho trại sinh : sự chu đáo, chăm lo sức khỏe, sự an toàn của trại sinh. Đối với hội trại có thời gian từ hai đêm trở lên, Ban tổ chức nên quy định trại sinh ngủ trưa và ngủ sớm (trước 22g30). (Cũng hiếm có khi nào các em học sinh tiểu học được tổ chức tham gia một kì trại 2 đêm, nhưng nếu có thì cũng tốt). 4. Nội dung và loại hình hoạt động trại : Khi xác định mục tiêu chính của trại, ta phải xây dựng nội dung và cách thức thể hiện như thế nào để đạt được hiệu quả. Hoạt động trại phải thật đa dạng và phong phú. Bất kì hoạt động nào ở trại cũng đều có thể đưa vào hệ thống thi đua, nhằm tạo sự phấn khởi, kích thích trại sinh tham gia. Từ chủ đề hội trại, ta có thể đặt tên khác cho phù hợp với các cuộc chơi sau : * Thi đua thực hành kĩ thuật trại : Thi cắm lều nhanh, thi thực hiện trang trí thủ công trại (các đồ dùng để tạo tiện nghi tại trại) : cổng trại, biểu tượng của đội, lều tiếp khách, khu sinh hoạt, khu vực bếp, bàn ăn, kệ đựng chén, hồ nước (xin xem thêm thông tin bên chủ đề “Kĩ năng thực hiện nút dây và trang trí thủ công trại”) Riêng các khu vực Ban Quản trại và cổng trại thì các đơn vị cử người cùng tham gia thực hiện hoặc Ban Quản trại sẽ giao mỗi đơn vị một công việc (cổng trại, lều y tế, hố xí, nhà tắm ). * Trò chơi vận động : – Tổ chức thi đua các trò chơi vận động mang tính tập thể để quy tụ nhiều trại sinh và nhiều đơn vị. – Thi nấu ăn ngon, nấu cơm hành quân, nấu cơm chiến đấu. * Thi văn hóa văn nghệ : – Thi sáng tác thơ, văn, làm báo tường, hội diễn văn nghệ. – Thi hái hoa dân chủ, kể chuyện, thi thuyết trình, hùng biện * Trò chơi lớn : Các kĩ năng truyền tin như : Morse, Sémaphore, dấu đường, mật thư, nút dây, sơ cấp cứu, thám du để hoạt động của trại đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, cần lưu ý mỗi trò chơi lớn cần có chủ đề và phù hợp với chủ đề của trại. * Lửa trại : Lửa trại phải có nội dung phù hợp với chủ đề đã đề ra. * Khảo sát, tìm hiểu địa phương : – Nếu ban tổ chức trại ở một vùng đất xa, bạn nên sắp xếp dành một khoảng thời gian trong chương trình trại cho hoạt động khảo sát, tìm hiểu địa phương. Hoạt động
  20. này có thể được tổ chức dưới dạng : mời người địa phương nói chuyện, đi tham quan hoặc khuyến khích trại viên tìm hiểu thêm qua sách báo. – Dạng hoạt động sưu tập mẫu thực vật, khoáng vật, côn trùng là dạng hoạt động rất lí thú. Vì nó khuyến khích các trại sinh tự mình quan sát, tìm hiểu và sưu tập những đặc điểm thiên nhiên quanh khu vực trại, tự mình thực hiện một bộ sưu tập thực vật, khoáng vật, côn trùng ở nhiều vùng đất khác nhau qua các kì trại. 5. Địa điểm cắm trại : – Địa điểm càng mới càng thu hút các trại sinh. – Địa điểm có nhiều cảnh đẹp, khu di tích truyền thống – văn hóa, gần chợ – gần nguồn nước, nguồn củi, có bóng mát, đất bằng phẳng, dễ thoát nước. Những điều cần tránh khi chọn đất cắm trại : – Đất trũng (dạng lòng chảo), đất thịt (lâu rút nước) hoặc đất sét. – Dưới tàn các loại cây gỗ giòn dễ gãy nhánh hoặc ven những bụi rậm (để phòng tránh rắn, muỗi). – Nếu địa điểm quen thuộc, hãy khai thác chiều sâu của địa điểm ấy : khảo sát, tổ chức giao lưu với thanh niên địa phương, làm công tác xã hội 6. Kinh phí và phương tiện di chuyển : – Chi phí chung bao gồm : tiền ăn, tiền đất trại, tiền dụng cụ (củi lửa trại, dầu lửa, trò chơi vận động ), tiền xe chuyên chở, tiền thưởng tổng kết trại Đi trại là một thú vui, một môi trường tốt để tự rèn luyện, sự hợp lực kinh phí sẽ làm cho trại có ý nghĩa hơn. Cũng nên tính toán nên đi trại bằng phương tiện nào có chi phí thấp nhất, nhằm giúp hạn chế những khoản chi phí không cần thiết. 7. Nhân sự tham gia Ban Quản trại : Đối với một lớp học tiểu học, ta nên mời gọi các thành phần tích cực tham gia Ban Quản trại cùng với chúng ta như : các giáo viên bộ môn, chi hội trưởng phụ huynh của lớp, các em đoàn viên ở chi đoàn khu phố, các cựu học sinh của trường Ban Quản trại thông thường gồm có : Trại trưởng (thường là GVCN lớp) : Là người chịu trách nhiệm vạch ra kế hoạch tổng thể, lên chương trình chi tiết và lãnh đạo tổ chức thực hiện chung kế hoạch trại. Trại phó tổ chức (giáo viên bộ môn thể dục chẳng hạn) : Là người có uy tín thứ hai sau Trại trưởng, chịu trách nhiệm chuẩn bị phương tiện, điều kiện để tổ chức hoạt động ở trại. Trại phó thi đua (có thể nhờ một cựu học sinh của trường) : Chịu trách nhiệm soạn nội quy trại và giám sát việc thực hiện nội quy, theo dõi việc thực hiện giờ giấc tại trại, kiểm tra đánh giá tổng kết thi đua toàn thể các hoạt động diễn ra tại trại. Trại phó hoạt động (có thể nhờ các em đoàn viên ở chi đoàn khu phố) : Xây dựng chi tiết các nội dung hoạt động, phân công các ủy viên chuẩn bị, cùng phối hợp thực hiện các chương trình chung của trại. Trại phó hậu cần (có thể vận động nhờ chi hội trưởng phụ huynh của lớp hỗ trợ giúp) : Là người nắm toàn bộ kinh phí của trại để lo tất cả các vấn đề như : phương tiện di chuyển, ăn, ở, y tế, củi lửa trại, quay phim chụp ảnh kỉ niệm v.v Các ủy viên :
  21. –Các ủy viên phụ trách lửa trại, trò chơi lớn v.v * Công tác tiền trạm : Lên chi tiết công việc của từng người, theo dõi tiến độ thực hiện ra sao và dự tính cả lịch làm việc định kì cho đến ngày rời trại. Sau những dự tính sơ bộ đó, ta hãy cùng với Ban Quản trại đi tiền trạm. Nội dung đi tiền trạm là xem những dự tính trong kế hoạch có phù hợp với vùng đất mà mình dự tính đến hay không. –Lựa chọn địa điểm dựng trại sao cho thích hợp với tính chất kì trại : có nơi cắm lều BCH và lều các đội, nơi tổ chức lửa trại, các vị trí đặt trạm của trò chơi lớn, nguồn nước, củi v.v –Thủ tục xin phép chính quyền địa phương nơi đến cắm trại và tuỳ từng hoàn cảnh mà đặt trước các yêu cầu cần được giúp đỡ hoặc ủng hộ. Tổ chức những hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa trại viên với địa phương. Công việc khảo sát thực tế quyết định cơ bản những nội dung mà mình dự kiến ban đầu (đời sống tại trại, hoạt động tại trại), do đó phải được thực hiện nghiêm túc trước khi cuộc chơi trại diễn ra B. Bước hai : Soạn kế hoạch tổng quát và chương trình chi tiết. 1. Kế hoạch trại : – Mục đích tổ chức trại : Cần được xác định rõ để xây dựng nội dung hoạt động, đặt tên trại và nhất là sau kì trại sẽ là cơ sở để đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng. – Địa điểm, thời gian tổ chức. – Nội quy trại : Bao gồm bao nhiêu điều ? (Cố gắng ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ và dễ nhớ) – Các hiệu lệnh tập họp thống nhất : họp toàn trại, họp Ban Quản trại, họp đội trưởng, nhận tin. (Nên đơn giản và theo quy định chung cho tất cả các kì trại sau). – Phương tiện di chuyển, vật liệu dành cho hoạt động trại : Cá nhân và các đơn vị cầàn chuẩn bị như thế nào để hoạt động. – Vật dụng cá nhân và tập thể cần mang theo. – Phiên chế tổ chức : Thành bao nhiêu đơn vị (tổ, hoặc phân đội, hoặc nhóm ) ? Tên gọi hay dấu hiệu phân biệt ? – Kinh phí tổ chức : + Nguồn kinh phí được cơ quan chủ quản duyệt cấp. + Nguồn được các nhà tài trợ ủng hộ (do đi vận động). + Khoản đóng góp của các trại sinh. – Thi đua tại trại : Các hoạt động thi đua, thang điểm và cách chấm điểm thi đua. – Thời hạn quy định cho từng khâu chuẩn bị và phối hợp. 2. Xây dựng chương trình trại Chương trình trại phải là một tổng thể các hoạt động được nối tiếp nhau một cách khoa học. Nó thu hút nỗ lực của từng trại sinh và không ngừng tạo nên niềm hứng thú. Khi xây dựng chương trình trại, ta cần đặt ra và giải đáp những vấn đề sau : – Chủ đề trại để định hình các loại hình sinh hoạt thích hợp.
  22. – Khối lượng công việc trong trại ứng với thời gian cụ thể. – Nội dung và loại hình : cái nào là chính, cái nào là phụ. – Loại hình và nội dung nào phù hợp với buổi sáng, chiều, tối. – Tính toán các công việc nấu ăn, tắm giặt cùng với thời gian thực hiện. – Tuỳ theo trình độ trại sinh mà có thể thiết kế dạng chương trình hoàn toàn bí mật, có những nội dung không báo trước chỉ yêu cầu trại sinh phải luôn có tư thế sẵn sàng. Nếu đi trại vào mùa mưa (thường thì các buổi trại được tổ chức vào các kì nghỉ hè, mà hè thì lại hay có mưa), cho nên người tổ chức cần chuẩn bị một chương trình dự phòng kèm theo (còn gọi là phương án 2) để có thể chủ động đổi phương án hoạt động khi chương trình đã định (phương án 1) không thể thực hiện được. C. Bước ba : Thảo luận và triển khai thực hiện Hoàn tất phần dự thảo, Ban Quản trại mời trại sinh tham gia góp ý cho chương trình. Đây cũng là bước triển khai thực hiện. Yêu cầu của bước này là : – Giúp mọi thành viên và đơn vị biết mình sẽ làm gì, cùng với các yêu cầu của trại. – Thu hút toàn thể trại viên phấn khởi hướng vào công tác chuẩn bị và ước muốn được dự trại với tất cả khảù năng. Trong suốt quá trình này cần thường xuyên kiểm tra công tác chuẩn bị của cá nhân và tập thể. Cần kiểm tra lần cuối trước khi lên đường. Tóm tắt khâu chuẩn bị : 1. Phác thảo những dự tính về yêu cầu mục đích, chủ đề trại, những nội dung cần thực hiện, xác định đối tượng tham gia, thời gian, địa điểm, tài chính, những điều kiện khác, có thể thăm dò ý kiến của nhiều người, trong đó có cả đối tượng dự kiến tham dự trại. 2. Đi khảo sát đất trại xem những dự tính của mình có phù hợp với đất trại không ? Xác định các vị trí cắm lều, khu trò chơi lớn, khu đốt lửa trại, nguồn nước, các vị trí cần tham quan (nếu có), xin phép địa phương. Nhờ địa phương giúp đỡ nếu thấy cần thiết. 3. Thành lập Ban tổ chức hoặc BCH trại, mời gọi những người giỏi chuyên môn tham gia cùng thiết kế chương trình trại, phân công chi tiết trách nhiệm của mỗi người. Đặt lịch làm việc thường xuyên để theo dõi tiến độ thực hiện. 4. Xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch và xin ý kiến cấp trên, trao đổi với các đối tượng tham gia để hiệu chỉnh lần cuối cùng trước khi triển khai. 5. Triển khai cho trại sinh, chuẩn bị tâm thế cho trại sinh. Một cuộc trại thành công có yếu tố rất lớn ở thái độ, tinh thần của trại sinh. Trại sinh không nắm được yêu cầu trại, nội dung trại, sẽ không thực hiện tốt kế hoạch trại đã đề ra. Phát động thi đua giữa các đội chuẩn bị cho kì trại. Phân công BCH theo dõi kiểm tra và kiểm tra lần cuối trước giờ lên đường. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Nghiên cứu các thông tin cho hoạt động 1. * Nhiệm vụ 2 : Liệt kê những công việc chính phải làm để tìm hiểu về những công việc phải làm để chuẩn bị cho một buổi đi trại.
  23. * Nhiệm vụ 3 : Thảo luận nhóm về những công việc phải làm để chuẩn bị cho một buổi đi trại. * Nhiệm vụ 4 : Cử đại diện trình bày trước lớp. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 1 : Bài tập về nhà : Hãy soạn một kế hoạch trại và một chương trình chi tiết phục vụ cho kế hoạch đó ? Hoạt động 2 : TÌM HIỂU VỀ NHỮNG CÔNG VIỆC ĐIỀU HÀNH TẠI ĐẤT TRẠI, NHỮNG CÔNG TÁC PHẢI LÀM ĐỂ KẾT THÚC TRẠI VÀ NHỮNG CÔNG VIỆC SAU KHI RỜI TRẠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 2 : NHỮNG CÔNG VIỆC ĐIỀU HÀNH TẠI ĐẤT TRẠI : 1. Đến đất trại : Trại sinh chuyển vật dụng, tập hợp chờ lệnh BCH trại, không đi lang thang, tản mát. Cùng lúc đó Ban tổ chức phân bố đất cắm trại cho các đội, để có thể thực hiện các công việc ban đầu như : dựng lều, vệ sinh khu vực cắm trại, làm bếp, đào hố nước, hố rác một cách nhanh chóng. Đội trưởng cần biết phân công tổ chức toàn đội đi vào công việc. 2. Dựng lều, xây dựng khu trại : – Nếu đơn vị biết trước địa điểm (do trại trưởng thông báo, hoặc đã biết) thì cần hình dung vị trí cách sắp xếp sao cho đẹp và thuận tiện, kể cả ý định kết hợp lợi thế thiên nhiên cho phép trong khu vực dựng trại. Ban tổ chức cần quy định : – Hướng lều – hướng về khu trung tâm (cột cờ) hoặc theo hướng gió. – Khu vực nấu ăn chung cho toàn trại hoặc riêng tại các đơn vị (tuỳ theo số lượng và quy mô của trại). 3. Thực hiện đúng chương trình : Đây là yêu cầu đòi hỏi cách định lượng thời gian dành cho từng nội dung, phải được tính toán xem nhiều cơ sở như đặc điểm của loại hình hoạt động, số lượng trại sinh tham gia, những yếu tố có thể khiến cuộc chơi kéo dài vào những hoạt động kế tiếp. – Nếu có một hoạt động nào đó kéo dài đến độ trễ hơn thời gian dự kiến, một là thu gọn chương trình ấy, hai là cắt bớt chương trình sau để tránh hiện tượng kéo giãn thời gian. – Trong trường hợp cần thay đổi nội dung thì nên lấy phương án dự phòng ra thay thế. Mọi sự thay đổi cần được thống nhất bàn bạc giữa Ban Quản trại với phụ trách các đơn vị. Trại trưởng là người quyết định cuối cùng. 4. Thực hiện nội quy trại : Nội quy trại cần được hiểu là những quy định mang tính giáo dục giúp tất cả các trại sinh rèn luyện tinh thần kỉ luật và nghệ thuật sống hòa đồng với tập thể. Cho nên không nên phổ biến hoặc áp dụng cho có lệ. Cần chú ý các điểm sau : – Luôn ghi nhớ “giờ nào việc nấy” và hành động, hợp tác theo đúng tinh thần trại.
  24. – Hình thành thang điểm thi đua toàn trại. Đây là sự kiểm tra vừa để động viên trại sinh tham gia các hoạt động, vừa là phương thức đánh giá chất lượng tham gia, óc sáng tạo và bản lĩnh hoạt động của các tập thể. Do vậy thang điểm phải khoa học ; chấm điểm phải chính xác, công minh. Thang điểm có ba mục riêng : kỉ luật, vệ sinh, tham gia hoạt động. – Chú ý thêm các yếu tố điểm đồng phục, giờ giấc, thái độ cư xử, giữ gìn vệ sinh, trật tự v.v CÔNG TÁC PHẢI LÀM ĐỂ KẾT THÚC TRẠI VÀ NHỮNG CÔNG VIỆC SAU KHI RỜI TRẠI VỀ NHÀ : 1. Những công tác phải làm để kết thúc trại nên thực hiện theo thứ tự như sau : a. Vệ sinh khu vực trại : lấp rãnh thoát nước, hố rác, hố vệ sinh, khu vực nấu ăn với phương châm : “Đẹp hơn khi ta đến”. b. Thu dọn đồ dùng cá nhân, kiểm tra vật dụng tập thể. c. Tiến hành lễ bế mạc trại, tổng kết các hoạt động, trình bày nhận xét thi đua, khắc lại những dấu ấn và cùng hẹn gặp nhau trong những lần trại tiếp đó. Nếu trại có quy mô lớn, ta nên mời chính quyền địa phương đến để cảm ơn và trao quà lưu niệm. d. Các đơn vị nhổ lều. BCH kiểm tra vệ sinh lần cuối và sắp xếp đồ dùng tập thể chuyển lên xe. e. Trước khi ra về nhắc lại kỉ luật trên đường đi và tác phong. Động viên khí thế trên đường về. 2. Những công việc sau khi rời trại về nhà : a. Kiểm tra lại vật dụng tập thể và cất xếp gọn gàng, chùi rửa sạch sẽ. b. Ban tổ chức hội ý kinh nghiệm và mời trại sinh tham gia góp ý để lần sau tổ chức tốt hơn. c. Trình bày nhận định tổng quát của Ban tổ chức. Khen ngợi các cá nhân, đơn vị đã tham gia hoạt động tốt và định hướng những khả năng tổ chức trong tương lai. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Nghiên cứu và thảo luận nhóm về các thông tin cho hoạt động 2. * Nhiệm vụ 2 : Cử đại diện nhóm lên trình bày trước lớp hoặc trình bày tại chỗ. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 2 : Câu 1 (Chọn câu trả lời đúng) : Khi đến đất trại, công việc của từng trại sinh là :  Chuyển vật dụng, tập hợp chờ lệnh BCH.  Đi lang thang.  Đi tản mạn để ngắm cảnh.  Ngồi chơi, nhìn người khác làm việc. Câu 2 (Chọn câu trả lời đúng) : Nếu có một chương trình nào đó bị trễ thời gian thì Ban tổ chức trại phải làm thế nào ?
  25.  Thu gọn chương trình đó lại.  Cắt bớt chương trình sau.  Cả  và  đều đúng.  Cả  và  đều sai. Câu 3 : (Đánh dấu vào ô : cần – không cần) Trong kế hoạch hoàn chỉnh có cần phương án dự phòng không ? Cần  Không cần  Câu 4 : (Điền vào chỗ trống) Phải vệ sinh khu vực trại theo phương châm Câu 5 : (Điền vào chỗ trống) Trước khi ra về cần phải nhắc lại 2. THÔNG TIN PHẢN HỒI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG : Thông tin phản hồi cho hoạt động 1 : Đề cương một kế hoạch trại mẫu như sau : – Tên trại : TRẠI VƯƠN LÊN – Mục đích của trại : Nhằm tạo sự đoàn kết, học tập một số kiến thức và kinh nghiệm mới, phát huy tính tích cực chủ động trong học tập. – Đối tượng : Tất cả học sinh khối lớp 5 – Thời gian : Từ 6g00 sáng 30 − 4 − 2005 – đến 16g30 chiều 01 − 5 − 2005 – Địa điểm : Khu du lịch núi Bửu Long – TP. Biên Hoà. Những quy định chung của trại : – Khẩu hiệu trại : Trại sinh Nguyễn Văn Trỗi – Vươn lên ! – Bài ca trại : Lên đàng (của Lưu Hữu Phước). – Hiệu lệnh bằng còi ở trại : – Nội quy trại : – Vật dụng của cá nhân : – Vật dụng của nhóm : – Cách thức đăng kí : Đăng kí cho ai ? – Nội dung cần chuẩn bị của cá nhân và của nhóm : – Kinh phí : Ghi kinh phí từng hoạt động, kinh phí tổng thể và kinh phí từng cá nhân phải tham gia. – Chương trình chi tiết của trại : (nếu Ban tổ chức muốn bí mật về chương trình thì không cần phải ghi ra, nhưng phải thay vào đề mục này bằng đề mục Giờ tập trung để trại sinh nắm rõ giờ giấc lên đường). – Tiến độ thực hiện : Ghi rõ từng ngày thực hiện các công việc : từ lúc lên kế hoạch cho đến ngày đi trại. Đối với Ban tổ chức cần có một kế hoạch chi tiết, có phân công nhân sự – thời gian thực hiện (Nếu chuẩn bị cả kịch bản khai mạc trại, trò chơi lớn, lửa trại, bế mạc thì càng tốt).
  26. Thông tin phản hồi cho hoạt động 2 : Câu 1 : Đáp án chính xác nhất là :  Chuyển vật dụng, tập hợp chờ lệnh BCH. Câu 2 : Đáp án chính xác nhất là :  Cả  và  đều đúng. Câu 3 : Cần  Câu 4 : Phải vệ sinh khu vực trại theo phương châm Đẹp hơn khi ta đến. Câu 5 : Trước khi ra về cần phải nhắc lại kỉ luật trên đường đi và tác phong. Động viên khí thế trên đường về. TÓM TẮT CHUNG 1. Kế hoạch tổ chức được chuẩn bị chặt chẽ – chương trình trại phải có chủ đề. Nội dung phải có trọng tâm gắn bó với chủ đề và mục đích trại. 2. Nội dung được sắp xếp khoa học phù hợp với thời gian. Loại hoạt động “tĩnh” xen kẽ với loại hình “động”, lấy hoạt động tập thể, hoạt động giao lưu là chính. 3. Tại trại cần theo dõi nghiêm túc vấn đế “giờ nào việc ấy” ngăn nắp, trật tự, vệ sinh. 4. Trại từ hai ngày trở lên nên có chào cờ mỗi buổi sáng, xem đây còn là dịp xây dựng tinh thần tập thể, vừa là dịp nhận xét, động viên hoạt động toàn trại. Sau đó có thể đi thăm các tiểu trại. 5. Giữ gìn vệ sinh nguồn nước và vệ sinh chung trên toàn khu vực trại theo chế độ phân công thực hiện vệ sinh ở những khu vực theo quy định. 6. Ở từng tiểu trại lều ở, bếp, hố xí, hố rác, khu sinh hoạt không nên sát nhau quá. 7. Bắt buộc đảm bảo giấc ngủ đêm (6 tiếng). Riêng buổi trưa khuyến khích trại sinh nghỉ ngơi hoặc sử dụng thời gian ấy vào những việc như trang trí, vẽ, làm thơ, khéo tay. 8. Cần chuẩn bị trước một số hoạt động nhỏ (trò chơi, bài hát, múa v.v ) để bổ sung cho chương trình khi gặp khó khăn đột xuất. 9. Đảm bảo tính an toàn trong suốt kì trại (chống muỗi, hoả hoạn, biện pháp cấp cứu, y tế ). 10. Kiên quyết thực hiện trọn vẹn những công việc cuối trại, vì cuối trại thường có tâm lí buông lỏng, tuỳ tiện. 11. Trại từ hai ngày trở lên nên có hội ý của BCH trại và công việc ngày mai trước khi nghỉ đêm.
  27. Chủ đề 3 KĨ NĂNG DỰNG LỀU TRẠI I. MỤC TIÊU CỦA CHỦ ĐỀ : 1. Kiến thức : Nắm vững được quy trình các bước tiến hành để dựng một mái lều 2 mái chụm (chữ A). 2. Kĩ năng : Thuần thục các thao tác để tiến hành dựng lều. Biết thực hiện mô hình dựng lều thu nhỏ (bằng que đũa) và sẵn sàng tham gia thực hành dựng lều trong buổi trại (nếu có đi trại trong đợt thực tập tại các trường phổ thông). 3. Thái độ : Quan tâm, nhiệt tình, tôn trọng phát huy vai trò tự lập trong hoạt động dựng lều của các em thiếu nhi. II. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 2 tiết III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : a) Hình dáng của lều 2 mái chụm khi hoàn tất phần dựng lên giống như chữ A nên ta còn gọi là lều chữ A, được thiết kế từ 1 tấm bạt hình chữ nhật chia thành 2 mái giống như mái nhà. b) Tác dụng của việc sử dụng lều chữ A có hiệu quả rất cao vì nó vừa đơn giản, gọn nhẹ, chi phí thấp (rẻ tiền), dễ sử dụng. c) So với các dạng lều khác thì lều chữ A là một loại lều thể hiện được trình độ kĩ năng của các trại sinh như : nút dây, nhanh nhẹn, chuẩn xác IV. TÀI LIỆU VÀ THIẾT BỊ ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 1. Tài liệu tham khảo : – Quang An, Cắm trại, NXB Kim Đồng, 1978. – Trần Thời, Lều Trại, NXB Trẻ – TP. Hồ Chí Minh. – 150 nút dây thông dụng nhất – NXB Trẻ – TP. Hồ Chí Minh. 2. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học : Băng đĩa hình “Tự học dựng lều kiểu 2 mái chụm (chữ A)”. Âm thanh : loa, micro Bảng viết (bảng từ hoặc bảng formica). Sân bãi có đất mềm. V. NỘI DUNG : 1. CÁC HOẠT ĐỘNG : Hoạt động 1 : TÌM HIỂU VỀ NHỮNG VẬT DỤNG CẦN THIẾT ĐỂ DỰNG LỀU THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 1 : Xem track 2 trong đĩa hình “Tự học dựng lều kiểu 2 mái chụm (chữ A)” (phần Mô tả kích thước các vật dụng cần thiết để dựng lều). NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Xem track 2 của băng hình “Tự học dựng lều kiểu 2 mái chụm (chữ A)” để nghiên cứu các thông tin cho hoạt động 1 (30”).
  28. *Nhiệm vụ 2 : Thảo luận nhóm và cử đại diện trình bày trước lớp lên liệt kê những vật dụng cần thiết để dựng lều. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 1 : Câu 1 (Chọn câu trả lời đúng) : Tác dụng của việc sử dụng lều chữ A có hiệu quả ra sao ?  Đơn giản  Chi phí thấp  Dễ sử dụng  Cả , ,  đều đúng Câu 2 (Chọn câu trả lời đúng) : Để dựng một mái lều chữ A tối thiểu cần khoảng bao nhiêu cây cọc ? Bao nhiêu sợi dây ? Bao nhiêu gậy ?  1 cọc, 2 sợi dây, 10 gậy  2 cọc, 1 sợi dây, 15 gậy  4 cọc, 4 sợi dây, 6 gậy  6 cọc, 6 sợi dây, 2 gậy Câu 3 (Đánh dấu vào ô : có thể – không thể) : Có thể sử dụng cọc tự tạo hay không ? Có thể  Không thể  Câu 4 (Điền vào chỗ trống) : Độ dài của cọc khoảng. . . . . là đạt yêu cầu. Hoạt động 2 : NGHIÊN CỨU CÁC THAO TÁC ĐỂ CHUẨN BỊ DỰNG LỀU THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 2 : –Bước 1 : Chọn hướng – Trải tấm bạt xuống mặt đất : a) Mặt trước cửa của lều bắt buộc phải theo hướng trung tâm cho trại lớn và hướng Đông Nam đối với trại riêng lẻ (xem track 3). b) Quy trình trải tấm bạt lều (xem track 4). –Bước 2 : Đặt các cọc, dây và gậy vào đúng vị trí (xem track 5). –Bước 3 : Đóng cọc (xem track 6). Lưu ý : Khoảng cách từ cọc chính đến chân gậy là 1,6m (bằng độ dài của thân gậy). Khoảng cách từ mép lều đến các cọc góc từ 10cm – 50cm tuỳ theo. Mái lều sẽ dốc nếu khoảng cách từ mép đến cọc góc ngắn và mái lều sẽ dài nếu khoảng cách từ mép đến cọc góc dài (xem hình). NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Xem (4 track) trong đĩa hình “Tự học dựng lều kiểu 2 mái chụm (chữ A)” để nghiên cứu thông tin cho hoạt động 2. * Nhiệm vụ 2 : Thảo luận nhóm và cử một đại diện khác lên bốc thăm rồi trình bày phần thực hiện các thao tác để chuẩn bị dựng lều.
  29. Ví dụ : Nhóm 1 : Trình bày phần thực hiện thao tác CHỌN HƯỚNG. Nhóm 2 : Trình bày phần thực hiện thao tác TRẢI TẤM BẠT LỀU. Nhóm 3 : Trình bày phần thực hiện thao tác ĐẶT CÁC CỌC, DÂY VÀ GẬY VÀO ĐÚNG VỊ TRÍ. Nhóm 4 : Trình bày phần thực hiện thao tác ĐÓNG CỌC. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 2 : Trả lời những câu hỏi trắc nghiệm sau : Câu 1 (Chọn câu trả lời đúng) : Mặt trước cửa của lều bắt buộc phải theo hướng nào ?  Đông Nam hoặc hướng trung tâm.  Tây Bắc hoặc hướng gió Lào.  Tây Nam hoặc hướng nắng chiều.  Đông Bắc hoặc hướng ra về. Câu 2 (Chọn câu trả lời đúng) : Tư thế ngồi đóng cọc như thế nào là an toàn và đúng kĩ thuật ?  Tay phải (tay thuận) cầm búa, tay trái cầm cọc.  Ngồi theo tư thế ngồi trên gót : lưng xoay về hướng lều, mặt quay ra hướng ngoài lều.  Mũi giày của chân trái chặn ngay chân cọc.  Cả    đều đúng. Câu 3 (Chọn câu trả lời đúng) : Độ nghiêng của cọc so với mặt đất bao nhiêu độ là hợp lí ?  30o  45o  60o  90o Hoạt động 3 : TÌM HIỂU CÁCH THỰC HIỆN CÁC NÚT DÂY TRONG LỀU TRẠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 3 : Một nút dây thường có nhiều công dụng khác nhau, người sử dụng phải biết vận dụng chúng vào từng trường hợp sao cho hiệu quả nhất. Trong thao tác dựng lều trại, ta cần phải nắm vững một số nút dây sau : Thuyền chài, Thợ dệt, Một vòng hai khoá, Thòng lọng, Nút chạy (xem trước một số track đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). 1. Nút Thuyền chài : Công dụng trong lều trại : dùng để buộc đầu lều trong trường hợp mái lều đó không bấm sẵn lỗ khoen hoặc không có dây đai ở mép (xem cách làm nút dây này trong track 10 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”).
  30. 2. Nút Thợ dệt : Công dụng trong lều trại : dùng để buộc dây dù vào dây đai ở mép lều và phải thắt lại theo kiểu khoá sống (xem cách làm nút dây này trong track 4 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). 3. Nút Một vòng hai khoá : Công dụng trong lều trại : dùng để buộc dây dù vào lỗ khoen ở mép lều (xem cách làm nút dây này trong track 9 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). 4. Nút Thòng lọng : Trong tình huống ở mép của tấm bạt mái lều không đóng khoen hoặc không may dây đai, ta có thể linh động nhét 1 viên sỏi vào và siết lại bằng nút Thòng lọng. Việc này giúp cho ta có thể dựng được lều một cách thuận tiện hơn (xem cách làm nút dây này trong track 6 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). 5. Nút chạy : Công dụng trong lều trại, dùng để tăng lều khi lều có hiện tượng bị chùng xuống. Do đó nó được thực hiện ở tất cả các dây chính và dây góc lều. So sánh sự thực hiện và hiệu quả của 2 loại nút chạy : – Chạy đơn (còn gọi là “1 vòng 3 khoá ngược”) : Sức căng không lớn lắm, nhưng lúc tăng giảm thì chỉ cần dùng 1 tay, sử dụng được trong trường hợp dây ngắn (xem cách làm nút dây này trong track 12 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Chạy kép (tức nút “Chạy dùng Thòng lọng”) : Có sức căng lớn, lúc tăng giảm thì phải dùng bằng 2 tay, thường dùng ở các cọc chính nối với đầu gậy chính (xem cách làm nút dây này trong track 13 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). Cách làm nút Chạy “có khoá sống” là kết thúc bằng cách gập đầu dây, nhằm để tháo dễ dàng và nhanh chóng. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Nghiên cứu thông tin của hoạt động 3 bằng cách : Xem một số track (4, 6, 9, 10, 12, 13) trong đĩa hình “ Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”. Xem các tài liệu như : “Lều Trại” của Trần Thời, “150 Nút dây thông dụng” của Trần Thời. * Nhiệm vụ 2 : Chia nhóm để cùng nhau thực hành các nút dây cần thiết để dựng lều : Thuyền chài, Thợ dệt, Một vòng hai khoá, Thòng lọng, Chạy (được phép vừa xem tài liệu vừa làm hoặc có quyền yêu cầu phát hình lại những track của nút dây khó). * Nhiệm vụ 3 : Cử đại diện nhóm lên thực hiện trước lớp các nút dây cần thiết để dựng lều. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 3 : 1. Chọn câu trả lời đúng cho những câu hỏi trắc nghiệm sau : Câu 1 : Tác dụng chính của nút Thuyền chài trong lều trại là :  Buộc đầu lều trong trường hợp mái lều đó không bấm sẵn lỗ khoen hoặc không có dây đai ở mép.  Buộc dây dù vào dây đai ở mép lều và phải thắt lại theo kiểu khoá sống (nếu mép lều không may dây đai thì sẽ không cần dùng đến nút này).  Tăng lều khi lều có hiện tượng bị chùng xuống. Do đó nó được thực hiện ở tất cả các dây chính và dây góc lều.  Buộc dây dù vào lỗ khoen ở mép lều (nếu mép và góc lều không đóng lỗ khoen thì sẽ không cần dùng đến nút này).
  31. Câu 2 : Tác dụng chính của nút Thợ dệt trong lều trại là :  Buộc đầu lều trong trường hợp mái lều đó không bấm sẵn lỗ khoen hoặc không có dây đai ở mép.  Buộc dây dù vào dây đai ở mép lều và phải thắt lại theo kiểu khoá sống (nếu mép lều không may dây đai thì sẽ không cần dùng đến nút này).  Tăng lều khi lều có hiện tượng bị chùng xuống. Do đó nó được thực hiện ở tất cả các dây chính và dây góc lều.  Buộc dây dù vào lỗ khoen ở mép lều (nếu mép và góc lều không đóng lỗ khoen thì sẽ không cần dùng đến nút này). Câu 3 : Tác dụng chính của nút Một vòng hai khoá trong lều trại là :  Buộc đầu lều trong trường hợp mái lều đó không bấm sẵn lỗ khoen hoặc không có dây đai ở mép.  Buộc dây dù vào dây đai ở mép lều và phải thắt lại theo kiểu khoá sống (nếu mép lều không may dây đai thì sẽ không cần dùng đến nút này).  Tăng lều khi lều có hiện tượng bị chùng xuống. Do đó nó được thực hiện ở tất cả các dây chính và dây góc lều.  Buộc dây dù vào lỗ khoen ở mép lều (nếu mép và góc lều không đóng lỗ khoen thì sẽ không cần dùng đến nút này). Câu 4 : Tác dụng chính của nút Thòng lọng trong lều trại là :  Buộc đầu lều trong trường hợp mái lều đó không bấm sẵn lỗ khoen hoặc không có dây đai ở mép.  Buộc dây dù vào dây đai ở mép lều và phải thắt lại theo kiểu khoá sống (nếu mép lều không may dây đai thì sẽ không cần dùng đến nút này).  Tăng lều khi lều có hiện tượng bị chùng xuống. Do đó nó được thực hiện ở tất cả các dây chính và dây góc lều.  Trong tình huống ở mép của tấm bạt mái lều không đóng khoen hoặc không may dây đai, ta có thể linh động nhét 1 viên sỏi vào và siết lại bằng nút Thòng lọng. Việc này giúp cho ta có thể dựng được lều một cách thuận tiện hơn. Câu 5 : Tác dụng chính của nút Chạy trong lều trại là :  Buộc đầu lều trong trường hợp mái lều đó không bấm sẵn lỗ khoen hoặc không có dây đai ở mép.  Buộc dây dù vào dây đai ở mép lều và phải thắt lại theo kiểu khoá sống (nếu mép lều không may dây đai thì sẽ không cần dùng đến nút này).  Tăng lều khi lều có hiện tượng bị chùng xuống. Do đó nó được thực hiện ở tất cả các dây chính và dây góc lều.  Buộc dây dù vào lỗ khoen ở mép lều (nếu mép và góc lều không đóng lỗ khoen thì sẽ không cần dùng đến nút này).
  32. 2. Luyện tập tại lớp : a) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt nút Thuyền chài. b) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt nút Thợ dệt. c) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt nút Một vòng hai khoá. d) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt cả 2 loại nút Chạy. Hoạt động 4 : NGHIÊN CỨU CÁCH THỨC ĐỂ DỰNG LỀU ĐỨNG LÊN THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 4 : 1. Quy trình để dựng mái lều đứng lên được nằm trong track 8 của kịch bản “Tự học dựng lều”. Chú ý : a) Cách chống đứng gậy lên : Khi bắt đầu chống gậy ta nên đảo phần chân của gậy vào bên trong lều. b) Trong quá trình dựng gậy đứng lên, cần chú ý độ căng của các dây. Khi thấy dây ở góc nào bắt đầu hơi căng thì chúng ta bước qua gậy đối diện để dựng gậy bên đó lên. Có thể trong quá trình dựng lều lên, ta phải đến 1 cái cọc nào đó để nới sợi dây ra. 2. Xem track 9 để : Chỉnh lí 2 dây chính và 4 dây góc lều, chỉnh lí 2 cọc chính và 4 cọc góc lều, chỉnh lí 2 gậy chính. a) Hai dây chính của lều nên sử dụng “Nút Chạy dùng Thòng lọng” và phải được chỉnh sao cho chúng thật căng nhằm tạo cho sống lều phía trên thật thẳng. b) Bốn dây ở góc của lều có thể sử dụng Nút Chạy đơn, sức căng vừa đủ. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Xem băng hình “ Tự học dựng lều” và tài liệu “Lều Trại” của Trần Thời để nghiên cứu các thông tin cho hoạt động 4. * Nhiệm vụ 2 : Liệt kê và thực hành tiến trình để dựng lều lên. * Nhiệm vụ 3 : Chia nhóm để cùng nhau thực hành thao tác dựng lều lên. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 4 : Bài luyện tập : a) Cho 2 sinh viên thực hành thử thao tác chỉnh lí 2 cọc chính và 4 cọc góc lều. b) Cho 2 sinh viên thực hành thử thao tác chỉnh lí 2 dây chính và 4 dây góc lều. c) Mỗi sinh viên về nhà thực hiện 1 mô hình lều trại chữ A trên bìa cacton (loại bìa lịch treo tường). 2. THÔNG TIN PHẢN HỒI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG : Thông tin phản hồi cho hoạt động 1 : Câu 1 : Đáp án chính xác nhất là :  Cả , ,  đều đúng. Câu 2 : Đáp án chính xác nhất là :  6 cọc, 6 sợi dây, 2 gậy. Câu 3 : Có thể  Câu 4 : Trả lời : Độ dài của cọc khoảng 30cm là đạt yêu cầu. Thông tin phản hồi cho hoạt động 2 : Câu 1 : Đáp án chính xác nhất là :  Đông Nam hoặc hướng trung tâm.
  33. Câu 2 : Đáp án chính xác nhất là :  Cả    đều đúng. Câu 3 : Đáp án chính xác nhất là :  45o. Thông tin phản hồi cho hoạt động 3 : Câu 1 : Đáp án chính xác nhất là :  Buộc đầu lều trong trường hợp mái lều đó không bấm sẵn lỗ khoen hoặc không có dây đai ở mép. Câu 2 : Đáp án chính xác nhất là :  Buộc dây dù vào dây đai ở mép lều và phải thắt lại theo kiểu khoá sống (nếu mép lều không may dây đai thì sẽ không cần dùng đến nút này). Câu 3 : Đáp án chính xác nhất là :  Buộc dây dù vào lỗ khoen ở mép lều (nếu mép và góc lều không đóng lỗ khoen thì sẽ không cần dùng đến nút này). Câu 4 : Đáp án chính xác nhất là :  Trong tình huống ở mép của tấm bạt mái lều không đóng khoen hoặc không may dây đai, ta có thể linh động nhét 1 viên sỏi vào và siết lại bằng nút Thòng lọng. Việc này giúp cho ta có thể dựng được lều một cách thuận tiện hơn. Câu 5 : Đáp án chính xác nhất là :  Tăng lều khi lều có hiện tượng bị chùng xuống. Do đó nó được thực hiện ở tất cả các dây chính và dây góc lều. 2. Luyện tập tại lớp : Khi các sinh viên thực hành các nút dây, giáo viên theo dõi và đối chiếu với hình mẫu để đánh giá, nhận xét. Thông tin phản hồi cho hoạt động 4 : Đối với cả 3 câu thực hành của hoạt động này, giáo viên kiểm tra sinh viên thực hiện theo đúng các hình vẽ mẫu ở phần thông tin cho hoạt động 4.
  34. Chủ đề 4 KĨ NĂNG THỰC HIỆN NÚT DÂY VÀ TRANG TRÍ BẰNG THỦ CÔNG TRẠI MỤC TIÊU CỦA CHỦ ĐỀ : 1. Kiến thức : Nắm vững được công dụng và cách làm các nút dây cần thiết để phục vụ cho việc trang trí bằng thủ công trại. 2. Kĩ năng : Thuần thục các thao tác để làm các nút dây cần thiết để phục vụ cho việc trang trí bằng thủ công trại. Biết thực hiện mô hình thủ công trại (cổng trại, giá để chén đũa, bàn ghế ) thu nhỏ (bằng que đũa) và sẵn sàng tham gia thực hành làm thủ công trại trong những buổi trại ở thực tế (nếu có đi trại trong đợt thực tập tại các trường phổ thông). 3. Thái độ : Quan tâm, nhiệt tình, tôn trọng và phát huy vai trò tự lập trong hoạt động trang trí bằng thủ công trại của các em thiếu nhi. II. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 2 tiết III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Nhìn vào một khu cắm trại, người ta sẽ đánh giá rất cao trình độ của người tổ chức và các trại sinh vì : Không những chỉ trông thấy những mái lều đẹp, chuẩn xác, mà còn chứng kiến được những tiện nghi khác được các em sáng tạo muôn hình muôn vẻ như : cổng trại, bàn ăn, ghế ngồi, xích đu, chạn để chén đũa, tất cả chỉ bằng gậy và dây. Như vậy, từ những thao tác nhanh nhẹn và nhuần nhuyễn, chúng ta sẽ lần lượt được hướng dẫn bằng hình ảnh sinh động từng chi tiết cặn kẽ, để có thể tự học trong những lúc rảnh rỗi. IV. TÀI LIỆU VÀ THIẾT BỊ ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 1. Tài liệu tham khảo : – Trần Thời, Thủ công Trại, NXB Trẻ – TP. Hồ Chí Minh. – Trần Thời, 150 nút dây thông dụng nhất, NXB Trẻ – TP. Hồ Chí Minh. 2. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học : 1 đĩa VCD “Hướng dẫn một số nút dây & thực hiện trang trí thủ công trại”. Phòng thiết bị nghe nhìn + máy phóng màn hình lớn (projector). Một số sản phẩm hoàn chỉnh của các giáo sinh khoá trước (được dùng làm huấn cụ) có sẵn để làm mẫu cho giáo sinh mới tham khảo. – Mỗi giáo sinh có trong tay 1 sợi dây dù khoảng 1,5m – 2m và 1 gậy khoảng 1,2m để có thể thực hành tại chỗ. Âm thanh : loa, micro Bảng viết (bảng từ hoặc bảng formica). V. NỘI DUNG : Chủ đề này có trọng tâm là THỰC HÀNH thông qua băng hình làm chủ đạo, do đó tất cả các hoạt động dưới dây đều tuân theo phương thức “Học và làm theo băng hình”.
  35. Các băng hình đã được chia theo từng phân cảnh (track) để các sinh viên dễ theo dõi và làm theo. Do đó, nếu có yếu tố nào khó quá, giảng viên có thể chiếu lại track đó vài lần cho sinh viên lĩnh hội kiến thức triệt để. Ngược lại, nếu như quá dễ, giảng viên có thể lướt qua để tránh mất thời gian. 1. CÁC HOẠT ĐỘNG : Hoạt động 1 : TÌM HIỂU CÁCH THỰC HIỆN CÁC NÚT DÂY THƯỜNG DÙNG ĐỂ TRANG TRÍ TRẠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 1 : Một nút dây thường có nhiều công dụng khác nhau, người sử dụng phải biết vận dụng chúng vào từng trường hợp sao cho hiệu quả nhất. Trong thao tác thực hiện các “mô hình thủ công để trang trí trại”, ta cần phải nắm vững tất cả nút dây sau : – Chịu đơn (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 2 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Dẹt (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 3 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Thợ dệt (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 4 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Nối chỉ câu (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 5 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Thòng lọng (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 6 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Sơn ca (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 7 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Kéo gỗ (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 8 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Một vòng hai khoá (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 9 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Thuyền chài (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 10 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Ghế đơn (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 11 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Nút chạy đơn (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 12 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Nút chạy kép (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 13 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Ráp cây dọc (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 14 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Ráp cây chữ thập (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 15 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Ráp cây chữ nhân (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 16 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”). – Chạc ba (xem công dụng và cách làm nút dây này trong track 17 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”).
  36. Trong số nút dây kể trên, có một số nút dây như : Thợ dệt, Thòng lọng, Một vòng hai khoá, Thuyền chài, chúng ta đã được học ở chủ đề “Kĩ năng dựng lều” trước, do đó chúng ta không cần lặp lại phần hướng dẫn trên băng hình của chủ đề này. Tuy nhiên, trong lúc thực hiện những thao tác làm thủ công để trang trí trại trong chủ đề này, vẫn có lúc cần đến những nút dây đó. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Xem băng hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại” và tham khảo thêm các tài liệu : “150 nút dây”, “Thủ Công Trại”, “Lều Trại” của Trần Thời để nghiên cứu các thông tin cho hoạt động 1. * Nhiệm vụ 2 : Chia nhóm để cùng nhau thực hành các nút dây cần thiết để thực hành trang trí bằng thủ công trại(được phép vừa xem tài liệu vừa làm hoặc có quyền yêu cầu phát hình lại những track của nút dây khó). Lưu ý : có thể kết hợp đan xen giữa nhiệm vụ 1 và nhiệm vụ 2 song hành cùng lúc cũng được (tức là vừa xem nút dây trên băng hình đến đâu vừa thực hành nút dây theo băng hình đến đó). * Nhiệm vụ 3 : Cử đại diện nhóm lên thực hiện trước lớp các nút dây cần thiết để dựng lều. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 1 : 1. Trả lời những câu hỏi trắc nghiệm sau : Câu 1 : Tác dụng chính của nút Thuyền chài trong trang trí trại là dùng để làm gì ?  Dùng để buộc khởi đầu các nút ráp cây.  Dùng để ráp 2 cây ngắn thành một cây dài theo chiều dọc. Nếu khoét thân cây theo kiểu mọng gỗ thì sẽ chắc chắn hơn.  Dùng để ráp 2 cây dạng vuông góc với nhau.  Dùng để thực hiện các mô hình bếp treo, chạn để chén đũa Câu 2 : Tác dụng chính của nút Ráp cây dọc trong trang trí trại là dùng để làm gì ?  Dùng để buộc khởi đầu các nút ráp cây.  Dùng để ráp 2 cây ngắn thành một cây dài theo chiều dọc. Nếu khoét thân cây theo kiểu mọng gỗ thì sẽ chắc chắn hơn.  Dùng để ráp 2 cây dạng vuông góc với nhau.  Dùng để thực hiện các mô hình bếp treo, chạn để chén đũa Câu 3 : Tác dụng chính của nút Ráp cây chữ thập trong trang trí trại là dùng để làm gì ?  Dùng để buộc khởi đầu các nút ráp cây.  Dùng để ráp 2 cây ngắn thành một cây dài theo chiều dọc. Nếu khoét thân cây theo kiểu mọng gỗ thì sẽ chắc chắn hơn.  Dùng để ráp 2 cây dạng vuông góc với nhau.
  37.  Dùng để thực hiện các mô hình bếp treo, chạn để chén đũa Câu 4 : Tác dụng chính của nút Chạc ba trong trang trí trại là dùng để làm gì ?  Dùng để buộc khởi đầu các nút ráp cây.  Dùng để ráp 2 cây ngắn thành một cây dài theo chiều dọc. Nếu khoét thân cây theo kiểu mọng gỗ thì sẽ chắc chắn hơn.  Dùng để ráp 2 cây dạng vuông góc với nhau.  Dùng để thực hiện các mô hình bếp treo, chạn để chén đũa 2. Luyện tập tại lớp : a) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt nút Thuyền chài. b) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt nút 2 loại nút Vấn. c) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt nút Ráp cây chữ thập. d) Mời sinh viên thực hành thao tác thắt nút Chạc ba. Hoạt động 2 : TÌM HIỂU VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ MÔ HÌNH TRANG TRÍ TRẠI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 2 : Để thực hiện tốt hoạt động này, giáo viên cần chuẩn bị một số sản phẩm hoàn chỉnh của các giáo sinh khoá trước (được dùng làm huấn cụ) có sẵn để làm mẫu cho giáo sinh mới làm theo. Phía giáo sinh chuẩn bị thêm một số que đũa vót nhỏ bằng cây căm xe đạp và chuẩn bị một số đoạn dây chỉ lớn để cột (có thể dùng lõi của dây dù), nhằm thực hiện một số mẫu mô hình thủ công trại thu nhỏ. Xem track 18 của đĩa hình “Tự học một số nút dây và Thực hiện trang trí thủ công trại”. 1. Một số cổng trại nhỏ (tiểu trại). Làm cổng trại nhỏ (tiểu trại) như sau : Trong các loại cổng trại nhỏ, ta nên sử dụng các loại nút dây Vấn ngắn, Ráp cây chữ thập, Chạc ba, Cột cờ.
  38. So với những cổng trại khác thì loại cổng trại nhỏ (tiểu trại) có đặc điểm nổi bật như sau : nó gọn, nhẹ, dễ thực hiện, huy động ít nhân lực, không tốn kém kinh phí nhiều, đôi lúc có thể di chuyển một cách rất cơ động được. Cổng trại nhỏ (tiểu trại) thường dùng vào những dịp trại nhỏ hoặc dành cho các tiểu trại, của từng đội. 2. Các loại cổng trại vừa (toàn trại). Làm cổng trại vừa (toàn trại) như sau : Trong các loại cổng trại vừa (toàn trại), ta chỉ cần sử dụng 3 loại nút dây Ráp cây dọc, Ráp cây chữ thập, Chạc ba. So với những cổng trại khác thì loại cổng trại vừa (toàn trại) có đặc điểm nổi bật là nó khá vững chắc và thể hiện được một ý nghĩa biểu trưng nào đó theo đặc thù của tên trại, và thuyết phục được toàn thể trại sinh tham dự vì sự hợp lí vừa phải của nó.
  39. Cổng trại vừa (toàn trại) thường dùng vào những dịp tổ chức trại trung bình, có khoảng từ 50 – 200 trại sinh tham dự, có kinh phí tương đối khá, trong một dịp thường kì trong năm như trại hè, trại xuân 3. Tham khảo thêm các loại cổng trại lớn (phức tạp và kiên cố). Làm cổng trại lớn (phức tạp và kiên cố) như sau : Trong các loại cổng trại lớn (phức tạp và kiên cố), ta nên sử dụng các loại nút dây: Ráp cây dọc (Vấn ngắn), Vấn dài, Ráp cây chữ thập, Ráp cây chữ nhân, Chạc ba, Bện ván sàn. So với những cổng trại khác thì loại cổng trại lớn (phức tạp và kiên cố) có đặc điểm nổi bật là nó rất vững chắc và thể hiện được một ý nghĩa hình tượng nào đó (ví dụ: hình quyển sách, hình chiếc tàu, hình ngôi sao, chữ thập, trái tim, ), và thuyết phục được toàn thể trại sinh tham dự vì sự hoành tráng và quy mô của nó. Cổng trại lớn (phức tạp và kiên cố) thường dùng vào những dịp tổ chức trại lớn, có nhiều trại sinh tham dự (từ 200 người trở lên), có kinh phí dồi dào, trong một dịp trọng đại như các ngày lễ lớn trong năm : Kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, Giải phóng miền Nam, Quốc khánh, Kỉ niệm ngày thành lập Đoàn NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Xem băng hình “Hướng dẫn một số nút dây & thực hiện trang trí thủ công trại” và tham khảo thêm các tài liệu : “150 nút dây”, “Thủ công Trại” của Trần Thời để nghiên cứu các thông tin cho hoạt động 2. * Nhiệm vụ 2 : Chia nhóm để cùng nhau thực hành các mô hình trang trí trại : cổng trại, cột cờ ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 2 : Câu 1 : Lập bảng so sánh sự khác biệt giữa 3 loại cổng trại : cổng trại nhỏ (tiểu trại), cổng trại vừa (toàn trại) và cổng trại lớn (phức tạp và kiên cố). Câu 2 : Cổng trại thường dùng vào những dịp nào ? Bài tập về nhà : Mỗi nhóm (3–5 bạn) thực hiện 1 mô hình thủ công trại (hoặc bàn ăn, cột cờ, cổng trại vừa và nhỏ ) bằng những que đũa tre nhỏ (giống như các hình minh hoạ, nếu có chủ đề thể hiện theo các ngày lễ lớn thì càng tốt). 2. THÔNG TIN PHẢN HỒI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG : Thông tin phản hồi cho hoạt động 1 :
  40. Câu 1 : Đáp án chính xác nhất là :  Dùng để buộc khởi đầu các nút ráp cây. Câu 2 : Đáp án chính xác nhất là :  Dùng để ráp 2 cây ngắn thành một cây dài theo chiều dọc. Nếu khoét thân cây theo kiểu mọng gỗ thì sẽ chắc chắn hơn. Câu 3 : Đáp án chính xác nhất là :  Dùng để ráp 2 cây dạng vuông góc với nhau. Câu 4 : Đáp án chính xác nhất là :  Dùng để thực hiện các mô hình bếp treo, chạn để chén đũa Thông tin phản hồi cho hoạt động 2 : Câu 1 : BẢNG SO SÁNH Câu 2 : Trong tất cả các buổi trại (cho dù lớn hay nhỏ), thực hiện cổng trại là một việc rất quan trọng và cần thiết. Nó đảm bảo được không gian riêng biệt và thể hiện được khiếu thẩm mĩ cũng như trình độ kĩ năng tháo vát của trại sinh. Bài tập về nhà : Giảng viên đánh giá (hoặc cho điểm) theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
  41. Chủ đề 5 KĨ NĂNG HƯỚNG DẪN THIẾU NHI HÁT NHỮNG BÀI HÁT TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỘI MỤC TIÊU CỦA CHỦ ĐỀ : 1. Kiến thức : Nhận biết được một số bài hát truyền thống Đội và hiểu rõ về tác giả và nghĩa của những bài hát đó. 2. Kĩ năng : Hát đúng những bài hát truyền thống Đội có quy định trong chương trình. Biết cách hướng dẫn hát cho thiếu nhi (dạng sinh hoạt, đơn giản, không cầu kì như những tiết hát khác của phổ thông cơ sở). 3. Thái độ : Đặc biệt chú ý về công tác giáo dục của những bài hát truyềân thống. Sinh viên có xúc cảm về những tấm gương sáng của các bậc đàn anh đi trước, sau này sẽ truyền lại những xúc cảm đó cho các em Đội viên của mình. Quan tâm, nhiệt tình, tôn trọng phát huy vai trò tự quản trong hoạt động ca hát của các em thiếu nhi. II. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 2 tiết III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Trong chủ đề này, chúng ta sẽ nghiên cứu và rèn luyện về kĩ năng hướng dẫn bài hát Quốc ca và 6 bài hát truyền thống Đội cho thiếu nhi bao gồm : Đội ca (“Cùng nhau ta đi lên” của Phong Nhã – 1950). Mơ ước ngày mai (nhạc : Trần Đức – lời : Trần Đức & Phong Thu). Hành khúc Đội (“Đi ta đi lên” của Phong Nhã – 1970). Bay trong đêm pháo hoa (Hàn Ngọc Bích). Kim Đồng (Phong Nhã). Nguyễn Bá Ngọc (Mộng Lân – 1965). IV. TÀI LIỆU VÀ THIẾT BỊ ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 1. Tài liệu tham khảo : – Hoàng Long – Hoàng Lân, Tập nhạc “50 năm các bài hát thiếu nhi Việt Nam 1945 – 1995”, NXB Giáo Dục, 1995. 2. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học : Giáo viên cần chuẩn bị băng cassette hoặc đĩa CD bài hát Quốc ca và những bài hát truyền thống Đội. Máy cassette hoặc đầu máy CD (có remote để điều khiển từ xa). Đàn guitar (nếu có đàn và GV biết đàn). Âm thanh : loa, micro Bảng viết (bảng từ hoặc bảng formica). V/ NỘI DUNG :
  42. 1. CÁC HOẠT ĐỘNG : Hoạt động 1 : TÌM HIỂU VỀ BÀI HÁT VÀ TÁC GIẢ CỦA MỘT SỐ BÀI HÁT TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỘI TNTP HỒ CHÍ MINH THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 1 : 1) Nội dung lời của bài Quốc ca và các bài hát truyền thống Đội như sau : QUỐC CA (Tiến quân ca) Văn Cao Bài này không cần tập (vì hầu hết các sinh viên đều đã thuộc lòng từ hồi còn học ở phổ thông), người giáo viên chỉ cần giới thiệu về xuất xứ bài hát và chú ý những chi tiết mà các em học sinh tiểu học hát thường bị sai (bằng cách nghe trực tiếp trên đĩa CD). Xuất xứ : trước đây bài hát này có tên là “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1944, được chính Bác Hồ chỉnh sửa một số từ ngữ cho phù hợp và công nhận là Quốc ca của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vào kì họp Quốc Hội lần thứ nhất năm 1946. Đến khoảng những năm 80, Nhà nước Việt Nam có tổ chức một cuộc thi sáng tác Quốc ca mới. Cuộc thi đã quy tụ rất nhiều nhạc sĩ hàng đầu tham gia, nhưng cuối cùng vẫn chưa tìm ra được một bài nào tương xứng với tầm vóc quốc gia hơn bài Quốc ca này. Và âm vang Quốc ca Việt Nam vẫn vang vọng mãi trong lòng dân tộc ta cho đến ngày nay.
  43. 2. Vài nét về các tác giả của các bài hát truyền thống Đội : Nhạc sĩ Phong Nhã : Sinh ngày 4 – 4 – 1924, tên thật là Nguyễn Văn Tường, quê ở Hoàng Đồng, huyện Duy Tiên, tỉnh Nam Hà. Là cán bộ phụ trách thiếu nhi lâu năm, cả cuộc đời gắn bó với công tác Đội TNTP Hồ Chí Minh ở cơ quan Trung ương Đoàn. Sáng tác từ năm 1945, có nhiều ca khúc thiếu nhi nổi tiếng : “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Kim Đồng”, “Nhanh bước nhanh nhi đồng”, “Đội ca”, “Chi đội em làm kế hoạch nhỏ”, “Đội ta lớn lên cùng đất nước”, “Bài ca người phụ trách”, “Công tác Trần Quốc Toản”, “Làng em xanh tươi”, “Bác sống đời đời”, “Bài ca sum họp”, Nhạc sĩ Trần Đức : Sinh ngày 5 – 5 – 1937 tại xã Vị Xuyên – Mỹ Lộc – Nam Hà. Công tác nhiều năm ở Đài Truyền hình Việt Nam, là người sáng lập chương trình “Những bông hoa nhỏ”. Ngoài các công việc của lĩnh vực truyền hình, ông đã sáng tác nhiều ca khúc cho trẻ em như : “Mùa xuân tình bạn”, “Đưa chú qua đường”, “Lách cách thoi bay”, “Hè ơi! Hè lại về”, “Những bông hồng” Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích : Sinh ngày 18 − 10 − 1940, quê ở Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội. Là thầy giáo dạy Lịch sử, có nhiều năm chỉ đạo giảng dạy môn Nhạc – Hát ở vụ phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có nhiều ca khúc được thiếu nhi ưa thích như : “Cây bàng trước ngõ”, “Tre ngà bên lăng Bác”, “Tiếng chim trong vườn Bác”, “Tháng ba học trò”, “Rửa mặt như mèo”, “Ôi khúc hát mùa thu”, “Em Bay trong đêm pháo hoa”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”
  44. Nhạc sĩ Mộng Lân : Sinh ngày 12 − 11 − 1936 tại Thanh Ba, Chí Tiên, tỉnh Vĩnh Phú. Công tác biên tập âm nhạc nhiều năm ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Mộng Lân là một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho tiếng hát thiếu nhi lan toả rộng rãi trên sóng đài TNVN. Là tác giả của những ca khúc viết cho trẻ em được quần chúng quen biết như : “Quê em bừng sáng”, “Tấm ảnh Bác Hồ”, “Lớp chúng ta đoàn kết”, “Tiếng hát ngày hè”, “Ngày chủ nhật”, “Nguyễn Bá Ngọc”, “Tuổi nhỏ đất nước anh hùng”, “Em đang sống những ngày vẻ vang”, “Trò giỏi con ngoan” v.v NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Sinh viên tìm hiểu tác giả và phần nhạc và lời của các bài hát truyền thống Đội theo quy định của chương trình (mà chủ đề đã nêu). * Nhiệm vụ 2 : Sinh viên nghe băng đĩa để nắm bắt thật vững giai điệu của các bài hát truyền thống Đội dành cho Đội viên cấp tiểu học (chú ý tập trung vào những chỗ mà các em thường hay hát sai). Trong thực tế, đây là những bài hát truyền thống Đội đã có từ lâu (được viết từ 1970 trở về trước). Chính vì thế, từ lúc còn là học sinh phổ thông, các sinh viên cũng đã từng được học (hoặc đã từng được nghe qua). Trong nhiệm vụ này, giảng viên chỉ cần mở băng (hoặc đĩa) để sinh viên nghe qua mỗi bài một lần để các sinh viên có thể nhớ lại. Sau khi nghe xong, sinh viên có quyền yêu cầu giảng viên phát lại thêm lần 2 những bài nào mà sinh viên còn chưa rõ tiết tấu giai điệu của bài nhạc. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 1 : Câu 1 : Trong chương trình giảng dạy công tác Đội của hệ Tiểu học trường CĐSP bao gồm bao nhiêu bài hát ? Tựa những bài hát này là gì ? Câu 2 : (Chọn câu trả lời đúng) Mộng Lân là tác giả của bài hát :  Quốc ca.  Đội ca.  Nguyễn Bá Ngọc – người thiếu niên dũng cảm.  Khăn Quàng Đỏ. Câu 3 : (Chọn câu trả lời đúng) Phong Nhã là tác giả của bài hát :  Hành khúc Đội (Đi ta đi lên).  Kim Đồng.  Đội ca (Cùng nhau ta đi lên).  Cả    đều đúng. Câu 4 : Những bài hát này phục vụ cho những dịp nào trong hoạt động Đội ? Hoạt động 2 : PHƯƠNG PHÁP HƯỚNG DẪN THIẾU NHI TIỂU HỌC HÁT NHỮNG BÀI HÁT TRUYỀN THỐNG CỦA ĐỘI THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 2 : Phương pháp hướng dẫn thiếu nhi tiểu học hát những bài truyền thống của Đội không yêu cầu quá cao như phương pháp của một giáo viên nhạc hướng dẫn cho các
  45. em trong chương trình hát nhạc chính khoá. Bởi vì trong sinh hoạt tập thể hoặc trong những thủ tục nghi lễ của Đội, người phụ trách chi đội không phải ai cũng xuất thân từ trường nhạc hoặc có căn bản về nhạc lí. Do đó, toàn bộ những bài hát truyền thống Đội sẽ được hướng dẫn cho các em theo phương pháp nghe và hát theo băng đĩa là chủ yếu. Cách thức được gợi ý thực hiện theo trình tự sau : –Nghe băng cassette (hoặc đĩa CD) bài hát lần thứ nhất. –Học sinh hát theo máy lần thứ nhất (hoặc thêm lần nữa nếu như gặp bài khó). –Học sinh tự hát lần thứ nhất (giáo viên lắng nghe học sinh hát và chú ý nhận ra những lỗi sai). –Giáo viên mở máy hát từng câu để chỉnh sửa kịp thời những lỗi sai thường gặp trong bài hát vừa rồi. –Học sinh hát theo máy lần thứ hai. –Học sinh tự hát lần thứ hai. –Thi đua giữa các nhóm (bên nào hát đúng nhịp và hay hơn là thắng). NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Thảo luận nhóm để tìm hiểu về phương pháp hướng dẫn hát truyền thống Đội cho Đội viên cấp tiểu học. * Nhiệm vụ 2 : Cử đại diện nhóm lên bốc thăm và hướng dẫn 1 trong số những bài hát truyền thống Đội trước lớp. * Nhiệm vụ 3 : Các nhóm khác góp ý, giảng viên nhận xét và đúc kết. Trong lúc hướng dẫn, người đại diện nhóm lưu ý một số chỗ mà các em học sinh tiểu học thường hát sai, qua đó sinh viên chấn chỉnh kịp thời để các em có thể hát một cách chính xác hơn : 1. Đối với bài Quốc ca, có những chỗ các em thường bị sai khi hát là : –Chữ chung lòng cứu quốc, nhiều học sinh còn hát lộn sang thành chung lòng cứu nước. –Ở chữ quân thù : Các bạn phải chú ý cao độ của chữ thù bằng với cao độ của chữ thắng (ở ngay sau đó) –Ở chữ sa trường : Các bạn thường hát thành sà trường. Chú ý cao độ của chữ sa bằng với cao độ của chữ ra (ở ngay trước đó) –Ở đoạn Tiến lên! Cùng tiến lên! Có một số bạn thường hát dính liền. Đúng ra ở khoảng chỗ phải ngân ra 2 nhịp (tức là phải hát Tiến lên! (1–2) Cùng tiến lên!). Ghi chú : Riêng đối với bài hát Quốc ca Việt Nam, học sinh phải hiểu đó là hát nghi lễ của nhà nước. Quốc ca Việt Nam được hát khi chào cờ. Công dân Việt Nam phải có ý thức nghiêm trang khi dự lễ chào cờ và hát Quốc ca Việt Nam. 2. Đối với bài Đội ca, có những chỗ thường bị sai là : –Ở chữ cùng yêu nhân dân : Các bạn phải chú ý cao độ của chữ nhân dân bằng với cao độ của chữ yêu (ở ngay trước đó) hát giống như là nhần dần.
  46. –Ở lời 2 : Đoạn ngày nay anh em ta thường bị hát luyến chữ ngày và hát liền lạc 3 chữ anh em ta, phải hát đúng lại là ngày nay anh phải hát liền lạc, chữ em ta thì nhấn giọng từng chữ. 3. Đối với bài Hành khúc Đội, có những chỗ thường bị sai là : –Ở đoạn Bác vẫn luôn tươi cười dắt ta lên đường : Các bạn phải chú ý trường độ của các chữ ta lên đường có trường độ bằng nhau và ngân ra 2 nhịp cho mỗi chữ. Còn cao độ của chữ Bác thì thật thấp chứ không cao (là nốt Mi chứ không phải là nốt Sol như một số em vẫn bị sai). 4. Đối với bài Bay trong đêm pháo hoa (Hàn Ngọc Bích). a) Lưu ý với giáo sinh là bài này có liên quan đến các động tác múa nhi đồng, do đó giáo sinh phải cố gắng thuộc lời hát ngay tại lớp. b) Khi mở băng đĩa, giáo viên chú ý dừng lại (pause) những chữ có dấu luyến. c) Chú ý nhịp hát trong băng đĩa khá nhanh do đó, giáo sinh phải chú ý tiết tấu, để khi thực hành múa không bị lỗi nhịp. 5. Đối với bài Kim Đồng, có những chỗ thường bị sai là : –Ở đoạn Kim Đồng lên chiến khu : Các bạn phải chú ý cao độ của chữ chiến là cao (nốt Rế chứ không phải là nốt Si như một số em vẫn bị sai). –Sau đoạn theo gương anh hùng, phải ngân 2 nhịp nữa mới hát câu đùng đùng đùng, chứ không hát liền liền. 6. Đối với bài Nguyễn Bá Ngọc, có những chỗ thường bị sai là : –Ở đoạn chí kiên cường và lòng dũng cảm : Các bạn thường hát chữ cường ngân ra sau đó chữ và lòng thì lại hát dính liền lại là sai, phải chú ý trường độ của từng chữ (mỗi chữ nhấn đúng 1 nhịp). ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 2 : Câu 1 : Hãy phân tích những chỗ sai thường gặp trong bài Quốc ca ? Câu 2 : Hãy phân tích những chỗ sai thường gặp trong bài Đội ca ? Câu 3 : Hãy phân tích những chỗ sai thường gặp trong bài Hành khúc Đội ? Câu 4 : Hãy phân tích những chỗ sai thường gặp trong bài Kim Đồng ? Câu 5 : Hãy phân tích những chỗ sai thường gặp trong bài Nguyễn Bá Ngọc ? Câu 6 : Hãy phân tích những chỗ sai thường gặp trong bài Bay trong đêm pháo hoa ? Câu 7 : Chia sinh viên thành từng nhóm theo ý thích để hát thi đua : a) Hát chay hay có đệm đờn (hoặc trên nền nhạc của đĩa) ? b) Bốc thăm hay để đối phương chỉ định ? c) Có cộng thêm điểm nếu có hát bè không ? d) Có cộng thêm điểm nếu có thái độ đúng khi hát Quốc ca, Đội ca hay không ? 2. THÔNG TIN PHẢN HỒI CHO CÁC HOẠT ĐỘNG : Thông tin phản hồi cho hoạt động 1 :
  47. Câu 1 : Trong chương trình giảng dạy công tác Đội của hệ tiểu học trường CĐSP bao gồm 7 bài hát. Tựa những bài hát này là : Quốc ca (Văn Cao – 1944). Đội ca (“Cùng nhau ta đi lên” của Phong Nhã – 1950). Mơ ước ngày mai (nhạc : Trần Đức – lời : Trần Đức và Phong Thu). Hành khúc Đội (“Đi ta đi lên” của Phong Nhã – 1970). Bay trong đêm pháo hoa (Hàn Ngọc Bích). Kim Đồng (Phong Nhã). Nguyễn Bá Ngọc (Mộng Lân – 1965). Câu 2 : Đáp án chính xác nhất là :  Nguyễn Bá Ngọc – người thiếu niên dũng cảm. Câu 3 : Đáp án chính xác nhất là :  Cả 1, 2, 3 đều đúng. Câu 4 : Những bài hát này nhằm phục vụ cho những nghi lễ của Đội : Bài Quốc ca và Đội ca được hát trong các lễ chào cờ. Bài Mơ ước ngày mai được hát trong lễ Kết nạp Đội. Bài Hành khúc Đội được hát trong lễ diễu hành. Bài Kim Đồng và bài Nguyễn Bá Ngọc được hát trong phút truyền thống của những lễ lớn của Đội (đặc biệt trong trường hợp chi đội mình mang tên những anh hùng đó). Bài Bay trong đêm pháo hoa và bài Hành khúc Đội được hát trong lúc múa tập thể sinh hoạt. Thông tin phản hồi cho hoạt động 2 : Đáp án từ câu 1 đến câu 6 : Xem giải đáp ở phần nhiệm vụ 2. Câu 7 : Luật được quy định như sau : a) Hát chay sẽ được cộng thêm 1 điểm, còn nếu có đệm đờn (hoặc trên nền nhạc của đĩa) thì không được cộng điểm. b) Nếu tự chọn thì không cộng điểm, nếu bốc thăm sẽ được cộng 1 điểm, nếu để đối phương chỉ định sẽ được cộng 2 điểm. c) Nếu nhóm nào có tổ chức hát bè sẽ được cộng thêm 2 điểm. d) Nếu có thái độ không đúng khi hát Quốc ca, Đội ca sẽ bị trừ điểm, còn nếu có thái độ đúng khi hát Quốc ca, Đội ca cũng vẫn không được cộng thêm điểm (vì đó là trách nhiệm bắt buộc của một công dân Việt Nam).
  48. Chủ đề 6 KĨ NĂNG HƯỚNG DẪN THIẾU NHI MÚA TẬP THỂ MỤC TIÊU CỦA CHỦ ĐỀ : 1. Kiến thức : Nhận biết được 2 bài múa tập thể của Đội : “Đi ta đi lên” và “Bay trong đêm pháo hoa”. Phân tích được vai trò và ý nghĩa của 2 bài múa đó. 2. Kĩ năng : Múa đúng 2 bài múa tập thể của Đội : “Đi ta đi lên” và “Bay trong đêm pháo hoa” có quy định trong chương trình. Biết cách hướng dẫn múa cho thiếu nhi. 3. Thái độ : Ý thức rõ về công tác giáo dục của những bài múa tập thể của Đội. Quan tâm, nhiệt tình, tôn trọng phát huy vai trò tự quản trong hoạt động múa hát của các em thiếu nhi. II. THỜI GIAN THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 3 tiết III. GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Trong chủ đề này, chúng ta sẽ nghiên cứu để nắm vững và rèn luyện kĩ năng hướng dẫn 2 bài múa tập thể của Đội có quy định trong chương trình bao gồm : 1. Đi ta đi lên (Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh). 2. Bay trong đêm pháo hoa. IV. TÀI LIỆU VÀ THIẾT BỊ ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ ĐỀ : 1. Tài liệu tham khảo : – Trần Thời, Nhảy múa tập thể thanh niên và thiếu nhi, NXB Trẻ, 2005. 2. Trang thiết bị, đồ dùng dạy học : Giáo viên cần chuẩn bị băng cassette (hoặc đĩa CD) 2 bài nhạc : Đi ta đi lên và Bay trong đêm pháo hoa. Máy cassette hoặc đầu máy CD (có remote để điều khiển từ xa). Đàn guitar (nếu có đàn và GV biết đàn). Âm thanh : loa, micro V. NỘI DUNG : 1. CÁC HOẠT ĐỘNG : Hoạt động 1 : HIỂU, PHÂN TÍCH VÀ THỰC HÀNH THEO NHỮNG TỔ HỢP TRONG 2 BÀI MÚA THÔNG TIN CHO HOẠT ĐỘNG 1 : Xem đĩa VCD “Hướng dẫn những bài múa tập thể thiếu nhi” trong đó có hướng dẫn 2 bài múa dành cho học sinh tiểu học :
  49. a) Bài Hành khúc Đội được múa trong lúc diễu hành. Múa diễu hành là thể loại được sử dụng trong các ngày hội, các ngày lễ lớn của dân tộc và của Đội Các em vừa đi vừa múa diễu qua lễ đài hoặc các đường phố. Động tác múa đơn giản, đẹp. Số người múa càng đông càng có hiệu quả. Các em mặc quần áo đồng phục đẹp, tay có thể cầm hoa, khăn, cờ Đội hình múa hình khối, tuỳ theo số người và địa điểm để triển khai. Có thể xếp hàng ngang 10, 16, 20, 40 hoặc hàng dọc càng dài càng đẹp. Bài múa Hành khúc Đội (“Đi ta đi lên”) bao gồm 4 tổ hợp. Được lặp lại 4 lần cho đến hết lời hát. (xem từ track 15 đến track 18) b) Bài múa Bay trong đêm pháo hoa bao gồm 10 tổ hợp, chia thành 14 động tác. (xem từ track 3 đến track 11) Những bài múa này nhằm phục vụ cho những sinh hoạt tập thể ngoài trời của Đội. NHIỆM VỤ : * Nhiệm vụ 1 : Sinh viên xem băng đĩa hình để phân tích và nắm vững các động tác trong từng tổ hợp múa của 2 bài quy định. * Nhiệm vụ 2 : Thảo luận nhóm về các tổ hợp và các động tác múa. * Nhiệm vụ 3 : Từng nhóm lên bốc thăm để thể hiện từng bài múa cho các nhóm khác đánh giá. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG 1 : Câu 1 : Trong chương trình giảng dạy công tác Đội của hệ tiểu học trường CĐSP bao gồm bao nhiêu bài múa ? Tựa những bài múa này là gì ? Câu 2 : (Chọn câu trả lời đúng nhất) Những bài múa này nhằm phục vụ cho những dịp nào của Đội ?  Trong lúc diễu hành.  Trong các ngày hội.  Trong các ngày lễ lớn của dân tộc và của Đội.  Cả    đều đúng. Câu 3 : (Chọn câu trả lời đúng nhất) Bài múa Hành khúc Đội (“Đi ta đi lên”) bao gồm mấy tổ hợp ?  3 tổ hợp  4 tổ hợp  5 tổ hợp  6 tổ hợp Câu 4 : (Chọn câu trả lời đúng nhất) Bài múa Bay trong đêm pháo hoa bao gồm mấy tổ hợp ? Chia thành mấy động tác ?  3 tổ hợp – 5 động tác  8 tổ hợp – 10 động tác  10 tổ hợp – 14 động tác  12 tổ hợp – 16 động tác Hoạt động 2 : THỰC HIỆN PHẦN HƯỚNG DẪN MÚA CHO HỌC SINH TIỂU HỌC