Tài liệu về tỉnh Quảng Ngãi - Phần 1

pdf 122 trang Đức Chiến 03/01/2024 570
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tài liệu về tỉnh Quảng Ngãi - Phần 1", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdftai_lieu_ve_tinh_quang_ngai_phan_1.pdf

Nội dung text: Tài liệu về tỉnh Quảng Ngãi - Phần 1

  1. BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY QUẢNG NGÃI  CỐ VẤN HỘI ĐỒNG BIÊN SOẠN PGS. TRẦN NGHĨA GS. TS. PHAN NGỌC LIÊN  HỘI ĐỒNG BIÊN SOẠN TS. NGUYỄN KIM HIỆU Chủ tịch Hội đồng NGUYỄN HOÀNG SƠN Phó Chủ tịch Hội đồng HOÀNG NAM CHU Phó Chủ tịch Hội đồng PHẠM ĐÌNH PHÚC ủy viên Thường trực Hội đồng CAO CHƯ ủy viên Thường trực Hội đồng LÊ HỒNG KHÁNH ủy viên Hội đồng TS. VÕ TUẤN NHÂN ủy viên Hội đồng THANH THẢO ủy viên Hội đồng TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ ủy viên Hội đồng
  2. PHÂN CÔNG BIÊN SOẠN Phần I: Địa lý hành chính, tự nhiên và dân cư VÕ TUẤN NHÂN (Biên soạn chính) ĐOÀN NGỌC KHÔI - VÕ VĂN TOÀN - KIỀU QUÝ CẢNH TRẦN NGỌC BÌNH - NGUYỄN TẠ QUYỀN - TRẦN CÔNG HOÀ Phần II: Truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc LÊ HỒNG KHÁNH (Biên soạn chính) TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ - TẠ THANH Phần III: Kinh tế PHẠM ĐÌNH PHÚC (Biên soạn chính) PHẠM VĂN SƠN - LÊ HẠNH - PHAN HUY HOÀNG NGUYỄN KHOA THÀNH - CAO CHƯ - NGUYỄN AN LÊ ĐÔNG THUỶ - TẠ THANH Phần IV: Văn hoá - xã hội THANH THẢO - NGUYỄN ĐĂNG VŨ (Tổ chức bản thảo, Biên soạn chính) VÕ TUẤN NHÂN - TRƯƠNG LÊ HOÀI VŨ LÊ VĂN SƠN - NGUYỄN XUÂN DŨNG NGUYỄN DIÊN XƯỚNG - ĐOÀN NGỌC KHÔI HỒNG NHÂN - TRƯƠNG CÔNG HUỲNH KỲ LÝ VĂN HIỀN - TRẦN BÁ PHƯỚC - HUỲNH THẾ CÙ ĐÌNH HÒA - NGUYỄN XUÂN MẾN - BÙI NAM (Cộng tác viên) Phần V: Thành phố Quảng Ngãi và các huyện trong tỉnh CAO CHƯ (Biên soạn chính)
  3. HỒNG NHÂN - TRẦN VĂN THẬN DƯƠNG THỊ HẢO - CAO THỊ HỒNG HẠNH Lời nói đầu QUẢNG NGÃI - quê hương của nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng - là một mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, hiếu học, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo. Tiếp xúc với tiến trình phát triển của đất Quảng Ngãi theo suốt chiều dài lịch sử, người ta không khỏi ngạc nhiên bởi những đóng góp của mảnh đất này vào sự phát triển kinh tế xã hội - văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nơi đây các nhà khảo cổ học đã tìm được nhiều hiện vật về thời kỳ đồ đá, chứng tỏ mảnh đất này từng có con người sinh tụ và đã có sự hiện diện của một nền văn minh từ thời thượng cổ. Quảng Ngãi là nơi phát hiện đầu tiên, cũng là cái nôi của nền văn minh - văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách nay 2.500 - 3.000 năm, với những di chỉ hết sức phong phú ở Sa Huỳnh, Thạnh Đức, Lý Sơn. Kế tiếp Văn hóa Sa Huỳnh là Văn hóa Chămpa với kiến trúc thành Châu Sa, tháp Chánh Lộ quy mô, bề thế, mang một phong cách riêng, cùng nhiều di chỉ, di tích khác có niên đại cách đây hàng ngàn năm. Kế sau Chămpa, văn hóa Việt trở thành dòng chủ đạo của nền văn hóa đa dân tộc, tiếp tục phát triển từ thế kỷ XV trở về sau. Trong sự giao thoa, chuyển tiếp với Văn hóa Chămpa, sự giao lưu văn hóa với các dân tộc anh em bản địa miền núi là các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong, pha trộn với người Hoa và một số dân tộc khác, đã nhào nặn nơi đất này một sắc thái văn hóa khá độc đáo, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trải qua những thời kỳ lịch sử lâu dài, lam sơn chướng khí bị đẩy lùi, hình thành nên làng mạc, ruộng đồng, kênh mương, nhà cửa, cây đa, bến nước, đình làng, thành quách, phố xá, nơi lưu dấu biết bao mồ hôi, xương máu, nước mắt và nụ cười của lớp lớp thế hệ chủ nhân đất Quảng Ngãi. Các dân tộc ở Quảng Ngãi là người dân Việt Nam, mang đặc tính chung của người Việt Nam và với sự nỗ lực của mình, người Quảng Ngãi đã góp phần tô đậm những nét đẹp quý báu của người Việt Nam. Qua thử thách trong môi trường tự nhiên và xã hội khắc nghiệt, người Quảng Ngãi đã rèn đúc cho mình thêm sự cứng cỏi, dẻo dai, không chỉ có sức chịu đựng mà còn đủ ý chí, nghị lực, sức sáng tạo để cải biến tự nhiên, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Ngược dòng lịch sử, vào thế kỷ XVIII, cùng với Bình Định, Quảng Ngãi cũng được xem là cái nôi của phong trào nông dân Tây Sơn ngay từ khi nó mới khởi phát và sau đó đã có những đóng góp không nhỏ vào các cuộc chống ngoại xâm của dân tộc, tạo lập nên các chiến công oanh liệt đánh tan quân Xiêm, đại phá quân Thanh. Quảng Ngãi là quê hương của Trần Quang Diệu, Trương Đăng Đồ và nhiều vị văn thần, võ tướng khác của nhà Tây
  4. Sơn. Thời Pháp khởi sự xâm lược Việt Nam, Quảng Ngãi có Hộ đốc Võ Duy Ninh là vị chỉ huy cao cấp đầu tiên của triều đình Huế tử tiết vì thành Gia Định (1859); tiếp sau có Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định trở thành một thủ lĩnh nghĩa quân Nam Kỳ chống Pháp. Sau ngày Kinh đô Huế thất thủ (1885), Quảng Ngãi là nơi phất cờ khởi nghĩa Cần vương chống Pháp đầu tiên ở Nam Trung Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Lê Trung Đình, Nguyễn Tự Tân và mặc dù bị kẻ địch dìm trong bể máu, phong trào Cần vương ở Quảng Ngãi vẫn liên tục tồn tại hàng chục năm sau. Đầu thế kỷ XX, Quảng Ngãi ghi dấu vào lịch sử Việt Nam bằng những hoạt động mạnh mẽ, tích cực của Duy tân Hội, với các chí sĩ yêu nước Lê Đình Cẩn, Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết đặc biệt là phong trào cự sưu, khất thuế rầm rộ, có tiếng vang trong khắp cả nước thời bấy giờ. Mặc dù bị kẻ địch đàn áp khốc liệt, nhiều nhà yêu nước và quần chúng bị địch giết hại, tù đày nhưng phong trào yêu nước ở Quảng Ngãi vẫn được tiếp nối với Việt Nam Quang phục Hội, xuất hiện hàng loạt chí sĩ, như Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Phạm Cao Chẩm trong cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1916. Các phong trào, hoạt động yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tuy bị đàn áp đẫm máu, khốc liệt, nhưng lòng yêu nước của người dân Quảng Ngãi không vì thế mà bị dập tắt, nguội lạnh; ngược lại, nó đã liên tục bùng lên mạnh mẽ, nhất là sau khi Ðảng Cộng sản Việt Nam rồi Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi được thành lập. Tiếng trống Đức Phổ vang động ngay từ năm 1930 đã lan ra toàn tỉnh. Người Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi là đồng chí Nguyễn Nghiêm hy sinh, nhưng cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc vẫn tiếp tục phát triển. Nhiều cán bộ Quảng Ngãi cũng góp sức cho phong trào cách mạng ở các tỉnh bạn, nhất là các tỉnh Nam Trung Kỳ. Nhiều chiến sĩ cộng sản xuất hiện như những tấm gương sáng ngời trong đấu tranh cách mạng. Quảng Ngãi là nơi bùng nổ của Khởi nghĩa Ba Tơ và thành lập Đội du kích Ba Tơ - tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V. Trong Cách mạng tháng Tám, Quảng Ngãi là nơi diễn ra cuộc Tổng khởi nghĩa sớm trong cả nước (14.8.1945) và trở thành cái nôi của vùng tự do Liên khu V trong kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Quảng Ngãi có những sự kiện quan trọng như cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi tháng 8.1959, Chiến thắng Ba Gia 31.5.1965, Chiến thắng Vạn Tường 18.8.1965, đánh dấu được những chiến công huy hoàng; đồng thời, Quảng Ngãi cũng là nơi chịu nhiều đau thương mất mát, điển hình là vụ thảm sát Sơn Mỹ 16.3.1968, làm chấn động dư luận thế giới và lương tâm loài người. Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc, Quảng Ngãi đã xuất hiện biết bao tấm gương hy sinh vì nước, rèn đúc được nhiều nhà lãnh đạo, nhiều vị tướng lĩnh tài ba thao lược, như Nguyễn Chánh, Trần Văn Trà, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn và nổi bật là đồng chí Phạm Văn Đồng, người hiến dâng cả cuộc đời cho cách mạng và để lại dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong suốt nhiều thập niên của thế kỷ XX. Quảng Ngãi không chỉ nổi bật ở truyền thống yêu nước và cách mạng, mảnh đất này còn nổi bật ở truyền thống lao động sáng tạo, truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học. Từ nhiều thế kỷ trước, hàng trăm guồng xe nước trên sông Trà Khúc và sông Vệ đã được xây dựng kỳ vĩ giữa non sông, khiến khách qua đây không khỏi ngạc nhiên, khâm phục và liên tưởng đến hình ảnh của sự nhẫn nại, đức cần cù và tiềm năng sáng tạo lớn lao của người dân miền Ấn - Trà. Từ một vùng quê nhiều giông bão, lũ lụt, hạn hán, bằng bàn tay và khối óc của mình, con người nơi đây đã cải biến cả vùng đất thiên nhiên khắc nghiệt này thành nơi đất lành. Sản vật của tự nhiên qua bàn tay con người đã trở thành những
  5. món ăn đậm phong vị quê hương. Từ loài cá bống, cá thài bai nhỏ nhoi trên sông Trà mà khiến người nơi xa phải nhớ. Từ loài nhuyễn thể vùng nước lợ mà thành món don đậm hương quê nhà. Quảng Ngãi còn nổi tiếng là xứ sở mía đường, là nơi sản xuất đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha và rất nhiều món ăn đặc sản khác. Ở miền núi thì có ốc đá, cá niêng, có rượu đót, rượu cần. Ở hải đảo thì có hải sâm và nhiều loài hải sản mặn mà vị biển. Đồng bằng có vị ngọt của mía thì miền núi có vị thơm nồng của quế Trà Bồng, vị thơm cay của cau Sơn Hà, Sơn Tây, vị ngọt chát của chè Minh Long, vị ngọt lịm của dứa Ba Tơ. Vượt lên những lo toan cơm áo hằng ngày, người Quảng Ngãi biết tạo dựng nhà rường, nhà lá mái ở miền xuôi, nhà sàn ở miền núi. Những câu ca dao, điệu hò, điệu lý, hát bả trạo, sắc bùa, bài chòi ở miền xuôi; những khúc dân ca, dân nhạc miền núi; những lễ hội cùng tạo cho cuộc sống người dân đất này thêm phần đáng yêu và mang nhiều dáng nét riêng. Quảng Ngãi là nơi sinh thành của một số nhà thơ, của các nghệ sĩ lớn của đất nước. Quảng Ngãi nổi tiếng là đất học từ xưa với nhiều nhà khoa bảng Nho học, sang thời kỳ Tân học và nền giáo dục cách mạng càng nổi lên truyền thống hiếu học với nhiều người học giỏi, nhiều người trở thành những nhà học thuật nổi tiếng trong nước. Từ sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là từ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương đổi mới (1986), mở cửa hội nhập khu vực, quốc tế, Quảng Ngãi đã có những bước phát triển căn bản về nhiều mặt. Quảng Ngãi đã hoàn thành công trình đại thủy nông Thạch Nham, tưới cho 50.000ha đất canh tác, tạo nên một sức bật mới cho kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Các Khu công nghiệp Quảng Phú, Tịnh Phong hình thành. Đặc biệt, Khu Kinh tế Dung Quất trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung được xây dựng, tạo ra một bước đột phá mới cho kinh tế của tỉnh. Thị xã Quảng Ngãi đã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh. Các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng phát triển. Lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều chuyển biến đi lên. Đời sống mọi mặt của người dân Quảng Ngãi ngày càng được nâng cao. Sự phát triển sinh động, phong phú về nhiều mặt của Quảng Ngãi trong sự phát triển chung của đất nước là thuận lợi rất lớn nhưng đồng thời tự thân nó cũng là một thử thách không nhỏ đối với người nghiên cứu. Vấn đề đầu tiên mà những người thực hiện tự hỏi là mình nghiên cứu như thế là đã đúng, đầy đủ, tương xứng, phù hợp với hiện thực của Quảng Ngãi trong quá khứ và hiện tại hay chưa? Đây lại là công trình địa chí Quảng Ngãi đầu tiên kể từ sau Cách mạng tháng Tám đến nay. Hiểu được những khó khăn ấy, để các nhà nghiên cứu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Hội đồng Biên soạn công trình đã bàn bạc, đề ra nhiều giải pháp, biện pháp thực hiện đúng định hướng và có hiệu quả theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Hội đồng đã mời Phó Giáo sư Trần Nghĩa, Giáo sư Phan Ngọc Liên làm cố vấn chuyên môn và giúp chỉnh biên toàn bộ công trình; đã mời các nhà nghiên cứu, các cán bộ có chuyên môn vững trong tỉnh và trong nước hình thành các tổ tham gia nghiên cứu, biên soạn các phần của công trình. Một khối lượng công việc rất lớn, nhưng quỹ thời gian và điều kiện lại rất có hạn. Trong hai năm 2004 - 2005, những người thực hiện đã làm việc cật lực để công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Cho đến cuối năm 2005, công trình đã cơ bản hoàn thành khối lượng như kế hoạch đề ra, kịp ra mắt chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XVII. "Địa chí Quảng Ngãi" là một công trình khoa học lớn của tỉnh nhà, với rất nhiều nội dung, trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Đối với loại công trình như thế này, bản thân những
  6. người nghiên cứu dù đã hết sức cố gắng vẫn không dám quả quyết rằng mọi thứ đều đã tốt đẹp. Dù đã nghiên cứu nghiêm túc, nhưng cho đến sau khi xuất bản, công trình vẫn rất cần sự chỉnh sửa, bổ khuyết, rất cần sự đóng góp chân thành của độc giả để ngày càng tiến đến hoàn thiện. Thay mặt Hội đồng Biên soạn công trình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn Ban Chỉ đạo công trình, cảm ơn các cơ quan, đơn vị, cá nhân, địa phương đã hết sức giúp đỡ, đặc biệt cảm ơn các nhà nghiên cứu đã không quản gian khó, đem hết tâm lực của mình để công trình đạt kết quả cao nhất. TS. NGUYỄN KIM HIỆU Chủ tịch Hội đồng Biên soạn PHÀM LỆ I. VỀ DANH XƯNG (TÊN GỌI) CÁC DÂN TỘC Tỉnh Quảng Ngãi là địa bàn cư trú lâu đời của 4 dân tộc anh em Việt (Kinh), Hrê, Cor, và Ca Dong. Do nhiều nguyên nhân, cách gọi tên và cách viết tên các dân tộc có tình trạng không thống nhất. Trong Địa chí Quảng Ngãi, chúng tôi thống nhất viết tên các dân tộc như sau: 1) Dân tộc Việt; 2) dân tộc Hrê; 3) Dân tộc Cor; 4) Dân tộc Ca Dong. Ngoài ra, các từ "Kinh", "Thượng" cũng được sử dụng khi đề cập đến quan hệ giữa dân tộc chiếm đa số cư dân (người Việt, sống chủ yếu ở vùng đồng bằng) và cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em sống chủ yếu ở miền núi, vùng cao. Cách gọi như trên hiện nay đã trở nên phổ biến trong giao tiếp giữa các dân tộc, sử dụng trong các văn bản hành chính, tài liệu và phương tiện thông tin đại chúng ở Quảng Ngãi, đồng thời được đồng bào các dân tộc thừa nhận. Để tiện cho việc tìm hiểu, tra cứu của đông đảo bạn đọc và các nhà chuyên môn, những cách gọi khác cũng như nhiều vấn đề liên quan đến các dân tộc anh em ở Quảng Ngãi, chúng tôi trình bày cụ thể tại chương VI, phần I của Địa chí Quảng Ngãi. Các dân tộc trên đây sẽ được trình bày theo thứ tự về quy mô dân số; dân tộc có số dân đông hơn sẽ giới thiệu trước, dân tộc có số dân ít hơn sẽ giới thiệu sau, cụ thể là: Việt, Hrê, Cor, Ca Dong. Trường hợp đề cập đến một dân tộc cụ thể
  7. trong mối quan hệ với các dân tộc khác, thì dân tộc này được nêu trước, các dân tộc có quan hệ sẽ nêu sau, tùy văn cảnh cụ thể. II. VỀ NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT Địa chí Quảng Ngãi không sử dụng những chữ viết tắt, khi cần thiết chỉ viết tắt những cụm từ đã trở nên thông dụng, quen thuộc trong phạm vi cả nước, được cộng đồng sử dụng quốc ngữ chấp nhận, như tên gọi viết tắt chính thức của các tổ chức quốc tế, hoặc tên gọi đối ngoại của các tổ chức trong nước (ASEAN, UNICEF, UNESCO, VIETCOMBANK, ) được sử dụng như tên gọi chính thức của tổ chức đó. III. VỀ TÀI LIỆU THAM KHẢO Mục "Tài liệu tham khảo" ở cuối sách liệt kê các tài liệu, sách, văn bản, báo, tạp chí (gọi chung là tài liệu) được các tác giả tham khảo trong quá trình biên soạn Địa chí Quảng Ngãi. Sách tham khảo được sắp xếp theo thứ tự A, B, C, được ghi rõ các yếu tố (nếu có) như: tên tác giả (hoặc nhóm tác giả); tên tác phẩm; tên nhà xuất bản (hoặc cơ quan xuất bản); tên nơi xuất bản; năm xuất bản; số tập (nếu là tác phẩm nhiều tập); số kỳ (nếu là tạp chí), vv. Báo, tạp chí dùng tham khảo viết theo thứ tự tên báo (tạp chí, đặc san, chuyên san), số, ngày, tháng, năm phát hành, địa điểm phát hành. Nếu tác phẩm có nhiều người viết thì ở mục tác giả có thể ghi đủ tên các tác giả (nếu không quá 3 người), hoặc chỉ ghi tên người chủ biên (hoặc chủ trương), tiếp theo đó là cụm từ "và nhiều người khác". Trường hợp tên cơ quan xuất bản đã chỉ định địa phương nơi xuất bản (ví dụ Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi xuất bản; Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, ) thì có thể loại bớt phần tên tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở cơ quan xuất bản, nhà xuất bản. Ngoài ra, các tác phẩm chỉ dùng tham khảo chuyên biệt trong phạm vi một chương thì không liệt kê vào mục "Tài liệu tham khảo" mà chỉ chú thích ngay phía dưới trang sách. Thứ tự kê cứu nguồn chú thích như mục "Tài liệu tham khảo" nhưng ghi rõ số trang ở cuối dòng chú thích (nếu là sách, tài liệu có đánh số trang) hoặc mục (nếu tác phẩm không kê số trang). Trường hợp chú thích là của tác phẩm dẫn nguồn thì đánh dấu hoa thị (*) và ghi rõ tên nguồn có chú thích.
  8. IV. VỀ PHIÊN ÂM Trừ một số thuật ngữ mang tính chuyên môn sâu, tất cả các từ nước ngoài còn lại (kể cả tên người, tên đất) đều được phiên âm sang quốc ngữ. Đối với các ngôn ngữ đa âm (tiếng Anh, tiếng Pháp, ), các âm tiết trong một từ khi phiên âm đều viết liền nhau, liền sau từ phiên âm là từ gốc, được viết trong ngoặc đơn, ví dụ Giơnevơ (Genève), Đờ Gôn (De Gaule) Đối với các từ lặp lại nhiều lần thì chỉ chuẩn từ gốc vào lần đầu tiên. Các ngôn ngữ sử dụng mẫu tự Xlavơ (Slave) như tiếng Nga, tiếng Hungari thì khi cần viết lại từ gốc sẽ chuyển sang mẫu tự Latinh (Latin) theo thông lệ quốc tế. Đối với tiếng Hán hiện đại (tiếng Trung Quốc) thì việc phiên âm (thường là tên người, tên đất) dùng cách phiên âm Latinh theo cách phiên âm được Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chấp nhận. V. VỀ CÁCH VIẾT HOA Theo thông lệ, Địa chí Quảng Ngãi viết hoa tất cả các thành phần cấu tạo địa danh, nhân danh; ví dụ: Quảng Ngãi, Ba Tơ, Ba Làng An (địa danh); Mai Bá, Phạm Văn Đồng, Lê Trung Đình, Trịnh Thị Tuyết Anh (nhân danh). Đối với các danh từ chung đặt trước địa danh khi địa danh ấy dùng để gọi tên thì không viết hoa; ví dụ: sông Vệ, sông Rinh, núi Ấn (địa hình thiên nhiên); chợ Mới, cầu Cháy, ngã ba Thạch Trụ, đường Lê Ngung (công trình xây dựng); thôn 1, thành phố Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn (đơn vị hành chính); vùng An Ba, khu vực Dung Quất, chòm Miếu Bà (một khu vực không có ranh giới rõ rệt). Thành phần nằm sau danh từ của một kết hợp từ kiểu Hán - Việt hiện còn sử dụng hạn chế, cũng không viết hoa, ví dụ: Trà giang, Ấn sơn ; nhưng khi thành phần này đã chuyển đổi thành danh từ riêng (địa danh) thì viết hoa, ví dụ: sông Bàu Giang, núi Dương Sơn Viết hoa các thành phần cấu tạo địa danh vốn ban đầu chỉ có tác dụng phân biệt, nhưng về sau đã chuyển đổi thành bộ phận của địa danh, ví dụ: Đại An Đông, Tịnh Ấn Tây, Thi Phổ Nhất, Viết hoa tên cụ thể của các cơ quan, đơn vị, mặc dù gốc từ là danh từ chung, ví dụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi, Trường Cao đẳng Tài chính - Kế toán VI. VỀ SẮP XẾP THỨ TỰ CÁC ĐƠN VỊ HUYỆN, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TỈNH
  9. Khi liệt kê tên hoặc trình bày nội dung về các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, Địa chí Quảng Ngãi sắp xếp theo thứ tự: đầu tiên là thành phố Quảng Ngãi (tỉnh lỵ), tiếp theo là các huyện đồng bằng, rồi đến các huyện miền núi (kể từ Bắc vào Nam), sau cùng là huyện đảo Lý Sơn. VII. VỀ ẢNH TƯ LIỆU Tranh ảnh minh họa trong Địa chí Quảng Ngãi được lấy từ các nguồn như cơ quan lưu trữ trung ương và địa phương, tài liệu nước ngoài, kể cả một số tư liệu cá nhân hoặc tập thể, tất cả đều được ghi rõ xuất xứ. Cụ thể, nguồn ảnh tư liệu có thể chia thành hai nhóm: 1) Ảnh của các tác giả: Nguyễn Ngọc Trinh, Đăng Lâm, Đăng Vũ, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Hy, Lê Văn Sơn, Lý Văn Hiền, Cao Chư, Thanh Long, Huỳnh Thế, Hồng Khánh, Trần Đăng, Đặng Tùng, Đoàn Ngọc Khôi và các tác giả khác; 2) Ảnh tư liệu của các cơ quan, tổ chức: Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Cẩm Thành, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng, Trung tâm Văn hoá - Thông tin Quảng Ngãi, vv. Ngoài những vấn đề đã nêu, trong từng phần, từng chương nếu có biệt lệ thì có chú thích cụ thể ở ngay phía dưới trang sách để người đọc tiện theo dõi. Tổng luận về «Địa chí Quảng Ngãi» Để làm nền cho một cái nhìn toàn cảnh về "Địa chí Quảng Ngãi", hãy nói một chút về khái niệm địa chí, các loại địa chí và lịch sử địa chí Việt Nam. NGHĨA CHỮ "ĐỊA CHÍ" "Địa chí" là gì? Xét theo nghĩa gốc thì "địa" (地) là địa, "chí" (志 ,誌) là ghi chép; "địa chí" là ghi chép về địa. Nhưng thế nào là "địa"? Trong tiếng Việt, "địa" và "thổ" (土) thường được dịch chung là đất. Điều này làm lu mờ sự khác nhau về ngữ nghĩa của chúng. Trong tiếng Hán, nếu "thổ" chỉ có mỗi một cách viết là 土, phác họa hình một đống đất được tuyến hóa, thì "địa" lại có đến 6 ký tự là , , , ,
  10. và 地. Ngoại trừ "地", dạng cuối cùng của chữ "địa" được cấu tạo theo kiểu hình thanh, các trường hợp còn lại đều cấu tạo theo kiểu hội ý: " " gồm sơn (núi) + thủy (nước) + thổ (đất); " " gồm phụ (gò) + thỉ (lợn) + thổ (đất); " " gồm phụ (gò) + phương (bang, quốc) + thổ (đất); " " gồm nhân (người) + lưỡng thỉ (hai con lợn, viết bớt nét) + thổ (đất); " " gồm sơn (núi) + thỉ (lợn) + lưỡng thổ (hai đống đất). Có thể thấy trong quan niệm người xưa, "địa" không chỉ là đất, mà còn bao gồm cả nhiều thứ liên quan đến đất như núi, nước, gò, lợn, bang quốc, con người Những thành tố tạo nên chữ "địa" ở đây phần lớn mang tính biểu trưng. Thí dụ "thỉ" (lợn) đại diện cho gia súc, kể cả các loài động vật tồn tại trên quả đất nói chung. "Nhân" (người) đại diện cho dân cư, chủng tộc. Chính bởi các lẽ trên mà trong một số cuốn từ điển, "địa chí" được định nghĩa là "sách viết về địa dư; phàm là phương vực, sơn xuyên, phong tục, sản vật đều được ghi chép" (Từ nguyên); hay "sách miêu thuật tường tận về địa hình, khí hậu, dân cư, chính trị, sản vật, văn hóa của một nước hay một vùng miền" (Từ hải). CÁC LOẠI "ĐỊA CHÍ" Địa chí (về sau phát triển thành khoa học địa lý hay địa lý học, cách trình bày tuy ít nhiều có khác, nhưng về tính chất thì cơ bản vẫn thống nhất với nhau, vì vậy có thể gọi chung là địa chí) bao gồm nhiều loại: Nếu lấy không gian làm tiêu chí để phân biệt, ta có địa chí thế giới, địa chí châu lục, địa chí khu vực, địa chí quốc gia. Trong phạm vi địa chí quốc gia, lại có thể chia thành địa chí toàn quốc (nhất thống chí) và địa chí địa phương (địa phương chí). Trong địa chí địa phương lại còn có thể chia thành những đơn vị không gian nhỏ hơn nữa như: địa chí một tỉnh (tỉnh chí), địa chí một huyện (huyện chí), địa chí một xã (xã chí), vv. Nếu lấy thời gian làm tiêu chí để phân biệt, ta có địa chí cổ đại, địa chí trung đại và địa chí hiện đại. Địa chí cổ đại chủ yếu tìm hiểu về vị trí, hình dạng, kích cỡ và cách thức miêu thuật các yếu tố địa lý. Địa chí trung đại (cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX) đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ nhân quả giữa các yếu tố địa lý. Còn địa chí hiện đại thì từ chỗ miêu thuật định tính theo trạng thái tĩnh vươn tới phân tích định lượng theo trạng thái động, không ngoài mục đích trên cơ sở nghiên cứu các yếu tố địa lý, từng bước lý giải và tạo lập sự hòa hợp giữa con người và môi trường. Bởi vì vấn đề đang đặt lên hàng "nghị trình" không phải là con người kiểm soát thiên nhiên, mà là thiên nhiên kiểm soát con người, con người phải biết cách "ăn ở" với thiên nhiên và mong được thiên nhiên "phù hộ"! Nếu lấy đối tượng khảo sát làm tiêu chí, ta có địa chí tự nhiên và địa chí nhân văn. Địa chí tự nhiên nghiên cứu đặc điểm, cấu trúc của môi trường địa lý, cùng sự hình thành và diễn biến của các vùng hay tiểu vùng địa lý khác nhau. Địa chí nhân văn, dựa vào lý thuyết tương quan giữa con người và địa bàn cư trú, tìm hiểu sự phân bố,
  11. thay đổi của các hiện tượng nhân văn, cùng ảnh hưởng của chúng đối với hoạt động xã hội của con người. Có thể chia địa chí nhân văn ra làm nhiều mảng để tiếp cận như địa chí kinh tế, địa chí chính trị, địa chí dân cư, địa chí văn hóa xã hội, vv. LƯỢC SỬ ĐỊA CHÍ VIỆT NAM Trên thế giới, lịch sử địa chí được bắt đầu từ rất sớm. Ở phương Đông, môn "địa lý" đã thấy nói tới trong Kinh Dịch: "Ngước lên để xem thiên văn, cúi xuống để xét địa lý" (Hệ từ thượng). Tác phẩm địa chí cổ nhất Trung Quốc là thiên Vũ cống trong sách Thượng Thư được biên soạn vào thời Chiến quốc (475 - 221 trước Công nguyên), và muộn hơn một chút là cuốn Sơn hải kinh. Ở phương Tây, người đầu tiên dùng từ "địa lý học" là nhà địa lý cổ đại Hy Lạp Êratôxtênêt (Eratosthenês) sống vào khoảng cuối thế kỷ III, đầu thế kỷ II trước Công nguyên. Ở Việt Nam, tuy là nước "đất không rộng, người không đông", chúng ta cũng có một lịch sử địa chí đáng ghi nhận. Về địa chí toàn quốc, có các tác phẩm đáng chú ý như Nam Bắc phiên giới địa đồ (1172) hiện đã mất, chưa rõ tác giả; An Nam chí lược (1339) của Lê Trắc; Địa dư chí (1435) của Nguyễn Trãi; Thiên hạ bản đồ (1490) đời Lê Thánh Tông; Kiền khôn nhất lãm (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) của Phạm Đình Hổ, có chép cả địa lý một số nước trong khu vực; Hoàng Việt nhất thống địa dư chí (1806) của Lê Quang Định; Thiên tải nhàn đàm (1810) của Đàm Nghĩa Am; Hoàng Việt địa dư chí (1833) của Phan Huy Chú; Đại Việt địa dư toàn biên (1882) của Nguyễn Văn Siêu; Đại Nam nhất thống chí (1882) của Quốc Sử quán triều Nguyễn; Đồng Khánh địa dư chí (1886 - 1888), gồm địa lý 25 tỉnh từ Cao Bằng đến Bình Thuận (không có các tỉnh vùng Nam Bộ vì hồi này, Nam Bộ đang đặt dưới quyền trực tiếp cai trị của thực dân Pháp), vv. Về địa chí vùng miền, có thể kể các sách Ô Châu cận lục (1555) của Dương Văn An; Hải Đông chí lược (1772) của Ngô Thì Nhậm; Phủ biên tạp lục (1776) của Lê Quý Đôn; Hưng Hóa xứ phong thổ lục (1778) của Hoàng Bình Chính; Cao Bằng lục (thế kỷ XVIII) của Phan Trọng Phiên; Gia Định thành thông chí (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) của Trịnh Hoài Đức; Cao Bằng thực lục (1810) của Nguyễn Hựu Cung; Nghệ An ký (đầu thế kỷ XIX) của Bùi Dương Lịch; Bắc Thành địa dư chí lục (1845) của Lê Chất; Hưng Hóa ký lược (1856) của Phạm Thận Duật; Cao Bằng tạp chí (1920) của Bế Huỳnh, vv. Để có một ý niệm nào đó về các nội dung thường được đề cập trong một tác phẩm địa chí thời trước, ta có thể dẫn ra đây ba trường hợp tương đối tiêu biểu là bộ Đại Nam nhất thống chí do Quốc Sử quán triều Nguyễn chủ trì, cuốn Nghệ An ký do Bùi Dương Lịch biên soạn, và cuốn Cao Bằng tạp chí do Bế Huỳnh phác thảo.
  12. Đại Nam nhất thống chí thuộc loại sách viết về địa lý của một nước, đây là địa lý Việt Nam, gồm 12 tập, 28 quyển. Sách chép riêng từng tỉnh hoặc thành phố theo kiểu Nhất thống chí của nhà Thanh. Cụ thể là: Tập 1 viết về Cao Bằng, Lạng Sơn, Hưng Hóa; Tập 2 viết về Hà Nội, Bắc Ninh; Tập 3 viết về Hưng Yên, Ninh Bình; Tập 4 viết về Hải Dương, Quảng Yên; Tập 5 viết về Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn Tây; Tập 6 viết về Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Tập 7 viết về Quảng Bình, Quảng Trị; Tập 8 viết về Thừa Thiên; Tập 9 viết về Kinh sư (Huế), Quảng Nam, Quảng Ngãi; Tập 10 viết về Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Cao Miên; Tập 11 viết về Gia Định, Định Tường, Hà Tiên; Tập 12 viết về An Giang, Vĩnh Long, Biên Hòa. Có một dị bản còn chép cả Xiêm La, Thủy Xá, Hỏa Xá, Miến Điện, Nam Chưởng và Vạn Tượng. Mỗi tỉnh hoặc thành phố được lần lượt trình bày theo các mục sau đây: 1) Phận dã (vị trí vùng trời, lấy các ngôi sao ổn định làm mốc); 2) Kiến trí diên cách (quá trình lập tỉnh và những thay đổi về địa bàn tỉnh nếu có); 3) Hình thế (tọa độ và địa hình); 4) Khí hậu (thời tiết, lượng mưa, nhiệt độ); 5) Phong tục (thói quen, tục lệ); 6) Thành trì (thành và hào, có bản đồ minh họa); 7) Học hiệu (trường học); 8) Hộ khẩu (số đinh); 9) Điền phú (thuế ruộng); 10) Sơn xuyên (núi sông); 11) Cổ tích (di tích lịch sử - văn hóa); 12) Quan tấn (cửa ải, đồn biển); 13) Thị tập (chợ búa); 14) Tân lương (bến sông, cầu đập); 15) Đê yển (đê điều); 16) Lăng mộ (mồ mả vua chúa); 17) Từ miếu (đền miếu); 18) Tự quán (chùa thờ Phật, quán Đạo giáo); 19) Nhân vật (người có tên tuổi trong lịch sử); 20) Liệt nữ (phụ nữ lừng danh); 21) Tiên thích (đạo sĩ, tăng lữ); 22) Thổ sản (sản vật địa phương); 23) Giang đạo (đường sông); 24) Tân độ (đò ngang, đò dọc). Nghệ An ký thuộc loại sách viết về địa lý vùng miền, đây là tỉnh Nghệ An. Sách gồm 3 quyển, được sắp xếp theo trật tự "tam tài", tức "thiên, địa, nhân" hay "thiên văn, địa lý, nhân sự". Cụ thể là: Thiên chí (Quyển 1), gồm 2 mục: 1) Thiên dã (vị trí vùng trời, lấy sao làm điểm mốc); 2) Thiên khí (khí hậu). Địa chí (Quyển 2), gồm 4 mục: 1) Cương vực (bờ cõi và vấn đề diên cách); 2) Điều lý (mạch đất, vùng thấp, vùng cao); 3) Sơn (núi); 4) Thủy (sông ngòi, hồ, đầm, khơi). Nhân chí (Quyển 3), gồm 3 mục: 1) Khí chất (thể trọng, tính cách);2) Sinh lý (đời sống vật chất); 3) Nhân vật (người danh tiếng, trong đó có đế vương, văn nhân, võ tướng ). Cao Bằng tạp chí cũng thuộc loại sách viết về địa lý vùng miền, đây là tỉnh Cao Bằng. Sách cũng gồm 3 quyển, nhưng lại được sắp xếp theo trật tự "tam quang", tức "nhật, nguyệt, tinh". Cụ thể là: Nhật (Quyển 1), gồm 4 mục: 1) Địa danh nguyên thủy dĩ cập canh trương (nguồn gốc địa danh và việc thay đổi qua các thời kỳ lịch sử); 2) Tỉnh hạt danh sơn (núi có tiếng trong tỉnh); 3) Tỉnh hạt đại xuyên (sông lớn trong tỉnh); 4) Tỉnh hạt danh nham (hang động có tiếng trong tỉnh). Nguyệt (Quyển 2), gồm 3 mục: 1) Tiền chiến kỷ (các trận đánh thời trước); 2) Bản triều chiến kỷ
  13. (các trận đánh vào triều Nguyễn); 3) Quý bảo hộ thời kỳ chiến kỷ (các trận đánh dưới thời Pháp thuộc). Tinh (Quyển 3), gồm 6 mục: 1) Thần từ cổ tích (đền thờ các vị thần); 2) Nhân vật lục (sự tích các nhân vật có tên tuổi trong lịch sử); 3) Dị đoan lục (các tục lệ mê tín dị đoan như phù thủy, đạo sư, đồng bóng); 4) Kỹ nghệ thổ sản (các nghề thủ công và sản vật địa phương); 5) Giải độc chỉ nam (cách cứu chữa người bị trúng độc); 6) Chủng loại nguyên nhân (nguồn gốc các dân tộc thiểu số như người Thổ, người Nùng, người Ngạn, người Mường Hạo, người Mán Tiền, người Mán Cóc, người Mèo Đăm cùng nghề nghiệp, tôn giáo, tín ngưỡng, nhà ở, trang phục, cách ăn uống, cưới xin, ma chay, giao tiếp, tết nhất, mừng thọ, mừng sinh nhật, cúng giỗ, bệnh tật của họ). Tiếp sang thời Pháp thuộc và thời kỳ hiện đại, nhiều công trình địa chí các địa phương trong nước lần lượt được nghiên cứu, biên soạn. Điều đáng chú ý là đến nay, vẫn không có hình mẫu chung nào cho toàn bộ các công trình địa chí, bởi sự khác nhau về quan niệm và đặc thù riêng của từng địa phương. Từ các kiến giải mang tính chất nền tảng trên đây, ta có thể đi vào những vấn đề bao quát của "Địa chí Quảng Ngãi". NGUỒN TƯ LIỆU ĐỂ VIẾT "ĐỊA CHÍ QUẢNG NGÃI" Tư liệu để viết "Địa chí Quảng Ngãi" gồm hai nguồn chính là nguồn tư liệu thành văn và nguồn tư liệu điền dã. NGUỒN TƯ LIỆU THÀNH VĂN Không đợi đến bây giờ, mà ngay từ những năm ba mươi của thế kỷ XX đã xuất hiện những công trình địa chí nghiêm túc dành riêng cho tỉnh Quảng Ngãi, như Quảng Ngãi tỉnh chí của Nguyễn Bá Trác và Nguyễn Đình Chi đăng trên tạp chí Nam phong năm 1933; Địa dư tỉnh Quảng Ngãi của Nguyễn Đóa và Nguyễn Đạt Nhơn, Huế - 1939; Địa phương chí Quảng Ngãi do chính quyền Sài Gòn soạn thảo vào năm 1968, vv. Gần đây, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Ngãi lại cho ra mắt bạn đọc cuốn Quảng Ngãi - đất nước, con người, văn hóa do Bùi Hồng Nhân chủ biên, Quảng Ngãi - 2001, cũng là một tác phẩm địa - văn hóa biên soạn công phu. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu hiểu biết về đồng đất - con người Quảng Ngãi một cách có hệ thống, với tầm độ vừa rộng lại vừa sâu, nhất là tình hình tỉnh Quảng Ngãi từ thế kỷ XIX trở về trước, cần có những nỗ lực mới theo hướng bổ sung, nâng cấp những gì đã biết về địa chí Quảng Ngãi. Muốn thế, phải có thêm tư liệu, nhất là loại tư liệu gốc, tức nguồn thông tin cấp I. Về phương diện này, ngoài những thông tin cập
  14. nhật do các ngành khảo cổ học, địa chất học, thủy văn học, dân tộc học cung cấp, ta rất cần đến sự trợ giúp của kho sách Hán Nôm do cha ông để lại. Có thể chia số thư tịch Hán Nôm liên quan đến việc biên soạn địa chí Quảng Ngãi mà chúng ta hiện biết ra làm ba loại chính sau đây: Bản đồ (gồm địa đồ, lộ đồ, hải đồ và bản đồ tổng hợp) Về địa đồ, có các sách liên quan đến Quảng Ngãi như: An Nam hình thắng đồ A.3034(*) (đời Lê); An Nam quốc Trung đô tính thập tam thừa tuyên hình thế A.2531 (đời Lê); Hồng Đức bản đồ VHt.41 và A.2499 (đời Lê); Càn khôn nhất lãm A.414 (đời Lê); Thiên hạ bản đồ A.2628 (đời Lê); Thiên hạ bản đồ tổng mục lục đại toàn A.1362 (đời Lê); Bản quốc dư địa đồ lược A.2584 (đời Nguyễn); Bản quốc dư đồ A.1106 (đời Nguyễn); Bản quốc dư đồ bị lãm A.2026 (đời Nguyễn); Đại Nam nhất thống dư đồ A.3142 (đời Nguyễn); Đại Nam toàn đồ A.2959 (đời Nguyễn); Địa đồ A.589 (đời Nguyễn); Nam Bắc Kỳ hội đồ A.95 (đời Nguyễn). Về lộ đồ (bản đồ đường bộ) và hải đồ (bản đồ đường biển), có các sách liên quan đến Quảng Ngãi như: Thiên Nam lộ đồ A.1081 (đời Lê); Toàn tập Thiên Nam địa đồ A.1174 (đời Lê); Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư A.73 (đời Lê); An Nam thông quốc bản đồ VHv.1358.2 (đời Lê). Riêng bản đồ tổng hợp (gồm cả địa đồ, lộ đồ, hải đồ), có Giao Châu dư địa chí VHt.30 (đời Lê) và Địa chí A.343 (đời Nguyễn). Trong các bản đồ trên, vùng đất thuộc địa bàn Quảng Ngãi ngày nay thường xuất hiện dưới các tên gọi như "Chiêm Lũy", "Cổ Lũy" (động), "Tư" (châu) và "Nghĩa" (châu), "Tư Nghĩa" (phủ); "Quảng Nghĩa" hay "Quảng Ngãi" (phủ, dinh, trấn, tỉnh). Về mặt hành chính, vùng đất này lần lượt nằm dưới sự quản lý của các vua Hùng, tiếp đến là Chămpa (Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành), và cuối cùng là Việt Nam (Đại Việt). Địa chí (gồm tỉnh chí, xã chí ) Liên quan đến Quảng Ngãi ở cấp tỉnh, có các sách như: Dư địa chí của Nguyễn Trãi trong bộ Ức Trai di tập VHv.1772.2,3 (đời Lê); Đại Việt sử ký toàn thư A.3.1-4 (đời Lê); Phủ biên tạp lục VHv.1737.1-2 (đời Lê); Đại Nam nhất thống chí A.69.1-12 (do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn vào thời Tự Đức; ở Tập 9 có chép về Quảng Ngãi); Đại Nam nhất thống chí A.853.1-8 (do Cao Xuân Dục làm Tổng tài, in năm 1910; ở Quyển 6 có chép về Quảng Ngãi); Đồng Khánh dư địa chí A.537.1-24 (do Quốc Sử quán triều Nguyễn biên soạn; ở Tập 16 có chép về Quảng Ngãi); Hoàn vũ kỷ văn A.585 (đời Nguyễn); Nam dư yếu lược A.1518 (đời Nguyễn); Nam quốc địa dư VHv.2742 (đời Nguyễn); Nam quốc dư địa chí lược VHv.1723 (đời Nguyễn); Nam Việt địa dư trích lục A.2139 (đời Nguyễn); Phủ man tạp lục VHv.1239 (đời Nguyễn);
  15. Quảng Thuận đạo sử tập VHv.1375 (đời Nguyễn); Tàng thư lâu bạ tịch A.968 (đời Nguyễn); Thành bảo lược sao A.2746 (đời Nguyễn); Trung Kỳ dư địa chí lược sao A.2516 (đời Nguyễn). Liên quan đến Quảng Ngãi ở cấp xã, có Xã chí Quảng Ngãi AJ.24. Đây là các bản điều tra, khảo sát trên thực địa Quảng Ngãi vào những năm 1943, 1944 theo 11 đề mục cho sẵn: Bia (Stèle); Thần sắc (Brevets de Génie); Thần tích (Légendes écrites); Cổ chỉ (Archives); Tục lệ (Coutumes écrites); Đình (Description du Đình); Tượng và tự khí (Description des objects de culte); Hội (Date des fêtes); Cổ tích (Vestiges antiques); Quan lộ (Route d'accès); Thổ sản và nghề nghiệp (Production et profession des habitants du village). Ngoài ra, còn có cuốn Quảng Ngãi tỉnh tập biên A.3126, sao chép lại các bản thần sắc, sắc phong, chiếu, biểu, câu đối, hoành phi ở các đền và giấy tờ, công văn của một số xã như Phú Nhơn, Mỹ Khê thuộc phủ Sơn Tịnh cũ; Tiên Sai, Thi Phổ thuộc phủ Tư Nghĩa cũ; Thạch Trụ thuộc phủ Mộ Đức cũ, tỉnh Quảng Ngãi. Tác giả, tác phẩm Trước hết là những tác giả, tác phẩm có nguồn gốc từ Quảng Ngãi được chép trong kho sách Hán Nôm: Bùi Phụ Cát (? - ?): người xã Thu Phố, huyện Chương Nghĩa cũ, tỉnh Quảng Ngãi, một danh sĩ triều Nguyễn. Tác phẩm có Sớ bẩm văn sao VHb.75, gồm 6 bài sớ, trình bày những kiến nghị về đường lối chính sách trị nước. Nguyễn Bá Nghi (1807 - ?): tự Sư Phần, người xã Lạc Phố, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đỗ Phó bảng năm Minh Mạng 13 (1832), làm Tổng đốc. Tác phẩm có Sư Phần thi văn tập VHv.99. Nguyễn Tấn (? - ?): tự Tử Vân, hiệu Ôn Khê, người xã Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, đỗ Cử nhân năm Thiệu Trị 3 (1843), làm Tham tri kiêm Tĩnh man Tiễu phủ sứ. Tác phẩm có Phủ man tạp lục VHv.1239. Quốc sư Nghiễm (? - ?): tên là Nghiễm, chưa rõ họ gì, làm Quốc sư, người xã Sung Tích, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tác phẩm có bài văn tứ lục nhan đề Thánh triều hỉ Đường Ngu lạc Thương Chu, hiện in trong Ứng chế tứ lục tuyển A.1456. Trần Công Hiến (? - 1817): tước Ân Quang Hầu, người huyện Chương Nghĩa cũ, tỉnh Quảng Ngãi, làm Tổng nhung cai cơ, trấn thủ Hải Dương. Tác phẩm được chép trong nhiều sách như Hải Dương phong vật chí A.882; Danh thi hợp tuyển A.212; Danh văn tinh tuyển A.1702; Danh phú hợp tuyển A.2802.1-2, vv. Hiện nay ở thôn Đôn Thư, xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương còn có đền thờ Trần Công Hiến. Trương Đăng Quế (1793 - 1865): tự Diên Phương, hiệu Đoan Trai, biệt hiệu Quảng Khê, tước Tuy Thịnh Quận công, người xã Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng
  16. Ngãi, đậu Cử nhân năm Gia Long 18 (1819), làm Phụ chính đại thần. Tác phẩm có Quảng Khê văn tập A.3045; Trương Quảng Khê văn tập VHv.1142; Trương Quảng Khê tiên sinh thi tập A.777; Sứ trình vạn lý tập A.2769; Duyệt Giáp Thìn khoa điện thí văn VHv.78; Phê bình cuốn Diệu Liên thi tập VHv.685; Nhật Bản kiến văn tiểu lục A.1164. Ông còn tham gia chủ trì hoặc biên tập các bộ sách như Đại Nam liệt truyện tiền biên VHv.1320.1-4; Đại Nam thực lục chính biên A.2772.1-67; Hoàng Nguyễn thực lục tiền biên VHv.140; Hoàng Nguyễn thực lục hậu chính biên VHv.141, vv. Trương Quang Đản (? - ?): tự Tử Minh, hiệu Cúc Khê (hoặc Cúc Viên), người xã Mỹ Khê, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, đỗ Tú tài thời Tự Đức, làm quan đến Đông các Đại học sĩ. Tác phẩm có Trương Cúc Khê thủ chuyết lục VHv.240; Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ, đệ ngũ kỷ A.27. Vũ Văn Tiêu (? - ?): người Quảng Ngãi, có dâng cho vua Minh Mạng cuốn Cố sự biên lục (theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim). Nhiều tác giả: Quảng Ngãi tỉnh nữ học trường, gồm một số bài cáo thị, đáp từ và bài ca nhân dịp mở trường Nữ tiểu học ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngoài ra còn có những tác phẩm của người nơi khác viết về Quảng Ngãi từng được kho sách Hán Nôm giới thiệu, như: Quảng cư ký ngôn, trong sách Nguyễn Hoàng Trung thi sao A.2274, có chép nhiều bài thơ do Nguyễn Hoàng Trung (? - ?), chưa rõ người ở đâu, sáng tác khi ông dạy học ở Quảng Ngãi. Quảng Nghĩa tỉnh tạ ngự chế thi biểu của Lê Nguyên Trung, người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, tỉnh Hải Dương, đỗ Cử nhân năm Thành Thái 18 (1906), hiện chép trong Bi ký biểu văn tạp lục A.1470. Quá Tư Nghĩa cựu hạt của Đặng Văn Kham (? - ?), chưa rõ người ở đâu, hiện chép trong Hy Trương văn tập A.1276. Quảng Nghĩa thập vịnh, gồm 10 bài thơ vịnh về phong cảnh ở Quảng Ngãi như Thiên Bút hoành vân, Long Đầu hí thủy, An Hải sa bàn, La Hà thạch trận của Trần Huy Tích (1828 - ?), biệt hiệu Quán Sơn Cư Sĩ, người phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương, nay là vùng phố Mã Mây, Hà Nội, đỗ Tiến sĩ năm Tự Đức 4 (1851), được bổ Đốc học Hải Dương, sau xin từ chức để ngao du đây đó. Các bài thơ trên hiện chép trong Quán Sơn thi thảo A.1216. Ký đề Quảng Ngãi thắng tích nhị thủ do Nguyễn Miên Trinh (1820 - 1897), tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, biệt hiệu Vi Dã, tước Tuy Quận công, là con thứ 11 của vua Minh Mạng sáng tác, hiện in trong Tuy Quốc công thi tập VHv.35.
  17. Bên cạnh các tư liệu chữ Hán, nguồn tư liệu Pháp ngữ và chữ Quốc ngữ cũng hết sức quan trọng. Tư liệu Pháp ngữ chủ yếu xuất hiện trong thời Pháp thuộc, gồm các tư liệu do người Pháp biên soạn. Tiêu biểu như: A.Laborde với Province de Quảng Ngãi (Tỉnh Quảng Ngãi) gồm tư liệu tổng hợp nhiều mặt về tỉnh Quảng Ngãi. Borel với Notes sur les Norias de la Province de Quảng Ngãi (Ghi chép về các guồng xe nước ở tỉnh Quảng Ngãi), đăng trên tạp chí Kinh tế Đông Dương (B.E.I.C) năm 1906. P. Guilleminet với Une industrie Annamite: Les Norias du Quảng Ngãi (Một ngành công nghiệp An Nam: Các guồng xe nước ở Quảng Ngãi), 1926. H. Haguet với bài viết về dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi đăng trên tạp chí Đông Dương 1905; Borier viết về trồng và buôn bán quế ở Trung Bộ; Phó Đức Thành viết về đề tài tương tự (B.E.I.C, 1936), vv. Đó chỉ mới là một số trong khá nhiều tư liệu Pháp ngữ, kể cả các văn bản hành chính, vẫn còn lưu giữ được. Về tư liệu Quốc ngữ từ đầu thế kỷ đến nay hết sức phong phú, nhất là các sách, báo xuất bản từ thời Pháp thuộc mãi đến sau 1975, đã được thể hiện khá đầy đủ, cụ thể trong các chương và phần danh mục tài liệu tham khảo ở cuối công trình này, chúng tôi xin khỏi phải nhắc lại. NGUỒN TƯ LIỆU ĐIỀN DÃ Một nguồn tư liệu cũng không kém phần quan trọng so với tư liệu thành văn là các tư liệu điền dã. Những người thực hiện công trình này đã chú trọng đúng mức đến các tư liệu điền dã, đã đến các địa phương trong tỉnh để sưu tầm các tư liệu tại chỗ để có dịp bổ sung, phối kiểm, giúp công trình thêm đầy đủ, phù hợp, sát đúng. Tóm lại, công trình này dùng nhiều tư liệu khác nhau từ hai nguồn thư tịch thành văn và điền dã. Biên soạn một công trình địa chí, thì nguồn tư liệu sẽ có vai trò quan trọng đặc biệt, góp phần quyết định chất lượng công trình. ĐẶC ĐIỂM SÁCH "ĐỊA CHÍ QUẢNG NGÃI" Tập sách "Địa chí Quảng Ngãi" do chúng tôi biên soạn có một số điểm đáng chú ý như sau:
  18. Về mặt không gian địa lý, như tiêu đề sách đã xác định, bao gồm những ghi chép liên quan đến vùng đất thuộc địa bàn Quảng Ngãi ngày nay. Vùng đất này qua sự diễn tiến của lịch sử, từng mang các tên gọi khác nhau như "Chiêm Lũy", "Cổ Lũy" (động), "Tư" (châu) và "Nghĩa" (châu), "Tư Nghĩa" (phủ), "Hòa Nghĩa" (phủ), "Quảng Nghĩa" hay "Quảng Ngãi" (phủ, dinh, trấn, tỉnh) như trên kia đã thấy. Về mặt thời gian và chủ thể địa lý, sách chia lịch sử vùng đất Quảng Ngãi ra làm ba thời đại lớn, tương ứng với ba giai đoạn phát triển chính yếu của xã hội loài người là thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng và thời đại đồ sắt để tiến hành khảo sát. Cụ thể là: Quảng Ngãi trong thời đại đồ đá: được chứng thực bởi các di vật khảo cổ tìm thấy ở các di chỉ Gò Trá (xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh) và di chỉ Gò Vàng ( xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà), có niên đại cách đây khoảng 14 đến 15 vạn năm. Quảng Ngãi trong thời đại đồ đồng: được xác nhận qua các di vật khảo cổ tìm thấy ở di chỉ Long Thạnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), di chỉ Bình Châu I (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và Bình Châu II (thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) và di chỉ Sa Huỳnh (đông nam huyện Đức Phổ). Di chỉ Long Thạnh thuộc sơ kỳ đồng thau, có niên đại xác định 1430 ± 60 năm trước Công nguyên, tức cách đây khoảng 3500 năm. Di chỉ Bình Châu thuộc trung kỳ đồng thau, có niên đại cách đây khoảng 3000 năm. Di chỉ Sa Huỳnh xuyên suốt từ sơ kỳ đồng thau đến sơ kỳ sắt sớm và đến thời đại đồ sắt. Tuy nhiên, do mức độ tư liệu thu thập được, công trình tập trung chính vào thời kỳ lịch sử cổ - trung đại trở về sau, cụ thể với Quảng Ngãi gồm 4 thời kỳ chính như sau: Quảng Ngãi dưới thời Vương quốc Chămpa (Lâm Ấp - Hoàn Vương - Chiêm Thành), tức từ cuối thế kỷ II đến năm 1471. Thời kỳ này chủ yếu căn cứ vào các di vật - di tích khảo cổ và chủ yếu xét về phương diện văn hóa. Quảng Ngãi sau khi trở thành một bộ phận của Đại Việt (Việt Nam sau này), từ 1471 cho đến năm 1884 - tức đất Quảng Ngãi nằm dưới chính quyền phong kiến Đại Việt dưới các triều đại khác nhau trong thời kỳ độc lập. Quảng Ngãi dưới thời Pháp thuộc (1885 - 1945), nói cụ thể là từ khi ách đô hộ của thực dân Pháp đặt đến Quảng Ngãi dưới hình thức chế độ bảo hộ đối với Trung Kỳ đến Cách mạng tháng Tám 1945. Quảng Ngãi dưới chính thể Dân chủ cộng hòa Việt Nam (1945 - 1975) và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ 1975 trở đi), trong đó có khoảng 20 năm do chính quyền Sài Gòn quản lý (1954 - 1975).
  19. Tất nhiên, cách phân đoạn như trên chỉ dùng cho kết cấu chung nhất; trong những trường hợp cụ thể, việc phân đoạn có thể linh hoạt ít nhiều. Về mặt thể cách, sách không viết theo kiểu một cuốn địa chí cổ hay một tác phẩm địa lý học hiện đại, vì một đằng thì dễ rơi vào tình trạng sơ lược, chung chung, còn một đằng thì đòi hỏi phải chuyên sâu, quy chuẩn, cả hai đều tỏ ra không phù hợp với đối tượng độc giả mà cuốn sách nhắm đến. Để cho người bình thường có thể đọc được, mà các nhà chuyên môn, kể cả những người làm công tác quản lý cũng cảm thấy hữu ích, không thể bỏ qua, chúng tôi dùng cách viết dung hợp kim cổ, chia sẻ những mặt thành công của các sách địa chí xưa và nay. Nếu nói ở "Địa chí Quảng Ngãi" có sự giao hòa giữa địa chí truyền thống và địa lý học hiện đại thì cũng được. "Địa chí Quảng Ngãi" cũng không trình bày theo kiểu đoạn đại hay đồng đại, vì như vậy, e sách sẽ mất cân đối. Có một thực tế là, trong khi mảng "địa lý tiền sử" (thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng) của Quảng Ngãi hầu như không có tư liệu gì để viết ngoài một số ít di vật do khảo cổ học cung cấp, thì mảng còn lại, tức giai đoạn cư dân Quảng Ngãi từ giã "cuộc sống nguyên thủy" để bước vào "cuộc sống văn minh" (thời đại đồ sắt), văn hiến lại khá dồi dào! Cách viết lịch đại, hay đúng hơn là dung hợp và lịch đại, do vậy đã được chúng tôi lựa chọn để biên soạn sách "Địa chí Quảng Ngãi". KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG SÁCH "ĐỊA CHÍ QUẢNG NGÃI" Sách "Địa chí Quảng Ngãi" gồm 5 phần chính sau đây: 1. Địa lý hành chính, tự nhiên và dân cư Phần này được trình bày qua 6 chương đầu của cuốn sách: Chương I viết về địa lý hành chính và địa lý lịch sử của Quảng Ngãi; Chương II viết về địa hình tỉnh Quảng Ngãi; Chương III viết về địa chất, khoáng sản và thổ nhưỡng; Chương IV viết về khí hậu và thủy văn; Chương V viết về động vật và thực vật; Chương VI viết về tình hình dân cư và dân tộc ở Quảng Ngãi. Cách bố trí các chương như vậy, mới nhìn qua có vẻ lủng củng: chương I và VI là thuộc về địa lý nhân văn, trong khi các chương II, III, IV và V lại thuộc về địa lý tự nhiên. Thật ra ở đây có dụng ý của người biên soạn: cung ứng trước cho bạn đọc và cả cho bản thân cuốn sách các tên gọi "địa danh hành chính" và "chủ thể địa lý" để dễ dàng tiếp cận với các phần, các chương còn lại của cuốn sách mà bạn đọc đang cầm trên tay, nghĩa là vẫn có chỗ hợp lý của nó. Đặc biệt nếu muốn biết cụ thể về vị trí, giới cận, diện tích của Quảng Ngãi, ta có thể tìm đọc ở Chương I: "Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, có tọa độ địa lý 14°32´ - 15°25´ vĩ Bắc, 108°06´ - 109°04´ kinh Đông; phía bắc giáp tỉnh Quảng Nam trên ranh giới các huyện Bình Sơn, Trà Bồng và Tây Trà; phía nam giáp tỉnh Bình Định trên ranh giới các huyện Đức Phổ, Ba Tơ; phía tây, tây bắc giáp tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum trên ranh giới các huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây
  20. và Ba Tơ; phía tây nam giáp tỉnh Gia Lai trên ranh giới huyện Ba Tơ; phía đông giáp Biển Đông, có đường bờ biển dài 130km với 5 cửa biển chính là Sa Cần, Sa Kỳ, cửa Đại, Mỹ Á và Sa Huỳnh". "Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.131,5km2, bằng 1,7% diện tích tự nhiên cả nước, bao gồm 14 huyện, thành phố, trong đó có 1 thành phố, 6 huyện đồng bằng ven biển, 6 huyện miền núi và 1 huyện đảo". 2. Truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Phần này viết về địa - chính trị, chủ yếu trình bày truyền thống yêu nước và cách mạng của cư dân Quảng Ngãi qua các giai đoạn lịch sử, gồm cả thảy 5 chương, từ Chương VII đến Chương XI của cuốn sách. Các giai đoạn lịch sử được nêu lên để khảo sát là từ sơ sử đến 1885 (Chương VII); từ 1885 đến 1945 (Chương VIII); từ 1945 đến 1975 (Chương IX); từ 1975 đến 2005 (Chương X). Qua các chương vừa kể, ta khả dĩ hình dung được truyền thống kiến tạo và bảo vệ quê hương của cư dân Quảng Ngãi suốt từ quá khứ xa xăm cho đến thời kỳ hiện đại; trong đó, nổi bật lên là tinh thần tích cực tham gia phong trào Cần vương, phong trào Duy tân, phong trào xin xâu khất thuế, sự ra đời của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, những đóng góp không nhỏ của nhân dân Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954 và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975. Chương XI, chương cuối cùng của phần II, dành để giới thiệu tiểu sử các nhân vật lịch sử tiêu biểu của đất Quảng Ngãi. 3. Kinh tế Phần này viết về địa - kinh tế, gồm cả thảy 9 chương, từ Chương XII đến Chương XX của cuốn sách. Tiến trình phát triển kinh tế Quảng Ngãi với các ngành như nông nghiệp và thủy lợi (Chương XII), lâm nghiệp (Chương XIII), ngư nghiệp (Chương XIV), công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (Chương XV), thương mại, dịch vụ và du lịch (Chương XVI), tài chính, tiền tệ và ngân hàng (Chương XVII), giao thông - vận tải (Chương XVIII), bưu điện (Chương XIX), điện lực (Chương XX) đều được giới thiệu khá kỹ ở đây. Về nông nghiệp và thủy lợi, có tình hình khai khẩn đất đai và cày cấy trồng trọt dưới thời Vương quốc Chămpa cũng như dưới thời các chúa Nguyễn; tình hình ruộng đất, chiếm hữu ruộng đất và trồng trọt, chăn nuôi vào thời Pháp thuộc; các phong trào cải cách nông nghiệp, điều chỉnh ruộng đất cho dân nghèo, hợp tác hóa nông nghiệp từ năm 1945 đến năm 2005; đặc điểm các con sông và thời tiết, khí hậu ở Quảng Ngãi, vv.
  21. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận về nông nghiệp: Ở thời điểm 1975, nông nghiệp Quảng Ngãi còn trong tình trạng sản xuất tự túc, tự cấp, lương thực làm ra không đáp ứng được nhu cầu của dân, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất quá yếu kém. Sau một quá trình nỗ lực phấn đấu, nông nghiệp Quảng Ngãi đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, được thể hiện qua một số mặt như: tốc độ phát triển của ngành luôn đạt ở mức cao và ổn định; cơ cấu kinh tế ngành bước đầu đã có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa; sản xuất lương thực đủ đáp ứng nhu cầu người dân trên địa bàn; nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt đã được đưa vào sản xuất ngày càng phổ biến, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh ngày càng được hoàn thiện, đời sống của người nông dân từng bước được nâng cao. Bên cạnh những thành tựu vừa nêu, sản xuất nông nghiệp Quảng Ngãi vẫn còn những mặt yếu: cơ cấu kinh tế nông nghiệp tuy có chuyển dịch nhưng còn chậm và chưa rõ nét; tỷ trọng chăn nuôi còn thấp so với trồng trọt; tỷ trọng cây lương thực vẫn còn cao so với các loại cây trồng khác; vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến phát triển chưa ổn định; đời sống của một bộ phận nông dân còn khó khăn, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi. Và đây là những giải pháp tích cực để khai thác tốt tiềm năng của hệ thống các công trình thủy lợi ở Quảng Ngãi đến năm 2010: Tiến hành đầu tư xây dựng hồ chứa nước Nước Trong để điều tiết nước cho hệ thống thủy lợi Thạch Nham và cung cấp nước cho các khu công nghiệp, đặc biệt là Khu kinh tế Dung Quất. Tiến hành nạo vét 5 trục tiêu nước chính là sông Gò Mã, sông Cái Bứa, sông La Hà, kênh Tứ Đức, sông Thoa với tổng chiều dài 15.300m để tiêu úng, thoát lũ cho cây trồng và các khu dân cư. Về lâm nghiệp từ năm 1954 trở về trước, sách cung cấp cho ta các thông tin liên quan đến hệ thực vật, động vật rừng. Còn giai đoạn từ năm 1976 trở về sau, sách đi sâu vào các mặt như tổ chức sản xuất lâm nghiệp, kế hoạch phát triển lâm sinh, việc khai thác lâm sản, tiềm năng và triển vọng phát triển lâm nghiệp Quảng Ngãi trong thời gian tới. Về ngư nghiệp, sách trước hết cho thấy điều kiện địa lý, địa hình liên quan đến việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản như vùng biển, bờ biển và hải đảo, vùng cửa sông và ven biển, sông suối hồ ao nước ngọt. Tiếp đó là các ngư trường và nguồn lợi thủy sản biển, nguồn lợi thủy sản nước lợ, nguồn lợi thủy sản nước ngọt. Và sau cùng là các lĩnh vực thuộc ngành kinh tế thủy sản Quảng Ngãi hiện nay: đánh bắt thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ hậu cần nghề cá. Ở đây còn có những thông tin thú vị về hoạt động của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải liên quan đến ngư dân Quảng Ngãi dưới thời các chúa Nguyễn. Hồi bấy giờ, theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tạp lục, Hoàng Sa lệ thuộc vào sự cai quản của phủ Quảng Nghĩa. Hàng năm, chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa gồm 70 người, là các dân binh lấy từ ngư dân hai xã An Hải và An Vĩnh thuộc huyện Bình Sơn (nay An Hải thuộc huyện Bình Sơn, An Vĩnh thuộc huyện Sơn Tịnh), sau đó là người phường
  22. An Hải và phường An Vĩnh thuộc đảo Lý Sơn (cù lao Ré) đi thuyền đến Hoàng Sa để tuần phòng và khai thác đồi mồi, ba ba, hải sâm, san hô, đôi khi họ còn nhặt được cả báu vật nữa. "Từ tháng giêng, họ đi nhận quyết định cử làm sai dịch và bắt đầu xuất phát. Mỗi người được cấp 6 tháng lương. Họ chèo 5 chiếc thuyền câu nhỏ, sau ba ngày ba đêm thì đến đảo. Họ tha hồ lượm nhặt các thứ đồ vật và bắt chim bắt cá để làm thức ăn. Họ nhặt được các đồ vật như gươm và ngựa đúc bằng đồng, hoa bạc, tiền bạc, vòng bạc, đồ đồng, thiếc khối, chì đen, súng ống, ngà voi, sáp ong vàng, đồ len dạ, đồ sứ Họ còn nhặt được vỏ đồi mồi, hải sâm và vô số vỏ ốc vằn. Đến tháng tám thì đội Hoàng Sa ấy mới về. Họ đến thành Phú Xuân trình nộp các thứ đồ lấy được. Người ta cân, kiểm tra, phân loại và biên nhận các đồ vật, riêng khoản ốc vằn, ba ba, hải sâm thì cho phép đội được tự ý đem bán lấy tiền" (Phủ biên tạp lục, Quyển 2). Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, sách cũng đã giới thiệu một cách tỉ mỉ. Tiểu thủ công nghiệp Quảng Ngãi có nghề làm đường mía, nghề nấu đường phèn, nghề làm đường phổi, nghề làm kẹo gương, nghề làm mật nha, hầu hết đều là đặc sản địa phương (theo Phủ biên tạp lục thì ở xã Ái Tử thuộc huyện Hương Trà cũng biết làm đường phèn, ở Điện Bàn cũng biết làm đường phổi, nhưng không nổi tiếng bằng Quảng Ngãi). Ngoài ra còn có nghề gốm, nghề dệt chiếu, nghề đúc đồng, nghề chế tác sừng, nghề rèn, nghề làm mắm, nghề đan lát, nghề dệt thổ cẩm mà các tỉnh khác cũng có. Công nghiệp Quảng Ngãi có những ngành chủ yếu như chế biến thực phẩm và đồ uống, khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng, công nghiệp hóa chất, công nghiệp cơ khí và điện tử, tin học. Đặc biệt là ba khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh: Khu công nghiệp Tịnh Phong sản xuất vật tư, vật liệu xây dựng; Khu công nghiệp Quảng Phú chế biến nông lâm thủy sản; và Khu công nghiệp Dung Quất mà tầm cỡ và tính chất của nó được phản ánh qua đoạn viết sau đây: Khu công nghiệp Dung Quất (nay là Khu kinh tế Dung Quất) "là khu công nghiệp lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước, tập trung nhiều ngành công nghiệp có quy mô lớn, gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất và sân bay quốc tế Chu Lai ( )". Khu công nghiệp Dung Quất có "tổng diện tích là 14.000ha, trải dài từ mũi Kỳ Hà đến phía nam sân bay Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam với diện tích 3.700ha, phần còn lại từ phía nam sân bay Chu Lai đến Đô thị Vạn Tường thuộc địa phận Quảng Ngãi với diện tích 10.300ha. Khu Công nghiệp Dung Quất là một khu công nghiệp lớn, được quy hoạch bao gồm hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường giao thông, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc, sân bay Chu Lai, cảng biển nước sâu Dung Quất và thành phố Vạn Tường. Ngoài ra, còn có nhiều cụm công nghiệp: công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nặng (lọc dầu, đóng sửa tàu biển, luyện cán thép), công nghiệp hóa dầu, hóa chất, công nghiệp cơ khí sửa chữa lắp ráp, kho dầu, kho bãi, sản xuất vật liệu xây dựng".
  23. Về thương mại, dịch vụ và du lịch Quảng Ngãi qua các thời kỳ lịch sử, sách cho thấy tuy có nhiều tiềm lực, nhưng nhìn chung, đây chưa phải là mặt mạnh của tỉnh nhà. Về tài chính, tiền tệ, ngân hàng, sách điểm qua tình hình tài chính, tiền tệ ở xứ "Đàng Trong" dưới thời các chúa Nguyễn; tài chính, tiền tệ dưới thời Tây Sơn; tài chính, tiền tệ dưới thời nhà Nguyễn; tài chính, tiền tệ, ngân hàng dưới thời Pháp thuộc; và đặc biệt là tình hình tài chính, tiền tệ, ngân hàng Quảng Ngãi từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay. Về giao thông - vận tải, sách giới thiệu tình hình cụ thể trong thời phong kiến, thời Pháp thuộc, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, và đặc biệt là các hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy của Quảng Ngãi từ năm 1975 đến nay. Nhìn chung, giao thông - vận tải ở Quảng Ngãi ngày càng gắn chặt, có tính tương hỗ và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Quảng Ngãi. Sự phát triển của giao thông - vận tải là một trong những sự phản ánh trung thực nhất của kinh tế, đồng thời nó cũng mở đường cho phát triển kinh tế, nhất là trong thời kỳ hiện đại. Xét ở các lĩnh vực liên quan, thì giao thông - vận tải hầu như đều có mối quan hệ chặt chẽ, như với công - nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng Đặc biệt đối với Quảng Ngãi là tỉnh vốn xuất phát từ nền kinh tế thấp kém, sự phát triển về giao thông - vận tải càng mang một ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế nói chung. Yếu tố xã hội cũng là một phần quan trọng trong sự phát triển giao thông - vận tải xưa nay, với ý nghĩa là phát triển giao thông - vận tải không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn là giải quyết các nhu cầu xã hội ngoài kinh tế, nhưng luôn bao hàm yếu tố tăng cường nội lực để phát triển. Về bưu điện, sách phác họa tinh hình thông tin liên lạc ở Quảng Ngãi dưới thời phong kiến và thời Pháp thuộc, đặc biệt là việc thông tin liên lạc bí mật phục vụ cho công tác Đảng trong giai đoạn 1930 - 1945, cũng như thông tin liên lạc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ năm 1975 đến nay, ngành bưu điện Quảng Ngãi đã có những tiến bộ vượt bậc và đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Đặc biệt trong 30 năm sau ngày giải phóng, bưu điện Quảng Ngãi không ngừng phát triển và đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý: được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhiều lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều năm liền được nhận cờ thi đua của Bộ Bưu chính Viễn thông, cờ Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh. Về điện lực, chủ yếu là từ 1954 trở lại đây, Quảng Ngãi cũng đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu về điện ngày càng tăng của xã hội, nhất là của sự phát triển kinh tế, ngành điện lực Quảng Ngãi còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. 4. Văn hóa - xã hội Phần này viết về địa - văn hóa, gồm cả thảy 14 chương, từ Chương XXI đến Chương XXXIV của cuốn địa chí.
  24. Khởi đầu là Chương XXI nói về ăn, mặc, ở. Do có sự đa dạng về môi trường sinh thái: núi đồi, trung du, đồng bằng, thung lũng, đầm phá, ven biển, hải đảo và sự đa dạng về tộc người: Kinh, Hrê, Cor, Ca Dong sinh sống trên địa bàn Quảng Ngãi mà nơi đây có cách ăn, mặc, ở khác nhau giữa các vùng miền. Về ăn và mặc, sự khác nhau giữa các tộc người chưa nhiều. Về phương diện cư trú, sự khác nhau giữa các tộc người được thể hiện ở cách làm nhà cửa và cách chọn địa bàn cư trú. Với cư dân vùng đồng bằng thì có sự hòa huyết giữa người Việt với người Chăm. Từ thế kỷ XVII, XVIII trở về sau, còn có sự cộng cư và hòa huyết với người Hoa ở vùng Cổ Lũy, Thu Xà và vùng quanh thành Gấm cũ. Làng người Việt ra đời bằng chính sự tái tạo làng Việt của các lưu dân Thanh - Nghệ - Tĩnh, nguồn cư dân chủ yếu trong tiến trình định cư, khai phá trên quê hương Quảng Ngãi, nhưng do có sự tiếp nhận trong chừng mực nào đó phương thức sinh sống của các nguồn cư dân khác nhau thuộc bản địa, đặc biệt là người Chăm, mà làng của người Việt ở Quảng Ngãi cũng có nhiều khác biệt so với làng của người Việt ở miền Bắc. Còn với cư dân miền núi thì các "plây" của người Hrê, Ca Dong hay "nóc" của người Cor, tương đương với làng của người Việt, lại không chịu sự chi phối bởi tư tưởng phong thủy truyền thống phương Đông. Họ chọn nơi ở theo một kiểu môi trường khác. "Plây" hay "nóc" được lập theo các nguyên tắc: phải là nơi quang đãng, khô ráo, không quá dốc; phải có khu vực sản xuất, săn bắn, hái lượm; phải là nơi gần nguồn nước để tiện lợi trong sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, uống, tắm rửa, giặt giũ và nhất là phải có sự đồng ý của thần linh qua bói giò gà và thử ống nước, thử đóng cây phép. Tiếp đến là Chương XXII, nói về quan hệ gia đình, làng bản. Người Quảng Ngãi cũng như cộng đồng cư dân các tỉnh Nam Trung Bộ có những cách ứng xử trong gia đình, làng xóm gần giống nhau. Đại bộ phận người Việt ở vùng đất này có nguồn gốc từ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh nên đã kế thừa truyền thống ứng xử của người Việt ở vùng quê gốc. Các dân tộc ở miền núi Quảng Ngãi vốn nằm trong một dòng chảy văn hóa - lịch sử với các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên nên cũng có cách ứng xử trong gia đình, làng xóm giống với các dân tộc khác trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, thành phần, nguồn gốc dân cư có ít nhiều khác biệt nên các dân tộc trên quê hương Quảng Ngãi, hay gọi chung là người Quảng Ngãi, cũng có những cách ứng xử trong gia đình lẫn ngoài xã hội có ít nhiều nét riêng so với người ở những địa phương khác. Chương XXIII nói về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo. Chung quanh vấn đề này, Phan Kế Bính trong lời Tựa sách Việt Nam phong tục có lý giải như sau: "Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục ấy kỳ thủy hoặc bởi tự một vài người mà rồi bắt chước nhau thành ra thói quen; hoặc bởi ở phong thổ và cách chính trị, cách giáo dục trong nước mà thành ra; hoặc bởi cái phong trào ở ngoài tràn vào rồi dần dần tiêm nhiễm thành tục. Nhưng đại để tục gì cũng vậy, phải trải lâu tháng lâu năm mới thành được, mà trong những tục ấy cũng có những tục hay, cũng có những tục dở. Duy chỉ bởi tai mắt người đã quen, lòng người đã tin dùng, thì dẫu có người biết là dở mà cũng không sao
  25. đổi ngay đi được". Riêng ở Quảng Ngãi, có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng nảy sinh từ bản địa, như lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ thức độc đáo, chỉ thấy xuất hiện ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Còn phần nhiều các phong tục tập quán khác đều bắt nguồn từ phong tục, tập quán chung của cả nước, thậm chí là của cả khu vực Đông Bắc Á hoặc Đông Nam Á. Chương XXIV, lễ hội, giới thiệu các ngày lễ tiết như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu, tiết Thượng nguyên (rằm tháng giêng), Trung nguyên (rằm tháng bảy), Hạ nguyên (rằm tháng mười) của người Kinh; và tết năm mới, lễ hội ăn trâu của người Hrê, người Cor, người Ca Dong ở Quảng Ngãi. Chương XXV dành để giới thiệu các di tích và danh thắng ở Quảng Ngãi, trong đó đáng chú ý có di chỉ khảo cổ thuộc hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí Trà Phong; di tích khảo cổ thuộc thời đại kim khí tiền Sa Huỳnh gồm Phú Khương, Gò Quê, Xóm Ốc, Suối Chình; các di tích Văn hóa Chămpa như di tích đền Chăm ở Phú Thọ - Cổ Lũy, di tích thành Châu Sa, lò nung tiểu phẩm Phật giáo ở Núi Chồi, tháp Chánh Lộ; các di tích văn hóa Việt như chùa Thiên Ấn, đình An Hải, văn miếu Mộ Đức, mộ và đền thờ Bùi Tá Hán, vv. Tiếp đến là các di tích lịch sử cách mạng, tội ác chiến tranh và danh nhân hiện đại ở Quảng Ngãi như: Di tích cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ, trụ sở Ủy ban Hành chính kháng chiến miền Nam Trung Bộ, di tích chiến thắng Vạn Tường, di tích vụ thảm sát Sơn Mỹ, nhà lưu niệm Phạm Văn Đồng, vv. Cuối cùng là các thắng cảnh ở Quảng Ngãi như 12 cảnh đẹp của Cẩm Thành, bãi biển Mỹ Khê, quần thể thắng cảnh trên đảo Lý Sơn, vv. Chương XXVI giới thiệu văn học dân gian và văn học viết của người Việt, người Hrê, người Cor, người Ca Dong ở Quảng Ngãi qua các giai đoạn lịch sử. Chương XXVII giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian của người Kinh và người Thượng trên đất Quảng Ngãi, trong đó nổi bật là nghệ thuật diễn xướng và nghệ thuật tạo hình. Ngoài ra, còn có mục viết về 60 năm phát triển của nền nghệ thuật mới ở Quảng Ngãi. Chương XXVIII giới thiệu các kiểu kiến trúc xưa và nay ở Quảng Ngãi, bao gồm kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng (chùa, đền, miếu, đình); kiến trúc nhà ở truyền thống của người Việt, người Hrê, người Cor, người Ca Dong; kiến trúc các thành cổ ở Quảng Ngãi (thành cổ Châu Sa, thành cổ Xuân Quang, hệ thống phòng thành cổ Cổ Lũy, thành cổ Quảng Ngãi); và sau cùng là các kiểu kiến trúc đương đại từ 1945 đến 2005. Chương XXIX nói về báo chí và xuất bản, bao gồm báo viết, báo nói, báo hình, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Quảng Ngãi, tổ chức Hội nhà báo Quảng Ngãi, và tình hình xuất bản, in ấn ở Quảng Ngãi từ trước tới nay.
  26. Những chương còn lại dành để giới thiệu tình hình xây dựng và hoạt động của các ngành chuyên môn mới như Khoa học - Công nghệ - Môi trường (Chương XXX), Văn hóa - Thông tin, Thể dục - Thể thao (Chương XXXI), Giáo dục - Đào tạo (Chương XXXII), Y tế - Dân số - Gia đình và Trẻ em (Chương XXXIII), Nhân lực và Các vấn đề xã hội (Chương XXXIV). Ở đây có những hiện tượng nổi cộm như vấn đề môi trường ngày một xuống cấp: Lãnh thổ Quảng Ngãi hình thành trên nền địa khối cổ Kon Tum và được mở rộng do tác động qua lại giữa sông và biển. Điều kiện địa chất đó quy định đặc điểm địa hình đồi núi và dải đồng bằng nhỏ ven biển, lớp vỏ thổ nhưỡng chủ yếu là đất feralit đỏ vàng có độ phì kém, tài nguyên không đáng kể. Trong lịch sử khai phá lãnh thổ với những dòng người nhập cư từ Bắc vào và độ gia tăng dân số tự nhiên lớn dẫn đến tình trạng "đất hẹp người đông", phần lớn các nguồn tài nguyên, nhất là rừng nhiệt đới và đất bị khai thác quá nhiều và suy thoái nghiêm trọng (Chương XXX). Hay những nét đáng ghi nhận về hoạt động y tế ở Quảng Ngãi tại vùng do chính quyền Sài Gòn quản lý từ 1954 đến 1975: Trong vùng địch tạm chiếm, theo Địa phương chí Quảng Ngãi ấn hành năm 1968 hiện lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ 2, thì bệnh viện Quảng Ngãi khi đó được tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, ngay bệnh viện Quảng Ngãi bây giờ. Bệnh viện có 15 phòng điều trị, sức chứa 491 giường bệnh, với 144 nhân viên y tế. Ngoài ra ở các quận, xã, ấp còn có bệnh xá hộ sinh kiêm cấp phát thuốc và tiêm chủng ngừa. Đội ngũ nhân viên y tế công cộng này lên đến 373 người. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tư nhân cũng hình thành, gồm 9 phòng mạch tư, 4 bảo sinh viện tư, 8 dược phòng Âu - Mỹ, 6 trữ dược Âu - Mỹ (Chương XXXIII). 5. Thành phố Quảng Ngãi và các huyện trong tỉnh Phần này, cũng là phần cuối cùng của tập sách, viết về thành phố Quảng Ngãi và 13 huyện trực thuộc tỉnh, trong đó có 6 huyện miền đồng bằng là Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ; 6 huyện miền núi là Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ; và 1 huyện đảo là Lý Sơn, như ở phần đầu cuốn địa chí từng giới thiệu. Nếu ở 4 phần trước của cuốn sách, các yếu tố địa chí được trình bày dưới cái nhìn cấp tỉnh, thì đến phần thứ năm này, chúng lại được miêu thuật dưới cái nhìn cấp huyện và cấp thành phố (thuộc tỉnh). Một đằng thì mang tính tổng thể, khái quát; còn một đằng thì mang tính cá thể, đặc thù. Hai cách tiếp cận sẽ bổ sung cho nhau, giúp bạn đọc vừa thấy được cái chung của toàn tỉnh, đồng thời cũng thấy được cái riêng của thành phố và của mỗi huyện. Với các nội dung cụ thể trên, những người tham gia biên soạn công trình "Địa chí Quảng Ngãi" hy vọng sẽ đáp ứng được phần lớn - không dám nói là tất cả - những gì
  27. mà cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, du khách và những người quan tâm, tìm hiểu về Quảng Ngãi đang chờ đợi. PGS. TRẦN NGHĨA Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm (*) Các ký hiệu sách ở đây đều ghi theo ký hiệu xếp giá của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. PHẦN I: ĐỊA LÝ HÀNH CHÍNH - TỰ NHIÊN - DÂN CƯ Chương II: ĐỊA HÌNH I. Đặc điểm địa hình 1. Địa hình hướng kinh tuyến 2. Địa hình hướng vĩ tuyến II. Các yếu tố hình thành và biến đổi địa hình III. Các kiểu địa hình 1. Kiểu địa hình núi xâm thực, bóc mòn 1.1. Phụ kiểu địa hình đồi núi xâm thực, bóc mòn độ cao trên 500m 1.2. Phụ kiểu địa hình đồi núi xâm thực, bóc mòn độ cao 200 - 500m 1.3. Phụ kiểu địa hình đồi núi xâm thực, bóc mòn độ cao dưới 200m 2. Kiểu địa hình đồng bằng tích tụ độ cao dưới 50m 2.1. Phụ kiểu địa hình đồng bằng tích tụ độ cao 25m đến dưới 50m 2.2. Phụ kiểu địa hình đồng bằng tích tụ độ cao dưới 25m
  28. IV. Các khu vực địa hình 1. Vùng rừng núi 2. Vùng trung du 3. Vùng đồng bằng 4. Vùng bãi cát ven biển V. Núi, sông, hồ, đảo 1. Núi Núi Cà Đam Núi Thạch Bích Núi Cao Muôn Núi Lớn 2. Sông Sông Trà Bồng Sông Trà Khúc Sông Vệ Sông Trà Câu 3. Hồ, đầm Đầm Nước Mặn Đầm An Khê Đầm Lâm Bình 4. Đảo VI. Biển, bờ biển, cửa biển 1. Biển 2. Bờ biển
  29. 3. Cửa biển Cửa Sa Cần Cửa Sa Kỳ Cửa Cổ Luỹ Cửa Lở Cửa Mỹ Á Cửa Sa Huỳnh I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA HÌNH (1) Quảng Ngãi là tỉnh thuộc duyên hải Trung Trung Bộ với đặc điểm chung là núi lấn sát biển, địa hình có tính chuyển tiếp từ địa hình đồng bằng ven biển ở phía đông đến địa hình miền núi cao ở phía tây. Miền núi chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đồng bằng nhỏ hẹp chiếm 1/4 diện tích tự nhiên. Cấu tạo địa hình Quảng Ngãi gồm các thành tạo đá biến chất, đá magma xâm nhập, phun trào và các thành tạo trầm tích có tuổi từ tiền Cambri đến Đệ tứ. Trên bình diện tự nhiên, địa hình Quảng Ngãi phân dị theo 2 hướng chính: địa hình hướng kinh tuyến và địa hình hướng vĩ tuyến. 1. ĐỊA HÌNH HƯỚNG KINH TUYẾN Có thể thấy được sự phân dị này cả ở địa hình vùng núi và đồng bằng. Ranh giới địa hình này có thể được lấy theo đứt gãy Trà Khúc - Tà Vi hướng vĩ tuyến. Ở phía bắc, địa hình núi có dạng tuyến rõ ràng theo phương vĩ tuyến. Dãy núi Răng Cưa - núi Chúa ở phía bắc sông Trà Bồng là điển hình của các dãy núi có đường sống răng cưa sắc nhọn và sườn đổ lở trên đá xâm nhập granit. Kiểu địa hình này hoàn toàn không thấy ở phía nam của tỉnh. Cũng tại đây, liên quan tới nhân tố thạch học còn xuất hiện dãy núi thấp trên đá xâm nhập phức hệ Trà Bồng ở phía nam thung lũng Trà Bồng. Các đá diorit ở đây phong hóa mạnh, cho lớp vỏ giàu keo sét. Cũng theo hai sườn của thung lũng Trà Bồng này, lượng mưa giảm do địa hình. Các dòng chảy dạng xương cá của thung lũng Trà Bồng cắt vào dãy núi thường là dòng tạm thời. Như vậy, ngoài tính phân bậc của sườn bởi quá trình bóc mòn, tại đây phát triển kiểu sườn đất chảy với độ dốc 8 - 20o. Địa hình thung lũng ở phía bắc cũng có những nét cơ bản so với thung lũng ở phía nam, đó là sự định hướng khá thẳng theo vĩ tuyến của các thung lũng chính và hướng kinh tuyến của các suối nhánh. Các thung lũng đều có dạng chữ V với đáy hẹp và sườn dốc, không thấy phát triển các bãi bồi rộng và thềm trẻ dạng đồng bằng bằng phẳng như các thung lũng phía nam. Dải đồng bằng phía bắc sông Trà Khúc cũng khác cơ bản so với đồng bằng phía nam. Trước tiên, đồng bằng tại đây mở rộng đáng kể so với cả phía bắc và nam, trên bình đồ chúng có dạng tương đối đẳng thước, mỗi chiều rộng gần 25km. Nếu ở phía nam sông Trà Khúc, móng đồng bằng nằm ở độ sâu lớn nhất trong toàn tỉnh (40 - 50m), thì ngay rìa bắc của sông, đá gốc đã lộ ở hầu hết các nơi, nhiều nơi tạo nên những dải đồi cao 40 - 100m. Cùng với sự nâng dạng khối tảng, móng đá gốc tại đây chịu tác động mài mòn của biển vào đầu kỷ Đệ tứ,
  30. tạo nên bề mặt thềm mài mòn, nay tồn tại dạng khối tảng ở các độ cao khác nhau và bị phân cắt thành địa hình đồi. Ngay trên bề mặt đồi, đồng bằng lẫn đồi này, các đứt gãy cũng được thể hiện khá rõ. Ngoài việc tạo nên các khối thềm ở độ cao khác nhau, còn tạo nên các thung lũng khá thẳng trên chiều dài 10 - 20km. Dọc các thung lũng này là đồng bằng gò cấu tạo bởi cát - sét màu xám loang lổ, giống đồng bằng gò phát triển ở phía nam. Địa hình đồng bằng đồi - gò trên phun trào bazan N2 - Q1 ở khu vực Ba Làng An cũng chỉ khu biệt từ phía bắc của thung lũng Trà Khúc. Đảo Lý Sơn hình thành bởi các miệng núi lửa Đệ tứ cũng nằm trọn trong đới phía bắc của tỉnh. Địa hình đường bờ biển phía bắc chủ yếu là bờ mài mòn trên đá gốc, trong khi đó từ cửa sông Trà Khúc về phía nam chủ yếu là bờ tích tụ. Ở phía nam của đứt gãy Trà Khúc - Tà Vi, cả vùng miền núi và đồng bằng đều có nét khác biệt so với phía bắc. Trước tiên ở dải đồng bằng ven biển, ngoài tác dụng mài mòn của biển giai đoạn đầu Đệ tứ, quá trình tích tụ vật liệu hạt thô là phổ biến, hiện tượng này liên quan với sự sụt lún dạng bậc tương đối của móng xuống sâu từ 30 - 50m dọc các đứt gãy phương tây bắc - đông nam. Các bề mặt đồng bằng tích tụ cũng được kéo dài dạng tuyến theo phương này, chúng có tính phân bậc rõ ràng theo hướng vuông góc với bờ biển. Các thành tạo tích tụ cát màu vàng tạo nên bề mặt đồng bằng gò cao 10 - 15m ở phía đông Mộ Đức - Đức Phổ cũng chỉ gặp khu biệt từ phía nam sông Trà Khúc. Khác với dạng tuyến của địa hình núi phía bắc, núi ở phía nam có dạng khối tảng khá đẳng thước. Mặc dù vậy, vẫn thấy được hướng chủ đạo của các đường sống núi ở đây là tây bắc - đông nam và á kinh tuyến. Kiểu địa hình núi khối tảng - dạng vòm trên các đá biến chất tuổi Proterozoi (PR) là khá đặc trưng cho địa hình núi phía nam. Ở ranh giới tây nam huyện Sơn Hà cũng tồn tại khối núi trên đá granit. Khối núi này có dạng đẳng thước, đỉnh núi khá rộng, là di tích của bề mặt san bằng Miocen trên độ cao 1.200 - 1.500m với vỏ phong hóa laterit dày. Sườn bóc mòn dạng phân bậc dốc 20 - 30o. Ở cực đông nam của tỉnh, núi thấp trên đá granit có sườn đổ lở dốc 20 - 30o, song phần đỉnh núi vẫn có dạng bậc rộng với vỏ laterit dày. Ở tây nam Quảng Ngãi, thuộc các huyện Ba Tơ, Sơn Hà còn phát triển một kiểu địa hình gần gũi với phần trọng tâm của địa khối Kon Tum: núi khối tảng, bề mặt đỉnh rộng phát triển trên lớp phủ dung nham bazan Neogen, trên các sườn phân bậc của các khối núi này lại gặp vỏ laterit trên các đá biến chất tuổi PR. Về thực chất đây là phần rìa cao nguyên, được nâng lên và phân cắt tạo núi. Các thung lũng, sông suối ở phía nam Trà Khúc đều được mở rộng đáng kể. Các thung lũng chính đều có đáy mở rộng, kể cả trung lưu và đôi nơi là thượng lưu. Các thung lũng ở khu vực Ba Tơ (sông Vệ, sông Ba Tơ) có dạng chữ U, đáy rộng với bề mặt thềm bậc I cao 6 - 8m, nhiều nơi rộng trên 1000m, tạo nên bề mặt đồng bằng thung lũng khá phẳng, cấu tạo bởi cát - bột xám vàng. Các thung lũng sông Rinh, sông Rhe (địa phận huyện Sơn Hà) ngoài bãi bồi và thềm bậc I khá phẳng còn phát triển thêm các thềm cổ hơn, cấu tạo bởi cuội sỏi và đá gốc, bị phân cắt tạo gò đồi thoải. Địa hình đồi thấp và đồi cao dọc thung lũng và trên sườn các khối núi do sự phân cắt các bề mặt san bằng Pliocen và Đệ tứ cũng khá điển hình cho đới phía nam Quảng Ngãi. 2. ĐỊA HÌNH HƯỚNG VĨ TUYẾN Sự phân dị địa hình theo phương vĩ tuyến chủ yếu được xác lập do sự phân dị của các cấu trúc tân kiến tạo, của thành phần đá gốc và phần nào của điều kiện khí hậu, thì phân dị theo hướng kinh tuyến của địa hình vùng Quảng Ngãi lại phản ánh cường độ chuyển động tân kiến tạo và tính phân nhịp của chuyển động, qua đó mối tương tác giữa lục địa và biển đã thể
  31. hiện vai trò thành tạo địa hình qua việc hình thành các bậc địa hình. Từ tây sang đông, có thể quan sát thấy khá rõ nét 9 bậc địa hình chính tương ứng với từng mức cao như: 1.200 - 1.500m, 900 - 1.000m, 400 - 600m, 200 - 300m, 60 - 100m, 20 - 30m, 10 - 15m, 4 - 6m, 2 - 3m. Từ kinh độ 108o30’ về phía tây của tỉnh thuộc các huyện Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, hầu hết các khối núi đều có đỉnh cao nhất là 1.200 - 1.500m, phía đông của kinh độ này, hầu như không thấy các đỉnh núi trên 1.000m nữa. Tương tự như vậy, phía tây của kinh độ 108o45’ hay có thể lấy từ phía tây của thung lũng sông Vệ ở Minh Long và sông Ba Tơ là sự phổ biến của các núi với đỉnh cao 800 - 1.000m, còn phía đông là các núi thấp với độ cao 400 - 600m, ở đây cũng không còn gặp đỉnh nào cao quá 800m. Các núi có đỉnh cao 200 - 300m nằm ở rìa phía đông của địa hình núi, giáp đồng bằng và dọc các thung lũng lớn. Bậc địa hình đồng bằng và đồi của Quảng Ngãi có ranh giới khá rõ ràng với địa hình núi, chúng có dạng khá phẳng. Ở phía bắc sông Trà Khúc, ranh giới này theo phương kinh tuyến nằm sát phía đông của mỏ graphit Hưng Nhượng. Phía nam Trà Khúc, ranh giới giữa đồng bằng và núi gần như là một đường thẳng phương tây bắc - đông nam từ An Mỹ Tây tới đầm An Khê. Ranh giới trên rõ ràng được xác lập bởi sự tái tạo của quá trình ngoại sinh trên cấu trúc tân kiến tạo, mà ở đây là các phá hủy đứt gãy. Bậc địa hình 60 - 100m chủ yếu gặp ở phía bắc, tại đây có thể thấy chúng phổ biến từ chân núi, ra sát bờ biển, độ cao giảm xuống 40 - 50m, các bậc thấp hơn chỉ tồn tại dạng xen giữa các bậc cao. Ở phía nam, bậc 60 - 100m hạn chế hơn, song từ chân núi ra bờ biển, các bậc địa hình từ 30m trở xuống phân bố khá đều đặn, quy luật này chỉ bị xáo trộn bởi thung lũng sông thoải ở phần đông Mộ Đức nguyên là các lạch biển cổ tạo địa hình đồng bằng phía trong các cồn cát. II. CÁC YẾU TỐ HÌNH THÀNH VÀ BIẾN ĐỔI ĐỊA HÌNH Quá trình hình thành và biến đổi địa hình vùng Quảng Ngãi có thể thấy liên quan đến rất nhiều yếu tố, song yếu tố địa chất và khí hậu thể hiện rõ nét nhất. Vùng Quảng Ngãi nằm ven rìa đông - đông bắc của địa khối Kon Tum. Tham gia vào sự thành tạo địa hình chủ yếu là các thành tạo đá biến chất cao tuổi PR, các đá này đã mất tính biến dạng dẻo trong các chuyển động tạo núi hiện đại. Chúng thể hiện trên địa hình chủ yếu với vai trò thụ động. Các nghiên cứu địa chất vỏ phong hóa vùng Quảng Ngãi cho thấy các đá biến chất có thành phần giàu amphibon, plagiocla, biotit, felspat trong điều kiện khí hậu nhiệt đới đã bị phong hóa cho lớp vỏ giàu sét laterit. Vai trò quan trọng nhất cho việc thành tạo địa hình ở đây là chuyển động khối tảng của các khối móng được giới hạn bởi các đứt gãy có quy mô khác nhau. Biên độ của chuyển động khối tảng không có sự thay đổi lớn theo chiều từ bắc xuống nam, song được thể hiện khá rõ theo chiều từ lục địa ra biển Đông. Cùng với cường độ chuyển động, tính phân nhịp (chu kỳ) của chuyển động tân kiến tạo đã tạo điều kiện cho các quá trình ngoại sinh chạm trổ, tạo nên những nét đa dạng của địa hình Quảng Ngãi. Đó là những bề mặt địa hình nằm ngang được hình thành vào thời kỳ yên tĩnh tương đối của chuyển động và các bề mặt sườn dốc liên quan với những thời kỳ tích cực hóa của chuyển động. Cũng trong thời kỳ này, các đứt gãy sâu hoạt động mạnh, kéo theo sự phun trào của bazan phủ trên những bề mặt san bằng vừa được hình thành ở giai đoạn trước. Đây cũng chính là một đặc trưng cơ bản trong lịch sử hình thành địa hình của địa khối Kon Tum. Hoạt động của các đới đứt gãy trong giai đoạn tạo núi cũng luôn đồng thời với sự dập vỡ đá gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình phong hóa hóa học và các quá trình vận chuyển vật chất bởi ngoại lực. Các thung lũng sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Rinh, sông Rhe đã được hình thành theo cơ chế như trên. Các thung lũng có chiều rộng từ vài trăm mét đến vài
  32. kilômét với địa hình đồng bằng hoặc đồi gò thực sự là những ranh giới cho những khối núi tảng được nâng lên những cự ly khác nhau. Cũng dọc theo đứt gãy và khe nứt này, với lượng mưa trung bình toàn tỉnh lớn, lại tập trung theo mùa, đã thúc đẩy sự phát triển các sườn xâm thực dốc trên 30o. Dải đồng bằng ven biển Quảng Ngãi cũng có móng được nâng tương đối. Cũng như những vùng khác của miền Trung, đồng bằng ven biển chỉ được mở rộng ở những khu vực có những hệ thống đứt gãy có hướng từ lục địa ra phía biển. Đồng bằng Bình Sơn - Quảng Ngãi được mở rộng có liên quan chặt chẽ với các đứt gãy Trà Bồng, Trà Khúc. Các đứt gãy phương tây bắc - đông nam và kinh tuyến lại thường góp phần hình thành các đường bờ biển cổ, nay là những đồng bằng bằng phẳng với những đầm hồ còn sót, chúng phân bố song song ở phía đông Quốc lộ 1A từ sông Vệ đến Sa Huỳnh. Ngay trên dải đồng bằng này, tính chất khối tảng của móng cũng được thể hiện khá rõ. Vai trò của biển ở đây chủ yếu là hoạt động mài mòn và tích tụ vật liệu hạt thô. III. CÁC KIỂU ĐỊA HÌNH Trên cơ sở phân tích về bản đồ địa hình, ảnh viễn thám, độ cao địa hình, đặc điểm hình thái bề mặt, thành phần thạch học và nguồn gốc tạo thành, có thể phân địa hình Quảng Ngãi ra làm 2 kiểu địa hình và 5 phụ kiểu địa hình. 1. KIỂU ĐỊA HÌNH NÚI XÂM THỰC, BÓC MÒN Kiểu địa hình này chiếm khoảng 3/4 diện tích tự nhiên toàn tỉnh, bao gồm các huyện miền núi: Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ. Ngoài ra, còn một số dãy núi, đồi núi sót thấp nằm rải rác ở hầu hết các huyện đồng bằng. Đá gốc tạo nên kiểu địa hình này gồm các thành tạo đá biến chất, magma và phun trào bazan, thường có độ cao từ 50 - 1.500m. Kiểu địa hình xâm thực, bóc mòn được chia thành 3 phụ kiểu địa hình. 1.1. PHỤ KIỂU ĐỊA HÌNH ĐỒI NÚI XÂM THỰC, BÓC MÒN ĐỘ CAO TRÊN 500 MÉT Phụ kiểu này có diện tích rộng lớn, phân bố ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, bao gồm những khối núi, dãy núi cao nhất vùng Quảng Ngãi. Chúng bị chia cắt bởi các hệ thống sông suối phát triển theo các hệ thống đứt gãy kiến tạo, tạo nên các dãy núi cao kéo dài dạng tuyến, sườn dốc 30 - 40o, bị xói mòn rửa trôi mạnh, vỏ phong hóa mỏng, nhiều nơi trơ đá gốc, vách dốc đứng. Các bề mặt san bằng để lại cũng khá nhiều và đa dạng, nhưng có điểm chung là nghiêng thoải về phía đông. 1.2. PHỤ KIỂU ĐỊA HÌNH ĐỒI NÚI XÂM THỰC, BÓC MÒN ĐỘ CAO 200 - 500 MÉT Phụ kiểu này chiếm diện tích hẹp, bao gồm các đỉnh núi phân bố dọc hai bờ các sông: sông Rhe, Nước Ong, Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Bồng. Dạng địa hình này có đặc điểm đỉnh tròn, sườn tương đối thoải, độ dốc địa hình nhỏ hơn 30o, chiều dày vỏ phong hóa lớn, có chỗ tới 7 - 10m. Đặc biệt dạng địa hình này phát triển nhiều hệ thống sông suối có hình dạng, kích thước và hướng dòng chảy khác nhau, các hệ thống này chủ yếu phát triển theo các hệ thống đứt gãy, đã tạo nên địa hình có dạng chữ V rất đặc trưng, các khe rãnh phát triển mạnh ở những nơi sườn núi có dạng thung lũng thu nước (bồn thu nước). Một vài đồi núi ở gần
  33. Quốc lộ 1A thuộc địa phận các huyện Mộ Đức, Sơn Tịnh và Bình Sơn có vỏ phong hóa mỏng 1 - 2m, có chỗ lộ đá gốc ngay bề mặt địa hình. 1.3. PHỤ KIỂU ĐỊA HÌNH ĐỒI NÚI XÂM THỰC, BÓC MÒN ĐỘ CAO DƯỚI 200 MÉT Phụ kiểu này có diện tích nhỏ nhất trong vùng, thường là các đồi, dải núi độc lập trên địa hình đồng bằng tích tụ như các núi Thiên Ấn, Thiên Bút, Long Đầu được cấu tạo bởi các đá biến chất, magma và phun trào bazan. Dạng địa hình này có độ dốc vừa phải, ít bị chia cắt bởi các hệ thống suối rãnh; vỏ phong hóa dày, chủ yếu là vỏ phong hóa laterit (đá tổ ong). 2. KIỂU ĐỊA HÌNH ĐỒNG BẰNG TÍCH TỤ ĐỘ CAO DƯỚI 50 MÉT Kiểu địa hình đồng bằng tích tụ phân bố trong phạm vi các huyện đồng bằng từ bắc đến nam tỉnh và được phân ra 2 phụ kiểu địa hình. 2.1. PHỤ KIỂU ĐỊA HÌNH ĐỒNG BẰNG TÍCH TỤ ĐỘ CAO 25 MÉT ĐẾN DƯỚI 50 MÉT Phụ kiểu này phân bố thành các dải hẹp, kéo dài không liên tục ở phần thượng lưu của các con sông lớn như sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và các khu vực tiếp giáp với chân sườn núi phía tây, tây nam, tây bắc đồng bằng tích tụ. Đặc điểm bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng, nghiêng thoải từ chân núi về phía dòng sông và hướng đồng bằng về phía biển. Cấu tạo bởi cát, sạn, cuội, bột, bột sét nguồn gốc Proluvi, Deluvi. 2.2. PHỤ KIỂU ĐỊA HÌNH ĐỒNG BẰNG TÍCH TỤ ĐỘ CAO DƯỚI 25 MÉT Phụ kiểu này chiếm diện tích lớn nhất trong kiểu địa hình đồng bằng tích tụ, bao gồm các huyện đồng bằng. Bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng, hơi nghiêng về phía biển. Cấu tạo nên dạng địa hình này là các thành tạo trầm tích bở rời tuổi Đệ tứ gồm cuội, sạn, cát, bột sét, sét và vật liệu hữu cơ. Đây là vùng đất ở, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản chính của Quảng Ngãi. Mặt khác, các khu công nghiệp địa phương (Quảng Phú, Tịnh Phong) và Khu Kinh tế Dung Quất đang được xây dựng trên phụ kiểu địa hình đồng bằng tích tụ này. IV. CÁC KHU VỰC ĐỊA HÌNH Giống như các tỉnh miền Trung khác, địa hình Quảng Ngãi nhìn chung có dạng đẳng thước và được chia thành 4 vùng rõ rệt: vùng rừng núi, vùng trung du, vùng đồng bằng và vùng bãi cát ven biển. 1. VÙNG RỪNG NÚI Tiếp giáp phía đông Trường Sơn, bao gồm chủ yếu ở các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, tức cả 6 huyện miền núi trong tỉnh. Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có nhiều rừng núi cao trùng điệp. Vùng rừng núi có diện tích 391.192ha, chiếm 2/3 diện tích đất đai trong tỉnh. Núi rừng tạo thành hình vòng cung, hai đầu nhô ra sát biển, ôm chặt lấy đồng bằng. Ở phía tây bắc và tây nam sông Trà Khúc, các khối núi đều có bề mặt đỉnh cao từ 1.000 - 1.500m, như núi Cà Đam cao 1.413m, núi Đá
  34. Vách cao 1.115m, núi U Bò cao 1.100m, núi Cao Muôn cao 1.085m. Ở vùng thấp hơn núi thường có độ cao 400 - 600m, còn ở vùng giáp đồng bằng, núi chỉ cao 200 - 300m. Bên cạnh vùng núi rừng kể trên, các huyện đồng bằng nơi nào cũng có núi cao thấp khác nhau. Huyện Bình Sơn có núi Đồng Tranh, núi Đá Bạc, núi Cà Ty, núi Phổ Tinh, núi Khỉ, núi Thình Thình. Ở Sơn Tịnh có núi Tròn, núi Nhạn, núi Sứa, núi Thiên Ấn, núi Đầu Voi thành phố Quảng Ngãi có núi Ông, núi Thiên Bút. Huyện Tư Nghĩa có núi An Đại, núi Đá Chẻ, núi La Hà, núi Phú Thọ. Huyện Nghĩa Hành có núi Đình Cương, núi Đầu Tượng. Huyện Mộ Đức có núi Vân Bân, núi Ông Đọ, núi Vom, núi Đất. Huyện Đức Phổ có núi Dâu, núi Giàng, núi Xương Rồng, vv. Cấu thành nên khu vực địa hình này là các thành tạo đá biến chất, magma, phun trào có thành phần thạch học và tuổi khác nhau; địa hình sườn dốc đến rất dốc, phân cắt mạnh và có lớp phủ thực vật khá đa dạng. Vùng rừng núi Quảng Ngãi là một địa bàn chiến lược quan trọng về quân sự, là căn cứ địa cách mạng gắn liền với lịch sử chống áp bức giai cấp và chống ngoại xâm của nhân dân Quảng Ngãi. Núi rừng Quảng Ngãi là kho tài nguyên phong phú về lâm thổ sản với nhiều loại gỗ quý như: lim, giổi, sao cát, vênh vênh, chò, trắc, huỳnh đàng, kiền kiền, gõ. Ngoài gỗ, rừng Quảng Ngãi còn có nhiều loại cây thuốc như sa nhân, hà thủ ô, thiên niên kiện, ngũ gia bì, sâm; các loại cây có sợi, cây có dầu, trầm hương, cây lấy nhựa và các loại cây lấy nấm. Cây quế là đặc sản nổi tiếng với diện tích rộng, sản lượng lớn. Ở núi Lớn (Mộ Đức) còn có cây dầu rái cho một loại dầu khá tốt để trám thuyền và pha chế các loại sơn, mực in. Núi rừng Quảng Ngãi còn là nơi sinh sống của nhiều loại thú quý, hàng trăm loài chim quý và là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên khoáng sản. Mặt khác, vùng rừng núi Quảng Ngãi còn có những điểm du lịch và nghỉ mát như núi Thiên Ấn, suối Mơ, núi Thình Thình, núi Hố Chình, núi Phú Thọ hàng năm thu hút nhiều khách đến vãn cảnh. Núi Cà Đam có khí hậu ôn đới gần giống Sa Pa, Đà Lạt, nếu được khai thác sẽ là nơi nghỉ mát rất tốt. 2. VÙNG TRUNG DU Đất đai được cấu tạo tại chỗ, thường bị bào mòn từ cao xuống thấp, có nhiều gò đồi, lắm sỏi đá. Đất ở vùng này thường là đất xám, đất bạc màu, đất đen (diện tích 1.770ha, chiếm 0,3% diện tích đất đai toàn tỉnh), dùng để trồng cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày. Diện phân bố chủ yếu ở rìa phía tây, tây bắc, tây nam các huyện đồng bằng Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ. Bề mặt địa hình nhấp nhô có hướng nghiêng chung về phía đông. 3. VÙNG ĐỒNG BẰNG Đồng bằng Quảng Ngãi nhỏ hẹp nhưng khá đa dạng về hình thái. Diện tích khoảng 150.678ha, trong đó chỉ có 13.672ha được bồi đắp phù sa thường xuyên hàng năm bởi 4 hệ thống sông chính: sông Trà Bồng, sông Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Câu. Càng đi về phía
  35. nam đồng bằng càng hẹp lại, chỉ còn là một rẻo dọc bờ biển. Địa hình bề mt đồng bằng Quảng Ngãi khá bằng phẳng, nghiêng thoải về phía đông, độ cao từ 2 - 30m. Cấu tạo nên vùng đồng bằng Quảng Ngãi là các thành tạo trầm tích bở rời Đệ tứ, có thành phn thạch học, tuổi khác nhau và có nhiều nguồn gốc (sông, sông - biển, biển - đầm lầy, ) phủ trên bề mặt các đá biến chất, granit, bazan có tuổi từ Proterozoi đến Neogen - QI. Đất ở đây thích hợp với các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, đặc biệt là cây mía. Vùng đồng bằng là nơi chứa nước ngầm lớn nhất tỉnh phục vụ cho nhu cầu đời sống, sản xuất của phần lớn dân cư Quảng Ngãi, đồng thời cũng là nơi tàng trữ chủ yếu các nguyên liệu sứ gốm (kaolin), nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (sét gạch ngói) với quy mô lớn. 4. VÙNG BÃI CÁT VEN BIỂN Có diện hẹp với diện tích khoảng 2.446,8ha. Đất vùng này thích hợp với các loại cây khoai lang, mì, dừa, rừng phi lao có tác dụng làm đai phòng hộ chống cát bay, cát nhảy bồi lấn. Địa hình vùng bãi cát ven biển Quảng Ngãi có đặc điểm chung giống như các khu vực khác ở miền Trung là sự hiện diện của các dải cát cao song song với đường bờ giữ vai trò như những đê cát chắn sóng tự nhiên, bảo vệ phần đất phía sau các cồn cát. Ngoài ra, vùng cát ven biển Quảng Ngãi còn có kiểu địa hình thấp rất đặc trưng, đó là dạng đầm lầy cửa sông bị bồi lấp (liman) và các đầm phá ven biển (lagoon). Bề mặt địa hình nhiều nơi bằng phẳng, trải trên diện rộng (Đức Phổ, Mộ Đức, bắc Bình Sơn) là những nơi có bãi cát điển hình nhất. Cấu tạo nên vùng bãi cát ven biển là các thành tạo trầm tích bở rời Đệ tứ gồm cát, cát bột, cát bột sét nguồn gốc biển, biển - đầm lầy. Đây là vùng đất có tiềm năng lớn để nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm trên cát cho lợi ích kinh tế cao và là nơi tiếp giáp với đường bờ biển, các cửa biển thuận lợi cho khai thác hải sản và giao thông đường thủy. Nhân dân ven biển Bình Sơn có câu ca: "Bàu Tròn có bãi cát dài" để chỉ vùng đất ở đây nguyên trước kia là dãy núi chạy từ thôn Hòa Vân (xã Tam Nghĩa - Tam Kỳ) xuống cửa Sơn Trà. Phía trong núi là một đồng ruộng rộng 2.000 mẫu (khoảng 1.000ha), đất tốt, tục gọi là "thượng tổ ong", "hạ tổ ong". Đồng lúa tốt tươi, dân làm ăn khấm khá, nuôi từ 20 đến 30 con trâu bò, 20 con ngựa. Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn gọi đó là tiểu Đồng Nai. Sau đó do nhân dân phá núi làm rẫy, không giữ được rừng phòng hộ, nên đến năm 1865 - 1866 có một cơn bão cát lớn thổi cát biển vào lấp hết 2.000 mẫu ruộng, biến vùng này thành bãi cát dày 70cm, gọi là "Khe Hai". V. NÚI, SÔNG, HỒ, ĐẢO Quảng Ngãi là tỉnh có nhiều núi, sông, ao hồ, đầm và ít đảo. Các núi cao thường ở phía tây, tây nam, tây bắc giáp với các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định. Có 4 con sông chính bắt nguồn từ phía tây và chảy về phía đông ra biển. Ngoài ra, do có lợi thế về địa hình tự nhiên nên vùng Quảng Ngãi đã tạo lập được nhiều hồ chứa nước thủy lợi với quy mô khác nhau. 1. NÚI Quảng Ngãi có rất nhiều núi cao hiểm trở. Các núi có độ cao trên 1.000m chủ yếu phân bố ở phía tây, tây bắc, tây nam và phía bắc tỉnh.
  36. Các đỉnh núi cao ở Quảng Ngãi Núi Độ cao (m) Vị trí Cà Đam 1.413 Tây nam huyệnTrà Bồng A Zin 1.233 Tây nam huyện Sơn Hà Ha Peo 1.254 Tây nam xã Sơn Tân (huyện Sơn Tây) Núi Ho 1.096 Tây bắc xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây) Bờ Rẫy 1.371 Bắc xã Sơn Mùa (huyện Sơn Tây) Ca Sút 1.262 Bắc xã Trà Lãnh (huyện Tây Trà) Làng Rầm 1.095 Nam xã Ba Lế (huyện Ba Tơ) Núi Mum 1.085 Tây nam xã Long Môn (huyện Minh Long) Cao Muôn 1.085 Tây nam xã Ba Chùa (huyện Ba Tơ) Tà Cun 1.428 Tây huyện Trà Bồng Núi Roong 1.459 Đông nam huyện Sơn Tây Hà Tu 1.137 Nam xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà) Ngọc Đôn 1.064 Tây nam xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà) Đá Lét 1.130 Đông bắc xã Trà Bùi (huyện Trà Bồng) Ra Lóc 1.063 Tây nam xã Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) Núi Po 1.002 Tây bắc xã Trà Quân (huyện Tây Trà) Núi Y 1.017 Tây nam xã Trà Hiệp (huyện Trà Bồng) Các núi của Quảng Ngãi đa dạng về hình thái, song nhìn chung thường có dạng tuyến, nhiều đỉnh nhọn, sườn dốc. Riêng dãy núi Răng Cưa gồm nhiều đỉnh núi liên kết với nhau tạo thành dãy dạng răng cưa. Cấu thành các núi này là các thành tạo đá xâm nhập và các đá biến chất có thành phần thạch học và tuổi khác nhau. Một số núi ở vùng Quảng Ngãi được xếp vào hàng danh lam thắng cảnh được các thi nhân xưa đặt cho những cái tên giàu hình tượng như: "Long Đầu hí thủy", "Thiên Ấn niêm hà", "Thiên Bút phê vân", "La Hà thạch trận", "Thạch Bích tà dương", "Vân Phong túc vũ" Chúng được cấu trúc bởi các đá biến chất, magma và đá phun trào bazan, là những địa điểm du lịch sinh thái có giá trị. Các núi lớn nổi tiếng nhất gồm: Cà Đam, Thạch Bích, Cao Muôn, núi Lớn. Núi Cà Đam
  37. Tên chữ của núi là Vân Phong (雲峰), Cà Đam là tiếng gọi của người địa phương. Núi nằm ở phía tây nam của huyện Trà Bồng và phía đông nam huyện Tây Trà. Đứng từ vùng đồng bằng nhìn lên phía tây bắc tỉnh Quảng Ngãi thấy hình núi cao vọt lên giữa lớp lớp núi. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 6 chép về tỉnh Quảng Ngãi, có viết: "Hình núi cao vót lên giữa từng trời, có các núi bao quanh bốn phía trùng điệp, đứng xa trông thấy tươi sáng. Chóp núi dờn dợn mây bay, suốt ngày khí sắc như lúc trời mới sáng hay sau khi mưa tạnh". Núi Cà Đam được xem là một trong những cảnh đẹp của tỉnh Quảng Ngãi, được Tuần vũ Nguyễn Cư Trinh làm thơ vịnh với tựa đề là Vân Phong túc vũ (núi Vân Phong mưa đêm). Vân Phong hay Cà Đam là căn cứ địa của nghĩa quân dân tộc Cor chống Pháp từ 1938 đến 1945. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Cà Đam được chọn làm căn cứ địa của tỉnh, là trung tâm đầu não của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (tháng 8.1959). Núi Thạch Bích Nằm ở phía đông nam huyện Sơn Hà giáp giới với huyện Minh Long, nhìn từ vùng đồng bằng trung tâm tỉnh Quảng Ngãi lên phía tây, núi sừng sững đứng giữa trời. Chữ Hán gọi là Thạch Bích (石 璧), tên nôm gọi là Đá Vách. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc Sử quán triều Nguyễn, quyển chép về tỉnh Quảng Ngãi viết: "Thế núi chót vót, vách đá đứt ngang, rất hiểm trở, cỏ mọc rậm rạp, chưa từng có tiều phu đến chặt củi. Buổi sớm khói mây ngưng sắc tía, suối hang ngậm màu son. Lúc mặt trời chiếu xuống, núi đá đều sáng láng như ánh sao đêm". Trong 10 bài vịnh cảnh của Thi sĩ Nguyễn Cư Trinh, khi còn làm Tuần vũ Quảng Ngãi (1750), có một bài thơ đề là Thạch Bích tà dương (Bóng chiều núi Thạch Bích). Thạch Bích là căn cứ chống phong kiến và thực dân của các thủ lĩnh nghĩa quân Hrê trong lịch sử, đồng thời là một cảnh đẹp ở Quảng Ngãi (2). Núi Cao Muôn Tên chữ Hán là Cao Môn (高 門), đọc trại thành Cao Muôn, núi cao ở vùng Ba Tơ. Sách Đại Nam nhất thống chí chép: "Thế núi cao vót lên trời, làm trấn sơn cho các núi. Đá núi rải nằm, óng ánh năm sắc, hoặc giống hình người, hình thú; hoặc giống hình cá, hình rồng. Núi này có sinh cây tượng đằng (loại mây) lớn như cây cau. Ở dưới có khe hố thâm hiểm ( ). Có một đường đi qua trên đỉnh núi có chữ bằng thẳng, tương truyền đó là chỗ ông Tả quân Lê Văn Duyệt khai thác ra, nay vẫn còn". Xưa kia, núi Cao Muôn là căn cứ chống phong kiến, đế quốc của nghĩa quân dân tộc Hrê. Sau tháng 3.1945 là căn cứ của Đội Du kích Ba Tơ. Núi Lớn Tên chữ Hán là Đại Sơn (大山), nằm ở phía tây huyện Mộ Đức. Sách Đồng Khánh địa dư chí chép: "Rặng núi uốn lượn, dài 70 dặm, gồm 81 ngọn, 36 con suối. Ngọn ở giữa rất cao. Núi Lớn là ngọn núi nổi tiếng của huyện và là núi tổ của các ngọn núi từ giữa huyện chạy về phía bắc. Về phía đông bắc, núi nhô lên thành hai ngọn Nê Nguyên và Lỗ Tây, qua hẻm núi rồi lại nhô lên, thành núi Bắc Dương". Năm 1924, rừng núi Lớn được đặt thành rừng cấm. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, núi Lớn được chọn làm một trong hai chiến khu của Đội Du kích Ba Tơ.
  38. 2. SÔNG Trên bình diện địa hình, vùng Quảng Ngãi có 4 con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và sông Trà Câu. Các con sông này có đặc trưng chung là đều có hướng chảy vĩ tuyến hoặc á vĩ tuyến, phân bố khá đều trên vùng đồng bằng Quảng Ngãi. Sông Trà Bồng Nằm ở phía bắc tỉnh, bắt nguồn từ dãy núi phía tây của huyện Trà Bồng, chảy qua huyện Bình Sơn ra biển tại cửa Sa Cần. Sông dài khoảng 45km, hướng chảy cơ bản từ tây sang đông, đoạn cửa sông hướng rẽ hướng nam - bắc. Phần lớn sông chảy qua vùng địa hình rừng núi có độ cao 200 - 1.300m, phần còn lại chảy trong vùng đồng bằng xen đồi trọc và bãi cát. Phía thượng nguồn của sông Trà Bồng có nhiều phụ lưu gồm nhiều sông suối, áng k như suối Nun, suối Cà Đú, sông Trà Bói ở các xã Trà Thủy, Trà Giang. Về tới hạ lưu đông huyện Bình Sơn có thế đất khá cao, nên sông Trà Bồng không còn chảy xiết như đoạn trên. Nước chảy lờ đờ, do vậy mà khác với sông Vệ và sông Trà Khúc, xưa kia người ta không thể đặt xe nước trên sông Trà Bồng. Đoạn gần cửa sông còn có những vùng có độ cao 10 - 40m. Sông Trà Bồng có 5 nhánh cấp I. Ở vùng hạ lưu còn có các nhánh sông suối nhỏ chảy ngược, hợp nước vào sông chính trước khi đổ ra biển. Nhánh suối Sâu (xã Bình Minh, huyện Bình Sơn) bắt nguồn từ núi Đá Miếu (xã Bình An, huyện Bình Sơn) theo hướng bắc - nam, gặp sông chính tại An Phong (xã Bình Mỹ, huyện Bình Sơn), dài 19km. Nhánh sông Bí chảy từ Đông Phước (xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn) theo hướng nam - bắc, gặp sông chính ở Thượng Hà (xã Bình Thới, huyện Bình Sơn) tiếp giáp giữa hạ lưu và cửa sông dài 12km. Lưu vực sông Trà Bồng bao gồm hầu hết huyện Trà Bồng và huyện Bình Sơn. Diện tích lưu vực khoảng 697km2. Sông Trà Khúc Nằm ở gần giữa tỉnh, sông Trà Khúc là sông lớn có lượng nước dồi dào nhất so với các sông khác trong toàn tỉnh. Ở thượng nguồn sông có 3 nguồn chính: Nguồn thứ nhất từ vùng Giá Vụt phía tây huyện Ba Tơ, chảy theo hướng nam - bắc, đến địa hạt huyện Sơn Hà, gọi là sông Rhe. Nguồn thứ hai bắt nguồn từ vùng đông Kon Tum và huyện Sơn Tây, với các suối lớn nhỏ hợp nước với nhau chảy theo hướng tây - đông xuống Sơn Hà, gọi là sông Rinh (Đắk Rinh). Một nguồn nước rất quan trọng của sông Rinh là sông Tang. Sông Tang bắt nguồn từ huyện Tây Trà, chảy theo hướng tây bắc - đông nam, hợp nước với sông Rinh ở đoạn làng Lô, làng Mùng xã Sơn Bao phía tây bắc huyện Sơn Hà. Sông Tang đang xây dựng hồ chứa nước lớn, gọi là hồ Nước Trong. Nguồn thứ ba bắt nguồn từ tây nam huyện Sơn Hà giáp giới huyện Sơn Tây, chảy theo hướng tây nam - đông bắc, gọi là sông Xà Lò (Đắk Sêlô).
  39. Ba sông chính từ các hướng khác nhau cùng hợp nước ở các xã Sơn Trung, Sơn Hải, phía đông nam huyện lỵ Sơn Hà, và đoạn sông này người ta thường gọi là sông Hải Giá. Từ Hải Giá sông chảy theo hướng tây nam - đông bắc đến Thạch Nham (giáp giới 3 huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa) thì thoát khỏi núi non, một đoạn nữa đến thôn Hưng Nhượng xã Tịnh Đông về sau thì hướng chảy cơ bản là tây - đông, tuy nhiên vẫn có nhiều đoạn sông quanh gấp khúc (do vậy được gọi là sông Trà Khúc). Ở Thạch Nham, người ta đã xây dựng đập chắn ngang sông, để nước dâng lên, theo hai kênh Chính Bắc - Chính Nam chảy tưới cho các đồng bằng Quảng Ngãi. Công trình đại thủy nông Thạch Nham là một công trình thủy lợi kỳ vĩ. Xưa kia trên sông Trà Khúc từ Đồng Nhơn (xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh) đến cuối nguồn, người ta đặt rất nhiều guồng xe nước lớn để tưới cho đồng ruộng. Sông Trà Khúc ở các hợp lưu thượng nguồn sông đào lòng nước dữ dội qua các thung lũng, đến hạ lưu nước vẫn chảy rất xiết cho đến khi đổ nước ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc có độ dài khoảng 135km, trong đó có khoảng 2/3 chiều dài sông chảy qua vùng núi và rừng rậm, có độ cao 200 - 1.000m, phần còn lại chảy qua vùng đồng bằng. Bởi hợp lưu từ nhiều hướng khác nhau, nên sông có dạng hình cành cây, có 9 phụ lưu cấp I, 5 phụ lưu cấp II, 6 phụ lưu cấp III và 2 phụ lưu cấp IV. Sông Trà Khúc có diện tích lưu vực khoảng 3.240km2, bao gồm phần đất của các huyện Sơn Hà, Tư Nghĩa, một phần huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Tịnh và Trà Bồng, Tây Trà, có một phần nguồn nhỏ thuộc địa phận tỉnh Kon Tum. Trên bề mặt lưu vực sông có khoảng nửa diện tích kể từ nguồn là rừng già, còn lại là rừng thưa kiểu cao nguyên và cây bụi rậm; vùng hạ lưu là đất canh tác và đồng bằng trồng lúa chiếm diện tích khá lớn. Sông Vệ Bắt nguồn từ rừng núi phía tây của huyện Ba Tơ. Sông chảy theo hướng tây nam - đông bắc, giữa các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Mộ Đức đổ ra biển Đông tại cửa Cổ Lũy và cửa Đức Lợi. Sông dài khoảng 90km, trong đó có 2/3 chiều dài chảy trong vùng núi có độ cao 100 - 1.000m. Sông có 5 phụ lưu cấp I; 2 phụ lưu cấp II. Các phụ lưu không lớn, đáng kể là: Sông Liên: bắt nguồn từ vùng núi tây nam huyện Ba Tơ, chảy theo hướng tây nam - đông bắc, hợp nước với sông Tô ở thị trấn Ba Tơ. Sông Tà Nô hay sông Tô: chảy từ đồng Bia xã Ba Tô có độ cao trên 200m, theo hướng tây - đông, hợp với sông chính cách huyện lỵ Ba Tơ 18km về phía hạ lưu. Sông Mễ: chảy từ vùng núi Mum, phần tiếp giáp giữa 2 huyện Ba Tơ và Minh Long theo hướng tây bắc - đông nam, hợp lưu tại khoảng làng Tăng xã Ba Thành, dài khoảng 9km. Dòng chính cơ bản chảy theo hướng tây nam - đông bắc, dọc huyện Nghĩa Hành, đến hết xã Hành Thiện thì sông thoát khỏi núi, chảy trên vùng đồng bằng. Tại điểm này có trạm bơm Nam sông Vệ. Đến qua đường sắt, sông chảy giữa hai huyện Tư Nghĩa - Mộ Đức. Trên sông Vệ xưa kia cũng có rất nhiều guồng xe nước. Cuối nguồn, sông Vệ đổ ra cửa Lở và cửa Đại Cổ Lũy. Sông Vệ có 1 chi lưu đáng kể nhất là sông Thoa. Sông Thoa bắt đầu từ thôn Mỹ Hưng (xã Hành Thịnh, huyện Nghĩa Hành) và thôn Phú An (xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức) theo hướng
  40. tây bắc - đông nam đến Sa Bình (xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ) thì nhập với sông Trà Câu rồi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Ngoài ra, còn có các nhánh sông khác như sông Cây Bứa dài 15km, sông Phú Thọ dài 16km, hợp lưu với sông chính gần vùng cửa sông tạo thành hình nan quạt. Sông Phú Thọ thực chất là đoạn sông Vệ ở cuối nguồn. Nguồn của chúng chủ yếu là nước mưa của vùng tiếp giáp giữa rừng núi và đồng bằng. Sông Vệ có diện tích lưu vực 1.260km2, bao gồm địa hạt các huyện Ba Tơ, Minh Long, Mộ Đức, Nghĩa Hành và một phần nhỏ diện tích của huyện Tư Nghĩa. Độ cao trung bình lưu vực khoảng 170m, mật độ lưới sông 0,79km/km2. Thực vật che phủ bề mặt lưu vực vùng thượng lưu phần lớn là rừng già, bụi rậm, vùng hạ lưu chủ yếu là vùng đất canh tác nông nghiệp. Sông Trà Câu Bắt nguồn từ vùng núi Ba Trang (huyện Ba Tơ), với độ cao 400m. Dòng sông chính chủ yếu chảy theo hướng tây - đông, đoạn trên thường gọi là sông Vực Liêm. Ở cuối nguồn, sông Trà Câu nhập lưu với sông Thoa tại Sa Bình, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, rồi đổ ra cửa Mỹ Á cách đó khoảng 2,5km. Sông Trà Câu có diện tích lưu vực 442km2, chiều dài sông khoảng 32km; chiều dài lưu vực 19km và chiều rộng bình quân lưu vực 14km. Đây là con sông nhỏ nhất trong các con sông kể trên, nước thường cạn kiệt về mùa khô. Lưu vực sông Trà Câu bao gồm một phần phía đông và đông nam huyện Ba Tơ, các xã Phổ Phong, Phổ Thuận, Phổ Nhơn huyện Đức Phổ. Lớp phủ thực vật chủ yếu là rừng thưa và đồi núi trọc. Đặc trưng thuỷ văn các sông chính tỉnh Quảng Ngãi Chiều dài Chiều rộng Diện tích Chiều dài Sông lưu vực lưu vực lưu vực sông (km) (km) (km) (km2) Trà 45 56 12,4 697 Bồng Trà 135 123 26,3 3.240 Khúc Sông 90 70 18,0 1.260 Vệ Trà Câu 32 19 14,0 442 3. HỒ, ĐẦM Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 3 đầm nước tự nhiên là Nước Mặn, An Khê, Lâm Bình.