Tác phẩm dịch DC - 19 - Kinh tế học và Tri thức
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tác phẩm dịch DC - 19 - Kinh tế học và Tri thức", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- tac_pham_dich_dc_19_kinh_te_hoc_va_tri_thuc.pdf
Nội dung text: Tác phẩm dịch DC - 19 - Kinh tế học và Tri thức
- Tác phẩm dịch DC-19 Kinh tế học và Tri thức Freidrich A. von Hayek Đinh Tuấn Minh dịch
- © 2011 Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Tác phẩm dịch DC-19 Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội Kinh tế học và Tri thức1 Freidrich A. von Hayek Đinh Tuấn Minh2 dịch và giới thiệu Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của (các) tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của dịch giả hoặc VEPR. 1 Bài phát biểu của chủ tịch trước Câu lạc bộ Kinh tế London, tháng 10, 1936; được in lại trong Economica, Vol. IV, 1937, pp. 33-54. Bản tiếng Việt này được dịch từ nguyên bản tiếng Anh in trong Economica, Vol. IV, 1937, pp. 33-54. Tôi xin chân thành cảm ơn Nguyễn An Nguyên, Trần Quang Đông, và một số bạn khác đã có nhứng góp ý quí báu trong quá trình dịch thuật bài luận này. 2Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Email: dinh.tuanminh@vepr.org.vn 1
- Giới thiệu của dịch giả Tôi bắt đầu dịch bài tiểu luận này của F.A. Hayek cách đây khoảng 10 năm, và có lẽ đã đến lúc phải kết thúc công việc dang dở này. Khó khăn chính mà tôi gặp phải khi dịch bài tiểu luận này chủ yếu là do nội dung tương đối rời rạc của nó. Như Hayek đã có lần hồi tưởng, bài luận này được viết ra trong “một phút xuất thần”. Có lẽ chính vì sự “xuất thần” này nên bài luận có đặc điểm là mở ra các vấn đề cần phải giải quyết thay vì giải quyết trọn vẹn một vấn đề nào đó. Nó là một bước chuyển tiếp từ Hayek I, một nhà kinh tế kỹ thuật chuyên về lý thuyết tiền tệ và chu kỳ kinh doanh, sang Hayek II, một tư tưởng gia về khoa học xã hội, trong đó có kinh tế học. Độc giả sẽ thấy bài luận đề cập đến một loạt các vấn đề hết sức nền tảng về phương pháp luận trong kinh tế học. Cụ thể đó là những câu hỏi: Liệu có khả năng phân tách giữa hai lĩnh vực kinh tế lý thuyết và kinh tế ứng dụng được không? Vì sao phương pháp nghiên cứu kinh tế lý thuyết thuần túy lại là công việc triển khai một hệ thống logic hình thức kín kẽ còn phương pháp nghiên cứu kinh tế ứng dụng lại nên là phương pháp phân tích so sánh các mô thức lý tưởng? Khái niệm cân bằng trong kinh tế học có nội hàm như thế nào? Làm thế nào đưa được yếu tố thời gian vào trong phân tích cân bằng? Vì sao thế giới thực lại có xu hướng hướng đến trạng thái cân bằng? Vai trò của các định đề về quá trình tiếp thu và truyền tải tri thức trong việc giải thích xu hướng hướng đến trạng thái cân bằng là như thế nào? Tại sao nền kinh tế vẫn có thể đạt được trạng thái cân bằng hay tại sao trật tự tự phát có thể tồn tại bất chấp thực tế là mỗi cá nhân trong xã hội chỉ sở hữu một mảnh nhỏ tri thức tổng thể? Vì sao trạng thái cân bằng lại chưa hẳn là trạng thái tối ưu Pareto? v.v Những vấn đề Hayek đặt ra là những thử thách thật sự cho giới kinh tế học hàn lâm. Bản thân Hayek sau này cũng đã tốn nhiều giấy mực để giải quyết chúng. Một phần tác phẩm “The Counter-Revolution of Science: Studies on the Abuse of Reason” (1952) hướng đến xác lập một nền tảng để phân tách giữa kinh tế học lý thuyết và kinh tế ứng dụng. Với vấn đề tiếp thu và truyền tải tri thức, ông đã tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau, từ góc độ tâm lý trong tác phẩm “The Sensory Order” (1952), góc độ hệ thống giá cả trong bài tiểu luận nổi tiếng “The Use of Knowledge in Society” (1945), cho đến góc độ thể chế xã hội trong tác phẩm “Law, Legislation, and Liberty” (1973-1979). Đây cũng 2
- là vấn đề được các nhà kinh tế học vi mô xem xét giải quyết dưới các hình thức như lý thuyết quyết định Bayesian, các lý thuyết về tiếp nhận và lan truyền thông tin (G.J. Stingler), hay lý thuyết về giải quyết vấn đề (H. Simon). Khái niệm cân bằng liên thời gian (inter-temporal equilibrium) của Hayek cũng được các kinh tế gia hàng đầu sau này tiếp nhận ở nhiều mức độ khác nhau để ứng dụng trong lý thuyết trò chơi, đưa vào lý thuyết cân bằng tổng thể (bởi Arrow và Debreu), hay giải thích chu kỳ kinh doanh (bởi R. Lucas). Tôi hy vọng rằng bản dịch cuối cùng này, tuy vẫn còn những khiếm khuyết nhất định, đã truyền tải trung thực nội dung bài tiều luận quan trọng này của Hayek. Tuy nhiên, để có thể thực sự hiểu ý nghĩa của bài tiểu luận này đối với sự nghiệp học thuật của Hayek nói riêng cũng như kinh tế học nói chung, độc giả nên tham khảo thêm các tác phẩm khác viết về Hayek, chẳng hạn chương 10 “‘Economics and Knowledge’ and Hayek’s Transformation” trong tác phẩm “Hayek’s Challenge: An Intellectual Biography of F.A. Hayek” (2004) của Bruce Caldwell, và chương 13 của tác phẩm “Friedrich Hayek: cuộc đời và sự nghiệp” của Alan Ebenstein, do NXB Tri Thức ấn hành năm 2007. Tôi tin rằng việc tìm hiểu những trăn trở của một nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Hayek về phương pháp luận của kinh tế học và truy tìm cách thức bản thân ông và giới kinh tế học hàn lâm giải quyết chúng sẽ giúp chúng ta nằm bắt được những tiến bộ thực sự của kinh tế học hiện đại trong những thập kỷ gần đây. 3
- I Sự mơ hồ của tiêu đề bài luận này không phải là vô tình. Dĩ nhiên chủ đề chính mà nó bàn đến là về vai trò mà các giả thiết và định đề về tri thức sở hữu bởi các thành viên khác nhau trong xã hội hiện diện trong phân tích kinh tế. Nhưng không có nghĩa bài luận không hề quan tâm gì tới một câu hỏi khác có thể được bàn luận với cùng tiêu đề: phân tích kinh tế hình thức truyền tải được bao nhiêu tri thức về các hiện tượng xảy ra trong thế giới thực? Thực ra, luận điểm chính của tôi là: các hằng đề (tautologies), thành phần thiết yếu của phân tích cân bằng hình thức trong kinh tế học, chỉ có thể trở thành các định đề truyển tải tri thức về mối quan hệ nhân quả trong thế giới thực chừng nào chúng ta có khả năng thổi vào hệ thống những định đề hình thức đó các mệnh đề xác định về cách thức tiếp thu và truyền đạt tri thức. Nói ngắn ngọn, tôi cho rằng yếu tố thực nghiệm trong lý thuyết kinh tế – phần duy nhất liên quan không chỉ tới các cách suy luận mà còn tới các nguyên nhân và kết quả trong thế giới thực, và do vậy đem đến những kết luận, trên nguyên tắc, có thể kiểm chứng được3 – chứa đựng các định đề về sự tiếp thu tri thức. Tôi xin bắt đầu bằng việc nhắc lại một thực tế thú vị. Rất nhiều nỗ lực nhằm đưa nghiên cứu lý thuyết vượt ra ngoài phạm vi phân tích cân bằng truyền thống trong thời gian gần đây ở nhiều chuyên ngành khác nhau đều nhanh chóng quay trở lại đòi hỏi phải làm sáng tỏ các giả thiết, mà nếu không hoàn toàn đồng nhất với thuật ngữ của tôi thì ít nhất cũng là một phần của nó, về khả năng tiên đoán (foresight). Như nhiều người khác, tôi nghĩ rằng lý thuyết về rủi ro là lĩnh vực đầu tiên thu hút rộng rãi tranh luận về các giả thiết về khả năng tiên đoán.4 Công trình nghiên cứu của Frank H. Knight trong lĩnh vực này có lẽ là một cú hích tạo ảnh hưởng mạnh mẽ vượt ra ngoài phạm vi chuyên ngành của nó. Không lâu sau đó, các giả thiết về khả năng tiên đoán đã thể hiện vai trò nền tảng trong việc giải đáp các vấn đề hóc búa về lý thuyết cạnh tranh không hoàn hảo, về lưỡng độc quyền và độc quyền đầu sỏ. Các giả thiết về khả năng tiên đoán và “phỏng đoán” cũng ngày càng thể hiện vai trò quan trọng không kém trong nghiên cứu về các vần đề “động” (dynamic) liên quan tới tiền tệ và dao động ngành. Cụ thể hơn, những khái niệm 3 Hay cho phép phủ chứng (falsification) (xem K. R. Popper, Logik der Foschung, Vienna, 1935, nhiều đoạn). 4 Một khảo cứu hoàn thiện hơn về quá trình theo đó vai trò của các phỏng đoán được dần đưa vào trong phân tích kinh tế có lẽ nên bắt đầu bằng tác phẩm của Irving Fisher, Appreciation and Interest, 1896. 4
- đã được đưa vào trong các lĩnh vực này từ phân tích cân bằng hình thức, chẳng hạn như những khái niệm về mức lãi suất cân bằng, có thể được định nghĩa chính xác chỉ với sự hiện diện của các giả thiết liên quan tới khả năng tiên đoán. Mấu chốt ở đây có lẽ là, trước khi có thể giải thích tại sao người ta phạm sai lầm, trước tiên chúng ta phải giải thích tại sao họ lại đúng cái đã. Nói chung, dường như đã tới điểm mà tất cả chúng ta đều nhận thấy là bản thân khái niệm cân bằng chỉ có thể được xác định và làm rõ ràng khi có sự hiện diện của các giả thiết về khả năng tiên đoán, bất chấp việc chúng ta vẫn chưa hoàn toàn nhất trí được với nhau các giả thiết cốt yếu này chính xác là gì. Đây là câu hỏi khiến tôi phải tốn nhiều giấy mực ở phần sau của bài viết. Nhưng hiện tại mối bận tâm duy nhất của tôi là chỉ ra dù chúng ta có muốn xác định ranh giới cho việc phân tích tĩnh kinh tế (economic statics) hay là muốn đi xa hơn nữa thì chúng ta vẫn không thể tránh khỏi vấn đề gây tranh cãi: các giả thiết về khả năng tiên đoán chính xác nằm ở đâu trong lập luận của chúng ta? Chẳng lẽ chúng có thể nằm tùy tiện bất cứ chỗ nào? Thực ra thì câu hỏi trên có lẽ chỉ là một khía cạnh rất nhỏ của một vấn đề khổng lồ hơn nhiều mà chúng ta đã nêu ra ngay ở phần đầu. Trên thực tế, những câu hỏi về cơ bản tương tự các câu hỏi trên sẽ nảy sinh ngay khi chúng ta thử áp dụng hệ thống các hằng đề – các chuỗi định đề chắc chắn đúng vì chúng đơn thuần chỉ là những biến đổi của các giả thiết đưa ra ban đầu, và chúng cấu thành nội dung chính của phân tích cân bằng5 – vào trong bối cảnh một xã hội gồm một số người độc lập. Đã từ lâu, tôi cảm thấy rằng bản thân khái niệm cân bằng và các phương pháp được sử dụng trong phân tích hình thức thuần tuý chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta giới hạn chúng trong phân tích hành động 5 Tôi muốn làm rõ ràng ngay từ đầu là thuật ngữ "phân tích cân bằng" mà tôi sử dụng xuyên suốt bài viết này có nghĩa hẹp hơn, tương đương với thuật ngữ “cách tiếp cận chức năng” của Hans Mayer (phân biệt với “cách tiếp cận nhân quả tổng quát” (causal-generic)), và tương đương cách dùng của "trường phái toán học" (một cái tên chưa thật sự chuẩn xác lắm). Hầu hết các tranh luận lý thuyết xảy ra cách đây mươi mười lăm năm xảy ra xung quanh cách tiếp cận này. Đúng là Mayer đã đi trước chúng ta một bước khi kiên trì theo đuổi phương pháp "nhân quả tổng quát", nhưng cũng không thể chối bỏ là cách tiếp cận “chức năng” này vẫn còn nhiều hứa hẹn. Tại đây tôi cũng muốn xác nhận là một số gợi ý quan trọng trong bài báo của ông có liên quan mật thiết với những vấn đề được giải quyết ở đây. Xem H. Mayer, "Der Erkenntniswert der funktionellen Preistheorien," Die Wirtschaftstheorie der Gegenwart, Vol. II, 1931; P. N. Rosenstein- Rodan, "Das Zeitmoment in der Mathematischen Theorie des wirtschaftlichen Gleichgewichts," Zeitschrift fur Nationalokonomie, Vol. I, No. 1, và "The Role of Time in Economic Theory," Economica (N.S.), Vol. I (1), 1934. 5
- của một cá nhân đơn lẻ và rằng chúng ta thực sự đang bước sang một lĩnh vực khác và lặng lẽ đưa vào trong phân tích một yếu tố mới với đặc điểm hoàn toàn khác khi chúng ta áp dụng hệ thống các hằng đề để giải thích các tương tác của một số cá nhân khác nhau. Tôi tin rằng có nhiều người không còn đủ kiên nhẫn và tin tưởng vào xu hướng chung xuất hiện trong các phân tích cân bằng hiện đại: xu hướng chuyển kinh tế học thành một bộ môn logic thuần tuý, một tập các định đề hiển nhiên, tương tự như toán học hay hình học, có sự nhất quán nội tại, không phụ thuộc vào các kiểm nghiệm. Tuy nhiên, nếu chỉ theo đuổi quá trình này, kinh tế học có lẽ chỉ còn là một mớ công cụ. Trong quá trình chắt lọc những phần tử thuần tuý tiên nghiệm từ những lý giải của chúng ta về các thực tế trong đời sống kinh tế, chúng ta chẳng những tách ra được một phần tử tiên nghiệm dưới dạng Logic Thuần tuý về Lựa chọn (Pure Logic of Choice), mà còn cô lập và làm nổi bật vai trò của một phần tử tiên nghiệm khác vốn chẳng được ai nhòm ngó đến. Phê phán của tôi đối với những xu hướng gần đây về xây dựng lý thuyết kinh tế ngày càng hình thức không phải là ở chỗ chúng ta đã đi quá xa mà là chúng ta vẫn chưa làm đến nơi đến chốn việc phân tách bộ môn logic này nhằm đưa việc nghiên cứu các quá trình nhân quả trong thế giới thực vào đúng vị trí của nó thông qua việc sử dụng lý thuyết kinh tế hình thức như là một công cụ giống như toán học. II Nhưng để có thể chứng minh luận điểm rằng không thể áp dụng trực tiếp các hằng đề trong phân tích cân bằng thuần túy vào việc giải thích các quan hệ xã hội thì trước tiên tôi phải chỉ ra rằng khái niệm cân bằng mang một nghĩa rõ ràng khi nó được áp dụng cho những hành động của một cá nhân đơn lẻ. Vậy nghĩa này là gì? Để phản bác lại luận điểm của tôi người ta có thể nói rằng chính tại đây khái niệm cân bằng không có ý nghĩa, bởi vì, nếu người ta muốn áp dụng nó, tất cả những gì người ta có thể rút ra sẽ là: một cá nhân đơn lẻ vốn dĩ đã luôn ở trạng thái cân bằng. Nhưng mệnh đề cuối cùng này, mặc dù là một sự thật hiển nhiên, không cho ta biết bất cứ điều gì khác hơn ngoài phương cách mà khái niệm cân bằng thường bị sử dụng sai. Vấn đề không phải là ở chỗ liệu một người như thế có ở trạng thái cân bằng hay không mà là những hành động nào của anh ta nằm 6
- trong các mối quan hệ cân bằng với nhau. Tất cả các định đề trong phân tích cân bằng, như định đề cho rằng các giá trị tương đối sẽ tương ứng với các chi phí tương đối, hay một người sẽ cân bằng các lợi ích cận biên của bất kỳ một yếu tố nào giữa những cách sử dụng khác nhau của yếu tố này, là các định đề về các mối quan hệ giữa các hành động. Các hành động của một người có thể được coi là ở trạng thái cân bằng chỉ ở chừng mực khi chúng có thể được xem như là bộ phận của một kế hoạch. Chỉ khi điều kiện này được thỏa mãn, tức là chỉ khi tất cả các hành động này đã được quyết định tại cùng một thời điểm và với sự cân nhắc tới cùng một tập các hoàn cảnh thì chúng ta mới có thể tiến hành đưa ra các mệnh đề về mối quan hệ mắt xích giữa các hành động từ các giả thiết về tri thức và sở thích của người này. Cần phải nhớ rằng cái gọi là “dữ liệu” (data), mà chúng ta nhào nặn trong quá trình phân tích cân bằng, là tất cả những dữ kiện (facts) (không kể phần sở thích của anh ta ra) có sẵn đối với người đang được chúng ta xem xét, những cái mà anh ta biết (hay tin) là tồn tại, và không phải là các dữ kiện khách quan xét dưới bất kỳ khía cạnh nào. Chỉ với điều kiện này thì các định đề mà chúng ta rút ra mới đảm bảo hợp lệ về mặt logic và tính nhất quán của luận điểm được đảm bảo 6. Hai kết luận chính rút ra từ những phân tích trên là, thứ nhất, do các quan hệ cân bằng giữa các hành động kế tiếp của một người chỉ tồn tại khi chúng là một phần của quá trình thực thi cùng một kế hoạch nên bất kỳ sự thay đổi nào về tri thức liên quan tới kế hoạch đó của người này, tức bất kỳ thay đổi nào khiến anh ta thay đổi kế hoạch, đều phá vỡ mối quan hệ cân bằng giữa các hành động được anh ta thực hiện ở các thời điểm trước và sau khi có sự thay đổi về tri thức. Nói cách khác, mối quan hệ cân bằng chỉ bao gồm các hành động trong giai đoạn mà các dự tính của anh ta tỏ ra là đúng. Thứ hai, do cân bằng là mối quan hệ giữa các hành động, và do các hành động của một người dứt khoát phải xảy ra liên tiếp theo thời gian, nên hiển nhiên dòng thời gian là yếu tố không thể thiếu nếu muốn khái niệm cân bằng có một ý nghĩa nào đó. Điều này đáng để bàn do nhiều nhà kinh tế dường như không đủ khả năng tìm ra một vị trí cho thời gian trong phân tích cân bằng và đã dẫn đến việc đưa ra ý tưởng cân bằng phải được nhìn nhận như 6 Bàn về điểm này một cách cụ thể, xem Ludwig von Mises, Grundprobleme der Nationalokonomie, Jena, 1933, tr. 22 và trang tiếp theo, tr. 160 và trang tiếp theo. 7
- là không chịu ảnh hưởng của thời gian. Đối với tôi, đây dường như là một mệnh đề vô nghĩa. III Tuy ở phần trước tôi có tỏ thái độ nghi ngờ về khả năng áp dụng phân tích cân bằng theo nghĩa xác định ở trên cho hoàn cảnh của một xã hội cạnh tranh, nhưng tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận mục đích ban đầu của khái niệm này là để mô tả ý tưởng về một trạng thái cân bằng (balance) nào đó giữa các hành động của các cá nhân khác nhau. Những biện luận của tôi trên đây thực ra chỉ nhằm thể hiện một ý duy nhất là chúng ta không thể áp dụng ngay được khái niệm cân bằng mà được sử dụng theo nghĩa để mô tả sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các hành động khác nhau của một cá nhân cho các mối quan hệ giữa các hành động của những cá nhân khác nhau. Vận dụng khái niệm cân bằng trên như thế nào để bàn luận về cân bằng cho một hệ thống cạnh tranh mới thực sự là câu hỏi mà chúng ta phải trả lời. Chúng ta có thể đưa ra câu trả lời kiểu như sau bằng cách tiếp tục áp dụng phương pháp tiếp cận trên. Trạng thái cân bằng trong xã hội tồn tại nếu các hành động của tất cả các thành viên trong xã hội trong một giai đoạn là toàn bộ việc thực thi các kế hoạch riêng lẻ mà mỗi trong số họ đã quyết định ngay tại điểm khởi đầu của giai đoạn xem xét. Nhưng, khi chúng ta muốn biết thêm điều này ngụ ý chính xác cái gì, thì dường như cách trả lời này gây ra nhiều khó khăn hơn cái nó giải đáp. Việc áp dụng khái niệm cho trường hợp một người tách biệt (hay một nhóm người được chỉ đạo bởi một trong số họ) hành động trong một giai đoạn theo một kế hoạch định trước sẽ không vấp phải một khó khăn thực sự nào. Trong trường hợp này, kế hoạch không cần thiết phải thỏa mãn bất kỳ tiêu chí đặc biệt nào thì mới có thể nhận ra được việc thực thi nó. Dĩ nhiên, kế hoạch có thể được xây dựng dựa trên các giả định không đúng về các dữ kiện bên ngoài, và trong trường hợp này, nó có thể cần phải được điều chỉnh. Nhưng sẽ luôn có một tập các dữ kiện bên ngoài mà chúng ta có khả năng nhận biết khiến cho kế hoạch có thể được triển khai đúng như thiết kế lúc ban đầu. 8
- Tuy nhiên tình huống sẽ khác đi khi các kế hoạch được quyết định dù đồng thời nhưng độc lập với nhau bởi một số cá nhân. Thứ nhất, để tất cả các kế hoạch này có thể được tiến hành, chúng cần được xây dựng dựa trên kỳ vọng về cùng một tập các sự kiện bên ngoài, vì nếu những người khác nhau xây dựng các kế hoạch của họ dựa trên các kỳ vọng xung đột thì sẽ không thể tồn tại tập sự kiện bên ngoài nào làm cho việc thực thi tất cả các kế hoạch này khả thi. Và thứ hai, trong một xã hội dựa trên trao đổi thì ở một chừng mực nào đó các kế hoạch sẽ được thiết kế cho các hành động mà yêu cầu các hành động tương ứng từ phía các cá nhân khác. Điều này có nghĩa là, theo một nghĩa hẹp, các kế hoạch của các cá nhân khác nhau phải tương hợp nhau nếu ta hình dung họ có khả năng thi hành tất cả các kế hoạch đó.7 Hay nói một cách khác, vì một số "dữ liệu" mà một cá nhân bất kỳ sẽ sử dụng để xây dựng kế hoạch của mình sẽ là kỳ vọng để những người khác hành động theo cách riêng của mình, nên điều kiện để các kế hoạch khác nhau tương hợp với nhau là các kế hoạch của người này phải bao gồm chính xác những hành động tạo thành dữ liệu cung cấp cho các kế hoạch của những người kia. Trong phương pháp phân tích cân bằng truyền thống một phần khó khăn này có thể tránh được nhờ giả thiết rằng dữ liệu, dưới dạng các biểu cầu (demand schedules) thể hiện các thị hiếu cá nhân và các đặc tính công nghệ, được cung cấp bình đẳng cho mọi cá nhân và rằng hành động của họ dựa trên cùng một tập các dữ liệu sẽ bằng cách này hay cách khác khiến cho các kế hoạch của họ thích ứng lẫn nhau. Chúng ta dễ dàng chỉ ra được rằng giải pháp này thực tế không giải quyết ổn thoả những khó khăn phát sinh bởi vì các hành động của một người là dữ liệu của người khác và do vậy ở một mức độ nào đó nó rơi vào lý luận vòng vo. Tuy nhiên, dường như chúng ta còn bỏ sót một vấn đề. Đó 7 Trong một thời gian dài tôi tự hỏi tại sao, theo hiểu biết của tôi, lại không có những cố gắng hệ thống trong xã hội học để phân tích các mối quan hệ xã hội theo nghĩa tương ứng và không tương ứng, hay có khả năng tương hợp và không có khả năng tương hợp, về các mục tiêu và mong muốn riêng lẻ. Dường như phương pháp topo toán học, và cụ thể các khái niệm được phát triển bằng phương pháp này như phép đồng phôi (homemorphism), tỏ ra hữu dụng trong chuỗi phân tích này, mặc dù có thể nảy sinh nghi ngờ liệu ngay cả phương pháp này, ở bất kỳ mức phát triển hiện tại nào của nó, có đủ để giải quyết sự phức tạp của các cấu trúc chúng ta đang phải đương đầu ở đây. Cố gắng đầu tiên theo hướng này được một nhà toán học xuất chúng (Karl Menger, Moral, Wille und Weltgestaltung, Vienna, 1934) thực hiện gần đây vẫn chưa đem lại những kết quả rõ ràng. Nhưng chúng ta có thể trông đợi vào luận thuyết về lý thuyết xã hội học chính xác mà Menger hứa hẹn sẽ đưa ra trong tương lai gần. (xem, "Einige neuere Fortschritte in der exakten Behandlung sozialwissenschaftlicher Probleme," trong Neuere Fortschritte in den exakten Wissenschaften, Vienna, 1936, p. 132.) 9
- là, toàn bộ phương pháp này mắc phải một nhầm lẫn có tính tổng quát hơn nhiều xuất phát từ sự mập mờ nước đôi của thuật ngữ “dữ liệu” (datum), theo đó khó khăn vừa được đề cập chỉ là một trường hợp đặc biệt. Dữ liệu mà được giả định ở đây là các dữ kiện khách quan và giống nhau cho tất cả mọi người hiển nhiên không còn là loại dữ liệu ở thời điểm khởi đầu của một loạt quá trình biến đổi hằng đề trong Logic Thuần tuý về Lựa chọn. Ở thời điểm khởi đầu đó, “dữ liệu” có nghĩa là tất cả những dữ kiện, và chỉ những dữ kiện, mà hiện hữu trong tâm trí của cá nhân đang hành động, và chỉ với sự diễn giải chủ quan này về thuật ngữ “dữ liệu” mới làm cho các định đề đó chắc chắn đúng. Bản thân khái niệm “dữ liệu” đã hàm ý được cho sẵn, đã biết đối với người đang hành động. Nhưng trong quá trình chuyển tiếp từ việc phân tích hành động của một cá nhân sang phân tích trạng thái của một xã hội khái niệm dữ liệu đã có sự thay đổi ngầm về ý nghĩa. IV Sự nhầm lẫn về khái niệm dữ liệu là căn nguyên gây ra nhiều khó khăn trong lĩnh vực này nên có lẽ chúng ta cần xem xét nó chi tiết hơn. Tất nhiên, dữ liệu có nghĩa một cái gì đó đã cho sẵn, nhưng câu hỏi, mà vẫn còn để ngỏ, và trong khoa học xã hội có thể có hai câu trả lời, là với ai các dữ kiện được coi là cho sẵn. Trong tiềm thức, các nhà kinh tế học dường như luôn băn khoăn về điểm này và đã tự trấn an cho cái cảm giác rằng mình thực sự không biết với ai các dữ kiện này được cho sẵn bằng cách nhấn mạnh thực tế chúng đã được cho sẵn, thậm chí bằng cách sử dụng những cách biểu đạt thừa thãi như “dữ liệu cho sẵn” (given data). Nhưng cách này không giải quyết được vấn đề liệu các dữ kiện đề cập được coi là cho sẵn đối với nhà kinh tế học đang quan sát hay đối với những người có các hành động mà nhà kinh tế học muốn giải thích, và, nếu là trường hợp sau thì liệu chúng ta có thể giả định rằng tập các dữ kiện đó cùng được tất cả những người khác nhau trong hệ thống biết đến hay liệu rằng “dữ liệu” cho những người khác nhau có thể khác nhau. Không còn nghi ngờ gì rằng hai khái niệm “dữ liệu” này, một mặt, theo nghĩa các dữ kiện thực tế khách quan, được giả định là biết đối với nhà kinh tế đang quan sát, và mặt khác, theo nghĩa chủ quan, như là những cái được biết bởi những người mà hành vi của 10
- họ là đối tượng chúng ta cố gắng giải thích, là khác nhau thực sự về nền tảng và phải được phân biệt một cách cẩn thận. Và rồi chúng ta sẽ thấy, câu hỏi tại sao dữ liệu theo nghĩa chủ quan của thuật ngữ lại luôn luôn tương ứng với dữ liệu khách quan là một trong những vấn đề trọng tâm mà ta phải trả lời. Sự phân biệt này ngay lập tức tỏ rõ tính hữu ích khi ta áp dụng nó để tìm ý nghĩa cho khái niệm về một xã hội ở trạng thái cân bằng tại một thời điểm nào đó. Khi người ta nói các dữ liệu chủ quan, mà cho sẵn với những người khác nhau, và các kế hoạch riêng lẻ, mà là kết quả tất yếu của các dữ liệu này, tương hợp với nhau, thì hiển nhiên điều này bao hàm hai ý. Có thể chúng ta đơn thuần chỉ muốn nói những kế hoạch này tương hợp lẫn nhau và do đó tồn tại một tập các sự kiện bên ngoài có thể nhận biết được cho phép tất cả mọi người tiến hành các kế hoạch của mình và không gây ra bất kỳ sự thất vọng nào. Nếu giả sử không có sự tương hợp lẫn nhau giữa các kế hoạch, và vì thế không tồn tại tập sự kiện bên ngoài nào có thể thoả mãn toàn bộ các kỳ vọng, thì rõ ràng chúng ta có thể nói đây không phải là trạng thái cân bằng. Có một tình huống mà chúng ta không thể tránh khỏi, đó là chí ít luôn có một vài cá nhân điều chỉnh một vài nội dung trong các kế hoạch của mình, hay nói theo một lối nói trước đây nghe có vẻ mơ hồ nhưng giờ lại hoàn toàn phù hợp với bối cảnh này là, không thể tránh khỏi tình huống xuất hiện các nhiễu loạn “nội sinh”. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi khác là liệu có tồn tại các tập dữ liệu chủ quan của các cá nhân tương ứng với dữ liệu khách quan và vì thế liệu các kỳ vọng mà các kế hoạch nương vào sẽ được các thực tế xác nhận. Nếu giả sử trạng thái cân bằng đòi hỏi sự tương ứng giữa các dữ liệu theo nghĩa này, thì tại thời điểm kết thúc giai đoạn thực hiện kế hoạch sẽ không bao giờ có thể xác định được cái gì khác ngoài công việc duy nhất là xem xét lại quá khứ liệu tại điểm khởi đầu xã hội đã ở trạng thái cân bằng hay chưa. Trong trường hợp này, có lẽ để phù hợp hơn với cách dùng thông thường, chúng ta nói cân bằng, như được định nghĩa trong ý thứ nhất, có thể bị nhiễu bởi một sự mở rộng không- thể-dự-báo-trước của dữ liệu (khách quan) và chúng ta mô tả điều này như là một sự nhiễu loạn ngoại sinh. Thực tế, ta khó có thể gán cho khái niệm sự thay đổi dữ liệu (khách quan), một thuật ngữ được sử dụng rất nhiều, một nghĩa xác định nào trừ phi chúng ta phân biệt được những phát sinh bên ngoài tương hợp và khác với những kỳ 11
- vọng chung, và định nghĩa “sự thay đổi” là bất kỳ sự khác biệt nào giữa cái phát sinh thực tế và cái phát sinh theo kỳ vọng, bất kể “sự thay đổi” có mang một nghĩa tuyệt đối hay không. Nếu giả sử quá trình chuyển mùa bỗng dưng ngừng lại và sau một ngày nhất định thời tiết không thay đổi, thì dĩ nhiên điều này vẫn thể hiện một sự thay đổi dữ liệu theo cách của chúng ta, nghĩa là, một sự thay đổi tương đối so với kỳ vọng, mặc dù theo nghĩa tuyệt đối, nó không biểu hiện sự thay đổi mà là sự vắng mặt sự thay đổi. Dù thế nào điều này có nghĩa là chúng ta chỉ có thể nói về một sự thay đổi dữ liệu nếu như cân bằng theo cách hiểu thứ nhất tồn tại, tức là, nếu các kỳ vọng hội tụ. Nếu giả sử chúng đối nghịch, bất kỳ sự phát sinh các dữ kiện bên ngoài nào sẽ có thể thoả mãn kỳ vọng của một số người và làm thất vọng những người khác, và việc xác định đâu là sự thay đổi trong dữ liệu khách quan sẽ là điều không thể.8 V Do vậy, chúng ta có thể nói về một trạng thái cân bằng tại một thời điểm cho một xã hội – nhưng điều này chỉ có nghĩa là tồn tại một sự tương hợp giữa các kế hoạch hành động khác nhau mà các cá nhân cấu thành xã hội đó xây dựng lên vào đúng thời điểm đó. Và một khi sự cân bằng đó hiện hữu, nó sẽ tiếp tục tồn tại chừng nào các dữ liệu bên ngoài còn tương ứng với các kỳ vọng chung của mọi thành viên của xã hội. Sự tiếp tục trạng thái cân bằng theo nghĩa này do vậy không phụ thuộc vào dữ liệu khách quan không đổi theo nghĩa tuyệt đối và không nhất thiết bị bó hẹp trong một quá trình ổn định (stationary process). Trên nguyên tắc, phân tích cân bằng có thể áp dụng cho một xã hội thăng tiến (progressive society) và cho những mối quan hệ giá cả liên thời vốn dĩ đã gây ra cho chúng ta quá nhiều vấn đề trong thời gian gần đây. 9 8 Xem bài viết của tôi, "The Maintenance of Capital," Economica, Vol. II, 1935, p. 265. 9 Sự tách biệt khái niệm cân bằng này ra khỏi khái niệm về một trạng thái ổn định (stationary state) đối với tôi dường như là kết quả tất yếu của một quá trình đã diễn ra trong một thời gian đủ dài. Ngày nay có vẻ người ta cảm thấy mối quan hệ giữa hai khái niệm này không thực chất mà chỉ do các lý do lịch sử. Nếu việc tách biệt hoàn toàn chưa có hiệu lực, rõ ràng chỉ bởi vì chúng ta vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa thay thế cho một trạng thái cân bằng để có thể biểu hiện dưới dạng tổng quát những loại định đề phân tích cân bằng mà độc lập về bản chất với khái niệm một trạng thái ổn định. Song hiển nhiên là hầu hết các định đề về phân tích cân bằng không có ý định giới hạn phạm vi ứng dụng chỉ dưới dạng trạng thái ổn định mà 12
- Những nhận định này có lẽ giúp làm sáng tỏ đáng kể những mối quan hệ giữa cân bằng và khả năng tiên đoán được tranh luận khá sôi nổi trong thời gian gần đây.10 Dường như khái niệm cân bằng chỉ đơn thuần hàm ý rằng tiên đoán của các thành viên khác nhau trong xã hội sẽ trở nên chuẩn xác theo một nghĩa xác định nào đó. Nó phải chuẩn xác theo nghĩa kế hoạch của từng người được xây dựng dựa trên kỳ vọng về những hành động được dự định thực hiện bởi những người khác và tất cả những kế hoạch này được dựa trên kỳ vọng về cùng một tập các dữ kiện bên ngoài, sao cho dưới một số điều kiện nhất định không ai có bất kỳ lý do gì để thay đổi các kế hoạch của mình. Như vậy, tiên đoán chuẩn xác không phải là một điều kiện ban đầu buộc phải có để đạt được trạng thái cân bằng như thỉnh thoảng vẫn được hiểu. Đúng ra, đó là đặc điểm đặc trưng của một trạng thái cân bằng. Vì mục đích này cũng không cần khả năng tiên đoán phải hoàn hảo theo nghĩa là cần phải mở rộng tới tương lai vô hạn hay là mọi người phải dự tính mọi thứ chuẩn xác. Thay vì vậy chúng ta nói rằng cân bằng sẽ tiếp diễn miễn là những dự tính trở nên chuẩn xác và rằng chúng chỉ cần phải chuẩn xác về những điểm liên quan tới các quyết định của những cá nhân. Nhưng nội dung tiên đoán hoặc tri thức liên quan là gì, xin xem phần áp chót. Trước khi trình bày tiếp, tôi muốn dừng lại đôi chút để đưa ra một ví dụ cụ thể minh họa cho cái tôi vừa nói về nghĩa của một trạng thái cân bằng và do đâu nó có thể bị nhiễu loạn. Xem xét các quá trình chuẩn bị thực hiện diễn ra ở bất kỳ thời điểm nào trong lĩnh vực xây cất nhà cửa. Những người sản xuất gạch, lắp đặt hệ thống nước, và những người khác tất cả sẽ sản xuất các loại vật liệu mà trong mỗi trường hợp sẽ tương ứng với một số lượng nhất định những ngôi nhà mà khi xây dựng chỉ đòi hỏi những lượng vật liệu cụ thể có lẽ sẽ không bao giờ đạt được. Quá trình tách biệt có lẽ đã được bắt đầu bởi Marshall với sự phân biệt giữa cân bằng dài hạn và ngắn hạn. So sánh các mệnh đề tương tự như: "vì bản thân bản chất của sự cân bằng, và bản chất của các nguyên nhân xác định nó, phụ thuộc vào độ dài của thời kỳ mà thị trường mở rộng" (Principles, Vol. I, 6, 7th ed.,p. 330). Ý tưởng một trạng thái cân bằng mà không phải là một trạng thái ổn định đã được đưa ra trong bài viết của tôi: "Das intertemporale Gleichgewichts-system der Preise und die Bewegungen des Geldwerters," (Weltwirtschaftlicies Archiv, Vol. XXVIII, June, 1928), và tất nhiên là cần thiết nếu chúng ta muốn sử dụng hệ thống cân bằng để giải thích bất kỳ hiện tượng nào liên quan tới "đầu tư." Về tổng thể vấn đề này, với nhiều thông tin lịch sử, có thể tìm thấy trong bài viết của E. Schams, "Komparative Statik", (Zeitschrift fur Nationalokonomie, Vol. II, No. 1, 1930). 10 Cụ thể xem Oshr Morgenstern, "Vollkommene Voraussicht und wirtschaftliches Gleichgewicht", Zeitschrift fur Nationalokonomie, Vol. VI, 1934, p. 3. 13
- này. Tương tự chúng ta có thể hình dung những người mua tiềm năng với những khoản tiết kiệm tích luỹ mà sẽ cho phép họ ở những thời điểm nhất định có khả năng mua một số hữu hạn những ngôi nhà. Nếu tất cả những hoạt động này thể hiện sự chuẩn bị cho quá trình xây dựng (và mua) cùng một số lượng ngôi nhà, chúng ta có thể nói là tồn tại sự cân bằng giữa những hoạt động này theo nghĩa mọi người liên quan nhận thấy họ có thể tiến hành các kế hoạch của mình.11 Nhưng mọi việc không nhất nhất phải diễn ra như thế, vì các tình huống không thuộc kế hoạch hành động của họ có thể thay đổi khác với cái mà họ mong đợi. Một phần những vật liệu này có thể bị phá hỏng vì một sự kiện bất thường, điều kiện thời tiết có thể khiến cho không thể tiến hành việc xây dựng, hay một sáng chế có thể làm thay đổi tỷ lệ sử dụng các yếu tố sản xuất khác nhau. Đây là cái mà chúng ta gọi là một sự thay đổi trong dữ liệu (khách quan), mà làm nhiễu loạn cân bằng đã tồn tại. Nhưng nếu giả sử ngay từ lúc khởi đầu các kế hoạch khác nhau đã không tương hợp thì sự đổ vỡ và việc phải thay đổi kế hoạch của một vài người sẽ là điều không thể tránh khỏi, và hệ quả là tổng thể các hành động trong thời kỳ sẽ không có được những dạng đặc điểm mà lẽ ra sẽ xuất hiện trong trường hợp tất cả các hành động của mỗi cá nhân được coi như là một bộ phận của một kế hoạch cá nhân đơn lẻ được cá nhân đơn lẻ đó xây dựng lúc bắt đầu.12 11 Một ví dụ khác có ý nghĩa hơn là về sự tương ứng giữa "đầu tư" và "tiết kiệm" theo nghĩa tỷ lệ (dưới dạng chi phí tương đối) mà các doanh nhân cung cấp hàng hóa sản xuất và hàng hóa tiêu dùng trong một thời điểm cụ thể, và tỷ lệ mà người tiêu dùng nói chung tại thời điểm đó sẽ phân phối nguồn lực của họ giữa hàng hoá sản xuất và hàng hóa tiêu dùng (xem hai bài luận của tôi, "Preiserwartungen, monetare Storungen und Fehlinvestitionen," Ekonomisk Tidskrift, Vol. 34, 1935 (Bản dịch tiếng Pháp: "Previsions de Prix, Pertubations Monetaires et Faux Investissements," Revue des Sciences Economiques, October, 1935) , và "The Maintenance of Capital," Economica, Vol. II, 1935, pp. 268-273). Về điểm này, có lẽ nên đề cập đến nghiên cứu của nhà xã hội học vĩ đại người Pháp G. Tarde trong lĩnh vực về lý thuyết về khủng hoảng – lĩnh vực nghiên cứu giúp tôi đưa ra các ý tưởng trong bài viết này. Tarde đã nhẫn mạnh "sự mâu thuẫn của niềm tin" hay "sự mâu thuẫn của phán xét" hay "sự mâu thuẫn của hy vọng" là nguyên nhân chính của những hiện tượng này (Psychologie economique, Paris, 1902, Vol. II, pp. 128-29; cũng xem N. Pinkus, Das Problem des Normalen in der Nationalokonomie, Leipzig, 1906, pp. 252 and 275). 12 Có một câu hỏi thú vị mà tôi không thể bàn luận ở đây là,để chúng ta có thể nói về trạng thái cân bằng thì phải chăng điều kiện sẽ là mọi cá nhân đơn lẻ buộc phải đúng hay phải chăng vẫn là chưa đủ nếu như, do việc bù đắp các sai phạm theo những hướng khác nhau, các hàng hoá khác nhau đưa vào thị trường với đúng những lượng cứ như thể mọi cá nhân đều đúng. Theo tôi thì cân bằng theo nghĩa chặt sẽ đòi hỏi phải thoả mãn điều kiện thứ nhất, nhưng tôi cũng có thể tưởng tượng được là một khái niệm rộng hơn, mà đòi hỏi chỉ điều kiện thứ hai, có lẽ đôi khi hữu dụng. Bàn luận vấn đề này chi tiết hơn sẽ phải xem xét câu hỏi tổng thể về ý nghĩa mà một vài nhà kinh tế (bao gồm cả Pareto) gắn cho quy luật số lớn trong chuỗi phân 14
- VI Ở đây, trong mọi trường hợp, khi tôi nhấn mạnh tới sự khác biệt giữa sự tương hợp lẫn nhau (inter-compatibility) đơn thuần của các kế hoạch riêng lẻ13 và sự tương ứng giữa chúng với các dữ kiện thực tế bên ngoài hay dữ liệu khách quan, thì tôi không có ý cho rằng sự tương hợp chủ quan không được tạo ra theo một cách nào đó bởi các dữ kiện bên ngoài. Tất nhiên, không có lý do gì khiến cho dữ liệu chủ quan của những người khác nhau phải luôn tương ứng lẫn nhau trừ phi chúng đã là như vậy do sự trải nghiệm với cùng các dữ kiện khách quan. Nhưng vấn đề là phân tích thuần tuý về cân bằng không đề cập tới cách thức dẫn đến sự tương ứng này. Trong quá trình mô tả trạng thái cân bằng đang tồn tại như là kết quả của sự tương ứng, đơn giản người ta giả thiết dữ liệu chủ quan trùng khớp với dữ kiện khách quan. Các mối quan hệ cân bằng không thể đơn thuần được rút ra từ các dữ kiện khách quan, vì việc phân tích cái mà mọi người sẽ làm chỉ có thể bắt đầu từ cái họ biết. Phân tích cân bằng cũng không thể bắt đầu đơn thuần từ một tập dữ liệu chủ quan cho sẵn, do dữ liệu chủ quan của những người khác nhau sẽ hoặc có khả năng tương hợp hoặc không tương hợp với nhau, nghĩa là, chúng đã xác định liệu đã tồn tại sự cân bằng hay chưa. Chúng ta sẽ không gặt hái thêm được điều gì nữa ở đây trừ phi chúng ta muốn biết lý do tại sao chúng ta lại quan tâm tới trạng thái cân bằng đầy tính giả tưởng này. Dù các nhà kinh tế thuần tuý lý thuyết đôi khi có phát biểu điều gì đi chăng nữa thì có lẽ không còn nghi ngờ gì hết cách lý giải duy nhất cho điều này là sự tồn tại mang tính giả định của xu hướng tiến tới sự cân bằng. Chỉ với nhận định này thì kinh tế học mới không còn là một bài toán logic thuần túy và trở thành khoa học thực nghiệm; và nó phải là kinh tế học như là một ngành khoa học thực nghiệm mà bây giờ chúng ta đề cập đến. Nhờ việc giải nghĩa trạng thái cân bằng, việc chỉ ra nội dung thực sự của nhận định về sự tồn tại của một xu hướng hướng tới cân bằng đã trở nên dễ dàng. Có thể nó hầu như tích này. Về khía cạnh tổng quát xem P. N. Rosenstein-Rodan, "The Coordination of the General Theories of Money and Price", Economica, August, 1936. 13 Hay, do đặc tính hằng đúng của Logic Thuần tuý về Lựa chọn nên "các kế hoạch riêng lẻ" và "dữ liệu chủ quan" có thể được sử dụng thay thế lẫn nhau, thể hiện sự tương hợp giữa dữ liệu chủ quan của những người khác nhau. 15
- không hàm ý gì cả ngoài nội dung: dưới những điều kiện nhất định, tri thức và ý định của các thành viên khác nhau trong xã hội được ngầm định ngày càng tiến tới sự đồng thuận, hay nói một cách khác kém tổng quát và kém chính xác hơn nhưng cụ thể hơn, các kỳ vọng của mọi người và cụ thể là của các doanh nhân sẽ ngày càng trở nên chuẩn xác. Ở dạng này nhận định về sự tồn tại của một xu hướng hướng tới cân bằng rõ ràng là một định đề thực nghiệm, nghĩa là, một nhận định về cái xảy ra trong thế giới hiện thực phải, ít nhất trên nguyên tắc, cho phép kiểm chứng. Và nó khiến mệnh đề khá trừu tượng của chúng mang một nghĩa phổ thông hơn nhiều. Có điều là chúng ta vẫn chưa làm sáng tỏ về (a) các điều kiện để giả định xu hướng này tồn tại và (b) bản chất của quá trình dẫn đến sự thay đổi của tri thức riêng lẻ. VII Trong những bài viết thông thường về phân tích cân bằng, nhìn chung những câu hỏi về sự hình thành của trạng thái cân bằng cứ như thể đã được giải quyết. Nhưng, nếu để ý kỹ hơn, chúng ta nhanh chóng phát hiện ra rằng những cái tưởng như rõ như ban ngày này có giá trị không hơn gì việc chứng minh cho cái đã được giả thiết.14 Phương thức nói chung để vượt qua câu hỏi này là giả thiết về một thị trường hoàn hảo tại đó mọi thành viên biết ngay tức thời tất cả các sự kiện. Ở đây cần phải nhớ rằng thị trường hoàn hảo – một điều kiện cần để thoả mãn các giả thiết trong phân tích cân bằng – phải không được bó hẹp trong các thị trường cụ thể của các loại hàng hoá riêng lẻ, mà là toàn bộ nền kinh tế phải được giả định là một thị trường hoàn hảo trong đó mọi người đều biết mọi thứ. Giả thiết về thị trường hoàn hảo do vậy chẳng có ý nghĩa gì hơn việc giả định theo đó mọi thành viên của cộng đồng, dù rằng không hoàn toàn thông tuệ, nhưng lại vẫn tự động biết mọi việc có liên quan đến quyết định của mình. Như vậy thì chẳng hoá ra kẻ tội 14 Điều này dường như được mặc nhiên chấp nhận, mặc dù hầu như không được xác nhận công khai, khi gần đây người ta thường xuyên nhấn mạnh là phân tích cân bằng chỉ mô tả các điều kiện để có trạng thái cân bằng mà không cần cố gắng chỉ ra trạng thái cân bằng từ dữ liệu. Phân tích cân bằng theo nghĩa này tất nhiên sẽ là thuần tuý logic và không chứa đựng bất kỳ nhận định nào về thế giới thực. 16
- đồ của chúng ta, “con người kinh tế”, kẻ mà chúng ta đã từng xua đuổi bằng ăn chay và cầu nguyện, đã lại trở lại qua lối cửa sau dưới lốt của một nhân vật gần như toàn năng. Mệnh đề nếu mọi người biết mọi thứ thì họ ở trạng thái cân bằng đúng đơn giản bởi vì đó chính là cách thức mà chúng ta định nghĩa cân bằng. Giả thiết về một thị trường hoàn hảo theo nghĩa này chỉ là cách nói khác rằng trạng thái cân bằng tồn tại nhưng không đưa chúng ta tới gần hơn điều cần phải giải thích là khi nào và bằng cách nào một trạng thái như thế sẽ đạt được. Rõ ràng nếu chúng ta muốn khẳng định, dưới những điều kiện nhất định, mọi người sẽ tiến tới trạng thái đó, chúng ta phải giải thích thông qua quá trình nào họ sẽ tiếp thu được tri thức cần thiết. Tất nhiên, bất kỳ giả thiết nào về quá trình tiếp thu tri thức trên thực tế trong suốt hành trình tiến tới trạng thái cân bằng này cũng sẽ có đặc tính giả thuyết. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi giả thiết như thế đều được biện minh ở mức độ như nhau. Ở đây chúng ta phải làm việc với các giả thiết về nhân quả trong thế giới thực, nên điều được giả thiết không những phải là điều có có khả năng xảy ra (tất nhiên không phải cho trường hợp chúng ta coi mọi người thông suốt) mà còn phải là điều được xem như là đúng; và ít nhất, trên nguyên tắc, phải có khả năng đưa ra các trường hợp cụ thể để minh họa rằng nó đúng. Điều quan trọng ở đây là chính những giả thuyết hay giả thiết có vẻ như là phụ trợ này, những giả thiết đề cập đến việc mọi người học hỏi từ kinh nghiệm và về cách thức họ tiếp thu tri thức, lại cấu thành nội dung thực nghiệm của các định đề của chúng ta về cái xảy ra trong thế giới thực. Chúng thường xuất hiện bằng một hình hài mờ nhạt, không trọn vẹn kiểu như mô tả về loại thị trường mà định đề của chúng ta đề cập đến; nhưng đây chỉ là một khía cạnh, mặc dù có lẽ là quan trọng nhất, của vấn đề tổng quát hơn là bằng cách nào tri thức được tiếp thu và truyền đạt. Điều quan trọng mà dường như các nhà kinh tế học thường không nhận thức được là trên nhiều phương diện bản chất của những giả thuyết này thực ra khác với các giả thiết tổng quát hơn để xây dựng Logic Thuần tuý về Lựa chọn. Với tôi có lẽ có hai khác biệt chính: Thứ nhất, các giả thiết để hình thành Logic Thuần tuý về Lựa chọn là các sự thật mà chúng ta biết là chung cho toàn bộ tư duy của con người. Chúng có lẽ được xem như là các tiên đề để xác định hay phân định lĩnh vực mà trong phạm vi đó chúng ta có thể hiểu hay có thể tái tạo bằng tưởng tượng các quá trình suy nghĩ của những người khác. Do vậy 17
- chúng có khả năng áp dụng phổ biến cho lĩnh vực chúng ta quan tâm – dù tất nhiên đâu là các giới hạn cụ thể của lĩnh vực này lại là một câu hỏi thực nghiệm. Chúng đề cập tới một hình thức hành động của con người (cái mà chúng ta thường gọi là hành động có lý trí, thậm chí hành động có ý thức, nhằm phân biệt với hành động bản năng) thay vì tới các điều kiện cụ thể tại đó hành động này được tiến hành. Nhưng các giả thiết hay giả thuyết mà chúng ta phải đưa ra để giải thích các quá trình xã hội lại liên quan tới mối quan hệ giữa sự suy nghĩ của một cá nhân với thế giới bên ngoài, tức câu hỏi ở mức độ nào và bằng cách nào tri thức của anh ta tương ứng với các dữ kiện bên ngoài. Và các giả thuyết cần phải thể hiện dưới dạng các nhận định về các liên kết nhân quả, về việc kinh nghiệm tạo thành tri thức như thế nào. Thứ hai, trong khi chúng ta có thể thực hiện việc phân tích một cách kín kẽ trong lĩnh vực Logic Thuần tuý về Lựa chọn, tức trong khi ở đây chúng ta có thể phát triển một hệ thống hình thức bao gồm mọi tình huống mà chúng ta có thể hình dung thì các giả thuyết bổ trợ nhất thiết phải chọn lọc, nghĩa là, chúng ta phải chọn trong vô số các tình huống khả thể các dạng lý tưởng, các dạng mà vì một lý do nào đó chúng ta coi là cực kỳ có liên quan tới các điều kiện của thế giới thực.15 Tất nhiên, chúng ta cũng có thể xây dựng một ngành khoa học riêng biệt, mà chủ đề của nó bị giới hạn vào khái niệm “thị trường hoàn hảo” hay một số khách thể được định nghĩa theo cách tương tự, giống như cách mà Logic Lựa chọn giới hạn chỉ áp dụng cho trường hợp các cá nhân phân bổ các phương tiện hữu hạn cho vô số các mục đích. Và với ngành khoa học được định nghĩa theo cách như vậy các định đề của chúng ta sẽ lại trở nên đúng tiên nghiệm, nhưng với một cách thức như thế chúng ta thiếu hẳn sự biện minh (justification), mà vốn lại nằm trong giả thiết tình huống trong thế giới thực tương tự với cái chúng ta giả thiết nó phải là. 15 Phân biệt được đưa ra ở đây có lẽ giúp cho việc giải quyết sự khác biệt tồn đọng giữa các nhà kinh tế học và xã hội học về vai trò mà "các dạng lý tưởng" thể hiện trong lập luận của lý thuyết kinh tế. Các nhà xã hội học thường nhấn mạnh là trình tự thông thường của lý thuyết kinh tế liên quan đến giả thiết về những dạng lý tưởng cụ thể, trong khi các lý thuyết gia kinh tế chỉ ra là lý luận của mình thuộc dạng tổng quát đến mức anh ta không cần sử dụng bất kỳ "dạng lý tưởng" nào. Sự thật có vẻ như là nhận định này đúng trong phạm vi lĩnh vực vốn được giới nhà kinh tế học chú tâm là Logic Thuần tuý về Lựa chọn, nhưng ngay khi anh ta muốn sử dụng nó để giải thích về một quá trình xã hội, anh ta phải sử dụng "các dạng lý tưởng" theo một kiểu nào đó. 18
- VIII Bây giờ tôi quay trở lại câu hỏi: đâu là các giả thuyết cụ thể về các điều kiện và quá trình mà mọi người được giả định là tiếp thu tri thức liên quan? Nếu giả dụ chúng ta biết chút gì đó về các giả thuyết thuộc loại này, chúng ta sẽ phải rà soát chúng trên hai khía cạnh: chúng ta phải xem xét liệu chúng có phải là các điều kiện cần và đủ để giải thích một chuyển động hướng tới cân bằng và chúng ta phải chỉ ra ở mức độ nào chúng được xác nhận bằng thực tế. Nhưng tôi e rằng tôi đang tiến tới một nấc thang cực kỳ khó khăn để diễn tả chính xác nội dung của các giả thiết mà chúng ta căn cứ vào đó để nhận định rằng sẽ có một xu hướng hướng tới cân bằng và để khẳng định phân tích của chúng ta có ứng dụng đối với thế giới thực. Tôi không thể giả bộ là đã có câu trả lời rõ ràng về vấn đề này. Do vậy, tất cả cái tôi có thể làm là đưa ra một số câu hỏi mà chúng ta buộc phải có lời giải đáp nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của luận điểm của chúng ta. Để hình thành trạng thái cân bằng điều kiện cần duy nhất mà các nhà kinh tế đã khá đồng thuận là tính “không đổi của dữ liệu”. Nhưng sau những phân tích về sự mơ hồ của khái niệm “dữ liệu” chúng ta sẽ nghi ngờ, và đúng như vậy, là điều này sẽ không giúp chúng ta đi xa hơn. Ngay cả khi chúng ta giả thiết – vì có thể chúng ta phải làm như vậy – thuật ngữ này được sử dụng ở đây theo nghĩa khách quan (cần lưu ý bao gồm cả các sở thích của các cá nhân khác nhau) thì vẫn hoàn toàn chưa làm rõ được rằng đây hoặc là điều kiện cần hoặc là điều kiện đủ để mọi người sẽ thực sự tiếp thu được tri thức cần thiết, hay là giả định này đã được ngụ ý như là một mệnh đề nói về các điều kiện theo đó mọi người sẽ tiếp thu được tri thức cần thiết. Môt điều đáng nói là có một số tác giả16 trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cảm thấy cần thiết phải thêm yếu tố “tri thức hoàn hảo” như là một điều kiện bổ trợ riêng rẽ. Và thực ra, chúng ta sẽ thấy rằng sự không thay đổi của dữ liệu khách quan chẳng phải là một điều kiện cần hay là một điều kiện đủ. Điều khiến nó không thể là một điều kiện đủ được suy ra từ thực tế: thứ nhất, không ai muốn cắt nghĩa nó theo nghĩa tuyệt đối là không có bất cứ điều gì nảy sinh trên thế giới, và thứ hai, như chúng ta đã thấy, ngay khi chúng ta muốn đưa vào các thay đổi xảy ra định kỳ hoặc có lẽ ngay cả các thay đổi xảy ra với một tỷ lệ không đổi, cách duy nhất giúp chúng 16 Xem N. Kaldor, "A Classificatory Note on the Determinateness of Equilibrium," Review of Economic Studies, 1, No. 2 (1934), 123. 19
- ta có thể định nghĩa sự không đổi là đề cập tới các kỳ vọng. Điều kiện này rốt cục đi tới chỗ cho rằng phải có mức độ thường hiện (regularity) dễ nhận thấy trên thê giới khiến ta có thể dự đoán các sự kiện một cách chính xác. Nhưng, trong khi đây rõ ràng không phải là điều kiện đủ để chứng tỏ rằng mọi người sẽ học hỏi để dự báo các sự kiện một cách chính xác, thì cũng rất rõ ràng rằng đây cũng không phải là điều kiện đủ để đảm bảo tính không đổi của dữ liệu theo nghĩa tuyệt đối. Với bất kỳ một cá nhân nào, sự không đổi của dữ liệu không hề hàm ý sự không đổi của tất cả các dữ kiện độc lập với anh ta, vì tất nhiên chúng ta chỉ có thể giả định các sở thích chứ không phải các hành động của những người khác là không đổi theo nghĩa này. Và do tất cả những người khác này sẽ thay đổi các quyết định của họ khi họ có thêm kinh nghiệm về các dữ kiện bên ngoài và về hành động cuả những người khác, nên không có lý do gì khiến cho những quá trình thay đổi kế tiếp nhau này phải luôn luôn tiến về cùng một đích. Chúng ta đã biết rõ những khó khăn này17 và việc tôi đề cập chúng ở đây chỉ để nhắc lại cho các bạn một thực tế là chúng ta biết ít ỏi như thế nào về các điều kiện để có được trạng thái cân bằng. Nhưng tôi không có ý định tiếp tục cách tiếp cận này thêm nữa, dù là không phải bởi vì chúng ta không có những vấn đề lý thú chưa được giải quyết liên quan đến khả năng tiếp thu tri thức trong thực tế của mọi người (nghĩa là, để dữ liệu chủ quan trở nên tương ứng lẫn nhau và tương ứng với các dữ kiện khách quan). Có lẽ với tôi lý do thực ra là có một cách tiếp cận khác và hiệu quả hơn tới vấn đề trung tâm của bài luận. IX Câu hỏi mà tôi vừa mới bàn luận liên quan tới các điều kiện và quá trình mọi người tiếp thu tri thức cần thiết chí ít đã được quan tâm ở một mức độ nhất định trong các nghiên cứu trước đây. Nhưng có lẽ với tôi vẫn còn một câu hỏi nữa cũng quan trọng không kém nhưng lại không được chú ý tới là các cá nhân khác nhau phải sở hữu bao nhiêu tri thức và loại tri thức nào để chúng ta có thể nói về cân bằng. Rõ ràng là, nếu muốn khái niệm cân bằng phải có một ý nghĩa thực nghiệm nào đó thì chúng ta không thể giả định trước rằng mọi người biết mọi thứ. Tôi đã phải dùng đến thuật ngữ chưa được 17 Về tất cả điều này, xem N. Kaldor trong tác phẩm ở chú thích trước, nhiều đoạn. 20
- định nghĩa “tri thức liên quan” (relevant knowledge), tức tri thức gắn với một người cụ thể nào đó. Nhưng tri thức liên quan này là gì? Hầu như nó không thể mang nghĩa đơn giản là tri thức mà thực sự đã ảnh hưởng đến các hành động của anh ta, bởi vì các quyết định của anh ta có thể đã khác nếu như, ví dụ, tri thức anh ta sở hữu là đúng thay vì không đúng, hoặc nếu như anh ta sở hữu tri thức về những lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Rõ ràng ở đây có một vấn đề về sự Phân hữu Tri thức (division of knowledge) mà hoàn toàn tương tự và ít nhất cũng quan trọng như vấn đề phân công lao động. Nhưng, trong khi vấn đề sau đã là một trong những chủ đề chính của các nghiên cứu ngay từ khi bắt đầu ngành kinh tế học, thì vấn đề trước hoàn toàn bị bỏ qua, mặc dù với tôi nó dường như là vấn đề hết sức trọng tâm của kinh tế học với tư cách là một ngành khoa học xã hội.18 Vấn đề thách thức chúng ta phải giải quyết là bằng cách nào các tương tác tự phát của một số người, trong đó mỗi người chỉ sở hữu một mảnh nhỏ tri thức, đem đến một trạng thái mà tại đó các mức giá tương ứng với chi phí, vv , và trạng thái này giống như trạng thái có thể được tạo ra bằng định hướng có chủ ý chỉ bởi một số người sở hữu tri thức tổng hợp của mọi cá nhân kia. Và kinh nghiệm cho thấy một số tình huống thuộc loại này thực sự xảy ra, vì quan sát thực nghiệm về xu hướng tương ứng của các mức giá so với chi phí đã là điểm khởi đầu của ngành kinh tế học. Nhưng trong phân tích cân bằng của chúng ta, thay vì chỉ ra được phần thông tin mà những người khác nhau phải sở hữu nhằm mang lại kết quả đó, thì chúng ta trên thực tế lại rơi ngược trở lại về giả thiết mọi người biết mọi thứ và vì thế lảng tránh giải pháp thực sự cho vấn đề. Tuy nhiên trước khi có thể tiếp tục xem xét sự phân hữu tri thức giữa những người khác nhau, tôi cần phải nói rõ về loại tri thức mà có liên quan đến phân tích của chúng ta ở đây. Việc chỉ nhấn mạnh đến vai trò của tri thức về giá cả đã trở thành thói quen giữa các nhà kinh tế hiển nhiên bởi vì, như là một hậu quả của những nhầm lẫn giữa dữ liệu khách quan và chủ quan, tri thức đầy đủ về các thực tế khách quan đã được coi là được cho sẵn. Trong thời gian gần đây ngay cả tri thức về các mức giá hiện tại cũng đã lại bị coi là đã có sẵn đến nỗi loại phân tích duy nhất trong đó còn chứa đựng câu hỏi về tri thức chỉ là sự phỏng đoán các mức giá trong tương lai. Nhưng, như tôi đã chỉ ra ở phần 18 Tôi không chắc lắm, nhưng tôi hy vọng là sự phân biệt giữa Logic Thuần tuý về Lựa chọn và kinh tế học như là một bộ môn khoa học xã hội về bản chất tương tự cái mà A. Ammon muốn nói khi ông nhắc đi nhắc lại là một "Theorie des Wirtschaftens" không bao giờ là một "Theorie der Volkswirtschaft". 21
- đầu bài viết này, các kỳ vọng giá cả, và thậm chí tri thức về các mức giá hiện tại, chỉ là một phần rất nhỏ của vấn đề tri thức theo nhìn nhận của tôi. Mảng rộng hơn của vấn đề tri thức tôi quan tâm là tri thức về một hiện tượng hết sức cơ bản: bằng cách nào có thể có được và sử dụng được các hàng hóa khác nhau,19 và ở những điều kiện nào thì thực sự có được và sử dụng được chúng, nghĩa là, câu hỏi tổng quát tại sao dữ liệu chủ quan với những người khác nhau lại tương ứng với các dữ kiện khách quan. Vấn đề tri thức của chúng ta ở đây chính xác là về sự tồn tại của mối quan hệ tương ứng này. Đáng tiếc, trong phần lớn những nghiên cứu cân bằng gần đây mối quan hệ này đơn giản được giả định là đã tồn tại. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải giải thích mối quan hệ tương ứng này nếu chúng ta muốn chỉ ra tại sao các định đề, mà tất yếu đúng khi nói về thái độ của một cá nhân đối với những sự vật mà anh ta tin là có những thuộc tính nhất định, lại cũng trở nên đúng khi nói về các hành động của xã hội liên quan đến những sự vật mà hoặc có những thuộc tính này hoặc, vì một vài lý do mà chúng ta sẽ phải giải thích, được các thành viên của xã hội nói chung tin là có những thuộc tính này.20 Nhưng, quay trở lại vấn đề đặc biệt tôi vẫn đang bàn, lượng tri thức mà các cá nhân khác nhau phải sở hữu để có thể xuất hiện sự cân bằng (hay tri thức “liên quan” họ phải sở hữu), chúng ta sẽ tiến gần hơn tới câu trả lời nếu chúng ta nhớ lại cách thức làm sáng tỏ nhận định hoặc sự cân bằng chưa từng tồn tại hoặc nó đã bị nhiễu loạn. Chúng ta thấy rằng các kết nối cân bằng sẽ bị nguy hại nếu một người nào đó thay đổi kế hoạch, hoặc 19 Tri thức theo nghĩa này rộng hơn cái thường được mô tả như kỹ năng, và sự phân hữu tri thức mà chúng ta bàn ở đây rộng hơn khái niệm theo nghĩa của phân công lao động. Nói ngắn gọn, "kỹ năng" chỉ đề cập tới tri thức mà một người sử dụng trong công việc, trong khi loại tri thức khác mà chúng ta phải biết ít nhiều để có thể nói cái gì đó về các quá trình trong xã hội là tri thức về các khả năng hành động khác nhau mà anh ta không trực tiếp thực hiện. Có thể nói thêm là tri thức, theo nghĩa mà thuật ngữ được sử dụng ở đây, đồng nhất với khả năng tiên đoán (foresight) chỉ với nghĩa theo đó toàn bộ tri thức là khả năng dự tính. 20 Nguồn gốc của mọi loại khó khăn và nhầm lẫn, cụ thể trong mối quan hệ với vấn đề "cho phép kiểm chứng", là việc tất cả các định đề lý thuyết kinh tế đề cập tới những vật thể được định nghĩa theo nghĩa thái độ của con người hướng tới chúng, nghĩa là, ví dụ "đường ăn" mà lý thuyết kinh tế hay nói đến được định nghĩa không phải bởi những thuộc tính "khách quan" của nó mà bởi thực tế là mọi người tin rằng nó sẽ mang đến cho họ những nhu cầu nhất định theo một cách nhất định. Với sự phân biệt này, sự đối nghịch giữa khoa học xã hội về nhận thức luận (verstehende social science) và phương pháp của các nhà hành vi luận (behaviorist) trở nên quá rõ ràng. Tôi không biết rõ các nhà hành vi luận trong khoa học xã hội thực sự nhận thức được việc họ nên từ bỏ bao nhiêu phần của phương pháp truyền thống nếu giả sử họ muốn có sự nhất quán hay họ vẫn muốn trung thành một cách nhất quán với phương pháp truyền thống nếu giả sử họ đã nhận thức được điều này. Ví dụ, hành vi luận có lẽ sẽ cho rằng các định đề về lý thuyết tiền tệ nên phải dứt khoát đề cập tới, chẳng hạn, "các mảnh tròn bằng kim loại được đóng dấu," hay một vài vật thể hay nhóm vật thể được xác định một cách tương tự. 22
- bởi vì các thị hiếu của anh ta thay đổi (mà chúng ta sẽ không bàn đến đến ở đây) hoặc bởi vì các dữ kiện mới anh ta vừa biết. Nhưng hiển nhiên có hai cách khác nhau giúp anh ta có thể có thông tin về dữ kiện mới dẫn đến sự thay đổi kế hoạch, mà trong các mục đích nghiên cứu của chúng ta, có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau. Anh ta có thể biết các dữ kiện mới một cách tình cờ, nghĩa là, không phải là kết quả tất yếu của việc anh ta cố gắng thực hiện kế hoạch ban đầu, hoặc một điều không thể tránh khỏi là trong quá trình cố gắng anh ta phát hiện ra rằng các dữ kiện khác với mong đợi. Rõ ràng là, để anh ta có thể thực hiện đúng theo kế hoạch, tri thức của anh ta cần phải chuẩn xác chỉ tại những thời điểm mà chắc chắn nó sẽ được xác nhận hay được hiệu chỉnh trong quá trình thực thi kế hoạch. Nhưng anh ta có thể vẫn không có tri thức về những cái mà, giả sử nếu như anh ta có nó, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch của anh ta. Do vậy, kết luận chúng ta rút ra được là tri thức liên quan mà anh ta phải sở hữu để có thể hình thành trạng thái cân bằng là tri thức mà anh ta chắc chắn có được về kế hoạch ban đầu và về các bước triển khai kế hoạch sau đó. Nếu giả sử anh ta tiếp thu chúng một cách tình cờ thì rõ ràng không phải mọi tri thức sẽ hữu dụng với anh ta, khiến anh ta phải tiến hành một thay đổi nào đó trong kế hoạch của mình. Và do vậy chúng ta có thể có một trạng thái cân bằng rất tốt chỉ bởi vì một số người không có cơ hội biết về các dữ kiện mà, nếu như họ biết chúng, sẽ khiến họ thay đổi kế hoạch. Hay, nói một cách khác, điều kiện về tri thức mà một người cần có trong quá trình thực hiện kế hoạch ban đầu và các thay đổi tiếp theo để có thể đem đến một trạng thái cân bằng chỉ có tính chất tương đối. Trên một phương diện nào đó, trong khi một vị trí như thế thể hiện một trạng thái cân bằng, thì rõ ràng nó không phải là một trạng thái cân bằng theo nghĩa đặc biệt theo đó cân bằng được xem như là một loại vị trí tối ưu. Để việc kết hợp các mảnh nhỏ tri thức đơn lẻ tạo ra kết quả có khả năng so sánh với các kết quả mà một nhà độc tài thông tuệ định hướng thì các điều kiện khác nữa rõ ràng phải được đưa vào.21 Và trong khi dường như hiển nhiên là chúng ta có thể xác định được lượng tri thức mà các cá nhân phải sở 21 Các điều kiện này thường được mô tả như là sự thiếu vắng "ma sát". Trong một bài báo công bố gần đây ("Quantity of Capital and the Rate of Interest," Journal of Political Economy, XLIV, Vol. XLIV/ 5, 1936, 638) Frank H. Knight hoàn toàn đúng khi chỉ ra rằng "'sai phạm' là nghĩa thông dụng của ma sát trong bàn luận về kinh tế học." 23
- hữu để đạt được kết quả này, thì tôi biết không có một cố gắng nghiên cứu thực sự nào đi theo hướng này. Một điều kiện có lẽ cần phải đưa thêm vào là: mỗi phương án sử dụng khác nhau của bất kỳ loại nguồn lực nào cần được chủ sở hữu của một số những nguồn lực đang thực sự được sử dụng cho một mục đích khác biết đến. Với điều kiện này thì tất cả phương án sử dụng khác nhau của những nguồn lực này được gắn kết, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, với nhau.22 Nhưng tôi đề cập đến điều kiện này chỉ nhằm minh họa cho việc vì sao trong hầu hết các trường hợp đây lại là điều kiện đủ để đảm bảo rằng trong mỗi ngành luôn tồn tại một số lượng người nhất định cùng nhau sở hữu tất cả các tri thức liên quan. Chi tiết hoá nội dung này thêm nữa có lẽ là một công việc rất thú vị và quan trọng nhưng lại là một nhiệm vụ vượt quá xa phạm vi của bài viết này. Mặc dù tới thời điểm này phần lớn điều tôi đề cập được thể hiện dưới dạng phê phán, nhưng tôi không muốn tỏ ra quá nản lòng về cái chúng ta đã đạt được trong lĩnh vực kinh tế học. Ngay cả nếu chúng ta đã bỏ qua một mắt xích quan trọng nào đó trong quá trình lập luận, tôi vẫn tin rằng kinh tế học, nhờ phương pháp tiếp cận tuy vẫn còn ẩn dụ của mình, đã tiến tới gần hơn bất kỳ ngành xã hội học nào trong việc trả lời câu hỏi trung tâm của mọi ngành khoa học xã hội, đó là bằng cách nào sự kết hợp các mảnh tri thức tồn tại trong những bộ óc khác nhau có thể đưa đến những kết quả mà, nếu như chúng được hình thành một cách có chủ ý, sẽ đòi hỏi một thứ tri thức thuộc về loại trí tuệ chỉ huy mà không một cá nhân nào có thể sở hữu. Theo nghĩa này thì theo tôi việc chỉ ra rằng, dưới những điều kiện mà chúng ta có thể xác định các hành động tự phát của các cá nhân sẽ đem đến một sự phân bổ các nguồn lực mà có thể được hiểu cứ như thể nó đã được thực 22 Đây có lẽ là một điều kiện, nhưng có lẽ không phải là điều kiện đủ, để đảm bảo rằng, với một trạng thái về cầu cho sẵn, năng suất cận biên của các yếu tố sản xuất khác nhau trong các ứng dụng khác nhau sẽ bằng nhau và rằng theo nghĩa này sẽ mang lại một trạng thái cân bằng trong quá trình sản xuất. Không cần thiết phải giả thiết là, như một ai đó có lẽ nghĩ, mọi phương án sử dụng khả thể khác nhau của bất kỳ loại nguồn lực nào nên được ít nhất một trong số các chủ sở hữu của mỗi nhóm các nguồn lực đã được dùng đó biết đến cho một mục đích cụ thể, đó là bởi vì các phương án được biết với người chủ sở hữu nguồn lực trong một sử dụng cụ thể được phản ánh vào trong giá cả của nguồn lực này. Theo cách này một sự phân bố tri thức cho các phương án sử dụng, m, n, o, . . . y, z, của một loại hàng hoá có thể đủ, nếu A, nguời mà sử dụng các loại nguồn lực thuộc sở hữu của anh ta theo phương án m biết phương án n, và B, người mà sử dụng nguồn lực của anh ta theo phương án n, biết phương án m, trong khi C, người mà sử dụng nguồn lực của anh ta theo phương án o, biết phương án n, v.v, cho tới khi chúng ta tiến tới L, người mà sử dụng nguồn lực của anh ta theo z, nhưng chỉ biết phương án y. Để bổ sung cho điều này tôi không biết rõ ở mức độ nào một sự phân bố tri thức cụ thể thành các tỷ lệ khác nhau cần phải có để có thể tổng hợp các yếu tố khác nhau trong quá trình sản xuất bất kỳ một loại hàng hoá nào. Để có sự cân bằng hoàn chỉnh cần thêm các giả thiết về tri thức mà người tiêu dùng sở hữu liên quan tới các khả năng dịch vụ của các loại hàng hoá đáp ứng nhu cầu thoả mãn của họ. 24
- hiện theo một kế hoạch duy nhất mặc dù không ai hoạch định nó, thực chất là một câu trả lời cho vấn đề đôi khi được ngụ ý dưới dạng “trí tuệ xã hội” (social mind). Nhưng chúng ta phải không được ngạc nhiên là những khẳng định như thế về phía chúng ta thường bị các nhà xã hội học bác bỏ bởi chúng ta đã không xây dựng chúng trên những nền tảng đúng đắn. Tới thời điểm này tôi chỉ muốn nói thêm một điểm nữa. Đó là, nếu xu hướng hướng tới cân bằng, mà chúng ta có lý do để tin là tồn tại trên các nền tảng thực nghiệm, chỉ hướng tới một trạng thái cân bằng tương ứng với loại tri thức mà mọi người sẽ có được trong quá trình hoạt động kinh tế, và nếu bất kỳ sự thay đổi tri thức nào khác cần phải được nhìn nhận như là một “sự thay đổi dữ liệu” theo nghĩa thông thường của thuật ngữ này, nhưng lại nằm ngoài phạm vi phân tích cân bằng, thì điều này sẽ có nghĩa là phân tích cân bằng thực sự không thể cho chúng ta biết gì về vai trò của những thay đổi tri thức như thế. Và điều này cũng sẽ cho phép lý giải một thực tế là công việc phân tích cân bằng thuần tuý dường như có quá ít cái để nói về các thể chế, ví dụ như hệ thống báo chí, mà mục đích của chúng là để truyền đạt tri thức. Thậm chí nó cũng cho phép lý giải tại sao thái độ thiên lệch hẳn về phân tích cân bằng thuần tuý lại thường tạo ra sự mù quáng kỳ quái về vai trò mà các loại thể chế, ví dụ như quảng cáo, đóng góp trong đời sống thực. X Với những nhận xét có phần hơi rời rạc này về những chủ đề đáng ra phải được xem xét cẩn thận hơn nữa, tôi xin kết thúc khảo cứu của tôi về những vấn đề này ở đây. Chỉ còn một hoặc hai lưu ý nữa tôi muốn bổ sung thêm. Một là, dù nhấn mạnh đến bản chất của các định đề thực nghiệm mà chúng ta phải sử dụng nếu muốn dùng hệ thống hình thức của phân tích cân bằng để giải thích thế giới thực, và dù nhấn mạnh rằng các định đề về cách thức mọi người học hỏi (thuộc phạm vi nghiên cứu kinh tế) thuộc về một bản chất hoàn toàn khác với những cái của phân tích hình thức, thì tôi không có ý đề xuất rằng cái đó mở ra một không gian rộng lớn cho nghiên cứu kinh tế thực nghiệm. Tôi rất nghi ngờ liệu hướng nghiên cứu như thế sẽ cho chúng ta biết thêm điều gì mới. Điểm quan trọng thực ra là chúng ta nên phân biệt rõ ràng 25
- đâu là những nghi vấn về dữ kiện mà chi phối khả năng ứng dụng luận điểm của chúng ta đối với thế giới thực, hay nói một cách khác, tại thời điểm nào luận điểm của chúng ta, khi được áp dụng cho các hiện tượng của thế giới thực, trở nên phụ thuộc vào sự kiểm chứng. Hai là, tôi không hề định nói rằng các loại vấn đề tôi đã đề cập là xa lạ so với hệ thống phân tích của các nhà kinh tế thuộc những thế hệ trước. Điều duy nhất tôi có thể đưa ra để phản bác lại họ là họ đã quá lẫn lộn giữa hai loại định đề, tiên nghiệm và thực nghiệm, mà mọi nhà kinh tế thực dụng dùng tràn lan, đến nỗi chúng ta thường không thể nào biết họ đã đưa ra loại căn cứ gì để đảm bảo tính hợp lệ cho một mệnh đề cụ thể. Những công trình gần đây hơn đã tránh được lỗi lầm này – nhưng lại phải trả cái giá là tính hữu dụng của các luận điểm để giải thích các hiện tượng của thế giới thực ngày càng trở nên mù mịt. Tất cả những gì tôi đã cố gắng thực hiện là giúp cho phân tích của chúng ta trở lại với đời thường, điều mà tôi e rằng chúng ta có thể sẽ đánh mất khi mà phân tích của chúng ta ngày càng trở nên quá chuyên sâu. Bạn thậm chí có thể cảm thấy hầu hết những điều tôi vừa trình bày là có tính đại chúng. Song có lẽ đôi khi chúng ta cần phải tách mình ra khỏi các lập luận bằng ngôn ngữ kỹ thuật chuyên sâu và đặt một câu hỏi hoàn toàn chất phác là các lập luận này nhằm mục đích gì. Nếu tôi chỉ làm sáng tỏ được một điều duy nhất là, trong một số khía cạnh, câu trả lời cho câu hỏi ấy không những không hiển nhiên mà có đôi lúc chúng ta thậm chí còn không biết, thì có nghĩa tôi đã đạt được mục đích đặt ra. 26