Những tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh

pdf 10 trang Đức Chiến 04/01/2024 830
Bạn đang xem tài liệu "Những tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhung_tac_dong_cua_chuyen_dich_co_cau_kinh_te_den_phat_trien.pdf

Nội dung text: Những tác động của chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh

  1. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ ĐẾN PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TỈNH BẮC NINH Nguyễn Thị Huyền Trang1 Tóm tắt: Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có những tác động tích cực đến sự phát triển của mạng lưới đô thị tỉnh Bắc Ninh. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh đã hình thành nhiều điểm dân cư mang dáng dấp đô thị (thị tứ), nâng bậc đô thị, biến đổi chức năng của một số đô thị, tác động đến kinh tế - xã hội đô thị, thúc đẩy cơ sở hạ tầng đô thị phát triển, làm thay đổi công tác quy hoạch và quản lí đô thị. Tuy nhiên, những tác động này còn mang tính cục bộ và hiệu quả chưa cao. Từ khóa: Bắc Ninh, đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị 1. Mở bài Khi tái lập (năm 1997), Bắc Ninh là tỉnh nghèo trình độ phát triển kinh tế thấp, hệ thống đô thị hầu như không có gì. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã làm thay đổi rõ rệt mạng lưới đô thị: hai đô thị được nâng bậc (thị xã Bắc Ninh đã được nâng cấp lên thành phố Bắc Ninh - đô thị loại II, thị trấn Từ Sơn lên thị xã Từ Sơn), số đô thị tăng từ 07 năm 2000 lên 08 năm 2013, thành lập thêm nhiều thị tứ, cơ sở hạ tầng đô thị ngày càng đồng bộ và hiện đại, kinh tế - xã hội đô thị phát triển, công tác quản lí và quy hoạch đô thị được chú trọng tạo ra bộ mặt hoàn toàn mới cho đô thị Bắc Ninh hướng đến là thành phố trực thuộc trung ương: văn hiến, văn minh vào năm 2020. 2. Nội dung 2.1. Hình thành, mở rộng đô thị và mạng lưới đô thị Quá trình chuyển dịch cơ cấu đang diễn ra mạnh mẽ tại Bắc Ninh, đặc biệt là sự phát triển công nghiệp với hoạt động của 10 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp cùng nhiều làng nghề đã tạo nên các thị tứ là những thị trấn trong tương lai hay là địa bàn để đô thị (hiện có) mở rộng diện tích. Đến hết năm 2012, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã hình thành một hệ thống các thị tứ như: Văn Môn, Cầu Nét, Đông Xuyên, Đông Yên, Yên Phụ (huyện Yên Phong), Cảnh Hưng, Đông Sơn, Đồng Xép, Đại Đồng, Tân Chi (huyện Tiên Du), Việt Hùng, Chì, Nội Doi, Đức Long, Phương Liễu, Bằng An, Đông Du (huyện Quế Võ), Ngụ, Bùng, Núi (huyện Gia Bình), Kênh Vàng, Ngọc Quan, Lĩnh Mai, Hương Trai (huyện Lương Tài). Hầu hết các thị tứ được hình thành gần các KCN và CCN (KCN Yên Phong, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Tiên Sơn, Quế Võ I và Gia Bình). 1. ThS, Trường CĐSP Bắc Ninh 123
  2. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ Số lượng các đô thị tăng từ 07 đô thị năm 2000 lên 08 đô thị năm 2012 (tăng 01 đô thị loại V) và toàn tỉnh có 01 thành phố, 01 thị xã cùng 06 thị trấn. [2] Tuy nhiên, sự phát triển hệ thống đô thị như vậy còn chậm, chưa phù hợp với mức độ CDCCKT. Nguyên nhân là do sự tập trung cao độ của KCN, CCN cùng sự phát triển của cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông vận tải). Trên địa bàn tỉnh quá trình đô thị hoá đang diễn ra khá mạnh ở các khu vực KCN tập trung, ven quốc lộ 1A, quốc lộ 18 và quốc lộ 38. Không gian đô thị chia thành hai khu vực rõ rệt gắn với sự phát triển công nghiệp [10]: - Khu vực phía Bắc sông Đuống (thành phố Bắc Ninh và các huyện Quế Võ, Tiên Du, Từ Sơn, Yên Phong) đô thị phát triển mạnh nhất ở dải đất giữa hai đường quốc lộ 1A và 1B cùng với tuyến đường sắt Lạng Sơn - Hà Nội cũng như dọc quốc lộ 18 - Nội Bài do sự phát triển của các KCN: Quế Võ I, Quế Võ II, Quế Võ III, Hanaka, Visip, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Tiên Sơn, Yên Phong I, Yên Phong II, Nam Sơn - Hạp Lĩnh. Đây là điều kiện để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của các đô thị và hình thành các chuỗi đô thị khu vực phía Bắc sông Đuống với đô thị hạt nhân là thành phố Bắc Ninh - trung tâm phát triển mạnh nhất cho toàn vùng và toàn tỉnh, là một đô thị vệ tinh lớn của Hà Nội, cửa ngõ chính của vùng đô thị Thủ đô từ phía Bắc. Có thể xem thành phố Bắc Ninh là một trong những phân cực quan trọng để tham gia vào quá trình phát triển hệ thống dân cư của vùng thủ đô Hà Nội. Trong tương lai, dải đô thị Từ Sơn - Tiên Du - Bắc Ninh sẽ là khu vực đô thị hoá mạnh nhất của tỉnh Bắc Ninh. - Khu vực phía Nam sông Đuống là khu vực công nghiệp, dịch vụ kém phát triển nên chỉ có 03 đô thị là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện. Mối liên hệ giữa KCN và đô thị còn hạn chế (Thị trấn Hồ - gắn với KCNThuận Thành II và III, thị trấn Gia Bình gắn với KCN Gia Bình) do vậy những tác động của CDCCKT đến phát triển đô thị còn mờ nhạt. 2.2. Biến đổi chức năng đô thị Từ khi tách tỉnh (1997) đến năm 2000, Bắc Ninh có 01 thị xã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh và 06 thị trấn là trung tâm chính trị, văn hóa của huyện. Hiện nay tỉnh đã có 01 thành phố Bắc Ninh là trung tâm kinh tế (dịch vụ), chính trị, văn hóa, khoa học giáo dục của tỉnh, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh, của Vùng kinh tế trọng điểm phia Bắc; là đô thị vệ tinh vành đai ưu tiên phát triển của thủ đô Hà Nội, có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, có vai trò thúc đẩy quá trình đô thị hóa trong phạm vi toàn tỉnh, tăng cường liên kết với Vùng đô thị Thủ đô thông qua việc đáp ứng các nhu cầu dịch vụ, giáo dục đào tạo và y tế. Tỉnh cũng có 01 thị xã Từ Sơn là trung tâm kinh tế (tiểu thủ công nghiệp), văn hóa, du lịch của tiểu vùng Bắc sông Đuống, là đô thị vệ tinh vành đại ưu tiên phát triển (sau T.P Bắc Ninh), là địa bàn mở rộng của vùng trung tâm đô thị Thủ đô, là một cực tăng 124
  3. Nguyễn Thị Huyền Trang trưởng trong tam giác tăng trưởng của tỉnh (thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Quế Võ) có vai trò là “hạt nhân” tăng trưởng quan trọng. Ngoài ra, còn 06 thị trấn là trung tâm hành chính, dịch vụ, văn hóa của các huyện. Trong quy hoạch phát triển đô thị tỉnh đến 2030, thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc trung ương với đô thị lõi là thành phố Bắc Ninh (hiện tại), huyện Tiên Du và thị xã Từ Sơn giữ vai trò “đầu tàu” và “hạt nhân”, là trung tâm kinh tế tổng hợp trong đó công nghiệp, dịch vụ giữ vai trò chủ đạo, tập trung phát triển kinh tế tri thức (giáo dục đào tạo, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, du lịch văn hóa, thương mại), là thành phố văn hiến, sinh thái, hiện đại, văn minh, hài hòa và bền vững, có vị trí quan trọng về mặt an ninh, quốc phòng [10]. 2.3. Thúc đẩy kinh tế - xã hội đô thị phát triển 2.3.1. Dân số đô thị * Quy mô dân số và tỉ lệ dân số đô thị tăng đáng kể Dân số thành thị tỉnh Bắc Ninh tăng đều qua các năm, từ 90,5 nghìn người năm 2000 tăng lên 269,4 nghìn người năm 2010 và 284,5 nghìn người năm 2012 [1,2]. Như vậy trong vòng 12 năm số dân thành thị tăng 3,1 lần, tốc độ tăng trung bình là 10%/ năm. Chính việc nâng cấp và mở rộng diện tích đô thị (năm 2008 thị trấn Từ Sơn được nâng bậc thành thị xã Từ Sơn với diện tích bằng cả huyện Từ Sơn trước đây, năm 2006 thị xã Bắc Ninh nâng bậc thành thành phố trực thuộc tỉnh, đến năm 2007 mở rộng địa giới hành chính thêm 09 xã của các huyện Quế Võ, Tiên Du, Yên Phong và tiếp tục mở rộng vào năm 2009, 2010 cho đến nay đã có 16 phường và 03 xã) làm cho số dân thành thị tăng lên, ngoài ra còn do người dân từ các huyện bị mất đất sản xuất hay từ các tỉnh, vùng lân cận (bởi sự hình thành các KCN) đến các đô thị tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, người nước ngoài đến Bắc Ninh sinh sống tại thành phố Bắc Ninh ngày một tăng (hầu hết là người Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc). Mức tăng dân thành thị cao nhưng tỉ lệ dân thành thị (hay tỉ lệ đô thị hoá) của tỉnh còn khá thấp, năm 2012 chỉ đạt 26,2%, thấp hơn mức trung bình cả nước (31,2%), tốc độ đô thị hóa chỉ đạt 13,4% (trong vòng 12 năm). Trong khi tốc độ đô thị hóa thấp thì tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao khoảng 37,3% (giai đoạn 2000 - 2012) và ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tới 76,3% tổng GDP, lao động phi nông nghiệp là 64,5% (công nghiệp xây dựng chiếm tới 42,6%, dịch vụ 21,9%) [1,2]. Đây là điều nghịch lí phản ánh nét riêng biệt của Bắc Ninh. Nguyên nhân là do sự phát triển hệ thống giao thông vận tải nhất là các tuyến xe buýt (tính đến hết năm 2012 có 13 tuyến xe buýt liên huyện và tỉnh) cùng với nhiều tuyến xe đưa đón cán bộ công nhân ở các KCN của những tập đoàn lớn, ngoài ra còn do sự tập trung cao của các KCN và CCN đã tạo nên kiểu di chuyển “con lắc” của dân cư và tác động mang đặc tính “trễ’ của CDCCKT đến đô thị tỉnh Bắc Ninh. 125
  4. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ * Lao động và tỉ lệ lao động phi nông nghiệp tăng nhanh Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế ở khu vực thành thị có xu hướng tăng về số lượng và tỉ trọng, số lượng tăng từ 48.291 người năm 2000 lên 154.674 người năm 2012, tăng 3,2 lần, tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 10,2%. Tỉ lệ lao động đang làm việc của khu vực thành thị tăng trong tổng lao động của tỉnh, từ 9,2% lên 30,2%. Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp đạt mức cao và tăng, từ 69,5% năm 2000 lên 83,7% năm 2012. Bảng 1. Lao động đang làm việc và tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2000 - 2012 [1,2] Các chỉ tiêu 2000 2005 2010 2012 Lao động đang làm việc khu vực thành 48.291 71.807 133.936 154.674 thị (người) Tỉ lệ so với lao động toàn tỉnh (%) 9,2 12,7 27,9 30,2 Tỉ lệ lao động phi nông nghiệp (%) 69,5 74,9 80,2 83,7 Tỉ lệ thất nghiệp (%) 6,2 4,0 3,1 2,3 Tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm đáng kể từ 6,2% năm 2000 còn 2,3% năm 2012. Số lượng việc làm tăng thêm tại khu vực thành thị mỗi năm trung bình có khoảng trên 20.000 chỗ làm mới. Số giờ làm việc của lao động khu vực thành thị trung bình tăng từ 36 giờ năm 2002 lên 45 giờ năm 2012. * Cơ cấu thu nhập thay đổi và mức sống dân cư đô thị được cải thiện rõ rệt Quá trình CDCCKT đã làm thu nhập bình quân đầu người của dân thành thị tăng từ 445,2 nghìn đồng/tháng năm 2002 lên 3.206,8 nghìn đồng/tháng năm 2012. Cũng trong giai đoạn này, cơ cấu thu nhập nhập dân thành thị có nhiều thay đổi tích cực. Theo ngành kinh tế cơ cấu thu nhập có sự chuyển dịch theo xu hướng: thu nhập từ ngành nông - lâm - thủy sản giảm đáng kể, thu nhập từ ngành công nghiệp - xây dựng tăng nhanh. Nếu theo nguồn thu, tỉ trọng nhập từ tiền lương – công tăng lên năm 2002 là 28,5% đã tăng lên 33,6% năm 2010 và 36,9% năm 2012, thu từ sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng nhẹ, năm 2002 nguồn thu này chiếm 49,4% tổng thu nhập và năm 2012 tăng lên 55,2% còn nguồn thu sản xuất nông – lâm – thủy sản giảm từ 22,1% năm 2002 xuống 7,9% năm 2012 [1,2]. Số lượng và quy mô của các cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp ngày càng tăng và mở rộng trong khi các cơ sở kinh tế cá thể của sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng chậm nên lao động làm thuê tăng nhanh dẫn đến tỉ lệ thu nhập bằng tiền lương và tiền công tăng đáng kể. Sự 126
  5. Nguyễn Thị Huyền Trang chuyển dịch này tương ứng với CDCCKT và lao động. Đây là sự chuyển dịch tích cực cần được duy trì và thúc đẩy. Thu nhập tăng đã làm cho mức sống của dân cư cũng tăng tương ứng. Bảng 2. Một số chỉ tiêu về mức sống hộ gia đình khu vực thành thị tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2002 - 2012 [1,2] Các chỉ tiêu 2002 2010 2012 Thu nhập bình quân 1người/tháng (Nghìn đồng) 445,2 2.279,3 3.206,2 Trị giá nhà ở bình quân 1hộ 160.599 503.431 - Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân 1hộ 14.685 19.110 - Mức chi bình quân 1 người/tháng (Nghìn đồng) 303,9 1.605,9 2.175,9 Mức tiết kiệm bình quân 1 người/tháng (Nghìn đồng) 141,3 673,4 1.030,3 Tỉ lệ hộ nghèo (%) 6,14 3,94 2,86 Thu nhập bình quân 01 người/tháng khu vực thành thị tăng 7,2 lần trong vòng 10 năm (2002 - 2012). Không chỉ có thu nhập tăng mà trị giá nhà ở cũng như trị giá đồ dùng lâu bền, mức tích lũy cũng tăng lên còn tỉ lệ nghèo đói giảm. Đời sống của dân cư thành thị được nâng cao đã tạo ra sức hút của đô thị, tuy nhiên số lượng nhập cư đến chỉ tập trung ở hai đô thị là thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn. Những người nhập cư đến hai đô thị trên chủ yếu là lao động đang làm việc tại các KCN (thành phố Bắc Ninh, Yên Phong, Tiên Du, thị xã Từ Sơn). Bên cạnh đó, còn có một số lượng nhỏ dân cư ở khu vực nông thôn (những huyện làng nghề kém phát triển, mất đất sản xuất nông nghiệp) đến thành thị để tìm kiếm cơ hội việc làm. Nếu tình trạng này xẩy ra trong một thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều hậu quả về kinh tế, xã hội và văn hóa. 2.3.2. Kinh tế đô thị phát triển Kinh tế đô thị là một phần rất quan trọng của kinh tế tỉnh Bắc Ninh, nó có vai trò động lực thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế của tỉnh. Quá trình CDCCKT làm cho các hoạt động kinh tế của đô thị tỉnh diễn ra sôi động, tấp nập với nhiều mối quan hệ đan xen và phức tạp. Nhiều ngành mới xuất hiện làm đa dạng hơn CCKT ngành của đô thị. 127
  6. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ Bảng 3. Cơ cấu giá trị sản xuất phân theo ngành và tỉ lệ dân số đô thị tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2000 - 2012 [1,2,3,4,5,6,7,8,9] Đơn vị: % Cơ cấu giá trị sản xuất phân theo Tỉ lệ dân đô thị nhóm ngành (giá thực tế) Đơn vị hành chính 2000 2012 Độ Độ chuyển 2000 2012 chuyển NN Phi NN NN Phi NN dịch dịch Toàn tỉnh 37,9 62,1 6,7 93,3 +31,2 9,5 26,2 +16,7 T.P Bắc Ninh 34,9 65,1 1,6 98,4 +33,3 49,5 73,4 +23,9 T.X Từ Sơn 26,3 73,7 2,3 97,7 +24,0 3,0 62,3 +59,3 Yên Phong 77,6 22,4 0,5 99,5 +77,1 8,9 10,5 +1,6 Tiên Du 74,8 25,2 3,6 96,4 +71,2 3,5 5,0 +1,5 Quế Võ 61,0 39,0 14,3 85,7 +46,7 7,9 9,0 +1,1 Thuận Thành 82,2 17,8 26,8 73,2 +55,4 7,7 8,7 +1,0 Gia Bình 88,7 11,3 35,4 64,6 +53,3 1,9 7,8 +5,9 Lương Tài 86,5 13,5 33,2 66,8 +53,3 8,5 9,5 +1,0 CDCCKT đô thị chính là việc tăng nhóm ngành phi nông nghiệp và giảm nhóm ngành nông nghiệp. Tại thành phố Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn hai đô thị lớn của tỉnh, độ CDCCKT là +33,3% và +24%, tỉ lệ phi nông nghiệp lên tới 97 - 98%. Khi độ CDCCKT lớn, tỉ lệ phi nông nghiệp cao đã làm cho dân số thành thị tăng nhanh và độ chuyển dịch dương. Các huyện còn lại cũng có độ chuyển dịch dương nhưng không đáng kể. 2.3.4. Diện tích đất đô thị mở rộng, cơ cấu sử dụng đất có nhiều chuyển biến tích cực Quá trình CDCCKT đã làm cho đất đô thị thay đổi nhanh chóng cả về diện tích và cơ cấu sử dụng đất. Diện tích đất đô thị tăng đáng kể từ khi thị xã Bắc Ninh nâng bậc thành thành phố Bắc Ninh (loại III và II) và thị trấn Từ Sơn thành thị xã Từ Sơn, đến hết năm 2012 là 17.650 ha (trừ đi 5.626,3 của TP. Bắc Ninh và thị xã Từ Sơn). Đất dân dụng tăng nhanh do việc xây dựng các công trình giao thông và khu đô thị mới. Đặc biệt, đất cây xanh có xu hướng tăng tại thành phố Bắc Ninh. Đất ngoài dân dụng tăng nhưng chậm so với đất dân dụng riêng đất công nghiệp và kho tàng chiếm khoảng 51% đất ngoài dân dụng và có xu hướng giảm nhẹ do chưa có thêm cụm, KCN được xây dựng mới và việc chuyển đổi một số diện tích khu, CCN thành diện tích đất ở. 128
  7. Nguyễn Thị Huyền Trang 2.4. Thúc đẩy cơ sở hạ tầng đô thị phát triển CDCCKT đã làm cho nguồn thu ngân sách của tỉnh tăng nhanh và tạo ra nguồn vốn để đầu tư chỉnh trang đô thị, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị toàn tỉnh. Trong giai đoạn 2000 - 2005, nguồn vốn đầu tư cho phát triển đô thị (xây dựng cơ sở hạ tầng) của tỉnh dựa chủ yếu vào nguồn vốn ngân sách do Trung ương phân bổ. Từ năm 2006 đến năm 2012, vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng đã có từ nguồn thu ngân sách của tỉnh, với khoảng 1.774,8 tỉ đồng, chiếm tới 75% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh thuộc nguồn ngân sách. Tính riêng thành phố Bắc Ninh, năm 2012 đã đầu tư 1.113 tỉ đồng cho việc sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới cơ sở hạ tầng - xã hội trong đó ngân sách tỉnh là 251,6 tỉ đồng [10]. - Nhà ở: Diện tích nhà ở đã có nhiều cải thiện. Tổng diện tích nhà ở toàn tỉnh gần 20,6m2, bình quân: 19,78m2/người. Khu vực thành thị gần 6,1m2, bình quân 22,56 m2/ người cao hơn mức trung bình cả nước (bình quân cả nước 21,3 m2/người). Chất lượng nhà ở đã được cải thiện rõ rệt. Nhà kiên cố chiếm tỉ lệ rất cao 98%, tại các đô thị không có khu ổ chuột hay nhà tạm. Tỉnh Bắc Ninh đã cho xây dựng những khu nhà dành cho người thu nhập thấp, đặc biệt trong quy hoạch xây dựng nhà ở đã có sự chú trọng đến cảnh quan chung của đô thị với việc hình thành các khu đô thị mới có kiểu thiết kế chung (nhà liền kề, biệt thự) hiện đại và gần gũi thiên nhiên. - Giao thông đô thị: từ năm 2005 đến năm 2012, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới nhiều tuyến đường đối nội và đối ngoại. Mật độ đường giao thông đô thị tăng lên đáng kể, năm 2012 thị xã Từ Sơn có mật độ là 0,96km/km2, thành phố Bắc Ninh là 7,14km/km2 (chưa tính những đường bê tông, dải nhựa liên thôn thuộc khu vực ngoại thị). Tỉ lệ diện tích đất giao thông đô thị đạt mức cao, ở thị xã Từ Sơn đạt 16-18%, thành phố Bắc Ninh là 20-22% (theo quy định: tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông là 18-25%, mật độ từ 4-6km/km2 là đô thị phát triển). Nhiều tuyến xe buýt hoạt động liên tục từ 05h sáng đến 21h tối, đảm trách việc chuyên chở hành khách theo các tuyến kết nối thành phố Bắc Ninh với các huyện trong tỉnh và với Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang Giao thông đô thị ngày càng hoàn thiện, hiện đại đảm bảo mọi mối liên hệ vùng, tỉnh được dễ dàng và thuận tiện. Hệ thống thông tin liên lạc, cấp điện, cấp nước cùng hệ thống thoát nước vệ sinh môi trường đã và đang được đầu tư xây dựng mới đáp ứng nhu cầu của các đô thị. Trong đó, thu gom, xử lý chất thải rắn đã có nhiều thay đổi. Tất cả các khu vực đô thị có đội ngũ cán bộ môi trường đi thu gom rác thải (1-2 lần/ngàyđêm). Rác thải của đô thị được tập hợp thu gom vào bãi chôn lấp chất thải rắn Đồng Ngo (thành phố Bắc Ninh) 2,5ha và nhiều bãi nhỏ tại các thị trấn hoặc khu dân cư tập trung. Nhưng đến năm 2013, bãi Đồng Ngo đã đóng cửa do quá tải và ô nhiễm môi trường. Tỉnh đã đầu tư xây dựng bãi Phù Lãng (huyện Quế Võ) quy hoạch 53ha và bắt đầu đưa vào sử dụng. Tỉnh đang đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải. 129
  8. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ 2.5. Làm thay đổi quy hoạch và quản lí đô thị 2.5.1. Quy hoạch đô thị Công tác quy hoạch đô thị luôn được quan tâm với mỗi đô thị trong tỉnh đều có quy hoạch tổng thể và quy hoạch cụ thể. Trong các quy hoạch, phân vùng cấu trúc không gian đô thị có sự thay đổi rõ rệt từ năm 2000 đến năm 2012. * Giai đoạn 2000 – 2005 - Phía Bắc sông Đuống: dải đô thị thị xã Bắc Ninh - thị trấn Lim - thị trấn Từ Sơn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, thương mại và du lịch. Trong đó đô thị hạt nhân là thị xã Bắc Ninh. Các thị trấn Phố Mới và Chờ với vai trò là trung tâm thương mại, hành chính của huyện lỵ và là đô thị vệ tinh của thị xã Bắc Ninh. - Phía Nam sông Đuống: là vùng nông nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - du lịch, gồm 3 thị trấn Hồ, Gia Bình và Thứa. Trong đó thị trấn Hồ là đô thị hạt nhân phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và du lịch. * Giai đoạn 2006 - 2010: Có hai cách phân vùng không gian đô thị - Phân vùng dựa trên sự tương đồng về kinh tế có 3 tiểu vùng: Tiểu vùng 1: là tiểu vùng hạt nhân của tỉnh phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ. Hạt nhân tiểu vùng là thành phố Bắc Ninh, đô thị vệ tinh là thị trấn Chờ và Phố Mới. Tiểu vùng 2: là tiểu vùng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Hạt nhân của tiểu vùng là thị xã Từ Sơn. Tiểu vùng 3: là tiểu vùng nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch. Đô thị hạt nhân là thị trấn Hồ. - Phân vùng dựa trên quan hệ liên kết về kết cấu hạ tầng của các yếu tố công nghiệp và nông nghiệp cùng với hệ thống thương mại và dịch vụ và làng nghề. Tiểu vùng 1: Tiểu vùng phía bắc sông Đuống là tiểu vùng có quá trình đô thị hóa mạnh, là tiểu vùng tập trung kinh tế công nghiệp, thương mại, du lịch chủ yếu của tỉnh gồm hạt nhân là thành phố Bắc Ninh, đô thị vệ tinh là thị xã Từ Sơn, thị trấn Lim, Chờ, Phố Mới. Có các KCN quan trọng: KCN Quế Võ I, Tiên Sơn, Yên Phong I, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Visip và các CCN đa nghề và làng nghề. Dân cư thành thị tập trung chủ yếu ở thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và 3 thị trấn lân cận. Ngoài ra dân cư thành thị còn tập trung xung quanh các khu, CCN. Tiểu vùng 2: Tiểu vùng nam sông Đuống là tiểu vùng nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Gồm 3 thị trấn: Hồ, Gia Bình, Thứa và thị trấn Hồ là hạt nhân của tiểu vùng.[10] * Giai đoạn 2011 - 2012 Khu vực phía Bắc sông Đuống đô thị phát triển theo cấu trúc hướng tâm (thành phố Bắc Ninh), dọc theo các quốc lộ 18, 1A (mới, cũ), 2 mới. Khu vực phía Nam sông Đuống phát triển phân tán theo điểm cụm. Sự phân chia thành hai tiểu vùng này tương tự như giai đoạn 2006 - 2010, tuy nhiên ở tiểu vùng 1 không chỉ là hạt nhân công 130
  9. Nguyễn Thị Huyền Trang nghiệp, thương mại, du lịch mà còn là trung tâm khoa học, giáo dục, văn hóa của tỉnh. 2.5.2. Quản lý đô thị thay đổi Sự thay đổi về quy mô dân số, quy mô diện tích, quy mô kinh tế, nâng cấp đô thị đã làm biến đổi quản lý đô thị, nâng cao tầm vóc quản lý của bộ máy chính quyền trong công tác quản lý đô thị. Các lĩnh vực được quan tâm đó là quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đất đai đô thị, quản lý vệ sinh môi trường đô thị, quản lý xây dựng đô thị, quản lý cấp thoát nước đô thị Trong quản lý quy hoạch và xây dựng đô thị, tỉnh đã ra quyết định về việc phân công, phân cấp quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị rất rõ ràng và cụ thể. Theo đó, Sở xây dựng đảm nhận trách nhiệm chuyên môn về xây dựng quy hoạch chung đến chi tiết cho thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, thị trấn các huyện các khu đô thị mới. Sở Xây dựng cũng trực tiếp quản lý cấp giấy phép xây dựng, giám sát tiến độ thực hiện các đề án xây dựng. Phòng quản lý xây dựng cấp huyện tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Cơ quan chịu trách nhiệm phê duyệt, thẩm định là Ủy ban nhân dân Tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện. Để tránh tình trạng xây dựng nhà của các hộ gia đình theo cách tự phát với kiến trúc không phù hợp với quang cảnh chung của đô thị, khi xây nhà phải xin giấy phép xây dựng và có bản vẽ thiết kế chi tiết nhà với độ cao chung từ 2 tầng trở lên (đặc biệt tại các khu đô thị mới). Các dự án xây dựng khu đô thị mới, công trình cộng cộng, vệ sinh môi trường là các chủ đầu tư tham gia đấu thầu rồi trực tiếp làm. Quản lý an ninh trật tự đô thị, có sự tham gia của đông đảo tầng lớn nhân dân cùng với các cơ quan chức năng. Xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn minh có sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi Tổ chức các đợt truy quét tệ nạn xã hội. 3. Kết luận Quá trình CDCCKT đã có nhiều tác động tích cực đến sự phát triển đô thị tỉnh Bắc Ninh. CDCCKT đã tạo điều kiện thuận lợi để các đô thị mở rộng ranh giới, nâng bậc đô thị (thị xã Bắc Ninh thành thành phố và thị trấn Từ Sơn thành thị xã), biến đổi chức năng đô thị làm cho đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị vệ tinh và địa bàn mở rộng quan trọng của vùng đô thị Thủ đô, thúc đẩy kinh tế - xã hội đô thị phát triển, làm thay đổi cách thức quản lí và quy hoạch đô thị toàn tỉnh. Đặc biệt là thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng đô thị, thông qua việc thu hút đầu tư vào xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng làm cho các mối liên hệ vùng được thường xuyên, thống suốt và thuận tiện. 131
  10. NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh (2009), Niên giám thống kê Bắc Ninh 2008, NXB Thống kê, Hà Nội. [2] Cục thống kê tỉnh Bắc Ninh (2014), Niên giám thống kê Bắc Ninh 2013, NXB Thống kê, Hà Nội. [3] Ủy ban nhân dân Thành phố Bắc Ninh (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [4] Ủy ban nhân dân huyện Gia Bình (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Gia Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [5] Ủy ban nhân dân huyện Quế Võ (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Quế Võ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [6] Ủy ban nhân dân huyện Tiên Du (2014). Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tiên Du đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [7] Ủy ban nhân dân huyện Thuận Thành (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Thuận Thành đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [8] Ủy ban nhân dân Thị xã Từ Sơn (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thị xã Từ Sơn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [9] Ủy ban nhân dân huyện Yên Phong (2014), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Phong đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. [10] Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (2013), Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Title: THE EFFECTS OF ECONOMIC RESTRUCTURING INTO THE URBAN DEVELOPMENT IN BAC NINH PROVINCE NGUYEN THI HUYEN TRANG Bac Ninh Teachers Training College Abstract: The process of economic restructuring has had a positive impact on the development of the urban network of Bac Ninh Province. The process of economic restructuring has formed much of the province population brought the appearance of urban (towns), promote the urban ranking, change the function of a number of urbans, impact on the socio-economy urban, promote the urban infrastructure development, change the planning and urban management. However, these effects are localized and low efficiency. Keywords: Bac Ninh Province, urban, economic restructuring, urban development. 132