Cẩm nang tập huấn giáo dục đồng đẳng trong nhà máy

pdf 178 trang vanle 2760
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Cẩm nang tập huấn giáo dục đồng đẳng trong nhà máy", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfcam_nang_tap_huan_giao_duc_dong_dang_trong_nha_may.pdf

Nội dung text: Cẩm nang tập huấn giáo dục đồng đẳng trong nhà máy

  1. MARIE STOPES INTERNATIONAL TẠI VIỆT NAM CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐỒNG ĐẲNG DÀNH CHO CÔNG NHÂN LÀM VIỆC TRONG CÁC NHÀ MÁY CUNG ỨNG HÀNG CHO TẬP ĐOÀN adidas SOURCING LTD. CẨM NANG TẬP HUẤN GIÁO DỤC ĐỒNG ĐẲNG TRONG NHÀ MÁY 
  2. Bộ tài liệu Cẩm nang tập huấn giáo dục viên đồng đẳng trong nhà máy” và Sổ tay giáo dục viên đồng đẳng được xây dựng và phát triển bởi tổ chức Marie Stopes In- ternational Việt Nam, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Peter Chown, tư vấn viên quốc tế, trong khuôn khổ của sáng kiến hợp tác giữa tập đoàn adidas và Marie Stopes Inter- national tại Australia và Việt Nam với tên gọi “ cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục của công nhân nhập cư làm việc trong các nhà máy cung ứng hàng cho tập đoàn adidas tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh”. Dự án được thực hiện trong thời gian 4 năm từ 2005 đến 2008. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, thanh niên trẻ thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thông tin rõ ràng và chính xác về những vấn đề mà họ quan tâm như vấn đề phát triển giới tính và tình dục, sức khỏe sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS và sử dụng ma túy. Có nhiều trở ngại đối với vấn đề tiếp cận thông tin, có thể là do chuẩn mực và định kiến của xã hội, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc không thể tiếp cận được thông tin. Cũng có khi thông tin thì sẵn có nhưng cách thức cung cấp thông tin lại có vẻ áp đặt, phán xét hoặc không phù hợp với suy nghĩ và những quan niệm về giá trị cuộc sống của thanh niên hoặc không phù hợp với quan điểm và phong cách sống của họ. Một trong những cách thức hữu hiệu để giải quyết những khó khăn này là mô hình giáo dục đồng đẳng. Trước đây thuật ngữ “đồng đẳng” được dùng để nói về một người hay nhóm người thuộc cùng nhóm tuổi, địa vị xã hội hoặc môi trường sống. Gần đây, thuật ngữ này được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Giáo dục đồng đẳng hiện nay được nhìn nhận là một chiến lược hiệu quả nhằm làm thay đổi hành vi, và được xây dựng trên cơ sở một số lý thuyết nổi tiếng về hành vi như Thuyết Nhận thức xã hội, Thuyết hành động có lý trí và Thuyết truyền bá tư tưởng và Đổi mới. Trong khuôn khổ dự án nhằm cải thiện sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản của công nhân nhập cư trẻ làm việc trong các nhà máy cung ứng hàng cho adidas tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh, mô hình giáo dục đồng đẳng sẽ được thử nghiệm và sử dụng rộng rãi trong việc truyền đạt các thông điệp về sức khỏe và phòng tránh HIV/AIDS trong nhóm công nhân trẻ đến làm việc tại tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh từ các tỉnh khác nhau. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn sự tài trợ của tập đoàn adidas cho dự án này và những đóng góp quý báu và hiệu quả mà các thành viên của văn phòng tập đoàn adi- das tại Hongkong và Việt Nam đã giành cho đội dự án của MSIVN trong quá trình thực hịên dự án. 
  3. Mục lục PHẦN GIỚI THIỆU T.4 CÁCH SỬ DỤNG CẨM NANG , .T.13 CÁC TRÒ CHƠI & HOẠT ĐỘNG TIẾP SỨC T.25 ĐỀ CƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH . T.30 NGÀY THỨ NHẤT PHẦN 1 . . .T.35 PHẦN 2 . .T.41 PHẦN 3 . T.48 PHẦN 4 . T.52 NGÀY THỨ HAI PHẦN 1 . T.59 PHẦN 2 . T.74 PHẦN 3 . T.83 PHẦN 4 .T.94 NGÀY THỨ BA PHẦN 1 . T.99 PHẦN 2 . T.109 PHẦN 3 . T.120 PHẦN 4 . T.128 NGÀY THỨ TƯ PHẦN 1 . T.133 PHẦN 2 . T.142 PHẦN 3 T.149 PHẦN 4 T.153 NGÀY THỨ NĂM PHẦN 1 T.159 PHẦN 2 T.165 PHẦN 3 T.168 PHẦN 4 T.170 GIẢI THÍCH THUẬT NGỮ T.172 
  4. GIỚI THIỆU Cẩm nang này hướng dẫn giảng viên thực hiện chương trình tập huấn dành cho giáo dục viên đồng đẳng trong lĩnh vực giáo dục sức khoẻ sinh sản. Chương trình tập huấn nhằm mục đích cung cấp cho giáo dục viên đồng đẳng những kiến thức, quan điểm và kỹ năng cần thiết để thành công trong việc: - Thông tin và giáo dục các đồng đẳng viên về sức khỏe sinh sản và những vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản. - Thúc đẩy và hỗ trợ đồng đẳng viên trong việc tuyên truyền phòng tránh những vấn đề về sức khỏe sinh sản, như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/ AIDS và có thai ngoài ý muốn. - Làm việc như một bộ phận của đội giáo dục đồng đẳng trong việc lên kế hoạch, thực hiện, và theo dõi các hoạt động giáo dục đồng đẳng. Cẩm nang là một chương trình giảng dạy hoàn chỉnh, cung cấp cho giáo dục viên đồng đẳng kiến thức, quan điểm và kỹ năng trong những lĩnh vực sau đây: • Những thay đổi về thể chất, xã hội và giới tính liên quan đến vị thành niên. • Những chủ đề về sức khỏe sinh sản như - các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục; HIV/AIDS, và có thai ngoài ý muốn. • Tự chăm sóc sức khoẻ sinh sản. • Ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV/AIDS, và có thai ngoài ý muốn. • Những nguy cơ liên quan đến sức khỏe sinh sản như áp lực đồng đẳng và hành vi sử dụng ma tuý. • Những kỹ năng sống để bảo vệ chống lại các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản như lòng tự trọng, kỹ năng đưa ra quyết định, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng từ chối. • Sự tự tin và những kỹ năng để làm việc như giáo dục viên đồng đẳng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giáo dục, kỹ năng giải quyết vấn đề. • Những quan điểm, thái độ cần thiết để làm việc như một giáo dục viên đồng đẳng sự nhận thức về quan điểm, niềm tin, áp dụng một cách tiếp cận không phê phán • Hiểu vai trò và trách nhiệm của giáo dục viên đồng đẳng. 
  5. THẾ NÀO LÀ GIÁO DỤC ĐỒNG ĐẲNG? Giáo dục đồng đẳng là một hoạt động giáo dục, trong đó các thành viên của một cộng đồng hoặc nhóm người giáo dục và cung cấp thông tin cho những đồng đẳng viên ( những người cùng lứa tuổi, cùng địa vị xã hội , cùng môi trường ) nhằm giúp đỡ đưa ra quyết định cũng như tiếp nhận hành vi mới, góp phần ngăn ngừa các vần đề cụ thể về sức khoẻ hay xã hội, như những vấn đề về sức khoẻ sinh sản, HIV/AIDS, sử dụng ma tuý. Giáo dục đồng đẳng: • Liên quan đến việc chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng giữa những người có cùng tình trạng xã hội, nhằm hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. • Là việc sử dụng tình nguyện viên đã qua đào tạo để giáo dục, xúc tiến và duy trì kiến thức, quan điểm cũng như hành vi mới qua các hoạt động bằng cách giao tiếp với đồng đẳng viên thông qua các hoạt động trưc tiếp hoặc các hoạt động nhóm nhỏ. Tại sao lại sử dụng giáo dục viên đồng đẳng? • Mọi người thường cảm thấy tin tưởng và hoà hợp nhanh hơn với đồng đẳng viên, những người đồng trang lứa với họ. • Đồng đẳng viên là nguồn thông tin, là kiểu mẫu cho các hành vi mới. Họ chia sẻ những giá trị, quan điểm và quy phạm như nhau. • Các chương trình đồng đẳng có thể đến được với những người khó tiếp cận, những người có nguy cơ, bị cô lập hoặc những người có lối sống nguy cơ có thể đưa họ tới nguy hiểm vì những hành vi không an toàn của mình. • Giữa thanh thiếu niên với nhau, đồng đẳng viên thường là nguồn thông tin đầu tiên về các vấn đề sức khoẻ, đặc biệt là về tình dục. Các chương trình giáo dục đồng đẳng cho thấy sự hiệu quả trong các lĩnh vực: - Sức khoẻ sinh sản vị thành viên. - HIV/AIDS. - Các chương trình giáo dục về ma tuý. - Vươn đến những nhóm thiệt thòi: thí dụ như trẻ em đường phố, tù nhân, người sử dụng ma tuý, gái mại dâm. 
  6. NHU CẦU GIÁO DỤC GIỚI TÍNH Ở THANH THIẾU NIÊN Thanh thiếu niên là những người có nguy cơ đặc biệt, do lứa tuổi, do sự thiếu kiến thức, kỹ năng và sự tiếp cận với các dịch vụ phù hợp. Hiện nay, chúng ta đang có số lượng thanh thiếu niên lớn nhất trong lịch sử, với gần một nửa dân số thế giới dưới tuổi 25. Tỉ lệ các vấn đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên đang gia tăng trên toàn thế giới. Một số vấn đề về sức khỏe sinh sản thường gặp nhiều hơn ở tuổi vị thành niên so với các nhóm tuổi khác: • Mỗi năm, có 15 triệu nữ giới tuổi từ 15 đến 19 sinh con - Hơn 10% các trường hợp sinh con trên toàn thế giới là người ở tuổi vị thành niên • Khoảng từ 2 triệu đến 4.4 triệu người ở tuổi vị thành niên ở các nước đang phát triển nạo phá thai. Đa số là không an toàn và bất hợp pháp. • Mỗi năm, cứ trong 20 vị thành niên, có hơn 1 người mắc các chứng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể chữa trị được. • Hơn 70% các bệnh mới về lây nhiễm qua đường tình dục xuất hiện ở lứa tuổi từ 15 - 24. • Hơn nửa các trường hợp nhiễm vi rút HIV xuất hiện ở những người tuổi dưới 25 • Lạm dụng tình dục ở thanh thiếu niên gia tăng trên toàn thế giới. Vấn đề về sức khoẻ sinh sản và nhu cầu của thanh thiếu niên ở Việt Nam • Số người từ 15 đến 24 tuổi chiếm gần 20% tổng dân số ( theo Điều tra dân số năm 1999). Trong đó 33.5% dân số dưới tuổi 25. • Thanh thiếu niên và trẻ em là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất của sự nghèo đói. Họ thường ít đi học, làm công việc nặng nhọc, và có nguy cơ cao đối với các vấn đề về trẻ mại dâm, buôn bán trẻ em, ăn xin và lạm dụng ma tuý (theo Liên Hiệp Quốc 1999). • Một số nguồn chỉ ra rằng bạo hành trong gia đình đối với phụ nữ là phổ biến (Theo mô tả sơ lược về Việt Nam của Hiệp hội kế hoạch hoá gia đình thế giới (IPPF) cho biết rằng 70% của 22,000 trường hợp ly dị trong năm 1991 là do bạo hành). • Tuổi trung bình trong lần kết hôn thứ nhất ở Việt Nam ổn định là 21 tuổi (Theo điều tra về Nhân khẩu và Y tế Việt Nam năm 1997). 
  7. Vấn đề sinh con sớm • Trên toàn quốc, khoảng 15% trường hợp sinh con là của phụ nữ dưới 19 tuổi (Theo Bộ Y Tế 1998 trong Liên Hiệp Quốc 2001). • Tỉ lệ sinh đẻ ở thanh thiếu niên ở nông thôn cao hơn bốn lần so với ở thành thị, và cao khoảng 9.6% ở miền núi phía Bắc (Theo điều tra về Nhân khẩu và Y tế Việt Nam năm 1997). Tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ sinh sản • Thanh thiếu niên tiếp cận rất hạn chế thông tin và dịch vụ về sức khoẻ sinh sản bao gồm cả kế hoạch hoá gia đình. Các dịch vụ trong hệ thống của Chính phủ hoặc không dành cho thanh thiếu niên chưa lập gia đình, hoặc là không phù hợp với họ. Vị thành niên và thanh niên chỉ có thể mua bao cao su và thuốc tránh thai tại các hiệu thuốc, cửa hàng, là những nơi không cung cấp thông tin cũng như tư vấn (theo Quỹ Dân số thế giới của Liên Hiệp Quốc 2001). • Trên danh nghĩa, việc sử dụng các biện pháp tránh thai cao, chiếm khoảng 75%. Tuy nhiên, việc khuyến khích sử dụng các biện pháp tránh thai được định hướng chủ yếu ở phụ nữ đã lập gia đình. Khoảng 20% những người sử dụng các phương pháp kế hoạch hoá gia đình vẫn dựa vào các phương pháp truyền thống, ít hiệu quả. • Trong những phụ nữ đã từng kết hôn, tuổi từ 15 đến 19, gần 100% đã từng nghe về một phương pháp tránh thai hiện đại (Theo điều tra về Nhân khẩu và Y tế Việt Nam năm 1997). • Những phụ nữ ít tuổi hơn (từ 15 - 24 tuổi), đã từng kết hôn thường ít biết đến các thông điệp về kế hoạch hoá gia đình trên ti vi và đài so với phụ nữ nhiều tuổi hơn (Theo điều tra về Nhân khẩu và Y tế Việt Nam năm 1997). • Trên 21% những phụ nữ đã từng hoặc hiện đang kết hôn, tuổi từ 15 – 19 từng sử dụng một biện pháp tránh thai, gần 5% trong số này là các biện pháp tránh thai truyền thống. Đặt vòng là biện pháp được sử dụng nhiều nhất ở mọi lứa tuổi (Theo điều tra về Nhân khẩu và Y tế Việt Nam năm 1997). Tỉ lệ hút điều hoà kinh nguyệt và nạo phá thai cao • Tỉ lệ hút điều hoà kinh nguyệt, nạo phá thai ở Việt Nam được ước tính là một trong ba tỉ lệ cao nhất thế giới (Theo Bộ Y tế 2002). • Bất chấp việc các biện pháp tránh thai được sử dụng rộng rãi, vào năm 1998, hơn 
  8. nửa số các trường hợp có thai kết thúc bằng nạo phá thai (Theo Bộ Y tế 1998 trong Liên Hợp Quốc 1999). • Ước tính phụ nữ chưa lập gia đình (đa số ở tuổi vị thành niên) chiếm 30% tổng số các trường hợp nạo phá thai. • Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn vị thành niên thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai lệch về các vấn đề liên quan đến tình dục, giới tính, dậy thì, và sinh sản (Theo Bộ Y tế 2002). Các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV và AIDS • Theo các đánh giá mới đây nhất của UNAIDS (cuối 2001, dựa vào ước tính năm 1997, 1999 và xu hướng gần đây trong giám sát HIV/AIDS), tỉ lệ HIV trong dân số ở tuổi vị thành niên và thành niên (15 - 24) được ước tính là 0.3%. Ước tính có 130,000 người trưởng thành sống chung với HIV vào cuối năm 2001, trong đó có 35,000 phụ nữ. (UNAIDS 2002) . • Tính đến tháng 8-1999, khoảng một nửa số trường hợp mới nhiễm HIV xuất hiện ở người dưới 30 tuổi. Gần 30% các trường hợp được báo liên quan đến những người dưới 20 tuổi (Theo Bộ Y tế trong Liên Hiệp Quốc 1999). • Hiện tại, 63% tổng số các trường hợp được báo nhiễm HIV là những người sử dụng ma tuý, tuy nhiên 81% trường hợp nhiễm bệnh là lây nhiễm qua đường tình dục. Lây nhiễm qua tình dục khác giới ở người trẻ tuổi đang gia tăng (Theo UNAIDS 2002). • Số lượng người sử dụng ma túy được báo cáo tăng 28% giữa năm 1998 và 1999. Gần 3/4 những trường hợp đã báo cáo là nghiện ma tuý trong năm 1999 dưới 30 tuổi, trong đó có 4,000 sinh viên, học sinh. Với sự lây lan của HIV ước tình là 24% (năm 2000) trong các đối tượng nghiện chích ma tuý, đây là điều đáng quan tâm cho thanh thiếu niên. • Theo Điều tra về Nhân khẩu và Y tế Việt Nam năm 1997, 1/5 phụ nữ đã từng lập gia đình tuổi từ 15 đến 19 chưa từng nghe về AIDS. 14% không biết cách ngăn ngừa HIV, không có tài liệu về kiến thức, thái độ hay hành vi của thanh thiếu niên chưa lập gia đình. • Kỳ thị người sống chung với HIV/AIDS phổ biến ở Việt Nam. 
  9. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHÍNH TRONG CẨM NANG NÀY 1. Cách tiếp cận tổng thể đối với Sức khoẻ sinh sản: Tuy trọng tâm của cuốn Cẩm nang này là sức khoẻ sinh sản, nhưng việc sử dụng cách tiếp cận tổng thể đối với giáo dục là quan trọng. Chúng ta cần phải hiểu mọi người có những nhu cầu và mối quan tâm gì về sức khoẻ sinh sản trong một bối cảnh rộng lớn hơn về xã hội, văn hoá, và môi trường. Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa sức khoẻ sinh sản là: “Sức khoẻ sinh sản là một trạng thái khoẻ mạnh, hài hoà về thể chất, tinh thần, xã hội trong tất cả mọi khía cạnh có liên quan đến cơ quan sinh sản, các chức năng và quá trình sinh sản chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay tổn thương cơ quan sinh sản.” Giáo dục thanh thiếu niên về sức khoẻ sinh sản chủ yếu là giáo dục họ như một con người (chính thể độc lập). Thông qua việc hỗ trợ họ trưởng thành như một con người hoàn chỉnh, chúng ta có thể thúc đẩy sự phát triển tâm lý, đạo đức và tinh thần của họ, cung cấp cho họ những kỹ năng để đối phó với những thách thức về sức khoẻ sinh sản của bản thân. 2. Hiểu về Vị thành niên • Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thơ ấu và tuổi trưởng thành. Nó bắt đầu với tuổi dậy thì. Đây là một giai đoạn của những thay đổi lớn – về thể chất, tâm lý, xã hội và hành vi, dẫn tới sự phát triển một nhân cách trưởng thành, riêng biệt. • Người ở tuổi vị thành niên trải qua những thay đổi nhanh chóng trong 5 lĩnh vực phát triển của họ: - Phát triển về thể chất. - Phát triển về trí tuệ. - Phát triển về xã hội. - Phát triển về cảm xúc. - Phát triển về giới tính. • Trong suốt giai đoạn vị thành niên, một người đối mặt với một số việc mang tính chất phát triển hướng tới trưởng thành và độc lập. Những việc đó là: - Chấp nhận những thay đổi sinh học và phát triển của tuổi dậy thì. 
  10. - Hình thành một tính cách ổn định và tích cực. - Phát triển những vai trò và nhiệm vụ trong gia đình. - Hướng đến độc lập khỏi bố mẹ và những người trưởng thành khác. - Tìm một nghề nghiệp và đạt được độc lập về kinh tế. - Sự phát triển của hệ thống đạo đức, giá trị. 3. Sự phát triển giới tính • Vị thành niên là giai đoạn mà nhận dạng về giới phát triển. Con trai và con gái bắt đầu trải nghiệm những cảm xúc tình dục, trở nên tò mò về tình dục một cách tự nhiên. • Khi cơ thể phát triển tới giai đoạn trưởng thành về tình dục và thanh thiếu niên có khả năng sinh sản, ham muốn tình dục có thể rất mạnh mẽ. • Vị thành niên cũng là giai đoạn thử nghiệm và mạo hiểm, thanh thiếu niên thường thử áp dụng nhân cách đang phát triển và sự độc lập của mình. • Thanh thiếu niên cần thông tin và kỹ năng để bảo vệ mình khỏi những nguy cơ này. 4. Vai trò của Văn hoá và Giá trị • Tình dục và hành vi sức khoẻ sinh sản được định hình một cách mạnh mẽ do những thói quen văn hóa, niềm tin truyền thống, nền tảng gia đình, giá trị tôn giáo. • Khi thực hiện giáo dục Sức khoẻ sinh sản, điều quan trọng là hỗ trợ mọi người xác định và thảo luận về những ảnh hưởng của quan điểm văn hoá, của niềm tin đối với hành vi tình dục cũng như đối với những quan điểm về mối quan hệ của họ. • Giá trị văn hoá và niềm tin có thể là rào cản cho mọi người khi áp dụng những hành vi tình dục và sức khoẻ sinh sản an toàn (thí dụ như nếu việc sử dụng bao cao su không được khuyến khích ở một cộng đồng). • Cùng lúc đó, văn hoá của một người có thể là một nguồn hỗ trợ, nhận dạng, và củng cố những giá trị giúp bảo vệ họ chống lại những vấn đề về sức khoẻ sinh sản. 5. Hành vi nguy cơ và Sức khoẻ sinh sản • Hành vi nguy cơ có thể làm tăng khả năng xảy ra những vấn đề về tâm lý, xã hội và sức khoẻ. Nhiều vấn đề về sức khoẻ sinh sản bắt nguồn từ hành vi mạo hiểm và sự thể hiện đối với những yếu tố nguy cơ trong xã hội cũng như môi trường (thí dụ: 10
  11. nghiện hút, áp lực đồng đẳng, gia đình tan vỡ, và lạm dụng ). • Sự hiện diện của một hành vi nguy cơ gia tăng khả năng xảy ra của những hành vi nguy cơ khác, thí dụ – hút thuốc lá và sử dụng ma tuý; sử dụng ma tuý và những hành vi tình dục không an toàn. • Giáo dục về Kỹ năng sống trang bị cho mọi người kiến thức, kỹ năng để đối phó với những yếu tố nguy cơ về môi trường, cũng như làm giảm áp lực thực hiện hành vi nguy cơ. 6. Nhận thức về Giới • Giới tính liên quan đến những vai trò khác nhau của nam và nữ, do xã hội và văn hoá riêng biệt nơi sinh sống quyết định. • Mong đợi của xã hội về những hành vi của vị thành niên có thể khác nhau tuỳ thuộc vào giới tính – đặc biệt khi liên quan đến những vấn đề như sức khoẻ sinh sản và hành vi nguy cơ. • Do giới tính của mình, nên nam giới và nữ giới nhận những thông điệp khác nhau về hành vi sức khoẻ sinh sản – như trách nhiệm đối với việc tránh thai và có thai ngoài ý muốn. • Việc đề cập tới những vấn đề về giới khi thực hiện giáo dục Sức khoẻ sinh sản – đặc biệt là nhấn mạnh rằng sức khoẻ sinh sản là trách nhiệm chung của cả nam và nữ , là một điều quan trọng. • Khuyến khích trách nhiệm và tham gia của nam giới vào sức khỏe sinh sản cũng là một điều quan trọng. Thông thường, thanh thiếu niên không để ý đến những vấn đề sức khoẻ sinh sản cho đến khi họ có vấn đề về sức khoẻ sinh sản, thí dụ như một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. 7. Hiểu biết về sự đa dạng của tình dục • Quan trọng là nhận ra rằng một số thanh thiếu niên đặc biệt có thể không chắc chắn về giới tính của mình, họ nhìn nhận bản thân như những người đồng tính nam, ái nam ái nữ, hay đồng tính nữ. Nghiên cứu chỉ ra rằng đồng tính nam và đồng tính nữ trẻ tuổi thường: - Cảm thấy cô lập và thiếu hỗ trợ. - Trải qua quấy rối và bạo hành. - Thiếu tiếp cận những thông tin đúng đắn về sức khoẻ tình dục. - Có tỉ lệ trầm cảm và tự tử cao. • Do vậy, đồng tính nam và đồng tính nữ trẻ tuổi có thể có nguy cơ mắc những vấn 11
  12. đề về sức khoẻ sinh sản cũng như tâm lý cao hơn. Khi cung cấp những thông tin và giáo dục về sức khoẻ sinh sản, điều quan trọng là xem xét đến nhu cầu của những người này. 8. Cách tiếp cận về kỹ năng sống • Kỹ năng sống là những kỹ năng cá nhân, xã hội cho phép một người đối phó với các vấn đề hàng ngày trong cuộc sống, phản ứng tích cực đối với các thách thức về sức khỏe sinh sản của họ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng để bảo vệ sức khoẻ sinh sản của mình, con người cần những kỹ năng để: • Đưa ra quyết định lành mạnh về các mối quan hệ, về hoạt động hoạt tình dục, đồng thời đứng lên bảo vệ những ý kiến đó của mình. • Chống lại những áp lực về tình dục không mong muốn hoặc sử dụng các chất kích thích. • Nhìn nhận ra tình huống có thể dẫn đến nguy hiểm hoặc bạo lực, và có thể lên kế hoạch trước. • Biết cách thương lượng để có tình dục an toàn và các dạng khác của tình dục an toàn khi đã sẵn sàng cho những mối quan hệ tình dục. • Biết làm cách nào và có thể yêu cầu giúp đỡ và hỗ trợ ở đâu. Cẩm nang này tập trung vào việc giảng dạy những kỹ năng sống sau: • Tự nhận thức. • Đưa ra quyết định. • Giải quyết vấn đề. • Kỹ năng giao tiếp và quan hệ. • Kỹ năng từ chối. 12
  13. CÁCH SỬ DỤNG CẨM NANG 1. Cấu trúc cẩm nang Cẩm nang này gồm một chương trình tập huấn 5 ngày, trong đó có các hoạt động tập huấn về chủ đề Sức khoẻ sinh sản, kỹ năng sống, kỹ năng giáo dục đồng đẳng và những hoạt động được liệt kê ở trên. Mỗi buổi tập huấn có 4 phần học, mỗi phần kéo dài từ 1.5 đến 2 tiếng. Trong khi chương trình được thiết kế để thực hiện trong 5 ngày liên tiếp, chương trình cũng có thể được tổ chức lại thành một chương trình 4 buổi, kèm theo một buổi tổng kết. Cũng có thể sắp xếp lại thứ tự các phần học và hoạt động phù hợp với nhu cầu của mỗi nhóm được tập huấn. Cẩm nang này còn có thể được sử dụng cho các khoá học tiếp theo và tập huấn củng cố cho giáo dục viên đồng đẳng. Giáo dục viên đồng đẳng cũng có thể sử dụng một số hoạt động của mình. Mỗi phần học có cùng một cấu trúc, bao gồm: • Mục tiêu học tập – Những gì học viên sẽ học được sau khi kết thúc mỗi phần học về phương diện nâng cao sự hiểu biết, cải thiện kỹ năng, và thay đổi quan điểm. • Tiếp sức cho nhóm – Mỗi phần học bắt đầu với một trò chơi hoặc hoạt động khởi động nhằm giúp tiếp sức cho nhóm và mang đến cho học viên một cách học vui vẻ, giúp tìm hiểu lẫn nhau. Phần tiếp sức nên được sử dụng tại những thời điểm khác nhau trong suốt phần học để duy trì động lực của nhóm. • Hoạt động – Mô tả một chủ đề cụ thể, một hoạt động học tập, và những bước liên quan đến việc thực hiện hoạt động đó. Bạn có thể đưa những hoạt động học tập mà bạn đã quen thuộc. Mỗi một hoạt động bao gồm các vấn đề cần thảo luận và các câu hỏi. • Thời gian cần thiết – chỉ ra bao nhiêu thời gian cần thiết để thực hiện những hoạt động trong các chủ đề nhỏ. Lưu ý: Thời gian phân bổ cho mỗi chủ đề chỉ mang ý nghĩa hướng dẫn. Bạn có thể sử dụng thời gian nhiều hơn hoặc ít hơn cho một hoạt động cụ thể, theo yêu cầu của nhóm bạn mà làm việc cùng. • Tài liệu giảng dạy – Là những tài liệu trong đó tóm tắt những thông tin chính được đề cập đến ở mỗi chủ đề. Nó được sử dụng như một tài liệu nguồn cho tập huấn viên nhằm hỗ trợ trong việc hướng dẫn phần học, điều khiển các cuộc thảo luận và trả lời các câu hỏi. 13
  14. 2. Lên kế hoạch cho chương trình tập huấn của bạn Trước khi bắt đầu chương trình của bạn, điều quan trọng là phải lên kế hoạch trước và đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng để tiến hành chương trình. Điều này bao gồm những công việc sau: • Đọc Cẩm nang và các hoạt động có trong đó để thật sự làm quen với những nội dung của chương trình tập huấn. • Sắp xếp cụ thể những gì cần thiết cho mỗi phần học thí dụ sắp xếp các tài liệu và các phương tiện cần có. • Đảm bảo phòng học phù hợp với nhu cầu của chương trình và của học viên – Phòng học nên tiện lợi, thoải mái và có đủ chỗ cho học viên di chuyển, tham gia vào các hoạt động học tập. • Chuẩn bị trước cho mỗi phần học – làm quen với cả nội dung lẫn hoạt động của mỗi phần học. Đọc trước Những hoạt động và Tài liệu giảng dạy về chủ đề của bạn trước khi bắt đầu mỗi phần học, do đó có thể chủ động chuẩn bị để tiến hành các hoạt động và trả lời câu hỏi. • Nắm rõ Mục tiêu học tập của mỗi phần và những điều muốn đạt được trong phần đó. • Tự làm quen với thời gian cần thiết cho mỗi hoạt động, để có thể thực hiện bài giảng theo sắp xếp. 3. Các tài liệu nguồn cần thiết • Chuẩn bị tốt các tài liệu nguồn cần thiết giúp bạn thực hiện phần tập huấn. Tài liệu, phương tiện cần thiết gồm có: - Vở viết và bút. - Giấy khổ to (A0). - Bút dạ. - Bảng trắng/đen hoặc bảng kẹp giấy (flipchart). - Băng dính. - Bút màu hoặc bìa cáctông. - Đề cương chương trình (dành cho học viên). - Tài liệu phân phát. - Bản copy các bài kiểm tra trước/sau tập huấn. - Phần thưởng nhỏ cho các câu đố như bút, vở, kẹo 14
  15. VAI TRÒ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI TẬP HUẤN Quan điểm và cách tiếp cận của người tập huấn có tính quyết định đến sự thành công của chương trình tập huấn. Người tập huấn cần có kỹ năng giảng dạy tốt cũng như tính cách cá nhân cần thiết để có thể dành được tin tưởng của học viên, nhằm tạo ra một môi trường học tập phù hợp cho việc giảng dạy những vấn đề nhạy cảm được đề cập đến trong chương trình. Là một tập huấn viên, vai trò của bạn là tạo ra một môi trường học tập an toàn cho học viên để họ cảm thấy tự do thảo luận các vấn đề liên quan đến sức khoẻ và mối quan tâm của cá nhân mình. Để làm được điều đó, bạn cần phải ý thức được giá trị, quan điểm của bạn về các vấn đề sức khoẻ, xã hội, như các hành vi nguy cơ. Quan trọng là sử dụng cách tiếp cận không phê phán khi thảo luận về các vấn đề, cũng như khi cung cấp thông tin cho lớp học. Tập huấn viên có những trách nhiệm sau: • Khuyến khích một không khí trung thực, tin tưởng trong nhóm. • Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của học viên. • Khuyến khích thảo luận mở và chấp nhận những ý kiến khác nhau. • Quản lý thời gian và đảm bảo các hoạt động được thực hiện đúng giờ. • Đảm bảo thông tin đưa ra là chính xác – nếu bạn không biết câu trả lời cho câu hỏi cụ thể, hãy nói không biết và cố gắng tìm ra thông tin chính xác sau đó. • Làm mẫu cho học viên – gương mẫu về giá trị và cách cư xử, thí dụ – không phán xét; lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của người khác. CÁC PHƯƠNG PHÁP TẬP HUẤN Các hoạt động trong cuốn Cẩm nang này dựa trên việc sử dụng phương pháp giáo dục có sự tham gia. Phương pháp khuyến khích sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong nhóm vào việc học tập bằng cách chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cũng như thực hành kỹ năng mới. Những hoạt động trong Cẩm nang này chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm. Có nghĩa là, hoạt động này đòi hỏi học viên tham gia vào các bài tập, các hoạt động. Bằng cách này, học viên sẽ học thông qua thực hành, hơn là chỉ thụ động tiếp nhận bài giảng từ giáo viên. 15
  16. Thí dụ : Nếu bạn thảo luận về cách sử dụng bao cao su – bạn có thể nói với học viên sử dụng như thế nào là đúng cách. Tuy nhiên, học viên sẽ học hiệu quả hơn nếu họ có cơ hội thực hành sử dụng bao cao su – bằng cách tự tay đeo nó vào một dương vật mẫu. 1. Phương pháp giáo dục có sự tham gia: Theo học thuyết giáo dục, con người giữ lại: - 20% những gì họ nghe. - 30% những gì họ nhìn thấy. - 50% những gì họ nghe và nhìn thấy. - 70% những gì họ nhìn, nghe và nói (thảo luận). - 90% những gì họ nhìn, nghe, nói và thực hành. Phương pháp giáo dục có sự tham gia dựa trên những quy tắc học tập sau: - Các học viên chia sẻ và học tập từ kinh nghiệm của bản thân. - Sự tham gia tích cực của học viên. - Sự thực hành và củng cố – tạo cơ hội thực hành và áp dụng những kỹ năng mới. - Áp dụng thực tế – cơ hội để xem những thông tin được áp dụng vào cuộc sống của họ như thế nào - Phản hồi. Giáo dục có sự tham gia tạo cho học viên cơ hội để tác động lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, và tạo cơ hội để phát triển những kỹ năng mới. Tuy nhiên, mọi người thường ngại ngùng và sợ sệt khi thảo luận ý kiến của mình trong một nhóm lớn, và có thể xấu hổ khi nói về những chủ đề nhạy cảm. Những việc làm sau đây của bạn sẽ giúp khuyến khích sự tham gia tích cực: • Khẳng định lại với học viên rằng những cuộc thảo luận trong nhóm sẽ được giữ bí mật. • Dành toàn bộ sự quan tâm đến nhóm và lắng nghe cẩn thận những gì được nói đến. • Yêu cầu học viên tôn trọng và lắng nghe lẫn nhau. • Khuyến khích học viên ít nói diễn tả ý kiến của mình. • Khi trình bày những thông tin thực tế – như chức năng của các bộ phận sinh dục – sử dụng hình ảnh hỗ trợ (như tranh, mô hình) để giải thích cho những điều bạn đang nói. • Sử dụng phương pháp dạy đa dạng như thảo luận, thuyết trình, đóng vai, thi đố và tranh luận. 16
  17. • Sử dụng trò chơi giúp học viên thư giãn và tìm hiểu, quan tâm lẫn nhau • Động viên học viên trả lời câu hỏi về tất cả các chủ đề. • Chia nhóm lớn thành các nhóm nhỏ hơn cho các hoạt động khác nhau – đưa cho họ chủ đề để thảo luận và ra bài tập để làm. 2. Những cách học tập khác nhau Mọi người học bằng nhiều cách khác nhau. Cẩm nang này đưa ra các hoạt động cho ba cách chính mà mọi người thường học – nhìn, nghe và thực hành. Mỗi người có thể dễ tiếp thu bằng cách này nhiều hơn cách khác. Tuy nhiên, có những lúc tất cả chúng ta đều học qua việc phối hợp cả ba cách. Sử dụng nhiều kỹ năng giảng dạy và nhiều hoạt động để bao quát nhiều cách học tập khác nhau của học viên. Thí dụ: • Nhìn – tạo cơ hội cho những dữ liệu bằng hình ảnh và quan sát - Áp phích, đồ thị, mô hình. - Trưng bày hình ảnh. - Các cuốn sách nhỏ, tài liệu phân phát. - Viết lên bảng. - Phim. • Nghe – tạo cơ hội để lắng nghe và phản hồi về các thông tin - Phần hỏi và trả lời. - Bài giảng và các câu chuyện. - Băng đài. - Thảo luận từng cặp hoặc theo nhóm. • Thực hành - Các hoạt động trong đội. - Kinh nghiệm thực hành. - Đóng vai. - Trò chơi. 17
  18. 3. Hướng dẫn làm việc trong nhóm nhỏ Những hoạt động trong Cẩm nang này thường xuyên sử dụng những nhóm nhỏ, giúp tạo cho học viên cơ hội lớn hơn trong việc chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi ý kiến, và thực hành những kỹ năng mới. Làm việc trong các nhóm nhỏ cũng dạy cho học viên cách làm việc cùng nhau, hợp tác và chịu trách nhiệm về việc học của họ. Việc sử dụng các nhóm nhỏ sẽ hiệu quả hơn nếu có một số hướng dẫn tham gia cho các học viên trong nhóm. Những hướng dẫn đó bao gồm: • Phân công vai trò và nhiệm vụ của nhóm – thí dụ: - Một học viên ghi lại những ý kiến của nhóm. - Một học viên theo dõi thời gian. - Một học viên trình bày lại cho cả lớp những ý kiến của nhóm. Những vai trò này có thể được luân phiên giữa các học viên mỗi lần hình thành một nhóm mới. • Di chuyển trong lớp và hỗ trợ các nhóm khác nhau khi họ làm một bài tập cụ thể. • Hỗ trợ cho các nhóm trong việc trình bày lại trước cả lớp. 4. Phân chia học viên vào những nhóm nhỏ Để có thể hướng dẫn học viên, phân chia họ thành những nhóm nhỏ và đảm bảo học viên không phải lúc nào cũng ở trong cùng một nhóm, tập huấn viên có thể sử dụng những phương pháp khác nhau để chia học viên thành những nhóm nhỏ. Thí dụ: • Đếm số : Dựa vào số nhóm yêu cầu cho hoạt động, giảng viên sẽ yêu cầu học viên đọc số trong một chuỗi, những ai có cùng một số giống nhau sẽ tạo thành một nhóm. Thí dụ, trong một nhóm có 20 học viên, mỗi học viên sẽ đọc ra một số từ 1 đến 5. Thí dụ, học viên với số thứ tự là 1 sẽ tạo thành một nhóm, những người có số 2 tạo thành một nhóm, và tương tự như thế cho đến khi tạo được năm nhóm, mỗi nhóm có 6 học viên. • Ngày sinh nhật. Chia nhỏ nhóm theo tháng sinh của học viên. Thay vào đó, cũng có thể phân chia lớp học theo mùa, tạo thành 4 nhóm. • Tiếng động vật. Phân phát những tấm thẻ có tên động vật trên đó với một loại động vật cho một nhóm. Mỗi học viên sẽ giả tiếng của loài vật mà họ có trong tấm các của mình và sẽ theo dõi, lắng nghe để tìm học viên khác giả tiếng giống như vậy, và do đó sẽ tạo ra những nhóm tương ứng. • Bắt tay ngẫu nhiên. Toàn bộ nhóm sẽ đứng lên, mỗi học viên sẽ đi lại và bắt tay với bất cứ người nào mà họ muốn. Sau đó, tập huấn viên sẽ hô “DỪNG LẠI”, 18
  19. những cặp học viên đang bắt tay sẽ tạo thành một nhóm hai người. • Những phương pháp khác bao gồm: chia cả lớp theo ký hiệu toán học, theo các hình hình học, nguyên tố hoá học, các ngọn núi, con sông, hồ, đường tàu, từ đồng nghĩa, trái nghĩa hoặc những từ tiếng Anh. 5. Kỹ năng giao tiếp Để thực hiện thành công chương trình tập huấn, tập huấn viên phải là một người giao tiếp hiệu quả. Việc sử dụng hiệu quả những kỹ năng giao tiếp sẽ khuyến khích sự tham gia, thảo luận của học viên. Giao tiếp hiệu quả bao gồm những gì chúng ta nói bằng lời nói, những gì không bằng lời nói (thí dụ: ngôn ngữ cơ thể), và cách chúng ta lắng nghe. Giao tiếp là một quá trình hai chiều. Tập huấn viên phải chú ý đến những gì mà mình giao tiếp với nhóm, cũng như chú ý đến thông thiệp mà thành viên của nhóm đang truyền đạt. Dưới đây là một số kỹ năng giao tiếp bằng lời nói và không bằng lời nói sẽ giúp cho buổi tập huấn diễn ra trôi chảy: Những kỹ năng giao tiếp bằng lời nói Những kỹ năng giao tiếp bằng lời nói chủ yếu là lắng nghe tích cực, đặt câu hỏi và tóm tắt. • Lắng nghe tích cực liên quan đến: - Lắng nghe những từ và cảm xúc mà học viên đang truyền đạt. - Không ngắt lời khi học viên đang nói. - Kiểm tra xem bạn có hiểu đúng nghĩa mà học viên đã nói không, bằng cách diễn tả lại bằng từ ngữ của bạn. - Hỏi thêm thông tin (thí dụ: “Bạn có thể nói thêm về điều đó được không? Hay “Bạn có thể cho tôi một thí dụ được không?”). - Yêu cầu các học viên khác tóm tắt một chủ đề bằng từ ngữ của chính họ để kiểm tra xem họ có hiểu chủ đề đó không. • Đặt câu hỏi: - Sử dụng những câu hỏi mở để có thêm thông tin và khuyến khích thảo luận, như: “Bạn nghĩ thế nào về ?”, “Tại sao bạn nghĩ mọi người làm thế .?”, “Cô ấy đã thay đổi tình huống đó như thế nào ?” 19
  20. - Sử dụng những câu hỏi tìm kiếm để hiểu sâu hơn về ý của học viên, để làm rõ câu trả lời của họ và khuyết khích phản hồi, thí dụ: “Bạn có thể nói cho tôi thêm ?”, “Bạn có thể đưa ra một thí dụ cho ý của bạn được không?”; “Điều này áp dụng vào cuộc sống của bạn như thế nào?” • Tóm tắt - Thỉnh thoảng, vào cuối mỗi phần thảo luận, tóm tắt những điểm chính mà học viên đưa ra, hoặc cả nhóm đã thảo luận. Kỹ năng giao tiếp không bằng lời nói Kỹ năng giao tiếp không bằng lời nói của bạn cho học viên thấy rằng bạn ủng hộ và lắng nghe họ. • Ngôn ngữ cơ thể - Cho thấy ngôn ngữ cơ thể biểu lộ sự chăm chú. - Đối diện vớihọc viên khi họ đang nói. - Có điệu bộ thoải mái, cởi mở. - Có một cách nhìn tốt, trực diện nhưng không nhìn chằm chằm. - Phản ứng với những gì học viên nói bằng cách gật đầu, cười và thể hiện sự quan tâm. • Cũng dành sự chú ý đến giao tiếp không bằng lời nói của học viên. - Điệu bộ cơ thể, giọng nói, biểu hiện trên khuôn mặt của họ. - Chú ý đến những học viên ít nói hay cảm thấy không thoải mái, nhẹ nhàng khuyến khích họ tham gia bằng cách đặt câu hỏi hay yêu cầu họ hỗ trợ bạn một bài tập. SỬ DỤNG NHỮNG PHƯƠNG PHÁP THAM GIA Dưới đây là những phương pháp giáo dục tham gia cụ thể, được sử dụng thường xuyên trong Cẩm nang này. 1. Đóng vai Đóng vai là một chiến lược dạy học rất hiệu quả nhằm khám phá những tình huống của vấn đề và phát triển các kỹ năng. Ở phương pháp này, học viên sẽ vào vai những tình huống thực tế mà mọi người thường gặp phải. Thông qua việc đóng vai của một người 20
  21. khác, mọi người thường dễ dàng bộc lộ ý kiến và cảm xúc riêng của mình hơn. Bạn có thể sử dụng cách đóng vai để minh họa và thực hành những kỹ năng mới như giao tiếp, từ chối và đưa ra quyết định. Đóng vai cho phép học viên thực hành những tình huống trước khi gặp trong thực tế, thí dụ một vai diễn có thể xem xét đến cách nói không với việc sử dụng ma tuý, hay cách nói chuyện với một người bạn về một vấn đề. Nó cũng cho phép mọi người trải nghiệm những áp lực xã hội mà họ có thể phải đối mặt khi có tham gia vào hành vi không an toàn và hành vi nguy cơ, cũng như để thực hành những hành vi mới chống lại những áp lực đó. Những bước trong việc tiến hành một vai diễn Để việc nhập vai được hiệu quả, điều quan trọng là làm theo những bước sau: Bước 1 – Chuẩn bị • Xác định tình huống được sử dụng cho việc nhập vai. Một số kịch bản trong Cẩm nang này có thể được sử dụng làm cơ sở cho việc nhập vai. Khi nhóm đã quen thuộc với việc nhập vai, cùng với tập huấn viên, học viên cũng có thể tạo ra những kịch bản của riêng họ. Cho học viên một bản copy của một kịch bản có ích để họ thực diễn. • Đưa ra mục tiêu của việc đóng vai một cách cụ thể. • Xác định các vai diễn trong một vở kịch và quyết định ai sẽ đóng chúng – bạn có thể kêu gọi những người xung phong thực hiện vai diễn trước toàn nhóm. Hoặc bạn có thể phân chia thành những nhóm nhỏ hơn, với những người khác nhau đóng các vai diễn trong mỗi nhóm. • Nếu học viên chưa từng thử đóng vai trước đây, có thể mất một thời gian để họ mất đi sự ngại ngùng và đóng vai một người khác – các trò chơi có thể giúp học viên khởi động trước một vai diễn. Bước 2 – Dàn dựng vở diễn • Cung cấp cho học viên một số thời gian để thảo luận và chuẩn bị cho vai diễn của họ. Nếu một nhóm trình bày một vở kịch trước toàn nhóm, tốt hơn là cho họ thời gian ngắn để diễn tập. • Chuẩn bị sân khấu – sử dụng ghế hoặc đồ dùng sân khấu để giúp cho vở kịch giống 21
  22. thực tế càng tốt. • Trước khi bắt đầu vở kịch, đặt ra một số quy tắc cơ bản với nhóm: - Khán giả không được cắt ngang vở kịch, không được cười đùa, gọi to, hay chế giễu một vai diễn nào cả. - Yêu cầu những người không đóng vai làm người quan sát và đưa ra ý kiến phản hồi sau vở diễn. Bước 3 – Diễn vở diễn • Yêu cầu học viên đóng vai của họ. • Diễn ngắn gọn – thường từ 3-5 phút là đủ. • Đảm bảo người tham gia sử dụng tên của vai diễn chứ không phải tên của họ. • Điều khiển ‘nhập vai’ trong vở diễn. • Nếu các vở kịch diễn ra cùng một lúc ở các nhóm khác nhau, đi quanh phòng quan sát các nhóm, đảm bảo rằng các vở kịch diễn ra trôi chảy. Bước 4 – Cởi bỏ vai diễn • Một điều quan trọng là cởi bỏ vai diễn sau khi vở kịch kết thúc – điều đó có nghĩa là những người tham gia để lại những vai diễn sau lưng và trở lại chính bản thân mình. • Đưa cho những người đóng vai những phản hồi tích cực về những gì họ đóng. • Cách tốt nhất để cởi bỏ vai diễn là đặt những câu hỏi về nhân vật mà họ đã đóng (khi làm như vậy nên gọi họ bằng tên thật của họ). • Một số câu hỏi giúp họ cởi bỏ vai diễn là: - Bạn đã học được gì về nhân vật bạn đã đóng? - Cô ấy/anh ấy là người như thế nào? - Tại sao nhân vật của bạn lại nói lại làm như vậy? - Bạn sẽ làm gì khác với nhân vật của bạn trong tình huống này? Bước 5 – Phản hồi và Thảo luận • Sau khi vở diễn kết thúc, yêu cầu phản hồi từ phía khán giả về phản ứng của họ khi xem những gì diễn ra trên sân khấu và phản ứng của họ đối với những nhân vật khác nhau được khắc họa. Đặt những câu hỏi cụ thể sẽ giúp khuấy động thảo luận trong nhóm và đưa ra kết luận: 22
  23. - Bạn học được gì từ vở kịch này? - Vở kịch này giống hoặc khác như thế nào so với thực tế? - Những cảm giác và quan điểm nào được nhân vật diễn tả (dùng tên của nhân vật) - Những vấn đề chính mà mỗi nhân vật gặp phải là gì? - Mỗi nhân vật phải đưa ra những quyết định nào? - Các nhân vật này có những sự lựa chọn nào? - Kết quả/ hậu quả của những hành vi/quyết định của họ là gì? - Lần sau, nhân vật có thể làm thế nào khác? • Liên hệ phần thảo luận với một chủ đề cụ thể được đề cập. Yêu cầu học viên suy nghĩ về cách họ xử lý tình huống này nếu họ gặp phải trong cuộc sống. Bước 6 – Diễn lại • Đôi khi diễn lại vở kịch sau khi thảo luận nhóm là hữu ích. Tuy nhiên, lần này các vai diễn sử dụng những kỹ năng mà họ đã từng thực hành hoặc từng nói đến, nhằm đối phó với vấn đề tốt hơn, hoặc giao tiếp hiệu quả hơn. • Bạn có thể yêu cầu những học viên khác đóng vai các nhân vật trong vở diễn lại. 2. Động não Động não là một kỹ năng kêu gọi phản hồi tự nguyện từ những người tham gia về một chủ đề nhất định. Nó cho phép bạn có được những ý kiến và suy nghĩ của học viên về một vấn đề, một chủ đề, hay câu hỏi cụ thể trong một khoảng thời gian ngắn. Động não khuyến khích học viên và tạo cơ hội cho mỗi người trong nhóm nói lên quan điểm hay ý kiến của mình. Giáo viên bắt đầu với việc đặt câu hỏi hoặc đưa ra một vấn đề – thí dụ: “Mọi người sử dụng ma tuý vì những lý do nào?” • Đề nghị học viên suy nghĩ càng nhiều từ, cảm giác, và ý kiến về chủ đề đã chọn càng tốt. • Nói với cả nhóm rằng quan điểm của tất cả mọi người đều giá trị. • Viết tất cả các ý kiến lên bảng hoặc lên một tờ giấy khổ to. • Chấp nhận và ghi ra tất cả các thông tin phản hồi mà không đưa ra bình luận về những ý kiến đó – mục tiêu là đạt được càng nhiều phản hồi càng tốt. • Một điều quan trọng là viết ra ý kiến của tất cả mọi người, về sau bạn có thể thảo 23
  24. luận chúng trong lớp học – Đừng phán xét hay chỉ trích. • Tiến hành phần động não một cách nhanh chóng. • Khi tất cả mọi ý kiến đã được viết ra, bạn có thể thảo luận chúng trong lớp học (hoặc chia thành những nhóm nhỏ hơn). Tại sao sử dụng phương pháp động não? • Nó giúp cho các ý kiến tuôn trào và vì thế phát sinh ra rất nhiều ý kiến trong một khoảng thời gian ngắn. • Nó giúp cho học viên diễn tả ý kiến mà thường họ có thể giấu, do không còn sự sợ hãi bị phê phán từ giáo viên hay từ bất cứ người nào khác. • Nó cho phép bạn nắm bắt được trình độ kiến thức của nhóm về một chủ đề cụ thể • Những ý kiến được viết ra và có thể sử dụng làm cơ sở cho thảo luận về sau. • Khi tiếp cận với một chủ đề khó, như HIV/AIDS, mọi người thường sợ và ngại ngần, động não có thể có ích trong việc làm cho nhóm thư giãn. 3. Nghiên cứu tình huống Nghiên cứu tình huống và mô tả một tình huống trong đó học viên phải thảo luận, hoặc một vấn đề mà họ phải giải quyết. Tình huống phải đơn giản, thực tế và liên quan đến cuộc sống của học viên, để cho họ muốn tham gia thảo luận. Tình huống được nghiên cứu có thể là những câu chuyện rất đơn giản, trong đó yêu cầu học viên suy nghĩ về những chiến lược mà họ có thể sử dụng để đối phó với một vấn đề cụ thể. Nghiên cứu tình huống hiệu quả nhất khi nó đưa ra những vấn đề hay thách thức vấn đề mà mọi người thường đối mặt trong chính cuộc sống của họ, trong các mối quan hệ và có khi phải đối phó với nguy cơ cho chính sức khoẻ của họ. Học viên sau đó phải xem qua và thảo luận những cách để giải quyết vấn đề. Bạn có thể tự tạo ra tình huống nghiên cứu của mình phản ánh những nhu cầu cụ thể của nhóm mà bạn đang làm việc cùng. Thí dụ, một vấn đề về sức khoẻ cụ thể mà có thể là một vấn đề chính trong cộng đồng mà bạn đang làm việc (thí dụ HIV/AIDS). Bạn có thể nghĩ ra một tình huống để khai thác vấn đề này. Tình huống của bạn nên có một số câu hỏi hoặc bài tập chính mà nhóm phải thảo luận đề tìm ra giải pháp cho vấn đề trong tình huống đó. 24
  25. TRÒ CHƠI & HOẠT ĐỘNG TIẾP SỨC Trò chơi và hoạt động tiếp sức là những cách tốt để học viên tìm hiểu lẫn nhau khi vui chơi. Khi có đủ thời gian, bắt đầu mỗi phần học với một trò chơi hoăc hoạt động tiếp sức. Bạn cũng có thể tổ chức một hoạt động tiếp sức vào bất cứ thời điểm nào trong suốt phần học – đặc biệt, khi bạn cảm thấy năng lượng hay sự tập trung của nhóm bắt đầu suy giảm. Mục đích của các trò chơi là: • Tiếp sức cho học viên và tăng mức độ tập trung của họ. • Xây dựng mối liên kết trong nhóm. • Tạo một không khí thoải mái trong lớp học. • Thúc đẩy nhóm cho hoạt động tiếp theo. • Tạo một sự thay đổi từ hoạt động trí tuệ đơn thuần thành một hoạt động vận động có nhiều ý nghĩa hơn. Một số trò chơi hữu ích được đưa ra dưới đây. Bạn cũng có thể sử dụng hoạt động tiếp sức hoặc những trò chơi địa phương mà bạn hay các học viên biết. Xếp thành hàng Xếp thành hàng là một cách tích cực cho học viên trong nhóm tìm hiểu lẫn nhau. Yêu cầu tất cả học viên đứng dậy. Nói với họ rằng bạn muốn xếp họ thành một hàng trong phòng theo thứ tự chữ cái đầu tiên trong tên của họ (nghĩa là, những ai có tên bắt đầu bằng chữ ‘a’ sẽ đứng ở một đầu hàng, những người có tên bắt đầu với chữ ‘z’ sẽ đứng ở đầu kia. Nói với họ rằng họ sẽ cần phải nói chuyện với nhau để tìm ra điều đó. Sau khi họ đã làm xong, yêu cầu họ tự sắp xếp vào hàng theo một số cách xếp loại khác như: - Tháng sinh nhật của họ (từ tháng 1 đến tháng 12). - Chiều cao (từ thấp nhất đến cao nhất). - Tuổi (từ trẻ nhất đến già nhất). - Khoảng cách từ nơi họ sống đến phòng học này (từ gần nhất đến xa nhất) - Cỡ giầy (từ lớn nhất đến nhỏ nhất). Bạn hoặc các học viên có thể bổ sung những phân loại khác. Khi làm xong, yêu cầu học viên ngồi xuống và thảo luận về những gì họ tìm hiểu được về các học viên khác trong lớp học. 25
  26. Tìm “Ai đó, mà” Đây là một cơ hội để tìm ra một điều gì đó về những người khác trong lớp học. Yêu cầu học viên đứng dậy và bắt đầu đứng lẫn lộn vào nhau. Bảo họ tự giới thiệu tên cho nhau. Sau đó đề nghị họ tìm ra người: - Có chiều cao giống mình. Sau khi đã tìm ra người đó, đề nghị họ tiếp tục tìm người khác mà (đọc to từng phân loại một): - Giống tuổi mình. - Trẻ hơn hoặc già hơn mình. - Có một anh/em trai hoặc chị/em gái. - Yêu trường học. - Ghét trường học. - Thích chơi thể thao. - Biết nấu nướng. Bạn có thể tạo ra bất cứ phân loại nào bạn muốn. Khoảng 10 phút sau, yêu cầu học viên ngồi xuống và thảo luận những gì đã tìm thấy về những người khác trong nhóm. “Tên tính từ” Đi theo vòng tròn và đề nghị mỗi học viên nói tên của mình (hoặc tên mà họ muốn được gọi) cộng với một tính từ có tính tích cực, bắt đầu với cùng một chữ cái nghe như từ trong tên của họ. Yêu cầu những lựa chọn lạc quan – thí dụ: “Tôi là Yến Vui Tính” Sa lát hoa quả Nhóm ngồi trên ghế, trong một vòng tròn. Bắt đầu với một người trong vòng tròn và bảo với họ bây giờ họ là ‘Trái chuối’, người tiếp theo, ‘Trái xoài’, tiếp theo, ‘Trái dứa’; v.v. cho đến khi mỗi người có một tên là một trong ba loại quả này. Trong đó có bạn, vì bạn sẽ bắt đầu trò chơi bằng cách đứng vào giữa vòng tròn, và không có ghế. Bảo với nhóm rằng bất cứ người nào trong vòng tròn gọi tên một loại quả. Tất cả học viên là loại quả đó phải đứng dậy và tìm một chiếc ghế khác. Họ không được ngồi vào ghế ở hai bên họ. Luôn luôn có một người còn lại phải đứng. Người đó sẽ gọi tên một loại quả khác và cũng như vậy tất cả mọi người là quả đó phải tìm một cái ghế khác. Người ở giữa có thể được gọi “Sa lát hoa quả”. Khi điều đó xảy ra, tất cả mọi người trong nhóm phải đứng dậy và tìm một cái ghế mới. Đây là một trò chơi nhiều năng lượng và rất vui. Yêu cầu học viên cẩn thận không làm đau, va chạm, xô đẩy với người khác trong khi vội vã đi tìm một chiếc ghế trống. 26
  27. Thắt nút Tạo các nhóm từ 5 - 6 người và yêu cầu mỗi nhóm đứng thành một vòng tròn. Tất cả đặt một tay vào giữa vòng tròn. Cầm tay một người khác, nhưng không phải người đứng bên cạnh họ. Lặp lại, giơ tay kia lên và nắm lấy tay của một người khác. Điều này sẽ tạo nên một nút thắt bằng tay. Nhóm phải cố gắng tự gỡ rối mà không rời tay nhau ra tại bất cứ giai đoạn nào. Nháy mắt và Chạm vào Trò chơi Nháy mắt và Chạm vào đòi hỏi một tiến độ nhanh để cho trò chơi thú vị. Chia nhóm làm hai. Một nhóm ngồi trong một vòng tròn nhỏ nhìn vào trong, quay lưng lại ghế của họ. Cần có một chiếc ghế trống ở trong vòng tròn này. Những người khác đứng sau mỗi chiếc ghế, lùi lại ít nhất một bước và tay để sang hai bên mình. Người đứng sau chiếc ghế trống được gọi là “người nháy mắt”. Công việc của họ là nháy mắt với một ai đó đang ngồi. Người bị nháy mắt phải chạy tới chiếc ghế trống, nhưng nếu người đứng sau họ chạm vào vai họ trước, họ phải đứng nguyên tại chỗ. Nếu người nháy mắt thành công trong việc đưa ra đó vào trong chiếc ghế trống của mình, người mới này cùng với chiếc ghế trống sẽ trở thành người nháy mắt. Sau đó, họ phải nháy mắt với một ai khác và cố gắng đưa người đó ngồi vào chiếc ghế trống. Hoán đổi hai vòng tròn sau khi đã chơi được nửa trò chơi. Thuyền cứu sinh Những người tham gia được bảo rằng họ đang ở trên một con tàu đang chìm. Họ phải lên những con thuyền cứu sinh, nhưng sức chứa của chúng chỉ có hạn. Tuỳ vào quy mô của nhóm, thí dụ người điều hành nói to rằng những chiếc thuyền cứu sinh chỉ dành cho 2, 3 và 5 người. Sau 5 giây, những người tham gia phải tạo thành các nhóm có 2, 3 hoặc 5 người. Những nhóm có nhiều hơn hoặc ít hơn số người được thông báo bị “chết đuối” và phải rút ra. Giáo viên sau đó thông báo số người mới, vì thế việc tái tập hợp nhóm là cần thiết, cho đến khi chỉ còn một nhóm duy nhất. Bài tập này là một bài tập tiếp sức nhanh cho phép mọi người di chuyển xung quanh một cách nhanh chóng, tương tác với những người khác cũng như đưa ra quyết định nhanh chóng. 27
  28. Yến Nói Tất cả đứng trong một vòng tròn. Giáo viên nói to: “Yến nói, thí dụ: chạm vào mũi bạn bằng tay trái, hoặc giơ hai tay bạn lên; hoặc đứng trên một chân”, v.v. Cùng lúc, mô phỏng hành động đó. Mọi người được yêu cầu làm theo mệnh lệnh được mô phỏng. Nhưng nếu giáo viên không đề cập đến “Yến”, và một số người chơi vẫn làm theo mệnh lệnh, những người này sẽ bị loại ra khỏi trò chơi. Trò chơi tiếp tục cho đến khi chỉ còn một số người chơi cuối cùng và giáo viên không thể đánh lừa họ hơn nữa. Vỗ tay Người chơi đứng trong một vòng tròn, đếm to, bắt đầu với “1” và tiếp tục quanh vòng tròn, mỗi người sẽ nói số kế tiếp. Tuy nhiên, mỗi lần họ đến một số có thể chia hết cho 3 - như 12, hoặc có một số 3 trong đó - như 13, người nào đến lượt phải vỗ tay thay vì đọc số. Người tiếp theo họ không được vỗ tay vào đúng số mà phải bắt đầu đếm lại từ 1. Bài tập này đòi hỏi sự tập trung và có ích khi bắt đầu làm việc nhóm nghiêm túc về giải quyết vấn đề. Người mù bước đi Những người tham gia được yêu cầu tạo thành đôi. Trong mỗi đôi, một người phải nhắm mắt lại. Người kia phải dắt tay họ và dẫn họ đi quanh phòng một cách an toàn. Người dẫn đường phải nói với người ‘mù’ về những chướng ngại vật sắp tới – thí dụ: một bậc, một ô cửa, một bức tường. Người dẫn đường cũng phải rất cẩn thận để ý cho người bạn cùng đôi với mình và đảm bảo cả 2 an toàn trong mọi thời điểm. Sau khi người thứ hai đến lượt của mình, dừng trò chơi lại và quay trở lại nhóm. Đề nghị nhóm thảo luận xem họ đã cảm thấy thế nào, cả người mù và người dẫn đường. Đây là một bài tập tốt để nói về sự tin tưởng – điều gì giúp mọi người tin tưởng vào ai đó. Chúng ta có thể khuyến khích mọi người tin tưởng chúng ta bằng cách nào. Vật tay Tổ chức cho nhóm thành những đôi, ngồi hoặc đứng. Những người trong mỗi đôi ghì chặt tay phải vào nhau, với ngón cái giơ lên. Sử dụng những ngón cái, bây giờ đang cặp vào nhau, sau đó đập nhẹ đầu ngón cái vào nhau 3 lần để bắt đầu vật. Người thắng cuộc là người ghìm chặt ngón tay cái của người kia xuống trong 3 giây. Tốt nhất có 3 hoặc 5 trận đấu. Lặp lại trò chơi với tay kia. 28
  29. Cả nhóm ngồi Đứng trong một vòng tròn, với tất cả những người tham gia quay mặt về bên trái. Người tham gia nên đứng gần nhau, gần như chạm nhau, với đầu gối và chân kép lại. Bám vào vai của người đứng trước. Khi đếm từ 1 đến 3, tất cả mọi người từ từ ngồi xuống trên đầu gối của người phía sau. Cần phải cẩn thận để tránh phá vỡ vòng tròn, bằng cách nhấn mạnh những điểm sau: • Giữ một vòng hình tròn hoặc hình ovan – không có góc cạnh. • Tất cả mọi người ngồi xuống cùng một lúc. • Tất cả mọi người đứng dậy cùng một lúc. Những nhóm khoảng trên 10 người có thể thực hiện hoạt động này. Dao động: • Lặp lại với hướng đối diện. • Cố gắng đi lại trong khi cả nhóm đang ngồi, bằng cách di chuyển chân phải, sau đó chân trái, v.v. Tạo nhóm Đề nghị những người tham gia đi lại tự do quanh phòng. Gọi to một con số, thí dụ: 2, 3, hoặc 4. Họ phải tạo thành nhóm có số người như thế. Lặp lại, sử dụng những số khác. Những người còn lại sau khi nhóm được hình thành không bị loại ra mà tham gia vào hoạt động này ở lần gọi sau. Trò chơi này có thể được sử dụng như một cách thú vị để phân chia một nhóm lớn thành những nhóm nhỏ hơn. Bất cứ ai, người mà Nhóm ngồi trên ghế trong một vòng tròn. Một người đứng vào giữa,và không có ghế. Người này nói to, “Bất cứ ai, người mà ” Tất cả mọi người thuộc loại này phải đứng dậy và đổi chỗ, nhưng không phải vào ghế ở hai bên họ. Người còn lại đứng ở giữa bắt đầu lại. Thí dụ: Bất cứ ai, người mà đang mặc quần áo xanh da trời. có mái tóc đen. mặc đồ đỏ. thích ăn kem. đánh răng sáng nay. 29
  30. ĐỀ CƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH TẬP HUẤN GIÁO DỤC ĐỒNG ĐẲNG CỦA MSI NGÀY THỨ NHẤT Giờ học/khoảng thời gian Chủ đề/Hoạt động Phần 1 8.00 – 10.00 10 phút Ai ở đây? 20 phút Giới thiệu về bản thân từng người 15 phút Giới thiệu về chương trình tập huấn. 15 phút Nguyên tắc làm việc trong nhóm. 20 phút Những kết quả mong đạt được sau khi tập huấn. 20 phút Hộp câu hỏi. 5 phút Kiểm tra kiến thức trước tập huấn. Giải lao 20 phút Phần 2 10.20 – 12.10 15 phút Sức khỏe sinh sản là gì ? 15 phút Những vấn đề về Sức khoẻ sinh sản. 20 phút Giáo dục đồng đẳng. 25 phút Những phẩm chất của giáo dục viên đồng đẳng. 30 phút Các vấn đề về tình dục. Trưa 12.10 – 1.10 Phần 3 1.10 – 2.40 Những điểm yếu và điểm mạnh của bản thân. 40 phút Lòng tự trọng. 30 phút Vị thành niên là ai ? 15 phút Giải lao 20 phút Phần 4 3.00 – 4.30 Cơ thể bạn và những thay đổi. 45 phút Thuyết trình nhóm. 40 phút Phản hồi hàng ngày. 5 phút NGÀY THỨ HAI Giờ/khoảng thời gian Chủ đề/Hoạt động Phần 1 8.00 – 10.00 50 phút Cơ quan sinh sản nam và nữ. 10 phút Tự chăm sóc sức khoẻ sinh sản. 15 phút Giới là gì? 20 phút Vai trò của giới & mong muốn. 20 phút Phân loại các giá trị. Nghỉ giải lao 20 phút Phần 2 10.20 – 12.10 30 phút Tình dục và các gíá trị. 30 phút Hiểu biết về kinh nguyệt. 25 phút Kinh nguyệt – Những điều huyền bí và niềm tin. 30 phút Những điều huyền bí về thủ dâm. 30
  31. Nghỉ trưa 12.10 – 1.10 Phần 3 1.10 – 2.40 30 phút Đưa ra quyết định về tình dục. 15 phút Có thai – Đúng hay Sai? 30 phút Có thai – Xảy ra như thế nào ? 20 phút Nghỉ giải lao 20 phút Phần 4 3.00 – 4.30 20 phút Chọn lựa việc mang thai. 30 phút Các giải pháp cho việc mang thai. 30 phút Đưa ra quyết định như thế nào. 5 phút Thuyết trình nhóm. Phản hồi hàng ngày. NGÀY THỨ BA Giờ/khoảng thời gian Chủ đề/Hoạt động Phần 1 8.00 – 10.00 20 phút Ngăn ngừa thụ thai. 60 phút Bốc thăm trình bày các biện pháp tránh thai. 30 phút Lựa chọn phương pháp phòng tránh thai thích hợp. Nghỉ giải lao 20 phút Phần 2 10.20 – 12.10 10 phút Thế nào là những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục? 15 phút Trò chơi bắt tay. 60 phút Bệnh lây nhiễm qua đường tình dục – Các dữ liệu. 25 phút Đố vui về bệnh lây truyền qua đường tình dục . Nghỉ trưa 12.10 – 1.10 Phần 3 1.10 – 2.40 15 phút Những yếu tố của việc giao tiếp tốt. 30 phút Quá trình giao tiếp. 20 phút Giao tiếp không bằng lời. 25 phút Kỹ năng lắng nghe. Nghỉ giải lao 20 phút Phần 4 3.00 – 4.30 45 phút Tiếp cận và Giao tiếp với đồng đẳng viên. 40 phút Thuyết trình nhóm. 5 phút Phản hồi hàng ngày. NGÀY THỨ TƯ Giờ học/khoảng thời gian Chủ đề/Hoạt động 31
  32. Phần 1 8.00 – 10.00 30 phút HIV/AIDS là gì? 45 phút Lây truyền HIV. 40 phút Bảo vệ để không bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục & HIV. Nghỉ giải lao 20 phút Phần 2 10.20 – 12.10 25 phút Sử dụng bao cao su đúng cách. 25 phút Thực hành sử dụng bao cao su. 15 phút Những rào cản đối với việc sử dụng bao cao su. 20 phút Kỹ năng từ chối - Nói không với tình dục. 30 phút Các câu nói tạo áp lực. Nghỉ trưa 12.10 – 1.10 Phần 3 1.10 – 2.40 30 phút Thương thuyết sử dụng bao cao su. 60 phút Vai trò và trách nhiệm của giáo dục viên đồng đẳng. Nghỉ giải lao 20 phút Tổ chức giáo dục nhóm. Phần 4 3.00 – 4.30 Thuyết trình nhóm. 45 phút Phản hồi hàng ngày. 40 phút 5 phút NGÀY THỨ 5 Giờ học/khoảng thời gian Chủ đề/Hoạt động Phần 1 8.00 – 10.00 25 phút Sử dụng ma tuý. 30 phút Những nguy cơ của việc sử dụng ma tuý. 40 phút Đối phó với các vấn đề nhạy cảm. 20 phút Giới thiệu đồng đẳng viên đến với các cơ quan/ dịch vụ hỗ trợ. Nghỉ giải lao 20 phút Phần 2 10.20 – 12.10 25 phút Sử dụng mẫu Giấy giới thiệu của MSI. 45 phút Làm việc trong một đội. 50 phút Phát triển kế hoạch hành động. Nghỉ trưa 12.10 – 1.10 Phần 3 1.10 – 2.40 45 phút Theo dõi và ghi chép hồ sơ. 40 phút Thuyết trình nhóm (Phần thực hành). Nghỉ giải lao 20 phút Phần 4 3.00 – 4.30 25 phút Tổng kết và Đánh giá. 60 phút Thuyết trình nhóm. Trao chứng chỉ và kết thúc khoá học. 32
  33. NGÀY THỨ NHẤT PHẦN 1 GIỚI THIỆU CHƯƠNG TRÌNH Xác định mục tiêu học tập: • Tạo một không khí học tập thân thiện. • Cho phép các học viên tìm hiểu lẫn nhau và cảm thấy thoải mái trong nhóm. • Giải thích mục đích, hoạt động và cấu trúc của chương trình tập huấn. • Xác định kỳ vọng và mục đích của học viên cho chương trình tập huấn. • Xác lập những quy tắc nền tảng trong quá trình tập huấn. Tập trung, Đăng ký và Phát bảng tên Giới thiệu và làm quen 5 phút 1. Tập huấn viên tự giới thiệu , vài nét về lai lịch và nêu bật mối quan tâm của mình trong chương trình này. 2. Tập huấn viên hoặc người được bổ nhiệm (thí dụ: đại diện của MSI hoặc đại diện của Nhà máy) chào đón tất cả mọi người và chính thức khai mạc chương trình tập huấn. Hoạt động Giới thiệu thành phần tham dự 10 phút 1. Tiến hành những hoạt động sau nhằm giúp học viên làm quen với nhau và tạo dựng một môi trường thân thiện cho khóa tập huấn. 2. Yêu cầu học viên đứng lên, di chuyển quanh phòng và bắt đầu giới thiệu bản thân với nhau. Sau đó hướng dẫn học viên tìm ra người: - Có chiều cao giống họ. 3. Sau khi đã tìm được người đó, yêu cầu học viên tiếp tục đi quanh và tìm ra người khác có những đặc điểm : - Bằng tuổi. - Già hơn hoặc trẻ hơn. 35
  34. - Đến từ cùng một Quận. - Đến từ một Quận khác. - Có một anh hoặc một chị. - Thích chơi thể thao. - Biết nấu ăn. 4. Đọc to từng phân loại một, hoặc viết chúng lên bảng hoặc lên giấy. Bạn có thể tự vẽ ra những đặc điểm phân loại khác nếu bạn muốn. Sau khoảng 5 phút, yêu cầu học viên đứng nguyên tại chỗ và thảo luận về những gì họ tìm hiểu được về những người khác trong nhóm. Hoạt động Tự giới thiệu về bản thân 20 phút 1. Hướng dẫn học viên tạo thành một đôi với một học viên khác mà họ không biết. Yêu cầu học viên thay phiên nhau giới thiệu ngắn gọn về bản thân cho bạn cùng đôi với mình bằng cách chia sẻ những thông tin sau (bạn có thể viết những chủ đề dưới đây lên bảng): - Tên của họ. - Lai lịch gia đình. - Họ đến từ đâu. - Sở thích hoặc mối quan tâm. - Tại sao họ muốn trở thành một giáo dục viên đồng đẳng. 2. Hướng dẫn họ lắng nghe đối tác của mình một cách cẩn thận, vì mỗi người sau đó sẽ giới thiệu về đối tác của mình trước toàn nhóm (học viên có thể ghi chép một số điều giúp họ nhớ). 3. Sau khi mỗi học viên đã nhận lượt của mình, yêu cầu họ ngồi trở lại chỗ. Mỗi người sẽ lần lượt giới thiệu đối tác của mình trước toàn nhóm – hướng dẫn họ trình bày ngắn gọn. Hoạt động Giới thiệu về chương trình tập huấn 15 phút 1. Giới thiệu tổng quát ngắn gọn về những mục đích của Chương trình Giáo dục đồng đẳng. 2. Tuyên bố rằng mục tiêu tổng thể của chương trình là: • Giúp học viên phát triển kiến thức, quan điểm và kỹ năng cần thiết để thành công trong vai trò giáo dục viên đồng đẳng nhằm: - Thông tin, giáo dục đồng đẳng viên của họ về sức khoẻ sinh sản. 36
  35. - Khuyến khích và hỗ trợ đồng đẳng viên trong việc hành động ngăn ngừa các vấn đề về sức khoẻ sinh sản như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs), HIV/AIDS và mang thai ngoài ý muốn. 3. Phát Đề cương tập huấn cho học viên. 4. Thông báo cho học viên biết rằng khóa tập huấn là một chương trình toàn diện cung cấp cho họ những kiến thức, kỹ năng để trở thành giáo dục viên đồng đẳng. Mô tả những chủ đề, hoạt động và phương pháp đào tạo được sử dụng trong chương trình tập huấn, về những khía cạnh sau: • Kiến thức – chương trình sẽ cung cấp cho họ những thông tin chính xác để nâng cao hiểu biết về các vấn đề sức khỏe tình dục và sức khoẻ sinh sản như: - HIV/AIDS và những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. - Tuổi dậy thì. - Mang thai và các biện pháp tránh thai. - Phòng tránh những vấn đề về sức khỏe sinh sản. • Giá trị – chương trình sẽ giúp họ phát triển những quan điểm, thái độ phù hợp với công việc của giáo dục viên đồng đẳng: - Nâng cao nhận thức về quan điểm và niềm tin của bản thân họ. - Nâng cao sự tự tin. - Phát triển một quan điểm không phán xét. • Kỹ năng – họ sẽ thực hành những kỹ năng cần thiết để cung cấp thông tin, giáo dục và hỗ trợ cho các đồng đẳng viên khác về các chủ đề thuộc sức khoẻ sinh sản cũng như những vấn đề khác của cuộc sống cho đồng đẳng viên thí dụ như: - Kỹ năng giao tiếp và lắng nghe khi nói chuyện với đồng đẳng viên. - Kỹ năng truyền tải thông tin đến các đồng đẳng viên. - Kỹ năng sống – như ra quyết định và giải quyết vấn đề. • Giải thích rằng chương trình tập huấn này sẽ sử dụng những phương pháp đào tạo có sự tham gia. Điều này sẽ giúp họ đóng một vai trò tích cực trong học tập, thông qua việc tham gia vào các hoạt động tập huấn. Nhiều hoạt động sẽ được thực hiện trong những nhóm nhỏ. Chương trình cũng sẽ sử dụng những phương pháp sáng tạo như đóng vai, và chơi trò chơi. 6. Cung cấp cho học viên những thông tin thực tế về chương trình như: - Thời lượng của chương trình tập huấn: thời gian bắt đầu và kết thúc, v.v. - Sắp xếp chỗ ngồi. 37
  36. - Phát tài liệu tập huấn. - Nghỉ giải lao và nghỉ trưa, v.v. 7. Khuyến khích học viên đặt bất cứ câu hỏi nào mà họ còn thắc mắc về chương trình tập huấn và các hoạt động của chương trình. Hoạt động Quy tắc làm việc trong nhóm 15 phút 1. Giải thích cho học viên rằng một số chủ đề được thảo luận sẽ rất nhạy cảm, vì vậy, tốt nhất là nên thống nhất một số quy tắc khi cùng làm việc trong nhóm. Điều đó sẽ cho phép học viên cảm thấy yên tâm trao đổi cởi mở và giúp nhóm hoạt động trôi chảy. 2. Gợi ý một số quy tắc và yêu cầu học viên động não về những quy tắc mà họ muốn có (xem danh sách dưới đây). Một số gợi ý cho quy tắc sinh hoạt nhóm như: • Lắng nghe • Bảo mật • Tôn trọng người khác • Đúng giờ 3. Viết ra những quy tắc cơ bản đã được thống nhất lên một số tờ báo tường và treo trong phòng học. Bổ sung bất cứ quy tắc quan trọng nào tập huấn viên nhận thấy mà nhóm còn đề cập thiếu. GỢI Ý MỘT SỐ QUY TẮC CƠ BẢN: • Lắng nghe – mỗi lần chỉ 1 người phát biểu, những người còn lại chú ý lắng nghe. • Bảo mật – tất cả mọi điều đã trao đổi trong nhóm đều được bảo mật. Thông tin có thể được chia sẻ ra ngoài, trừ những câu chuyện mang tính cá nhân hay nêu tên cụ thể. • Tôn trọng lẫn nhau – không chế giễu hay làm bẽ mặt người khác, đánh giá cao và tôn trọng những quan điểm và niềm tin khác với mình. • Đúng giờ – tham gia tất cả các phần học và đến đúng giờ cho mỗi phần học • Bỏ qua - mọi người đều có quyền bỏ qua việc trả lời câu hỏi hoặc tham gia vào những hoạt động mà họ cảm thấy không thoải mái. • Tất cả các câu hỏi đều được chấp nhận – đặt bất cứ câu hỏi nào, dù cho bản thân người hỏi cảm thấy câu hỏi đó có vẻ ngớ ngẩn. • Giấu tên — được quyền đặt những câu hỏi dấu tên (sử dụng Hộp Câu Hỏi), tập huấn viên sẽ trả lời tất cả các câu hỏi. • Không hút thuốc – Hút thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự thoải mái của những người khác. Không được hút thuốc trong phòng tập huấn. • Vui vẻ — Một chương trình TAP là tự nguyện đến với nhau như một cộng đồng và thích làm việc cùng nhau. 38
  37. Hoạt động Kỳ vọng và mong muốn 20 phút 1. Chia học viên thành 4 nhóm nhỏ. 2. Đưa cho mỗi nhóm 2 tờ giấy to và bút dạ. 3. Đề nghị mỗi nhóm viết ra: - Những kỳ vọng và mong đợi của họ về lớp tập huấn này vào một tờ giấy. - Nỗi lo sợ hay những mối quan tâm của họ về lớp tập huấn này vào tờ giấy còn lại. 4. Dành cho học viên 10 phút để làm. Sau khi họ đã hoàn thành xong, hướng dẫn họ quay trở lại nhóm lớn. 5. Một thành viên từ mỗi nhóm sẽ trình bày về những ý kiến của nhóm mình cho các học viên khác nghe. 6. Thảo luận: - Thảo luận xem các chủ đề và hoạt động của chương trình tập huấn sẽ liên quan thế nào đến những mong đợi của họ. - Đề cập đến bất cứ mối quan tâm hay lo sợ nào mà học viên có thể có. 7. Đề nghị học viên chia sẻ bất cứ mục tiêu cá nhân nào mà họ muốn đạt được khi tham gia vào khoá tập huấn này. 8. Khuyến khích nhóm đặt bất cứ câu hỏi nào về khoá tập huấn. 9. Bạn có thể treo danh mục những điều nêu trên bên cạnh những quy tắc cơ bản. Hoạt động Hộp câu hỏi 5 phút 1. Đặt một hộp giấy nhỏ trong phòng. Cũng để một số giấy trắng và bút chì ở gần đó. 2. Nói với học viên rằng bất cứ lúc nào trong quá trình tập huấn, họ có thể viết ra bất cứ câu hỏi nào mà họ muốn và bỏ vào Hộp câu hỏi – họ không phải ghi tên của mình trên đó. 3. Nói với học viên rằng khi nào có nhiều câu hỏi trong hộp, bạn sẽ trả lời những câu hỏi đó vào những thời điểm khác nhau trong suốt chương trình. 4. Cố gắng hết sức để trả lời các câu hỏi của học viên. Tuy nhiên, nếu bạn không biết câu trả lời cho một câu hỏi cụ thể, hãy nhận rằng mình không biết. Thông báo với học viên rằng bạn sẽ cố gắng tìm ra thông tin đúng và đưa ra câu trả lời trong phần học sau. 39
  38. Hoạt động Đánh giá trước tập huấn 20 phút 1. Thông báo cho học viên rằng bạn sẽ phân phát câu hỏi để họ điền vào nhằm giúp bạn phân biệt trình độ kiến thức, hiểu biết của nhóm về những vấn đề sức khoẻ sinh sản. 2. Cho học viên biết rằng đây không phải là một bài thi, họ cũng không phải đề tên vào phiếu câu hỏi, kết quả sẽ chỉ giúp cho tập huấn viên đánh giá sự hiệu quả của chương trình tập huấn, không đánh giá kiến thức của từng học viên. 3. Phát phiếu câu hỏi và hướng dẫn học viên cách điền vào phiếu. 4. Giải thích cho bất cứ học viên nào có khó khăn với việc đọc hoặc hiểu bất cứ câu hỏi nào. 40
  39. PHẦN 2 Mục tiêu học tập: • Giới thiệu và định nghĩa về sức khoẻ sinh sản. • Hiểu thế nào là giáo dục đồng đẳng. • Xác định những phẩm chất cần thiết để trở thành giáo dục viên đồng đẳng hiệu quả. • Hiểu tình dục là gì. Tiếp sức cho nhóm • Bắt đầu học phần với một trò chơi hoặc hoạt động khởi động – thí dụ như “Sa lát hoa quả” (xem mục Các trò chơi và hoạt động khởi động ” trong phần Giới thiệu). Hoạt động Thế nào là Sức khoẻ sinh sản? 15 phút 1. Nói với cả nhóm rằng vì trọng tâm của chương trình tập huấn này là sức khoẻ sinh sản, nên việc hiểu đúng thế nào là sức khoẻ sinh sản là điều hết sức quan trọng. 2. Viết thuật ngữ “Sức khoẻ Sinh sản” lên bảng. Yêu cầu cả nhóm động não xem họ nghĩ thế nào là sức khoẻ sinh sản. 3. Viết những ý kiến của học viên lên bảng – chấp nhận tất cả các ý kiến. 4. Trình bày định nghĩa Sức khoẻ sinh sản (xem Định nghĩa dưới đây). Nêu bật những điểm sau: - Thuật ngữ “sinh sản” liên quan đến tình dục, đến những bộ phận của cơ thể liên quan đến tình dục và quá trình sinh sản. - Sức khoẻ không chỉ là một trạng thái thể chất mà còn bao gồm cả tinh thần, cảm xúc và những mối quan hệ của chúng ta. 5. Yêu cầu cả nhóm đưa ra những thí dụ về: - Sức khoẻ thể chất – (như: giữ gìn tốt sức khoẻ tổng quát, vệ sinh tốt, phòng tránh những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục). - Sức khoẻ tinh thần – (như: có lòng tự trọng). - Sức khoẻ xã hội – (như: có thể nói “không” với những áp lực đồng đẳng hoặc đối với quan hệ tình dục ngoài ý muốn). 41
  40. 6. Giải thích rằng trong chương trình này, học viên sẽ được học về sức khoẻ sinh sản liên quan đến: • Kiến thức – có những thông tin đúng đắn về cơ thể, chức năng của tình dục, phòng tránh thai và những vấn đề về sức khoẻ sinh sản như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS. • Sự lựa chọn – có được những thông tin này cho phép chúng ta đưa ra những quyết định đúng đắn về cơ thể, tình dục và những mối quan hệ của chúng ta. • Trách nhiệm – sức khoẻ sinh sản bao gồm cả trách nhiệm với quan hệ tình dục, với việc ra quyết định và lựa chọn hành vi của chúng ta. Định nghĩa Sức khoẻ sinh sản “Sức khoẻ sinh sản là một trạng thái khoẻ mạnh, hài hoà về thể chất, tinh thần, xã hội trong tất cả mọi khía cạnh có liên quan đến cơ quan sinh sản, các chức năng và quá trình sinh sản chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay tổn thương cơ quan sinh sản. Hoạt động Những vấn đề vế sức khoẻ sinh sản 15 phút 1. Đưa ra một số dữ liệu về tỉ lệ các vấn đề sức khoẻ sinh sản và những vấn đề có liên quan mà hiện nay thanh thiếu niên đang gặp phải. 2. Đặc biệt, tập trung vào những vấn đề ảnh hưởng đến người ở tuổi vị thành niên (Liên hệ dữ liệu về sức khoẻ sinh sản trong Hướng Dẫn Cho Tập Huấn Viên Về Giáo Dục Đồng Đẳng). Nhấn mạnh những điểm sau: - Mỗi năm, trên thế giới có15 triệu nữ giới tuổi từ 15 đến 19 sinh con. - Mỗi năm, có tới 4.4 triệu vị thành niên ở các nước đang phát triển nạo phá thai. - Trên 50% các trường hợp mới mắc HIV, xuất hiện ở người dưới 25 tuổi. - Hậu quả là gần 12 triệu thanh thiếu niên sống chung với HIV hoặc AIDS. - 62 % thanh thiếu niên bị nhiễm bệnh là nữ giới. - Gần 70% tất cả các trường hợp mới mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục xuất hiện ở thanh thiếu niên tuổi từ 15 đến 24. - Xâm phạm và bạo hành đối với vị thành niên đang gia tăng. - Lạm dụng rượu và ma tuý đang gia tăng trên toàn thế giới. 3. Đồng thời trình bày một số thông tin về tỉ lệ các vấn đề về sức khoẻ sinh sản ở Việt Nam. Cho toàn nhóm biết rằng trong khi phát triển dự án này, một nghiên cứu Đánh giá nhu cầu đã được thực hiện cho công nhân nhà máy, nhằm xác định những vấn 42
  41. đề và nhu cầu của họ về sức khoẻ sinh sản. Một vài phát hiện chính của nghiên cứu này là: - Nhìn chung, thiếu hiểu biết về sức khoẻ sinh sản và những vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản. - Kiến thức thấp về những vấn đề về sức khoẻ sinh sản – như HIV/AIDS; các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. - Thiếu hiểu biết về việc những bệnh này được lây nhiễm như thế nào. - Hầu hết công nhân không biết một nguồn thông tin đáng tin cậy nào về sức khoẻ sinh sản và rất nhiều người ngại phải tiếp cận với cán bộ y tế về vấn đề này. - Nhiều công nhân đã phải miễn cưỡng sử dụng bao cao su – mặc dù họ biết rằng bao cao su có thể ngăn ngừa những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn. - Thái độ bảo thủ của công nhân đối với vấn đề sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản là một trong những rào cản cho việc nâng cao kiến thức của họ về những vấn đề này. - Do thiếu hiểu biết và quan điểm hạn chế, nhiều công nhân đang thực hiện những hoạt động tình dục không an toàn – đặt họ vào nguy cơ có thai ngoài ý muốn hoặc mắc những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. - Đa số công nhân bộc lộ nhu cầu muốn có nhiều thông tin hơn về các chủ đề sức khoẻ sinh sản. Hoạt động Giáo dục đồng đẳng 20 phút 1. Hỏi các học viên: “Ai là đồng đẳng viên?” Lưu ý những phản hồi của họ và làm rõ như sau: - Đồng đẳng viên là những người giống nhau ở một số khía cạnh: tuổi, giới tính, mối quan tâm, ngôn ngữ, sử dụng thời gian, lối sống, v.v. - Một đồng đẳng viên là một người ngang hàng, thuộc về một nhóm xã hội/văn hoá giống nhau hoặc có chung kinh nghiệm, địa vị 2. Vậy thì – “Giáo dục đồng đẳng là gì?” Lưu ý những phản hồi của họ, và trình bày những định nghĩa sau về giáo dục đồng đẳng: • Giáo dục đồng đẳng – là một hoạt động giáo dục trong đó các thành viên của một cộng đồng cụ thể hoặc của một nhóm người, cung cấp giáo dục và thông tin cho các đồng đẳng viên, nhằm giúp đỡ họ đưa ra quyết định và áp dụng những hành vi mới để ngăn ngừa các vấn đề cụ thể về sức khoẻ hoặc xã hội như các vấn đề sức khoẻ sinh sản, HIV/AIDS, sử dụng ma tuý. 43
  42. • Giáo dục đồng đẳng – bao gồm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng giữa những người có cùng tình trạng xã hội nhằm hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau. • Giáo dục đồng đẳng – là việc sử dụng những tình nguyện viên đã qua tập huấn để giáo dục, khuyến khích và duy trì những kiến thức, quan điểm và hành vi mới thông qua hoạt động bằng cách giao tiếp với những đồng đẳng viên trên cơ sở trưc tiếp một - một hoặc theo nhóm nhỏ. 3. Yêu cầu phản hồi của họ về định nghĩa này và thảo luận bất cứ câu hỏi hay nhận xét nào mà họ có. 4. Giải thích rằng việc giáo dục đồng đẳng viên không phải chỉ là cung cấp thông tin cho họ. Nó liên quan đến việc phát triển những mối quan hệ tin tưởng với họ nhằm hỗ trợ họ trong việc hành động để sống mạnh khoẻ và để ngăn ngừa các vấn đề về sức khoẻ sinh sản. 5. Nhắc nhở học viên về những hy vọng của họ đối với khoá tập huấn này và mục đích của khoá tập huấn là giúp đỡ họ trở thành những giáo dục viên đồng đẳng hiệu quả về sức khoẻ sinh sản. Giáo dục viên đồng đẳng hiệu quả cần có sự tự nhận thức và kiến thức rộng về các vấn đề sức khoẻ sinh sản. Thông qua những quan điểm, hành vi của chính bản thân, họ minh chứng cho những hành vi đang được khuyến khích cho các đồng đẳng viên khác áp dụng. 6. Vì thế, về một mặt nào đó thì giáo dục viên đồng đẳng sẽ đóng vai trò là hình ảnh mẫu mực cho những đồng đẳng khác noi theo. Công việc của một giáo dục viên đồng đẳng mang nhiều trách nhiệm và thử thách. Nhưng nó cũng thật sự bổ ích, họ sẽ nhận đựợc nhiều hỗ trợ trong việc thực hiện các hoạt động về giáo dục đồng đẳng – từ những bạn khác làm việc trong đội, từ các tập huấn viên và từ Ban Giám Đốc nhà máy. 7. Nói với học viên rằng, quá trình tập huấn sẽ giúp họ dần nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình với tư cách là giáo dục viên đồng đẳng, cũng như những hoạt động cụ thể họ sẽ đảm nhiệm. 8. Liên hệ đến Tài tiệu phát tay về Giáo dục đồng đẳng. Hoạt động Phẩm chất của giáo dục viên đồng đẳng 25 phút 1. Chia học viên thành 4 nhóm nhỏ và đề nghị họ động não trả lời câu hỏi sau: - Những phẩm chất cá nhân nào bạn cần phải có để trở thành một giáo dục viên đồng đẳng? 2. Nếu họ gặp khó khăn, đưa ra một số gợi ý, như: - Tôn trọng người khác. 44
  43. - Nhiệt tình. - Tận tâm. - Cởi mở. 3. Cho học viên 10 phút để làm việc này. Sau đó yêu cầu mỗi nhóm trình bày những ý kiến của mình với nhóm lớn. 4. Thảo luận những phát hiện của họ và lập ra một danh sách các phẩm chất, đặc điểm mà nhóm nghĩ là cần thiết. 5. Làm rõ với cả nhóm những điểm sau: - Một vài trong số đó là những phẩm chất cá nhân mà nhiều người trong số họ đã sẵn có, như tôn trọng người khác, nhiệt tình. - Những phẩm chất khác là những kỹ năng chương trình tập huấn này sẽ giúp họ phát triển – thí dụ: kỹ năng lắng nghe, sự cởi mở, bảo mật, kiến thức về sức khoẻ sinh sản. 6. Dán danh sách các phẩm chất lên tường để về sau học viên có thể tự đối chiếu với bản thân. 7. Thông báo với họ rằng họ đã được lựa chọn để trở thành giáo dục viên đồng đẳng bởi vì họ những phẩm chất cá nhân này. 8. Đề nghị học viên suy nghĩ về những phẩm chất mà họ sẵn có, sẽ giúp họ trở thành một giáo dục viên đồng đẳng – đề nghị một vài học viên chia sẻ những điều đó với nhóm. Hoạt động Tình dục 30 phút 1. Giới thiệu hoạt động này thông qua việc cho cả nhóm biết rằng vì trọng tâm của chương trình tập huấn này là sức khoẻ sinh sản, do đó sẽ đề cập nhiều đến chủ đề về tình dục và hoạt động tình dục trong suốt khóa tập huấn. Điều quan trọng là học cách cảm thấy thoải mái, cởi mở khi nói về chủ đề tình dục trong vai trò của giáo dục viên đồng đẳng. 2. Viết cụm từ “Tình dục là ” lên bảng hoặc lên một mảnh giấy khổ lớn. 3. Phát những mảnh giấy nhỏ cho tất cả học viên – đề nghị họ viết ra những gì họ nghĩ và cảm thấy khi họ đọc cụm từ này. Nói với họ không cần ghi tên lên giấy. 4. Sau khi họ đã ghi ra phản hồi, tập hợp tất cả các mảnh giấy và cho vào một cái hộp hoặc một cái thùng đựng. Trộn lẫn lộn chúng lên và đề nghị mỗi học viên hãy đọc lên những gì được viết trên mảnh giấy họ vừa bốc lên. 5. Thảo luận với nhóm về những ý kiến khác nhau và phản hồi của họ đối với những gì mà mọi người đã viết. 45
  44. 6. Viết từ “Tình dục” lên bảng hoặc lên giấy khổ A0. 7. Đề nghị học viên động não về những gì họ nghĩ tới ngay khi họ nhìn thấy từ này – Viết ra các phản hồi của họ. 8. Đưa ra một định nghĩa về tình dục – xem Tài liệu tập huấn – Tình dục. 9. Chỉ ra rằng: tình dục không chỉ liên quan tới những cảm giác tình dục, nó là một phần của tính cách chúng ta và nó ảnh hưởng đến tới những mối quan hệ của chúng ta đối với người khác. Nêu ra những điểm sau: - Giới tính quy định một người là phái nam hay nữ. Điều đó được xác định bởi những đặc điểm thể chất của họ, thí dụ: dương vật của nam giới và âm đạo, ngực của nữ giới. - Giới tính cũng liên quan đến một hoạt động tình dục có giao hợp và là một sự biểu hiện của tình yêu, sự riêng tư giữa nam và nữ giới trưởng thành. - Tình dục là cách một cá nhân suy nghĩ, cảm giác và hành động về cơ thể mình và cơ thể của người khác. 10. Điều quan trọng là hiểu về tình dục của bản thân để chúng ta có thể đưa ra những quyết định đúng đắn về hành vi tình dục, chăm lo cho sức khoẻ tình dục và sức khoẻ sinh sản của chúng ta. 11. Tình dục cũng bao gồm sự nhận dạng về tình dục của chúng ta. Điều này có nghĩa là cách chúng ta diễn tả cảm xúc của mình là nam giới hay nữ giới. 12. Thanh thiếu niên có thể không biết rõ về nhận dạng tình dục của họ. Họ có thể có xúc cảm tình dục đối với ai đó khác giới, với ai đó cùng giới, hoặc đôi khi với cả hai giới. 13. Tình dục có thể được diễn tả bằng nhiều cách. Xem Tài liệu tập huấn – Nhận dạng tình dục để xem một số thí dụ về sự khác biệt trong nhận dạng tình dục. Thảo luận những sự diễn tả khác nhau này với nhóm và làm rõ những câu hỏi mà họ có. Tài liệu tập huấn Tình dục • Tất cả mọi người đều là con người có tình dục. • Tình dục bao gồm: - Cơ thể của chúng ta và cách cơ thể làm việc - Giới tính của chúng ta - là nam hay nữ. - Nhận dạng về tình dục - bình thường, đồng tính nam hay lưỡng tính. - Những giá trị của chúng ta về tình dục và các mối quan hệ. • Tình dục là một phần tự nhiên, lành mạnh của cuộc sống. • Cảm giác, ham muốn và đam mê tình dục là tự nhiên và xuất hiện ở tất cả các giai 46
  45. đoạn trong cuộc sống. • Vấn đề tình dục của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những quy phạm, những giá trị của xã hội, nền văn hoá nơi chúng ta sinh trưởng. • Vấn đề tình dục lành mạnh bao gồm chăm sóc sức khoẻ sinh sản và có những mối quan hệ lành mạnh. • Mỗi cá nhân có quyền bày tỏ vấn đề tình dục của mình theo một cách tích cực, không lạm dụng và tự đưa ra quyết định về vấn đề tình dục của chính mình. • Vấn đề tình dục bị ảnh hưởng bởi việc là nam giới hay nữ giới và những thông điệp mà chúng ta nhận được về giới tính của mình. Tài liệu tập huấn Nhận dạng tình dục TÌNH DỤC KHÁC GIỚI – có cảm giác tình dục đối với một người khác giới. TÌNH DỤC CÙNG GIỚI – có cảm giác tình dục đối với một người cùng giới tính. ĐỒNG TÍNH CÙNG GIỚI NỮ – một phụ nữ có cảm giác tình dục hoặc bị hấp dẫn bởi phụ nữ. ĐỒNG TÍNH CÙNG GIỚI NAM – một nam giới có cảm giác tình dục hoặc bị hấp hẫn bởi một người nam giới khác. CHUYỂN ĐỔI GIỚI TÍNH – một người có cơ thể của nam giới nhưng bên trong, anh ta cảm thấy anh ta là phụ nữ hoặc ngược lại. Đôi khi người chuyển đổi giới tình có thể phẫu thuật thay đổi cơ thể họ. Được biết đến như một người đổi giới. NGƯỜI THÍCH MẶC ĐỒ KHÁC GIỚI – ai đó thích mặc quần áo của giới khác, nhưng họ không nhất thiết phải là người đồng tính. LƯỠNG TÍNH – là một người có cảm giác tình dục với cả nam và nữ. 47
  46. PHẦN 3 Mục tiêu học tập: • Học viên có khả năng xác định và phân tích những điểm mạnh và điểm yếu của họ. • Xác định những cách để xây dựng lòng tự trọng tích cực. • Hiểu thế nào là vị thành niên. Tiếp sức cho nhóm • Bắt đầu phần học với một trò chơi hoặc một hoạt động khởi động. Hoạt động Những điểm mạnh và điểm yếu của tôi 40 phút 1. Viết từ “tự nhận thức” lên bảng và hỏi học viên xem họ nghĩ từ này có nghĩa là gì. 2. Lưu ý những ý kiến của họ và nói với họ rằng: tự nhận thức những hiểu biết của họ về việc họ là ai với tư cách là một cá nhân. Điều đó gồm tự hiểu biết bản thân: biết những giá trị, niềm tin, quan điểm, cảm xúc và suy nghĩ, những điểm mạnh và điểm yếu của họ như một con người. 3. Bây giờ đặt câu hỏi: “Tại sao tự nhận thức lại quan trọng đối với công việc của một giáo dục viên đồng đẳng?” 4. Chú ý và nhận xét những ý kiến của họ. Nói với họ rằng điều quan trọng đối với bất cứ ai làm công việc giúp đỡ và giáo dục người khác đều cần thiết phải có một sự hiểu biết rõ ràng về bản thân. Đưa ra những điểm dưới đây. Tự nhận thức giúp chúng ta: - Nhận thức được những điểm mạnh, cảm thấy tự tin vào việc hoàn thành những vai trò và bổn phận của giáo dục viên đồng đẳng. - Nhận ra giới hạn của mình – về kiến thức, kỹ năng và khả năng đối phó với những vấn đề đặc biệt. - Áp dụng một thái độ không phán xét. 5. Đưa cho mỗi người 2 tấm bìa màu hoặc mảnh giấy khác nhau. Trên một tấm bìa màu, đề nghị mỗi học viên viết ra hai hoặc ba điểm mạnh của họ. Giải thích rằng điểm mạnh của chúng ta là những phẩm chất tích cực, thí dụ như: - Những thứ mà bạn làm tốt. 48
  47. - Những thứ mà bạn đạt được. - Một kỹ năng hoặc khả năng đặc biệt. - Một số điều mà bạn thích về bản thân. - Một số điều mà những người khác thích về bạn. 6. Trên tấm bìa màu khác, đề nghị họ viết ra một hoặc hai điểm yếu của họ. Điểm yếu của chúng ta là những điểm mà chúng ta không thích hoặc mong muốn thay đổi về bản thân mình. 7. Để hỗ trợ học viên làm bài tập này, tập huấn viên có thể sử dụng bản thân mình làm thí dụ. 8. Chia học viên thành các cặp, đề nghị họ chia sẻ một điểm mạnh và một điểm yếu với người cùng cặp với mình. 9. Sau khi mỗi người đều có lượt, yêu cầu một vài người tình nguyện lên chia sẻ những điểm mạnh và điểm yếu của họ với cả nhóm. 10. Nếu học viên nào nói rằng họ không có điểm mạnh nào, tập huấn viên sẽ hỏi những học viên khác: “Theo quan điểm của bạn, anh ấy/chị ấy có những điểm mạnh nào?” Bản thân tập huấn viên cũng có thể bổ sung một số nhận xét tích cực về học viên đó. Những điểm để thảo luận Tổ chức thảo luận về những điểm sau: • Bạn đã cảm thấy thế nào khi nói về những điểm mạnh và điểm yếu của mình? • Bạn có thể làm gì để cải thiện hoặc vượt qua những điểm yếu của mình? • Giải thích rằng chương trình tập huấn sẽ giúp họ học những kỹ năng để cải thiện những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh của họ. • Đề nghị học viên xác định ít nhất một điểm họ muốn thay đổi hoặc cải thiện về bản thân. Hoạt động Lòng tự trọng 30 phút 1. Nhắc nhở nhóm về hoạt động ‘Những điểm mạnh và điểm yếu’. Giải thích rằng việc hiểu về những điểm mạnh và điểm yếu là một thước đo lòng tự trọng của chúng ta. Hỏi cả nhóm: “Thế nào là lòng tự trọng?” 2. Giải thích rằng: lòng tự trọng là cách mà bạn cảm nhận về bản thân. Lòng tự trọng là giá trị bạn đặt cho bản thân mình. Nó được dựa trên những suy nghĩ và niềm tin của bạn về bản thân bạn. 49
  48. 3. Đó có thể là những suy nghĩ tích cực hay tiêu cực: Tiêu cực Tích cực “Tôi hết hy vọng rồi” “Tôi là một người tốt” “Tôi sẽ chẳng giỏi làm việc nào cả” “Tôi làm điều tốt nhất mà tôi có thể” “Tôi xấu xí” “Tôi thích cơ thể mình” “Không ai thích tôi cả” “Tôi là một người bạn tốt” 4. Cách bạn nghĩ về bản thân ảnh hưởng tới cách bạn cảm nhận và hành động. Nếu bạn có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, bạn thường hay cảm thấy không ổn về bản thân mình. Nếu những suy nghĩ của bạn là tích cực, bạn sẽ có lòng tự trọng tích cực hơn. 5. Lòng tự trọng tích cực là quan trọng đối với việc đưa ra quyết định tốt về bản thân và những hành vi tình dục. Ai đó có lòng tự trọng thấp thường hay mạo hiểm và không quan tâm lắm tới những gì xảy ra với họ hoặc cơ thể họ. Họ cảm thấy khó khăn hơn để nói không và để từ chối áp lực về quan hệ tình dục, về sử dụng ma tuý, hay tham gia vào những hoạt động nguy hiểm. 6. Hỏi cả nhóm xem mọi người có thể làm gì để cải thiện lòng tự trọng của mình. Thảo luận những ý kiến của họ và bổ sung những ý kiến khác – xem Tài liệu giảng dạy – Lòng tự trọng Tài liệu giảng dạy Các cách để cải thiện lòng tự trọng • Dành nhiều thời gian để suy nghĩ về những điểm mạnh của mình nhiều hơn là về những điểm yếu. • Thực hành thay đổi những suy nghĩ tiêu cựu về bản thân bằng những suy nghĩ tích cực. • Khen ngợi bản thân bạn thậm chí cho cả những điều nhỏ nhặt mà bạn làm tốt. • Thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình. • Lần lượt đối diện với từng nỗi lo ngại của bạn, từ từ và nhẹ nhàng. • Thử một sở thích hoặc hoạt động mới – thể thao, hội hoạ, âm nhạc, v.v. • Tham gia vào những hoạt động xã hội và làm quen với những người bạn mới • Giúp ai đó đang cần giúp đỡ trong cộng đồng của bạn. • Nói chuyện với người bạn tin cậy nếu bạn có những cảm giác không tốt về bản thân mình. • Nỗ lực để hiểu bản thân bạn và xây dựng thêm điểm mạnh, giảm điểm yếu của bạn. 50
  49. Hoạt động Thế nào là Vị thành niên? 15 phút 1. Viết từ “Vị thành niên” lên bảng – đề nghị nhóm xác định tất cả những gì họ biết hoặc đã từng nghe nói về vị thành niên – thí dụ như: đó là giai đoạn giữa thời thơ ấu và tuổi trưởng thành, đó là khi cơ thể bạn trải qua rất nhiều sự thay đổi, v.v. 2. Viết những câu trả lời của họ lên bảng và sau đó đưa ra định nghĩa về vị thành niên như sau: “Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ để thành một người trưởng thành. Điểm bắt đầu của nó là tuổi dậy thì. Đó là một giai đoạn của tăng trưởng và phát triển nhanh chóng. Rất nhiều những sự thay đổi về thể chất, cảm xúc và xã hội xuất hiện trong suốt giai đoạn vị thành niên.” 3. Giải thích rằng sự bắt đầu của giai đoạn vị thành niên được gọi là tuổi dậy thì. Hỏi nhóm xem họ nghĩ điều gì sẽ xảy ra đối với cơ thể của một người trưởng thành sau khi đến tuổi dậy thì. Lưu ý những ý kiến của họ và đưa ra những điểm sau về tuổi dậy thì: - Tuổi dậy thì là khi cơ thể của một đứa trẻ bắt đầu thay đổi thành một cơ thể trưởng thành. - Tuổi dậy thì bắt đầu ở những lứa tuổi khác nhau đối với từng người - nó bắt đầu sớm nhất ở tuổi lên 9 đối với một số người, và muộn hơn như ở tuổi 15 đối với những người khác. - Con gái thường tới tuổi dậy thì sớm hơn con trai. - Cảm xúc về tình dục bắt đầu và những ham muốn về tình dục có thể phát triển mạnh mẽ hơn. - Tuổi dậy thì đánh dấu bằng “phát triển bứt phá” – nơi cơ thể có thể thay đổi và phát triển rất nhanh. - Những người vị thành niên trải nghiệm nhiều thay đổi trong suốt giai đoạn này về cơ thể, cảm xúc của họ và cách mà họ suy nghĩ. - Sau khi tới tuổi dậy thì – con gái có khả năng thụ thai, con trai có khả năng sinh sản. 4. Giải thích rằng có rất nhiều đồng đẳng viên mà họ sẽ làm việc cùng ở nhà máy là những vị thành niên và, trong thực tế, rất nhiều học viên ở đây vẫn đang còn trong giai đoạn vị thành niên. Vì thế, việc hiểu những thay đổi xuất hiện trong giai đoạn vị thành niên là quan trọng. 51
  50. PHẦN 4 Mục tiêu học tập: • Hiểu về những thay đổi về thể chất, xã hội và cảm xúc sẽ diễn ra trong giai đoạn vị thành niên. • Xác định những chủ đề và hoạt động cho thuyết trình nhóm. Tiếp sức cho nhóm • Bắt đầu phần học với một trò chơi hoặc một hoạt động khởi động. Hoạt động Cơ thể của bạn và những thay đổi 45 phút 1. Nhắc nhở nhóm rằng mục tiêu chính của họ trong vai trò giáo dục viên đồng đẳng là truyền thông và giáo dục cho đồng đẳng viên về sức khoẻ sinh sản. Vì vậy, việc họ có kiến thức tốt về cơ thể, về những thay đổi về thể chất, cảm xúc, và tình dục mà một người trải qua sau tuổi dậy thì là quan trọng. 2. Đưa cho mỗi nhóm hai tờ giấy trắng và bút bi/bút chì. 3. Đề nghị mỗi nhóm vẽ phác thảo một cô gái trên một mảnh giấy, và phác thảo một chàng trai trên mảnh giấy kia. 4. Đề nghị họ đánh dấu trên hình vẽ những thay đổi khác nhau của cơ thể, xuất hiện trong giai đoạn dậy thì (viết chúng bên cạnh những bộ phận tương ứng của cơ thể) – thí dụ: chiều cao tăng lên; lông nách phát triển; giọng nói trở nên trầm hơn. Đảm bảo rằng học viên sẽ tính cả đến những thay đổi xuất hiện trong các cơ quan sinh dục (dành 5-10 phút cho hoạt động này). 5. Khi các nhóm hoàn thành, đề nghị mỗi nhóm trưng bày hình vẽ của mình và chia sẻ những thay đổi họ đã xác định. 6. Khi các nhóm làm xong, đề nghị học viên động não về những thay đổi khác nhau xuất hiện trong giai đoạn vị thành niên – Viết những thay đổi này lên bảng dưới những tiêu đề sau: • Thể chất (trở nên cao hơn; mọc lông cơ thể). • Cảm xúc (thí dụ: cảm giác lúng túng, không chắc chắn, hay ủ rũ). • Xã hội (thí dụ: những thay đổi về các mối quan hệ với bạn bè đồng trang lứa,cha mẹ, v.v.). • Tình dục (thí dụ: sự phát triển của các cơ quan sinh dục, sự bắt đầu của kinh nguyệt ở nữ). 52
  51. 7. Bổ sung vào những gì mà học viên chỉ ra. Điều chỉnh lại những thông tin không đúng hoặc những sự tin tưởng sai lệch về những thay đổi này. Giải thích cẩn thận về những thay đổi khác nhau xuất hiện trong giai đoạn vị thành viên ở nam và nữ – xem Tài liệu giảng dạy – Những thay đổi của cơ thể (phần dưới). 8. Giải thích rằng những thay đổi này xuất hiện như một kết quả của các chất hoá học (gọi là hóc môn) được giải phóng trong cơ thể sau khi một người đến tuổi dậy thì 9. Khuyến khích nhóm đặt bất cứ câu hỏi nào mà chưa rõ về những thay đổi của cơ thể. 10. Chỉ ra rằng thanh thiếu niên thường cảm thấy không tự tin và lo lắng về những thay đổi bắt đầu xảy ra đối với cơ thể của họ sau khi đến tuổi dậy thì. Họ có thể cảm thấy sợ hãi hoặc bối rối về những thay đổi đó. Là những giáo dục viên đồng đẳng, họ có thể nhận được nhiều câu hỏi từ các đồng đẳng viên về những thay đổi của cơ thể và được xác nhận rằng những thay đổi đó là bình thường. 11. Điều quan trọng là khẳng định lại với những đồng đẳng của họ rằng những thay đổi này là bình thường bởi vì cơ thể của mỗi người thay đổi theo những cách khác nhau, với một mức độ khác nhau, thí dụ: - Một số chàng trai phát triển nhiều lông mặt và lông cơ thể, những người khác lại có rất ít. - Một số cô gái có bộ ngực to và một số khác lại có bộ ngực nhỏ. 12. Nhắc nhở học viên rằng họ có thể gửi bất cứ câu hỏi nào vào Hộp câu hỏi. Tài liệu giảng dạy Những thay đổi trong giai đoạn Vị thành niên Những thay đổi về thể chất ở Tuổi dậy thì: • Ở tuổi dậy thì, cơ thể phát triển và thay đổi rất nhanh. Đó là do sự giải phóng các chất hoá học (được gọi là 'hoóc môn') trong cơ thể. • Ở con trai, hoóc môn sinh dục nam chịu trách nhiệm cho sự phát triển của lông mu và lông mặt, giọng nói trầm hơn, phát triển của dương vật, tinh hoàn, và sản xuất ra tinh dịch. • Ở con gái, hoóc môn sinh dục nữ chịu trách nhiệm cho sự phát triển của bộ ngực, lông mu, làm nở hông, và xuất hiện kinh nguyệt. 53
  52. Những thay đổi về cảm xúc và tâm lý • Con gái và con trai thường cảm thấy lo lắng và ngại ngùng về những thay đổi của cơ thể như sự phát triển của tóc, trứng cá và cao vống lên. • Cảm thấy không an toàn, ngại ngùng và lúng túng trong suốt giai đoạn này. • Những thay đổi trong tâm trạng có thể xuất hiện mà không có nguyên nhân nào (cảm thấy cao hoặc thấp). • Những suy nghĩ tình dục và cảm giác tăng lên. • Sự lẫn lộn về cảm giác tình dục và nhận dạng tình dục. • Cảm giác tội lỗi và lẫn lộn có thể xuất hiện do những cảm giác về tình dục. • Con gái có thể trở nên rất nhạy cảm và dễ xúc động ngay trước kỳ kinh nguyệt. • Những thay đổi nhân cách – họ muốn được độc lập nhiều hơn. Những thay đổi xã hội • Nhóm đồng đẳng trở nên quan trọng hơn và họ dễ bị ảnh hưởng từ những người bạn của họ nhiều hơn. • Thanh thiếu niên bắt đầu tìm kiếm độc lập từ cha mẹ và có thể thách thức những giá trị, niềm tin của cha mẹ họ. • Họ thường tìm kiếm thông tin về tình dục cũng như những thay đổi của cơ thể từ những người bạn của họ – tuy nhiên, những thông tin này thường không chính xác. Những thay đổi về tình dục • Hoóc môn làm cho các bộ phận sinh dục và sinh sản của cơ thể trưởng thành hơn – con trai bắt đầu sản sinh ra tinh trùng, còn con gái bắt đầu có kinh nguyệt. • Các chức năng sinh sản của cơ thể cũng bắt đầu trưởng thành. Sau khi tới tuổi dậy thì, con gái có thể thụ thai trong khi con trai có thể làm cha. • Suy nghĩ, cảm xúc và ham muốn tình dục tăng lên. • Nhiều thanh thiếu niên cảm thấy lẫn lộn về cảm giác tình dục của họ – họ có thể cảm thấy bị thu hút bởi những người khác giới, hoặc cùng giới. 54
  53. NHỮNG THAY ĐỔI VỀ THỂ CHẤT – CON GÁI • Tăng chiều cao – phát triển rất nhanh xương đùi. • Da và tóc trở nên trơn hơn và một số người có trứng cá. • Sự tiết mồ hôi tăng lên và mùi cơ thể thay đổi. • Lông bắt đầu mọc dưới nách; lông mu xuất hiện. • Ngực phát triển và tăng tới ,hiều cỡ. • Vòng eo hẹp lại. • Hông lớn ra – một số cô gái tăng cân. • Tử cung và buồng trứng lớn hơn. • Kinh nguyệt bắt đầu. NHỮNG THAY ĐỔI THỂ CHẤT Ở – CON TRAI • Tăng về chiều cao và cân nặng. • Da và tóc trở nên trơn hơn và một số người có trứng cá. • Giọng nói trầm hơn. • Lông mặt xuất hiện. • Lông nách, lông ngực, và lông mu xuất hiện. • Cơ bắp phát triển và vai rộng ra. • Tăng tiết mồ hôi và mùi cơ thể thay đổi. • Tinh hoàn và dương vật to hơn. • Sự cương cứng xuất hiện vào buổi sáng. • Tình trùng được sản sinh và sự phóng tinh có thể xuất hiện (‘mộng tinh’). Hoạt động Thuyết trình nhóm 40 phút 1. Giới thiệu hoạt động bằng cách giải thích rằng: công việc của 1 giáo dục viên đồng đẳng bao gồm cả làm việc trong một nhóm. Hoạt động tiếp theo này sẽ tạo cho họ một cơ hội để làm việc cùng nhau như một đội. Nó cũng sẽ tạo cơ hội để trình bày một cách sáng tạo những thông tin họ học được trước toàn nhóm. 2. Chia học viên thành 4 nhóm nhỏ. Khi các nhóm được hình thành, cho họ biết họ sẽ làm việc trong nhóm đó hàng ngày trong suốt phần còn lại của chương trình để chuẩn bị cho bài trình bày về chủ đề sức khoẻ sinh sản mà họ chọn (liên quan đến những chủ đề của khóa học). 3. Hướng dẫn các nhóm phát triển một bài thuyết trình của nhóm trong 10 phút mà họ sẽ trình bày vào ngày cuối cùng của chương trình tập huấn. Bài thuyết trình của họ 55
  54. nên ngắn gọn, thú vị và đầy đủ thông tin. Những chủ đề có thể lựa chọn là: • Mang thai ngoài ý muốn. • HIV/AIDS. • Những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. • Ngăn ngừa vấn đề có thai hoặc những vấn đề khác về sức khoẻ sinh sản. • Những vấn đề về mối quan hệ. • Áp lực đồng đẳng. • Sử dụng ma tuý và những nguy cơ về sức khỏe sinh sản. 4. Nói với họ rằng họ phải sử dụng những phương pháp sáng tạo để làm bài thuyết trình và để truyền đạt thông tin đến cho người nghe – thí dụ, họ có thể sử dụng kịch nói, ca nhạc, thơ, các cuộc tranh luận, hoặc bất cứ hình thức sáng tạo nào khác để trình bày chủ đề của họ cho toàn nhóm. 5. Hướng dẫn các nhóm xác định chủ đề ngày, phương pháp họ sẽ sử dụng để trình bày, cũng như xác định vai trò của từng thành viên. Điều quan trọng là tất cả học viên tham gia vào phần thuyết trình của nhóm họ. 6. Đi quanh các nhóm để động viên và trả lời bất cứ câu hỏi nào của họ. Hoạt động Phản hồi thường nhật 5 phút 1. Nói với học viên rằng đây là một cơ hội để phản hồi lại những gì họ đã học hôm nay. Đề nghị học viên viết ra những điều sau: - Một điều mà tôi thích về ngày hôm nay. - Một điều mà tôi không thích về ngày hôm nay. - Một ý kiến mà tôi đã học được trong ngày hôm nay và tôi sẽ sử dụng trong công việc giáo dục đồng đẳng của mình. 2. Đề nghị những người xung phong chia sẻ phản hồi của họ về hoạt động của ngày hôm nay. Hộp câu hỏi 1. Trả lời bất cứ câu hỏi nào có trong hộp câu hỏi. KẾT THÚC 56
  55. NGÀY THỨ HAI PHẦN 1 Tiếp sức • Bắt đầu phần học với một trò chơi hoặc một hoạt động khởi động. Mục tiêu học tập: • Hiểu được sự phát triển tình dục là một phần quan trọng của quá trình trưởng thành. • Hiểu định nghĩa về ‘giới’ và xác định những niềm tin, mong đợi về mặt văn hoá của việc là nam giới hay nữ giới • Xác định xem giới ảnh hưởng thế nào đến những mối quan hệ, hành vi sức khoẻ sinh sản và sức khoẻ tình dục. • Hiểu thế nào là những giá trị. Hoạt động Các cơ quan sinh sản của nam và nữ 50 phút 1. Giới thiệu hoạt động này bằng cách nhắc lại cho nhóm rằng trước đây chúng ta đã xem xét những thay đổi khác nhau mà người ở tuổi vị thành niên trải qua trong tuổi dậy thì. Ở tuổi dậy thì, vị thành niên cũng trải nghiệm những thay đổi về tình dục. Những thay đổi này bao gồm sự trưởng thành, phát triển của các cơ quan sinh sản, và sự phát triển của cảm giác, ham muốn tình dục. 2. Những cơ quan sinh sản bắt đầu trưởng thành trong suốt tuổi dậy thì. Con gái bắt đầu rụng trứng và xuất hiện kinh nguyệt, con trai bắt đầu sản sinh ra tinh trùng và xuất tinh – có nghĩa là họ trở nên có khả năng sinh sản (có con). 3. Giải thích rằng bạn sẽ đưa cho họ một số câu đố để đánh giá xem họ hiểu thế nào về cơ quan sinh sản của nam và nữ – nói với họ rằng đó không phải một bài kiểm tra và những câu trả lời của họ sẽ không bị tính điểm. 4. Phát các bản copy về cơ quan sinh sản nam và nữ. 5. Đề nghị học viên ghi tên những bộ phận khác nhau của hệ sinh sản, bằng cách nối tên trên hình vẽ với các số tương ứng (trong 10 phút). 6. Sau khi họ đã ghi xong tên các bộ phận, phân phát bảng đánh dấu đúng của Các cơ 59
  56. quan sinh sản nam và nữ để họ đối chiếu. Đề nghị họ phản hồi về số cơ quan đã được xác định đúng. 7. Sử dụng đúng sơ đồ, xác định tên của cơ quan sinh sản trong và ngoài của hệ sinh sản nữ, và sau đó là của nam. Hỏi họ xem những tên gọi nào khác mọi người sử dụng cho những bộ phận sinh dục khác nhau (thí dụ: cho dương vật, tinh hoàn, âm đạo, v.v.). 8. Giải thích các chức năng của các cơ quan, và cách làm việc của hệ sinh sản nam, nữ – xem Tài liệu giảng dạy – Các cơ quan sinh sản 9. Hỏi nhóm xem họ cảm thấy thế nào khi nói về những chủ đề này. Thông cảm với họ rằng họ có thể cảm thấy lúng túng hoặc ngượng ngùng khi nói về những thông tin này. 10. Cần thiết là giáo dục viên đồng đẳng có hiểu biết tốt về hệ sinh sản và những chức năng của các cơ quan sinh dục, cũng như cảm thấy thoải mái trong việc nói chuyện một cách cởi mở và nhạy cảm về những chủ đề này. Giáo dục viên đồng đẳng đưa thông tin về cách ngăn ngừa những vấn đề về sức khoẻ sinh sản như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và mang thai ngoài ý muốn. 11. Khuyến khích nhóm đặt bất cứ câu hỏi nào mà họ có – nhắc nhở rằng họ cũng có thể đặt những câu hỏi không đề tên vào trong Hộp câu hỏi. Hoạt động Tự chăm sóc sức khoẻ sinh sản 10 phút 1. Thông báo với nhóm rằng những vấn đề vế sức khoẻ sinh sản xuất hiện không chỉ là kết quả của hoạt động tình dục, mà cũng có thể gây ra do vệ sinh và chăm sóc kém. 2. Vì thế, việc quan trọng cho thanh thiếu niên là học cách tự chăm sóc cho cơ thể và chăm sóc cho sức khoẻ sinh sản của chính mình. 3. Đặc biệt, nữ giới cần phải ý thức được những nguy cơ của bệnh ung thư cổ tử cung – đặc biết với những hoạt động tình dục sớm. Nói với họ rằng một khi người phụ nữ ở thời kỳ hoạt động tình dục sung mãn, nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện nguy cơ ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Đây gọi là xét nghiệm phát hiện sớm ung thư cổ tử cung, xét nghiệm này là an toàn và đơn giản mà người phụ nữ có thể tiến hành tại một phòng khám của bác sỹ tư hoặc phòng khám y tế – xem Tài liệu giảng dạy – Xét nghiệm Pap’s. Phụ nữ cũng cần phải chăm sóc vệ sinh cơ thể trong suốt thời gian có kinh nguyệt. 4. Nam giới cần phải ý thức được nguy cơ ung thư tinh hoàn – nam giới nên học cách kiểm tra tinh hoàn để xem xem có xuất hiện những khối u bất thường không – xem Tài liệu giảng dạy – Kiểm tra Tinh hoàn. 60
  57. 5. Vệ sinh cơ thể tốt là quan trọng trong việc tự chăm sóc sức khoẻ, vóc dáng của bạn, và ngăn ngừa sự lây truyền của bệnh tật. 6. Vệ sinh thường xuyên các bộ phận của cơ thể sẽ giúp ngăn ngừa một số những vấn đề này, cũng như khuyến khích vệ sinh đúng cách. 7. Vệ sinh cá nhân tốt sẽ bảo vệ bản thân bạn và những người khác khỏi bệnh tật. Rửa tay sạch đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tật. Tài liệu giảng dạy Các cơ quan sinh sản Cơ quan sinh sản nam Các cơ quan sinh sản nam (hay ‘cơ quan sinh dục ngoài’) là những bộ phận của cơ thể liên quan đến giới tính và quá trình sinh sản. Các bộ phận sinh sản bao gồm bộ phận cấu tạo bên trong và bên ngoài. Cơ quan bên ngoài của hệ sinh dục: Dương vật: là cơ quan sinh dục nam thông qua đó nước tiểu và tinh dịch thoát ra ngoài. Khi người đàn ông bị kích thích tình dục, dương vật của anh ta sẽ cứng lên (cương cứng) và sự phóng tinh có thể xuất hiện. Đầu dương vật đầy những đầu dây thần kinh và vì thế rất nhạy cảm. Dương vật tăng kinh thước sau tuổi trưởng thành. Dương vật có hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau. Kích thước của dương vật hoàn toàn không ảnh hưởng đến khoái cảm tình dục. Bao quy đầu: Nếp gấp da bao phủ lên đầu dương vật. Bao quy đầu đôi khi bị cắt bỏ vì những lý do văn hoá, tôn giáo và y tế. Việc này gọi là cắt bao quy đầu. Lỗ niệu đạo: Phần mở cuối của đường ống nối với bàng quang ra bên ngoài. Nó là lỗ cho nước tiểu và tinh dịch đi qua. Bìu: Bao da bên ngoài, ở phía sau dương vật chứa cả hai tinh hoàn. Bìu giúp giữ tinh hoàn ở nhiệt độ thích hợp, thấp hơn nhiệt độ ở những bộ phận khác của cơ thể. Cơ quan bên trong của hệ sinh dục: Tinh hoàn (hay hòn dái): Hai tuyến sinh sản nam nằm trong bìu. Chúng sản xuất ra tinh trùng và hóc môn sinh dục nam, kích thích tố sinh dục nam. Hóc môn này gây ra những thay đổi của tuổi dậy thì. Tinh hoàn rất nhạy cảm, vì thế nam giới nên mặc quần áo lót vừa khít, đặc biệt khi chơi thể thao. Mào tinh hoàn: Một ống cuộn dài nơi dự trữ tinh trùng và để tinh trùng phát triển. 61
  58. Ống dẫn tinh: Ống mỏng, dài, dẫn tinh trùng từ tinh hoàn dọc mào tinh hoàn đi đến hoàn toàn túi tinh và tuyến tiền liệt. Túi tinh: Có hai túi, sản xuất và dự trữ chất tiết tinh dịch. Chất tiết tinh dịch này là một chất lỏng màu trắng sữa, hoà trộn với tinh trùng. Nó đi ra khỏi đầu dương vật khi người đàn ông xuất tinh. Tuyến tiền liệt: tiết ra chất dịch, dự trữ chất dịch và tinh trùng. Nó hoạt động như một cái bơm để đẩy tinh dịch ra khỏi dương vật khi người đàn ông xuất tinh. Niệu đạo: Ống nối bàng quang với bên ngoài. Đưa nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Ở đàn ông, niệu đạo cũng đưa tinh dịch ra khỏi cơ thể. Một cái van ở đáy bàng quang ngăn không cho nước tiểu và tinh dịch thải ra ngoài cùng một lúc. Bàng quang: Hình dáng như một cái túi, dự trữ nước tiểu từ thận cho đến khi nước tiểu được thải ra ngoài khi đi tiểu tiện. Các cơ quan bên trong Các cơ quan bên ngoài của hệ sinh dục nam. của hệ sinh dục nam. 1. Ống dẫn tinh. 1. Dương vật. 2. Mào tinh hoàn. 2. Bìu. 3. Tuyến tiền liệt. 3. Bao quy đầu. 4. Túi tinh. 4. Đầu dương vật. 5. Niệu đạo. 5. Lỗ niệu đạo. 6. Tinh hoàn. 62