Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra đối với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay

pdf 10 trang Đức Chiến 04/01/2024 1500
Bạn đang xem tài liệu "Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra đối với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfsu_troi_day_cua_trung_quoc_va_nhung_van_de_dat_ra_doi_voi_kh.pdf

Nội dung text: Sự trỗi dậy của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra đối với khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hiện nay

  1. SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI KHU VỰC ĐÔNG NAM Á TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Trần Xuân Hiệp1 Tóm tắt: Sự trỗi dậy của Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI được đánh giá như một hiện tượng nổi bật, thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực và thế giới. Đối với Đông Nam Á, sự trỗi dậy của Trung Quốc đã và đang tác động trực tiếp đến khu vực nói chung và mỗi quốc gia nói riêng, từ những ảnh hưởng tích cực cho đến những tác động tiêu cực. Trong phạm vi bài viết, tác giả chủ yếu tập trung phân tích những vấn đề rất cơ bản xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc, một số tác động chủ yếu của vấn đề này đến khu vực Đông Nam Á và những đối sách chủ yếu của ASEAN trước sự trỗi dậy ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Từ khóa: Sự trỗi dậy của Trung Quốc, Đông Nam Á, khu vực. 1. Mở đầu Trong giai đoạn hiện nay, sự trỗi dậy của Trung Quốc là một tổ hợp từ được nhắc đến khá nhiều trong mối quan hệ chằng chéo, phức tạp của quan hệ quốc tế. Không những thế, quá trình trỗi dậy của Trung Quốc đang trở thành một thách thức không nhỏ đối với các quốc gia khu vực, nhất là Đông Nam Á – một khu vực cận kề với nước láng giềng khổng lồ như Trung Quốc. 2. Nội dung 2.1. Những vấn đề chủ yếu xung quanh sự trỗi dậy của Trung Quốc Về kinh tế, thế giới đang được chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc của Trung Quốc, một phép lạ chưa từng thấy ở một nền kinh tế mới nổi khi đưa ra so sánh với nhiều quốc gia cùng khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Trung Quốc đã có mức tăng trưởng trung bình 9,6% trong vòng liên tục 10 năm (1990 - 2010) và từng bước vượt mặt các quốc gia phát triển Tây Âu là Pháp, Anh, Đức. Năm 2010, Trung Quốc chính thức thay thế Nhật Bản để trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về kinh tế, chỉ sau Mỹ. Năm 2011, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành quốc gia có đóng góp cho tăng 1. TS, Đại học Duy Tân – Đà Nẵng 34
  2. Trần Xuân Hiệp trưởng toàn cầu với 30% so với 17% (2010) nếu xét từ sản lượng toàn cầu. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Trung Quốc là nước có GDP cao nhất khu vực kể từ năm 2002 và duy trì vị trí này cho tới hiện nay với tổng sản lượng khu vực là 38% (2010) và 39,4% (2011). Với mức tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình mỗi năm là 21,7%, Trung Quốc đã duy trì được nền kinh tế thương mại khổng lồ, là quốc gia được xếp thứ hai thế giới về nhập khẩu và đứng thứ nhất về xuất khẩu hàng hóa [12]. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước sở hữu 5 trong số 20 cảng hàng đầu thế giới. Đặc biệt, ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố số liệu tài chính của nước này. Trong đó, tổng dự trữ ngoại tệ tính đến cuối tháng 3/2012 đã vượt con số 3.305 tỷ USD, đứng thứ nhất trên thế giới [13]. Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức trung bình là 5,6%-8% mỗi năm cho đến hết 2050 (theo chuyên gia kinh tế Uri Dadush& Bennett Stancil và Robert Fogel). Sự tăng trưởng của Trung Quốc đã khiến nhiều người nhận định rằng nền kinh tế khổng lồ này sẽ áp đảo trong một thế giới rộng lớn và “giờ đây, Trung Quốc có một nền kinh tế rất lớn và những quyết định mà Trung Quốc đưa ra có tác động trên toàn thế giới” [11]. Về chính trị, an ninh - quân sự, mặc dù Trung Quốc luôn trấn an dư luận bằng việc đưa ra thông điệp “sức mạnh mềm” và sự “trỗi dậy hòa bình”, không làm phương hại đến tình hình an ninh của khu vực cũng như toàn cầu, nhưng cũng không thể phủ nhận được sự gia tăng sức mạnh quân sự và chính trị của Trung Quốc trong những năm gần đây luôn là nỗi “ám ảnh” của rất nhiều quốc gia. Trong quá trình phát triển, sự thần kỳ kinh tế của Trung Quốc khiến thế hệ lãnh đạo thứ IV của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào, có thể vươn khỏi cương lĩnh ngoại giao nổi tiếng của Đặng Tiểu Bình là “giữ thế thủ và không bao giờ dẫn đầu” trong các vấn đề quốc tế [7, tr.1]. Trung Quốc cũng tỏ ý sẵn sàng đóng góp một vai trò lớn hơn và có thể là xây dựng hơn trong các vấn đề toàn cầu với năm luận điểm: sự thay đổi sâu sắc trong bối cảnh thế giới, xây dựng một thế giới hài hòa, cùng phát triển, chia sẻ trách nhiệm và sự tham gia một cách nhiệt tình vào các công việc toàn cầu. Trên thực tế, vị thế của Trung Quốc đang ngày càng được củng cố mạnh mẽ thông qua các chỉ số phát triển kinh tế và là một trong hai ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có tiềm lực kinh tế hàng đầu thế giới. Các hoạt động đối ngoại như tham gia vào hơn 20 lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tham gia giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên, Iran và các xung đột sắc tộc ở châu Phi đã giúp Trung Quốc có thể tiếp tục con đường tiến lên phía trước mà không cần gây ra những xung đột, va chạm như các cường quốc mới nổi trước đây từng gặp phải. Bên cạnh đó, Trung Quốc là quốc gia sở hữu hạt nhân trên thế giới, một trong ba cường quốc hàng đầu về vũ trụ (cùng Mỹ và Nga), tiềm lực quân sự ngày càng vượt trội với 35
  3. SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA chi phí ngân sách tăng cao trong những năm gần đây cũng khiến thế giới không thể không quan tâm, lo ngại. Bước vào thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tích cực tham gia vào nhiều diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế như đồng sáng lập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải – SCO (2001) nhằm thúc đẩy hợp tác với các nước Trung Á, lập ra diễn đàn châu Á Bác Ngao (Boao Forum for Asia - BFA) thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của các quốc gia ở châu lục này. Trung Quốc cũng đã đưa ra khái niệm An ninh mới (New Concept of Security - NCS 1998) chủ trương xây dựng một trật tự thế giới đa cực và đề cao vai trò của Liên Hợp Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán. Trong quan hệ với các nước đang phát triển, Trung Quốc nêu ra nguyên tắc hợp tác “cùng thắng”, theo đó các quốc gia tham dự đều có thể hưởng lợi từ kết quả hợp tác và điều này đã nhận được sự phản ứng tích cực từ các nước, kể cả các nước ASEAN. Về văn hóa, khoa học công nghệ và một số lĩnh vực khác, trước hết, sức lan tỏa mạnh mẽ về văn hóa, đặc biệt là Nho gia đã tạo được dấu ấn đậm nét, những giá trị mang tính phổ quát đến thế giới bên ngoài, trong đó có khu vực Đông Nam Á trên ba phương diện: Thành lập học viện Khổng Tử; Thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nước; Xuất khẩu các sản phẩm văn hóa như truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, văn học Trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, việc Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ “Thần châu 6”, đưa người vào vũ trụ lần thứ hai, trở thành cường quốc chinh phục vũ trụ thứ ba trên thế giới. Đặc biệt, vào tháng 12/2013, Trung Quốc đã phóng tàu vũ trụ Hằng Nga 3 đáp xuống Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1976, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thực hiện thành công việc đổ bộ thăm dò mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô cũ, thực hiện thành công kỳ tích này. 2.2. Những tác động chủ yếu từ sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á Thứ nhất, quá trình trỗi dậy của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với quá trình gia tăng sự cạnh tranh quyết liệt giữa Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc đang trở thành đối trọng cạnh tranh trực tiếp không chỉ thu hút nguồn vốn FDI và lấy đi nhiều cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp ASEAN, mà còn tỏ rõ sự vượt trội trong xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng truyền thống như hàng may mặc, đồ chơi, đồ gia dụng, thiết bị văn phòng, Đặc biệt, các nước Đông Nam Á đã và đang chịu sức ép không nhỏ của Trung Quốc tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Mỹ, EU, ngay cả những nước có trình độ công nghiệp phát triển tương đối cao như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Philipines cũng không nằm ngoài thách thức này. Nếu như vào năm 1990, hàng dệt may của Trung Quốc tại thị trường Nhật Bản mới chỉ có 4 tỷ Yên, nhưng đến năm 36
  4. Trần Xuân Hiệp 2000 đã tăng lên 1.800 tỷ Yên, tức là tăng từ 0,2% lên tới 68%. Nhiều học giả đã có lý khi cho rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong nhiều ngành xuất khẩu. Có sự trùng hợp đáng kể trong cơ cấu hàng xuất khẩu giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á nhưng ưu thế nghiêng về Trung Quốc do Trung Quốc có nguồn lực dồi dào, nhân công giá rẻ, có đội ngũ kỹ sư trình độ và tay nghề cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một thực tế rất rõ ràng giữa Trung Quốc và ASEAN. Chỉ tính riêng trong năm 2003, nước này đã thu hút được hơn 54 tỷ USD vốn FDI - tương đương 60% tổng đầu tư nước ngoài vào châu Á [2]. Năm 2004, FDI vào Trung Quốc đạt con số 60 tỷ USD, cao gấp ba lần con số chảy vào các nước ASEAN cộng lại. Tính đến tháng 9/2011, FDI từ các nước châu Âu và Mỹ vào Trung Quốc đạt 1,8 tỷ USD và theo dự kiến đến 2015, tổng FDI của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ lên tới con số 351 tỷ USD và trở thành nước có FDI lớn nhất thế giới [4]. Có thể thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, giá nhân công rẻ, hệ thống luật pháp và bộ máy hành chính được cải thiện liên tục trong những năm gần đây đã khiến cho Trung Quốc trở thành tâm điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, và đây chính là bài toán khó dành cho các nước Đông Nam Á trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế dù cho khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN (CAFTA) được thành lập. Đánh giá về sức mạnh từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã nhấn mạnh “Trung Quốc sẽ trở thành một đối thủ khủng khiếp trong khu vực. Không có sự kết hợp nào của các nền kinh tế Đông Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN sẽ có thể cân bằng với họ” [6]. Thứ hai, sự trỗi dậy của Trung Quốc trên lĩnh vực quân sự là mối quan ngại sâu sắc nhất đối với các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, sự hiện diện ngày càng gia tăng và áp lực từ phía Trung Quốc tại biển Đông đã khiến khu vực này trở nên căng thẳng và khó kiểm soát. Chiến lược thiết lập đường “chữ U” trên biển Đông được hiện thực hóa thông qua việc chiếm đóng bằng vũ lực, chế định các luật pháp, vẽ bản đồ, củng cố xây dựng trên thực địa nhằm mở rộng vùng biển tranh chấp, tăng cường khả năng ứng phó, nhất là việc tăng cường lực lượng hải quân trong những năm gần đây của Trung Quốc đã tạo sức ép lớn đối với các quốc gia Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc đã và đang tiến hành nhiều cách thức nhằm đạt được mục tiêu chiến lược thông qua nhiều hành động bành trướng và tuyên bố trắng trợn, đặc biệt, Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông (DOC) năm 2002 thông qua những tuyên bố yêu sách vùng biển “chữ U”, thành lập huyện Tam Sa, đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, lập các quy tắc gây cản trở các hoạt động trên biển của ngư dân Việt Nam và Philipines Nguy hiểm hơn, Trung Quốc luôn sẵn 37
  5. SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA sàng sử dụng sức mạnh quân sự trong mọi trường hợp để đạt được mục tiêu đề ra trên các vùng biển mà nước này tự cho là có chủ quyền. Điều này chứng tỏ một tham vọng chủ quyền lớn hơn, một tâm lý dân tộc kiên quyết hơn, và đó là điều mà Trung Quốc muốn để cho các nước trong khu vực và trên thế giới thấy rõ sức mạnh trỗi dậy của một cường quốc hùng mạnh, đặc biệt là khả năng tác chiến của lực lượng hải quân ngày càng được phát triển theo hướng hiện đại hóa. 2.3. Những phản ứng chính sách chủ yếu của Đông Nam Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc Thứ nhất, cần đẩy mạnh liên kết khu vực, nâng cao sức đề kháng trước những thách thức từ phía Trung Quốc Vấn đề trọng tâm đối với các nước Đông Nam Á là việc nhanh chóng thúc đẩy thành lập Cộng đồng ASEAN (AC) nhằm tăng cường tiếng nói của ASEAN cũng như nâng cao vai trò vị trí của tổ chức trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Có thể nói, AC là một tiến trình hội tụ sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các quốc gia ASEAN, là một bước tiến lớn lao trong tiến trình phát triển của tổ chức nói chung và mỗi nước thành viên nói riêng. Để triển khai kế hoạch xây dựng AC, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 10 tổ chức ở Viêng Chăn (Lào) vào tháng 11/2014 đã thông qua ba chương trình hành động nhằm xây dựng Cộng đồng an ninh (ASC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASSC) bằng việc tiến tới thiết lập các thể chế, các cơ chế, các lĩnh vực ưu tiên để sớm hình thành một cộng đồng chung vào năm 2015. Có thể nói, việc xây dựng AC trong thời gian sớm nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ASEAN thực hiện các chiến lược khu vực, đảm bảo quá trình thực thi các mục tiêu cơ bản của tổ chức phù hợp với các nước thành viên, đặc biệt là việc hình thành một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao. Trong đó, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sẽ được chu chuyển tự do, và vốn được lưu chuyển chủ động hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế - xã hội được giảm bớt vào năm 2020. Hơn nữa, AC sẽ góp phần quan trọng để khẳng định vai trò chủ thể của ASEAN tại khu vực Đông Nam Á và nâng cao hơn nữa vị thế của Hiệp hội trong quan hệ quốc tế, nhất là mối quan hệ với các cường quốc trên thế giới. Điều này được Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập ASEAN (1967 - 2007): “Bằng sự tự hiện diện một cách gắn kết, chúng ta sẽ tự chứng tỏ khả năng theo đuổi lợi ích của chúng ta và can dự với thế giới. Chúng ta có thể thuyết phục người khác rằng chúng ta có thể được tin cậy để đóng một vai trò tích cực, trung thực và xây dựng trong việc cung cấp một nền tảng cho sự tương tác của họ với châu Á. Chỉ khi đó, các cường quốc khác mới nhìn nhận chúng ta một cách nghiêm túc. Chỉ khi đó, ASEAN mới thiết lập được chỗ đứng và vị trí chính đáng của nó trong khu vực” [10]. 38
  6. Trần Xuân Hiệp Việc thành lập AC có ý nghĩa quan trọng nhằm duy trì vai trò lãnh đạo của các nước ASEAN trong cấu trúc khu vực đang từng bước được hình thành tại Đông Á. Với việc đóng vai trò là chủ thể lãnh đạo trong các tiến trình như: Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), ASEAN + 3, ASEAN + 1 và Hội nghị thượng định Đông Á (EAS) thì ASEAN đang chiếm ưu thế ở một vị trí nhất định. Mặc dù thừa nhận vai trò lãnh đạo của ASEAN nhưng Nhật Bản và Trung Quốc vẫn đang tiếp thục theo đuổi ý đồ nắm vai trò lãnh đạo trong tiến trình hội nhập Đông Á. Nếu ASEAN không hội nhập nhanh hơn và sâu rộng hơn, AC không được thành lập sớm hơn, thì sớm muộn gì ASEAN sẽ mất vai trò lãnh đạo trong một cấu trúc khu vực do chính bản thân họ tạo ra. Và như vậy sẽ dẫn đến việc “Nhật Bản và Trung Quốc có thể là người cầm lái và kiểm soát tốc độ của Hợp tác Đông Á với ASEAN là một hành khách. Nếu điều đó xảy ra, Hợp tác Đông Á sẽ thất bại” [5]. Nhận thấy được sự vận động của quá trình hội nhập là một tất yếu, ASEAN đã và đang nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu chung. Trước hết, việc soạn thảo và thông qua Hiến chương ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 13 tổ chức ở Singapore ngày 18/11/2007 và có hiệu lực vào ngày 15/12/2008 đã mở đường cho quá trình sớm hình thành một cộng đồng chung như kỳ vọng của 10 nước thành viên vào ngày 31/12/2015. Thứ hai, cần phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ với các nước lớn khác nhằm cân bằng lực lượng tại khu vực, nhất là hạn chế sự ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Trong bài toán cân bằng ảnh hưởng ngày càng gia tăng mạnh mẽ của Trung Quốc, các nước ASEAN vẫn buộc phải tiếp tục dựa vào Mỹ làm nhân tố đối trọng hàng đầu bởi sức mạnh về kinh tế, cũng như ưu thế về chính trị của siêu cường này trên trường quốc tế. Trong một bài nghiên cứu, học giả người Mỹ là Dana R.Dillon và John J.Tkacik đã nhấn mạnh việc Trung Quốc đang trở thành một cường quốc đầu đàn ở Đông Nam Á và sẽ làm tổn hại đến vị trí của Mỹ cũng như sẽ gây nhiều khó khăn cho các nước bè bạn của Mỹ tại khu vực này, nếu Mỹ không cố gắng tăng gấp đôi, gấp ba các hoạt động của mình đối với ASEAN [3, tr.1]. Và trên thực tế, Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thực hiện chiến lược của mình tại khu vực, đáng chú ý là Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ đối tác tăng cường ASEAN – Mỹ ký kết vào ngày 17/11/2005 đã khẳng định lợi ích chung trong phát triển ASEAN với tư cách là một thể chế khu vực. Ngược lại, ASEAN thừa nhận những đóng góp và tầm quan trọng của Mỹ trọng việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy thịnh vượng ở Đông Nam Á. Và khẳng định, bản chất của mối quan hệ này là toàn diện, hướng vào hành động, hướng ra bên ngoài và bao gồm hợp tác chính trị và an ninh, hợp tác kinh tế, hợp tác xã hội và phát triển. Đặc biệt, hai bên cam kết thực hiện đầy đủ những điều khoản đã ký kết trong Hiệp định thương mại giữa Mỹ - ASEAN nhằm đạt được mục tiêu xây dựng 39
  7. SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020. Về an ninh - chính trị, Mỹ đang ngày có sự hiện diện lớn hơn tại khu vực Đông Nam Á, mối quan hệ Mỹ - ASEAN được tập trung xung quanh hai hiệp ước với đồng minh là Thái Lan và Philipines. Cùng việc mở rộng hợp tác với Mỹ, ASEAN cũng đang tăng cường mối quan hệ với Nhật Bản, Nga, Ấn Độ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và hợp tác nhiều mặt từ phía các nước nói trên. Đối với quan hệ Nhật Bản - ASEAN, hai bên đã ra Tuyên bố Tokyo về quan hệ đối tác năng động và bền vững ASEAN – Nhật Bản trong thế kỷ XXI, nhấn mạnh chủ trương thúc đẩy không chỉ hợp tác kinh tế mà cả hợp tác trên lĩnh vực an ninh – chính trị, không chỉ hợp tác song phương giữa hai bên mà còn hợp tác trong các tổ chức khu vực và quốc tế. Hiện tại, Nhật Bản là một trong những quốc gia đi đầu trong quá trình đầu tư phát triển tại các nước Đông Nam Á, nhất là cung cấp những khoản viện trợ lớn cho các nước trong khu vực để phát triển kinh tế - xã hội. Đối với quan hệ Ấn Độ - ASEAN, hai bên đã ký kết văn bản hợp tác như: Hiệp định khung xây dựng Khu mậu dịch tự do, Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN cũng được tổ chức đầu tiên vào năm 2002, trước đó Ấn Độ cũng đã trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN vào năm 1997 và tham gia ARF vào năm 1996. Đối với quan hệ Nga – ASEAN, năm 1991, quan hệ hai bên chính thức được thiết lập và năm 1996, Nga trở thành đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN được tổ chức tại Malaysia vào ngày 13/12/2005, hai bên đã ra Tuyên bố chung và ký Chương trình hợp tác hành động trong giai đoạn 2005 – 2015, trong đó cam kết phát triển hơn nữa quan hệ đối tác đối thoại nhằm củng cố sự hợp tác phát triển kinh tế bền vững, thịnh vượng và tiến bộ xã hội cho cả hai bên trên nguyên tắc bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm, cùng có lợi. Thứ ba, nâng cao sức mạnh của các quốc gia thành viên, tăng cường khả năng quốc phòng và nội lực nền kinh tế. Bên cạnh việc tăng cường liên kết nội khối, mở rộng quan hệ hợp tác ra bên ngoài khu vực của ASEAN nhằm thích ứng với những biến động, đối phó hiệu quả với những thách thức, thì mỗi nước thành viên của ASEAN cũng phải tự thân nỗ lực, thực hiện những chính sách quốc gia một cách phù hợp nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra. Mục tiêu cuối cùng của mỗi quốc gia là bảo vệ độc lập, chủ quyền và phát triển kinh tế - xã hội, duy trì hòa bình an ninh trong khu vực và hội nhập thành công. Trong điều kiện phức tạp của những mối quan hệ quốc tế và sự chằng chéo về lợi ích đan xen giữa các quốc gia, các nước Đông Nam Á, mà hầu hết là các nước thành viên ASEAN phải tiếp tục điều chỉnh chính sách đối ngoại một cách chủ động, khôn khéo và mềm dẻo. Trước hết, việc tăng cường quan hệ với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc, nhằm mở rộng hợp tác, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, mặt khác duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống vốn có là bước đi đầu tiên và cần thiết nhất đối với mỗi nước ở Đông Nam Á. 40
  8. Trần Xuân Hiệp Đối với Indonesia, tăng cường quan hệ với Trung Quốc là một phương cách để nước này cân bằng ảnh hưởng của Mỹ và phương Tây, hạn chế việc các lực lượng nước ngoài làm xói mòn chủ quyền Indonesia [1, tr.35]. Vai trò quan trọng của Hoa kiều – lực lượng nắm giữ lượng lớn ngoại tệ và huyết mạch nền kinh tế tại Indonesia đã buộc nước này phải lựa chọn việc thiết lập và tăng cường mở rộng quan hệ với Trung Quốc là một trong những chính sách ngoại giao hàng đầu. Đối với Thái Lan, thực hiện chính sách tăng cường quan hệ với Trung Quốc là nhằm tìm kiếm một lực lượng mới nổi làm chỗ dựa an ninh mới cho đất nước trong thời kỳ mới. Thái Lan xác định Trung Quốc là một thế lực đang lên tại Đông Á và là chỗ dựa cần thiết để phát triển kinh tế, đồng thời khiến cho Mỹ phải chú ý nhiều hơn đến Thái Lan như một quốc gia có tầm quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á. Riêng với Philipines, tăng cường quan hệ với Trung Quốc sẽ phục vụ không chỉ cho những lợi ích của cả hai bên mà còn góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Malaysia chủ trương cùng làm việc với Trung Quốc theo một cách thức có thể bổ sung cho nhau, trong các lĩnh vực khác nhau và cùng có lợi cho đất nước và nhân dân hai nước [9]. Với Singapore, coi quan hệ với Trung Quốc là “rất tích cực”, “rất chặt chẽ”, và “đã cân bằng”. Mối quan hệ này đã phát triển trên nhiều bình diện khác nhau ở cấp độ lãnh đạo chính trị, cấp độ doanh nghiệp, cấp độ nhân dân với nhân dân và giữa thanh niên với nhau [8]. Với bốn nước còn lại gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, việc tăng cường hợp tác và mở rộng quan hệ với Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong đường lối ngoại giao của các nước này. Điều đó không chỉ đem lại lợi ích thiết thân cho mỗi quốc gia, dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tạo lập một môi trường hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, góp phần duy trì sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng chung cho cả khu vực và cho các bên có liên quan. 3. Kết luận Trước sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc, Đông Nam Á mà chủ thể của nó là ASEAN đã thực sự trở thành một đối tác quan trọng của Trung Quốc, nếu không nói đây là một trong những mối quan hệ hàng đầu của khu vực Đông Á, là một trong những cặp quan hệ có tính quyết định đối với sự phát triển chung của khu vực. Có thể khẳng định, trong bối cảnh quốc tế phức tạp với nhiều lợi ích và nguy cơ đan xen lẫn nhau, các quốc gia Đông Nam Á đã lựa chọn cho mình đối sách phù hợp nhằm tận dụng những cơ hội cũng như hạn chế tối đa những thách thức trước sự biến đổi nhanh chóng của thế giới. Với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN đã chủ trương thiết lập quan hệ cân bằng với tất cả các nước lớn, nhằm tạo ra sự cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc này tại khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của ASEAN nói chung và của mỗi nước thành viên nói riêng là không để bất kỳ một cường quốc nào, kể cả Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản có thể độc chiếm Đông Nam Á, biến Đông Nam Á thành sân sau của chính mình. Hơn nữa, ASEAN cũng tìm kiếm mọi phương cách để thúc đẩy 41
  9. SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA nhanh chóng quá trình liên kết khu vực, mở rộng hợp tác ra bên ngoài, nâng cao vị thế và chủ động đóng vai trò lãnh đạo trong các tổ chức do chính họ lập ra và chèo lái những tổ chức này theo hướng có lợi cho Đông Nam Á. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Kompas. October 26, 1999. [2]. ASEAN kết hợp nội ngoại lực để phát triển. ket-hop-noi-ngoai-luc-de-phat-trien/10920942/87/ [3]. Dana R. Dillon và John J. Tkacik, Jr., “China and ASEAN: Endanggered Amer- ican Primacy in Southeast Asia,” Backgrounder, ngày 19 tháng 10 năm 2005, trang 1-6. The Heritage Foundation, Washington DC. research/asiaanthepaccific/bj%201886 [4]. Giấc mộng “Trùm Sò FDI” của Trung Quốc. chau-a/giac-mong-trum-so-fdi-cua-trung-quoc.nd5-dt.127361.102.104.html [5]. ASEAN’s Strategy towards its dialogue Partners and ASEAN Plus Three pro- cess. By S.Pushpanathan, Head of External relations, ASEAN Secretariat. [6]. Need for a Balancer on East Asia’s Way to World Eminence ansec.org/3009/htm [7]. Tạp chí cộng sản, Những nét mới trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. ngoai-cua-trung-quoc-ky-1/20112/127847.datviet [8]. “Singapore – China Relations Close, Positive, Balanced: Singapor Presiden”. [9]. Speech by Honourable Dato’ Seri Abdullah Bin Haji Ahmad Badawi Prime Minister of Malaysia at the official lunchelon in honour of his excellency Wen Jiabao, Premier of the State Council the people’s Republic of China 15 De- cember 2005. id=1194&speech_cat=2 [10]. Speech by Prime Minister Lee Hsien Loong at the ASEAN Day Lecture, Sin- gapore, 7 August 2007. [11]. Trung Quốc bị cô lập về chính trị, ngoại giao. ules.php?name=News&file=article&sid=230949 [12]. Xin Hua, Hợp tác trong các lĩnh vực giữa Trung Quốc –ASEAN phát triển nhanh chóng. [13]. H.Xuân, Dự trữ ngoại tệ Trung Quốc tăng lên 3.305 tỷ USD. ogr.vn/thegio/2012/4/286068. 42
  10. Trần Xuân Hiệp Title: THE CHINA’S BOOM AND THE SOUTHEAST ASIAN NATIONS’ GIVEN ISSUES IN THE CURRENT SETTING TRAN XUAN HIEP Duy Tan University Abstract: The China’s boom in the early years of the twenty- first century is regarded as a prominent event, attracting the attention of countries in the region and the world. For Southeast Asia, the explosion of China has a direct impact to the region in general and each country in particular: from the positive influence to the negative impact. Within the scope of the article, the author mainly focuses on analyzing the fundamental issues surrounding the China’s boom: one of the major effects of this problem on Southeast Asia and the principal respect of ASEAN with the more and more growing development of China. Keywords: The China’s boom, Southeast Asia, the region. 43