Nhân tố Bồ Đào Nha trong thương mại biển của các quốc gia Đông Nam Á (thế kỷ XVI – thế Kỷ XVII)

pdf 11 trang Đức Chiến 04/01/2024 2060
Bạn đang xem tài liệu "Nhân tố Bồ Đào Nha trong thương mại biển của các quốc gia Đông Nam Á (thế kỷ XVI – thế Kỷ XVII)", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên

Tài liệu đính kèm:

  • pdfnhan_to_bo_dao_nha_trong_thuong_mai_bien_cua_cac_quoc_gia_do.pdf

Nội dung text: Nhân tố Bồ Đào Nha trong thương mại biển của các quốc gia Đông Nam Á (thế kỷ XVI – thế Kỷ XVII)

  1. NHÂN TỐ BỒ ĐÀO NHA TRONG THƯƠNG MẠI BIỂN CỦA CÁC QUỐC GIA ĐÔNG NAM Á (THẾ KỶ XVI – THẾ KỶ XVII) Nguyễn Thị Vĩnh Linh1 Tóm tắt: Là một trong những thế lực phương Tây đầu tiên đến Đông Nam Á, Bồ Đào Nha đã xác lập ảnh hưởng của mình trong khu vực bằng nhiều cách thức khác nhau. Trong phạm vi bài nghiên cứu của mình, chúng tôi bước đầu hệ thống hóa quá trình bành trướng quyền lực của Bồ Đào Nha ở Đông Nam Á từ sự kiện xâm chiếm Goa (1510). Trên cơ sở đó, phân tích tác động của quá trình này đến thương mại biển của khu vực trong thế kỷ XVI và thế kỷ XVII trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực. Từ khóa: Bồ Đào Nha, Đông Nam Á, thương mại biển. 1. Mở đầu Từ khi Vasco da Gama khai mở thành công tuyến đường hàng hải mới đến Ấn Độ, Bồ Đào Nha nhanh chóng bành trướng quyền lực trên toàn Ấn Độ dương. Cho đến đầu thế kỷ XVI, họ đã xác lập được 2 thương điếm có vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng (Diu và Goa), bước đầu hiện thực hóa mục tiêu độc chiếm việc phân phối hương liệu sang châu Âu. Với sức mạnh hải quân vượt trội, Bồ Đào Nha mở rộng quyền lực đến Đông Nam Á, khu vực đóng vai trò quan trọng trong kết nối giao thương giữa Ấn Độ và Viễn Đông. 2. Nội dung 2.1 . Bồ Đào Nha thiết lập quyền lực tại Đông Nam Á Sau khi chiếm Goa (1510), Bồ Đào Nha đã phóng tầm mắt đến Đông Nam Á - một trong những khu vực có mối quan hệ thương mại thường xuyên với Ấn Độ. Với chiến lược: “để giành được ưu thế về thương mại ở Ấn Độ Dương thì điều nhất thiết là phải chiếm và kiểm soát được các vị trí chiến lược chủ yếu và thúc đẩy hoạt động buôn bán có thể cung cấp thu nhập đủ để duy trì sức mạnh không gì cưỡng lại được” [1; 277], Afonso de Albuquerque (1453 – 1515) quyết định xâm chiếm Malacca (lúc này đang nằm dưới quyền thống trị của Sultan Mohamed). Dựa vào ưu thế của lực lượng hải quân và chiến lược quân sự nhạy bén, đội quân viễn chinh Bồ Đào Nha đã 1 . TS, Khoa Văn hóa-Du lịch, trường Đại học Quảng Nam 1
  2. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh đánh chiếm thành công Malacca vào năm 1511 như B. W. Diffie and G. D. Winius trong cuốn “Foundations of the Portuguese Empire 1415-1580” ca ngợi: “Việc chiếm đóng một thành phố thương mại lớn nhất của châu Á với lực lượng gần 900 người Bồ Đào Nha và 200 binh lính người Ấn Độ như là một sự kiện trong lịch sử các cuộc viễn chinh của người châu Âu và có thể sánh với việc xâm chiếm Tenochtitlan của Hernando Cortés” [7; 256]. Cũng như nhiều cứ điểm ven biển Ấn Độ dương, Albuquerque lập tức cho xây dựng pháo đài A Famosa do Ruy de Brito Patalim làm tổng chỉ huy, thực thi chế độ độc quyền thương mại trên tuyến hàng hải từ Malacca đến Ấn Độ. Thế nhưng, quân đội Bồ Đào Nha luôn vấp phải sự phản kháng mãnh liệt của Sultan Mohamed từ căn cứ Johore trong những năm 1517, 1520, 1521 vào 1525. Năm 1526, người Bồ Đào Nha mở thương điếm ở vương quốc Brunei và đem quân tấn công phá hủy thủ đô Johore trên đảo Bintan. Người Johore phải xây dựng thủ đô mới ở Batu Sawar. Cuối cùng vào năm 1583, hiệp ước hoà bình được ký kết tạo điều kiện cho việc xây dựng trường học, bệnh viện và thiết lập “Camara” - Hội đồng thành phố. Từ bán đảo Malay, Bồ Đào Nha bành trướng quyền lực đến duyên hải Indonesia với điểm trọng tâm là quần đảo hương hiệu (Spice Island). Cuộc thám hiểm đầu tiên của Bồ Đào Nha dưới sự chỉ huy của Antonio de Abreu đến Moluccas. Mất hai trong số ba chiếc tàu nên ông không thể đến Ternate và Tidore. Một cách ngẫu nhiên, do va phải tảng đá ngầm ở ngoài khơi đảo Lucopin (Nusa Penju) Francisco Serrao và những thành viên khác trong đội tàu đã tìm ra Ambon và sau đó là Ternate. Tại đây tiểu vương ban tước hiệu quý tộc và cho phép Serrao được hưởng mọi đặc quyền hoàng gia. Trong khi quyền lực của Bồ Đào Nha ngày càng được mở rộng trên khắp quần đảo Hương liệu thì Tây Ban Nha cũng không từ bỏ tham vọng của mình sau chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới của Ferdinand Magellan (1480-1521). Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của Bồ Đào Nha. Vậy là hai bên phải ngồi vào bàn đàm phán. Hiệp ước Saragossa được ký giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 1529 vạch một đường ở 17 độ Đông Molucca làm tranh giới phân chia giữa các khu vực lợi ích của hai nước. Thế là Bồ Đào Nha tạm thời yên tâm để thực hiện công cuộc chinh phục của mình. Dựa trên mối quan hệ hữu hảo với Hồi vương, tháng 5 năm 1522, Antonio de Brito đã tiến hành xây dựng pháo đài Sao Joao Baptista de Ternate ngay sau khi ông trở về từ quần đảo Banda (2/1522). Vào 25/10/1536, thống đốc Bồ Đào Nha Antonio Galvao thiết lập khu định cư của người Bồ Đào Nha tại Ternate, cùng với một ngôi trường, một bệnh viện và một vòng thành bằng đá quanh thị trấn này. Cùng với việc lấy Malacca làm trung tâm, đến khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha đã xây dựng hệ thống các hải cảng xuyên suốt, trong đó Sumbawa, Gresik, và Panarukan là quan trọng nhất. Cách thức của họ, ban đầu là hoạt động thương mại của nhà vua, dần dần được tư nhân hóa, như chúng ta đã thấy những trường hợp tại châu Á hay xuyên Á - Âu vào thế kỷ XVI. 2
  3. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh Một trong những địch thủ đáng gờm nhất của Bồ Đào Nha là Aceh - một trong những tiếu quốc Hồi giáo đang trong thời kỳ hưng thịnh. Với vị trí địa lý đắc địa, Aceh đã nhận gạo và thực phẩm từ những hải cảng ở Bengal, Orissa, và phía nam Coromandel, và thậm chí của cả tư thương Bồ Đào Nha từ những hải cảng như Nagapattinam cũng thu hút vào hoạt động thương mại này. Với sự thiết lập Roteiro das cousas do achem vào năm 1588, Bồ Đào Nha chính thức nắm quyền quản lý hoạt động thương mại của thương điếm này. Cách thức chủ yếu mà Bồ Đào Nha sử dụng để thiết lập quyền lực của mình tại Đông Nam Á là sự kết hợp không tách rời giữa sức mạnh hải quân và sức mạnh tôn giáo. Sự phối hợp giữa hoạt động quân sự và hoạt động truyền giáo càng được thể hiện rõ tại một số tiểu quốc trong quần đảo hương liệu khi người Bồ Đào Nha do thiếu nhân lực không thể xâm chiếm hoàn toàn mà chỉ có thể thiết lập các trạm thương mại tạm thời và dựa vào những linh mục Thiên Chúa giáo để nắm lấy những vị trí cần thiết mà thôi. Ví dụ như tại Solor, Flores, Ende Minor, từ năm 1520, người Bồ Đào Nha đến đây chủ yếu để thu mua gỗ đàn hương và thiết lập kho chứa hàng tạm thời. Họ không xây dựng những trạm buôn bán thường trực, nông trại hay các pháo đài, mãi đến năm 1561, khi những giáo sĩ dòng Đa minh (Dominicians) theo lệnh của Antonio da Cruz anh tiến hành truyền bá Thiên Chúa giáo lên những quốc đảo này. Để bảo vệ cho công cuộc truyền đạo, những giáo sĩ đã tiến hành xây dựng một pháo đài vào năm 1600 gồm một phòng ngủ, một phòng học chứa được 50 người và nhà thờ Nossa Senhora da Piedade. Trên đảo Ende Minor, các linh mục cũng thiết lập pháo đài (1595) và nhà thờ São Domingos. Do sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động truyền bá đạo Thiên Chúa nên dòng Đa Minh, từ năm 1613 đã dời trụ sở của họ đến Larantuka (Flores). Đây là trung tâm của người Bồ trên đảo Lesser Sunda cho đến năm 1662, khi trụ sở của họ chuyển đến Lifau (ngày nay là Ocussi ở Timor). Cùng với Lifau, trên đảo Timor, người Bồ Đào Nha lần lượt xây dựng những pháo đài: Kupang (1646), Manatuto, Dilly (Dili) (1668) Thương nhân Bồ Đào Nha thường lui tới Makasar một cách không thường xuyên vào thế kỷ XVI và trong suốt thế kỷ XVII, người Bồ Đào Nha sử dụng Makasar như một trung tâm thương mại giao dịch lụa, hàng dệt, đinh hương, đàn hương, kim cương. Vào những năm 1620, thường xuyên có khoảng 500 thương nhân Bồ Đào Nha ở pháo đài Makasar. Mối quan hệ thân thiện giữa Makasar và Bồ Đào Nha ngày càng trở nên thắm thiết bởi khuyng hướng chung muốn ngăn chặn quyền lực của Hà Lan tại Moluccas và đảo Sunda. Các thương thuyền của Bồ Đào Nha qua lại tấp nập trên con đường biển từ châu Âu đến Viễn Đông. Nhận thấy tầm quan trọng chiến lược của Malacca, Bồ Đào Nha quyết định thiết lập quan hệ hòa bình với những quốc gia láng giềng trong đó có Siam - vương quốc có mối quan hệ và ảnh hưởng nhất định đến Malacca trước khi Bồ Đào Nha xuất hiện. Từ Goa, Phó vương Bồ Đào Nha cùng với Duerter Fesnaldes đã đến 3
  4. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh Siam. Sau một thời gian gián đoạn đến năm 1511, sứ thần đầu tiên của người Bồ đã có mặt tại Ayuthaya và thiết lập những giao dịch đầu tiên. Một điểm cần chú ý trong chính sách của Bồ Đào Nha với Siam và các quốc gia trên bán đảo Đông Dương là duy trì mối quan hệ hòa bình, hữu nghị với việc xin phép lập các thương điếm buôn bán. Điều này khác hẳn với chính sách sử dụng thương thuyền và pháo hạm chiếm đóng như tại quần đảo hương liệu hay ở Malacca. Đối với Siam, họ đã có một đường lối ngoại giao nhạy bén, cho phép các giáo sĩ Bồ tự do truyền đạo thông qua việc dựng một cây thánh giá trên đồi cao tại thủ đô Ayuthaya và ký kết các hiệp ước buôn bán. Theo cách đó, thương nhân Bồ Đào Nha được phép buôn bán ở kinh đô Ayuthaya, Mergui và Tenarserim ở vịnh Bengal, ở Patani và Nakon Srit Ammarat trên bờ biển phía Tây của bán đảo Malay. Các thương nhân Ayuthaya và Patani đều buôn bán thường xuyên với Trung Quốc nên thương mại của Bồ Đào Nha ở hai nơi đó đều làm ăn phát đạt. Các hải cảng ở Siam cũng đồng thời là nơi trú ẩn thường xuyên của tàu bè Bồ Đào Nha đi Trung Quốc trong điều kiện thời tiết khó khăn. Bồ Đào Nha đã đặt lãnh sự quán đầu tiên tại Siam và thiết lập khu định cư tại vùng đất phía tây bờ sông Chaophraya. Trên bán đảo Đông Dương, Cửa Hàn là thương cảng đầu tiên mà người Bồ Đào Nha đặt chân đến. Năm 1523, người Bồ Đào Nha đầu tiên đi đến vùng đất “Cauchinchynam” (tức Đàng Trong) là nhà hàng hải Duarte Coelho, tàu ông đi qua Cửa Hàn và ghé vào Cù Lao Chàm. Phát hiện này đã đưa các thương phân Bồ Đào Nha đến Hội An và Đà Nẵng buôn bán từ năm 1557. Họ gọi Cửa Hàn là Tu rão hoặc Tu ram. Với tư duy thông thoáng, mở cửa giao thương với nước ngoài của chúa Nguyễn mà cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, thuyền buôn, ở phương Tây, Đông Nam Á và Viễn Đông đến Cửa Hàn và cảng thị Hội An buôn bán càng đông. Về vấn đề này, giáo sĩ người Ý Cristoforo Borri đã viết trong nhật ký năm 1631 rằng: “Chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa đối với tất cả những người ngoại quốc. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ hãi một quốc gia nào trên thế giới ” [10]. Cùng với hoạt động thương mại, giáo đoàn Dòng Tên (gồm các giáo sĩ : Francisco Buzomi, Diego Carvalho, Manuel Fernandez và thầy giảng Bồ Đào Nha Antonio Dias) cập bến Cửa Hàn ngày 15/01/1615. Dưới sự cho phép của chúa Nguyễn, thương thân Bồ Đào Nha xây dựng một khu phố trên Đất Hàn với nhiều nhà ở, kho hàng, hiệu buôn thông qua mạng lưới “mại biện” để thu mua hàng hóa. Khi tàu Bồ Đào Nha chở hàng đến Hội An (thường là diêm tiêu, lưu huỳnh, dạ nỉ và súng đạn ) và sau khi bán xong hàng thì chất hàng mới mua xuống tàu (tơ lụa, gốm sư, trầm hương, ngà voi, đường, yến sào ) chở về Cửa Hàn nhập kho hoặc chở thẳng về Goa (thuộc địa ở Ấn Độ) hay về nước. Đặc biệt, “người Bồ giúp chúa Nguyễn mở xưởng đúc súng ở Thuận Hóa (phục vụ cho nhu cầu của cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn) khiến họ được trọng vọng trong buôn bán bảo vệ được các nhà truyền đạo Mặt khác, các chúa Nguyễn vẫn tỏ ra thích người Bồ đến buôn bán lạ lùng. Và đã mấy lần ngài cho họ ba hay bốn địa điểm ở nơi phì nhiêu 4
  5. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh nhất và phong phú nhất trong vùng để họ xây cất một thành phố với tất cả những gì cần thiết cũng như người Tàu và người Nhật đã làm ở Hội An” [5; 99]. Tận dụng những thuận lợi có được, người Bồ tìm mọi cách tranh cướp thị trường với các thương nhân khác và mở rộng ảnh hưởng ra những vương quốc còn lại trên bán đảo Đông Dương Từ năm 1540, một sứ giả Bồ Đào Nha tên là Mendez Pinto đã ghé qua Côn Đảo để đi Nam Kỳ, rồi sau đó ngược sông tới Campuchia. Các vua Khơme trong thời kỳ này luôn lo lắng trước hoạ xâm lăng của phong kiến Xiêm (Siam), nhưng chưa thấy ý đồ đen tối của thực dân châu Âu nên đã có ý định nhờ họ giúp đỡ về quân sự để chống lại sự uy hiếp của Xiêm. Vua Satha (1567 - 1594) đã trọng dụng một số người Bồ Đào Nha có mặt tại đây để mong thiết lập quan hệ hữu hảo với vua Bồ. Tuy nhiên, lúc này những hoạt động của các chính khách Bồ tỏ ra yếu thế trước chính sách khôn ngoan cuả Tây Ban Nha nên dần dần Campuchia bị biến thành vương quốc chịu ảnh hưởng chính của Tây Ban Nha. Vậy là bằng các cách khác nhau trong thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha đã lần lượt xác lập quyền lực của mình ở Đông Nam Á. Đây được xem là giai đoạn phát triển thịnh đạt của đế chế Bồ Đào Nha ở phương Đông. 2.2. Tác động của Bồ Đào Nha đến thương mại biển Đông Nam Á Là thế lực thương mại châu Âu đầu tiên đến Đông Nam Á, Bồ Đào Nha đã có những tác động khá sâu sắc đến hoạt động giao thương của khu vực này. Thứ nhất, với đặc điểm của một đế quốc mậu dịch hàng hải ven biển đầu tiên trong lịch sử, sự xuất hiện của Bồ Đào Nha đã thúc đẩy hoạt động giao thương biển của Đông Nam Á trở nên sầm uất, sôi động và nhộn nhịp với phạm vi mở rộng hơn trước đây nhiều lần (trong đó Malacca là một ví dụ điển hình). Nếu nhìn nhận một cách khách quan, trước khi thế lực phương Tây đầu tiên đến Đông Nam Á thì Malacca đã đóng một vai trò quan trọng trong giao thương hàng hải ở châu Á. Cảng Malacca là vị trí tất yếu phải qua của “con đường hương liệu trên biển”, những thương nhân buôn hương liệu lợi dụng gió Tây Nam vượt qua Ấn Độ Dương đi thẳng đến bán đảo Hương Liệu sau đó chờ khi gió Đông Bắc sẽ quay về. Sự giàu có của Malacca làm cho quân đội viễn chinh choáng ngợp, theo giáo sư Lương Ninh: “Malacca được xem là nơi duy nhất trên thế giới mà người ta có thể mua rất dễ dàng hàng hóa Trung Quốc (đồ sứ, tơ lụa, gương Tàu), Ấn Độ (ngọc trai, vải bông mịn). Giava và Xumatơra (thóc, lúa, hành, tỏi, vàng, hồ tiêu, trâu, bò, vũ khí), Tây Á và châu Âu (hàng len) cùng các sản phẩm địa phương Đông Nam Á lục địa ” [4; 229]. Cho nên, đối với Bồ Đào Nha Malacca có vị trí cực kỳ lợi hại để họ thực hiện chiến lược toàn diện của mình: “Các con tàu của những người Hồi giáo vẫn còn có thể thu mua các sản phẩm của Bengal, Miến Điện, Sumatra, quần đảo Spice, Xiêm, Trung Quốc tại trung tâm thương mại lớn ở Malacca. Albuquerque dự định ngăn chặn việc buôn bán này bằng cách, chiếm biển 5
  6. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh Đỏ, đồng thời tấn công vào đại bản doanh của nền thương mại đó. Hơn nữa Malacca nằm dưới sự lãnh đạo của vua Hồi giáo, ông ta chiếm Malacca để nhằm thực hiện nhiệm vụ mà sắc lệnh của Alexandre IV đã giao phó cho ông.” [1; 378, 379]. Và ngay sau khi chiếm đóng thành công Malacca, Bồ Đào Nha đã lợi dụng vị thế chiến lược nơi đây để biến thương điếm này trở thành một trong ba chiếc chìa khóa bằng vàng trên tuyến thương mại nội Á và xuyên Á như một miêu tả của người đương thời: “Nơi đây buôn bán qua lại tấp nập, vào cuối thế kỷ XVI ở Malacca tàu thuyền đậu san sát, bốn mùa đông đúc nhân dân không chỉ bán hàng mà còn có nhiều nơi ăn chơi giải trí. Những người buôn bán ở Malacca đều có gốc tích từ nhiều quốc gia trên thế giới. Sự giàu có của Malacca đã được Tompies, người đã đến Malacca với tư cách kế toán cho cơ quan thương mại Bồ Đào Nha nhận xét: “Người ta không kể đánh giá hết giá trị của Malacca qua tầm vóc và lợi nhuận của nó”. [2; 31] Bên cạnh đó, do đóng vai trò kết nối giao thương và cung cấp những mặt hàng quan trọng cho các thương điếm của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ nên quan hệ thương mại của thương nhân Đông Nam Á cũng được mở rộng. Ví dụ như với Pulicat: Quan hệ buôn bán với Pulicat cơ bản dựa trên hai nhánh chính. Đầu tiên, các thương thuyền đến những hải cảng thuộc lãnh thổ Myanmar hiện nay nhưng chia làm hai cấp độ: nếu tại Martaban và Cosmin (tiếng Miến Điện gọi là Pathein) buôn bán diễn ra rất sôi động và khối lượng hàng hóa trao đổi khá lớn thì tại Mergui, Pegu, Miến Điện khối lượng hàng hóa trao đổi là không đáng kể. Nhánh thứ hai đến Malacca và các hải cảng xa hơn về phía đông của quần đảo Indonesia. Mặt hàng xuất khẩu chính từ Pulicat gồm: tơ lụa, được sản xuất trên duyên hải Coromandel và chỉ đỏ từ châu thổ Krishna. Hàng hóa nhập khẩu đến Coromandel bao gồm những mặt hàng như: vàng, rubi, gỗ xây dựng, thiếc, ngà voi và đồng. Vào năm 1516, Antonio Dinis, người quản lý Bồ Đào Nha tại Martaban, đã báo cáo lại rằng trung bình 4 hoặc 5 tàu đến buôn bán hàng năm giữa Cosmin và Coromandel. Việc buôn bán với Malacca cũng được tổ chức xuyên suốt với một tàu lớn và 5 tàu nhỏ hơn/năm. Bên cạnh trung tâm chính là Malacca, các thương nhân từ Pulicat cũng có những chuyến tàu thường niên đến Pidie ở phía Bắc Sumatra, cũng như đi lại từ Pasai đến Coromandel. Mặt hàng chính mà các thương nhân tại Pulicat thu mua gồm hương liệu của người Indonesia; gỗ, tơ lụa Trung Quốc; vàng và kim loại thường như thiếc, đồng, thủy ngân và thần sa. Thêm vào đó, họ cũng đến giao thương cùng với các hải cảng phía bắc của Bengal, Sri Lanka, những hải cảng khác ở phía nam và các hải cảng vùng duyên hải Malabar. Như vậy, một tuyến thương mại rộng lớn và thông suốt được hình thành, phát triển cực kỳ hưng thịnh từ vịnh Bengal thông qua Malacca, đến Sri Lanka, Maldives, Malabar, và cuối cùng đến Gujarat, Biển Đỏ và vịnh Ba Tư. Trong đó, việc buôn bán với Malacca vẫn chiếm địa vị thống trị. Điều này đã nói lên phần nào sự phát triển vượt bậc của giao thương Đông Nam Á trong mạng lưới thương mại Bồ Đào Nha trong suốt thế kỷ XVI. 6
  7. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh Thứ hai, với tuyến thương mại biển được xây dựng dựa trên hệ thống thương điếm phân bố dọc duyên hải, giao thương biển của Đông Nam Á đã được tạo cơ hội lớn để hội nhập với mạng lưới thương mại biển trên toàn thế giới. Chúng ta biết rằng đến khoảng thế kỷ IX, một mạng lưới thương mại biển tinh vi và rộng lớn đã hình thành ở châu Á. Mạng lưới này liên kết các hải cảng ở phía Tây Ấn Độ Dương đến vịnh Bengal và thông qua eo Malacca đến Biển Đông. Sự kết nối giữa Trung Đông, Đông Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á và Trung Quốc góp phần tạo nên một khu vực thương mại đầy sôi động. Khi Bồ Đào Nha đến đây, mạng lưới này đã được mở rộng về phạm vi không gian cũng như đa dạng hóa mối quan hệ kinh doanh hàng hóa. Đến khoảng nửa đầu thế kỷ XVI, Bồ Đào Nha đã xây dựng được hai hệ thống thương điếm lồng vào nhau: một cho thương mại nội Á và một cho giao thương Á – Âu. Chính sự vận hành của mạng lưới thương điếm này đã tạo điều kiện thúc đẩy sự hội nhập của thương mại biển Đông Nam Á vào giao thương quốc tế. Đi sâu phân tích, chúng ta thấy rằng: trong giai đoạn đầu, gia vị của Đông Nam Á được xác định là một trong những nhóm mặt hàng chủ lực để đổi lấy vàng tại Đông Phi. Với chức năng trên, các thương điếm tại Đông Nam Á chỉ đơn thuần là các đại lý thương mại thu mua những mặt hàng cần thiết vì lúc này vàng mới là mục tiêu chủ yếu của nhà nước thuộc địa Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, khi tuyến thương mại Cape được dựng nên vào đầu thế kỷ XVI theo một lộ trình cố định từ các địa lý thương mại ven biển về Lisbon, thì Đông Nam Á càng đóng vai trò quan trọng và hội nhập ngày càng sâu vào mạng lưới thương mại quốc tế (các đảo thuộc Malaysia và Indonesia hiện nay cung ứng hạt tiêu; gia vị, đinh hương thì đến từ Moluccar). Lúc bấy giờ trước khi lộ trình Cape được mở ra, những hàng hoá quan trọng nhất là tiêu, tiếp theo là gia vị đến châu Âu bằng đường bộ và đường biển với nhiều khó khăn, những cảng biển như Malacca và Calicut làm nhiệm vụ trung chuyển trước khi được đưa đến Hurmuz và Aden. Tại đây, các thương nhân thuê nhóm người vượt sa mạc đến cảng miền Đông Địa Trung Hải. Vì thế, các hải cảng Đông Nam Á đã trở thành những trạm trung chuyển, phân phối, thu mua hàng hóa (đặc biệt là hương liệu) mang tính toàn cầu. Đặc biệt, với mong muốn nắm độc quyền tuyển thương mại từ Ấn Độ đến Viễn Đông, A.Albuquerque thể hiện tham vọng muốn nhận được sự hợp tác của “Cộng đồng mậu dịch thị xã”. Đó là thương nhân người Tamils hay Kelings1, có vị trí cao trong mậu dịch ở vịnh Bengal và Đông Malacca. Thông qua Kelings, A.Albuquerque và vài đại diện của ông ở Malacca đã tìm các liên lạc với những bộ phận khác của vịnh ở miền duyên hải Bengal, miền Nam Á và phía Đông xa xôi. Vào giữa năm 1511 và 1515 (năm A.Albuquerque chết) hàng loạt những dự án kinh doanh trên biển được tổ chức trên nền tảng hợp tác giữa quốc vương Bồ Đào Nha và thương nhân Keiling. Nhiều tàu đã cập bến Martaban của Miến Điện, Pulicat ở Đông Nam Ấn Độ và Molucca và rồi đến 1518 chúng được thay thế bởi sự kiểm soát hoàn toàn của Bồ Đào Nha đối với khu vực này. Từ việc kinh doanh này, thường xuyên 1 . Là từ được những người Indonesia và Malaysia bản địa sử dụng để ám chỉ những người có nguồn gốc từ Ấn Độ đang sinh sống trên các đảo thuộc quần đảo Indonesia và Malay. 7
  8. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh xuất hiện hệ thống Carreiras (được gọi là những lộ trình thương mại thuộc quốc vương) giữa những cảng được chỉ định tại châu Á như Pulicát và Malacca hay Malacca và Chittagong (Bengal). Càng ngày hệ thống Carreiras càng đóng vai trò quan trọng trong việc mậu dịch thương mại và ngoại giao giữa Bồ và các vùng đất khác tại châu Á. Từ phía Đông cảng Cape Comorin, những “Carreiras” đầu tiên xuất hiện từ bờ biển phía Tây Ấn Độ đến đảo Banda ở Moluccas xuyên qua Malacca đến Coromandel (là Pulicat) và đến Pegu thuộc Miến Điện. Rồi tiếp đó theo sau lộ trình này được kéo dài đến Bengal và đến một cảng chủ tại bán đảo Malay. Những thuyền trưởng này cùng thời cũng được yêu cầu đóng vai trò của những nhà ngoại giao và những nhà đại sứ thiết lập mối quan hệ giữa Goa với các Carreiras đã dự định sẵn. Những Carreiras và những đại sứ của nó đảm bảo việc giao thương và thống trị của Bồ tại các vùng đất ở châu Á. Chính điều đó đã khiến các hải cảng tại Đông Nam Á cũng như những mặt hàng từ khu vực này tham gia một cách tích cực vào mạng lưới giao thương trên. Tuy nhiên, với chiến lược thương mại độc quyền, Bồ Đào Nha cũng gây ra những tác động tiêu cực đến toàn cảnh bức tranh thương mại biển tại Đông Nam Á. Khi Bồ Đào Nha đến miền duyên hải Indonesia thì ở đây đang diễn ra cảnh buôn bán tấp nập giữa cư dân địa phương với những thương nhân đến từ các vùng khác nhau ở châu Á. Sử dụng sức mạnh quân sự, Bồ Đào Nha đã nhanh chóng chiếm đóng các hải cảng nằm trên con đường mua bán, vận chuyển hương liệu. Thế là khung cảnh yên bình trước đây được thay bằng những cuộc tranh chấp đầy mâu thuẫn, căng thẳng và đổ máu. Một nền thương mại tự do trước đây được thay bằng sự kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống califa hay còn gọi là hệ thống lữ hành hoặc việc áp dụng cartaz1. Không những thế, là thị trường nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc, đôi khi vai trò của các cảng thị tại Đông Nam Á không được phát huy đầy đủ. Estado da India chỉ xem các hải cảng ở khu vực này đơn thuần là trạm trung chuyển hàng hóa giữa hai khu vực quan trọng hơn là Ấn Độ và Trung Quốc. Vì thế, ở một mức độ nhất định, chúng không được tạo điều kiện để phát huy hết công năng sử dụng và ưu thế của mình. Bên cạnh đó, do chỉ tập trung vào một số thương điếm nhất định, nên một vài hải cảng không nằm trong chiến lược của người Bồ Đào Nha rơi vào tình trạng suy tàn, kém phát triển hơn trước. Do đó, nhân tố Bồ Đào Nha không dẫn đến sự phát triển đồng đều của thương mại biển trên toàn khu vực. Sự đối đầu giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng dẫn đến một đặc điểm hết sức thú vị là trên cùng một khu vực nhưng một số cảng thị của Đông Nam Á hầu như không buôn bán với nhau hoặc thuộc hai mạng lưới thương mại hoàn toàn không giống nhau. Điển hình là trường hợp giữa Manila (thuộc quyền quản lý của Tây Ban Nha) và Malacca (thuộc Estado da India Bồ Đào Nha). 1 . Đây là hình thức cấp phép trong thương mại đường biển được thực hiện bởi người Bồ Đào Nha từ đầu thế kỷ XVI đến nửa cuối thế kỷ XVIII. Theo đó, các tàu muốn đến buôn bán với các vùng đất dưới sự kiểm soát của người Bồ Đào Nha phải được sự cho phép của Estado và phải đóng thuế theo quy định nếu không sẽ bị tấn công, đánh đắm bởi lực lượng hải quân Bồ Đào Nha tại Ấn Độ dương. 8
  9. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh 3 . Kết luận Bồ Đào Nha là quốc gia phương Tây đầu tiên xác lập quan hệ với Đông Nam Á thông qua nhiều cách thức khác nhau. Đó có thể là mua chuộc những Hồi vương địa phương nhằm xây dựng một địa lý thu mua hàng hóa hoặc kiên quyết sử dụng kỹ thuật hải quân tiên tiến (đặc biệt là pháo binh) nhằm triệt hạ ngay những địch thủ chống đối, chiếm đóng đất đai và thiết lập pháo đài ven biển. Tại các khu vực khác, càng về sau thì yếu tố sử dụng bạo lực thắng thế và chi phối chiến lược của người Bồ Đào Nha. Thế nhưng, đối với Đông Nam Á, Bồ Đào Nha vẫn duy trì chiến lược ngoại giao tương đối linh hoạt mềm dẻo vì thế quan hệ giữa hai bên là khá hòa hảo. Sự xuất hiện của Bồ Đào Nha đã dẫn đến nhiều thay đổi trong giao thương đường biển của khu vực Đông Nam Á. Trên bình diện tích cực, Bồ Đào Nha đã góp phần thúc đẩy thương mại biển ở khu vực này phát triển cả về phạm vi không gian lẫn đa dạng hóa mặt hàng buôn bán. Bên cạnh đó, với sự ra đời của hệ thống Carreira (được gọi là những lộ trình thương mại thuộc quốc vương) giữa những cảng được chỉ định tại châu Á như Pulicat với Malacca hay Malacca với Chittagong (Bengal), các thương điếm tại Đông Nam Á cũng được tạo điều kiện để hội nhập mạnh mẽ hơn vào mạng lưới thương mại biển mang tính quốc tế đầu tiên của thời cận đại. Tuy nhiên, việc thực thi chế độ độc quyền thương mại hạt tiêu và sự kiểm soát chặt chẽ của Bồ Đào Nha cũng gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động giao thương nói chung tại một số cảng biển ở Đông Nam Á. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] D.G.E Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [2] Nguyễn Thị Huệ (2001), Quan hệ giữa Trung Quốc với một số quốc gia ở Đông Nam Á thời trung đại ( đề tài khoa học cấp trường), Huế [3] Lương Ninh (chủ biên, 2005), Lịch sử Đông Nam Á, NXB Giáo dục, Hà Nội. [4] Lương Ninh (1984), Lịch sử thế giới trung đại (quyển 2), NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. [5] Nguyễn Chí Trung (2005), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Trung tâm quản lý bảo tồn di tích Hội An II. Tài liệu tiếng Anh [6] Boyajian, J.C (2007), Portuguese Trade in Asia under the Habsburgs, 1580–1640. JHU Press 9
  10. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh [7] Bailey Wallys Diffie và George D. Winius (1977), Foundations of the Portuguese Empire, 1415-1580, University of Minnesota, Mineapolis [8] A.R.Disney (2009), A History of Portugal and the Portuguese Empire: From Beginnings to 1807, Cambridge University Press, London. [9] Subrahmanyam, Sanjay (1993), The Portuguese Empire in Asia 1500 – 1700, a political and economic history. Longman, London and New York [10] Nguyễn Văn Kim, Xứ Đàng Trong trong các mối quan hệ và tương tác quyền lực khu vực, cập nhật ngày 27 tháng 1 năm 2013, tng-tac-quyn-lc-khu-vcpgsts-nguyn-vn-kim Title: PORTUGAL IN THE MARITIME COMMERCE OF SOUTHEAST ASIAN NATIONS (THE XVI - XVII CENTURY) NGUYEN THI VINH LINH Quang Nam University Abstract: Being the first western power to come to Southeast Asia, Portugal had boosted its influence in the area through a lot of ways. In the scope of the research, we initially systematized the process of Portuguese powerful expansion in Southeast Asia, which is started by the event of occupation Goa (1510). On this basis, we analyze the impact of this process on the maritime commerce in Southeast Asia in the XVI – XVII century on both positive and negative sides. Keywords: Portugal, Southeast Asia, maritime commerce. 10
  11. nGuyễn thỊ Vĩnh Linh 11