Ngành du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Ngành du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- nganh_du_lich_co_vai_tro_dac_biet_quan_trong_doi_voi_su_phat.pdf
Nội dung text: Ngành du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam
- Ngành Du Lịch có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam - Trần Bình Phần I : Bối cảnh phát triển và Vị thế Kinh tế Công nghiệp không khói, tên gọi không chính thức của ngành du lịch, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo tài liệu Chỉ số Cạnh tranh Du lịch 2009 ( Travel & Tourism Competitiveness Index – TTCI 2009 ), do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ấn hành, ngành “du lịch và lữ hành hiện chiếm khoảng 9,9 GDP, 10,9 % xuất khẩu, và 9,4 đầu tư của thế giới " (1). Tầm quan trọng của ngành du lịch cũng được nhấn mạnh qua báo cáo tóm lược hoạt động du lịch của Liên Hiệp Quốc (World Tourisrm Organization -Tourism Highlights 2008: WTO-HL2008 ): “Ngày nay, nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu ( export income ) từ dịch vụ du lịch trên thế giới chỉ đứng thứ tư sau nhiên liệu, hóa chất và ngành ô tô”. Năm 2008, doanh thu du lịch trên thế giới đạt 1100 tỷ USD, hay khoảng 3 tỷ USD mỗi ngày (2). Ngành du lịch còn có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của các nước đang phát triển. Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hiệp Quốc nhận định rằng: “tại nhiều quốc gia đang phát triển, du lịch là nguồn thu nhập chính, ngành xuất khẩu hàng đầu, tạo ra nhiều công ăn việc làm và cơ hội cho sự phát triển” (WTO-HL2008). Trên Diễn đàn Du lịch Thế giới vì Hòa bình và Phát triển Bền vững họp tại Brazil năm 2006, ông Lelei Lelaulu,
- Chủ tịch Đối tác quốc tế, một tổ chức hoạt động vì mục đích phát triển nhân đạo đã phát biểu: “du lịch là phương tiện chuyển giao của cải tự nguyện lớn nhất từ các nước giàu sang các nước nghèo Khoản tiền do du khách mang lại cho các khu vực nghèo khổ trên thế giới còn lớn hơn viện trợ chính thức của các chính phủ” (3). Đối với nền kinh tế Việt Nam, nguồn ngoại tệ du lịch trong những năm gần đây lớn dần và trở nên đáng kể. Trong các tài liệu nghiên cứu kinh tế Việt Nam ấn hành đầu năm nay, Thay đổi cơ cấu: giải pháp kích thích có hiệu lực duy nhất của nhóm Harvard, hay Một năm của những tin đồn của Ayumi Konishi - Ngân hàng Phát triển Châu Á, nguồn ngoại tệ du lịch đã bắt đầu được đề cập đến như là một trong những thành phần quan trọng của cán cân thanh toán khi các tác giả phân tích về cuộc khủng hoảng tài chính Việt Nam và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Là điểm đến mới, với nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa khá phong phú, và giá cả thấp, ngành du lịch Việt Nam phát triển khá nhanh trong thập niên qua, và có tiềm năng, triển vọng tiến xa hơn. Song tương lai của ngành du lịch Việt Nam sẽ còn tùy thuộc vào hiệu quả của chính sách phát triển du lịch, việc bảo tồn, phát huy nguồn tài nguyên, nhân lực, và sự đánh giá đúng mức hiện trạng và tiềm năng. Các đánh giá dựa theo cảm quan, thiếu cơ sở nghiên cứu, dễ dẫn tới sự lạc quan thái quá. Chẳng hạn, lòng hiếu khách của dân chúng, an ninh an toàn, và chính sách du lịch thông thoáng thường được giới truyền thông trong nước mô tả như những lợi thế thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Thế nhưng theo kết quả cuộc điều tra các chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2009 của WEF thì đây chính là những mặt yếu của các ngành du lịch Việt Nam cần phải được chấn chỉnh. Từ góc độ khác, hoạt động du lịch còn thể hiện nét văn hóa và nếp sống văn minh của một xứ sở. Do đó, ngành du lịch còn là phương cách quảng bá hữu hiệu hình ảnh của một xứ sở. Song, nó cũng có thể phản tác dụng, gây phương hại đến uy tín đất nước nếu như tình trạng kinh doanh theo lối ăn sổi ở thì, nạn chèo kéo du khách, và việc quốc doanh hóa, thương mại hoá các cơ sơ tôn giáo tôn nghiêm xảy ra một cách phổ biến. Tiềm hiểu bối cảnh phát triển và vị thế của ngành du lịch trong nền kinh tế việt Nam và trong khu vực (Phần I), năng lực cạnh tranh và văn hoá du lịch
- (Phần II) là những chuyên đề sẽ được thảo luận trong bài viết. I. Bối cảnh Phát triển và Vị thế Kinh tế 1. Bối cảnh - Thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương Các dữ kiện và phân tích từ bối cảnh phát triển cho ta góc nhìn tổng quan và xu hướng phát triển của ngành du lịch trên thế giới và khu vực. Các quốc gia phát triển trên thế giới và các nước trong khu vực vừa là nguồn tiêu thụ chính yếu, vừa là đối thủ cạnh tranh và mô hình phát triển có thể đối chiếu, tham khảo. Mục đích viếng thăm và phương tiện di chuyển (WTO-HL 2008). Quảng cáo tiếp thị là một trong những khâu quan trọng của hoạt động du lịch. Hiểu rõ được động lực viếng thăm của du khách, các nhà quản lý có thể hoạch định chiến lược quảng bá và kinh doanh hữu hiệu hơn. Ví dụ, dự báo của UNWTO qua ấn bản cập nhật 1/2009 (UNWTO World Tourism Barometer: WTB-01/2009) phân tích rằng du lịch vì công việc, hội nghị sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng trước tình hình kinh tế suy thoái, trong khi đó các cuộc thăm viếng nhân nhân, khách trở lại, sẽ không suy giảm đáng kể (4). Số liệu về các phương tiện di chuyển do khách du lịch sử dụng cũng không kém phần quan trọng vì chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông, sự tiện lợi và an toàn, là mối quan tâm của du khách, và đồng thời cũng là một trong những tiêu chuẩn đánh giá năng lực cạnh tranh ngành du lịch của mỗi quốc gia.
- Ngành du lịch không ngừng tăng trưởng “Kể từ sáu thập niên qua, ngành du lịch đã không ngừng phát triển, trở thành một trong những khu vực kinh tế tăng trưởng lớn nhất và nhanh nhất trên thế giới”. Từ năm 1950 đến 2007, lượng du khách tăng từ 25 lên đến 903 triệu, và doanh thu (receipts) năm 2007 đã vượt quá 1000 tỷ USD. Trong thập niên qua, mặc dù bị ảnh hưởng từ các vụ khủng bố và dịch SARS, song mức tăng triển của ngành du lịch vẫn khả quan, tăng 4% giai đoạn 1995-2007 và 6.6% năm 2007 (WTO-HL2008). Tuy nhiên, theo ấn bản cập nhật của UNWTO tháng 6/2009 (UNWTO World Tourism Barometer: WTB-06/2009), đà phát triển bắt đầu chậm từ năm 2008 lại do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảnh kinh tế. Mức tăng trưởng năm 2008 chỉ đạt 1.9%, tăng 16 triệu du khách, nâng tổng số du khách hàng năm lên 922 triệu (5).
- Phạm vi hoạt động du lịch ngày càng mở rộng Theo thời gian, các điểm đến của hoạt động du lịch ngày càng mở rộng, đã chuyển ngành du lịch đương đại trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế xã hội”. Năm 1950, 15 điểm đến lớn nhất chiếm 98% lượng du khách. Tỷ lệ này giảm xuống còn 57% vào năm 2007 do sự gia nhập của nhiều điểm đến mới (WTO-HL2008). Châu Á - Thái Bình Dương nằm trong số các điểm đến mới này, đã trở thành khu vực đón nhận khách quốc tế quan trọng thứ hai, chiếm tỷ phần 20%, sau khu vực Châu Âu 53% (WTB-6/2009).
- Nguồn khách du lịch . Hai đặc điểm đáng lưu ý về nguồn khách du lịch. Thứ nhất, có đến 80% du khách đến từ các nước trong vùng; tuy nhiên, tỷ lệ gia tăng hoạt động du lịch giữa các vùng có xu hướng tăng mạnh hơn (8% - 2007) so với mức tăng trưởng du lịch trong khu vực (6% - 2007). Thứ hai, mặc dù các quốc gia phát triển vẫn chiếm phần lớn nguồn lượng du khách, trong những năm gần đây, lượng du khách đến từ các nước đang phát triển tăng mạnh hơn, đặc biệt các vùng Đông Bắc và Đông Nam Á, Đông và Trung Âu, Trung Đông, Nam Phi và Nam Mỹ. Theo bảng thống kê dưới đây, ngành du lịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang trên đà phát triển nhanh, tăng 319% trong giai đoạn 1990-2007, vượt xa mức tăng trưởng của hai khu vực lớn khác: Châu Âu 193%, và Châu Mỹ 148% (WTO-HL2008).
- Nguồn thu nhập . Nguồn thu của ngành du lịch lệ thuộc vào số lượng khách đến và mức chi tiêu (du lịch) bình quân theo đầu người (expenditure per capita). Nước Đức và Vương quốc Anh giữ vị trí thứ nhất và thứ ba về chi tiêu du lịch ở nước ngoài năm 2007 do mức chi tiêu du lịch bình quân theo đầu người của hai nước này trên 1000 USD, cao hơn khoảng bốn lần mức chi tiêu du lịch bình quân đầu người của Hoa Kỳ. Ngược lại, với sức chi tiêu du lịch đầu người chỉ tương đương với khoảng 2% của Đức Quốc, nhưng do số lượng người đi du lịch lớn, Trung Quốc đã vượt lên chiếm vị trí thứ 5 trong danh sách 10 quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho dịch vụ du lịch ở nước ngoài. Vị trí của Trung Quốc và Liên Xô trong bảng của 10 nước dẫn đầu chi tiêu ngành du lịch (WTO-HL2008) biểu hiện cho xu hướng gia tăng nguồn khách du lịch đến từ các quốc gia đang phát triển. Theo tài liệu cập nhật tháng 6/2009 của WTO, các nước dẫn đầu chi tiêu du lịch năm 2008 hầu như không thay đổi (WTB-06/2009).
- Xu hướng phát triển Trong bức tranh bao quát, xu hướng phát triển của ngành du lịch có thể tóm lược theo biểu đồ dưới đây. Các dữ kiện từ biểu đồ cho thấy, từ 1995 đến 2020, mức tăng trưởng tại các quốc gia phát triển đạt mức bão hòa, chậm dần. Tỷ phần khách quốc tế của khu vực dẫn đầu Châu Âu giảm từ 59.8% (1995) xuống 45.9% (2020), Châu Mỹ từ 19.3% xuống 18.1%. Trong khi đó tỷ phần từ các khu vực các nước đang phát triển tiếp tục tăng dần, với tỷ phần của Châu Á - Thái Bình Dương trong cùng giai đoạn tăng từ 15.1% lên 26%. (WTO-HL2008). Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch H1N1, mức tăng trưởng của ngành du lịch trong đoản kỳ sẽ bị chậm lại so với dự báo trên. Mức tăng trưởng sáu tháng cuối năm 2008 mang số âm -1%, và -8% trong bốn tháng đầu năm 2009 (WTB-06/2009).
- 2. Vị thế ngành du lịch Việt Nam : Ngành du lịch non trẻ Việt Nam được ghi nhận tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây. Vậy quá trình và vị thế của ngành trong nền kinh tế Việt Nam và trong khu vực hiện như thế nào? Quá trình phát triển Hoạt động của ngành du lịch non trẻ Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ghi nhận từ năm 1995, bắt đầu với con số khiêm tốn 1.35 triệu khách quốc tế, tăng lên 4.2 triệu du khách với doanh thu 3.5 tỷ USD vào năm 2008 (6). Trong tiến trình phát triển này, số lượng chỉ bị suy giảm vào năm 1998, thời điểm xảy do cuộc khủng kinh tế Châu Á.
- Theo xu hướng chung trên thế giới, phần lớn nguồn khách quốc tế đến Việt Nam từ các quốc gia trong vùng. Bảng tổng kết dưới đây bao gồm các nước có lượng khách du lịch đến Việt Nam trên 100 ngàn năm 2007. Hoa Kỳ là một ngoại lệ của các quốc gia ngoài khu vực có số lượng khách quốc tế lớn đứng hàng thứ tư, do số lượng Việt kiều chiếm tỷ lệ quan trọng trên tổng số du khách đến từ quốc gia này (7). Mức tăng trưởng trong thập niên qua của ngành du lịch khá cao. Việt Nam được xếp vào danh sách “Các điểm đến mới hàng đầu thế giới giai đoạn 1995-2004“ (8), và là một trong số các nước có mức tăng trưởng cao của Châu Á - Thái Bình Dương, vốn là khu vực có mức tăng trưởng ngành du
- lịch cao hơn hầu hết các khu vực khác trên thế giới. Triển vọng phát triển của ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là khả quan, theo như dự báo của WEF cho giai đoạn 2009-2018 (10). Tuy nhiên, vì dự báo này được soạn thảo vào đầu năm 2008, khi cuộc khủng hoảng kinh tế giới chưa thực sự khởi đầu, do đó, mức tăng truởng sẽ thấp hơn các số liệu trong bảng dưới đây. Vị thế của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc gia Cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam yếu kém và thiếu ổn định, với mức thâm hụt 12 % GDP năm 2008 (11), do lệ thuộc nặng nề vào nguồn
- xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, và vì sự thâm hụt của cán cân thương mại. Sự thâm hụt này được bù đắp bằng các nguồn ngoại thu khác, trong đó có du lịch, hiện đang bị đe dọa bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Biểu đồ dưới đây cho thấy được sự đóng góp đáng kể của nguồn thu nhập du lịch vào sự quân bình của cán cân thanh toán. Cán cân thanh toán quốc tế năm 2008 (tỷ USD) Nguồn: do tác giả tự lập (12) Từ góc độ khác, vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam còn biểu hiện qua tỷ phần doanh thu của ngành trên tổng sản lượng quốc gia (GDP) và tỷ lệ số lượng lao động hoạt động trong ngành trên tổng lực lượng lao động của cả nước.
- Vị thế ngành du lịch Viêt Nam trong khu vực . Mặc dù đạt được mức tăng trưởng khá cao, số liệu về tỷ lệ lượng du khách đến của mỗi nước trên tổng số khách đến trong khu vực cho thấy thành quả của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, đặc biệt so sánh với hai nước láng giềng Thái Lan và Malaysia - là những quốc gia có lợi tức trung bình, đối thủ cạnh tranh lớn, và cũng là những đối tượng Việt Nam muốn bắt kịp trong trung và dài hạn của những thập niên tới.
- Tính theo tỷ phần doanh thu của mỗi quốc gia trên tổng thu của ngành du lịch trong khu vực, vị trí của ngành du lịch Việt Nam còn thấp hơn. Có thể lý giải sự tụt hạng này, một phần nào đó do giá cả của Việt Nam thấp, song quan trọng hơn nữa là những mặt hạn chế của các dịch vụ du lịch về giải trí và mua sắm. Khi so sánh hai biểu đồ về tỷ phần lượng khách quốc tế và doanh thu trong vùng trên đây, có thể lấy Philippines như một trường hợp điển hình đáng lưu ý. Nhờ thu nhập bình quân từ mỗi du khách cao hơn, doanh thu của Phillippines đã vượt Việt Nam đáng kể (2.2% - 1.8%), mặc dù lượng khách quốc tế của nước này thấp hơn Việt Nam khá nhiều (1.7% - 2.3%).
- Nguồn: do tác giả tự lập từ tài liệu WNWTO (15) (1) The Travel & Tourism Competitiveness Report 2009 - Managing in a Time of Turbulence TTCI 2009 - p. 3 The World Travel & Tourism Council (WTTC) estimates that, from direct and indirect activities combined, the T&T sector now accounts for 9.9 percent of global GDP, 10.9 percent of world exports, and 9.4 percent of world investment. (2) UNWTO Tourism Highlights, Edition 2008 WTO-HL2008 (3) Global Tourism drives history's greatest shift of wealth from rich to poor - Counterpart (4) UN World Tourism Barometer - January 2009 - Volume 7, Issue 1 WTB-01/2009 (5) UN World Tourism Barometer - January 2009 - Volume 7, Issue 2 WTB-06/2009
- (6) TTCI p. 376 (7) Khách quốc tế đến Việt Nam tăng "kép" – VnEconomy - Dương Ngọc (8) World's Top Emerging Tourism Destinations for period 1995-2004 - UNWTO (9) WTO-HL2008 (10) TTCI - Tổng hợp từ trang County/Economy Profiles (11) IMF Statements at Donor Meetings (12) FDI thực hiện ròng sau khi trừ phần đầu tư trong nước được uớc tính dựa con số chính thức của Việt Nam 11.5 tỷ USD và tỷ lệ chênh lệch giữa hai con số của UNCTAD & Việt Nam năm 2007. ODA giải ngân và kiều hối – VNEconomy. Du lịch – WEF p.376. Nhập siêu – VNEconomy. FII (đầu tư nước ngoài gián tiếp) ước tính dựa vào vốn gián tiếp tháng 2/2008 – Kinh tế Sài Gòn và vốn gián tiếp đầu năm 2009 – Lao Động (13) TCCI - Tổng hợp từ trang County/Economy Profiles (14) Tổng hợp từ WTO-HL2008(15) Tổng hợp từ WTO-HL2008 Phần II: Năng lực cạnh tranh và văn hóa du lịch Các công trình nghiên cứu được thực hiện một cách khoa học và qui mô trên thế giới có thể giúp việc thẩm định các vấn đề kinh tế của Việt Nam được khách quan và thấu đáo hơn. Cuộc điều tra “Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2009” (Travel & Tourism Competitiveness Index - TTCI 2009) do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thực hiện hàng năm, đánh giá năng lực cạnh tranh ngành du lịch của 133 quốc gia là tài liệu rất hữu ích cho việc tìm hiểu năng lực và tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam (1). Bên cạnh phương diện kinh tế, hoạt động du lịch còn thể hiện nét văn hóa và văn minh của một xứ sở, vì thế cũng là khía cạnh không thể không đề cập đến khi phân tích và đánh giá ngành du lịch Việt Nam.
- II. Năng lực Cạnh tranh và Văn hóa Du lịch: 1. Năng lực Cạnh tranh: Kết quả của cuộc điều tra TTCI2009 cho thấy vị thứ chỉ số cạnh tranh ngành du lịch Việt nam trên thế giới thây đổi không đáng kể trong ba năm qua (84/124, 96/130, 89/133). Ở phạm vi khu vực Châu Á Thái Bình Dương, vị thứ về chỉ số cạnh tranh của Việt Nam phản ảnh khá trung thực vị trí kinh tế trong khu vực được trình bày ở phần I. Vị thế kinh tế và năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam (cũng như trên nhiều địa hạt kinh tế khác) hiện có thể so sánh với các nước có nền kinh tế chậm phát triển trong vùng như Philippines và Indonesia, nhưng vẫn ở vị trí thấp trong bức tranh bao quát của nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Cuộc điều tra của WEF được thực hiện trên ba lãnh vực chính của ngành du lịch: Nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và nhân lực – cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh – Khuôn khổ luật định. Ba lãnh vực này bao gồm 14 hạng mục chính, và các hạng mục chính được xây dựng trên 70 hạng
- mục phụ thuộc. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chú trọng vào các hạng mục quan trọng nhất, được đề cập nhiều trong các phân tích của tài liệu TTCI2009. Các quốc gia được chọn lựa, so sánh và phân tích phản ảnh mối tương quan cạnh tranh và đại diện cho các nền kinh tế có trình độ phát triễn khác nhau trong khu vực. 1.1 Nguồn Tài nguyên Thiên nhiên, Văn hóa và Nhân lực ( thứ hạng 76/133 ): Nguồn tài nguyên thiên nhiên và nét văn hóa đặc sắc, đặc thù của mỗi dân tộc là một trong các yếu tố hàng đầu thu hút du khách quốc tế. Nguồn nhân lực xác định chất lượng dịch vụ cung ứng. Và Sự yêu thích và thái độ cởi mở của xã hội đối với hoạt động du lịch và khách quốc tế ảnh hưởng không nhỏ đến lượng du khách viếng thăm. Nguồn tài nguyên và nhân lực là địa hạt ít chịu ảnh hưởng bởi trình độ phát triễn của mỗi quốc gia, do đó, có thể là lợi thế của các quốc gia đang phát triển như biểu đồ cho thấy. Trung Quốc và Malaysia chẳng hạn là quốc gia đang phát triển, còn thu kém xa các nước phát triển trên nhiều phương diện, song đã đạt được vị thứ khá cao: 12 và 14 trên 133 quốc gia.
- Vị thứ của hạng mục nguồn tài nguyên nhiên của Việt Nam (52/133) tổng hợp kết quả bảng xếp hạng của ba hạng mục phụ thuộc: số lượng các di sản thiên nhiên - thứ hạng 23, số lượng các loài động vật tìm thấy - 21, tỷ lệ diện tích các khu vực được bảo tồn về sinh thái, thiên nhiên và văn hóa trên tổng diện tích quốc gia - 101, và chất lượng môi trường thiên nhiên - 122. Sự đánh giá hạng mục nguồn tài nguyên văn hóa (68/133) dựa vào số lượng địa điểm di sản văn hóa và các công trình văn hóa phi vật thể - thứ hạng 45, tỷ lệ chỗ ngồi của các sân vận động trên dân số - 119, số hội chợ và triển lãm quốc tế tổ chức hàng năm - 47, và tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm mang tính sáng tạo như hàng thủ công nghệ và điêu khắc, phim ảnh, ấn bản (không có thứ hạng, có lẽ vì không đủ dữ kiện). Nguồn nhân lực của Việt Nam có vị thứ thấp hơn (82/133). Một trong hai hạng mục phụ là nguồn lao động phục vụ cho ngành du lịch, qua việc xem xét các thủ tục thu dụng và sức khoẻ của lực lượng lao động, được đánh giá tương đối khả quan với thứ hạng 45. Song, vị thứ 93 của hạng mục phụ thứ hai thẩm định chất lượng ngành giáo dục và đào tạo thể hiện mặt yếu kém của nền giáo dục Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Hạng mục thứ tư không kém phần quan trọng là Sự yêu thích ngành du lịch đo lường độ mở của xã hội đối du lịch và du khách quốc tế (81/133). Sự đánh giá của hạng mục này dựa vào tỷ lệ chi tiêu của dân chúng đối với dịch vụ du lịch và thu nhập từ khách quốc tế trên GDP – thứ hạng 66, thái độ của dân chúng đối với khách quốc tế - 92, và việc các doanh nhân trong nước có sẵn sàng giới thiệu các đối tác nước ngoài đi du lịch sau chuyến
- công tác - 93. Tóm lại, Kết quả cuộc điều tra trên các hạng mục chi tiết của lãnh vực tài nguyên và nhân lực của ngành du lịch Việt nam cho thấy nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hoá, và nhân lực tương đối phong phú qua số lượng của các di sản thiên nhiên, di sản văn hoá, các loài động vật, và nguồn nhân lực. Song, thế mạnh này đã chưa được phát huy do những hạn chế trong việc bảo tồn và phát triễn nguồn tài nguyên, môi trường, sự yếu kém về mặc đào tạo nhân lực, và độ mở của xã hội đối với hoạt động du lịch và khách quốc tế. Tuy là lãnh vực đạt vị thứ khả quan nhất trong ba địa hạt nghiên cứu, Việt Nam đang đứng sau khá xa các đối thủ cạnh tranh trong vùng: sau Philippines sáu bậc, Indonesia 36 bậc, Singapore 53, Thailand 57, Malaysia 62, China 64, và Australia 73. 1.2 Cơ sở Hạ tầng và Môi trường Kinh doanh (Thứ hạng 85/133): Khác với lãnh vực tài nguyên và nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh của ngành du lịch tùy thuộc khá nhiều vào trình độ phát triển của mỗi nước. Đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nó vừa là lợi thế, vì giá cả là một trong những yếu tố quan trọng, song cũng vừa là yếu điểm do tình trạng yếu kém của cơ sở vật chất, phương tiện di chuyển và thông tin của ngành du lịch.
- Cơ sở hạ tầng ngành du lịch cung cấp các tiện nghi thiết yếu cho du khách, nên là một trong những yếu tố quan trọng cho sự thành công của hoạt động du lịch. Song, đây lại là một trong những hạng mục chính Việt Nam có vị thứ thấp nhất (109/133). Hạng mục này đo lường số lượng khách sạn theo dân số - thứ hạng 82, sự hiện diện của các công ty lớn cho thuê xe - hạng 95, và số lượng mấy ATM theo dân số - hạng thứ 103. Giá cả dịch vụ du lịch là chỉ số Việt Nam đạt được thứ hạng cao nhất (11/133) trong số 14 hạng mục chính. Chỉ số này bao gồm các hạng mục phụ: mãi lực đồng tiền - thứ hạng 5, giá khách sạn - 31, nhiên liệu - 23, thuế trên vé và phi trường - 20, và mức thuế nói chung - 53.
- Hai hạng mục không kém quan trọng khác đánh giá cơ sở hạ tầng hàng không (84/133) và vận chuyển đường bộ (80/133) nhằm thẩm định mức độ dễ dàng và tiện lợi trong việc sử dụng các dịch vụ giao thông, đưa khách đến, đi, và di chuyển nội địa. Nhóm nghiên cứu phân tích 12 hạng mục phụ như chất lượng và số lượng các phi trường, đường bộ, đường hoả xa, và khả năng phục vụ khách hàng của các ngành này. Tầm quan trọng của hạng mục Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng gia tăng do việc sử dụng internet, điện thoại di động trong việc liên lạc, tìm kiếm thông tin du lịch, mua vé trên mạng ngày càng phổ biến và tiện lợi. Địa hạt này đã được cải thiện đáng kể trong thập niên qua, song vị thứ của Việt Nam trong cộng đồng thế giới vẫn còn khiêm tốn với hạng thứ 79/133, so với Singapore 17, Australia 20, Malaysia 46, China 68, Thailand 72, Philippines 92, và Indonesia 102. Là một nước nghèo, Việt Nam có lợi thế về giá cả, song do sự yếu kém về cơ sở hạ tầng của môi trường kinh doanh du lịch, vị thứ của lãnh vực cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh du lịch hạ thấp 9 bậc (85/133) so với lãnh vực các nguồn tài nguyên. Trong mối tương quan cạnh trạnh với các nước trong khu vực, vị thứ Việt Nam đứng trên Philippine 4 bậc, dưới Indonesia 6 bậc, China 27, Thailand 45, Malaysia 47, Australia 74, và Singapore 84. Hai hạng mục Việt Nam bị tụt hậu sâu, cần cải thiện hơn cả là cơ sở hạ tầng du lịch với vị thứ 109 và hàng không 84 cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho các hoạt động du lịch: khách sạn, thuê xe, ATM và di chuyển.
- 1.3 Khuôn khổ Luật định (thứ hạng 92/133): Chính sách phát triển ngành du lịch là một trong những mắc xích quan yếu quyết định thành công của ngành du lịch Việt Nam. Nó ảnh hưởng đến việc khai phá, bảo tồn các nguồn tài nguyên và môi trường thiên nhiên nâng cao khả năng thu hút du khách; thúc đẩy sự phát triển dịch vụ du lịch thông qua chính sách đầu tư cải thiện chất lượng cơ sở vật chất mang lại tiện nghi, tiện ích cho các hoạt động du lịch; tạo điều kiện dễ dàng về thủ tục và bảo đảm an ninh an toàn cho du khách viếng thăm. Song, hiệu năng của chính sách và trình độ phát triển có mối quan hệ tương tác, và do đó, các quốc gia có năng lực cạnh tranh thấp trên các lãnh vực tài nguyên, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh du lịch thường cũng có vị thế yếu kém về khuôn khổ luật định liên quan đến ngành du lịch. Hạng mục điều lệ và qui định đo lường hiệu quả chính sách phát triển các doanh nghiệp và dịch vụ du lịch (96/133). Điểm số và thứ hạng của hạng mục này được xây dựng trên các hạng mục phụ liên hệ đến hoạt động du lịch: thủ tục visa - thứ hạng 116, sự phổ biến và chính sách khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài - 104, quyền tư hữu - 75, ảnh hưởng của luật đầu tư nước ngoài - 38, thời gian thành lập doanh nghiệp - 112, chi phí thành lập doanh nghiệp - 77, độ mở của các hiệp định hàng không quốc tế - 89, và
- tính minh bạch trong việc hoạch định chính sách - 58. Chính sách bảo vệ môi trường hữu hiệu có thể bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên và môi trường thiên nhiên, là một trong những yếu tố chính hấp dẫn du khách (100/133). Các hạng mục phụ thuộc bao gồm: sự chặt chẽ của các qui định môi trường - thứ hạng 106, hiệu lực thi hành - 93, lượng khí cacbonic - 40, độ ô nhiễm - 92, sự đe dọa các loại động vật quí hiếm - 110, và số lượng các hiệp ước bảo vệ môi trường tham gia - 94. Chính sách ưu tiên cho ngành du lịch thường là thế mạnh của các nước đang phát triển trong nỗ lực đẩy mạnh ngành du lịch hầu có thể bắt kịp với đà tiến chung. Đây cũng là một trong ba hạng mục chính (trên tổng số 14) Việt Nam đạt được vị thứ ở nửa phần đầu của bảng xếp hạng (61/133). Hai hạng mục khác là giá cả - hạng thứ 11 và nguồn tài nguyên thiên nhiên - 52. Các hạng mục phụ của lãnh vực chính sách ưu tiên bao gồm: tỷ phần ngân sách phát triển ngành du lịch - thứ hạng 109, số lần tham dự các hội chợ du lịch quốc tế - 25, vị trí ưu tiên của ngành du lịch trong chính sách phát triển quốc gia - 41, và hiệu quả của hoạt động tiếp thị quảng bá - 63. Hạng mục an ninh an toàn (100/133) và y tế vệ sinh (95/133 ) liên hệ đến sự an toàn cá nhân, là mối quan tâm của khách quốc tế nên không kém phần quan trọng. Trên địa hạt này, nhóm nghiên cứu đánh giá về mức độ đe dọa của khủng bố - thứ hạng 99, tội phạm - 58, hiệu quả lực lượng an ninh - 49, tai nạn giao thông - 116, số lượng bác sĩ - 97, giường bệnh tính theo đầu người - 70, điều kiện vệ sinh - 91, và nguồn nước sạch - 74.
- Trong lãnh vực khuôn khổ luật định, chính sách ưu tiên cho ngành du lịch là hạng mục Việt Nam đạt vị thứ cao nhất 61/133, song vẫn ở cuối bảng so với các quốc gia cạnh tranh trong khu vực. Để cải thiện năng lực cạnh tranh, Việt Nan cần đặt trọng tâm cải thiện các địa hạt yếu kém nhất về chính sách bảo vệ môi trường và đầu tư nước ngoài ở ngành du lịch; thủ tục visa, an toàn giao thông, dịch vụ y tế và vệ sinh. Trong tương quan cạnh tranh khu vực, vị thứ Việt Nam cao hơn Indonesia 9 bậc, và thấp hơn China 4 bậc, Philippines 7, Thailand 22, Malaysia 50, Australia 65, và Singapore 86 bậc. 2. Văn hóa Du lịch: Bài viết “Reasons to hate VietNam” trên Travelvice.com gây xôn xao trên các diễn đàn và blog. Tác giả quả là “một kẻ du lịch gà mờ và đầu óc thiển cận” như Phan Hạo Nhiên nhận xét trên Talawas. Thế nhưng các phản hồi từ du khách nước ngoài với bài viết nêu lên mới là điều đáng quan ngại, phản ảnh một số mặt thực, tiêu cực của dịch vụ du lịch tại Việt Nam hiện nay. Thứ nữa, cuộc điều tra của do WEF thực hiện đánh giá thấp về thái độ của dân chúng đối với du khách quốc tế (92/133) là nguồn thẩm định đáng tin cậy khác. Trong khuôn khổ của bài viết, hai vấn đề liên quan đến văn hóa và văn minh du lịch nổi cộm nhất sẽ được bàn đến. Đối với du khách quốc tế, đặc biệt khách phương Tây, khoảng cách không gian giữa hai người và không gian riêng tư không những quan trọng mà còn là tối hệ trọng. Do đó, nạn chèo kéo, chụp giựt gây không ít phiền nhiểu du khách nước ngoài hiện là một trong những vấn nạn của văn hoá du lịch, được báo chí trong nước tường thuật một cách phổ biến, thể hiện rõ nét qua hai trường hợp điển hình sau đây với các hình ảnh cụ thể. Trên VietNamNet, phóng sự Du khách “xông đất” Đà Nẵng bị quấy nhiễu tơi bời tường thuật: "Sáng 3/1, tàu Costa Allegra đưa 950 khách quốc tế “xông đất” Đà Nẵng trong năm mới 2008. Và một lần nữa, du khách lại bị quấy nhiễu đến tơi bời!”. Trang Phụnữ online ngày 3/7/2009 có bài viết Chèo kéo du khách: “TP.HCM có nhiều điểm du lịch thu hút du khách nước ngoài như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành, Bưu điện Trung tâm TP, nhà thờ Đức Bà Thế nhưng, tại những nơi này, mỗi khi có
- khách đến, là hàng chục người đủ mọi lứa tuổi thi nhau đeo bám khách để rao bán các loại quà lưu niệm”. Quốc doanh hóa và thương mại hóa các cơ sở tôn giáo là vấn nạn thứ hai, phản ảnh sắc thái văn hóa rất đặc thù về ngành du lịch Việt Nam. Chính sách quốc doanh hóa các cơ sở tôn giáo được xác minh qua bản tin Nhà chùa “chia” tiền công đức cho chính quyền? trên VNEconomy ngày 21/3/2009, tường trình buổi chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể dục và Du lịch Hoàng Tuấn Anh: Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nói, bà đến chùa thấy các mâm lễ đầy tiền, hỏi thì biết là nhà chùa có người hướng dẫn làm như thế Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào ( Hà Nội): “trong chùa dưới chân 1 tượng mà 4 thùng công đức, tôi còn nghe nói nhiều chùa mở hòm công đức chia tiền cho chính quyền, chính quyền sống bằng tiền công đức ấy?”. Chính sách thương mại hóa các cơ sở tôn giáo dẫn đến tình trạng các dịch vụ du lịch lễ hội tổ chức tại các cơ sở tôn giáo tôn nghiêm diễn ra một cách xô bồ và hỗn tạp. Hiện tượng này được đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) chất vấn: “hiện trên toàn quốc có 15.244 đền chùa, song có hiện tượng quán xá xâm lấn đến tận cửa chùa, cản cả chân du khách, vậy Bộ có suy nghĩ về việc "vô văn hóa" này không?” Trên Kinh tế Sài gòn Online, qua bài Nhắm mắt vào chùa đăng ngày 18/4/2009, Dạ Ngân viết: “Ở miền Bắc, hầu như khu dân cư cổ nào cũng có một ngôi chùa. Nghe đâu thời cách mạng ngút trời, người ta đã phá phách đền miếu để dân chúng cùng “được” vô thần, người ta trưng dụng mái đình để làm chỗ cho hợp tác xã. Nhưng may sao người ta vẫn để lại những ngôi chùa, chắc vì cũng thấy chùn tay Mười năm trước, chùa thật sự cổ kính nhờ khuôn viên nhiều cây cau, phía sau có mùi hoa mộc vào mùa xuân và mùi sen tươi vào những tháng hè. Tất cả thoáng đãng, tĩnh mịch, phù hợp với cư dân ngoại thành. Không biết từ lúc nào sân chùa đã thành bãi giữ xe có phiếu thu tiền trong ngày rằm, ngày Tết, có nhiều lớp cửa hơn để đóng chặt trong ngày thường. Nhớ mấy năm trước, khi đáo qua chùa Mía, chúng tôi đã bắt gặp những thùng công đức nền vàng chữ đỏ xếp thành hàng ở gian chính như một đội quân đeo biển tận thu”. Trên trang điện tử VietnamPlus của TTXVN, ngày 3/3/2009, Kỳ Dương
- tường thuật Lễ hội chùa Đậu: Lộn xộn chốn linh thiêng: “Càng đến gần chùa, nhiều khách thập phương đã thực sự tỏ ra khó chịu. Bao quanh ngôi chùa cổ kính là cơ man những quán ăn như bún chả, miến ngan, hoa quả dầm Đặc biệt, nhiều người đã mang cả cá mực, cá chỉ vàng đến nướng ngay sát chùa, thậm chí cả bên trong sân chùa. Có một cơn gió, bụi từ các bếp than củi di động” bay tứ tung Mùi cá chỉ vàng, mực nướng quyện vào mùi nhang khói. Đó là chưa kể những gian hàng trò chơi theo kiểu vui chơi có thưởng như ném phi tiêu, ném bóng Tiếng loa đài hát nhạc Tây, Tàu của một gian hàng trò chơi đập vỡ niêu, tiếng của những chiếc cân điện tử làm khách không thể nghe thấy tiếng tụng kinh của nhà chùa, cho dù nó đã được phát lên loa.” Cũng trên trên Vietnamplus, phóng sự Thương mại lấn át sự linh thiêng của chùa Hương, ngày 05-02-2009 tường trình: “Từ suối Yến lên Chùa Thiên Trù, đập vào mắt du khách hàng dãy hàng quán từ các cửa hàng ăn uống, quà lưu niệm đến tắm nóng lạnh nhưng thiếu sọt rác và nhà vệ sinh. Những chiếc loa thùng của các hàng quán bên đường đua nhau quảng cáo, mời chào khách, tạo nên âm thanh hỗn tạp. Hàng hóa đủ màu xanh đỏ loè loẹt, các quán ăn thực phẩm để sát đường, những con mèo, lợn, bê treo cả ngày dưới nắng nóng ” III. Phần Kết: Việt Nam là một trong số các quốc gia có ngành du lịch phát triển nhanh trong thập niên qua. Sự góp phần của nguồn thu nhập du lịch vào GDP và cán cân thanh toán trở nên đáng kể và ngày càng gia tăng. Với các lợi thế về giá cả, nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa khá phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, và là điểm đến mới, Việt Nam hiện là quốc gia đang thu hút du khách quốc tế. Mặt khác, Việt Nam cần hiểu rõ vị thế của mình trong bức tranh tổng thể của ngành du lịch khu vực và thế giới, với tỷ phần khiêm tốn 2.3% và 1.8% trên lượng khách đến và thu nhập của khu vực, và vị thứ chỉ số cạnh tranh du lịch 17/25 và 89/133 trong khu vực và trên thế giới. So sánh với tỷ phần và vị thứ tương ứng của nước láng giềng Malaysia - 11.4%, 8.2%, 3/25, và 32/133 - Việt Nam sẽ phải cần rất nhiều nỗ lực và thời gian để có thể thu ngắn khoảng cách phát triển ngành du lịch với các quốc gia có lợi tức trung
- bình như Malaysia và Thái Lan. Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, đang cố vươn lên trở thành quốc gia có mức lợi tức trung bình, do đó cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch còn thiếu thốn và kém tiện nghi, cần thời gian để dần dà cải thiện. Song những yếu kém thuộc phạm vi chính sách về luật định, đào tạo nhân lực, và đặc biệt trên lĩnh vực bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên văn hóa, thiên nhiên và môi trường nếu không sớm được cải thiện, không những sẽ ảnh hưởng đến mức tăng trưởng và tính bền vững của ngành du lịch Việt Nam trong trung và dài hạn mà còn có thể gây phương hại đến nguồn tài nguyên quí hiếm của quốc gia. Tính cách văn hoá của hoạt động du lịch Việt Nam là nỗi quan ngại khác. Nếu như sự thành công của cá nhân không thể chỉ được đánh giá bằng sự thành đạt về phương diện tài chánh, mà còn ở nhân cách, thể hiện qua văn hóa ứng xử trong cuộc sống, thì hình ảnh của một xứ sở, một dân tộc dưới con mắt du khách quốc tế cũng không thể chỉ được tạo dựng qua sự hoành tráng của các lễ hội hay công trình du lịch, mà ở sự thể hiện nếp sống văn hóa thường nhật, qua thái độ phục vụ của các nhân viên ngành du lịch, qua lề lối kinh doanh, và lòng hiếu khách của cộng đồng dân cư đối với khách quốc tế. Với mức phát triển khá ấn tượng trong thập niên qua và tiềm năng về tài nguyên và nhân lực phong phú, ngành du lịch Việt Nam đang mở ra một triển vọng mới. Với vị thế yếu kém về chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch, đặc biệt trong các lãnh vực bảo tồn tài nguyên, môi trường, đào tạo, và luật định, tương lai của ngành du lịch Việt Nam là một dấu chấm hỏi. Với kết quả điều tra của WEF về thái đội dân chúng đối với du khách quốc tế, các phản hồi của du khách rằng Việt Nam cần học hỏi Lào và Campuchia về lòng hiếu khách và cách tiếp đón du khách (3)(4), các phóng sự về tình trạng chèo kéo, chụp giật du khách, sự sô bồ và hỗn tạp của các lễ hội nơi chốn tôn nghiêm, hình ảnh của đất nước đang bị tổn thương, như Lê Hà đã nhận định trên KinhtếSàigonOnline: Hạ tầng cơ sở và dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam đã yếu kém, lẽ ra chúng ta phải biết lấy văn hóa ứng xử để bù lại. Thế mà không hiểu sao, một số nơi, một số công ty lữ
- hành vẫn cố chạy theo lợi nhuận làm ăn kiểu vô trách nhiệm như vậy. Chính những cách hành xử như nói ở trên đã phần nào làm mất đi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế (5). (1) The Travel & Tourism Competitiveness Report 2009 – TTCI 2009 (2) Số liệu về vị thứ chỉ số cạnh tranh trích từ TTTCI 2009, trang 19, 389- 487 (3) Lòng hiếu khách ở đâu? , Eileen - BBC (4) Thăm đất Chùa Tháp chạnh lòng du lịch xứ ta , Khánh Linh – Vietnamnet (5) Vì sao du khách không quay lại?, Lê Hà - Thời báo Kinh tế Sàigòn Online