Du lịch dịch vụ - Làng nghề truyền thống đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình hiện đại hóa
Bạn đang xem tài liệu "Du lịch dịch vụ - Làng nghề truyền thống đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình hiện đại hóa", để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tài liệu đính kèm:
- du_lich_dich_vu_lang_nghe_truyen_thong_dong_bang_song_cuu_lo.pdf
Nội dung text: Du lịch dịch vụ - Làng nghề truyền thống đồng bằng sông Cửu Long trong quá trình hiện đại hóa
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA Huỳnh Công Tín* Hoàng Thị Ánh Tuyết 1. Mở đầu Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế về phát triển ngành nghề nông thôn. Riêng Tiền Giang, với hơn 6.000 cơ sở và 13 làng nghề được công nhận, đã giải quyết việc làm cho trên 85.000 lao động. Giá trị sản xuất của các làng nghề hàng năm đều tăng đạt khoảng 127,3 tỷ đồng/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 5,2%/năm cả giai đoạn 2006-2010. [1] Với Bến Tre, giai đoạn 2006-2012, tỉnh công nhận 18 làng nghề đạt tiêu chuẩn, với hơn 2.200 hộ, giải quyết việc làm cho gần 9.000 lao động, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/ tháng. [2] Với tỉnh Vĩnh Long, hiện có 23 làng nghề đạt các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN - PTNT) được Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh công nhận với các sản phẩm đa dạng từ đất nung, đan lát, chế biến lương thực theo hoạt động của mỗi làng nghề, bình quân thu nhập mỗi lao động từ 600 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng. Giá trị sản xuất hàng năm của các làng nghề đạt khoảng 2.000 tỉ đồng. [3] Còn thành phố Cần Thơ vừa phê duyệt quy hoạch phát triển làng nghề đến năm 2020 với mục tiêu phát triển 32 làng nghề. Ưu tiên là các ngành nghề: mành trúc, may thêu, mộc dân dụng, sản xuất gạch ngói, nấm rơm, bánh kẹo, bánh tráng, khâu nón, dệt chiếu, đan thúng, rổ, lục bình, hàng thủ công mỹ nghệ tre, mây, trúc, phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chỉ tính trong năm, trên bình diện du lịch, các làng nghề đã thu hút trên 100.000 khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Sản phẩm mây, tre, lá buông, gốm sứ được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, trong đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Anh, Pháp đạt 800.000 USD [4] Nhìn chung, hoạt động của các làng nghề không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các ngành nghề truyền thống. Tuy nhiên trong quá trình hiện đại hóa, ngoài thuận lợi thì khó khăn thách thức đối với các làng nghề trong khu vực ĐBSCL còn không nhỏ. Vì vậy, những giải pháp đề ra liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường, như: cơ sở hạ tầng, vốn vay sản xuất, đào tạo tay nghề, phương tiện - trang thiết bị, mặt bằng sản xuất, đầu vào - đầu ra, giá cả thị trường cần kế hoạch mang tính khả thi cao mới có thể giúp cho sự phát triển ổn định, bền vững các làng nghề truyền thống; đồng thời, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho sự phát triển cộng đồng, xã hội. 2. Khảo sát qua quy hoạch và thực tế làng nghề một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL Các ngành nghề trong khuynh hướng được duy trì phát triển. Thực tế, chúng ta không thể duy trì hết tất cả các ngành nghề hiện có vì nhiều ngành nghề có giá trị hàng hóa không cao, khó * TS. Trung tâm Văn hóa học Lí luận và Ứng dụng, Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG - TP. HCM PV. Thông tấn xã Việt Nam [Type text]
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 đảm bảo thu nhập cho người lao động. Hoặc thị trường không còn nhu cầu cao đối với những sản phẩm hàng hóa của các ngành nghề ấy, hơn nữa lại bị cạnh tranh gay gắt với những sản phẩm hiện đại. Chẳng hạn, nghề nắn nồi đất, làm cà ràng; đóng giường chõng tre ở Kiên Giang; nghề đóng ghe, xuồng gỗ ở một số tỉnh; nghề vẽ tranh trên kiếng (kính) thủy ở An Giang. Đứng trước hiện trạng trên, chính quyền địa phương chỉ nên duy trì một số ngành nghề phù hợp với yêu cầu địa phương. Đó là các ngành nghề, trước hết mang lại thu nhập ổn định cho người thợ, không phải đầu tư quá lớn chi phi sản xuất, hỗ trợ, không gây khó khăn cho cơ sở sản xuất trực tiếp và địa phương quản lý về nhiều mặt. Mặt khác, những ngành nghề nào, nếu kết hợp tốt với phát triển du lịch, xuất khẩu thì cần được quy hoạch phát triển. 2.1. Các nhóm ngành nghề phổ biến Khảo sát qua quy hoạch và thực tế làng nghề một số tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, chúng ta dễ nhận thấy có một số nhóm ngành phổ biến sau: 2.1.1. Nhóm ngành nghề tiểu thủ công: Nghề đan đát; nghề dệt chiếu, thảm ở Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ ; nghề chằm nón, lá ở Vĩnh Long [5] ; nghề làm gạch, gốm ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ ; nghề mộc, chạm trỗ ở Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang ; nghề thủ công mỹ nghệ từ cây dừa ở Bến Tre; nghề thủ công mỹ nghệ từ cây mây, tre, trúc ở Cần Thơ 2.1.2. Nhóm ngành nghề phục vụ ẩm thực: Nghề làm bánh, cốm, kẹo ở Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long ; nghề làm khô, dưa, nem, rượu, sản xuất nước chấm: mắm, tương, chao ở một số tỉnh ; nghề chế biến khô thủy sản ở các tỉnh có thế mạnh biển, ao hồ, kinh rạch ở hầu hết các tỉnh đồng bằng. 2.1.3. Nhóm ngành nghề nông nghiệp hoa kiểng: Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp với các loại hình kiếng lá, kiểng hoa, kiểng hình, bonsai, cổ thụ 2.1.4. Nhóm ngành nghề truyền thống nổi tiếng, có thương hiệu, hiệu quả kinh tế cao, mang lại thu nhập ổn định cho cơ sở và người lao động: Nghề làm mắm ở Châu Đốc, nghề mộc ở Chợ Mới, nghề đóng tủ thờ ở Gò Công, nghề bàng buông ở Tiền Giang, nghề bánh pía Sóc Trăng, nghề làm khô Cà Mau, nghề sản phẩm cây dừa Bến Tre và nghề hoa kiểng Chợ Lách, Sa Đéc rải rác ở các tỉnh ĐBSCL. 2.2. Thuận lợi của các ngành nghề Nhìn chung, các ngành nghề được duy trì, phát triển thường là các ngành nghề tận dụng được những lúc nông nhàn của người nông dân, không phải đầu tư quá nhiều cho chi phí sản xuất, lại có được nhu cầu thị trường ổn định, thường nhật. Điển hình như nhóm ngành nghề phục vụ ẩm thực: nghề sản xuất bánh tráng ở Mỹ Lồng, bánh phồng ở Sơn Đốc (Giồng Trôm, Bến Tre), nghề sản xuất cốm dẹp của những vùng thuộc đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh, đặc biệt là bánh Pía Vũng Thơm (Sóc Trăng), nghề sản xuất hũ ky, dưa cải ở Vĩnh Long, khô lóc, mắm thái ở An Giang. 2.2.1. Về làng nghề làm bánh ở Bến Tre: Nhận định về làng nghề làm bánh ở Bến Tre, anh Đặng Thanh Hải, Chủ nhiệm HTX bánh phồng Sơn Đốc cho biết: “Lâu nay, tại Hưng Nhượng có hàng trăm hộ lớn nhỏ làm bánh phồng. Để giúp làng nghề đi lên, đủ thực lực cạnh tranh ngoài thương trường, HTX bánh phồng Sơn Đốc đã được thành lập vào năm 2001. Hiện tại, HTX có 19 hộ ở xã Hưng Nhượng là xã viên. Một hộ xã viên có trung bình 10-15 lao động Bánh phồng Sơn Đốc cũng đã đăng ký thương hiệu năm 2002.”[6] Còn về nghề bánh Pía ở Sóc Trăng, được biết: “Hiện nay, nhờ biết cách quảng bá, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp sản xuất bánh pía ở Sóc Trăng không chỉ mở rộng thị trường ra phạm vi cả nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. [Type text]
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 Điển hình như trường hợp Công ty chế biến thực phẩm bánh pía - lạp xưởng Tân Huê Viên, doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quản lí chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ năm 2009, đã mở đại lí tại Phnom Penh (Campuchia) và đang xúc tiến mở thêm một đại lí ở CHLB Đức. Mới đây, Tân Huê Viên xuất khẩu sang Mỹ 40 tấn bánh pía và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thị trường sang châu Âu, sau khi đầu tư trên 20 tỉ đồng nâng cấp hệ thống nhà xưởng và công nghệ sản xuất” [7] 2.2.2. Nhóm nghề chạm trổ, đan đát, dệt may: Nhóm nghề này cũng tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi, lại có thuận lợi là sản xuất tại nhà, tiền đầu tư cho công cụ sản xuất không cao nên cũng thu hút được nhiều lao động tham gia. Chẳng hạn: Với tỉnh Tiền Giang, nghề chạm khắc gỗ ở Lương Hòa Lạc (Chợ Gạo, Tiền Giang) mang lại thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng, cho số người tham gia lên đến vài trăm thợ, trong khi bộ dụng cụ phay, đục, chạm, khắc chỉ vài trăm ngàn đồng. Hay như nghề đan giỏ, nón xuất khẩu đi các nước Âu Mỹ bằng nguyên liệu bàng buông ở Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang), thu hút vài ngàn lao động địa phương và mang lại thu nhập cũng trên 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, tỉnh cũng đã lồng ghép thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề để hỗ trợ máy móc, thiết bị cho các làng nghề. Đã hỗ trợ 48 máy se đay và 34 khung dệt chiếu cho 48 hộ nghèo ở làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định (đến nay đã thoát nghèo 37 hộ), hỗ trợ 40 máy may công nghiệp cho các hộ nghèo ở xã Tân Lý Đông - làng nghề truyền thống bàng buông Tân Lý Đông - Đến nay có hơn 08 hộ thoát nghèo. [8] Với tỉnh Bến Tre, kết quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất làng nghề năm 2005 đạt 186.701 triệu đồng, năm 2010 đạt 331.665 triệu đồng, năm 2012 đạt 472.297 triệu đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 12,18%/năm, chiếm 9,94% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Sự phát triển của các làng nghề trong thời gian qua đã có đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động ở nông thôn. Các làng nghề đã đi vào sản xuất ổn định và đang trên đà phát triển (từ năm 2006 đến nay) như: Làng nghề sản xuất chỉ xơ dừa An Thạnh – Khánh Thạnh Tân, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc, làng nghề dệt chiếu An Hiệp (có Công ty TNHH Thanh Bình với doanh thu năm 2011 là 73 tỷ, làm đầu tàu để thúc đẩy các làng nghề khác phát triển), làng nghề đan giỏ cọng dừa Phước Long, làng nghề đan đát Phú Lễ, Phước Tuy [9] 2.2.3. Nhóm ngành nghề được công nhận “Làng nghề truyền thống” Các “Làng nghề truyền thống” như làng kiểng Mai vàng Phước Định (Long Hồ, Vĩnh Long), làng Hoa kiểng Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre), làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), làng nghề tủ thờ Gò Công (Tiền Giang), làng dệt chiếu Long Định, làng bàng buông Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành, Tiền Giang) Các làng này, ngoài uy tín thương hiệu truyền thống, còn có một lực lượng lao động đông đảo có tay nghề cao nên việc duy trì và phát triển làng nghề có được sự phát triển ổn định. Đánh giá làng kiểng Mai vàng, Ông Nguyễn Văn Mẫn - Phó chủ tịch thường trực HSVC TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) - cho biết: “Hiện Vĩnh Long có 17 làng nghề. Làng nghề cây kiểng cảnh có hội viên HSVC 151 hộ tham gia. Với nhiều sản phẩm kiểng cổ có tuổi cao hàng trăm năm, kiểng tuổi dạng trung cũng hơn 50 năm tuổi, kiểng ở tuổi thấp từ 5 năm đến 10 năm tuổi. Tổng giá trị làng nghề trên 12 tỷ đồng.”. Ông Mẫn còn cho biết: ”Sắp tới đây HSVC tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ cho làng nghề mai vàng Phước Định trở thành một làng mai vàng được gắn với một thương hiệu mạnh, là làng nghề tiêu biểu nhất của TP Vĩnh Long- tỉnh Vĩnh Long.” [10] [Type text]
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 Nhận định hoa kiểng Chợ Lách có ý kiến cho rằng: “Trải qua gần trăm năm gây dựng với bao thăng trầm, có lúc tưởng như tàn lụi, nhưng giờ đây mỗi năm làng nghề này đang mang về một khoản lợi nhuận ước gần 100 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương. Nơi đây còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn mang đậm nét miệt vườn Nam Bộ. [11] Còn với làng tủ thờ Gò Công, có gần 80 hộ trong xã Tân Trung tham gia Nghiệp đoàn Mộc - Tủ thờ truyền thống Gò Công: “Khoảng một nửa thợ đóng tủ ở đây là đời thứ ba, thứ tư, thứ năm của nghề gia truyền, vì cha ông họ từng làm công hoặc học nghề những bậc tiền bối khai sinh làng.” [12] 2.3. Khó khăn, thách thức của các làng nghề 2.3.1. Phần lớn làng nghề hoạt động theo kinh nghiệm cha truyền con nối: Các làng nghề hiện nay hoạt động chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cha truyền con nối, người trước chỉ người sau bằng cách cầm tay chỉ việc, phụ thuộc vào kỹ năng khéo léo của đôi tay là chính. Mức độ đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật rất hạn chế. Cụ thể như làng nghề chạm khắc gỗ tại Tiền Giang: khâu vẽ kiểu trên giấy vẫn được vẽ bằng tay rất mất thời gian, độ tinh xảo cũng không cao và thường chỉ sử dụng được một lần do khó bảo quản và kích cỡ các lần sử dụng cũng không đồng nhất. Trong khi đó, nếu được đưa vào xử lý bằng kỹ thuật số thì sẽ rút ngắn được thời gian, lưu trữ và phóng to thu nhỏ dễ dàng cho các lần sử dụng sau. Hậu quả của việc làm thủ công là chất lượng thành phẩm không đồng nhất, bạn hàng không trả tiền trước mà thường đợi nghiệm thu sản phẩm mới trả công. Thực trạng này đẩy các cơ sở đến chỗ thiếu vốn xoay vòng nguyên vật liệu, đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm. 2.3.2. Phần lớn các cơ sở sản xuất với quy mô hộ gia đình: Phần lớn các cơ sở sản xuất với quy mô hộ gia đình, đặt tại nhà và nằm rải rác trong khu dân cư nên việc thu gom và xử lý chất thải của làng nghề rất khó khăn, đa số các chất thải đều thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý, môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm, vấn đề xử lý môi trường chưa được triển khai triệt để (tiêu chí công nhận làng nghề theo Thông tư 116 [13] không đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường). Cộng vào đó là hệ thống giao thông nội bộ của một số làng nghề vẫn chưa được quan tâm đầu tư (hầu hết đang còn là đường đất), do đó trong quá trình vận chuyển nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và thành phẩm chưa thuận tiện. Giao thông nông thôn chỉ mới đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển nhẹ, điện chỉ đáp ứng cho sinh hoạt. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường cho các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn gặp nhiều khó khăn do đời sống người dân nông thôn còn nghèo, việc huy động vốn góp của dân theo tỷ lệ 6/4 khó thực hiện, đặc biệt là các công trình xử lý môi trường. Hai thực trạng trên dẫn đến hậu quả là không hấp dẫn được các nhà đầu tư rót vốn vào, làng nghề vì thế cũng bị hạn chế khả năng phát triển. 2.3.3. Tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ: Phần lớn các ngành nghề có tư duy làm ăn manh mún, nhỏ lẻ, không liên kết chặt chẽ với nhau mà hầu không liên kết chặt chẽ với nhau mà hầu như nhà nào biết nhà đó. Điều này khiến cho thương hiệu làng nghề không được xây dựng, lương nhân công không nâng cao được do áp lực cạnh tranh về giá giữa các hộ gia đình. Đơn cử như trường hợp làng nghề chạm khắc gỗ tại Tiền Giang: bình quân thu nhập của nghệ nhân chỉ khoảng 200.000đ/ngày [14] tương đương với lương của một phụ hồ, nhưng nếu nâng giá cao hơn thì chủ hàng sẽ giao đơn hàng cho hộ khác, dẫn đến mất mối khách. Ở làng nghề bàng buông Tiền Giang thì lương công nhân còn thấp hơn, chỉ ở mức 4 triệu – 4,5 triệu đồng/tháng; mặc dù hàng được hợp tác xã [15] (HTX) làm xuất sang các nước châu Âu và châu Mỹ, nhưng do chủ cơ sở không trực tiếp làm được công việc xuất khẩu mà phải qua trung gian của một công ty khác. [Type text]
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 2.3.4. Thiếu ý thức tự bảo vệ trong lao động: Trong quá trình sản xuất người lao động cũng chưa thật sự quan tâm đến việc tự bảo vệ mình, chưa trang bị bảo hộ lao động đầy đủ nên dễ xảy ra tai nạn lao động. Khi tai nạn xảy ra sẽ không có chế độ bảo hiểm y tế nào để trang trải chi phí, khiến cho cuộc sống của nghệ nhân đã chật vật lại càng thêm eo hẹp. Điều này cũng gây ra tâm lý chán nản cho nghệ nhân, họ dễ bỏ nghề để kiếm việc khác có chế độ lương cũng như bảo hiểm tốt hơn. Làng nghề vì thế ngày càng mai một do không thể níu chân được lực lượng lao động có tay nghề cao. 2.3.5. Chưa có quy định cụ thể về hình thức tổ chức đại diện cho tập thể các cơ sở của làng nghề: Các làng nghề hiện nay chưa có quy định cụ thể về hình thức tổ chức đại diện cho tập thể các cơ sở của làng nghề trong các quan hệ đối nội và đối ngoại, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động, phát triển cũng như việc xem xét hỗ trợ kinh phí của Nhà nước cho làng nghề. 2.3.6. Khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu: Các cơ sở làm nghề chưa có chiến lược phát triển sản phẩm một cách bền vững và cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm đặc trưng của làng nghề. Các sản phẩm nón bàng buông của Tiền Giang hiện vẫn chịu cảnh chủ yếu nhận gia công cho các công ty mua đi bán lại, vì thế sản phẩm sẽ được gắn nhãn của công ty trung gian thay vì mang thương hiệu của nơi sản xuất ra nó [16]. Như vậy hiển nhiên người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới sẽ không thể biết đến sự tồn tại của một làng nghề nón, giỏ bàng buông Thân Cửu Nghĩa. 2.3.7. Giá nguyên liệu không ổn định: Khó khăn mà các làng nghề truyền thống hiện nay đang phải đương đầu là giá nguyên liệu. Điều này dẫn tới giá thành phẩm cũng dao động theo khiến chủ cơ sở không dám ký những hợp đồng dài hạn với giá trị lớn. Nhiều chủ cơ sở muốn mua trữ nguyên liệu nhưng lại thiếu vốn. Vòng tròn luẩn quẩn ấy khiến cho các cơ sở không thể đảm bảo cho người lao động có việc làm thường xuyên và liên tục, công việc tại làng nghề dần trở thành một công việc thời vụ thay vì việc mang tính chuyên môn hóa tay nghề cao. Như trên đã nói, hầu hết làng nghề truyền thống đều mang tính hộ gia đình, vì thế luôn tồn tại tình trạng thiếu người có kinh nghiệm quản lý sản xuất, kinh doanh giỏi. Sản phẩm làm ra không được PR tốt nên luôn chịu mức giá thiệt thòi. Một chiếc nón bàng buông xuất xưởng chỉ với giá khiêm tốn là 6.000đ, nhưng nó sẽ gấp 20 lần giá ấy khi đến tay người tiêu dùng và hiển nhiên phần lợi nhuận chênh lệch ấy sẽ rơi vào tay lái buôn. [17] Các cơ sở thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn luôn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, do không đáp ứng được một số yêu cầu trong quan hệ tín dụng. Nhiều cơ sở không có Giấy phép kinh doanh nên khó lòng tiếp cận được với nguồn vốn vay, hoặc có thì số tiền vay cũng không được nhiều. Thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất nên cơ sở gặp nhiều khó khăn, tốc độ phát triển chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Thực tế cho thấy nhiều cơ sở vừa làm nghề truyền thống, đồng thời lại vừa phải chăn nuôi trồng trọt thêm mới đủ đảm bảo kinh tế gia đình. Đơn vị chủ trì việc thực hiện Quy hoạch Phát triển ngành nghề nông thôn liên quan đến nhiều sở, ngành và địa phương (nguồn vốn phân bổ trực tiếp về cho các sở, ngành và địa phương) nhưng Ủy ban nhân dân các tỉnh lại giao Sở NN -PTNT là cơ quan đầu mối tổng hợp, phối hợp thực hiện. Sở NN - PTNT chỉ đôn đốc, nhắc nhở thực hiện, không chủ động trong công việc này nên rất khó khăn để hoàn thành nếu không có sự chủ động thực hiện của các sở, ngành và địa phương, đặc biệt là vai trò của Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành. Công tác đào tạo nghề còn mang tính cục bộ theo chương trình, dự án. Nội dung đào tạo còn nhiều bất cập, chủ yếu tập trung vào lý thuyết. [Type text]
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 2.4. Giải pháp, đề xuất Trên cơ sở thực trạng và khó khăn của làng nghề truyền thống, chính quyền các tỉnh, thành phố cần tìm ra giải pháp kịp thời để bảo tồn và phát triển các làng nghề hiện có. Mặt khác, nhóm tác giả xin có một số đề xuất: 2.4.1. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề tiến tới hình thành làng nghề văn hóa - du lịch: Bằng chương trình này, giá trị sản phẩm sẽ được nâng lên, thương hiệu sản phẩm sẽ được quảng bá và quan hệ thương mại sẽ bớt “vòng vèo” gây thiệt hại cho cơ sở và người sản xuất. Ngoài ra, qua du lịch văn hóa - sinh thái, nó sẽ làm tăng được lợi nhuận cho người dân địa phương và làm thay đổi thái độ đối với việc bảo tồn. Cụ thể, khi sự hài lòng của du khách tăng lên, thì họ sẽ đến nhiều hơn. Kết quả là du khách chi tiền nhiều hơn, người dân trong cộng đồng địa phương được hưởng lợi nhuận lớn hơn và họ sẽ nhận ra tầm quan trọng để quản lí tốt hơn những giá trị địa phương dựa trên mối liên hệ với tiền thu được. Điều đó sẽ làm du khách càng hài lòng hơn. [18] 2.4.2. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở trong làng nghề ứng dụng khoa học kỹ thuật, cải tiến thiết bị từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh: Đổi mới công nghệ, cơ khí hóa, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Hỗ trợ cải tiến mẫu mã bao bì, tăng cường công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Trong thời đại hội nhập kinh tế toàn cầu, nếu không hạ giá thành sản phẩm và làm cho sản phẩm ngày càng tinh xảo hơn bằng sự trợ giúp của khoa học-kĩ thuật thì các ngành nghề truyền thống khó có điều kiện phát triển, đứng vững. 2.4.3. Bổ sung điều kiện về bảo vệ môi trường làng nghề vào tiêu chí công nhận làng nghề: Chỉ đạo để các địa phương thực hiện thống nhất việc xây dựng đề án phát triển làng nghề lồng ghép trong đề án xây dựng nông thôn mới. Nhà nước hỗ trợ 100% vốn đầu tư đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường làng nghề. Tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển các làng nghề trọng điểm thuộc thế mạnh của tỉnh; phát triển hạ tầng phục vụ cho làng nghề đi đôi với việc bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 2.4.4. Các chính sách về tài chính cần đơn giản hơn để các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được hưởng các ưu đãi đầu tư: Triển khai các chương trình, dự án và nguồn vốn thực hiện: + Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; + Chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; + Chương trình ứng dụng, đổi mới khoa học công nghệ trong các lĩnh vực ngành nghề nông thôn; + Chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành nghề, làng nghề nông thôn; + Chương trình phát triển kinh tế hợp tác, HTX, kinh tế tập thể trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn. 2.4.5. Hỗ trợ chi phí cho làng nghề xây dựng, xác lập quyền và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: Bên cạnh đó, cần tăng thu nhập, nâng cao ý thức và trang bị đồ phòng hộ lao động, hướng dẫn các cơ sở tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động. Giải quyết [Type text]
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 nhu cầu tiêu dùng tại chỗ, tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là ở các vùng nông thôn; góp phần phân công lại lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp và dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới. 2.4.6. Nhà nước cần ban hành chính sách khuyến khích phát triển thành lập các doanh nghiệp ở nông thôn, làng nghề với quy mô lớn, sản xuất tập trung để làm đòn bẩy thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển: Chính sách mới đặc biệt ưu đãi (hỗ trợ 80-100%) trong lĩnh vực xúc tiến thương mại đối với các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, làng nghề để tạo điều kiện cho các cơ sở này mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. [19] 2.4.7. Cần quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh để đảm bảo nguyên liệu đầu vào: Đồng thời, có giải pháp mô hình quản lý Nhà nước về làng nghề: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất quản lý nhà nước về làng nghề theo Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, Sở Công Thương quản lý chuyên ngành; hỗ trợ hình thành Ban quản lý các làng nghề. Phân bổ 01 cán bộ cho cấp xã chuyên phụ trách ngành nghề nông thôn, làng nghề để triển khai các quy định của pháp luật về ngành nghề nông thôn, làng nghề, bảo vệ môi trường làng nghề cũng như thực hiện công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này. 2.4.8. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho làng nghề, thành lập các hợp tác xã có quy mô gọn, nhẹ, năng động trong các làng nghề để làm đầu mối tổ chức quản lý làng nghề: Tổ chức các chuyến giao lưu tham quan giữa các làng nghề để học tập kinh nghiệm trong và ngoài địa phương cũng là hoặt động cần được xem trọng. 3. Làng nghề ở Việt Nam, các tỉnh ĐBSCL nói riêng, cần có được những thuận lợi cho sự duy trì và phát triển lâu dài: Tuy nhiên, tất cả không thể tiến lên sản xuất lớn và hội nhập kinh tế thị trường, nhất là thị trường thế giới, nếu không có giải pháp đồng bộ cho những vấn đề đòi hỏi cấp bách hiện nay như: nguồn vốn, cơ sở hạ tầng, kĩ thuật trang thiết bị, đào tạo tay nghề và tính hợp lí của nguyên liệu đầu vào cũng như thành phẩm đầu ra. Trên hết là những chủ trương, chính sách thiết thực của nhà nước trong việc hỗ trợ cho cơ sở sản xuất và người lao động ngành nghề truyền thống. Một điểm không kém phần quan trọng nữa là cần khắc phục điểm yếu của Việt Nam về chính trị, kinh tế và môi trường kinh doanh, đó là phải mạnh tay với “vấn đề tham nhũng” vì “tham nhũng vẫn là một vấn nạn của đất nước”. Tài liệu tham khảo 1. Sở NN-PTNT, báo cáo kết quả 05 năm thực hiện Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006. 2. Sở Công thương, báo cáo chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực sản sản xuất kinh doanh các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre Giai đoạn (2013 – 2020). 3. www.nguoinhaque.com 4. www.dulichvn.org.vn. 5. Xem thêm, nhiều tác giả, Nghề truyền thống tỉnh Vĩnh Long, Sở VV-TT và DL Vĩnh Long, 2009. 6. www.dost-bentre.gov.vn. 7. www.vietnam.vnanet.vn. 8. Sở NN-PTNT. TG, báo cáo đã dẫn. [Type text]
- HỘI THẢO LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH - 2014 9. Sở Công thương. BT, báo cáo đã dẫn. 10. www.vinhlong.mard.gov.vn 11. www.dacsan-bente.mov.mn 12. www.doanhnhansaigon.vn 13. Thông tư số: 116/2006/TT-BNN của Bộ NN-PTNT ban hành 18/12/2006 Hướng dẫn thực hiện một số nội dung của nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn 14. Cơ sở chạm khắc gỗ của ông Lê Văn Hùng (Ba Nữ), xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. 15. 17. Hợp tác xã bàng buông Thống Nhất, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. 16. Xem thêm Cẩm nang xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, phần 2, Hội đồng khoa học kỹ thuật - Tổng cục Du lịch, Bản tin Du lịch, Hà Nội, tháng 12/2010 (quý IV/2010). 17. Du lịch sinh thái và bảo tồn môi trường ĐBSCL, Sở VV-TT và DL An Giang - Tiền Giang, 2009, tr. 48. 18. Hiện tại đang áp dụng theo Quyết định số 279/2005/QĐ-TTg ngày 03/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế xây dựng thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2006 – 2010 đã hết hiệu lực. 19. Theo báo cáo của Business Monitor International về Du lịch Việt Nam (quý 2II/2010, dự báo đến 2014), Hội đồng khoa học kỹ thuật - Tổng cục Du lịch, Bản tin Du lịch, Hà Nội, năm 2010 (quý II/2010), tr. 9, 10, 11. [Type text]